Bệnh béo phì, tim mạch, tiểu đường, ung thư… ngày càng có xu hướng phát triển trên phạm vi toàn cầu, không ngoại trừ giới tính hay bất cứ lứa tuổi nào. Người phụ nữ với thiên chức làm vợ, làm mẹ còn chứa đựng nhiều yếu tố tâm sinh lý, nhiều tác động của môi trường xã hội, đang đứng trước những nguy cơ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, đe dọa trực tiếp đến bản thân cũng như ảnh hưởng không nhỏ đến thế hệ tương lai.
Nguy cơ nhiễm khuẩn
Nguy cơ nhiễm khuẩn cao nhất đối với người phụ nữ là các bệnh lây truyền qua đường tình dục (LTQĐTD). Các nhiễm trùng LTQĐTD có nguyên nhân do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm… đang ngày càng có xu hướng gia tăng. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, mỗi ngày có khoảng một triệu trường hợp mắc các bệnh LTQĐTD (bao gồm cả nhiễm HIV). Một điều đặc biệt nghiêm trọng là sự gia tăng các bệnh LTQĐTD luôn phối hợp và đồng hành cùng sự phát triển của đại dịch HIV/AIDS trên toàn cầu. Như vậy trên thế giới mỗi năm có khoảng 360-400 triệu người mắc các LTQĐTD. Riêng khu vực châu Á Thái Bình Dương con số này là 36 triệu. Tại Mỹ ước tính mỗi năm có khoảng 19 triệu người tuổi từ 25-29 bị mắc các bệnh LTQĐTD, đặc biệt là nhiễm Chlamydia và lậu cầu. Tại Anh Quốc năm 2008 có khoảng 400.000 người mắc giang mai, lậu, Chlamydia và HPV.
Ở Việt Nam, theo báo cáo từ các đơn vị da liễu của các tỉnh, mỗi năm có khoảng 200.000 người bị mắc các bệnh LTQĐTD. Tuy nhiên con số này thấp hơn nhiều so với thực tế, nguyên nhân cơ bản là đa số các phòng khám tư nhân hoặc các cơ sở y tế khác mặc dù có khám và điều trị các bệnh LTQĐTD song không có báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ.
Bệnh giang mai, bệnh lậu, bệnh hạ cam… các bệnh này lây chủ yếu lây qua quan hệ tình dục không an toàn, không được bảo vệ. Biểu hiện lâm sàng của bệnh rất đa dạng, phong phú và gây ra nhiều biến chứng nếu không được xử lý kịp thời. Để bảo vệ sức khỏe phụ nữ, việc phòng chống các bệnh LTQÐTD là vô cùng quan trọng và cần thiết, nhưng cũng vô cùng nhạy cảm và tế nhị. Cần xây dựng mạng lưới da liễu đến tận cơ sở để tiếp cận người bệnh thông qua các hoạt động khám, phát hiện, điều trị, quản lý và giáo dục y tế. Các bệnh LTQÐTD vẫn là một vấn đề của y tế công cộng. Sự liên quan, ảnh hưởng, đồng hành của bệnh LTQÐTD với nhiễm HIV/AIDS đòi hỏi chúng ta cần có một chiến lược đúng đắn, phù hợp để ngăn chặn và giảm thiểu hơn nữa sự lây truyền của bệnh và hạn chế sự phát triển của đại dịch HIV/AIDS trên toàn cầu.
Tư vấn cách chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ.
Những nguy cơ từ thiên chức làm mẹ
Tai biến sản khoa (TBSK)
TBSK là những vấn đề sức khỏe của mẹ hoặc con liên quan đến thai sản của người mẹ từ khi bắt đầu mang thai tới sau khi đẻ hoặc chấm dứt thai nghén (thời kỳ hậu sản). TBSK là rất nhiều, tuy nhiên có 5 tai biến rất nguy hiểm trực tiếp đe dọa đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người phụ nữ đó là: băng huyết, nhiễm khuẩn, vỡ tử cung, sản giật và uốn ván. Các tai biến này thường xuất hiện đột ngột, ít có dấu hiệu báo trước và chiếm khoảng 85% các trường hợp tử vong mẹ do các nguyên nhân sản khoa trực tiếp gây ra. Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, tại Việt Nam có khoảng 15% phụ nữ có thai gặp phải các biến chứng không được dự báo. Tại một số địa phương, tỷ lệ tai biến sản khoa chiếm 2,24% số ca đẻ. Số tai biến tại trạm y tế xã, phường chiếm 0,42%, tại bệnh viện đa khoa huyện 1,69%; tại bệnh viện phụ sản tỉnh 4,21%. Trong số 5 loại tai biến, băng huyết chiếm 89%; nhiễm trùng hậu sản chiếm 8,8%; tiền sản giật chiếm 1,1%; vỡ tử cung chiếm 1,1%. Nếu so với số ca đẻ, tỷ lệ băng huyết chiếm 2%; nhiễm trùng hậu sản chiếm 0,2%; tiền sản giật, sản giật chiếm 0,02%, vỡ tử cung chiếm 0,02%. Những năm gần đây, đã cơ bản hạn chế được tình trạng tai biến do uốn ván đối với bà mẹ và trẻ sơ sinh.
Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy có mối liên quan chặt chẽ giữa tuổi của mẹ khi mang thai và tai biến sản khoa. Phụ nữ trên 35 tuổi khi mang thai gặp tai biến cao gấp 2 lần so với phụ nữ dưới 35 tuổi. Sản phụ sinh lần thứ ba trở lên có nguy cơ gặp tỷ lệ tai biến cao gấp 1,73 lần so với sản phụ sinh lần 1 và lần 2. Những sản phụ có tiền sử nạo hút thai có nguy cơ tai biến cao gấp 2,9 lần so với những sản phụ không có tiền sử nạo hút thai. Tỷ lệ ở những sản phụ đẻ thai to (nặng > 3500gr) cũng cao gấp 2,52 lần so với sản phụ đẻ con có trọng lượng thai nhỏ hơn 3500gr. Những bệnh lý nhau tiền đạo, nhau cài răng lược, vỡ tử cung, cũng là nguyên nhân gây mất máu nghiêm trọng.
Ngày nay tai biến sản khoa vẫn là nỗi ám ảnh của y học. Bởi trên thực tế, ngay tại các nước có nền y học phát triển, với một số loại tai biến sản khoa, việc can thiệp của thầy thuốc vẫn là điều bất khả kháng và sản phụ vẫn tử vong trong sự bất lực của thầy thuốc.
Vì vậy phụ nữ mang thai cần được đăng ký quản lý thai nghén, theo dõi chặt chẽ định kỳ khám thai đủ 3 lần/ thai kỳ hoặc bất kỳ khi nào nếu có dấu hiệu bất thường, tiêm phòng uốn ván, phòng chống thiếu máu… đảm bảo chăm sóc trước và sau khi sinh cho bà mẹ và trẻ sơ sinh.
Ung thư vú
Ung thư vú (UTV) là một căn bệnh hay gặp và chiếm tỷ lệ tử vong hàng đầu trong số các ung thư của nữ giới ở nhiều nước trên thế giới. Phụ nữ phương Tây có nguy cơ ung thư vú cao hơn so với phụ nữ châu Á. Tại Việt Nam tỷ lệ mắc ước tính là 17,4/100.000 dân. Ở các tỉnh phía Bắc, UTV chiếm hàng đầu trong số các ung thư ở nữ, còn ở phía Nam, căn bệnh này cũng chiếm vị trí số 2, chỉ sau ung thư cổ tử cung. Phần lớn UTV xảy đối với phụ nữ trong độ tuổi 35 – 45, nguy cơ mắc bệnh tăng lên khi người phụ nữ càng cao tuổi hơn. Các yếu tố sau đây cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh: trong gia đình đã có người bị UTV (mẹ, chị, em ruột), xáo trộn di truyền do sự thay đổi đột biến của gen (BRCA 1, BRCA 2). Ngoài ra, càng chịu tác động lâu dài của estrogen thì nguy cơ càng gia tăng, như phụ nữ bắt đầu có kinh nguyệt sớm (trước 12 tuổi) và mãn kinh muộn (sau 55 tuổi), hoặc dùng nhiều liệu pháp nội tiết thay thế sau mãn kinh trong thời gian dài; chưa bao giờ sinh con hay có con đầu lòng muộn (sau 30 tuổi). Phụ nữ hút thuốc và uống rượu cũng tăng nguy cơ ung thư vú; chế độ dinh dưỡng nhiều thịt và chất béo, cơ địa béo phì, cũng dễ bị ung thư hơn… Cho đến nay y học đã đạt được rất nhiều tiến bộ trong nghiên cứu cơ chế sinh bệnh học ung thư vú cũng như các biện pháp điều trị bệnh. Điều trị ung thư vú hiện nay là sự kết hợp chặt chẽ giữa các biện pháp điều trị tại chỗ, tại vùng bằng phẫu thuật, tia xạ với các phương pháp toàn thân bằng hóa chất, nội tiết và sinh học. Tuy nhiên việc phát hiện và điều trị kịp thời là rất quan trọng, quyết định hiệu quả điều trị.
Ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng (UTBT) có thể xảy ra ở nhiều hơn một thành viên trong một gia đình nhưng nó không là kết quả một biến đổi gen di truyền. Nếu có người thân ở thế hệ thứ nhất (mẹ, con gái hoặc chị em gái) mắc UTBT, thì nguy cơ mắc bệnh là 5% trong suốt cuộc đời.
Nguy cơ mắc UTBT thường tăng lên theo tuổi nhất là sau tuổi 70. Hầu hết UTBT được chẩn đoán ở phụ nữ đã mãn kinh, đôi khi bệnh cũng xảy ra ở phụ nữ tiền mãn kinh. Việc dùng thuốc uống tránh thai có một vài tác dụng bảo vệ chống lại UTBT. Những nghiên cứu chỉ ra rằng mất khả năng sinh sản làm tăng nguy cơ mắc bệnh UTBT, nhất là ở phụ nữ mất khả năng sinh sản không rõ lý do.
Ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung (UTCTC) thường tấn công vào phụ nữ 35 – 40 tuổi trở đi. UTCTC là một trong những bệnh ung thư phụ khoa rất phổ biến và gây tử vong cao hàng đầu ở phụ nữ hiện nay. Trên toàn cầu mỗi năm có khoảng 270 ngàn bệnh nhân tử vong do UTCTC. Tại Việt Nam, hàng năm có đến hơn 6 ngàn phụ nữ phát hiện bị UTCTC. Theo nghiên cứu của Cơ quan quốc tế nghiên cứu về ung thư thì 99,7% các trường hợp ung thư cổ tử cung có sự hiện diện của virus HPV tuýp nguy cơ cao. Ở Việt Nam, theo công bố gần đây nhất của Bệnh viện ung bướu, UTCTC đứng hàng thứ nhì trong các loại ung thư sinh dục nữ, chỉ sau ung thư vú. Như vậy, UTCTC thật sự là một gánh nặng chính đối với sức khỏe, tâm lý và xã hội của phụ nữ Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung.
Ngoài ra tỷ lệ phụ nữ mắc u xơ tử cung, u nang buồng trứng, thiếu máu, loãng xương …. là rất cao. Đặc biệt phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ còn có thể gặp chửa ngoài tử cung, nhau tiền đạo, nhau bong non, chửa trứng… Đây là những nguy cơ gây nên tình trạng bệnh lý cấp tính gây nguy hiểm đe dọa sức khỏe, tính mạng của người phụ nữ.
BS Vũ Thành
Meo.vn (Theo Sức khỏe & Đời sống)