Lưu trữ cho từ khóa: nhiễm trùng

Phối hợp kháng sinh

Nên hay không?Trong nhiều trường hợp dùng một kháng sinh không thể đẩy lui được bệnh mà phải dùng tới sự phối hợp hai hoặc ba loại khác nhau, người ta nghĩ rằng dùng hai thuốc thì sẽ tốt hơn dùng một thuốc. Tuy nhiên điều này không phải lúc nào cũng chính xác.

Những lợi ích khi phối hợp

Trên thực tế là nhiều trường hợp dùng một kháng sinh không thể đẩy lui được bệnh mà phải dùng tới sự phối hợp hai hay ba loại thuốc khác nhau.

Về mặt tác dụng điều trị thì cũng có trường hợp dùng hai thuốc là tốt hơn một thuốc. Vì xung quanh chúng ta có quá nhiều vi khuẩn, nhiều loại khác nhau do đó có nhiều mầm bệnh khác nhau có thể gây bệnh trên cùng một cơ quan. Nhưng thực tế không có một thuốc nào là đa năng có thể cùng lúc tiêu diệt được các loại vi khuẩn đó. Mỗi loại chỉ có một cơ chế tác dụng nhất định, có tác dụng tốt với một số loại mầm bệnh nhất định. Việc dùng phối hợp thuốc sẽ làm tăng phổ tác dụng với các vi khuẩn gây hại. Ví dụ, viêm phổi và viêm đường hô hấp nói chung thường do nhóm vi khuẩn tụ cầu, liên cầu gây ra, nhưng cũng có khi là do sự có mặt của vi khuẩn E.coli hay Klebsiella. Nếu chúng ta sử dụng kháng sinh nhóm beta lactam thì thường có công hiệu mạnh với vi khuẩn tụ cầu, liên cầu. Nhưng nếu chúng ta phối hợp với aminoglycosid thì lại phủ phổ tác dụng lên cả những vi khuẩn đường ruột khi mà chúng ta chưa có điều kiện xác định đâu là vi khuẩn gây bệnh.

Hiệu quả của việc phối hợp kháng sinh còn ở chỗ hai thuốc có khi làm tăng hiệu quả tác dụng của nhau. Một ví dụ điển hình của việc này là việc phối hợp giữa kháng sinh sulfamid với kháng sinh nhóm trimethoprim. Cả hai kháng sinh này đều là những kháng sinh mới được tìm ra so với những kháng sinh “đàn anh” như penicillin. Sulfamid có tác dụng ức chế cạnh tranh với PABA do đó nó làm giảm tổng hợp dihydrofolat, một khâu quan trọng trong tổng hợp DNA. Trong khi đó, trimethoprim có tác dụng ức chế dihydrofolat reductase, một enzym phân hủy dihydrofolat. Nếu dùng hai thuốc này phối hợp với nhau thì người ta thấy hiệu lực tác dụng sẽ được tăng lên 100 lần.


Chỉ phối hợp kháng sinh khi thực sự cần thiết.

... Và những tác dụng phụ không mong muốn

Nhược điểm của việc dùng đa kháng sinh trong điều trị là đa trị liệu thì cũng đa tác hại. Việc dùng một thuốc cũng đã gây ra cho người sử dụng những tác hại, nếu sử dụng đồng thời nhiều thuốc thì đương nhiên tác hại sẽ là cộng hưởng. Chẳng hạn như kháng sinh nhóm aminoglycosid là nhóm thuốc gây ra tác hại đầy hơi, buồn nôn, nôn. Nếu sử dụng thêm metronidazol, một thuốc gây ra cảm giác mệt mỏi sẽ khiến người bệnh chịu đựng gấp hai lần những tác dụng không mong muốn này. Rõ ràng, sự phối hợp thuốc trong trường hợp này là không tốt và người bệnh khó mà đi đến cùng điều trị.

Phức tạp hơn là trường hợp kết hợp thuốc mà cơ chế tác dụng lại không tương hỗ với nhau. Ví dụ như sự phối hợp giữa penicillin và tetracycline để điều trị viêm màng não. Tetracycline là thuốc làm ức chế tiểu phân 30S của riboxom trong quá trình tổng hợp protein, nhưng nó lại bị cản trở tác dụng bởi penicillin. Do đó mà chúng ta phải tránh phối hợp hai kháng sinh này với nhau.

Phối hợp khi nào?

Trong một số trường hợp, việc phối hợp kháng sinh là bắt buộc.

Thông thường, việc dùng phác đồ đa trị liệu chỉ được áp dụng khi bệnh nhân có nguy cơ bị nhiễm khuẩn nặng hay nhiễm khuẩn lan tràn mà chúng ta chưa thể xác định ngay được loại vi khuẩn nào gây bệnh. Trong lúc nghi ngờ, người ta có thể đưa ra nhiều phán đoán loại vi khuẩn cùng gây bệnh. Do đó mà khi bị nhiễm khuẩn phổi nặng thì sự phối hợp giữa một kháng sinh dòng ß-lactam như co-amoxiclav, cefuroxime, cefotaxime hay ceftriaxone với một kháng sinh dòng macrolide như clarithromycin được khuyên dùng vì chúng làm mạnh mẽ hóa tác dụng của nhau. Sự phối hợp này mang lại hiệu quả là vừa “đánh” vào những vi khuẩn thông thường của đường hô hấp và vừa đánh vào những vi khuẩn kém điển hình như legionella pneumophila, mycoplasma pneumoniae.

Với các nhiễm trùng ổ bụng thì đa phần là do sự đồng nhiễm của vi khuẩn ái khí và kỵ khí. Vì vậy, người ta thường khuyên là nên sử dụng kháng sinh metronidazole kết hợp với một kháng sinh phổ rộng như cefotaxime, gentamicin, ciprofloxacin để có thể bao phủ hết mầm bệnh có thể là nguyên nhân gây bệnh. Ta cần chú ý là nhiễm trùng ổ bụng (hay chính xác hơn là viêm phúc mạc) là một nhiễm trùng nặng mà nếu không xử trí tốt có thể dẫn đến tử vong.

Với các nhiễm trùng quan trọng như viêm màng trong tim thì việc dùng đa thuốc cũng thường được chỉ định ngay từ đầu. Ví dụ như sự kết hợp giữa penicillin và gentamicin để điều trị viêm nội tâm mạc do cầu khuẩn đường ruột. Sự kết hợp này là có hiệu lực tốt hơn so với khi dùng đơn độc mỗi penicillin. Phác đồ này cũng có giá trị khi chúng ta điều trị viêm nội tâm mạc do tụ cầu khuẩn.

Một tác dụng vô cùng lớn của phối hợp thuốc là chống được kháng thuốc mà điều trị lao là một ví dụ sinh động nhất. Khi sử dụng isoniazid thì tỷ lệ lao kháng thuốc là 1/106 còn với rifampicin tỷ lệ kháng thuốc là 1/108 mầm bệnh. Nhưng khi chúng ta kết hợp lại thì tỷ lệ kháng thuốc được hạ thấp đến cách biệt. Để hạ thấp tỷ lệ vi khuẩn kháng thuốc do lao và điều trị thành công thì một phác đồ gồm 3 - 4 thuốc là bắt buộc. Điều này như là công thức bất di bất dịch.

BS.Hiền Anh

Meo.vn (Theo SK&ĐS)

Xem màu lưỡi, biết sức khoẻ

Bạn có biết, “xem màu lưỡi - biết sức khoẻ” không? Các bác sĩ răng-hàm-mặt Anh đã mô tả chi tiết những bệnh gì bạn đangcó vấn đề mà bạn có thể phát hiện sớm nếu bạn cẩn thận quan sát chiếc lưỡi của mình.

Chiếc lưỡi có thể báo cho bạn biết về tình trạng sức khỏe của mình.

Bạn muốn biết tình trạng sức khoẻ của mình? Rất đơn giản. Chỉ việc soi gương, thè lưỡi ra và cẩn thận nhìn vào chiếc lưỡi của mình xem màu sắc và bề ngoài của nó.

Nếu lưỡi của bạn có màu hồng nhạt, bạn có thể yên tâm- sức khoẻ của bạn hoàn toàn ổn. Nếu nó có màu trắng, bạn có vấn đề ở hệ tiêu hoá. Nó cho biết bạn dinh dưỡng kém, thiếu vitamin, đang có một bệnh mạn tính nào đó, có thể cả thiếu máu nữa.

Nếu lưỡi của bạn có ánh vàng, bạn bị bệnh đường ruột. Màu tím hoặc xanh da trời, nó thể hiện có vấn đề ở phổi và tim. Màu xanh đậm một chút nói lên bệnh ở thận. Còn khi lưỡi bị phủ màu trắng thì cơ thể bạn ở tình trạng mất nước, bị nhiễm trùng do nấm, cũng như bị cúm và cảm lạnh.

Không chỉ màu sắc mà những nét ngoại hình của lưỡi cũng liên quan bệnh tật. Nếu bạn nhìn thấy ở phần giưa lưỡi những vach tựa như nếp gấp thì bạn hãy đến bác sĩ kiểm tra lại xuơng sống của mình, thấy lưỡi có vẻ sần sùi, không trơn nhẵn thì các bộ phận bạn thường rất ít quan tâm là mật đang có một cái gì đó trục trặc. Tình trạng thiếu vitamin làm lưỡi dường như sưng lên và đỏ lên.

Một vài vùng trên lưỡi tương ứng với hoạt động chức năng của các cơ quan nội tạng. Những chỉ số đánh giá chức năng của tim và gan (do các nhân viên xét nghiệm cung cấp cho ban) liên quan đến phần chót đầu của lưỡi, chức năng của ruột già và dạ dày tương ứng với phần giữa của lưỡi, còn chức năng của gan và thận  thể hiện ở hai bên cạnh lưỡi.

Lưỡi là một quyển “Tự điển bách khoa” về sức khoẻ của chúng ta. Bạn hãy lưu ý đến nó, không coi thường những dấu hiệu, chỉ điểm tình trạng sức khoẻ đáng tin cậy của nó, để bạn có thể giúp đỡ kịp thời cho cơ thể của bạn.

Meo.vn (Theo Vietnamnet)

Chữa loét da người già: chớ qua loa

Người cao tuổi thường mắc nhiều chứng bệnh phải nằm lâu, cùng với tình trạng tiêu tiểu không tự chủ rất dễ gây loét da nhất là vùng xương cụt. Trường hợp nặng có thể loét tới xương và nhiễm trùng máu rất nguy hiểm. Do vậy, sự quan tâm của gia đình giúp người già phòng ngừa loét là rất quan trọng.

Như chúng ta đều biết, cơ thể được một lớp da bao bọc bên ngoài để bảo vệ, giúp chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, nếu không được chăm sóc ngay từ đầu thì từ một vết loét nhỏ sẽ dẫn đến một vết thương có mủ, rất lâu lành gây thêm đau đớn cho bệnh nhân, nhất là đối với người cao tuổi khi sức đề kháng đã giảm khiến việc điều trị càng khó hơn.

Những dấu hiệu khi xuất hiện loét

Loét dễ xuất hiện vào mùa nóng, do tiết mồ hôi nhiều, sự ẩm ướt của việc tiểu tiện đối với những bệnh nhân tiểu tiện không tự chủ, hoặc nằm lâu trên một mặt phẳng cứng, hoặc không thể tự xoay trở được thường xuyên như bệnh nhân bị liệt, nhất là liệt hai chân, bệnh nhân hôn mê do chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não…

Vùng da thường tiếp xúc với mặt giường nhiều lúc đầu sẽ không đau hoặc đau ít, sau đó dần dần đỏ lên, vài ngày sau sẽ giống như một vết phỏng, có những mụn nước bao bọc, nếu không được chăm sóc cẩn thận rất dễ bị vỡ, có màu đỏ bầm và sau đó đen lại do hoại tử tổ chức phần mềm, khi sờ sẽ thấy lạnh. Do đó khi xuất hiện vết loét cần phải được chăm sóc để ngăn chặn sự lan rộng, vết loét càng sâu thì càng dễ nhiễm trùng dẫn đến việc điều trị lâu hơn, gây thêm đau đớn cho bệnh nhân.

Vùng da nào dễ loét nhất?

Bệnh nhân nằm bất cứ tư thế nào cũng rất dễ gây ra loét ở những nơi mà xương nhô lên, có lớp cơ và da bao bọc quá ít.

Tư thế nằm ngửa: dễ loét là vùng sau ót, vùng xương cùng, hai bên xương bả vai, hai cùi chỏ, hai gót chân.

Tư thế nằm nghiêng: nghiêng về phía nào thì bên đó trực tiếp bị ảnh hưởng: vùng thái dương, phía ngoài và trong đầu gối, mắt cá ngoài.

Tư thế ngồi: ảnh hưởng đến phần xương nhô ra khi ngồi mà y học gọi là ụ ngồi xương chẩm.

Cơ thể của người cao tuổi do tiêu hoá kém, hấp thu dinh dưỡng chậm, sức đề kháng kém nên vết loét rất lâu lành. Vì vậy cho dù chỉ là một vết loét thật nhỏ, chúng ta cũng cần phải chăm sóc chu đáo, vì nếu để vết loét càng sâu rộng, sự xâm nhập của vi trùng ngày càng phát triển, sẽ xuất hiện nhiều tế bào hoại tử dẫn đến bội nhiễm phải cắt lọc loại bỏ tế bào chết, bệnh nhân càng đau đớn.

Chăm sóc và xử trí bệnh nhân bị loét

Ngay khi có sự xuất hiện một vùng da nào đó bị đỏ, nên xoa bóp nhẹ nhàng vùng da đó để kích thích sự tuần hoàn máu, giữ vùng da đó luôn khô thoáng sạch sẽ. Phải vệ sinh sạch sẽ sau khi bệnh nhân tiểu tiện, nếu bệnh nhân là nam nên gắn bịch nilông ở bộ phận sinh dục, nếu là nữ nên lót giấy thấm hoặc dùng quần lót bằng giấy. Ngoài ra vấn đề dinh dưỡng cũng rất quan trọng, cần dùng nhiều chất đạm, vitamin để tái tạo tế bào đã hoại tử, nâng thể trạng chống đỡ được bệnh tật đang mắc phải cùng với vết loét.

Điều trị vết loét cũng giống như điều trị một vết thương, cần thay băng và chăm sóc mỗi ngày, thường xuyên quan sát vết loét để tránh được hiện tượng lan rộng. Nếu muốn chăm sóc thay băng tại nhà, nên có một nhân viên y tế đến với dụng cụ đã được vô khuẩn; những vết loét có bề mặt lớn cần phải được bác sĩ thăm khám để có được các y lệnh điều trị đúng, giúp vết thương mau lành hơn trên một cơ thể đã suy nhược.

Ngoài ra, phơi nắng vùng da bị hoại tử vào buổi sáng có thể giúp vết thương mau lành.

Vài lưu ý để tránh bị loét da

Khi chăm sóc cho người bệnh phải nằm lâu trên giường, nên thường xuyên thay đổi tư thế cách hai giờ/lần, tốt nhất nên làm thời khoá biểu để trên bàn hoặc nơi dễ chú ý, tự chia sẵn giờ trong ngày, tránh sự trùng hợp mà người sau không biết. Những vùng da bị đỏ không được để bị đè cấn thêm lên, nếu da vùng xương cùng bị đỏ thì phải thay đổi tư thế để bệnh nhân nằm nghiêng hoặc nằm sấp. Tuy nhiên, tư thế nằm nghiêng dễ làm cho bệnh nhân khó chịu, không nên nằm quá hai giờ. Tư thế nằm sấp nên chú ý dễ tắc nghẽn đường hô hấp của bệnh nhân, tư thế nằm phải được thông khí tốt, có thể cho đầu nằm nghiêng.

Những vùng dễ bị đè cấn phải được chêm lót thêm: nếu nằm ngửa, chêm lót dưới mông, dùng gối kê cao chân không cọ xát vào giường để tránh bị đè cấn vùng gót; nằm nghiêng bên nào thì chêm lót vùng khuỷu tay, mắt cá chân bên đó; nếu nằm sấp thì chêm lót phần trước ngực, mắt cá chân phía trong nơi tiếp xúc trực tiếp drap giường.

Nên thường xuyên giữ cho bệnh nhân được khô ráo, sạch sẽ nhất là sau khi ra nhiều mồ hôi, hay sau khi bệnh nhân tiểu tiện. Thường xuyên xoa bóp ở những nơi dễ bị đè cấn để giúp các mạch máu dễ dàng lưu thông.

ThS.BS Phan Hữu Phước

Meo.vn (Theo SGTT)

Lợi ích của chanh

- Do đặc tính kháng khuẩn cao, chanh được xem là liệu pháp tuyệt vời để giảm cúm, cảm lạnh hay sốt. Vắt chanh vào ly nước ấm, hòa thêm vào một ít đường hoặc mật ong rồi uống.

- Cổ họng đau rát, lấy chanh tươi vắt vào ly nước ấm, thêm ít muối, khuấy đều rồi dùng để súc miệng ngày 2-3 lần.

- Do chứa hàm lượng kali cao nên chanh rất có ích đối với những người bị các bệnh liên quan đến tim mạch. Những người thường xuyên dùng chanh có thể phòng được chứng xơ cứng động mạch, cao huyết áp.

Ảnh: Đ.N.Thạch

- Chanh giúp loại bỏ những độc tố trong máu, vì thế có tác dụng lọc máu rất tốt.

- Vì chứa nhiều vitamin C có khả năng tăng cường hệ miễn dịch trong cơ thể, nên chanh có tác dụng chống lại các vi khuẩn gây hại rất hữu hiệu.

- Dùng nước cốt chanh xoa vào nướu răng bị thương tổn có thể giảm bớt sự khó chịu. Có thể làm sạch răng bằng cách nhỏ một vài giọt nước cốt chanh vào kem đánh răng.

- Uống nước chanh vài lần trong ngày sẽ có tác dụng làm dịu, thư giãn cơ thể, từ đó giúp giảm trầm cảm và giảm căng thẳng.

- Nhờ chứa lượng a xít lớn nên chanh có công dụng đặc biệt trong việc tẩy sẹo thâm.

- Ngoài tác dụng giải khát, nước chanh đồng thời làm giảm sự thèm ăn, nên rất hữu ích cho những người muốn giảm cân.

- Dùng bông gòn thấm nước cốt chanh và chấm lên vết thương do côn trùng cắn trong vài phút để sát trùng vết thương.

- Nếu bạn bị nhiễm trùng đường tiết niệu, hoặc cần giảm bớt các chất lỏng trong cơ thể thì chanh là một liệu pháp tự nhiên rất hiệu quả. Uống nước chanh sẽ khiến bạn đi tiểu thường xuyên hơn.

Meo.vn (Theo Thanhnien)

Ðối phó với cặp bài trùng lao/HIV

Nguy cơ mắc lao ở người nhiễm HIV

Người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS bị suy giảm hệ thống miễn dịch cả miễn dịch dịch thể và miễn dịch tế bào dẫn tới nguy cơ bị mắc nhiều loại nhiễm trùng cơ hội khác nhau, trong đó đồng nhiễm lao/HIV là một vấn đề ảnh hưởng lớn đến sức khỏe bệnh nhân cũng như gây không ít khó khăn trong hoạt động chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS.

Theo kết quả nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước, tỷ lệ đồng nhiễm lao/HIV thay đổi khác nhau tùy địa phương, điều kiện vệ sinh môi trường, tình hình phát triển kinh tế xã hội và hoạt động phòng, chống lao/HIV được triển khai, tỷ lệ này thay đổi từ 10% - 40%.

HIV làm suy giảm miễn dịch, làm cho người nhiễm HIV dễ mắc bệnh lao, gia tăng tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân lao và ngược lại khi mắc bệnh lao thì làm tăng tiến triển của nhiễm HIV, làm cho suy giảm miễn dịch càng nặng hơn.

Việc chẩn đoán lao ở người nhiễm HIV thường khó khăn hơn ở người không nhiễm, do triệu chứng không điển hình và có thể bị lẫn lộn với triệu chứng của nhiều loại nhiễm trùng cơ hội khác xảy ra đồng thời với lao. Ở người nhiễm HIV thì ngoài lao phổi còn gặp nhiều thể bệnh lao ngoài phổi khác như: lao não, lao màng não, lao hạch, lao da, lao xương, lao màng tim-màng phổi-màng bụng, lao gan, lao lách, lao thận, lao tinh hoàn, lao buồng trứng, vòi trứng… mà những thể lao này cũng gây không ít khó khăn trong chẩn đoán và điều trị, nhất là ở những cơ sở còn thiếu thốn về máy móc, trang thiết bị để xác định căn nguyên vi sinh gây nhiễm trùng cơ hội ở người nhiễm HIV/AIDS. Những bệnh nhân lao phổi/HIV có suy giảm miễn dịch nặng thì có tỷ lệ cao AFB(-) trong đờm.

HIV làm suy giảm hệ thống miễn dịch khiến người nhiễm HIV dễ mắc lao.

Những yếu tố quyết định trong điều trị bệnh

Riêng về điều trị bệnh lao, đã phải sử dụng đều đặn nhiều loại thuốc hàng ngày và dùng trong nhiều tháng liên tục. Tuân thủ điều trị là yếu tố quyết định đảm bảo thành công của điều trị, tránh thất bại điều trị, tái phát và xuất hiện các chủng vi khuẩn lao kháng thuốc. Các thuốc điều trị kháng lao cũng có những tác dụng phụ như: dị ứng (sốt, phát ban, sẩn ngứa), viêm thần kinh ngoại biên (đau, tê bì, có thể giảm vận động), viêm thần kinh thính giác (giảm thính lực, điếc), và nhất là tổn thương gan (vàng da, vàng mắt, tăng men gan). Những biểu hiện tác dụng phụ này ảnh hưởng không nhỏ tới tuân thủ điều trị thuốc kháng lao cũng như việc thay đổi để có một phác đồ điều trị kháng lao an toàn và vẫn đảm bảo hiệu quả điều trị.

Thực hiện việc phối hợp giữa Chương trình phòng chống lao và Chương trình phòng chống HIV/AIDS, nhất là điều trị phối hợp thuốc kháng lao và thuốc kháng vi rút ARV làm tăng số lượng thuốc phải sử dụng một ngày (gánh thuốc) ảnh hưởng nhiều hơn đến khả năng tuân thủ của người bệnh. Sự tương tác của thuốc kháng lao và thuốc kháng vi rút ARV ảnh hưởng nhiều đến nồng độ của các thuốc ARV. Khi sử dụng đồng thời với rifampicin làm cho nồng độ EFV bị giảm 25%, NVP bị giảm 37% và đặc biệt các thuốc ức chế men protease (PIs như: LVP và IDV) có thể bị giảm tới 80 – 90%. Bên cạnh đó, sử dụng đồng thời hai phác đồ thuốc này sẽ gia tăng nguy cơ nhiễm độc gan do thuốc, đặc biệt là ở bệnh nhân đồng nhiễm lao/HIV với viêm gan B và viêm gan C.

Người nhiễm HIV có đồng nhiễm với viêm gan B và viêm gan C đã dễ có nguy cơ bị các đợt viêm gan cấp và sự tác động giữa 3 loại virút này đã làm cho bệnh tiến triển nặng nề và phức tạp hơn. Nếu trên những người bệnh này, khi bị mắc lao thì việc điều trị sẽ hết sức khó khăn do nguy cơ gây tổn thương gan vì tác động đồng thời của tất cả các yếu tố trên. 

Qua những phân tích trên, chúng ta thấy:

- Đồng nhiễm lao/HIV phổ biến: HIV làm gia tăng nguy cơ mắc lao lên tới 100 lần.

- Gia tăng tỷ lệ lao ngoài phổi, làm kéo dài thời gian điều trị thuốc kháng lao: lao màng não, lao màng tim, lao cột sống có thể phải điều trị kéo dài tới 18 tháng.

- Nhiễm lao làm tăng tiến triển của HIV và HIV làm tăng tỷ lệ tử vong do lao.

- Điều trị đồng thời cả thuốc kháng lao và thuốc kháng virút ARV làm tăng gánh thuốc ảnh hưởng tới tuân thủ điều trị, đồng thời gia tăng tương tác thuốc cũng như tăng nguy cơ gây độc tính đối với gan, đặc biệt là ở người đồng nhiễm lao/HIV với viêm gan virút B/C.

- Gián đoạn điều trị do tác dụng phụ của thuốc và do tuân thủ điều trị không tốt, lao kháng thuốc và HIV kháng thuốc là những thách thức lớn trong điều trị đồng nhiễm lao/HIV.

- Triển khai rộng rãi và hiệu quả hoạt động phối hợp giữa Chương trình phòng, chống lao và Chương trình phòng, chống HIV sẽ làm giảm tử vong do lao và các bệnh lý liên quan tới HIV/AIDS.

ThS.Nguyễn Tiến Lâm (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW)

Meo.vn (Theo Suckhoedoisong)

Xử lý răng khôn

Tại sao các nha sĩ thường khuyên các bệnh nhân nên nhổ bỏ răng khôn? Trước khi làm việc này, hãy cân nhắc tất cả những ưu và nhược điểm của việc loại bỏ răng khôn đã nhé.

Răng khôn là gì?

Răng khôn là răng cuối cùng xuất hiện, thường là khi chúng ta trong độ tuổi từ 17 và 25. Khi một người trưởng thành thì những cái răng mọc tận cùng bên trái và bên phải của hàm dưới và hàm trên được gọi là răng khôn.

Ảnh hưởng răng khôn

Lý do nha sĩ để thường khuyên bạn nên loại bỏ răng khôn là bởi hầu hết răng khôn thường không mọc thẳng (dù không phải là tất cả). Khoảng 44% răng khôn có góc xiên về phía trước. Khoảng 38% răng khôn mọc hoàn toàn thông qua các đường viền nướu răng, dị tật này được gọi là ảnh hưởng theo chiều dọc. Trong những trường hợp tương đối hiếm, khoảng 6% mọc hướng về phía sau của miệng hoặc mọc lệch sang một bên. Hiện tượng răng khôn phát triển ở một góc 90 độ với răng lân cận chiếm 3% gọi là ảnh hưởng ngang. Dị tật này ảnh hưởng mạnh nhất tới các răng lân cận.

Tuy nhiên cũng có thiểu số những người có răng khôn mọc thẳng.

Các nha sĩ cho rằng nếu răng khôn mọc ở hàm trên hoặc ở hàm dưới mà mọc hướng ra phái trước thì sẽ dễ nhổ hơn.

Nhổ răng khôn dễ dàng

Các nha sĩ cho rằng nếu răng khôn mọc ở hàm trên hoặc ở hàm dưới mà mọc hướng ra phái trước thì sẽ dễ nhổ hơn. Và quá trình nhổ răng sẽ được gây tê.

Ưu điểm của việc loại bỏ răng khôn

Không có nghi ngờ rằng các răng khôn gây ra các vấn đề tiềm năng khi chúng không có sự liên kết tốt và "hòa hợp" với các răng bên cạnh. Khi răng khôn mọc "xộc xệch" so với các răng liền kề thì nó dễ tạo ra lỗ hổng làm cho thức ăn đọng lại và có thể gây sâu răng.

Nếu răng khôn có một phần hoặc hoàn toàn bị mắc kẹt dưới đường viền nướu thì sẽ gây tổn thương, làm cho hàm cứng, dễ bị sâu răng và nuôi dưỡng các vi khuẩn gây bệnh nướu răng. Vị trí răng không thích hợp sẽ khó cho việc đánh răng và dùng chỉ nha khoa. Hơn nữa, chúng ta thường bị đau khi mọc răng khôn, nhiều người không chịu được nên đã phải tìm đến nha sĩ.

Chảy máu là điều khó tránh khỏi khi nhổ răng khôn và súc miệng chỉ làm cho tình hình tồi tệ hơn. Đó là bởi vì mỗi khi súc miệng bạn có thể đánh bật các cục máu đông nhỏ chặn dòng chảy của máu, làm cho máu tiếp tục chảy. Để cầm máu, hãy đặt một miếng gạc sạch trên mặt răng và cắn xuống, nhưng đừng nên làm điều này thường xuyên, chỉ giữ cho tới khi máu cầm thì thôi.

Sau khi phẫu thuật nên tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ phẫu thuật, tránh hút thuốc lá, khạc nhổ, uống bằng ống hút hoặc chơi nhạc cụ nào đó bằng miệng. Những hoạt động này có thể làm cho các cục máu khô rơi ra ngoài sớm.

Nhược điểm của việc loại bỏ răng khôn

Ngay cả khi bác sĩ phẫu thuật răng miệng của bạn có kỹ năng tuyệt vời, vẫn còn có những lý do bạn có thể không thực sự muốn nhổ răng khôn của mình. Trong những trường hợp hiếm hoi, việc loại bỏ răng khôn không thành công có thể gây tổn thương các dây thần kinh phế nang kém, làm cho cằm và miệng thấp hơn, hoặc dây thần kinh ngôn ngữ, kiểm soát sự chuyển động của 2/3 lưỡi và nướu răng ở phía bên đó của miệng. Chấn thương này là tạm thời, nhưng nó có thể là vĩnh viễn.

Nhìn chung, tất cả các vấn đề sức khỏe liên quan với răng khôn đều có liên quan đến sức khỏe tổng thể. Các răng khôn có thể là nơi đưa vi khuẩn truyền nhiễm từ nướu răng và "di chuyển" qua đường máu. Các vi khuẩn có thể gây ra nhiễm trùng nướu răng cũng có thể lây nhiễm cho tim và thận. Hiệp hội các bác sĩ phẫu thuật răng miệng Hoa Kỳ khuyên những ai có răng khôn mọc nhiều hơn 3mm thì nên đi nhổ bỏ để tranh các nhiễm trùng chẳng may có và làn rộng đến tim, thận, xoang, nhiễm trùng nướu hoặc các dây thần kinh mặt liền kề.

Meo.vn (Theo 24h)

Châu Âu cảnh báo vi khuẩn ‘lỳ’ thuốc kháng sinh

Các bệnh nhân đang đối mặt với viễn cảnh đáng sợ, khi mà các bệnh nhiễm trùng trở nên "không thể chữa khỏi" do kháng với thuốc kháng sinh, các bác sĩ hàng đầu châu Âu vừa cảnh báo.

Ảnh: Telegraph.

Việc lạm dung kháng sinh đã dẫn tới sự gia tăng số lượng các bệnh nhiễm trùng không đáp ứng với tất cả các loại thuốc, các chuyên gia nhấn mạnh. Điều này sẽ khiến những căn bệnh thông thường nhất cũng trở nên nguy hiểm vì không có thuốc hiệu quả.

Mặc dù từ 2 năm trước, Tổ chức Y tế Thế giới đã coi tình trạng kháng thuốc kháng sinh là một trong 3 nguy cơ đe dọa sức khỏe thế giới, nhưng từ đó đến nay, rất ít động thái ngăn chặn được đưa ra, giáo sư Laura Piddock, từ Đại học Birmingham và là Chủ tịch Hiệp hội hóa trị kháng khuẩn Anh cho biết trên Telegraph.

Viết trên tạp chí The Lancet Infectious Diseases, bà cho rằng: "Sự mất dần các loại thuốc có tác dụng diệt khuẩn đã mang đến bóng ma về những bệnh nhiễm trùng không thể chữa khỏi. Để ngăn ngừa cơn khủng hoảng này, cần có hành động ngay lập tức".

Báo cáo của bà đưa ra trùng thời điểm với Ngày cảnh báo về kháng sinh ở châu Âu, và các dữ liệu cũng cho thấy có sự gia tăng các vi khuẩn siêu kháng thuốc ở châu lục này. Cuộc vận động tương tự cũng được dấy lên ở Mỹ và Canada.

Tại Anh, Bộ Y tế đưa ra hướng dẫn mới, với thông điệp: "Khởi đầu thông minh, khoanh vùng đối tượng", nhằm thúc giục các bác sĩ và y tá cân nhắc kỹ trước khi kê đơn có kháng sinh.

Giáo sư Dame Sally Davies, Trưởng bộ phận y khoa, cho biết: "Nhiều loại thuốc kháng sinh đang được kê đơn và sử dụng khi không cần đến chúng - nghĩa là thuốc kháng sinh đang mất tác dụng với tốc độ ngày một nhanh chóng".

Trong khi đó, một khảo sát đã tìm thấy một nửa số bệnh nhân đi khám vì bệnh ho, cảm lạnh, cảm cúm hoặc đau họng, đều tin chắc sẽ được kê loại thuốc này. Thực tế, phần lớn các bệnh đó do virus gây ra, không thể dùng kháng sinh để chữa.

Đó là chưa kể có sự xuất hiện của nhiều chủng khi khuẩn mới, có khả năng kháng thuốc mạnh mẽ như New Deli medallo.

"Không hành động ngay nghĩa là chỉ ít lâu nữa, chúng ta còn rất ít cách để chữa cho các bệnh nhân nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm đường tiết niệu...". Vì thế, theo các chuyên gia, kháng sinh phải được sử dụng thận trọng hơn, trong khi chờ các công ty dược tìm ra loại thuốc mới.

Dưới đây là 10 "mẹo" sử dụng kháng sinh đúng cách của Cơ quan bảo vệ sức khỏe Anh:

1. Hầu hết các cơn ho, cảm lạnh sẽ tự khỏi mà không cần dùng kháng sinh, và kháng sinh không đẩy nhanh quá trình hồi phục của bạn.

2. Thảo luận về lợi và hại của kháng sinh với bác sĩ - họ có thể đánh giá khi nào bạn cần đến chúng.

3. Ho có đờm không phải là lý do để dùng kháng sinh - ngay cả khi đờm màu vàng.

4. Khi bạn đau họng kèm chảy nước mũi, đờm dãi, có thể đoán rằng bệnh nhiễm khuẩn này ít đáp ứng với kháng sinh.

5. Nếu bạn bị sốt, kèm theo họng thật đỏ hoặc có mủ và cảm thấy ốm thật sự, khi đó có thể cần đến kháng sinh.

6. Nghiên cứu cho thấy một số người ngưng dùng kháng sinh trước thời hạn, có thể là dấu hiệu cho thấy họ thực ra đã không cần đến kháng sinh ngay từ đầu.

7. Luôn uống thuốc đều đặn mỗi ngày và kết thúc đủ đợt trị liệu - thường là 5 ngày. Bằng không, bạn chỉ khiến cho các chủng vi khuẩn kháng thuốc "nổi dậy" mà thôi.

8. Đừng bao giờ để dành kháng sinh còn thừa lại, một loại thuốc được kê cho một bệnh nhiễm khuẩn có thể không phù hợp cho bệnh lần sau.

9. Nếu bạn đã uống kháng sinh trong lần viêm đường hô hấp gần đây nhất, lần này hãy hỏi bác sĩ về việc hoãn kê đơn kháng sinh, và chỉ dùng nếu triệu chứng trở nặng hơn hoặc không cải thiện sau khoảng thời gian thông thường với bệnh đó - Làm như thế bạn sẽ không phải dùng kháng sinh một cách không cần thiết, nhưng nếu cần, bạn sẽ dùng nó chậm lại một chút.

10. Hãy nhớ, kháng sinh trong một số tình huống có thể là vật cứu mạng - vì thế nếu bạn hoặc con bạn rất ốm - hãy đến bác sĩ xin lời khuyên.

Meo.vn (Theo Vnexpress)

Đừng tin vào sự “thần diệu” của kháng sinh

Theo khảo sát của Cơ quan bảo vệ sức khỏe (HPA), 1/4 người dân Anh có tư tưởng sai lầm khi tin rằng thuốc kháng sinh có thể trị ho và cảm lạnh.

Kháng sinh không phải thần dược

Nghiên cứu đã chứng minh thuốc kháng sinh không có tác dụng đối với hầu hết các chủng virus gây bệnh đường hô hấp.


HPA đã tiến hành thăm dò ý kiến ​​của 1.800 người tại Anh cho thấy cứ 10 người thì có 1 người không sử dụng hết liều thuốc kháng sinh và nhiều người cho biết họ sẽ vẫn tự mua thuốc để chữa bệnh nếu lần sau họ bị ốm.

Một bác sỹ đa khoa hàng đầu của Anh khẳng định: "Kháng sinh không phải là loại thuốc chữa bách bệnh".

Tiến sĩ Cliodna McNulty của HPA cho rằng việc tự mua thuốc là không an toàn cho sức khỏe người bệnh và làm tăng nguy cơ kháng thuốc: "Đa số những người sử dụng thuốc kháng sinh để tự chữa bệnh tại nhà thường sử dụng quá liều với mong muốn nhanh chóng giảm các triệu chứng của bệnh".

Theo khảo sát 500 đơn thuốc kháng sinh được kê toa vào năm 2010, có tới 11% đơn thuốc vẫn chưa được uống hết liều và 6% đơn thuốc được người bệnh giữ lại, dùng để tự mua thuốc điều trị trong trường hợp bị ốm sau này.

Phát biểu nhân ngày Cảnh báo nhận thức về thuốc kháng sinh của châu Âu, tiến sỹ Cliodna McNulty cho rằng mặc dù hiện nay, con số còn khá nhỏ nhưng hiện tượng này có thể trở nên phổ biến trong tương lai và tỷ lệ sử dụng kháng sinh lên tới 30%. “Nhiều bằng chứng cho thấy, bạn càng uống nhiều thuốc kháng sinh thì nguy cơ kháng thuốc càng cao, cũng như khả năng mắc bệnh tiêu chảy liên quan tới sử dụng kháng sinh”, Cliodna McNulty khuyến cáo.

Tại nhiều bệnh viện có tới 70% trường hợp bệnh nhân bị phát hiện tình trạng kháng kháng sinh và rất có thể một tỷ lệ tương tự cũng xuất hiện đối với các bệnh nhân (hoặc gia đình bệnh nhân) điều trị tại nhà.

HPA cho rằng đã đến lúc các chuyên gia y tế cần phải học cách từ chối yêu cầu được kê đơn kháng sinh của bệnh nhân khi điều trị những căn bệnh mà kháng sinh hoàn toàn (hay có rất ít) tác dụng như ho hay cảm lạnh. Khảo sát của HPA nhận thấy, trong năm ngoái, có tới 97% số bệnh nhân đã yêu cầu bác sỹ đa khoa hay y tá cho họ sử dụng kháng sinh và họ đã được kê đơn ngay sau đó.

“Mặc dù trong nhiều năm qua, các chiến dịch chăm sóc sức khỏe cộng đồng đã đưa ra lời khuyên tới mọi người rằng thuốc kháng sinh không có tác dụng trong điều trị ho, cảm lạnh và cảm cúm, tuy nhiên vẫn còn nhiều người thờ ơ với khuyến cáo trên”, Tiến sĩ McNulty chia sẻ.

"Chúng tôi biết rằng mọi người cảm thấy rất khó chịu với các triệu chứng như ho, rát họng, cảm, cúm nên họ muốn sử dụng kháng sinh để nhanh chóng dập tắt các triệu chứng này mà không biết rằng, trên hầu hết các trường hợp, chúng chỉ là triệu chứng ngắn hạn và có thể tự hết sau đó không lâu mà không cần phải dùng đến thuốc", McNulty nói thêm.

Hồi tuần trước (12/11), Bộ Y tế Anh đã ban hành bộ chỉ dẫn mới về việc kê đơn kháng sinh trong các bệnh viện, với thông điệp khẩn cấp rằng: Các bác sỹ và y tá hãy nghĩ thật kỹ (think twice) trước khi cho bệnh nhân điều trị bằng kháng sinh.

Tiến sĩ Clare Gerada, Chủ tịch Đại học Y đa khoa Hoàng gia Anh phát biểu: "Kháng sinh chỉ phát huy tác dụng tối đa khi được sử dụng đúng cách, đúng liều và nó không thể là giải pháp chữa trị trong mọi loại bệnh. Thêm vào đó, kháng sinh không phải là loại thuốc có thể sử dụng giống nhau (lặp lại đơn thuốc hay liều lượng) trong những lần mắc bệnh giống nhau"

Ngoài ra việc sử dụng quá liều lượng và không theo chỉ định của bác sĩ sẽ là “lợi bất cập hại”, gây suy giảm hệ miễn dịch của bệnh nhân, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh.

Trong bài viết gửi tới Tạp chí y khoa Lancet, Giáo sư Laura Piddock của Khoa Miễn dịch và bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Birmingham (Anh) cảnh báo, hiện tượng sử dụng kháng sinh không đúng cách đã lan rộng khắp toàn cầu khiến các công ty dược phẩm thất bại trong việc phát triển các loại thuốc kháng sinh mới, có thể dẫn tới sự bùng nổ của căn bệnh nhiễm trùng nguy hiểm “vô phương cứu chữa” trong tương lai không xa.

HPA đã đưa ra lời khuyên như sau:

- Ho và cảm lạnh có thể tự khỏi nhờ khả năng miễn dịch của cơ thể. Thuốc kháng sinh sẽ không thể tăng tốc độ khỏi bệnh.

- Hãy xin tư vấn của bác sỹ đa khoa ngay khi triệu chứng mắc bệnh xuất hiện.

- Ho ra đờm ngay cả khi đờm có màu vàng cũng chưa cần uống thuốc kháng sinh.

- Đau họng kèm theo chảy nước mũi, ho ra đờm chưa chắc đã cần tới kháng sinh

- Sốt cao, cổ họng sưng đỏ, cảm thấy rất ốm yếu hãy sử dụng thuốc kháng sinh.

- Nếu những triệu chứng trên sớm chấm dứt, không nên uống kháng sinh.

- Luôn uống đủ liều theo đơn của bác sĩ kê.

- Đừng bao giờ uống thuốc còn dư từ đợt ốm trước bởi mỗi đợt nhiễm trùng sẽ khác nhau.

- Các bác sĩ có thể trì hoãn việc kê đơn thuốc kháng sinh ngay khi bệnh nhân tới khám và sẽ chỉ thực sự cho bạn dùng kháng sinh nếu tình trạng bệnh xấu hơn.

- Trong trường hợp bị ốm nặng, thuốc kháng sinh có thể cứu mạng bệnh nhân

Meo.vn (Theo Infonet)

Bệnh viêm tai giữa ở trẻ em

Giao mùa, thời tiết nóng lạnh thất thường khiến không ít trẻ bị cảm, ho và sổ mũi. Đặc biệt, chuyên gia tai mũi họng cho rằng, đây là thời điểm nhiều trẻ dễ bị viêm tai giữa, một bệnh viêm cấp tính ở lớp niêm mạc lót trong tai giữa. Trong số đó, chủ yếu là trẻ dưới 6 tuổi.

Theo bác sĩ Đặng Hoàng Sơn, Trưởng khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, có hai dạng viêm tai giữa ở trẻ gồm nguyên thủy và thứ phát (hệ quả của viêm đường hô hấp trên).

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm tai giữa cấp thường là đau tai và sốt. Nếu trẻ lớn sẽ kêu đau trong tai hoặc nghe kém, ù tai; trẻ nhỏ thường kéo tai để làm giảm bớt sự khó chịu. Riêng với trẻ nhũ nhi sẽ hay quấy khóc, vật vã, dụi tai vào ngực mẹ. Bên cạnh đó, trẻ bị viêm tai giữa cấp còn có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, ăn kém, nôn, tiêu chảy.


Ảnh: Internet

Viêm amidan và viêm VA  cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến viêm tai giữa: trẻ bị nhiễm trùng từ bên trong ra (từ khối Amidan và VA), một dạng nhiễm trùng ngược chiều ăn vào tai giữa. Ở mức độ nhẹ thường thấy trẻ nghe kém, chậm nói, tăng tiết dịch bên trong dễ dẫn đến tình trạng điếc âm thầm, nếu bị nặng, bên trong tai trẻ bị làm mủ thì quá trình điều trị lâu dài hơn.

Viêm tai keo cũng là một dạng của viêm tai giữa. Nếu rơi vào tình trạng này, trẻ sẽ được đặt ống lưu thông màng nhĩ để không bị điếc hoặc giúp hạn chế tình trạng không tiếp thu lời nói của người xung quanh.

Phụ huynh cần lưu ý để đưa trẻ đi khám ngay khi trẻ có các dấu hiệu kể trên. Ở thời điểm này, nếu xác định trẻ bị viêm tai giữa cấp, bác sĩ sẽ cho điều trị nội khoa, thời gian điều trị sẽ nhanh hơn.

Trong trường hợp phụ huynh không để ý để đến khi tai trẻ bị chảy mủ thì có thể màng nhĩ của bé đã bị thủng. Nếu không được điều trị đúng hướng, tình trạng nhiễm trùng sẽ lan đến xương chủm dẫn đến viêm tai xương chủm, áp xe vùng đó. Lúc này, bắt buộc phải mổ bỏ áp xe. Lỗ thủng này hầu hết đều không lành nên sẽ tạo ra một đường rãnh, vi trùng dễ đi từ ngoài vào và trẻ thường đau tái đi tái lại.

Cần phòng tránh cho trẻ bằng cách tránh để trẻ bị nhiễm gió lạnh, viêm đường hô hấp trên. Khi trẻ bị viêm xoang, viêm tai giữa cần tránh đi tắm ở hồ bơi - môi trường làm cho bệnh của trẻ nặng hơn.

Meo.vn (Theo PNO)

Sữa chua làm giảm các bệnh nhiễm trùng ở trẻ

Các ông bố bà mẹ muốn làm giảm số lần bị ho, đau bụng hoặc nhiễm khuẩn của con mình thì nên cho trẻ ăn sữa chua probiotic.

Nhóm nghiên cứu từ Trung tâm Y tế, Đại học Georgetown đã sử dụng hơn 600 trẻ, tuổi 3-6, vào một nghiên cứu để xem liệu chủng vi khuẩn Lactobasillus casei DN 114-001 có ảnh hưởng gì đến những bệnh nhiễm trùng thông thường hay không.


Các bậc cha mẹ trong nghiên cứu đồng ý cho con mình ăn sữa chua thường xuyên. Một nửa số gia đình nhận loại sữa chua truyền thống, nửa còn lại nhận sữa chua probiotic (sữa chua có bổ sung vi khuẩn có lợi). Phụ huynh không được biết loại sữa chua mà họ nhận được.

Vào cuối kỳ nghiên cứu kéo dài 3 tháng, theo thông báo từ cha mẹ, các trẻ được ăn sữa chua probiotic có số lần nhiễm trùng đường ruột ít hơn 24%, và số lần nhiễm trùng đường hô hấp trên ít hơn 18% so với trẻ dùng sữa chua thông thường.

Mặc dù nghiên cứu không kiểm tra chính xác xem các vi khuẩn có lợi trong sữa chua đã ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng như thế nào, song trưởng nhóm nghiên cứu Daniel Merenstein cho biết, các công trình trước đó cũng cho thấy probiotic có ảnh hưởng chung đến hệ miễn dịch, làm cải thiện các triệu chứng chàm và hen.

Meo.vn (Theo VnExpress)