Lưu trữ cho từ khóa: nôn thốc nôn tháo

Nếu còn cơ hội, anh sẽ viết tiếp thư tình…

Giữa thời chiến, họ gửi cho nhau hơn 1.000 bức thư tình. Đến khi vợ mất, người chồng vẫn giữ nguyên vị trí tất cả vật dụng trong phòng riêng. Một nửa gian phòng mãi mãi thuộc về bà...

 

Ông Quốc Bảo và bà Hảo ngày xưa - Ảnh do nhân vật cung cấp

Mang 80 triệu đồng đến tặng chương trình Ước mơ của Thúy, người chồng - giảng viên cao cấp Nguyễn Quốc Bảo, như nhiều người có lòng khác. Chỉ khi hỏi mới biết đây là số tiền ông dự định tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày cưới. Không ngờ chuyện vui thành chuyện buồn. Vậy là ông góp cùng số tiền chia buồn của người thân quen làm quà tặng những em bé mắc bệnh hiểm nghèo. Những lời tâm sự đó dần đưa chúng tôi chạm vào câu chuyện tình yêu đẹp như cổ tích của ông bà. Ánh mắt ông lúc rạng ngời, lúc tối sẫm và ầng ậc nước khi nhắc đến bà.

Lá thư tình đầu tiên

“Hoa lêkima màu gì vậy anh?”, Đặng Thị Hảo bất ngờ hỏi khi nghe bài hát Biết ơn chị Võ Thị Sáu trong đêm văn nghệ của đại hội Đoàn thanh niên lao động các trường đại học lần 1. Quốc Bảo ngớ người bởi anh chưa từng biết loài hoa ấy có màu gì. Họ quen nhau sau câu hỏi đơn giản đó. Trong bức thư đầu tiên gửi cô, anh nắn nót viết: “Trái tim của anh đã rung động với những tình cảm tha thiết, và ngày nay một phần trái tim anh không còn là của anh nữa...”. Lá thư được viết vào đêm trước ngày sinh nhật của Hảo.

Những cánh thư được trao đi và nhận lại. Gói trong đó là tình yêu và lý tưởng cách mạng của hai trí thức trẻ thời chiến. Đám cưới diễn ra sau đó. Đơn giản, ấm cúng và ngọt ngào.

Xa

Cuối năm 1964, Quốc Bảo là cán bộ giảng dạy khoa tâm lý học Trường đại học Sư phạm Hà Nội, anh học tiếng Nga để chuẩn bị đi Liên Xô với tư cách nghiên cứu sinh. Nhưng trước lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước, anh gác lại tất cả, lên đường vào Nam. Anh đi, chị và đứa con nhỏ ở lại với lời hứa của anh: “Hai năm sau anh về, mình sẽ cùng đi học tiếp”.

Những ngày xa cách, anh và chị tranh thủ mỗi lúc rảnh là viết thư cho nhau. Đó là những bức thư dài mang nỗi thương nhớ mênh mông: “Anh rất mừng nhìn thấy ảnh con và em khỏe đẹp. Tháng 9 rồi chắc em đã vào năm học mới. Cô giáo vào đầu năm chắc bận rộn lắm. Lâu quá rồi anh thèm được đứng trên bục giảng bài như em...”. Đôi khi chỉ là những dòng chữ vội vàng trên đường hành quân, chỉ kịp thông tin về tình hình của anh. Thư đi, thư về miệt mài hai năm mà anh vẫn biền biệt. Đứa con trai nhỏ bị hẹp van tim khiến chị đôn đáo chạy thuốc, chạy tiền. Có lúc yếu lòng chị tưởng rằng cuộc đời đã xô nghiêng như thể chị đã mất chồng, mất con.

Cuối tháng 8-1972, anh được Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam cử ra miền Bắc báo cáo tình hình. Nhờ vậy vợ chồng mới có cơ hội gặp lại nhau. Tháng 4-1974, một lần nữa anh trở lại miền Nam công tác.

Không có thư tình cuối

Hòa bình, anh trở về làm thầy giáo. Những đứa con lớn dần, khỏe mạnh và thành đạt. Cuộc sống gia đình bước dần sang giai đoạn đủ đầy. Anh và chị nay đã là ông, là bà của mấy đứa cháu nhỏ. Kỷ niệm ngày cưới, ông vẫn mải mê viết tặng bà bài thơ hay một lá thư tay. Căn nhà nhỏ ấm cúng chưa một lần vang lên tiếng cãi vã dù tính cách hai người trái ngược - nhanh và chậm. Đợi bà để cùng đi đâu, ông phải đợi lâu hơn dự kiến. Thế nhưng ông hài hước bảo: “Đến khi nào anh còn bực vì đợi Hảo thì anh còn là trẻ con”. Dù có giận hờn nhưng chưa lần nào ông bà giận nhau được quá năm phút. Con trai thứ hai của ông khẳng định: nhất định chỉ cưới người phụ nữ giống mẹ để sống không “ồn ào” như cha mẹ.

Bà bị ung thư. Nghe phán quyết đó của bác sĩ, ông chết sững. Bà trấn an: “Còn nước còn tát. Mình sẽ chạy chữa, anh ạ”. Ông bà tìm hết những bác sĩ giỏi, có lương tâm. Và từ đó ông cũng bắt đầu đếm từng ngày từng khắc còn có bà. Nạo bỏ những phần ung thư, bà dũng cảm chấp nhận các phương pháp điều trị từ bác sĩ. Những lần vào thuốc, bà nôn thốc nôn tháo đến lả người. Ông càng thương bà vô hạn. Khi bà khỏe, ông đưa bà đi du lịch khắp nơi. Rồi bà mất. Dù đã dự tính trước tình hình, ông vẫn cảm thấy như chỉ còn một nửa linh hồn.

Thói quen ra ngoài tập thể dục mỗi sáng ngừng lại. Ông hay ngồi lặng yên hàng giờ trước bàn thờ bà. Mọi vật dụng của bà trong phòng ngủ vẫn được giữ nguyên vị trí. Hộp trang điểm, nước hoa, trang sức, những kỷ vật tình yêu nho nhỏ... Ông mang thêm vào phòng vài tấm hình, mỉm cười và nói: “Bà ấy là em gái của người đẹp nhất nhì Hà Nội”. Người xung quanh khóc thương khi biết bà đã mất. Còn ông, trong nỗi đau thăm thẳm vẫn le lói hi vọng, tin rằng bà vẫn luôn ở bên cạnh mình. Bằng chứng là nửa gian phòng nhỏ đó vẫn là của bà. Mãi mãi...

Meo.vn (Theo TTO)

Liều mạng giữ dáng vì bị chê “mũm mĩm”

Thanh Hoa - cô sinh viên năm thứ 3 ĐH Hà Nội tìm đủ mọi cách để giảm cân. Tuy nhiên, hiệu quả đâu chẳng thấy, chỉ thấy cô ngày càng tiều tuỵ.

Tác dụng ngược

Nằm điều trị trong khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện Bạch Mai, Hoa khó khăn lắm mới ăn được nửa bát cháo, sau hơn 1 tháng tuyệt thực triền miên. Với giọng thều thào, Hoa kể: “Từ lâu em luôn tự hào về hình dáng thon thả, cao 1,62m, nặng 45kg của mình.

Khi cân nặng tăng lên chút ít, em bắt đầu lo lắng và ngay lập tức thực đơn ăn uống mỗi ngày đã được thay đổi. Những món ăn khoái khẩu hàng ngày bị em loại khỏi danh sách, thay vào đó chỉ toàn rau và trái cây. Em hoàn toàn không ăn cơm, thịt và bất cứ thứ gì có khả năng… gây béo. Chỉ sau hai tuần ăn độc rau củ, em thấy cơ thể mình nhẹ nhõm hơn.

Song cũng từ thời điểm đó, em bắt đầu thấy chán ăn, mệt mỏi, thường xuyên chóng mặt và không tập trung vào học tập. Kết quả là sau 1 tháng em sút 4kg. Ai gặp cũng nói trông em già như người 30 tuổi.

Tuần trước, đang ngồi trong lớp học, bỗng em bị ngất. Tỉnh dậy thì đã thấy mình nằm trong bệnh viện. Bác sĩ nói tình trạng sức khoẻ của em khá nguy hiểm do không ăn uống đủ chất dẫn đến suy nhược cơ thể, thậm chí có triệu chứng của bệnh rối loạn ăn uống hay còn gọi là bệnh sợ ăn. Em thật sự rất lo lắng…”.


Ăn uống kết hợp với tập thể dục hợp lý vừa giảm béo vừa đảm bảo sức khỏe

Hoa không phải là trường hợp cá biệt mong muốn có cơ thể mình hạc, xương mai. Thậm chí, nhiều bạn trẻ còn truyền tai nhau những cách giảm cân, chỉ nghe qua đã không ít người rùng mình.

Đó là ăn thả sức, sau đó chạy vào toilet móc họng, nôn thốc nôn tháo đưa đồ ăn ra khỏi dạ dày. Chưa kể, không ít bạn còn liên tục uống giấm, ăn chanh, ớt… với suy nghĩ đồ chua cay sẽ giúp giảm trọng lượng cơ thể một cách nhanh nhất. Đáng nói hơn, một số bạn còn lao vào tập thể dục một cách điên cuồng.

Nguyễn Thu Hà, đang là nhân viên kế toán tâm sự: “Nghe một số người mẫu chia sẻ mỗi ngày tập thể dục hàng giờ đồng hồ, em cũng học theo để có. Em quyết tâm mỗi ngày chạy bộ 2 tiếng, chưa kể tập aerobic, yoga, kèm với việc ăn rất ít dù bụng đói cồn cào.

Tuy vậy, chỉ tập được vài hôm em đã phải nằm bẹp một chỗ, các cơ bắp đau nhức không thể cử động được. Bác sĩ đã cảnh bảo nếu em tập thể dục quá sức như vậy có thể dẫn đến đột tử, nên từ bây giờ chắc em chỉ dám chọn những bài tập, thời gian tập nhẹ nhàng, phù hợp với sức của mình để duy trì cơ thể khoẻ mạnh…”.

Nguy hiểm đến sức khoẻ và tính mạng

Theo bà Trần Thị Thu Hà, bác sĩ bệnh viện Bạch Mai, việc giảm cân là quan tâm của rất nhiều người trong cuộc sống hiện đại, đặc biệt là với chị em phụ nữ. Tuy nhiên, giảm cân, giữ dáng là cả một quá trình chứ không phải ngày một ngày hai.

Hiện nay để giảm cân, nhịn ăn là cách nhiều người áp dụng. Tuy nhiên, họ không biết rằng nếu cơ thể bị bỏ đói lâu ngày, đến một lúc nào đó, bản năng thèm ăn sẽ trỗi dậy đòi lại nguồn năng lượng bù. Chính vì vậy, việc giảm cân sẽ không hiệu quả mà còn có tác dụng ngược.

Nhịn ăn lâu ngày có thể dẫn đến chứng rối loạn ăn uống như bệnh sợ ăn (anorexia nervosa) hay chứng ăn vô độ rồi ói ra (bulimia nervosa) thường xảy ra đối với các em ở độ tuổi dậy thì. Bị sụt cân cũng có thể dẫn đến chuyện mất kinh nguyệt và có thể đưa đến tình trạng các em không thể có con và bị chứng loãng xương.

Mặt khác, việc nhịn ăn đơn thuần để giảm cân giữ dáng không chỉ làm giảm lượng chất béo, mà còn lấy đi các phân tử nước cũng như các dưỡng chất của cơ thể, khiến hệ miễn dịch bị suy giảm, làm chị em cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, suy nhược, gây ra chứng thiếu máu do suy dinh dưỡng, gây chán ăn, làm kết sỏi túi mật, gây rối loạn nội tiết tố… Khi đó, cơ thể bị suy nhược, mất nghị lực và bị tổn thương các cơ quan nội tạng.

Còn theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo và phát triển cộng đồng, tác hại nghiêm trọng nhất của những bạn trẻ mắc chứng rối loạn ăn uống là những xáo trộn về tình cảm và quan hệ xã hội khi các em đang trong độ tuổi phát triển và trưởng thành.

Nhiều em sẽ không còn muốn làm những chuyện thường ngày, luôn lo lắng, buồn chán, suy nhược tinh thần và tìm mọi cách để cho mình được hoàn hảo. Thậm chí, bỏ dở việc học hoặc bị ám ảnh quá mức về việc học.

Rõ ràng, giảm cân không phải là nhịn ăn mà nên ăn ít đi, ăn uống hợp lý hơn bằng cách chọn những thực phẩm ít chất béo, nhưng trước hết vẫn phải đảm bảo chất dinh dưỡng tốt nhất cho cơ thể.

Chế độ ăn uống hợp lý, kết hợp với việc vận động một cách khoa học là cách tốt nhất giúp duy trì trọng lượng của cơ thể. Đừng bất chấp giảm cân bằng mọi cách vì có thể như vậy là bạn đang tự hại mình.

 

BACSI.com (Theo DT/ANTĐ)

Ẩn họa từ thực phẩm ăn sẵn

Thay vì tất bật đi chợ chọn mua đồ ăn để nấu nướng, nhiều phụ nữ lựa chọn đồ ăn sẵn trong các bữa cơm gia đình. Sự tiện lợi ấy đôi khi cũng mang lại những hậu quả không mong muốn và thường gặp nhất là các vụ ngộ độc thực phẩm.

 


Ảnh minh họa

Ăn cả e.coli

Theo một kết quả khảo sát của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, tỉ lệ thực phẩm chín bày bán trên đường phố nhiễm E.coli với tỷ lệ rất cao. Tại TP.HCM, kem ký bán ở cổng trường tiểu học tỷ lệ số mẫu nhiễm E.coli là 96,7%; kem que bán ở cổng trường tiểu học 83,3%; thức ăn sẵn bán ở đường phố 90,0%. Ở Hà Nội, món nộm thập cẩm tỷ lệ nhiễm là 78,0%; nem chua 88,0%; giò, nem chạo 88,0%... Đặc biệt, gần 70% mẫu thịt quay có sử dụng phẩm màu độc và bị ô nhiễm vi sinh vật, 36% xúc xích, lạp xường, jambon và 88% nem chạo, nem chua, giò, chả chứa coliform; dụng cụ bát, thìa, đĩa bị bẩn ở các hàng ăn uống đường phố chiếm hơn 80%

Sở dĩ thực phẩm chế biến sẵn có tỷ lệ nhiễm E.coli cao đến vậy là do việc chế biến không đảm bảo tuân thủ quy trình vệ sinh. Trong khi đó, điều kiện vệ sinh cơ sở, vệ sinh dụng cụ chế biến và vệ sinh cá nhân người trực tiếp chế biến thực phẩm chưa bảo đảm. Đó là chưa kể các thực phẩm ăn sẵn còn sử dụng các loại phụ gia không an toàn, hoặc cho các thành phần có màu sắc, mùi vị giống với thực phẩm thật để đánh lừa người tiêu dùng như ruốc thịt làm từ bã sắn dây tẩm gia vị rang vàng, trộn với ruốc thịt thật tỷ lệ 7-3 rồi bán ra thị trường với giá rẻ.

Mỗi khi nhắc đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm nhiều người lại tặc lưỡi “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, thế nhưng các vụ ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra liên tiếp bởi thực phẩm ăn sẵn được để chềnh ềnh dưới nắng, bụi mà không được che đậy. Còn những người bán hàng thay vì phải dùng găng nilon như qui định thì vẫn sử dụng tay không để bốc thức ăn. Vẫn theo kết quả điều tra của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, tỷ lệ bàn tay người làm dịch vụ thực phẩm nhiễm khuẩn E.coli cũng rất “ấn tượng”. Tại Hà Nội là 43,42%; người làm trong khách sạn, nhà hàng là 62,5%; trong bếp ăn tập thể là 40%. Còn tại TP.HCM, tỷ lệ bàn tay người chế biến thực phẩm nhiễm loại khuẩn này là 67,5%.

Giới chuyên môn khẳng định, ăn thức ăn bị nhiễm bẩn, nhiễm khuẩn, người bệnh có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm rất cao. Tại Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), không ngày nào không có trường hợp bị ngộ độc thực phẩm. Gần đây nhất là 2 sinh viên ở Hà Nội bị ngộ độc thực phẩm vào cấp cứu trong tình trạng đau bụng quằn quại, nôn thốc nôn tháo đi kèm tiêu chảy. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), thời tiết mới bắt đầu nắng nóng, nhưng số người bị ngộ độc thực phẩm vào Trung tâm đã tăng đáng kể, trong đó có những trường hợp rất nặng nếu không cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nguyên nhân của các vụ ngộ độc thực phẩm vẫn là do sử dụng thực phẩm không an toàn, bên cạnh đó nhiều người bán hàng vì lợi nhuận đã bất chấp tính mạng của khách hàng nên vẫn bán cả đồ ôi thiu cho khách.

Nghèo dinh dưỡng, nhiều mầm bệnh!

Không chỉ có thức ăn sẵn mà nhiều gia đình đặc biệt là giới trẻ đã lựa chọn các thực phẩm chế biến sẵn như khoai tây chiên, mỳ ăn liền, kẹo, bánh quy, thức ăn chiên, bánh nướng... Theo các chuyên gia dinh dưỡng, những thực phẩm tiện lợi ấy có thể gây hại cho sức khỏe bởi chứa nhiều transfat. Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, transfat còn được gọi là chất béo chuyển hóa, là loại chất béo nguy hiểm nhất trong nhóm các chất béo gây hại. Nó làm tăng mức cholesterol xấu, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Ngoài ra, khi xâm nhập vào cơ thể chúng gây đông đặc máu, tạo ra những mảng tiểu cầu dạng mỡ bám vào thành mạch, dần dần bịt kín khiến máu không thể lưu thông, gây tắc nghẽn và từ đó dẫn đến nguy cơ bị đột quỵ.
Theo thống kê, tại New York (Mỹ) hàng năm có hơn 500 người chết vì bệnh tim mạch có liên quan đến chất béo này. Những loại thức ăn này chứa quá nhiều năng lượng và chất đạm, trong khi đó lại rất ít chất khoáng, rau xanh và vitamin. Do đó, đồ ăn nhanh thường thiếu và mất cân đối về dinh dưỡng. Đó là chưa kể đến việc không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong khâu lựa chọn thực phẩm đầu vào, sử dụng các chất phụ gia trong tẩm ướp và các dụng cụ đựng không đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh.

 

 

Lạm dụng thuốc giải rượu: Rước bệnh vào người

Nhiều tín đồ của rượu đã tin rằng cứ nhậu say đi rồi 'làm' mấy viên thuốc giải rượu là sẽ qua được. Tuy nhiên theo các chuyên gia y tế, quan niệm này rất sai lầm, bởi không có loại thuốc nào được gọi là 'thần dược' để có thể giải rượu, thậm chí nếu lạm dụng thì không những rượu không giải được mà còn rước bệnh vào thân...

Vào viện vì lạm dụng thuốc giải rượu

     Cũng về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo SK&ĐS, PGS.TS. Phạm Vũ Khánh, Vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền, Bộ Y tế cho biết, trong đông y có một số bài thuốc hỗ trợ giải say rượu, bia hiệu quả và đơn giản. Đối với trường hợp cấp tính có thể dùng sắn dây. Sắn dây có vị ngọt, tính bình giúp giải cơ, thông đại tiểu tiện, làm ra mồ hôi, giải độc. Người bị say rượu có thể giải rượu bằng cách cho uống nước vắt từ củ sắn dây thêm ít muối. Hoặc dùng bột sắn dây khuấy với nước sôi, thêm ít muối để ăn. Ngoài ra có thể dùng nước lá dong vắt uống. Đối với trường hợp mạn tính có thể dùng trà hoa tam thất...

Anh Nguyễn Văn Thuận làm nghề thợ xây ở Cầu Giấy, Hà Nội vẫn không quên được cảm giác không còn là mình cách đây hai tuần khi anh nhậu say cùng cả đội thợ, rồi nghe theo một đồng nghiệp, anh đã tống vào người mấy viên paracetamol để hy vọng giảm cơn đau đầu và nhanh chóng giải rượu. Thế nhưng rượu chưa kịp giải được, đầu cũng chưa hết đau thì người anh đã mệt lả, mặt tái mét, nôn thốc nôn tháo và co giật. Cả bàn nhậu đã phải tạm gác để đưa anh Thuận vào cấp cứu tại Bệnh viện E. Trường hợp của anh Thuận không phải là hiếm, anh Lê Văn Quyền làm việc tại một công ty máy tính trên đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội cũng là tín đồ của lưu linh và thuốc giải rượu. Từ ngày được bạn nhậu mách nước có những loại 'thần dược' giải rượu, anh lại càng mê nhậu hơn. Hậu quả là sau một lần vừa uống rượu, vừa uống thuốc giải, giữa đêm khuya anh đã trở thành bệnh nhân của Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai...

Hiện nay trên thị trường để mua được các thuốc quảng cáo là có tác dụng giải rượu không có gì là khó khăn, chỉ cần ra các hiệu thuốc là nhu cầu của các tín đồ lưu linh sẽ được đáp ứng ngay. Tại một quầy thuốc trên phố Ngọc Khánh, chị nhân viên bán hàng đã rất niềm nở giới thiệu một số tên thuốc khi thấy tôi đặt vấn đề mua thuốc giải rượu cho người thân, nào là viên uống Voskyo 3, rồi M Mewol-21, SAP- 21 hay RU-21... Cũng theo chị này ngoài những sản phẩm kể trên, để nhanh chóng cắt giảm cơn đau đầu do rượu có thể uống một số thuốc có tác dụng giảm đau như pamin, aspirin hay paracetamol...

Cấp cứu cho bệnh nhân bị ngộ độc rượu tại Khoa chống độc Bệnh viện Bạch Mai.

Và, những nguy hại cho sức khỏe

Trao đổi với chúng tôi, TS. Nguyễn Minh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần khẳng định: 'Thuốc giải rượu, bia không phải thần dược. Đây chỉ là thuốc hỗ trợ'. Theo ông Tuấn, rượu khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành acetaldehyd, một chất gây ra các biểu hiện say rượu, người không tỉnh táo. Các thành phần trong thuốc giải rượu giúp giảm sự tạo thành acetaldehyd và đào thải nó ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên hiện nay chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào nói về hiệu quả của những loại thuốc giải rượu. Trong quá trình sử dụng người ta thấy rằng thuốc chỉ có tác dụng kháng cồn. Những thuốc mà đệ tử lưu linh coi là 'thần dược' thực chất chỉ giúp người uống rượu giảm nhức đầu ở một mức độ hạn chế.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Cũng theo ông Tuấn, nhiều người cho rằng can thiệp nồng độ cồn bằng uống paracetamol, vitamin B1, B6, acid folic... là không đúng. Chẳng hạn, paracetamol là thành phần chính trong các loại thuốc giảm đau, hạ sốt, chữa cảm cúm. 'Uống rượu đã hại cho gan, lại dùng paracetamol để... giải rượu sẽ giống như con dao hai lưỡi. Cồn và thuốc cùng một lúc chuyển hóa qua gan làm gan tê liệt, gây tương kỵ về mặt hóa học.  Nếu vượt quá khả năng khử độc của gan, khi ấy, chất độc tích lũy lại gây hoại tử tế bào gan. Tình trạng hoại tử lan rộng sẽ dẫn đến suy gan cấp', TS. Tuấn cho biết. Aspirin là một loại thuốc giảm đau, hạ sốt, khi uống vào cơ thế có rượu sẽ gây kích ứng niêm mạc dạ dày, chảy máu đường tiêu hóa. Do đó, lời khuyên của các chuyên gia dành cho các 'đệ tử lưu linh' là khi vào cơ thể, rượu xâm nhập hệ thần kinh rất nhanh, làm thay đổi chuyển hóa cơ bản các tế bào não ở những vùng chịu trách nhiệm về nhân cách, phán đoán, nhận thức, ngôn ngữ, thị giác... Việc uống thuốc giải rượu vào lúc này sẽ làm tăng gánh nặng cho não. Vì vậy, người liên tục dùng thuốc và rượu sẽ nhanh chóng bị sa sút về nhận thức, rối loạn hành vi...

Thái Bình

(suckhoe&doisong)