Lưu trữ cho từ khóa: nội thương

Đông y trị chứng đau đầu

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mớiY học hiện đại dùng chữ migraine để chỉ bệnh đau đầu thành cơn có chu kỳ, cơn đau thường xuất hiện ở một thời điểm nhất định, thường kèm theo nôn, sợ ánh sáng, đau giảm đi khi ở trong bóng tối và đi ngủ. Vùng đau không có liên hệ với vùng phân bố thần kinh mà liên quan với vùng phân bố mạch máu. Ngoài cơn đau bệnh nhân cảm thấy bình thường.

Hội chứng migraine thường gặp ở phụ nữ, cơn đau đầu tiên hay xảy ra ở tuổi dậy thì, có thể cơn đau chỉ xuất hiện vài năm, nhưng có khi kéo dài suốt đời. Các yếu tố có thể làm bệnh nhân nặng hơn là chấn thương sọ não, các chấn thương tinh thần, có các bệnh thuộc hệ động mạch cảnh ngoài.

Nguyên nhân đau đầu migraine chưa được giải thích rõ ràng, nhiều tác giả công nhận cơn đau xảy ra do sự giãn nở và gia tăng biên độ đập của các mạch máu, đau đầu migraine liên quan với sự giãn các mạch máu ngoại sọ và sự co các mạch máu trong sọ. Đau đầu migraine thường có tiền sử gia đình rõ rệt.

Theo y học cổ truyền, đầu là nơi hội tụ của các đường kinh dương, qua đó huyết tinh hoa của ngũ tạng, khí thanh dương của lục phủ đều hội tụ ở đầu. Bệnh đau đầu thuộc phạm trù 'đầu thống' của y học cổ truyền và được chia thành 2 loại là đau đầu do ngoại cảm và đau đầu do nội thương.

Ngoại cảm gây đau đầu thường do lục dâm tác động vào đầu, trong đó phong tà giữ vai trò chủ đạo và kết hợp với hàn, nhiệt, thấp. Hàn làm tắc kinh mạch, nhiệt làm náo loạn thanh không (khí huyết nghịch loạn), thấp che thanh khiếu, thanh dương, không thăng lên đầu được.

Nội thương gây đau đầu thường do khí hư, khí huyết trệ, huyết ứ làm mạch lạc không được nuôi dưỡng, hoặc thận thủy bất túc, can, dương thượng thăng, tình chí bất hòa, khí uất hóa hỏa làm thanh khiếu bị nhiễu loạn hoặc đờm ẩm thực tích.

Vị trí đau đầu có thể bên phải, đau bên trái, đau chính giữa đỉnh đầu hoặc đau mắt mờ tối, tim đau nóng phiền... Nếu đau nặng thì trong não đau nhói trong tim phiền loạn.

Cơ chế sinh bệnh của đau đầu là ngoại cảm hay nội thương đều làm cho mạch lạc mất điều hòa, khí huyết bị trở ngại.

Về điều trị tuy chỉ phát một chứng đau nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra nên phải căn cứ vào nguyên nhân và chứng trạng mà có cách điều trị khác nhau.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi đề cập đến một số thể đau đầu do nội thương gây ra:

Đau đầu do can dương vượng

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mớiTriệu chứng: Đầu váng, căng, đau, tâm phiền dễ cáu, ngủ không yên (tâm hỏa nhiễu động) mặt đỏ, mồm khô, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch huyền hoặc tế sác (âm hư) thường là huyết áp cao vừa. Nguyên nhân là do can âm kém, can dương thượng cang gây đau đầu.

Phép trị: Bình can tiềm dương.

Bài 1: Thiên ma 9g, câu đằng 12g, sơn chi 9g, phục thần 9g, hoàng cầm 9g, ngưu tất 12g, đỗ trọng 9g, ích

mẫu 9g, tang ký sinh 9g, dạ giao đằng 9g, thạch quyết minh. Sắc uống ngày một thang, uống liền 7 ngày.

Bài 2: Câu đằng 12g, quyết minh tử 16g, hạ khô thảo 16g, mạn kinh tử 12g, hương phụ 12g, chi tử 8g, cam thảo 6g. Sắc uống ngày một thang, uống trong 7 ngày.

Đau đầu do đờm trọc

Triệu chứng: Đầu đau căng, buồn nôn, nôn mửa đờm rãi, ngực bụng đầy tức, rêu lưỡi cáu trắng, mạch hoạt. Nguyên nhân là do đờm trọc thịnh, uất kết lại che mất đường lên của thanh dương gây nên.

Phép trị: Hóa đờm giáng nghịch.

Bài 1: Bạch chỉ 10g, hậu phác 16g, thổ phục linh 12g, bán hạ 12g, trần bì 12g, gừng sống 8g. Sắc uống ngày một thang, uống trong 7 ngày.

Bài 2: Bán hạ 10g, thiên ma 10g, phục linh 12g, bạch truật 12g, trần bì 8g, cam thảo 6g, gừng sống một lát, đại táo 2 quả. Sắc uống ngày một thang, uống trong 7 ngày.

Đau đầu do huyết ứ

Triệu chứng: Đau đầu lâu không khỏi, chỗ đau cố định không di chuyển, như dùi đâm hoặc có tiền sử ngoại thương phần đầu, lưỡi tím hoặc có ban ứ, rêu trắng mỏng, mạch tế sáp.

Phép trị: Hoạt huyết hóa ứ.

Bài thuốc: Xuyên khung 30g, cát căn 30g, diên hồ 30g, địa long 15g, ngưu tất 30g, tế tân 3g, bạch chỉ 9g. Sắc uống ngày một thang, uống trong 7 ngày.

Đau đầu do khí hư

Triệu chứng: Đau đầu âm ỉ liên miên, làm việc quá sức thì đau tăng, người mệt ăn kém, thiếu khí, mạch tế vô lực. Đó là do lao lực quá độ, hoặc sau khi ốm nặng, hoặc ăn uống thất thường gây nên khí huyết hư, không nuôi dưỡng được đầu.

Phép trị: Bổ khí.

Dùng bài thuốc sau: Hoàng kỳ 20g, cam thảo 6g, nhân sâm 10g, đương quy 16g, trần bì 6g, thăng ma 10g, sài hồ 10g, bạch truật 16g, tế tân 6g, xuyên khung 12g, mạn kinh tử 10g, bạch chỉ 12g. Sắc uống ngày một thang, uống trong 7 ngày.

(Sức khoẻ và Đời sống)

Đông y điều trị mất tiếng

Mất tiếng còn gọi là hầu âm (thất âm). Tuỳ mức độ có thể là khàn giọng hoặc mất tiếng hẳn (nói không ra tiếng). Nếu đột nhiên mất tiếng gọi là cấp hầu âm, bệnh kéo dài lâu ngày gọi là mạn hầu âm. Mất tiếng thường do bệnh ngoại cảm nhưng cũng có thể là bệnh nội thương do tạng phủ suy nhược. Theo y học cổ truyền “phế là cửa ngõ của thanh âm, thận là gốc của thanh âm”. Như vậy tắt hay là mất giọng có liên quan đến phế và thận.

Theo y học cổ truyền, mất tiếng do những nguyên nhân sau:

Ngoại cảm phong hàn làm phế lạc bị bế tắc sinh nhiệt, sinh đờm, làm cho phế khí mất tuyên thông nên nói không ra tiếng.

Nhiệt tà bế phế: Phong nhiệt độc bên ngoài xâm nhập vào qua miệng, mũi, làm tổn thương phế, phế khí không thông, ôn nhiệt bốc lên ủng trệ ở họng, khí huyết bị ủng trệ, kèm cảm lục dâm bên ngoài. Hoặc do ăn uống thức ăn cay nóng quá, hoả bốc lên làm tổn thương phế khí, gây nên mất tiếng.

Phế táo, tân dịch khô háo hoặc thận âm hư không nhuận được phế sinh ra mất tiếng.

Do tình chí bị uất ức: Con người mỗi khi có việc lo sợ và tức giận một cách đột ngột, tiếng nói sẽ bị mất âm thanh.

Bị bệnh lâu ngày, hư yếu: Âm thanh phát ra do ở phế mà gốc ở thận. Tỳ là nguồn của khí, thận là gốc của khí. Thận tinh mạch, phế tỳ thịnh thì âm thanh sẽ rõ. Nếu do lao nhọc quá sức, bệnh lâu ngày, phế thận âm bị suy, âm hư sẽ sinh nội nhiệt, đờm hoả bốc lên nhiệt nung nấu, họng sẽ gây nên mất tiếng.

Ngoài ra, do nói to, nói nhiều làm hao phế khí, bệnh vùng hầu họng cũng ảnh hưởng đến phát âm.

Theo y học cổ truyền thì bệnh mới mắc phần lớn là chứng thực, bệnh lâu ngày thường là chứng hư. Việc điều trị tùy theo chứng bệnh và thể bệnh mà dùng bài thuốc thích hợp.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới


Chứng thực

Ngoại cảm phong hàn: Cảm lạnh, người mát, mũi nghẹt hoặc chảy mũi nước trong, giọng khàn hoặc nói không ra tiếng, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù hoãn.

Bài thuốc: Quế chi 12g, sinh khương 12g, thêm kinh giới để ôn thông phế khí, bạch thược 24g, cam thảo 4g, đại táo 12g, đường phèn 80g. Sắc uống ngày 1 thang.

Phế nhiệt: Giọng khàn hoặc nói không ra tiếng, miệng khát, họng đau, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch phù sác.

Bài thuốc: Cát cánh 12g, cam thảo 6g, kinh giới 12g, thuyền thoái 6g, tiền hồ 12g, tang diệp 12g.

Đờm nhiệt: Nói khó, tiếng nặng, đờm nhiều vàng, miệng đắng, họng khô, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch hoạt sác.

Bài thuốc: Cát cánh 12g, tiền hồ 12g, tang bì 12g, tri mẫu 8g, hoàng cầm 10g, chi tử 10g, ngưu bàng 10g, thuyền thoái 6g, bối mẫu 10g, cam thảo 6g, qua lâu 10g, hạnh nhân 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Đờm uất ngưng lấp: Tiếng nói nặng, nghe không rõ, ngực đầy, ho ra nhiều đờm, cơ thể mập, người mỏi mệt, tay chân không có sức, rêu lưỡi vàng bệu, mạch hoạt.

Bài thuốc: Hoàng cầm 10g, chi tử 10g, tiền hồ 10g, bối mẫu 8g, cát cánh 12g, cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

Phong tà uất bế: Đột nhiên âm thanh bị xáo trộn, khó nói ra tiếng kèm họng hơi đau, ngứa, nuốt khó, ho, ngực khó chịu, mũi nghẹt, sổ mũi, sốt, sợ lạnh, đầu đau, lưỡi đỏ, rêu lưỡi nhạt, mạch phù.

Bài thuốc: Ma hoàng 12g, hạnh nhân 8g, cam thảo 6g, cát cánh 12g. Sắc uống.

Chứng hư

Phế âm hư: Nói giọng khàn, miệng khô, họng đau, ho khan không có đờm, chất lưỡi đỏ, khô, mạch nhỏ sác.

Bài thuốc: Tang diệp, hồ ma nhân, mạch môn, thạch cao, a giao, tỳ bà diệp, hạnh nhân, nhân sâm, cam thảo. Sắc uống ngày 1 thang.

Thận âm hư: Họng khô, giọng khàn, nói không ra tiếng, bứt rứt khó ngủ, lưng gối nhức mỏi, lòng bàn chân tay nóng, nặng có thể kèm ù tai, hoa mắt, lưỡi thon đỏ, mạch tế, sác, nhược.

Bài thuốc: Sinh địa 16g, đơn bì 12g, trạch tả 12g, mạch môn 12g, ngũ vị tử 10g, phục linh 12g, hoài sơn 6g, sơn thù 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Uất nộ khí nghịch: Bình thường vốn uất ức hoặc thường giận dữ, khí uất không giải, đột nhiên mất tiếng, ngực và hông sườn đầy trướng hoặc nhẹ thì vú căng, mạch huyền.

Bài thuốc: Tử tô 12g, ô dược 12g, trần bì 12g, bạch thược 12g, sinh khương 8g, đại táo 5 quả, cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

Chú ý: Các bài thuốc trên sắc uống ngày 1 thang. Cho 750ml nước vào thang thuốc, sắc kỹ chắt lấy 250ml nước thuốc, chia uống 3 lần trong ngày sau khi ăn 30 phút.

suckhoe&doisong

9 dấu hiệu chứng tỏ thận yếu

Có những triệu chứng rất rõ ràng cho thấy bạn đang bị thận hư. Đừng bỏ qua bất cứ một triệu chứng nhẹ nào của cơ thể để bắt bệnh cho chính bạn.

Triệu chứng 1: Rùng mình, chi lạnh

“Rùng mình” là chỉ cảm giác sợ lạnh và sợ gió thổi. “Chi lạnh” là chỉ tứ chi lạnh băng, thậm chí lạnh đến khớp đầu gối và khuỷu tay. Cảm giác rùng mình tứ chi ớn lạnh thông thường kèm theo các triệu chứng biểu hiện thận hư như lưng, đầu gối đau nhức mỏi, tinh thần mệt mỏi, chán chường, thở yếu, ít lời, nhạt miệng…

Triệu chứng 2: “Chuyện ấy” quá độ

Đông y cho rằng thận chứa tinh. Thận tinh hóa tạo ra thận dương và thận âm, có tác dụng bổ dưỡng giữ ấm cho lục phủ ngũ tạng. Thận âm và thận dương tương trợ, dựa dẫm và chế ngự lẫn nhau trong cơ thể để duy trì sự cân bằng sinh lý cho cơ thể. Nếu sự cân bằng này bị phá vỡ hoặc một bên thận âm hoặc thận dương bi suy yếu thì sẽ phát sinh ra bệnh tật, nam giới sẽ có các triệu chứng như xuất binh sớm, liệt dương, mộng tinh và các bệnh về tinh dịch.

Triệu chứng 3: Chóng mặt hoa mắt, mất ngủ, gặp ác mộng nhiều

Thận là một trong những cơ quan ngũ tạng quan trọng của cơ thể, bổ dưỡng và làm ấm các lục phủ nội tạng khác. Nếu các bộ phận khác bị bệnh lâu ngày không khỏi thì sẽ dễ làm tổn thương đến thận. Rất nhiều bệnh mãn tính như viêm gan mãn tính, bệnh mạch vành, hen suyễn, viêm phế quản, cao huyết áp… thường thường đi kèm với triệu chứng thận hư.

Triệu chứng 4: Hen suyễn

Thận có chức năng “nạp khí”. Do thận hư không thể nạp khí nên sẽ dẫn đến hơi thở khò khè, thở ra nhiều hít vào ít, làm cho bạn cảm thấy khó thở. Trong trường hợp nguy hiểm, cùng với triệu chứng hen suyễn còn có thể xuất hiện triệu chứng ra mồ hôi lạnh.

Triệu chứng 5: Đau lưng

Đau lưng – vấn đề cốt yếu là ở thận, có thể phân làm nội thương và lao lực mệt mỏi sinh bệnh. Thận nội thương thông thường là chỉ người có thể chất yếu bẩm sinh, bệnh lâu ngày cơ thể yếu hoặc mệt mỏi quá độ gây ra. Người bị nhẹ thì khó khom lưng hoặc đứng thẳng, người nặng thì có triệu chứng bàn chân gót chân đau nhức, phần lưng kiệt sức… Lao lực sinh bệnh là chỉ thể lực gánh vác quá nặng hoặc trong thời gian dài làm việc ở một tư thế cố định (dùng máy tính, lái xe…), ngồi lâu sẽ làm tổn thương thận khí, dẫn đến thận tinh không đủ.

Triệu chứng 6: Tiều nhiều về đêm

Thông thường số lần đi tiểu vào ban đêm trên 2 lần hoặc số lượng nước tiểu quá ¼ so với cả ngày; tiểu đêm 1 lần/tiếng, lượng nước tiểu gần hoặc vượt quá lượng nước tiểu ban ngày… thì đó là “tiểu nhiều về đêm”. Ban ngày tiểu tiện bình thường, chỉ có ban đêm đi tiểu nhiều chính là đặc điểm của triệu chứng thận khí hư yếu gây ra.

Triệu chứng 7: Chóng mặt tai ù

Rất nhiều người đã trải qua cảm giác chóng mặt, hoa mắt, trời xoay đất chuyển, buồn nôn… vốn không dễ chịu một chút nào. Đồng thời những người bị hoa mắt chóng mặt thường kèm theo cảm giác ù tai, gây chướng ngại đến thính giác, thời gian dài như thế sẽ làm cho tai điếc. Nguyên nhân gây ra chóng mặt ù tai đa phần là có liên quan đến thận.

Trong đông y nói “ Thận chứa tinh sinh tủy, tủy tích tụ lại cho não”, vì vậy thận hư có thể dẫn đến tủy không đủ, não mất dinh dưỡng, xuất hiện hoa mắt, chóng mặt, tai ù.

Triệu chứng 8: Táo bón

Người táo bón thường do đại tiện gặp khó khăn nên gây ra các triệu chứng như lỗ mông rát, nứt và trĩ, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt. Mặc dù táo bón là do chức năng truyền dẫn của đường ruột thất thường, nhưng cội nguồn sâu xa là do thận hư gây nên, bởi vì sự truyền dẫn đại tiện bắt buộc thông qua sự kích hoạt và bồi bổ của thận khí mới có thể phát huy được tác dụng thông thường của nó.

Triệu chứng 9: Lưng mỏi chân đau

Thời gian dài cơ thể “cứng đờ” ngồi trên tàu xe không chuyển động, lái xe đi ra ngoài tinh thần căng thẳng, thời gian dài sẽ hình thành ngưng khí tụ máu và cuối cùng dẫn đến thận hư.

Những người dễ bị hư thận:

1. Những người thường xuyên hút thuốc, uống rượu.

2. Những người có cuộc sống sinh hoạt và ăn uống thường ngày không đúng quy luật.

3. Người làm việc bận rộn, tinh thần căng thẳng.

4. Người thích uống trà đặc.

5. Người làm việc bên máy tính thời gian dài.

6. Người bệnh đang trong thời kỳ hồi phục.

7. Người hay ngồi lâu trong thời gian dài.

8. Người hay làm “chuyện ấy” quá thường xuyên.

9. Người hay uống thuốc tráng dương.

10. Người già.

Theo VTC News

Thường xuyên ăn trứng gà ngải cứu có tốt?

Tuy là món ăn bổ dưỡng nhưng cũng không nên ăn thường xuyên món trứng gà ngải cứu.

 

Tuy là món ăn bổ dưỡng nhưng cũng không nên ăn thường xuyên món trứng gà ngải cứu.

Trứng gà ngải cứu là món ăn bài thuốc bổ dưỡng nâng cao sức khỏe. Có thể dùng 1 - 2 quả trứng/ngày xào ngải cứu ăn lúc còn nóng. Tuy nhiên nếu ăn nhiều trứng quá cũng không tốt.

Cây ngải cứu (còn gọi là ngải diệp) thuộc họ cúc, thường mọc hoang, nhưng nay đã được trồng phổ biến ở nhiều nơi vì công dụng y học của nó.

Theo y học cổ truyền, ngải cứu có vị đắng, cay, tính hơi ấm có tác dụng điều hòa khí huyết, trừ hàn thấp, an thai, cầm máu... Bên cạnh đó, nó còn có tác dụng bồi dưỡng cơ thể, trị bệnh nội thương ngoại cảm, trị bệnh giun, chữa đau bụng, kinh nguyệt không đều, còn được dùng để băng bó sai khớp...

Tinh dầu ngải cứu có tác dụng kháng khuẩn. Vì vậy, ngải cứu vừa là loại cây thuốc chữa bệnh, vừa có thể chế biến những món ăn ngon và bổ.

Trứng gà vị mặn tính lạnh, làm yên 5 tạng, bổ khí huyết, mát cổ họng, an thai, trị ho hen, kiết lỵ, động thai, bổ dưỡng làm sinh đẻ dễ dàng. Lòng đỏ trứng gà có vị ngọt, tính ấm đi vào 3 kinh: tâm, tì, vị, có tác dụng dưỡng âm, minh tâm, vỗ tỳ vị, trị mất ngủ do âm hư...

Trứng gà ngải cứu cũng là món ăn bài thuốc bổ dưỡng nâng cao sức khỏe. Có thể dùng 1 - 2 quả trứng/ngày xào ngải cứu ăn lúc còn nóng. Tuy nhiên nếu ăn nhiều trứng quá cũng không tốt, càng không nên ăn ngày này qua ngày khác.

Mặc dù là món ăn bổ dưỡng nhưng không phải ai ăn cũng có tác dụng bồi bổ sức khỏe ví dụ như những người bệnh sỏi thận, xơ vữa động mạch vành... nên hạn chế ăn trứng. Những người ốm dậy, thể trạng còn yếu, người già, phụ nữ sau sinh nếu không có bệnh như nói trên thì nên ăn cách ngày một quả trứng là tốt nhất.

Bên cạnh đó, phải ăn thêm các loại thực phẩm khác như cá, thịt, trái cây... sẽ tốt hơn cho sức khỏe. Tốt nhất nên ăn cách ngày hoặc 7 - 10 ngày là một liệu trình.

Xoa bóp chữa viêm quanh khớp vai

Viêm quanh khớp vai (viêm bờ vai) là tình trạng viêm các tổ chức phần mềm quanh khớp vai như viêm màng hoạt dịch khớp, gân và dây chằng quanh khớp, bao gân cơ nhị đầu... Bệnh thường gặp ở những người tuổi từ 40 – 60, nam giới mắc nhiều.  Theo Đông y, viêm quanh khớp vai còn gọi là kiên tỷ thống. Nguyên nhân là do phong hàn thấp kết hợp với nhau làm bế tắc sự vận hành khí huyết gây đau; do can thận quá hư tổn và bệnh nội thương làm bế tắc sự vận hành khí huyết mà gây đau hoặc do sang chấn gây huyết ứ lâu ngày mà sinh bệnh.

Biểu hiện nổi bật của viêm quanh khớp vai là tình trạng đau vùng vai và hạn chế vận động vùng khớp vai, đặc biệt là khó nhấc tay lên cao, khó chải đầu, khó gãi được lưng. Bệnh nhân có thể thấy đau lan lên cổ, xuống cánh tay. Đau nhiều về đêm. Tùy theo từng thể bệnh mà mức độ đau và hạn chế vận động khác nhau. Xoa bóp bấm huyệt là một trong những phương pháp góp phần giảm đau, trả lại vận động bình thường cho khớp vai, rất hiệu quả đối với thể viêm quanh khớp vai do lạnh, do thoái hóa đốt sống cổ nhưng chưa chèn ép thần kinh, do chấn thương vùng vai nhưng không tổn thương khớp.  Nên thực hiện đều đặn ngày 1 – 2 lần, trong 7 – 10 ngày. Xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo áp dụng.

Huyệt tý nhu.

Người bệnh ngồi trên ghế tựa, người chữa đứng bên cạnh, lần lượt làm các thủ thuật sau:

1. Người chữa tiến hành xoa bóp, lăn, day vùng quanh khớp vai của người bệnh khoảng 5 -10 phút để cho các cơ mềm ra.

2. Day huyệt kiên ngung: Người chữa dùng ngón tay cái bấm mạnh huyệt kiên ngung của người bệnh và day khoảng 3 – 5 phút.

3. Day huyệt kiên trinh: Người chữa dùng ngón tay cái ấn day  huyệt kiên trinh của người bệnh khoảng 3 phút.

4. Day huyệt kiên tỉnh: Người chữa dùng ngón tay cái ấn day huyệt kiên tỉnh của người bệnh khoảng 3 phút.

5. Day huyệt tý nhu: Người chữa dùng ngón tay cái ấn day huyệt tý nhu của người bệnh khoảng 3 phút.

6. Day huyệt thủ tam lý: Người chữa dùng ngón tay cái ấn day huyệt thủ tam lý của người bệnh trong khoảng 3 phút.

7. Day huyệt hợp cốc: Người chữa dùng ngón tay cái ấn day huyệt hợp cốc của người bệnh trong 3 phút.

8. Ấn a thị huyệt: Tay cái người chữa ấn vào điểm đau nhất của người bệnh  với một lực mạnh thích hợp.

Huyệt kiên tỉnh.

9. Lắc vai: Người chữa một tay cố định trên khớp vai bị đau, tay kia nắm cổ tay bệnh nhân quay vòng từ từ tăng dần từ nhẹ đến mạnh mỗi chiều khoảng 10 vòng.

10. Trấn động vai : Một tay người chữa cố định trên khớp vai bị đau của người bệnh, tay kia nắm lấy cổ tay bệnh nhân vừa kéo dãn vừa rung trong khoảng vài chục giây, làm như vậy 3 lần.

11. Vò xát vai: Người chữa lấy hai bàn tay vò xát khớp vai người bệnh đến khi nóng lên là được.

12. Nâng vai: Một tay người chữa nắm vào khớp vai của người bệnh, tay kia cầm vào cổ tay bên vai đau của người bệnh nâng về phía trước lên cao quá đầu rồi đưa về phía sau, hoặc đưa về phía ngực.

Lưu ý: - Thủ pháp xoa bóp cần tuân thủ nguyên tắc: tác động từ xa đến gần vùng đau, điểm đau, từ chậm đến nhanh, từ nông đến sâu, từ nhẹ đến nặng tới ngưỡng mà bệnh nhân chịu đựng được.

- Để phòng bệnh cần tránh gió lạnh, ẩm thấp, khi ngủ nên đắp chăn cao quá vai.

- Hằng ngày nên tăng cường tập luyện chức năng khớp vai như dang tay, giơ tay, khép tay, đưa tay ra trước và ra sau, quay tay.

- Điều trị kịp thời các bệnh lý ở khớp vai.

Huyệt hợp cốc.

Vị trí huyệt:

Kiên ngung: ở giữa mỏm cùng vai và mấu chuyển lớn xương cánh tay. Hoặc dang cánh tay thẳng huyệt ở chỗ lõm phía trước ngoài khớp, mỏm cùng - xương đòn.

Kiên trinh: khép cánh tay, huyệt ở trên điểm đầu sau nếp nách 2 tấc.  Hoặc ở chỗ lõm ở đầu khớp vai khi dang tay ra.

Kiên tỉnh: ở điểm giữa đường nối huyệt đại chùy (đốt sống cổ 7) và mỏm cùng vai.

Tý nhu: trên khuỷu tay 7 thốn. Huyệt ở đầu cuối của cơ tam giác cánh tay, trên đường nối huyệt khúc trì và kiên ngung.

Thủ tam lý: dưới huyệt khúc trì 2 tấc (dưới đầu vân ngang ngoài khuỷu tay 2 tấc).

Hợp cốc: khép ngón trỏ và ngón cái sát nhau, huyệt ở điểm cao nhất của cơ bắp ngón trỏ và ngón cái.

Lương y Đình Thuấn

Xoa bóp bấm huyệt cải thiện tình trạng ho ở người cao tuổi

Theo y học hiện đại: ho là một động tác thở ra mạnh và đột ngột gồm 3 thời kỳ: hít vào sâu và mạnh; thở ra nhanh và mạnh, thanh môn đóng lại áp lực khí cao trong lồng ngực; thanh môn mở ra đột ngột không khí đè ép trong phổi được tống ra ngoài gây phản xạ ho. Theo y học cổ truyền: ho được xếp vào chứng khái thâu (khái: có tiếng ho mà không có đàm, thấu: có tiếng đờm khò khè, cò cử mà không có tiếng ho), do ngoại cảm và nội thương gây nên. Quả thực tiễn lâm sàng, chúng tôi xin giới thiệu phương pháp xoa bóp – bấm huyết trong cải thiện triệu chứng ho.

Xoa bóp bấm huyệt vùng ngực

Người bệnh nằm ngửa trên giường, toàn thân thở đều và thư giãn, thầy thuốc đứng hoặc ngồi bên cạnh người bệnh, tiến hành xoa bóp:

- Xát - vùng ngực: thường dùng để bôi trơn da với bột talc hoặc với dầu xoa, dùng hai tay áp sát cổ qua 2 bên vai vòng xuống ngực qua đầu vú (nam) theo đường giữa đưa lên cổ, làm khoảng 5 lần.

- Phân vùng hạ sườn: thầy thuốc để 2 tay ôm sát cổ theo đường giữa (xương ức) kéo tay xuống tới mũi kiếm xương ức, hai ngón tay cái phân ra hai bên vùng hạ sườn.

Miết các kẽ sườn: miết từ giữa ngực ra hai bên, các ngón tay miết kẽ sườn 1, 2, 3, miết ra hai bên. Sau đó miết kẽ sườn 4, 5, 6 miết vùng hạ sườn ra 2 bên. Có thể miết từng ngón tay hoặc miết một lúc 3 ngón tay theo kẽ sườn ra 2 bên. Thực hiện động tác này 5 lần.

Bóp cơ ngực: dùng bàn tay bóp nắn cơ ngực hai bên. Thực hiện động tác này 5 lần.

Nhào cơ ngực lớn: dùng 2 bàn tay bóp nâng cơ lên và véo chéo nhau.

Day cơ ngực: dùng gốc bàn tay ấn xuống lực vừa phải day các cơ ở vùng ngực theo vòng tròn.

Day ấn huyệt vùng ngực:

- Đản trung (1): giao điểm của đường giữa ngực và đường nối 2 đầu vú (ở nam), hoặc giao điểm của đường giữa ngực và đường ngang qua liên sườn 4 (ở nữ). Tác dụng trị đau tức ngực, khó thở, ho, hen, hồi hộp, đau vùng trước tim, nấc...

- Nhật nguyệt (2): giao điểm của đường trung đòn và khoang gian sườn 7. Tác dụng trị đau vùng hông sườn, đau vùng gan mật, ho, nôn, nấc...

- Thiên đột (3): chỗ lõm bờ trên xương ức. Tác dụng trị ho, hen, khan tiếng, mất tiếng, nói khó...

- Khuyết bồn (4): chỗ lõm sát bờ trên giữa xương đòn. Tác dụng trị ho, hen, đau ngực...

-Trung phủ(5): giao điểm của khoan liên sườn 2 và đường nách trước. Hoặc lấy ngoài mạch nhâm 6 thốn trong khoang liên sườn 2. Trị ho, hen, đau ngực...

Rung: áp chặt bàn tay vào lồng ngực rung với tần số cao từ trên xương đòn theo cơ ngực lớn đến vùng hạ sườn.

Chú ý mỗi động tác làm từ 5 - 10 lần.

BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ

Đông y điều trị mất tiếng, khản tiếng

Theo y học cổ truyền "phế là cửa của âm thanh, thận là gốc của âm thanh" (phế vi thanh âm chi môn, thận vi thanh môn chi căn). Như vậy mất tiếng có liên quan đến hai tạng phế và thận.

Mã thầy (củ năn).

Về nguyên nhân bệnh có ngoại cảm gây mất tiếng và nội thương gây mất tiếng. Ngoại cảm gây mất tiếng thường là chứng thực, bệnh mới, nội thương gây mất tiếng thường do tinh khí hư, bệnh lâu là chứng hư. Ngoài ra hò hét, gào thét quá mức làm tổn thương phế khí cũng gây mất tiếng.

Về điều trị nếu do ngoại tà thì phải sơ tà, nếu do nội thương thì phải bổ hư.

Mất tiếng có nhiều thể và chứng khác nhau, căn cứ vào thể, chứng cụ thể mà dùng các bài thuốc thích hợp như dưới đây:

Chứng thực

Thể mất tiếng do cảm phải phong hàn

Triệu chứng: Tiếng khản, ho, sốt, mũi tắc, tiếng thở phô, mạch phù, rêu lưỡi mỏng trắng.

Phép điều trị: Sơ tán phong hàn, tuyên phế khí.

Bài 1: Ma hoàng 8g, hạnh nhân 12g, cam thảo 6g, kinh giới 12g, tiền hồ 12g, bối mẫu 12g, trần bì 8g, cát cánh 6g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần sau bữa ăn.

Bài 2: Hoài sơn 16g, thục địa 16g, sơn thù 8g, phục linh 12g, mẫu đơn bì 6g, trạch tả 8g.

Bài 3: Lá tía tô 12g, kinh giới 8g, gừng tươi 8g, lá hẹ 12g, lá xương sông 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần sau bữa ăn.

Thể mất tiếng do hàn tà bao vây nhiệt, khí phận bị bế tắc

Triệu chứng: Như ở phong hàn, thêm họng đau, miệng khát, rêu lưỡi vàng, mạch phù sác.

Phép điều trị: Sơ tán ngoại hàn, thanh trừ lý nhiệt.

Bài thuốc: Ma hoàng 12g, hạnh nhân 12g, cam thảo 8g, thạch cao 24g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần sau bữa ăn.

Thể mất tiếng do phong tà hóa nhiệt đốt phế kim

Triệu chứng: Mất tiếng họng đau, mình nóng, ho, miệng khô, khát nước, rêu lưỡi vàng, mạch sác.

Phép điều trị: Thanh hỏa lợi hầu họng.

Bài thuốc: Cát cánh 12g, chi tử 10g, hoàng cầm 8g, tang bạch bì 8g, cam thảo 8g, tiền hồ 10g, tri mẫu 12g, bối mẫu 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần sau bữa ăn.

Thể mất tiếng do đờm nhiệt giao trở

Triệu chứng: Tiếng nặng khàn, đờm nhiều, dính, vàng, miệng đắng họng khô, rêu lưỡi vàng cáu, mạch hoạt sác.

Phép điều trị: Thanh phế hóa đờm, lợi hầu họng.

Bài thuốc: Bối mẫu 12g, tri mẫu 10g, cam thảo 8g, cát cánh 12g, xương bồ 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần sau bữa ăn.

Chứng hư

Thể mất tiếng do phế táo tân dịch ít

Triệu chứng: mồm họng khô, họng ngứa đau hoặc ho khan, tiếng khàn nói không ra tiếng, lưỡi đỏ, mạch sác.

Phép điều trị: Thanh phế nhuận táo.

Bài thuốc: Tang diệp 12g, nhân sâm 4g, ma nhân 6g, mạch môn 12g, tỳ bà diệp 10g, thạch cao 12g, cam thảo 6g, a giao 8g, hạnh nhân 8g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Thể mất tiếng do thận âm bất túc

Triệu chứng: Mất tiếng, họng khô, hư phiền mất ngủ, lưng mỏi, gối yếu, nặng thì tai ù, ngũ tâm nóng, lưỡi đỏ, mạch hư sác.

Phép điều trị: Tư dưỡng thận âm.

Bài thuốc: Thục địa 16g, sơn thù 12g, trạch tả 12g, phục linh 12g, đan bì 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần sau bữa ăn.

Thể mất tiếng do phế âm hư

Triệu chứng: Mất tiếng, khản tiếng do ho lâu.

Phép điều trị: Bổ phế chỉ khái.

Bài thuốc: Sinh địa 12g, thục địa 12g, mạch môn 12g, bách hợp 10g, bạch thược 12g, đương quy 8g, bối mẫu 12g, cam thảo 6g, huyền sâm 12g, cát cánh 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần sau bữa ăn.

Ngoài việc dùng thuốc có thể dùng các món ăn - bài thuốc đơn giản để chữa mất tiếng, khản tiếng.

- Trần bì 10g, ô mai 3g. Sắc lấy 2 nước hòa chung, chia uống 2 lần trong ngày vào sáng và tối. Mỗi ngày 1 thang. Tác dụng sinh tân chỉ khát, tiêu đàm thông họng. Trị khản tiếng, mất tiếng.

- Lá kim châm 30g, mật ong 15g. Thêm 1 ly nước nấu sôi, cho thêm mật ong quấy đều, chia 3-4 lần uống hết trong ngày.

Công dụng: Giải độc, nhuận táo, thanh giọng, trị khàn tiếng, mất tiếng.

- Củ năn rửa gọt bỏ vỏ, giã nát vắt lấy nước, uống nguội tùy thích.

Thanh nhiệt, giải độc, sinh tân giải khát, khai vị tiêu thực, nhuận táo, tiêu đàm thông họng. Trị khàn tiếng, mất tiếng, đau họng do phổi nóng, đàm vàng, táo bón.

- Củ cải 1 củ, bồ kết 3g. Củ cải cắt miếng, sắc nước cùng bồ kết, vớt bỏ bồ kết, ăn cả xác lẫn nước.

Khai khứu thông tý, nhuận phế tiêu đàm. Trị khàn tiếng, mất tiếng.

- Trứng gà 1 quả, giấm 250ml. Trứng rửa sạch đặt trong nồi đất thêm giấm nấu chín, lột bỏ vỏ, cho trở lại vào nồi, nấu thêm 15 phút, ngày 1 lần, ăn trứng uống giấm.

Công dụng: Thích hợp cho chứng mất tiếng, khàn tiếng do ho nhiều, ho dữ, dẫn tới viêm dây thanh cấp tính.

Lương y Vũ Quốc Trung