Lưu trữ cho từ khóa: nhiều bạch cầu

Sứ mạng của hoa hải đằng

Nổi tiếng từ một sự nhầm lẫn hay sai sót trong khoa học, loài hoa hải đằng được ví như là thần hộ mệnh của những bệnh nhân ung thư máu và đem lại sức hồi sinh như sức sống của mùa xuân mới...

Loài hoa hải đằng

Hoa hải đằng có tên gọi khác là cây dừa cạn. Vì hoa của chúng không chỉ nở vào mùa xuân mà còn cả những mùa khác nữa nên người ta còn đem tặng nó nhiều cái tên mỹ miều khác như trường xuân hoa, tứ thời hoa, nhật nhật hoa, cây bông dừa, dương giác. Tên khoa học là Catharanthus roseus L hay Vinca rosea L, thuộc họ trúc đào. Phần Catharanthus do chữ kartharos trong tiếng La-tinh mang ý nghĩa là tinh khiết mà thành. Còn chữ anthos có nghĩa là hoa đẹp đến độ tinh khiết của một thành viên họ trúc đào.

Ở Việt Nam, cây được trồng nhiều ở các tỉnh gần biển nhưng khắp mọi nơi đều có thể trồng được loại cây này.

Ít ai ngờ rằng loài hoa đầy mong manh và mềm mại này lại chứa trong mình cả một kho hoạt chất sinh học. Nếu gọi là cây cảnh cũng đúng, nhưng gọi là thảo dược cũng chẳng sai vì ở trong cây luôn tồn tại hai đặc tính đẹp và dược tính. Từ hải đằng người ta đã chiết xuất được nhiều chất hoá học khác nhau có giá trị với các phòng nghiên cứu dược và với ngành khoa học vì con người. Một vài loại như axít pyrocatechic, sắc tố flavonoid, anthrocyanic từ thân và lá dừa cạn hoa đỏ, axít ursonic từ lá và cholin từ rễ. Hiện nay, người ta đã xác định hoạt chất chính của dừa cạn là các ankaloid có nhân idol có trong tất cả các bộ phận của cây, nhiều nhất trong rễ và lá.

Nếu tính tổng số các hợp chất hoá học trong cây hải đằng thì chúng ta có thể ghi được số 55 trong bảng tổng hợp. Tuy nhiên người ta cũng chưa khám phá hết được những tính năng dược lý của loại cây quý này. 55 hợp chất này bao gồm: các alkaloid monomer có nhân idol và các alkaloid dimer không đối xứng gần như là nhóm chất đặc thù của loại dừa cạn Catharanthus roseus. Tiêu biểu là vincaleucoblastin (vinblastin), leurocristin (vincristin). Đây là những alkaloid quan trọng nhất của cây này vì nó các tác dụng chống ung thư. Tuy nhiên hàm lượng những alcaloid trong loại thảo dược này rất thấp, phải cần đến 500kg dừa cạn, tức là nửa tạ dừa cạn chỉ để lấy 1g vincristin hoạt chất.

Cuộc thử nghiệm nhầm lẫn

Cũng giống như sự phát hiện tình cờ ra iốt, một nhà khoa học đã hậu đậu tới mức lỡ tay gạt đổ cả một lọ iốt to tướng vào đĩa hồ tinh bột làm hồ tinh bột biến đổi thành màu xanh, sự phát hiện ra khả năng chống ung thư cũng hết sức tình cờ đến mức có thể gọi là may mắn.

Năm 1952, TS. Clark Noble, một nhà y học người Canada đã nhận được một gói chuyển phát bưu điện từ một bệnh nhân của ông. Gói bưu kiện mà ông nhận được chứa đầy lá và cây của một loại thân thảo mà ông cũng thấy lạ. Tác giả của gói bưu kiện cho biết: Hiện nay người dân vùng này đang sử dụng loại cây này để chữa tiểu đường. Thế là ông quyết định bắt tay vào nghiên cứu xem trong cái loại cây này có gì mà chúng lại có tác dụng trị bệnh hay vậy. Ông đã chuyển 25 lá của loại cây này cho anh trai của ông là Robert Noble, lúc bấy giờ là Phó giám đốc Phòng thí nghiệm nghiên cứu y học Collip của Đại học Western Ontario. Cuộc nghiên cứu cây dừa cạn hay hoa hải đằng bắt đầu.

Nhưng khoa học lần này lại không mỉm cười với ông, bởi kết quả tìm ra thật thất vọng. Ông  Robert Noble chẳng thể tìm ra được một chút nào về sự biến thiên nồng độ đường máu khi thử nghiệm với dịch chiết hải đằng. Đến con chuột cuối cùng và lần này ông lấy cả máu để “soi” thử cho bớt thất vọng thì một điều vô cùng lạ là: tế bào bạch cầu trong máu chuột lại bị suy giảm lớn, “có ý nghĩa thống kê”. Sự kiện này làm bộ óc ông loé sáng, ông không tiến hành thử nghiệm với đường máu nữa mà chuyển sang nghiên cứu các tế bào máu. Sau khi tiến hành trên hệ máu với nhiều con chuột khác nhau, ông nhận thấy rằng ở mọi con chuột đều có sự giảm không thể kiểm soát được các tế bào bạch cầu, không những ở các con chuột bình thường mà còn cả những con chuột bị ung thư hệ lympho, loại ung thư tạo ra rất nhiều bạch cầu vô dụng cần phải giảm số lượng chúng xuống (ung thư máu hay ung thư dòng bạch cầu). Chính kết quả này đã làm nảy sinh trong các bộ óc hàn lâm một logic vô cùng đơn giản: có thể có một cái gì đó trong cây này có tác dụng làm giảm bạch cầu.

Và thế là bước ngoặt nghiên cứu bắt đầu được thực hiện, từ đái tháo đường sang ung thư hệ lympho. Vào năm 1954, nhà hoá sinh Beer vào làm trong phòng thí nghiệm của Robert Noble, vào năm 1958 ông đã tinh chế thành công một loại alkaloid từ lá của loại thảo dược kỳ bí này bằng công nghệ hoá phân tử. Ông đặt tên nó là vinblastine. Và từ đó vinblastine bắt đầu được vào bệnh viện với những thử nghiệm lâm sàng đầu tiên tại Bệnh viện Princess Margaret ở bang Toronto trên những bệnh nhân bị ung thư lympho.

Sự phát hiện ra vinblastine và đặc tính chống ung thư của loài dừa cạn hay hải đằng là hoàn toàn may mắn từ một cuộc thử nghiệm nhầm lẫn. Song nếu không có cuộc thử nghiệm nhầm lẫn này, không có lòng đam mê khoa học thì chắc là phải lâu lắm nữa chúng ta mới có một loại thuốc hữu hiệu trị ung thư. Mặc dù được phát hiện tình cờ nhưng sự xuất hiện của vinblastine được coi là một mốc lịch sử mang tính bước ngoặt trong điều trị căn bệnh vẫn đang làm đau đầu giới nghiên cứu y học này.

Và ngã rẽ lịch sử

Hoạt động dược lý chính của vinblastine là ức chế hình thành thoi phân bào trong quá trình phân chia tế bào và được sử dụng trong lâm sàng để điều trị ung thư. Tế bào ung thư muốn phân chia và sinh sản nhân đôi được thì chúng cần phải có thoi phân bào để các nhiễm sắc thể chứa vật chất di truyền và các thành phần khác trượt về hai phía. Không có thoi phân bào, các nhiễm sắc thể không thể trượt được và tất nhiên phân bào không thể xảy ra. Vinblastine đã làm được điều này.

Hiện nay, vinblastine được sử dụng trong lâm sàng để điều trị bệnh Hodgkin giai đoạn III và IV, u lympho non-Hodgkin, ung thư lympho. Nó cũng được sử dụng điều trị các ung thư bàng quang, ung thư da, ung thư thận, ung thư tuyến, ung thư vú, ung thư tinh hoàn. Tuy nhiên chính tác dụng này của nó lại ảnh hưởng không tốt đến sự dẫn truyền thần kinh vì sự liên kết các vi ống được coi là đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn truyền thần kinh dọc các sợi trục. Khi sử dụng vinblastine diệt ung thư thì ngay lập tức quá trinh dẫn truyền thần kinh cũng bị ảnh hưởng. Chính vì thế mà nó cũng không phải là một chất tốt của thần kinh, thậm chí là gây độc thần kinh.

Nhưng dù như thế nào thì với sự phát hiện ra vinblastine, ngành ung thư học đã có thêm một chất vô cùng công hiệu trong điều trị ung thư máu. Bước ngoặt điều trị ung thư như được đi sang một trang mới nhiều thành công hơn. Và cũng vì thế mà cây dừa cạn hay loài hoa hải đằng đã có vai trò trong sứ mệnh “cứu giúp” loài người.

Hồng Phong

Chữa bệnh 'máu trắng' trẻ em

Bệnh bạch cầu cấp hay lơxêmi cấp (nhân dân gọi nôm na là bệnh máu trắng) là một bệnh tǎng sinh có tính chất ác tính. Các bạch cầu non tiên phát ở tủy xương, lấn át sự tạo máu bình thường của tủy và thâm nhiễm vào nhiều bộ phận trong cơ thể. Với các bệnh nhi, đây không phải là căn bệnh vô phương cứu chữa, nhưng rất tốn công.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Bệnh bạch cầu cấp là bệnh ác tính phổ biến nhất trong các bệnh ung thư ở trẻ em. Tại Khoa huyết học lâm sàng, Bệnh viện nhi trung ương, bệnh bạch cầu cấp chiếm 45% các bệnh ung thư vào bệnh viện và hàng nǎm bệnh viện tiếp nhận từ 120 đến 150 bệnh nhân mới.

Đây cũng là một bệnh hiểm nghèo, trước có thể gây tử vong chỉ trong 1 nǎm. Nhờ những tiến bộ vượt bậc của y học về hiểu biết bệnh, phân loại bệnh, thuốc điều trị và ứng dụng các kỹ thuật di truyền, sinh học phân tử, nên hiện nay trên 60% trẻ bị bạch cầu được cứu sống ở các nước tiên tiến và trên 90% trẻ sống thêm được từ 3-5 nǎm.

Ở Việt Nam những nǎm qua đã có nhiều tiến bộ về chẩn đoán, song điều trị còn gặp nhiều khó khǎn, kết quả điều trị còn hạn chế, chỉ 8-10% số trẻ bị bệnh vào BV Nhi Trung ương có điều kiện theo đuổi điều trị một cách đầy đủ.

Triệu chứng

Bệnh bạch cầu cấp xảy ra ở mọi lứa tuổi, song phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi, trẻ trai mắc bệnh nhiều hơn trẻ gái. Bệnh thường bắt đầu bằng triệu chứng sốt và da xanh do thiếu máu. Đặc điểm của triệu chứng sốt là sốt thất thường, sốt cao, lúc đầu dễ lầm lẫn là sốt do một bệnh nhiễm trùng, điều trị bằng kháng sinh không có hiệu quả, có thể sốt từng đợt, tái diễn.

Kèm theo sốt là da xanh dần, trẻ mệt mỏi, thở nhanh, tim đập nhanh, do thiếu máu. Thiếu máu tǎng dần, lúc đầu thiếu máu nhẹ, sau thiếu máu nặng, đòi hỏi phải truyền máu nhiều lần.

Đồng thời với sốt, thiếu máu thường có biểu hiện xuất huyết, trên da thấy có nhiều chấm xuất huyết màu đỏ, có những mảng bầm tím, dễ bị chảy máu cam, rỉ máu ở lợi chân rǎng. Trường hợp nặng có thể bị chảy máu đường tiêu hóa, nhất là chảy máu ở nội sọ và chảy máu phổi gây tử vong.

Ngoài các biểu hiện trên còn hay gặp nổi hạch to ở hai bên cổ, nách, bẹn; lách to và đau xương khớp. Nhiều trường hợp đau xương dễ lầm lẫn với viêm đa khớp. Nếu không được điều trị, bệnh tiến triển nặng dần, sốt nhiều hơn, thiếu máu nặng, xuất huyết nhiều, dễ có nguy cơ tử vong do chảy máu nặng và nhiễm khuẩn.

Chẩn đoán

Để chẩn đoán xác định bệnh phải dựa vào xét nghiệm máu ngoại biên và máu tủy. Máu ngoại biên có biểu hiện giảm hồng cầu và huyết cầu tố, bạch cầu thường tǎng cao, có nhiều bạch cầu non, giảm bạch cầu trung tính và tiểu cầu.

Chọc dò tủy xương để xét nghiệm máu tủy, thấy có biểu hiện tủy tǎng sinh, chủ yếu là tǎng sinh nhiều bạch cầu non, lấn át các dòng tế bào bình thường ở tủy, như giảm dòng hồng cầu, giảm dòng bạch cầu tủy bình thường và giảm dòng mẫu tiểu cầu ở tủy. Xét nghiệm máu tủy là xét nghiệm có ý nghĩa quyết định chẩn đoán. Do đó chọc dò tủy xương là xét nghiệm bắt buộc để chẩn đoán.

Cũng cần nói rõ thủ thuật chọc dò tủy xương không gây tai biến nếu đảm bảo kỹ thuật. Máu tủy còn được sử dụng để làm một số xét nghiệm về miễn dịch, di truyền, rất cần cho chẩn đoán, phân loại bệnh để giúp hướng điều trị chính xác.

Điều trị

Bệnh bạch cầu cấp được phân loại thành 2 dòng, bạch cầu cấp dòng lympho và bạch cầu cấp dòng tủy. Ở trẻ em, 70% trường hợp là bạch cầu cấp dòng lympho, còn 30% là bạch cầu cấp dòng tủy. Nhìn chung bạch cầu cấp lympho thì tiên lượng điều trị thuận lợi hơn bạch cầu cấp dòng tủy.

Việc điều trị bệnh bạch cầu cấp khá phức tạp và khó khǎn vì cần nhiều loại thuốc, các thuốc đều có nhiều độc tính cũng như tác dụng phụ; thời gian điều trị dài từ 2-3 nǎm, phải điều trị liên tục, phải được theo dõi tại một cơ sở chuyên khoa

Ngoài thuốc hóa chất, bệnh nhi còn cần được truyền máu, chống nhiễm trùng bội phụ, một số ít còn cần ghép tủy xương, do đó chi phí điều trị khá cao. Vì thế, cho đến nay chỉ có khoảng 8-10% bệnh nhân có điều kiện chấp nhận điều trị đầy đủ. Điều trị bệnh bạch cầu cấp đầy đủ, liên tục cần sự kết hợp chặt chẽ giữa bệnh viện và gia đình, và việc tổ chức chǎm sóc tốt.

Phương pháp điều trị bao gồm: đa hóa trị liệu, điều trị hỗ trợ bao gồm cả truyền các chế phẩm máu và ghép tủy xương nếu cần, và điều trị chống nhiễm khuẩn. Cũng phải nói ngay không phải tất cả bệnh nhân bạch cầu cấp đều phải ghép tủy xương, chỉ một ít trường hợp cần ghép tủy.

Trong suốt thời gian điều trị, bệnh nhi được theo dõi tại một bệnh viện để đánh giá tiến triển bệnh, tác dụng phụ, độc tính do điều trị và biến chứng nhiễm trùng cơ hội, để điều chỉnh chế độ điều trị và xử trí kịp thời. Bệnh bạch cầu cấp là một bệnh ác tính, tiên lượng nặng, dè dặt.

Chi phí cho điều trị bệnh bạch cầu cấp khá tốn kém, bệnh nhi cần được sự hỗ trợ của bảo hiểm y tế và các tổ chức nhân đạo.

(GS.TS. Nguyễn Công Khanh, Sức khoẻ & Đời sống)