Lưu trữ cho từ khóa: nhiễm trùng

Cùng bác sỹ tư vấn trực tuyến: “Tiêu hóa khỏe – Trẻ ăn ngon”

Những năm đầu đời đóng vai trò rất lớn trong sự phát triển toàn diện của trẻ. Tuy nhiên, ở độ tuổi này trẻ thường hay gặp phải các vấn đề về tiêu hóa: rối loạn tiêu hóa, mất cân bằng men vi sinh đường ruột, tiêu chảy. Nhiều phụ huynh khi gặp phải vấn đề này thường rất xót con, lúng túng không biết xử lý thế nào?

Bởi vậy, thấu hiểu được sự cần thiết của việc tư vấn trực tiếp từ các chuyên gia, nhãn hàng Bio-acimin New đã tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến với sự tham gia của TS.BS Trần Thị Minh Hạnh – Phó giám đốc TT Dinh dưỡng Thành phố Hồ Chí Minh – nhằm phần nào san sẻ bớt những khó khăn của các mẹ trong quá trình nuôi con.

Chương trình tư vấn trực tuyến sẽ được diễn ra vào lúc 14 – 17h ngày 17/10/2012 và 24/10/2012 trên trang của Bio-acimin New.

(Ảnh do Bio Acimin cung cấp)

Như các bạn đã biết thì buổi tư vấn trực tuyến đầu tiên đã diễn ra và kết thúc tốt đẹp vào ngày 17 tháng 10 vừa rồi. Các bạn hãy cùng Bio-acimin New nhìn lại chương trình vừa qua và đặt câu hỏi cho chương trình sắp tới:

(Ảnh do Bio Acimin cung cấp)

Đúng 2 giờ chiều, bác sỹ Minh Hạnh đã có mặt và nhận hoa của Bioacimin New trao tặng. Sau đó, bác sỹ đã bắt tay luôn vào trả lời những thắc mắc của các mẹ gửi đến.

(Ảnh do Bio Acimin cung cấp)

Mọi người đều cố gắng làm việc nghiêm túc để có thể đưa ra những câu trả lời nhằm giải toả những vấn đề về tiêu hoá của các bé. Một số câu hỏi đã được bác sỹ trả lời:

Chị Vũ Thùy Dung – [email protected] – Phú Thọ hỏi:

Chào bác sỹ, em xin phép được hỏi bác sỹ 1 số điều mà em không biết hỏi ai cả. Con em được 3 tuổi rồi nhưng cháu rất hay ốm, lười ăn. Cháu nặng 12.5kg, cao 95cm. Cháu trung bình 1 tháng bị viêm đường hô hấp 1 lần, uống kháng sinh cũng phải ít nhất 1 tuần mới khỏi. Mỗi lần uông thuốc cháu lại đi ngoài, đau bụng, lúc lại táo bón. Cháu ăn mỗi bữa gần 1 bát cơm với khoảng 1/3 lạng thit, ăn thịt không thì cháu ăn được nhiều hơn còn ăn chung với cơn chỉ ăn được thế thôi ạ. 1 ngày cháu uống 3 lần sữa, mỗi lần 150ml hoặc sữa chua, váng sữa, phô-mai tùy hôm ạ, cháu cũng ăn hoa quả nữa. Em đã cho cháu uống Bioacimin mấy đợt, mỗi đợt 15 ngày, mỗi ngày 2 gói nhưng cháu cũng không chịu ăn lắm. Bác sỹ tư vấn giúp em 1 chế độ dinh dưỡng để cháu tăng cường miễn dịch và lên cân ạ. Em cám ơn bác sỹ ạ.

BS Minh Hạnh trả lời:

Thuỳ Dung thân mến, chiều cao của bé như vậy là được rồi nhưng bé bị thiếu cân đó nhé; ở tuổi này bé nên có cân nặng khoảng 14-14,3kg. Bị nhiễm trùng hô hấp thường xuyên và phải dùng kháng sinh liên tục sẽ làm bé bị rối loạn tiêu hoá. Em bổ sung men vi sinh cho bé như vậy là tốt rồi. Chế độ ăn như hiện tại sẽ tạm ổn nếu bé ít bị bệnh. Em nên tăng năng lượng khẩu phần cho bé bằng cách thêm dầu ăn vào mỗi bữa ăn (khoảng 1 muỗng canh dầu), tăng thêm sữa (khoảng 600ml/ngày), ăn yaourt mỗi ngày, và nhớ cho bé ăn trái cây thường xuyên để cung cấp vitamin giúp tăng sức đề kháng. Tránh để bé bị gió lùa, nhiễm lạnh, hít bụi bặm thì sẽ hạn chế được các đợt nhiễm bệnh. Khi bớt bệnh và ăn được thì bé sẽ tăng cân.

Phạm Thùy Linh – [email protected] – Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội hỏi:

Bé nhà em được 21 tháng, ăn uống bình thường nhưng hệ tiêu hóa rất kém nên không hấp thu được thức ăn và sữa. Hiện tại cháu được 10,5kg, có tiền sử cơ địa dị ứng thời tiết. Em muốn hỏi bác sỹ có cách nào khắc phục tình trạng kém hấp thu thức ăn của cháu được không, để cải thiện hệ tiêu hóa cho cháu?

BS Minh Hạnh trả lời:

Chào Thuỳ Linh, bé 21 tháng cân nặng 10,5kg là hơi nhẹ cân một chút. Làm cách nào mà em biết được bé kém hấp thu thức ăn và sữa? Bé đi phân có tốt không? Bé có hay đầy bụng khoảng 2 tiếng sau ăn không? Nếu bụng bé vẫn căng đầy và không tiêu hoá được thức ăn của bữa ăn trước đó thì em nên cho bé uống thêm men tiêu hoá các chất tinh bột, đạm, và béo; nếu bé đi tiêu phân xấu thì em có thể cho bé uống men vi sinh như Bio-acimin New cũng rất tốt. Còn nếu tình trạng không cải thiện thì em nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được tư vấn cụ thể nhé.

Rất nhiều, rất nhiều câu hỏi các bà mẹ gửi đến đều được bác sỹ trả lời nhiệt tình. Để theo dõi cũng như tiếp tục được bác sỹ trả lời, mời bạn hãy click vào đây để đặt câu hỏi cho ngày 24/10 nhé.

Hôi miệng – Coi chừng bệnh nguy hiểm

Các bác sĩ khẳng định, ngoài nguyên nhân do vệ sinh răng miệng kém, hôi miệng còn là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh nội tạng nguy hiểm.

Chồng lạnh nhạt vì miệng vợ hôi

Suốt mấy tháng nay, thấy chồng hững hờ chuyện chăn gối, thậm chí né tránh vợ, chị Thúy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) nghi ngờ chồng có bồ nhí. Hậm hực nhưng chưa có chứng cứ để "vạch mặt", chị âm thầm chịu đựng.

Một hôm, tình cờ chị nghe chồng tâm sự với ông bạn thân rằng anh không thể gần gũi hay đối diện với vợ bởi vì thời gian gần đây hơi thở của chị có mùi hôi rất khó chịu.

Nghe thấy những tâm sự của chồng, chị Thúy bất ngờ và thấy khó tin vì hàng ngày chị vẫn vệ sinh răng miệng rất chu đáo, còn sử dụng nước súc miệng. Tự kiểm nghiệm và chị phải thừa nhận đúng là hơi thở mình có vấn đề thật.

Cẩn thận chị Thúy đến bệnh viện Răng - Hàm - Mặt tìm hiểu nguyên nhân. Bác sĩ xác nhận răng lợi của chị vẫn bình thường và khẳng định không phải nguyên nhân gây hôi miệng. Bác sĩ còn cảnh báo chứng hôi miệng của chị có thể do mắc các bệnh nội tạng.

Chị đi khám sức khỏe tổng thể, bác sĩ kết luận chị bị viêm xoang rất nặng, cần điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm khác.

Ngoài chị Thúy, còn rất nhiều người bất ngờ bị hôi miệng mà nguyên nhân lại xuất phát từ viêm amidan, viêm xoang, viêm phổi, phế quản hoặc do các bệnh lý toàn thân như bệnh tiểu đường, bệnh suy thận, bệnh gan…

Bác sĩ còn cảnh báo chứng hôi miệng của chị có thể do mắc các bệnh nội tạng.

Coi chừng bệnh nguy hiểm

Hôi miệng là bệnh khá phổ biến của người Việt. Ngoài nguyên nhân do các bệnh về răng miệng như vệ sinh răng miệng kém, lưỡi bẩn, bênh nha chu, khô miệng, chân răng nhiễm trùng… thì hôi miệng còn là biểu hiện của nhiều bệnh nguy hiểm khác.

Nếu như trước đây, ngoài các vấn đề về răng miệng, chứng hôi miệng còn được cho là do hở van tâm vị thực quản thì ngày nay, nguyên nhân hôi miệng phức tạp hơn nhiều. Triệu chứng này còn là biểu hiện khi cơ thể bị viêm nhiễm ở một số bộ phận như viêm dạ dày, viêm thực quản, hẹp môn vị, loét dạ tràng… Ngoài các bệnh dạ dày, các nguyên nhân khác như viêm amiđan, viêm mũi, viêm họng… cũng có thể gây hôi miệng.

Các bác sĩ cho biết, ngoài các triệu chứng để nhận biết cơ thể bị nhiễm trùng như sốt, môi khô, lưỡi bẩn, bạch cầu tăng… thì cũng phải kể đến dấu hiệu hôi miệng. Vì vậy mà những bệnh nhân bị loét hoặc có khối u thì miệng có mùi hôi là điều rất dễ hiểu. Đó là biểu hiện các chất hoại tử trong cơ thể đang chuyển sang giai đoạn lên men nên gây hôi.

Điều đáng nói là đa phần người bị hôi miệng không tự phát hiện ra bệnh của mình. Hầu hết họ chủ quan nghĩ rằng chỉ cần vệ sinh răng miệng sạch là khỏi chứ không nghĩ đến nguy cơ các bệnh nguy hiểm khác.

Điển hình như trường hợp của chị Thúy, dù hơi thở có mùi hôi từ nhiều ngày nhưng chị không hề hay biết. Cũng may chị là người cẩn thận nên khi phát hiện sự thật này chị đã đi khám thật kỹ để tìm hiểu rõ nguyên nhân nên điều trị kịp thời.

Bác sĩ  Bùi Thị Thu Huyền, Khoa Răng - Hàm - Mặt, Bệnh viện Xanh Pôn cho biết: Ngoài nguyên nhân phổ biến là các bệnh về răng miệng, bệnh hôi miệng còn do nhiều nguyên nhân khác gây ra. Nhiều người dù đã giữ gìn vệ sinh răng miệng rất tốt nhưng vẫn bị chứng hôi miệng thì càng cần phải cẩn thận vì có thể đó là dấu hiệu của những bệnh lý nghiêm trọng khác.

Khi đột ngột bị hôi miệng nặng, tốt nhất bạn nên đi khám xác định rõ nguyên nhân, chữa trị tận gốc, tránh những tai biến đáng tiếc. Không nên tìm đến các loại nước thơm để xử lý vì đó chỉ là giải pháp khắc phục tạm thời, sau đó mùi hôi sẽ tăng lên.

Vì vậy, trước mắt, những gì bạn có thể làm để hạn chế mùi hôi từ miệng hiệu quả nhất là thực hiện vệ sinh răng miệng một cách đầy đủ và hiệu quả như đánh răng thường xuyên (ngày 2 lần sau bữa ăn), cạo sạch bẩn ở lưỡi, dùng dung dịch sát trùng miệng, thay đổi thói quen ăn uống (giảm bớt tỏi, hành, các chất gia vị, rượu), không nên hút thuốc lá, đi khám răng miệng tại các cơ sở y tế chuyên khoa, chăm sóc các răng sâu, thay răng giả bị hỏng, điều trị bệnh nha chu...

(Theo Tri thức trẻ)

 

Uống đủ nước phòng tránh viêm bàng quang

Viêm bàng quang là viêm bọng đái do nhiễm trùng đường tiểu. Phụ nữ dễ mắc hơn đàn ông, đặc biệt trong thời kỳ tiền mãn kinh, phụ nữ càng dễ bị hơn.


Ảnh minh họa

Triệu chứng của bệnh hay gặp nhất là đi tiểu nhiều, cảm thấy nóng, bỏng khi đi tiểu. Đến khi nặng, người bệnh cảm thấy có mùi khó chịu trong nước tiểu, thậm chí có mủ.

Viêm bàng quang nếu không được chữa trị dễ ảnh hưởng đến chức năng thận. Hầu hết viêm bàng quang do vi khuẩn E.coli gây ra. Khi quan hệ tình dục hoặc sau khi đi vệ sinh nếu lau từ sau ra trước rất dễ nhiễm bệnh. Khi quan hệ tình dục, niệu đạo bị kéo giãn, viêm ở niêm mạc, vì thế dễ nhiễm các vi khuẩn có ở lối vào âm đạo.

Mặt khác, trạng thái hưng phấn do quan hệ tình dục làm cho phụ nữ tiết ra chất endorphin, chất này có hại cho khả năng miễn dịch tại chỗ, nên khả năng viêm nhiễm càng nặng nề hơn. Một số phụ nữ tiền mãn kinh thường xuất hiện tượng kinh nguyệt không đều, có lúc ra khá nhiều, việc dùng băng vệ sinh hoặc vệ sinh không tốt là yếu tố gây bệnh.

Vì vậy, để phòng bệnh thì nên uống đủ lượng nước để nước tiểu không bị cô đặc, vệ sinh sạch sẽ, đúng cách trước và sau khi sinh hoạt tình dục. Ngoài ra, nên tập thể dục để tăng tiết ra mồ hôi, giúp đi tiểu ít hơn cũng là cách phòng chống bệnh.

(Theo bee)

 

Trị ho với mật ong

Cho trẻ đang ho uống một muỗng cà phê mật ong trước khi ngủ sẽ giúp trẻ giảm ho và ngủ ngon hơn, theo ANI.

Theo các nhà nghiên cứu, trẻ khi bị nhiễm trùng họng sẽ bớt ho và ngủ ngon hơn nếu uống khoảng 10 gram mật ong trước khi ngủ. Nghiên cứu được tiến hành trên 300 trẻ em Israel tuổi từ 1 đến 5 bị viêm họng, theo Telegraph.


Mật ong tốt cho trẻ bị viêm họng – Ảnh: Shutterstock

Chất chống oxy hóa cao trong mật ong là lựa chọn thay thế tốt hơn thuốc si-rô trị ho, do cha mẹ không kiểm soát được lượng thuốc si-rô cho trẻ uống thì dễ gặp tình trạng sử dụng quá liều.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, mật ong không an toàn với trẻ nhỏ hơn một tuổi bởi rủi ro bị ngộ độc.

Nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Pediatrics.

(Theo Thanhnien)

Những trường hợp không nên tắm cho trẻ

 Mùa hè oi bức, tuy trẻ chưa biết nói nhưng cũng cảm thấy nóng và khó chịu như người lớn. Lúc này, tắm mát để trẻ sạch sẽ, bớt nóng tưởng chừng dễ dàng nhưng có vài trường hợp sau bạn cần lưu ý là tạm thời không nên tắm cho trẻ:

Sau khi bú 

Cho trẻ bú sữa xong rồi tắm ngay, sẽ khiến khá nhiều máu đổ về các mao mạch dưới da do mao mạch đã bị nước ấm kích thích mà dãn nở, lượng máu cung ứng ở khoang bụng lúc này sẽ giảm đi tương đối, điều đó ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa của trẻ. Hơn nữa, do dạ dày bé sau khi ăn sữa xong sẽ nở to ra, tắm ngay cũng dễ gây nôn trớ. Do vậy, nên tắm sau 1, 2 tiếng khi trẻ bú xong là thích hợp.

Khi trẻ xuất hiện những bất thường trên da 

Trẻ có một số dấu hiệu bất thường trên da, như vết loét, nhọt sưng, bỏng hay vết sây sát, lúc này không nên tắm. Vì đa phần đã tổn thương da là sẽ có miệng vết thương, tắm nước sẽ khiến miệng vết thương bị toác ra hoặc bị nhiễm trùng.

Trong vòng 48 tiếng trẻ bị sốt hoặc hết sốt 

Tắm cho trẻ sốt, rất dễ khiến trẻ bị lạnh đột ngột, có trường hợp tắm không đúng cách sẽ khiến lỗ chân lông đóng lại dẫn đến nhiệt độ cơ thể trẻ càng tăng cao, có khi lại khiến mao mạch dưới da toàn thân nở rộng sung huyết, dẫn đến tình huống lượng máu chủ yếu cung ứng cho tim không đủ. Ngoài ra, sau khi trẻ bị sốt khả năng miễn dịch của trẻ cực kỳ kém, tắm ngay dễ gây lạnh và sốt lại.

Sau khi tiêm phòng

Sau khi cho trẻ tiêm phòng, trên da trẻ sẽ tạm thời lưu lại vết kim tiêm, tắm lúc này có thể khiến vết tiêm đó bị nhiễm trùng.

Khi trẻ bị nôn mửa, tiêu chảy thì tạm thời không nên tắm cho trẻ

Trẻ có trọng lượng nhẹ nên cẩn thận khi tắm

Trọng lượng thấp thông thường chỉ những trẻ khi sinh nặng dưới 2.500 gram. Những đứa trẻ này đa phần là sinh non, do đó phát triển cơ thể chưa hoàn thiện, sức khỏe yếu, lớp mỡ dưới da mỏng, sự tự điều tiết thân nhiệt kém, từ đó nhiệt độ cơ thể dễ chịu ảnh hưởng từ nhiệt độ môi trường bên ngoài. Những trẻ này nên được đặc biệt chú ý khi tắm. Nhiệt độ bên ngoài khi trẻ tắm nên là 26-28 độ C, nhiệt độ nước nên là 38-40 độ C.

(Theo ANTD)

Thời trang có thể gây bệnh

Cách ăn mặc có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng là dễ mắc bệnh viêm nhiễm, cố gắng thụ thai và có khi còn dẫn tới tử vong.

Áo thít eo

Tác dụng phụ: Stress mất kiểm soát, ợ nóng, đầy hơi, choáng.

Loại áo này làm ép bụng của bạn, nếu mặc một thời gian dài sẽ làm co thắt bụng và vùng bàng quang, làm suy yếu cơ bắp. Nó dẫn đến rò rỉ nước tiểu với một áp lực nhỏ, nhất là khi bạn ho hoặc hắt hơi.

Hơn nữa, loại áo này ép phổi và sau thời gian dài, tình trạng thiếu oxy làm cho bạn ra mồ hôi. Nếu không ngay lập tức nhận ra những gì đang xảy ra, rất có thể bạn sẽ bị choáng và ngất. Nếu mặc áo này trong và sau bữa ăn, áp lực ở bụng dưới càng tăng lên đẩy lượng axit lên ống dẫn thức ăn dẫn đến ợ nóng. Áo thít eo này còn có thể gây ra hội chứng ruột kích thích trào ngược.

Đồ lót bó chặt

Tác dụng phụ: Viêm bàng quang, nhiễm trùng nấm, nam giới vô sinh.

Trong khi lựa chọn đồ lót (áo ngực hoặc quần lót), cần đảm bảo rằng đàn hồi không phải là quá chặt chẽ và phải bằng vải tự nhiên. Hiệp hội Y khoa Anh cho rằng, loại áo ngực siết eo không tốt bởi vì chúng ngăn chặn việc lưu thông bạch huyết bằng cách ép chặt vào da. Ở nam giới, mặc đồ lót quá chặt chẽ sẽ chống lại các tuyến sinh dục, làm cản trở dòng chảy của tinh trùng và có thể dẫn đến vô sinh trong thời gian dài.

Đồ lót bằng sợi tổng hợp còn ngăn cản không cho không khí lưu thông, dẫn đến nhiễm nấm trên da, hoặc nhiễm nấm đường tiết niệu.

Quần jeans bó sát

Tác dụng phụ: Đau dây thần kinh ở chân / tay / ngón tay, ợ nóng, thoát vị trầm trọng hơn.

Quần jeans bó chặt quá sẽ gây áp lực lên dây thần kinh quan trọng từ cột sống. Vì vậy, nếu bạn cảm thấy đau buốt chạy xuống ngón tay út, hoặc chân, thì rất có thể đó là do sự căng thẳng xung quanh thắt lưng của bạn. Tạp chí Hiệp hội Y tế Canada gần đây đã báo cáo một nghiên cứu cho biết quần ôm bó sát sẽ làm tăng áp lực lên các dây thần kinh chạy từ xương chậu vào đùi bên ngoài, gây ra các triệu chứng như ngứa ran, tê và cảm giác nóng đốt bên trong.

Quần jeans bó chặt cũng tạo ra một môi trường ấm và ẩm ướt, tạo điều kiện cho nấm phát triển mạnh. Một nguy hiểm khác nữa là ảnh hưởng đến thoát vị. Nếu bạn ho, cười hoặc hắt hơi, có thể dẫn đến thoát vị.

Cổ áo hoặc đeo ca vát quá chặt

Tác dụng phụ: Tăng nhãn áp, chóng mặt, nhức đầu, đau vai.

Cổ áo và ca vát khi quá chặt vào cổ sẽ có thể gây ra thắt động mạch cảnh ở vai và đầu. Kết quả là đau đầu, mờ mắt, chóng mặt, đau xuống cánh tay, và nếu bạn cực kỳ không may mắn thì thậm chí có thể bị mù,.

Bệnh tăng nhãn áp xuất hiện là khi có quá nhiều áp lực lên bóng mắt, gây tổn hại thần kinh thị giác. Bệnh tăng nhãn áp cũng có thể do di truyền, vì vậy những người dễ bị bệnh tốt nhận nên để cổ áo rộng và ca vát không quá chặt.

Cổ áo và ca vát khi quá chặt vào cổ sẽ có thể gây ra thắt động mạch cảnh ở vai và đầu. (ảnh minh họa)

Đi giày dép chật

Tác dụng phụ: Sưng tấy ngón chân cái, nhiễm nấm.

Điều đầu tiên cần nhớ là nếu giày và tất không phù hợp có thể làm cho chân chúng ta ra nhiều mồ hôi và đó chính là nguyên nhân bị nấm. Mùi hôi và phát ban chỉ là một rắc rối nhỏ khi đi giày dép quá chật. Ngoài ra, nó còn có thể làm cho ngón chân bị biến dạng, nếu đi về lâu dài còn khiến các ngón chân dính với nhau.

Giày hẹp quá chật cũng bẻ cong khớp ngón chân, làm cho ngón chân luôn cuộn tròn, làm móng chân mọc vào trong, mắt cá chân sưng và nổi chai...

(Theo Eva)

Cách nhận biết nhiễm trùng sau sinh

Hỏi: Con tôi bị sốt, đau bụng sau sinh 3 ngày. Vào viện bác sĩ kết luận nhiễm trùng sau đẻ. Xin hỏi, cách nhận biết bệnh và bệnh có nguy hiểm không?

Phạm Tú Lan (Phú Xuyên, Hà Nội).

BS Phó Đức Nhuận, nguyên Trưởng khoa Đẻ, Bệnh viện Phụ sản T.Ư trả lời: Nhiễm trùng hậu sản là bệnh do vi trùng xâm nhập vào theo đường sinh dục qua vết thương khi đẻ và ở nơi rau bám tại tử cung để gây bệnh, do đó, bệnh có thể ở tất cả các phần của đường sinh dục và lan rộng ra hơn nữa. Ví dụ, nhiễm trùng âm đạo, ở tử cung, ở vòi trứng, buồng trứng. Vi trùng có thể lan vào ổ bụng gây nên viêm phúc mạc (màng bụng); Có thể đi vào máu gây nên nhiễm trùng huyết. Khi đó, vi trùng còn được dòng máu đưa đến mọi phủ tạng trong cơ thể để gây bệnh như phổi, gan, thận, não.

Vì thế, nhiễm trùng hậu sản có nhiều hình thái khác nhau nhưng đó là một trong các nguyên nhân thường gặp gây tử vong bà mẹ. Sau sinh 2 ngày nếu sản phụ bị sốt cao 38 – 39o, có khi tới 40o; Sản dịch (chất chảy ra khỏi cửa mình những ngày sau đẻ) có mùi hôi; Tử cung co lại chậm, nắn qua thành bụng thấy đau thì phải đến viện ngay.

BACSI.com (Theo bee)

Chất xơ làm tăng khả năng miễn dịch của hệ tiêu hóa

Chất xơ có nhiều trong trái cây, rau, ngũ cốc còn nguyên cám, các hạt họ đậu và không bị phân hủy bởi các men tiêu hóa của người. Chất xơ gồm 2 loại tan và không tan.

Vì sao chất xơ thực phẩm không bị phân hủy bởi các men tiêu hóa, cũng không trực tiếp cung cấp năng lượng và dưỡng chất nhưng các nhà dinh dưỡng vẫn khuyến cáo chúng ta sử dụng thực phẩm giàu chất xơ? Lý do là bởi chất xơ thực hiện nhiều chức năng sinh học quan trọng.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh được mối liên quan giữa chất xơ với chuyển hóa lipid, chuyển hóa glucose và các giá trị sinh học khác cũng như vai trò của chất xơ trong chế độ ăn với nguy cơ của bệnh tim mạch. Nghiên cứu thực nghiệm cũng cho thấy cứ bổ sung 2-10 g chất xơ hòa tan/ngày sẽ góp phần giảm cholesterol toàn phần và 2% cholesterol xấu.

Các lợi ích nữa của chất xơ đối với sức khỏe còn được thấy ở tác dụng tăng sự nhạy cảm của insulin, giảm tryglycerid và góp phần kiểm soát cân nặng cơ thể, giúp làm chậm tăng đường huyết sau ăn. Đó là lý do vì sao thầy thuốc vẫn khuyên chọn thực phẩm nhiều chất xơ cho bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 hoặc những người bị tăng đường huyết.

Chất xơ còn làm tăng hệ vi khuẩn có ích trong lòng ruột nên sẽ giúp cơ thể tăng khả năng miễn dịch hệ tiêu hóa, giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa, nhất là giảm tiêu chảy ở trẻ em.

BACSI.com (Theo NLD)

Nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh lợi

Bạn dễ mắc bệnh lợi nếu không vệ sinh răng miệng thường xuyên và đúng cách để loại bỏ các mảng bám.

Ngoài ra một số nguyên nhân sau cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh lợi:

  • Hút thuốc lá là một trong những nguy cơ cao nhất gây bệnh lợi. Hút thuốc lá làm giảm khả năng chống nhiễm trùng, cản trở quá trình tự phục hồi và khiến bạn dễ bị bệnh lợi nặng dẫn đến mất răng.
  • Nếu gia đình bạn mắc bệnh lợi thì nguy cơ bạn bị bệnh lợi cũng cao hơn so với bình thường.
  • Một số bệnh làm giảm khả năng chống nhiễm trùng như tiểu đường không được kiểm soát, AIDS hoặc bệnh bạch cầu.
  • Bạn bị stress khiến hệ miễn dịch suy yếu và dễ bị nhiễm trùng.
  • Chế độ ăn ít vitamin và khoáng chất, có thể làm suy yếu hệ miễn dịch hoặc các thực phẩm nhiều đường tạo thuận lợi cho các mảng bám phát triển.
  • Sử dụng một số loại thuốc như:
    1. Các thuốc kiểm soát động kinh như phenytoin.
    2. Chất chẹn kênh calci được sử dụng để kiểm soát huyết áp hoặc các vấn đề về tim.
    3. Cyclosporine, một thuốc ức chế miễn dịch được sử dụng để chống thải ghép.
    4. Các thuốc tránh thai
    5. Hóa trị ung thư

BACSI.com (Theo ANTD)

 

Ngăn ngừa bệnh nha chu không khó

Bệnh nha chu (bệnh nướu răng) xảy ra khi các mô bảo vệ và ổn định răng bị nhiễm trùng.

Theo healthday.com, Hiệp hội Nha khoa Mỹ đưa ra một số gợi ý sau giúp ngừa bệnh nha chu:

Đánh răng thật kỹ ít nhất 2 lần/ngày

Dùng chỉ tơ nha khoa làm sạch răng hằng ngày

Nếu nha sĩ đồng ý, bạn có thể dùng nước súc miệng có chứa fluoride

Có chế độ ăn uống bổ dưỡng, cân bằng và lành mạnh

Đi khám răng và làm sạch răng ít nhất hai lần mỗi năm.

 
Ảnh: Shutterstock

(Theo Thanhnien)