Lưu trữ cho từ khóa: nói chuyện với con

Cách thể hiện tình yêu với trẻ nên làm hàng ngày

Trẻ chỉ cảm thấy an toàn khi biết mình được yêu thương. Dưới đây là 10 cách thể hiện tình yêu với trẻ cha mẹ nên làm hàng ngày.

Cha mẹ nào cũng muốn con mình trong cuộc sống có những người bạn tốt, học được cách chia sẻ, cảm thông, biết tha thứ cho những sai lầm của người khác, nhận được tình yêu, sự tốt đẹp nhất mà cuộc đời mang lại. Vì thế giúp bé cảm nhận được tình yêu thương để từ đó biết yêu thương mọi người là rất quan trọng. Dưới đây là những cách thể hiện tình yêu với trẻ.

1. Hãy cho bé thể hiện mình

Cho con có một khoảng không gian để bé thể hiện bản thân một cách tự do nhất là cách thể hiện tình yêu với trẻ.

Việc ủng hộ bé thể hiện bản thân qua những hành vi tích cực là rất tốt nhưng cũng đừng vội đánh giá bé và có những điều chỉnh ngay lập tức khi thấy những hành vi tiêu cực. Hành vi tiêu cực là một phản ứng khi bé có những điều không tin tưởng, không vừa lòng. Thay vào đó hãy nói chuyện với bé, hỗ trợ, tạo sự tin tưởng giữa cha mẹ và con. Rồi bạn sẽ thấy tự nhiên em bé sẽ đến với mình khi bé cần một bờ vai để chia sẻ.

2. Đánh thức bé dậy với một nụ cười

Điều này nghe có vẻ đơn giản nhưng hãy suy nghĩ làm sao bạn có thể làm việc này một cách thường xuyên được. Thường chỉ là: “Dậy, dậy đi thôi”.

Bắt đầu một ngày mới với một nụ cười có thể tạo nên một giai điệu hạnh phúc và yêu thương cho thời gian còn lại trong ngày của con bạn. Vì vậy đừng ngại thể hiện tình yêu với trẻ bằng những nụ cười.

3. Nói “có” với những đề nghị ôm hôn của bé

Đôi khi bạn sẽ cảm thấy phiền nhưng những cái ôm sẽ đem lại sự tin tưởng và an toàn cho bé. Thông qua những cái ôm bạn sẽ có những cái nhìn sâu sắc về cảm xúc và suy nghĩ của con, giúp bé cảm nhận được tình yêu thương của mình.

cach-the-hien-tinh-yeu-voi-tre-nen-lam-hang-ngay

4. Lắng nghe

Bạn hãy thực sự lắng nghe, không bị phân tâm với bất kỳ câu chuyện nào mà bé chia sẻ với cha mẹ cũng là cách thể hiện tình yêu với trẻ. Bởi đôi khi vì mải công việc rồi những chuyện lặt vặt như nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa mà bạn thường bỏ qua hoặc nghe nửa vời những câu chuyện mà bé kể.

Khi nghe bé kể chuyện, hãy nhìn vào mắt con để bé thấy rằng bạn thật sự lắng nghe. Nếu như không thể lắng nghe, hãy hứa với bé bạn sẽ nói chuyện với con vào lúc khác ngay khi có thể.

5. Cho bé những gợi mở

Trẻ em sẽ học hỏi được rất nhiều điều sau những gì được làm, được nghe, được ăn, được cảm nhận. Khi bạn hỏi ý kiến bé về một vấn đề nào đó, bé sẽ cảm thấy được tôn trọng và trao quyền. Bạn có thể đề nghị bé tham gia vào các vấn đề của gia đình như ăn gì cho bữa tối, đi chơi đâu… Điều này không có nghĩa là bé được quyết định hoàn toàn nhưng rất ý nghĩa với những cảm xúc của bé.

6. Làm những điều nhỏ bé

Dọn dẹp giường cho con, một mẩu giấy nhắn tin bé nhớ ăn cơm trưa, một thanh socola ngẫu hứng cho bé trên đường đi học về… những điều nhỏ bé này cũng sẽ làm cho bé của bạn cảm thấy được yêu thương hơn rất nhiều.

Các mẹ thấy đấy, cách thể hiện tình yêu với trẻ đôi khi nằm trong những việc cực kì nhỏ bé.

7. Giữ lời hứa

Một khi lời hứa không được thực hiện có thể tạo cho trẻ cảm giác không tin tưởng và bản thân bé cảm thấy mình không phải là người quan trọng. Vì vậy, đừng bao giờ hứa suông gì với trẻ. Trước khi bạn thực hiện một lời hứa, hãy chắc chắn rằng bạn sẽ có thể làm được. Và khi không thể, hãy giải thích lý do cho con để bé hiểu.

8. Tìm hiểu ngôn ngữ tình yêu của bé

Bạn có thể cảm thấy rất được yêu thương và trân trọng nếu chồng bạn từ chỗ làm về nhà với một bó hoa hoặc đơn giản chỉ là giúp bạn những việc lặt vặt trong nhà, và trẻ em cũng vậy. Đôi khi trẻ chỉ cần những hành động đơn giản thôi nhưng bé đã cảm thấy mình rất được yêu thương.

Vì vậy hãy tìm hiểu những gì có thể làm cho con bạn cảm thấy mình trở nên đặc biệt và hãy cảm nhận tình yêu của bé.

9. Dành một thời gian đặc biệt cho bé

Bạn có thể dành ra một ngày trong tuần, một ngày trong tháng thật đặc biệt dành riêng cho bé. Điều này sẽ tăng cường sự liên kết và mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Nó cung cấp cơ hội cho cha mẹ chia sẻ cuộc sống của mình với con và tìm hiểu những gì đang xảy ra trong thế giới của trẻ.

Bạn có thể để bé lên kế hoạch cho những ngày đặc biệt tiếp theo và đảm bảo rằng những ngày như này sẽ được diễn ra thường xuyên theo kế hoạch. Khi đó dù cuộc sống bận rộn tới đâu, bé luôn biết rằng cha mẹ sẽ dành thời gian đặc biệt cho bé.

10. Hãy nói “Mẹ/cha yêu con”

Một đứa trẻ sẽ không bao giờ cảm thấy thừa khi bạn nói “Mẹ/cha yêu con”. Bạn có thể nói khi bạn chào tạm biệt khi con đến trường, trước khi con đi ngủ… Ngay cả khi bé có những hành động không đúng, nhưng nếu bạn nói “Mẹ yêu con dù con không phải là đứa trẻ ngoan nhất”, bé sẽ cảm nhận được tình thương vô bờ bạn dành cho bé.

Những cách thể hiện tình yêu với trẻ trên đây sẽ giúp bé cảm nhận được tình yêu thương từ cha mẹ, gia đình. Hãy đảm bảo những hành động này sẽ được thực hiện càng nhiều càng tốt vì nó chính là gốc rễ của tình yêu vô điều kiện bạn dành cho đứa con của mình.

(Theo Afamily)

Đừng nói với con rằng…

(Webtretho) Nhiều bậc phụ huynh thường muốn con cái phải tuyệt đối nghe lời, tuân theo mọi điều mình nói. Thế nhưng đôi khi những mệnh lệnh được đưa ra chỉ làm cho con trẻ sợ hãi, thậm chí gây hại cho chúng, dẫn đến những kết quả không như mong muốn. Các nhà tâm lý học trẻ em khuyên bạn tránh những câu sau để đừng làm tổn thương con trẻ:

webtretho_nên và không nên nói với con điều gì

Bố mẹ hãy chú ý về những điều nên và không nên nói với con (Ảnh: Inmagine)

1. “Hãy xem anh/ chị của con giỏi thế nào mà học theo!”: Khi bạn so sánh con với những đứa trẻ khác, kể cả anh chị em ruột của bé, bạn sẽ khiến bé mất đi lòng tự tin vào chính mình. Thậm chí điều đó có thể dẫn tới sự ghen tỵ và ganh đua không tốt.

2. “Chờ ba/ mẹ về đi.”: Đùn đẩy trách nhiệm giải quyết vấn đề lên vai vợ hay chồng là một cách khiến bạn mất dần uy tín trong mắt con trẻ và chúng sẽ từ từ không nghe lời bạn nữa.

3. “Nếu con không nghe lời, mẹ sẽ mách ông ba bị đấy.”: Nỗi sợ hãi sẽ khiến tâm lý trẻ con bị tổn thương và khiến chúng có thêm nhiều nỗi lo lắng, sợ sệt mới. Cũng có những đứa trẻ hiểu rất rõ đó là lời nói dối và chúng sẽ ngày càng không tin bạn.

4. “Nếu con không nhanh chân lên, mẹ sẽ bỏ con lại đấy.”: Trẻ con rất sợ bị bỏ lại một mình; bạn không nên làm chúng lo lắng và sợ hãi thêm nữa.

5. “Con là một tai họa/ một kẻ mách lẻo/ kẻ nói dối…”: Hình ảnh mà bạn gắn vào đứa trẻ sẽ được chúng ghi nhớ mãi mãi và tin vào đó. Thậm chí trong tương lai, chúng sẽ “cố gắng” để trở thành người như thế.

6. “Một chuyện dễ như thế tại sao con làm không được?”: Mọi đứa trẻ đều có những khó khăn riêng của mình – ngay cả bạn cũng vậy mà. Hãy kiên nhẫn và đánh giá đúng đắn; những câu nói như thế này sẽ khiến con bạn dần tin tưởng rằng chúng chẳng thể làm gì được đấy.

Dạy con trai về sức khỏe tình dục như thế nào?

Con trai tôi 14, tôi rất băn khoăn về việc chưa có cơ hội nào để dạy cháu về sức khỏe tình dục.

Cháu cao lớn như một thanh niên còn tính cách của cháu vẫn khá tồ, chỉ biết học hành. Tôi cũng không biết nói chuyện với cháu như thế nào để biết là cháu đã biết gì về tình bạn, tình yêu, đã có tò mò gì về giới tính hay chưa. Cũng không biết nên chia sẻ với cháu chuyện giới tính như thế nào? Nên nói chung chung hay cặn kẽ? - (Hạnh Nguyên - Tây Hồ, Hà Nội)

Trả lời:

Nỗi lo lắng của chị là rất cần thiết. Trẻ em ngày nay phát triển sớm. Hơn nữa, trẻ em hiện đại tiếp xúc với nhiều kênh thông tin nói về tình yêu, tình dục nên cũng sẽ sớm có sự tò mò. Vì thế, tùy theo lứa tuổi, cha mẹ càng sớm dạy trẻ về giới tính, sức khỏe tình dục càng tốt.
Nếu cứ để mặc “hươu” tự tìm đường, các em sẽ không đủ kiến thức và kỹ năng để lọc các thông tin chính xác, sẽ dễ chết ngợp trong những kiến thức sai lầm. Con chị 12 tuổi mà chưa từng được cha mẹ nói chuyện, giáo dục về giới tính là hơi muộn. Vì thế, chị sớm bàn bạc với chống, tìm cách giáo dục thích hợp.


Cha mẹ nên cùng nhau giáo dục giới tính cho con

Nếu chồng chị dễ nói chuyện với con trai thì có thể nhường phần “cấu tạo bộ máy” cho anh ấy. Chị có thể nói chuyện thẳng thắn với cháu về sự cần thiết phải hiểu biết về cơ thể mình, mua sách thích hợp để cháu đọc, sau đó có thể hỏi lại xem cháu có cần giải thích thêm điều gì không. Còn chị có thể gần gũi con, hỏi con những chuyện nho nhỏ như: lớp con có bạn nào xinh không?

Con gái ăn mặc có mốt không? Tính cách có táo tợn không? Đã có bạn nào trong lớp có cảm tình với nhau hay không? Con trai chị sẽ tự nhiên kể chuyện, bày tỏ quan điểm của cháu về phái nữ, về tình yêu. Chị cũng có thể sưu tầm những bài báo về một số những “hiện tượng” lạ mà câu con trai mới lớn có thể mắc phải như: thay đổi cơ thể, mộng tinh, thủ dâm… và khéo léo để chỗ kệ sách của con.

Đồng thời, chị cũng nên trò chuyện cởi mở với con về vai trò của đàn ông trong tình yêu, tình dục. Hãy giúp con hiểu nam giới cũng phải chịu hậu quả về việc mang thai ngoài ý muốn của bạn tình, những bệnh lây truyền qua đường tình dục... sẽ dẫn đến vô sinh, giảm khả năng tình dục… Còn có cả những gánh nặng tinh thần sẽ phải mang cả đời nếu quan hệ buông thả.

Trên hết, chị nên giúp con hiểu rằng, cuộc đời con, tình yêu của con là một điều đặc biệt, con phải biết trân trọng giá trị của bản thân để tìm được đúng người con gái xứng đáng để trao tặng. Có trân trọng mình thì mới có được một tình yêu đẹp.

Theo BS Hoàng Tú Anh

Meo.vn (Theo Danviet)

Có một em bé trong bụng mẹ!

(Webtretho) Mang thai khi “tập 1” mới trong độ tuổi tập đi hoặc sắp vào mẫu giáo cũng đồng nghĩa với những thử thách và mệt mỏi của bạn sẽ nhiều lên gấp đôi. Các bé còn nhỏ tuổi sẽ không hiểu được rằng có một em bé đang lớn lên trong bụng mẹ, lý do đơn giản là vì chúng không nhìn thấy điều đó.

1. Thông báo sớm
2. Nói chuyện về trẻ sơ sinh
3. Tạo điều kiện tiếp xúc
4. Cho con xem sách
5. Chia sẻ cảm xúc
6. Cùng đi gặp bác sĩ
7. Cho con vuốt ve bụng bầu
8. Khuyến khích con thân với em
9. Hiểu những giới hạn

Thậm chí ngay cả khi bạn đã mang thai đến tháng thứ chín, bụng đã to bằng cái nhà thì con cũng chỉ nhận ra rằng mình gặp phải nhiều khó khăn hơn khi ngồi trong lòng bạn mà thôi.  Do vậy, sẽ dễ dàng hơn, và thường cũng vui hơn nữa, nếu bạn lôi kéo cả con vào kế hoạch “gia đình mang thai”, nhằm chuẩn bị cho bé một cuộc sống có em:

1. Thông báo sớm.

Với các “tập 1” còn nhỏ quá, thông báo cho bé biết tin bạn mang thai có thể khiến bé cảm thấy bối rối hay thất vọng vì “chờ hoài vẫn chưa thấy em bé”, tuy nhiên, bé càng lớn thì bạn nên nói cho bé biết về chuyện bạn mang thai càng sớm.

webtretho_thông báo tin vui

"Báo cho con một tin này..." (Ảnh: Inmagine)

 

2. Nói với con về trẻ sơ sinh.

Có nhiều cách để bạn nói cho con nghe về trẻ sơ sinh, chẳng hạn trẻ sơ sinh khóc như thế nào (và sẽ khóc khá nhiều), chắc chắn con bạn sẽ thích điều này nếu như bạn kể cho bé nghe với một giọng điệu và cử chỉ hài hước. Đồng thời, đừng quên giải thích cho bé về một vài điều cơ bản, ví dụ như “Con có thể giúp mẹ trông em bé. Em bé không thể tự mình làm được bất cứ việc gì, và em chỉ có thể chơi với con khi đã lớn hơn một tí. Em bé cần được bế bồng chăm sóc rất nhiều, cũng giống như ngày xưa mẹ vẫn bế con ấy.”

3. Tạo điều kiện cho con ở gần những em bé sơ sinh.

Việc này sẽ giúp con bạn biết được một cách trực quan em bé là thế nào, trông thế nào, và “tạo ra” những tiếng động thế nào. Thỉnh thoảng để con quan sát cách bạn bế một em bé để biết được rằng em bé cần được chăm sóc và yêu thương.

4. Cho con xem những quyển sách về trẻ sơ sinh (loại sách dành cho trẻ em).

Những quyển sách với nội dung và hình ảnh đơn giản, dễ hiểu, cung cấp những bài học cần thiết dành cho các bé về từng giai đoạn phát triển của em bé trong bụng mẹ. Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi nghe cô công chúa nhỏ của mình hỏi: “Hôm nay em bé đã lớn thêm được bao nhiêu rồi vậy mẹ?” Và cùng với đó, bạn có thể cho con xem những bức ảnh khi bé còn nhỏ xíu và kể cho bé nghe về những việc bạn đã làm trong quá trình nuôi nấng bé. Hãy nói những câu kiểu như: “Mẹ phải bế và chăm sóc em bé rất nhiều, bởi các em bé còn nhỏ rất cần được như vậy.”

5. Chia sẻ với con những cảm giác và cảm xúc của bạn khi mang thai.

Tùy vào độ tuổi và mức độ nhận thức của bé, hãy nói cho con biết vì sao bạn cảm thấy mệt mỏi, cáu kỉnh, dễ nổi nóng, thiếu kiên nhẫn, và bất cứ trạng thái tâm lý nào khác thường khi mang thai. Bạn có thể nói với con rằng: “Em bé trong bụng cần nhiều năng lượng để phát triển, và đó là nguyên nhân khiến mẹ cảm thấy mệt mỏi và ngủ nhiều hơn…” hoặc “Các loại hormones mà em bé cần để lớn lên thường khiến mẹ có những cảm xúc thật lạ…”

6. Đưa con cùng đến gặp bác sĩ.

Trẻ em khoảng gần 3 tuổi đã có thể biết cách cư xử phù hợp khi đến phòng khám hay bệnh viện, và bé cũng có thể học được nhiều điều từ những chuyến viếng thăm đặc biệt này. Đối với những bé lớn hơn và đã đi học, bạn có thể đưa bé đi cùng trong cả những lần khám thai định kỳ, bạn và bé sẽ cùng nhau nghe được những nhịp tim đầu tiên của thai nhi, nghe lời bác sĩ dặn dò… như thế bé sẽ cũng cảm thấy háo hức và liên quan nhiều hơn vào quá trình mang thai của mẹ.

7. Cho con vuốt ve bụng bầu của bạn.

Thông thường, đến khoảng tháng thứ năm hoặc sáu của thai kỳ, bạn có thể cho các con cảm nhận sự chuyển động của em bé trong bụng. Vào thời điểm em bé trong bụng chuyển động nhiều nhất, bạn có thể gọi bé lại bên cạnh để cùng quan sát và lắng nghe xem em bé trong bụng đang “nghịch ngợm” như thế nào.

webtretho_khuyến khích con gần gũi với em

"Em bé ơi, chị đây..." (Ảnh: Inmagine)

 

8. Khuyến khích bé gần gũi hơn với em bé trong bụng.

Hãy rủ con nói về em bé sắp ra đời. Nếu bạn đã biết được giới tính của thai nhi và đã đặt tên, hãy dùng tên đó khi nhắc đến em bé. Hoặc bạn cũng có thể cho phép các con đặt những cái tên thật đáng yêu cho em bé trong bụng. Theo các nhà khoa học, thai nhi khi được khoảng 23 tuần tuổi đã có thể biết lắng nghe, vì vậy, đây chính là thời điểm rất tốt để các bé lớn có thể trò chuyện với em của mình, và em bé cũng có thể làm quen dần với các anh chị. Sau khoảng 3 tháng, tiếng nói của bọn trẻ sẽ trở nên rất quen thuộc với em bé vẫn còn đang nằm trong tử cung, và hai bên bắt đầu cảm thấy gần gũi với nhau. Các nghiên cứu cho thấy thiên hướng tự nhiên của trẻ sơ sinh là hướng về những giọng nói quen thuộc mà chúng có thể nhận ra sau khi sinh.

9. Biết được những giới hạn của bạn.

Hãy xác định rằng dù bạn có làm mọi cách thì cũng không thể quan tâm đến mọi người được như trước khi bạn mang thai. Sớm hay muộn thì bé sẽ nhận ra chúng phải chia sẻ mẹ với một “đối thủ” khác. Tuy nhiên, may mắn là thời kỳ mang thai chính là khoảng thời gian bạn tương đối rảnh rỗi và có điều kiện để chuẩn bị cho “tập 1” cuộc sống khi có em. Hãy để các con giúp đỡ bạn, vì đây cũng là cách rất tốt để chúng gần gũi hơn với em bé trong bụng và bắt đầu thích nghi với vai trò làm anh, chị. Các bé sẽ dành thêm thời gian, năng lượng cho em mình, và như thế, bé sẽ biết yêu em hơn.