Lưu trữ cho từ khóa: nhuận táo

Vừng, vị thuốc đông y quen thuộc

Vừng là thức ăn thường dùng, quen thuộc. Trong các cuốn sách Đông y các thời đại thì vừng được gọi là  vị thuốc kéo dài tuổi thọ. Tại sao vừng lại đựợc gọi là vị thuốc “trường sinh”?Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng trong vừng có chứa rất nhiều các chất chống lão hóa như vitamin E…; có các chất mà cơ thể cần như protein, chất béo, đường, khoáng chất, có các chất phòng chống bệnh xơ cứng động mạch như axit béo không bão hòa, vitamin PP, vitamin B1, những thứ này đều là cơ sở cho việc kéo dài tuổi thọ.

Vừng có tác dụng bổ não dưỡng sinh: Do vừng có chứa nhiều chất chống lão hóa, bổ não, tăng cường trí lực, lại chứa nhiều axit béo không bão hòa có thể phòng bệnh xơ cứng động mạch, bởi vậy nó có tác dụng bổ não dưỡng sinh rất tốt.

Các bài thuốc người trung niên và người già có thể dùng để bổ não chống lão hóa. Nếu thanh thiếu niên do học hành căng thẳng, não lực mệt mỏi, hay đau đầu, giảm trí nhớ có thể dùng:

- Đem vừng sao thơm, khi sao cho vào ít muối, ăn mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 30g.

- Lấy 30g vừng, 60g gạo tẻ, cho nước ninh thành cháo, ăn một lần một ngày.

- Lấy quả dâu khô và vừng với lượng bằng nhau nghiền từng thứ thành bột, trộn đều, mỗi lần lấy một thìa trộn với một thìa mật ong, pha với nước sôi uống.

Vừng với tác dụng trị táo bón:

Vừng có chứa chất dầu có tác dụng nhuận tràng dễ đại tiện, lại bổ nên phù hợp với những người đại tiện táo hoặc khô do âm tân khí huyết hư tổn. Các bài thuốc dùng vừng để nhuận táo dễ đại tiện:

Bài 1: Dùng 90g vừng đen, 20g hạnh nhân ngọt, 90g gạo tẻ, ba vị này đổ nước vào ngâm cho nở ra rồi đem nghiền nát, đun chín, cho ít đường, chia làm 2 lần ăn trong ngày.

Bài 2: Lấy 30g vừng đen, 60g hạnh đào, cả hai thứ đem giã nát, mỗi ngày lấy một thìa, pha vào
nước sôi, cho thêm ít mật ong, quấy đều uống vào sáng sớm.

Bài 3: Đem sao vừng đen, lá dâu (hai thứ lượng bằng nhau), rồi nghiền thành bột, mỗi lần ăn 3 thìa, ngày 2-3 lần.

Dùng vừng trị chứng thiếu sữa:

Vừng có tác dụng thông sữa, trị chứng thiếu sữa. Vừng vị tính bình hòa, tác dụng bổ gan thận, bổ dưỡng tinh huyết, nên có tác dụng bổ dưỡng cho sản phụ bị tinh huyết hư tổn, thiếu sữa.

Bài thuốc kinh nghiệm là lấy 30g vừng giã nhỏ, 10g tằm khô nghiền bột, cho ít đường đỏ vào trộn đều, hãm nước sôi, đậy kín khoảng 10 phút thì uống một lần cho hết, ngày uống một lần vào lúc đói.


Theo Netlife

Món ăn bài thuốc dùng cho người bệnh đường hô hấp

Thời tiết chuyển từ mùa đông sang xuân là khoảng thời gian các bệnh lý đường hô hấp rất dễ phát sinh. Người bệnh thường bị ho kéo dài ảnh hưởng tới sức khỏe và sinh hoạt. Khi bị ho, người ta thường chỉ chú ý vào việc dùng thuốc mà ít lưu tâm đến vấn đề ăn uống, đặc biệt là việc sử dụng các thực phẩm và món ăn có giá trị hỗ trợ phòng và chữa bệnh. Y học cổ truyền đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm về vấn đề này. Xin được giới thiệu một số món ăn - bài thuốc chữa ho để bạn đọc tham khảo.

Cháo bách hợp, hạnh nhân: Bách hợp tươi 50g, hạnh nhân 10g, gạo thơm 50g. Gạo thơm vo sạch cho nước nấu cháo, cháo sắp được cho bách hợp, hạnh nhân bỏ vỏ vào, cháo nấu loãng cho đường gia giảm. Công hiệu: Nhuận phế khỏi ho. Dùng cho các chứng bệnh ho phổi khô, viêm khí quản... Ngày ăn hai lần.
Cháo hoa bách hợp.

Cháo sơn dược (củ mài), hạnh nhân: Sơn dược 100g, hạnh nhân 200g, kê 100g, một ít bơ. Sơn dược nấu chín, kê sao qua, hạnh nhân sao chín bỏ vỏ, cắt nhỏ. Mỗi lần lấy 10g hạnh nhân bột, sơn dược, kê vừa đủ hoà với nước sôi để nguội, cho một ít bơ là được. Dùng cho chứng bệnh tỳ hư thể nhược, phế hư, ho lâu... Ngày ăn một lần.

Cháo hoàng tinh (củ dong): Hoàng tinh 30g, gạo thơm 100g, đường trắng vừa đủ. Hoàng tinh rửa sạch, cho nước nấu bỏ bã lọc lấy nước trong. Cho gạo thơm vo sạch vào, thêm nước nấu cháo loãng. Cháo chín cho đường vừa đủ. Công hiệu: Bổ tỳ vị, nhuận tâm phế, bổ trung ích khí. Dùng cho các chứng tỳ vị hư nhược, cơ thể mệt mỏi, ăn uống kém, phế hư, ho khan, hoặc ho khan không đờm, lao phổi ho máu... Ngày một bát chia ăn vài lần, 3-5 ngày một liệu trình.

Cháo nước mía: Nước mía 100-150g, gạo thơm 50g. Gạo thơm vo sạch, cho vào nồi 300ml nước nấu cháo loãng, sau đó cho nước mía vào, đun nhỏ lửa cho đến khi được cháo. Công hiệu: Thanh nhiệt, bồi bổ sức khoẻ, nhuận táo khỏi ho... Dùng cho các chứng ho hư nhiệt, phiền nhiệt, miệng khát, chứng nôn, đi ngoài táo bón. Ăn ngày hai lần.

Cháo quả la hán: Quả la hán 50g, thịt lợn nạc xay nhỏ 50g, muối dầu ăn vừa đủ, gạo thơm 100g. Quả la hán cắt miếng nhỏ, cho gạo thơm đãi sạch vào nồi, cho một lít nước vào đun sôi, cho thịt lợn, quả la hán vào, cháo chín cho muối, dầu ăn vào là được. Công hiệu: Thanh phế tiêu đờm, tiêu thử giải khát, lợi hầu nhuận tràng. Dùng cho các chứng ho đờm hoả, ho bách nhật, táo bón, viêm họng mạn tính, viêm khí quản... Ngày 1 bát, chia vài lần.

Cháo hoa bạch lan: Hoa bạch lan 4 bông, táo đỏ 50g, mật ong 50g, đường trắng 50g, gạo nếp 100g. Nụ hoa bạch lan hái vào sáng sớm, táo đỏ bỏ vỏ thái sợi, cho gạo nếp đãi sạch vào nồi, thêm một lít nước, đầu tiên đun sôi, sau đun nhỏ lửa, nấu thành cháo, cho táo đỏ, hoa bạch lan, đường trắng, và mật ong vào đun qua là được. Công hiệu: Hết đờm, khỏi ho, lợi niệu, hành khí đục. Dùng cho các chứng ho có đờm, tiểu ít mà đỏ, sơn lam trướng khí. Ngày 1 bát, chia ăn vài lần.
Cháo lạc nhân táo đỏ.

Cháo nho: Nho khô 50g, đường trắng 50g, gạo nếp 100g. Gạo nếp đãi sạch, cho vào nồi cùng với một lít nước và nho khô, ban đầu đun lửa to cho sôi, sau đun nhỏ lửa nấu đến khi được cháo, cho đường trắng vào là được. Công hiệu: Ích khí huyết, mạnh gân cốt, trừ phiền khát, lợi tiểu tiện. Dùng cho các chứng khí huyết hư nhược, phế hư, tim loạn nhịp, mồ hôi trộm, phong thấp đau mỏi, đái dắt, phù thũng... Ngày 1 bát, chia ăn vài lần.

Cháo mật ong, tùng tử nhân: Tùng tử nhân 30g, mật ong vừa đủ, gạo nếp 50g. Tùng tử nhân nghiền nát cho cùng gạo nếp đãi sạch vào nồi, nước 400ml, ban đầu đun lửa to cho sôi, sau nấu nhỏ lửa, cháo chín cho mật ong vào là được. Công hiệu: Dùng cho chứng bệnh phổi khô, ho khan, không đờm hoặc ít đờm, da khô và táo bón do tuổi già, hậu sản, cơ thể yếu, khô họng. Ngày một bát chia hai lần ăn nóng. Người tỳ vị hư nhược, đi ngoài phân lỏng và người đàm thấp, nhiều đờm, dạ dày căng trướng, nôn mửa, không thích ăn....nói chung không nên dùng.

Cháo gạo nếp: Gạo nếp 50g. Gạo nếp đãi sạch cho vào nồi, nước 0,5 lít, ban đầu đun to lửa cho sôi, sau đun nhỏ lửa nấu cháo loãng. Công hiệu: Bổ phổi, thanh nhiệt, khỏi ho. Dùng cho chứng bệnh ho, ít đờm, thân nhiệt cao, mồ hôi trộm do phế hư biểu nhiệt... Ngày 1 bát ăn nóng. Người tỳ vị hư hàn và trẻ em không nên ăn nhiều.

Cháo lạc nhân, táo đỏ: Lạc nhân 50g, táo đỏ 50g, đường phèn vừa đủ, gạo nếp 100g. Lạc nhân để cả vỏ đỏ giã nát, táo đỏ rửa sạch bỏ vỏ, cho cùng gạo nếp đãi sạch vào nồi đất, nước 800ml, ban đầu đun lửa to cho sôi, sau đun nhỏ lửa cho đến khi được cháo, cho đường phèn vào đến khi tan hết là được. Công hiệu: Kiện tỳ khai vị, nhuận phế trừ đờm, thanh lợi hầu. Dùng cho chứng ho đờm suyễn, tỳ vị bất hoà, suy dinh dưỡng. Ngày một bát, chia hai lần sáng, tối.

BS. Lê Thu Hương
(suckhoe-doisong)

Qua lâu – Thuốc trị ho

Dược liệu qua lâu (Fructus Trichosanththes) là nhân (hạt) của quả qua lâu được thu hoạch vào mùa thu và phơi trong bóng râm (âm can) của cây qua lâu, tên khoa học Trichosanthes kirilowii Maxim hay Trichosanthes rosthomii Hams, thuộc họ Bí (Cucurbitaceae).

Quả qua lâu.

Đông y cho rằng qua lâu có vị ngọt, đắng, tính lạnh, quy vào các kinh phế, vị và đại trường. Có công năng tả hỏa, nhuận phế, hạ khí, hạ đờm (thanh nhiệt trừ đàm), nhuận táo (nhuận tràng), điều hòa khí trong ngực và tán kết. Chủ trị ho đờm, táo bón, vú bị ung nhọt, ngực tê tức.

Bộ phận dùng làm thuốc là vỏ quả qua lâu, nhân hột, rễ cũng đều làm thuốc, nhưng tác dụng khác nhau. Dùng hột khô mẩy chắc, vỏ cứng dày, nhân trắng không lép, có nhiều dầu, nguyên hạt, không vụn nát, không ẩm mốc, đen là loại dược liệu tốt.

Dùng hột thì bẻ vỏ cứng và màng mỏng ép dầu mà sử dụng (theo Lôi công bào chích luận). Còn kinh nghiệm ở Đông y nước ta thì đập nhẹ cho vỏ tách đôi, bỏ vỏ lấy nhân hoặc muốn làm nhanh thì lấy hột sao qua, sau đó chà cho nát vỏ lấy nhân. Khi cần bổ phế phải tẩm mật ong sao qua. Để khỏi rát cổ dùng chín. Liều trung bình cho các dạng thuốc từ 12 - 16g hoặc 10 - 20g. Cần lưu ý không sử dụng qua lâu với phụ tử vì giữa chúng tương khắc với nhau. Trường hợp tỳ, vị hư hàn không dùng, khi sử dụng nhiều có thể xảy ra tiêu lỏng.

Người ta đã dùng qua lâu để trị một số bệnh chứng:

Trị ho do đờm nhiệt, mà bệnh chứng có biểu hiện cảm giác tức nặng ở ngực, táo bón, dùng phương Thanh khí hóa đờm hoàn gồm qua lâu 12 - 16g, đởm nam tinh 2 - 5g, hoàng cầm 12 - 16g. Tán bột trộn mật, viên hoàn, ngày uống 2 lần, mỗi lần 10 - 12g.

Trị đờm thấp và huyết ứ trệ trong ngực biểu hiện cảm giác khó thở, đau ngực, đau ngực xuyên ra sau lưng dùng phương Qua lâu thông bạch bán hạ thang gồm qua lâu 12 - 16g, thông bạch 12 - 20g, bán hạ 12 - 16g, sắc ngày uống 1 thang, chia 2 - 3 lần.

http://img.suckhoedoisong.vn/Images/Uploaded/Share/2009/11/09/qua-lau.JPG

Trị đờm và nhiệt tích tụ trong ngực và vùng thượng vị, có biểu hiện cảm giác đầy chướng ngực và thượng vị dùng phương Tiểu hãm hung thang gồm qua lâu 12 - 16g, hoàng liên 4 - 12g, bán hạ 12 - 16g, sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần.

Trị táo bón dùng qua lâu 12 - 16g, hỏa ma nhân 10 - 12g với úc lý nhân 5 - 12g, chỉ thực 4 - 12g, sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần.

Trị vú sưng đau dùng qua lâu 12 - 16g, bồ công anh 20 - 40g, nhũ hương 3 - 6g, một dược 6 - 12g, sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần.

Theo BS. Hoàng Sơn (Suckhoedoisong.vn)

Trời rét: Cần bồi bổ gì?

Trong dân gian, bồi bổ vào mùa rét đã trở thành tập quán. Theo quan niệm của y học cổ truyền “Đông tàng tinh”, “Thu đông dưỡng ấm”; như vậy đông chính là mùa tốt để bồi bổ sức khỏe. Trong những ngày lạnh nhất của năm nếu tiến hành bồi bổ sẽ làm cho năng lượng từ chất dinh dưỡng được lưu trữ nhiều nhất trong cơ thể. Ngày thứ 9 sau đông chí chính là điểm chuyển tiếp âm khí cực thịnh và dương khí bắt đầu sinh trong năm. Cho nên bồi bổ vào lúc này sẽ làm nảy nở nguyên khí, dưỡng tinh, giúp ích cho việc sinh thành và phát triển dương khí trong cơ thể, tạo thành tiền đề sức khỏe cả năm sau.

Ngoài ra vào đông, nhiệt độ thấp, cần bồi bổ để bù đắp lại năng lượng đã mất, để duy trì được thân nhiệt bị tiêu hao do lạnh. Mặt khác mùa rét cũng làm tăng hứng thú ăn uống cho mọi người và khả năng tiêu hóa, hấp thu dinh dưỡng vào cơ thể đều tăng cao tương ứng. Song đối với người già hay trung niên thể chất hư nhược, hay người mắc chứng mạn tính... thì nhu cầu bồi bổ vào dịp này lại càng bức thiết.

Theo “Nội kinh” một bộ sách kinh điển của Đông y cũng đã nói: bồi bổ phải tuân theo nguyên tắc “Thu đông dưỡng âm”. Nói vậy là yêu cầu mọi người trong mùa thu đông phải thuận theo quy luật tự nhiên, mùa thu chủ về thu lại, mùa đông chủ về tàng trữ mà coi trọng việc tích dưỡng âm tinh. Âm tinh ở đây là âm dịch trong cơ thể được chỉ chung cho tất cả dịch thể dinh dưỡng bao gồm cả tinh trong sinh sản, huyết và tân dịch... Y học cổ truyền quan niệm âm tinh là chất quan trọng để cấu thành cơ thể người và duy trì hoạt động sống của cơ thể.

Những thức ăn ngậy béo cần ăn với lượng vừa phải.

Thu đông dưỡng âm, trước tiên là phải điều tiết tinh thần cho thật thoải mái, thanh thản, lòng rộng mở, không quá lo âu, cáu giận... như vậy mới bảo vệ được âm tinh, nếu không dễ xảy ra các chứng sây sẩm đột quỵ. Sau đó là cần bồi bổ những thức ăn dưỡng âm như thịt ba ba, thịt rùa, thịt lươn và các loại cháo thuốc có tác dụng bổ âm nhưng cũng phải tùy theo thể trạng mà chọn lựa sao cho thích hợp. Ngoài ra, còn có thể uống các loại thuốc Đông y có tác dụng dưỡng âm cho những người cơ thể bị suy nhược.

Như vậy khi mùa đông đến cần tiến hành bồi bổ: tốt nhất cần dẫn bổ tức là bổ đáy (để bổ) chính là đặt nền móng, do vậy cần chọn dùng cho thích hợp như khiếm thực hầm thịt bò, hoặc dùng khiếm thực, hồng táo, lạc nhân, cho đường đỏ vào hầm uống. Để điều chỉnh chức năng tỳ vị cũng có thể hầm một ít thịt cừu cho thêm gừng tươi, đại táo nấu thành canh thịt cừu đại táo cũng tác dụng tốt. Trên cơ sở đó uống thêm thuốc bổ sẽ làm tăng cường hiệu lực bồi bổ.

Cần lưu ý khi bồi bổ tránh ăn các thức quá ngậy béo, thức ăn sống lạnh để không gây trở ngại chức năng tiêu hóa của tỳ vị, ảnh hưởng đến sự hấp thu thuốc bổ và các thức ăn bổ dưỡng khác.

Trong thời gian bồi bổ nếu bị cảm sốt, táo bón thì tạm ngừng uống các loại thuốc bổ vì có rất nhiều loại thuốc bổ cầm ra mồ hôi, cầm tiêu chảy và kháng lợi tiểu. Như vậy nếu tiếp tục uống thuốc bổ sẽ làm cho cơ thể khó đào thải tà bệnh ra ngoài qua đường niệu và đường mồ hôi. Cho nên cần chờ khỏi bệnh hãy uống tiếp.

Thực ra những người cần bồi bổ vào mùa đông khi cơ thể hư nhược, còn người khỏe mạnh bình thường chỉ cần tập luyện thể dục thể thao, đồng thời ăn uống điều độ với các thức ăn dinh dưỡng thông thường mà không cần tẩm bổ và uống thuốc bổ. Để bồi bổ đúng, không lạm dụng khi dùng thuốc, ăn uống tẩm bổ không đúng cách; dưới đây xin hướng dẫn một vài điều cần quan tâm trong bồi bổ:

Thuốc bổ tuy có nhiều bổ ích cho cơ thể, nhưng uống không đúng cách sẽ gây nên một số tác dụng phụ như chảy máu cam, táo bón, ăn uống kém. Bởi vậy bồi bổ vào mùa đông phải tuân theo nguyên tắc: “Dược bổ không bằng thực bổ” nghĩa là:

- Như chúng ta đã biết, mùa đông khí hậu giá lạnh sẽ làm cho quá trình chuyển hóa của con người giảm, mạch máu dưới da co lại, nên nhiệt tán cũng tương đối ít. Do đó các thức ăn dùng trong mùa đông những thứ ngậy béo như thịt hầm, cá nướng, lẩu tổng hợp... với lượng vừa phải, dinh dưỡng phong phú, đủ nhiệt lượng cần thiết là được.

- Các thức ăn là loại ôn nhiệt, để giúp bảo vệ dương khí cho cơ thể. Dựa vào yêu cầu này Đông y quy lại những nhóm thức ăn chống rét đó là thịt các loại như: thịt cừu, thịt bò, giăm bông, thịt gà, thịt chó... rau gồm ớt, hạt tiêu, tỏi, gừng, nấm, hành, hẹ... các loại quả như hạnh đào, nhãn, hạt dẻ, đại táo, táo khô, vải, bưởi... Các loại kể trên vừa đầy đủ dinh dưỡng, mà khi ăn vào cảm thấy làm ấm áp cơ thể.

Cần bồi bổ các thức ăn nhuận táo, đó là loại thực phẩm thanh nhuận để không quá khô táo vì mùa đông quá khô hanh đã làm cho con người dễ bị khô môi, ho, phổi nóng. Do đó không thích hợp cho việc uống các loại thuốc đại bổ mà cần uống nhiều nước canh thanh nhuận, với bất cứ người nào cũng cần nhuận một chút. Để tiện ứng dụng và tham khảo xin giới thiệu  cụ thể các món ăn nhuận táo dưới đây:

- Dùng nước đường phèn lâu năm: Trần bì cho vào cùng đường phèn lượng đủ dùng trong ngày, đổ nước nấu khoảng 2 giờ là được, uống hết, công năng đạt được ngoài nhuận phế, còn hiệu quả rất tốt đối với mọi loại ho do nóng.

- Nước mã thầy, củ cải đỏ: Dùng củ cải đỏ cho mã thầy, hạnh nhân, táo ngọt, lượng tùy ý và 2 miếng trần bì. Tất cả đun sôi 3 giờ là được. Uống nước ăn cái. Tác dụng nhuận phế sinh tân, đặc biệt có hiệu quả với bệnh khô nẻ môi.

- Táo hầm xuyên bối: Táo 1 quả, cắt phần trên làm nắp, khoét rỗng ruột, nhét bột xuyên bối và mật ong vào ruột táo, sau dùng tăm ghim nắp táo lại, đem hầm cách thủy 2 giờ là ăn được.

- Nước lê tuyết, mã thầy: Lấy 250g mã thầy, lê tuyết 250g, đường trắng 50g, rửa sạch mã thầy, thái lát, lê gọt vỏ bỏ hạt thái lát; cho vào vải ép lấy nước đem đun sôi để nguội, bỏ đường vào khuấy tan thì uống.

Dược thiện có tính lạnh

Dược thiện có tính lạnh

Dưa hấu: Vị ngọt, tính lạnh, có công dụng thanh nhiệt giải thử, trừ phiền chỉ khát rất tốt, được người xưa mệnh danh là 'thiên nhiên bạch hổ thang', ý muốn nói: dưa hấu có tác dụng thanh nhiệt mạnh không kém gì bạch hổ thang, một trong những bài thuốc điển hình của nhóm phương thang có công năng thanh nhiệt tả hỏa. Đặc biệt, vỏ quả dưa hấu, còn gọi là tây qua bì, cũng là một vị thuốc có công dụng thanh nhiệt giải thử, sinh tân chỉ khát, thường được dân gian dùng dưới dạng sắc, hãm uống thay trà hoặc chế thành các món nộm ăn khá ngon.

Mía: Vị ngọt, tính lạnh, có công dụng giải nhiệt sinh tân, nhuận táo tư âm, dùng rất tốt trong mùa hè để phòng chống các chứng bệnh viêm nhiệt có biểu hiện miệng khô họng khát, sốt cao mất nước, tiểu tiện sẻn đỏ, đại tiện táo... Dân gian thường dùng dưới dạng ăn sống, ép hoặc sắc lấy nước uống thay trà giải khát. Cổ nhân mệnh danh mía là 'Thiên sinh phục mạch ẩm', nghĩa là có tác dụng như một bài thuốc cổ có tên là phục mạch ẩm.

Mã thầy: Vị ngọt, tính lạnh, có công dụng thanh nhiệt trừ thử, sinh tân chỉ khát, dùng làm thứ củ ăn sống hoặc ép lấy nước giải khát rất tốt, đồng thời có tác dụng dự phòng tích cực một số bệnh lý viêm nhiệt mùa hè như viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản, viêm phổi, viêm môi miệng, viêm dạ dày ruột...

Dược thiện có tính hàn

Quả dâu: Vị ngọt, tính hàn, có công dụng bổ can ích thận, tư âm dưỡng huyết, minh mục nhuận tràng, làm đen râu tóc. Sách Bản thảo kinh sơ đã viết: 'Tang thầm, cam hàn ích huyết nhi trừ nhiệt, vi lương huyết bổ huyết ích âm chi dược' (quả dâu vị ngọt, tính hàn, mà bổ huyết trừ nhiệt, là vị thuốc bổ huyết ích âm). Đây là một loại quả nên dùng nhiều trong mùa hè dưới dạng sirô dâu làm nước giải khát, trà dâu hoặc chế thành mứt dâu.

Mướp đắng: Vị đắng, tính hàn, có công dụng thanh hỏa tiêu thử, minh mục giải nhiệt, dùng làm đồ ăn thức uống vào mùa hè rất tốt. Sách Trấn nam bản thảo viết: 'Khổ qua tả lục kinh thực hỏa, thanh thử, ích khí, chỉ khát' (mướp đắng có thể làm hết hỏa nhiệt ở 6 đường kinh, thanh thử, bổ khí và làm hết khát). Người ta thường dùng mướp đắng dưới dạng ăn sống, luộc, xào với trứng, nhồi thịt băm hoặc thái phiến, phơi khô, hãm uống thay trà.

Rau cần: Vị ngọt mặn, tính hàn, có công dụng thanh nhiệt lợi niệu, hóa đàm nhuyễn kiên, tán kết, là loại rau lý tưởng trong mùa hè cho những người bị vữa xơ động mạch, tăng huyết áp và bệnh lý tuyến giáp trạng.

Ngó sen: Vị ngọt, tính hàn, có công dụng thanh nhiệt lương huyết, sinh tân chỉ khát, giải thử trừ phiền, là một trong những loại thực phẩm lý tưởng trong mùa hè. Sách Bản thảo kinh sơ viết: 'Ngẫu tiết, sinh giả cam hàn, năng lương huyết chỉ huyết, trừ nhiệt thanh vị'. Dân gian thường dùng ngó sen dưới dạng sắc uống thay trà, làm nộm hoặc rửa sạch rồi ép lấy nước uống.

Nấm rơm: Vị ngọt, tính hàn, có giá trị dinh dưỡng rất cao, chứa nhiều chất đạm, vitamin C và các acid amin rất cần thiết cho cơ thể, có công dụng bồi bổ và thanh nhiệt tiêu thử. Đây là thực phẩm lý tưởng trong mùa hè cho những người bị cao huyết áp, rối loạn lipid máu và các bệnh lý gan mật.

Ngoài ra, trong mùa hè còn nên trọng dụng một số thực phẩm như mướp, cải cúc, xích tiểu đậu, đậu tương, củ cải, súp lơ, rau đay, mùng tơi, cà chua, cam, quýt, chuối tiêu, trám, táo tây, bạc hà, kỷ tử, kim ngân hoa, cúc hoa, bàng đại hải, quyết minh tử, thịt vịt, cua, ốc, hến, trai, sò, ngao... Nên tránh hoặc hạn chế dùng các thực phẩm như thịt dê, thịt chó, thịt hoẵng, thịt chim sẻ, long nhãn, vải, hẹ, hành tây, hạt tiêu, nhục quế, gừng, đại hồi, lạc rang, rượu trắng...  

Theo Suckhoe&Doisong