Lưu trữ cho từ khóa: nhiễm lạnh

Trẻ sơ sinh nằm phòng máy lạnh

Tôi năm nay 22 tuổi, có thai được 8 tháng, chuẩn bị sinh con so, vì là sinh con lần đầu, nên việc chăm sóc bé sẽ vụng về, vợ chồng tôi lúc nào cũng ngủ và sinh hoạt ở phòng máy lạnh. Vì vậy tôi xin hỏi, sau khi sinh, bé nằm ở phòng máy lạnh có được không?

(Châu Thị Mỹ Nữ - Tp. HCM)

Ở điều kiện sinh lý bình thường, trẻ được mang thai trong bụng mẹ 9 tháng 10 ngày, luôn được sởi ấm bởi thân nhiệt của mẹ khoảng 37,5 – 38oC. Khi bé chào đời, nhất là trong tháng của đầu đời gọi là giai đoạn sơ sinh, giai đoạn này bé không có khả năng điều hòa nhiệt độ cho cơ thể như những đứa trẻ lớn hơn, đặc biệt là những trẻ sinh thiếu tháng thì khả năng điều hòa thân nhiệt cho cơ thể càng kém hơn. Vì vậy, bé rất dễ bị nhiễm lạnh nếu không được chăm sóc đúng cách như: mặc áo ấm, quấn tả lót, khăn, đội mũ, mang vớ. Nếu ở nhiệt độ phòng 23oC mà không mặc quần áo hay đắp chăn, ủ ấm cho trẻ sơ sinh thì sẽ bị nhiễm lạnh, giống như người lớn không mặc đồ ở với nhiệt độ phòng là 0oC. Bé sau sinh đủ tháng được chăm sóc đúng cách, thân nhiệt bình thường của trẻ sẽ ở khoảng 36,5 - 37,5oC. Bé được mặc quần áo, mang bao tay, mang vớ chân, đội mũ và đắp chăn thì có thể chịu được nhiệt độ phòng từ 25 – 28oC. Với đặc điểm trên, để phòng tránh bé bị nhiễm lạnh, không để nhiệt độ phòng lạnh dưới 26oC, tránh để bé nơi gió lùa như quạt máy, hoặc hơi lạnh thổi ra từ máy điều hòa quạt thẳng và người của bé; không để bé bị ẩm ướt nhất là từ nước tiểu của bé. Vì vậy, khi cho bé ở phòng lạnh cần đảm bảo duy trì nhiệt độ phòng từ 26 – 28pC, mặc áo, quấn tả, mặc quần dài, mang găng tay, mang vớ chân, đội mũ, đắp mền nhẹ, ấm, thay tả khi trẻ bị ướt, không nằm ngay nơi hơi lạnh được thổi ra từ máy điều hòa. Phòng phải thoáng, sạch, không được để quá nhiều đồ vật trong phòng vì dễ phát sinh nấm mốc, tránh nhiều người ra vào phòng lạnh vì dễ lây lan các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tránh đưa trẻ ra vào phòng thường xuyên vì sự chênh lệch nhiệt độ có thể làm trẻ bị tăng tiết dịch ở mũi và họng. Cho bé bú đầy đủ vì nhiệt độ lạnh làm cho bé tiêu hao nhiều năng lượng hơn bình thường.

Với phần trình bày như trên, hy vọng sẽ đem đến cho em những thông tin thật cần thiết.

BS.CKI. TRẦN QUỐC LONG

(Theo SKDS)

Tổn thương do lạnh

Mùa đông hay những khi gặp thời tiết lạnh, cơ thể con người rất dễ bị tổn thương do lạnh. Khả năng chịu lạnh của mỗi người rất khác nhau, nên cùng trong thời tiết lạnh có người bị bệnh nặng, trong khi người khác vẫn bình thường. Các yếu tố làm tăng tổn thương do nhiễm lạnh gồm: tình trạng sức khỏe kém, tuổi cao, đang có bệnh, uống rượu hay các thuốc an thần... Gió mạnh làm chấn thương do lạnh càng thêm nặng.

Mề đay do lạnh

Khi gặp thời tiết lạnh, một số người mẫn cảm với lạnh có thể nổi mề đay ở vùng da tiếp xúc với lạnh hoặc khắp thân mình. Nếu bị ngâm nhúng cơ thể hoặc một phần chi dưới trong nước lạnh có thể gây ra các triệu chứng toàn thân nặng hoặc bị sốc. Đối với người mẫn cảm như vậy thì việc nhận biết rối loạn do nhiễm lạnh là rất quan trọng vì có thể bị tử vong khi bơi trong nước lạnh. Chứng nổi mề đay do lạnh thường có tính di truyền, khi nhiễm lạnh, bệnh nhân có cảm giác như bị bỏng trên da xảy ra sau khi phơi nhiễm với lạnh khoảng 30 phút. Một số ít trường hợp nổi mề đay khi gặp lạnh có liên quan đến việc đang mắc bệnh nhiễm khuẩn như bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn. Đa số các trường hợp mề đay do lạnh mắc phải đều chưa rõ nguyên nhân. Muốn thử xem có bị nổi mề đay khi nhiễm lạnh, ta dùng một khối nước đá áp vào da cẳng tay trong 4-5 phút rồi bỏ ra, quan sát vùng da đó trong 10 phút: khi da ấm trở lại, một vòng mề đay xuất hiện kèm theo ngứa. Sở dĩ bị nổi mề đay và ngứa như vậy là do histamin và các chất trung gian khác được giải phóng khi nhiễm lạnh giống như trong các phản ứng dị ứng.

Hiện tượng Raynaud



Tổn thương ngón tay trong hiện tượng Raynaud.

Hiện tượng Raynaud  thường gặp do lạnh với biểu hiện trắng hoặc tím ngón tay từng đợt. Lúc đầu có thể chỉ ở một hoặc hai ngón tay, sau tiến triển toàn bộ các ngón tay lan ra lòng bàn tay, nhưng hiếm khi bị ở ngón tay cái. Giai đoạn hồi phục thấy đỏ rõ, giật, dị cảm và sưng nhẹ. Hiện tượng Raynaud thường tự hết hoặc khi trở lại nơi ấm áp hay ngâm tay vào nước ấm. Tổn thương gồm: tê cóng, cứng, giảm cảm giác và đau nhức, teo mô mỡ tận cùng và da đầu chi, loét hoại tử gần móng tay. Bệnh hay gặp ở phụ nữ từ 15-45 tuổi. Điều trị: cần giữ ấm cơ thể và tay nhất là phải bảo vệ khi ra ngoài trời lạnh.

Hạ thân nhiệt

Hạ thân nhiệt là bị giảm nhiệt độ trong sâu cơ thể (ở trực tràng) xuống dưới 35oC, dẫn đến giảm các họat động sinh lý, giảm tiêu thụ ôxy và làm chậm sự tái phân cực cơ tim, giảm dẫn truyền thần kinh ngoại vi, giảm nhu động dạ dày,  ruột, hô hấp, cô đặc máu và viêm tụy. Cơ thể tự vệ bằng phản ứng co mạch máu bề mặt và tăng sản xuất nhiệt chuyển hóa. Bệnh nhân bị hạ thân nhiệt khi phơi nhiễm kéo dài với lạnh hoặc rất lạnh trong môi trường không khí hay nhúng nước. Tình trạng này có thể gặp ở những người khỏe mạnh bị  nhiễm lạnh trong quá trình lao động, sinh hoạt hoặc bị tai nạn trong thiên tai, bão lụt. Đối tượng có nguy cơ cao hạ thân nhiệt gồm: ở thời tiết lạnh như rét đậm, rét hại, người già, trẻ em và người không hoạt động sống trong những ngôi nhà không đủ sưởi ấm; bệnh nhân bị bệnh tim mạch, mạch máu não, chậm phát triển tâm thần, thiếu dinh dưỡng, phù niêm, nhược năng tuyến yên, nghiện rượu dễ bị hạ thân nhiệt đột ngột; dùng các thuốc an thần...

Bệnh nhân bị hạ thân nhiệt có các triệu chứng sau: mệt mỏi, buồn ngủ, ngủ lịm, trạng thái kích thích, lú lẫn và mất sự phối hợp. Khi nhiệt độ cơ thể quá thấp, bệnh nhân bị mê sảng, buồn ngủ, hôn mê và có thể ngừng thở. Không đo được  huyết áp và nhịp mạch. Bệnh nhân bị nhiễm acid chuyển hóa, tăng kali huyết, viêm phổi, viêm tụy, rung thất, hạ glucose huyết hay tăng glucose huyết, rối loạn đông máu và suy thận. Các rối loạn nhịp tim trực tiếp liên quan đến hạ thân nhiệt, tử vong do suy tim hoặc rung thất.

Điều trị: Bệnh nhân hạ nhiệt nhẹ (nhiệt độ trực tràng trên 33oC) thường đáp ứng tốt với giường ủ ấm hoặc sưởi ấm bằng cách tắm ấm hoặc đắp chăn ấm. Bệnh nhân hạ nhiệt vừa hay nặng (nhiệt độ trực tràng dưới 33oC) cần sưởi ấm tích cực, trợ tim mạch, cân bằng acid base, ôxy động mạch và khối lượng tuần hoàn đầy đủ. Cần đặt ống nội khí quản, đảm bảo cung cấp đủ ôxy cho bệnh nhân, truyền dịch ấm và điều trị nhiễm acid chuyển hóa. Dùng kháng sinh đối với bệnh nhân là trẻ sơ sinh, người già hoặc bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch.

(Theo SKDS)

Những việc không nên làm khi cảm lạnh

Để giải cảm, nhiều người quan niệm phải chà xát thật mạnh cho tới khi vùng cần đánh gió bầm tím lên thì mới tốt. Quan niệm này là sai lầm và vô tình gây nên xuất huyết dưới da

Cảm lạnh (hay còn gọi là nhiễm lạnh) là biến cố lạnh một phần hoặc toàn bộ cơ thể do tác dụng kéo dài của nhiệt độ dưới ngưỡng bình thường (-10°C đến 10°C). Ở trong môi trường lạnh thời gian dài sẽ làm cơ thể không điều chỉnh nhiệt được dẫn đến giảm nhiệt độ cơ thể.

Các nguyên nhân khác bao gồm quần áo ướt, không trùm đầu, mặc quần áo không đủ ấm trong mùa lạnh, rơi vào nước lạnh... làm thân nhiệt giảm xuống dưới 35°C.

Các triệu chứng khi cơ thể rơi vào tình trạng bị cảm lạnh: Rùng mình, nói líu nhíu, thở chậm một cách bất thường, da lạnh tái, mất phối hợp vận động, mệt ngủ lịm, lãnh đạm. Người lao động ngoài trời, người già, trẻ em, người gầy, trẻ sơ sinh là nhóm có nguy cơ bị nhiễm lạnh cao khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh.

Cố gắng làm ấm tay chân: Rất nguy hiểm

Khi thấy có người bị cảm lạnh, những việc cần nên làm ngay là gọi cấp cứu và  theo dõi nhịp thở, nếu có ngưng thở thì thực hiện hô hấp nhân tạo ngay; di chuyển bệnh nhân ra khỏi chỗ lạnh; nếu không thể mang vào nhà thì bảo vệ bệnh nhân tránh gió, phủ kín đầu; cởi bỏ quần áo ướt (nếu có).

- Không dùng nước nóng, miếng sinh nhiệt hoặc đèn tỏa nhiệt để làm ấm bệnh nhân, thay vào đó bằng áp gạc ấm vào cổ, thành ngực, háng.

Đánh gió giúp điều trị cảm lạnh nhưng nếu chà xát thật mạnh cho bầm tím lại là sai lầm. Ảnh: N.HỮU

- Đừng cố gắng làm ấm tay chân vì nhiệt sẽ đẩy máu lạnh về tim, phổi và não làm giảm nhiệt cơ thể tiếp tục nên có thể dẫn đến tử vong.

- Đừng cho bệnh nhân uống rượu.

- Đừng massage hoặc chà xát cho nạn nhân mà chỉ sơ cứu nhẹ nhàng vì bệnh nhân có nguy cơ ngưng tim.

3 biện pháp đề phòng hữu hiệu

1. Không ở lâu trong môi trường lạnh từ 15°C trở xuống. Khi nhiệt độ môi trường từ 10°C trở xuống không nên ra ngoài trời nếu không thật cần thiết.

2. Phải mặc ấm, đội mũ, đi găng, vớ đủ chống rét. Tuyệt đối không mặc quần áo ướt.

3. Ăn uống no và đầy đủ các chất dinh dưỡng, tăng cường các loại vitamin và khoáng chất để tăng cường chuyển hóa. Ăn uống các đồ ăn, thức uống có tính cay, nóng như thịt bò, thịt chó, thịt dê, gừng, ớt, hạt tiêu... để giữ ấm cơ thể

Đông y điều trị cảm lạnh

- Đánh gió: Mục đích là đem khí nóng vào cơ thể ngay trên kinh thái dương để cho thấm qua da. Vật liệu gồm 1 đồng xu tròn (hoặc 1 muỗng bằng kim loại cạnh tròn, không bén), 1 chai dầu (cù là, dầu nóng...). Có thể dùng 1 củ gừng tươi thay thế cho dầu.

Bắt đầu bôi dầu và dùng tay chà xát dọc hai bên cột sống, cổ, vai rồi dùng cạnh của đồng xu hoặc muỗng chà vào vùng đó theo chiều hướng lên hoặc xuống. Chà nhiều lần cho mặt da nóng lên. Thường chà cho đến khi cơ thể mất cảm giác ớn lạnh và đau nhức cổ gáy thì dừng.

Nhiều người quan niệm phải chà xát thật mạnh cho tới khi vùng đánh gió bầm tím lên thì mới tốt. Quan niệm này là sai lầm và vô tình đã gây nên xuất huyết dưới da do chà xát quá mạnh.

Nếu dùng củ gừng tươi thay thế dầu thì nên chọn củ to, rửa sạch, cho vào cối giã nhuyễn (cả vỏ), vắt nước cốt lên vùng cần đánh gió rồi dùng bã chà xát cho đến khi người nóng lên.

Dùng khăn khô lau sạch bã gừng. Vùng cơ thể được chà xát sẽ nóng ấm lên rất dễ chịu mà sau đó vùng da tại chỗ sẽ không bị lạnh như một vài loại dầu nóng khác.

- Cháo giải cảm: Nấu một chén cháo trắng loãng và thật nhuyễn, chuẩn bị sẵn lá tía tô, hành tăm, gừng để rửa sạch, thái nhỏ cho sẵn vào chén cùng chút muối ăn hoặc gia vị đủ dùng (nếu cần cho thêm 1 lòng đỏ trứng gà càng tốt).

Đun cháo sôi kỹ đổ vào rồi khuấy đều và ăn nóng. Khi ăn cúi đầu xuống để mũi hít hơi nóng và mùi tinh dầu của tía tô, hành, gừng sẽ có tác dụng chống xung huyết vùng mũi. Ăn xong trùm mền kín 10 đến 15 phút cho ra mồ hôi.

(Theo NLĐ)

Những sai lầm thường thấy trong mùa đông

Thời tiết khô hanh dễ khiến cơ thể bạn bị ngứa, nhưng khó chịu đến mấy thì bạn cũng không nên dùng tay gãi, nếu không muốn mình bị tróc da, viêm nhiễm.

Rửa mặt bằng nước ấm

Ngày đông rửa mặt bằng nước ấm, bạn sẽ có cảm giác ấm áp thư giãn. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, những tế bào da và mạch máu trên mặt nở ra sau khi gặp nước ấm, gặp khí lạnh sẽ co lại. Khiến cho da bạn trở nên nẻ, khô và dễ hình thành nếp nhăn.

Mùa đông không cần uống nước nhiều

Thực chất, mùa đông cũng như mùa hè, nhu cầu nước cho những hoạt động của cơ thể, cho việc đào thải và loại trừ các độc tố ra khỏi cơ thể là không thay đổi. Uống đủ lượng nước (nước lọc, nước trái cây, nước canh, sữa…) cần thiết sẽ khiến da bạn tươi tắn hơn, hạn chế tình trạng khô da, nứt nẻ, ngừa bệnh cảm cúm, cảm lạnh vào mùa rét.

Ảnh minh hoạ

Trùm kín đầu ngủ mới ấm

Không ít người cho rằng trùm kín chăn khi ngủ vào mùa đông thì khỏi sợ rét, ngủ sẽ ngon hơn. Đây là suy nghĩ sai lầm vì dưỡng khí bạn thở sẽ ít đi. Khi trùm kín chăn, khí CO2 bạn thở ra sẽ luẩn quẩn trong khoảng không bé nhỏ, số lượng mỗi lúc một nhiều, cộng thêm chất khí có hại cho cơ thể sẽ khiến bạn khó thở, và thấy mệt khi tỉnh giấc!

Uống rượu sẽ ấm người

Đúng là sau khi uống rượu, bạn sẽ có cảm giác người ấm lên, đấy là nhờ lượng cồn trong rượu làm cho cơ thể toả nhiệt năng sẵn có. Nhưng đó chỉ là cảm giác tạm thời vì ngay khi hết rượu, đa phần nhiệt lượng toả ra ngoài sẽ khiến toàn thân nổi gai ốc, cơ thể dễ bị lạnh. Uống nhiều, bạn không chỉ tàn phá sức khoẻ của dạ dày, gan, tim mạch, mà còn có nguy cơ phải đi cấp cứu vì ngộ độc.

Mặc đồ mùa hè đi tập thể dục

Việc tập thể dục khiến cơ thể nóng lên và ra nhiều mồ hôi, nên dù là mùa đông, nhiều người vẫn thích mặc càng thoáng càng tốt. Thực tế là mặc phong phanh sẽ khiến bạn rất dễ bị nhiễm lạnh khi cơ thể chưa kịp vận động. Vì vậy, nếu tập ngoài trời vào mùa đông, bạn vẫn nên mặc quần áo dài tay, đi giày, bít tất. Khi tập, cơ thể nóng lên, lúc đó, bạn có thể cởi bớt áo.

Hơ tay lên quạt sưởi, lửa

Cách này đúng là có giúp tay bạn trở nên ấm hơn trong mùa lạnh, nhưng sự dễ chịu đó chỉ là tạm thời. Đây là một thói quen không tốt, không chỉ khiến đôi tay bạn khô nẻ, mà còn làm tay tê cứng, kém linh hoạt do hiện tượng tụ máu. Muốn ấm tay khi trời lạnh, bạn chỉ cần xoa xoa hai tay vào nhau.

Khi ngủ không nên đi bít tất

Nhiều người cho rằng, đi bít tất đi ngủ sẽ bí chân, chân không được thở, không thoát mồ hôi dẫn đến thấp khớp. Nhưng thực t là khi đi ngủ, cả người lớn và trẻ em cần nhất việc giữ ấm chân, vì bàn chân chứa nhiều huyệt đạo, y như cơ thể người thu nhỏ vậy.

Mùa lạnh cho bé mặc nhiều càng tốt

Đây không phải là quan điểm đúng đắn tuyệt đối, vì nếu mặc quá nóng sẽ khiến bé ra nhiều mồ hôi (do trẻ em vận động nhiều hơn người lớn). Mồ hôi thấm vào người bé lâu có thể khiến bé viêm phổi. Vì vậy, chỉ nên mặc vừa đủ cho bé.

Ngứa thì gãi

Thời tiết khô hanh dễ khiến cơ thể bạn bị ngứa, nhưng khó chịu đến mấy  thì bạn cũng không nên dùng tay gãi, nếu không muốn mình bị tróc da, viêm nhiễm. Nếu thấy ngứa quá, rất có thể da bạn có bệnh, và giải pháp là đến bác sĩ da liễu để khám và nhận được phương pháp điều trị hợp lý.

(Theo Mythuat)

Ăn uống trong tiết trời lạnh

Những ngày cuối năm, tiết trời lành lạnh dễ làm cơ thể nhiễm bệnh. Ăn uống là cách để nâng sức đề kháng cho cơ thể, chống lại nhiễm bệnh.

1. Thêm tỏi vào bữa ăn

Tỏi có chứa những chất chống oxy hóa mạnh nhất trong số những gia vị thông dụng. Tỏi vị cay, tính ấm, giúp tăng cường sự lưu thông khí huyết, sát trùng, sát khuẩn, cải thiện độ mỡ trong máu, tăng cường sức đề kháng để phòng chống nhiều loại bệnh khác nhau, trong đó bệnh cảm cúm trong mùa lạnh. Ở vào thời tiết lạnh này, trong mỗi bữa ăn, nên ăn một vài tép tỏi bằng cách xắt lát mỏng, hoặc đập dập dùng với nước chấm hoặc ăn với rau trộn hằng ngày.

2. Nên ăn hàu và một số loại hải sản

Ngoài chất đạm và chất béo, những loại hải sản, nhất là hàu, có hàm lượng rất cao khoáng chất kẽm, yếu tố cần thiết cho việc sản xuất và hoạt hóa những tế bào của hệ miễn dịch. Chế độ ăn thiếu kẽm không những dẫn đến suy giảm chức năng sinh dục, mà còn làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể. Không chỉ kẽm, những loại hải sản nói trên còn có hàm lượng cao seleninum, một chất chống oxy hóa mạnh. Selenium cũng có tác dụng kích thích hoạt động của hệ miễn nhiễm của cơ thể.

3. Tăng vitamin C từ rau củ quả

Vitamin C được xem có vai trò quan trọng trong việc tăng cường sức đề kháng. Vitamin C có thể giúp giảm thời gian điều trị và các triệu chứng ở những người bị nhiễm lạnh hay gặp căng thẳng quá mức. Dùng các loại thực phẩm rau củ, quả giàu vitamin C như: cam, quýt, dâu, cà chua, khoai tây, ớt...

Những thực phẩm giàu vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng, chống lại bệnh - Ảnh: K.Vy

4. Đừng xem thường khoai lang

Khoai lang là một trong các loại thực phẩm tốt. Ngoài khả năng chống lại những ảnh hưởng không tốt từ khói thuốc và ngăn ngừa tiểu đường, khoai lang còn chứa chất chống oxy hóa có thể tăng cường quá trình hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch.

5. Dùng thêm trà xanh

Trà xanh có đặc tính chống lại quá trình oxy hóa, giúp giảm được nguy cơ mắc các loại bệnh. Bên cạnh đó, trà xanh còn giúp cho các vi khuẩn có ích trong ruột phát triển tốt và ngăn ngừa sự phát triển của các vi khuẩn có hại, nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể. Thời tiết lạnh cuối năm, mỗi ngày nên dùng thêm tách trà xanh.

6. Quả sung

Không những giàu kali, mangan và chất chống oxy hóa, quả sung còn giúp cân bằng độ pH trong cơ thể, ngăn mầm bệnh có cơ hội phát triển. Thêm vào đó, chất xơ trong quả sung còn có thể làm giảm lượng đường trong máu, ngăn ngừa bệnh tiểu đường và hội chứng trao đổi chất. Những quả sung có vỏ màu đậm sẽ giàu dinh dưỡng hơn. Một tuần nên ăn 4 quả sung để tăng cường hệ miễn dịch.

(Theo TNO)

Bệnh gút và cách phòng tránh

Bệnh nhân gút không nên ăn nhiều thịt bò.

Sau một bữa tiệc thịnh soạn với đầy rượu thịt, nếu có cơn đau dữ dội nổi lên ở các khớp, nhiều khả năng là bạn đã bị bệnh gút (thống phong). Bệnh xuất hiện do hàm lượng axit uric trong máu tăng cao, triệu chứng điển hình là nổi u cục hoặc viêm ở các khớp.  

Tiến sĩ Nguyễn Thị Bay, Đại học Y dược TP HCM, cho biết, các u cục có đường kính từ vài mm đến nhiều cm, không đau, thường xuất hiện ở khớp ngón chân, cổ chân, khuỷu tay, cổ tay, sụn vành tai... Đôi khi, chỗ da bọc khối u bị loét và chảy nước vàng. Còn tình trạng viêm thường xuất hiện ở các khớp bàn chân, bàn tay, cổ tay, khuỷu tay, đầu gối, diễn tiến chậm và gây đau nhẹ (trừ những cơn đau cấp sau bữa ăn có nhiều rượu thịt).

Bệnh gút tiến triển trong 10-20 năm. Đến giai đoạn cuối, bệnh nhân mất khả năng vận động, có nhiều biến chứng ở thận, suy kiệt dần, có thể dẫn đến tử vong.

Để phòng tránh và hạn chế sự phát triển của bệnh gút, cần kiêng rượu và các chất kích thích như cà phê, ớt. Hạn chế dùng bia và các thức ăn nhiều đạm như thịt đỏ, phủ tạng động vật, hải sản. Nên ăn nhiều hoa quả và rau; uống các loại nước khoáng thiên nhiên chứa bicarbonat. Ngoài ra, cần tránh làm việc quá sức và ăn uống quá mức, không để cơ thể bị nhiễm lạnh hoặc táo bón.

Những người bị gút có thể làm giảm triệu chứng bệnh bằng cách hái lá sake già để nấu nước uống thay trà hằng ngày (hoặc nhúng lá tươi vào nước sôi rồi đem phơi khô, nấu lấy nước uống).

(Thanh Niên )

Cấp cứu vì rét tăng cao

Đợt rét đậm kéo dài trong gần 2 tuần qua tại khu vực phía Bắc đã làm cho số lượng bệnh nhân cấp cứu tăng nhanh, tình trạng quá tải ở các bệnh viện tại Hà Nội thêm trầm trọng

TS-BS Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương, cho biết những ngày qua, lượng bệnh nhi đến khám tại BV này luôn dao động từ 1.500 - 2.000 lượt/ngày. Trẻ đến khám phần lớn bị ho, sốt, viêm phế quản, viêm phổi, tiêu chảy hoặc ho sốt chưa rõ nguyên nhân. Đây là những bệnh đặc trưng của thời tiết lạnh.

Nhiều ca bệnh nặng

Dù người tới khám tăng chưa nhiều hơn những ngày trước đó nhưng bệnh nhi nặng thì lại tăng cao, nhất là ở nhóm trẻ dưới 2 tuổi. Nhiều cháu bé khi được chuyển tới BV cấp cứu đã rơi vào tình trạng suy hô hấp, sốt cao và phải thở máy. Đáng chú ý, một số bệnh nhi bị cảm cúm, cảm lạnh nhưng do không được điều trị kịp thời nên bị biến chứng viêm phổi, viêm tai giữa, nhiễm trùng huyết.

Tại Viện Lão khoa Quốc gia, lượng bệnh nhân cao tuổi tới khám cũng tăng bất thường sau gần 10 ngày giá rét. Bác sĩ Ngô Trọng Toàn, Trưởng Khoa Hồi sức Cấp cứu, cho biết nhiều người nhập viện trong tình trạng bệnh rất nặng. Trong đó chủ yếu là các trường hợp viêm phổi, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, tắc nghẽn mạch máu...

Tại Viện Tim mạch Quốc gia, anh Phạm Hùng Anh (ngụ Hà Nội) tay ôm lỉnh kỉnh quần áo, chăn gối, phích nước, lo lắng: “Bố tôi hơn 70 tuổi, mắc bệnh cao huyết áp đã chục năm nay. Sáng hôm qua, cụ dậy đi vệ sinh thì bị đột quỵ”.

Theo TS-BS Phạm Mạnh Hùng, Viện Tim mạch Quốc gia, trong những ngày qua, viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân cấp cứu do đột quỵ, nhất là các ca nặng. Trời lạnh đột ngột là tác nhân khiến huyết áp tăng cao.

Bệnh nhân được trang bị thêm chăn ấm để chống rét. Ảnh chụp tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Khánh Anh

Theo PGS-TS Đỗ Trung Quân, Trưởng Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu của BV Bạch Mai, nhiệt độ xuống thấp chính là yếu tố gián tiếp gây ra các ca tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, trong đó đã có bệnh nhân bị gục tại chỗ, thậm chí tử vong.

Còn theo Trung tâm vận chuyển cấp cứu Hà Nội 115, số ca cấp cứu đã tăng khoảng 20%. Bệnh nhân chủ yếu là người cao tuổi với các bệnh lý: tim mạch, viêm đường hô hấp, tăng huyết áp.  

Dễ tử vong vì nhiễm lạnh

Nguy cơ ngộ độc vì sưởi than

Giới chuyên môn rất lo lắng về nguy cơ ngộ độc do sưởi than. Tại Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai, những đợt lạnh kéo dài trước đây hầu như đều có bệnh nhân cấp cứu do đem than, củi vào phòng ngủ kín đốt sưởi. Đợt rét đậm năm 2008, trung tâm này cấp cứu rất nhiều ca ngộ độc do sưởi ấm bằng than hoặc đem than tổ ong đang cháy vào trong phòng tắm. Có những gia đình khi được phát hiện thì cả vợ chồng, con cái đều tím tái, choáng váng, hôn mê, thậm chí tử vong.

Các bác sĩ cho biết nhiều cụ già bị ốm nhưng vì ngại trời lạnh không đi khám nên khi nhập viện thì bệnh đã rất nặng lại diễn tiến nhanh khiến việc điều trị khó khăn hơn nhiều.

Vì thế, trong những ngày trời lạnh, chỉ nên điều trị tại nhà với những ca được xác định là bệnh ít nguy hiểm. Với những ca nặng, cần nhập viện ngay để làm các chẩn đoán lâm sàng, tránh việc điều trị không hiệu quả hoặc không thể cứu chữa được.

PGS-TS Đỗ Trung Quân khuyên các cụ già nên hạn chế đi ra ngoài và thay đổi tư thế đột ngột. Khi ngủ dậy, cần phải mặc ấm ngay, ra khỏi giường từ từ. Không dậy quá sớm cũng như ra ngoài tập thể dục mà thay vào đó, có thể vận động nhẹ nhàng trong nhà.

Người nhà cần quan tâm và đưa các cụ đến BV hoặc mời bác sĩ đến khám khi thấy có những triệu chứng bất thường như nói khó, mất vận động, mất thị lực thoáng qua... vì đó là dấu hiệu đột quỵ.   Vào những đợt thời tiết khắc nghiệt như hiện nay, các bác sĩ nhi cũng khuyến cáo cha mẹ nên hạn chế cho trẻ dưới 3 tuổi ra đường hoặc di chuyển bằng xe máy vì nguy cơ nhiễm lạnh rất lớn.   Khi con em có triệu chứng bệnh, các gia đình nên đưa đi khám ở các cơ sở y tế gần nhất vì đã có nhiều trẻ ở tỉnh khác lúc lên BV tuyến trên khám thì bệnh tình nặng hơn, có cháu đã tử vong do quãng thời gian đưa đi quá dài.

‘Yêu’ 10 phút, nằm bẹp cả tuần

Sau cuộc "mây mưa", Dung đang thiêm thiếp ngủ thì thấy chồng bật dậy nôn thốc nôn tháo, mồ hôi túa ra như tắm. Sau đó, anh ốm nằm bẹp trên giường gần một tuần. 

Thời tiết không chỉ ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt thường ngày mà còn tác động đến cả chuyện giường chiếu. Trong những ngày rét đậm của mùa đông, nhiều cặp vợ chồng “nhịn giao ban”, một số vẫn khắc phục khó khăn để làm "chuyện ấy" nhưng cũng gặp khối cảnh "dở khóc dở cười".

Trúng gió vì cố ''yêu"

Ít ai ngờ tai nạn khi "ân ái" lại xảy ra với Vũ, chồng Ngọc Dung (ngõ 337, phố Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) vì anh cao lớn, lực lưỡng. Và thực tế mấy năm yêu nhau cho thấy anh luôn phong độ trong chuyện phòng the.

Dung và Vũ cưới nhau vào đúng đợt Hà Nội rét đậm, nhiệt độ ngoài trời và trong nhà nhiều hôm chẳng chênh lệch bao nhiêu nhưng với khí thế “hừng hực” của vợ chồng trẻ mới cưới, đó là "chuyện nhỏ".  Có đêm hai người còn làm "suất đúp". Căn phòng vợ chồng Vũ thuê là nhà cấp bốn, lại nằm sát bên một cái hồ nên dù đóng cửa thì vẫn có gió lùa. Gần đây sau cuộc mây mưa mặn nồng, Dung đang thiêm thiếp ngủ thì thấy chồng bật dậy nôn thốc nôn tháo, kêu đau đầu, sợ lạnh mà mồ hôi túa ra như tắm. Sau đó, Vũ phải nằm bẹp trên giường đến gần một tuần mới “hoàn hồn”. 

Sinh hoạt tình dục vào mùa đông rất dễ bị cảm lạnh. Ảnh: Inmagine

Vợ chồng Thịnh - Vân, đều 31 tuổi, ở Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội, cũng gặp “tai nạn” tương tự. Hai người đều có nhu cầu cao nên lịch “yêu” vẫn “đều như vắt chanh”. Thịnh bảo, trời rét có thể hạn chế những việc khác chứ không thể hoãn "cái sự sung sướng" này lại được. Cách đây mấy hôm, khi vừa “giao ban” xong, Thịnh đã lao ngay vào nhà tắm để vệ sinh nhưng vì hết nước nóng nên cứ thế rửa vội bằng nước lạnh. Đến sáng, Vân gọi dậy đi làm thì đã thấy chồng nằm rên hừ hừ trong chăn, không làm sao ngóc đầu dậy được nữa. 

Cũng phát ốm vì "yêu" là chuyện của vợ chồng Duyên - Bình (Đoan Hùng, Phú Thọ). Vừa lấy vợ được mấy hôm thì Bình bỗng lăn ra ốm. Mẹ anh thắc mắc: “Thằng này thường ngày khỏe lắm, có mấy khi bị cảm lạnh đâu”. Nghe mẹ chồng nói, Duyên đỏ hết cả mặt. Bình phải thanh minh với mẹ là do nửa đêm ra ngoài đi vệ sinh nên mới bị nhiễm gió lạnh. Nhưng lý do thực sự không phải như thế. Sau cuộc “yêu”, Duyên đã giục chồng mặc quần áo vào nhưng Bình lại thích “ngủ nuy” với vợ nên đến gần sáng thì anh bị cảm, người rét run, vừa đau họng vừa sổ mũi ròng ròng.

Đàn ông dễ bị cảm lạnh hơn

Theo bác sĩ Lê Thị Kim Dung, Trưởng khoa Khám bệnh, Trung tâm Y tế Thái Hà (Hà Nội), việc quan hệ tình dục vào mùa đông thường hay xảy ra những sự cố không mong muốn hơn là các mùa khác, hay gặp nhất là cảm lạnh.  Vào mùa đông, vùng kín của phụ nữ cũng “khô hạn” hơn nên quá trình “khởi động” mất nhiều thời gian hơn. Trạng thái "nuy" kéo dài sẽ khiến cơ thể bị lạnh. Những vận động trong quá trình “giao ban” cũng khiến gió, hơi lạnh dễ xâm nhập. Đặc biệt là sau khi “lên đỉnh”, cơ thể bao giờ cũng bị đổ mồ hôi, tỏa nhiệt, nếu gặp nhiệt độ quá thấp ngoài môi trường sẽ rất dễ bị nhiễm lạnh ngược vào bên trong.

Nhiều người còn có thói quen tắm rửa ngay sau khi quan hệ tình dục, nhất là lại dùng nước lạnh để rửa (như trường hợp của anh Thịnh ở trên), khả năng bị cảm lạnh rất cao. Tình trạng nặng và không xử lý kịp thời còn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Bác sĩ Kim Dung cho biết, thông thường đàn ông sẽ dễ bị cảm lạnh khi "yêu" hơn phụ nữ vì họ “hoạt động” nhiều, mạnh hơn và tiêu hao sức lực nhiều hơn. Vì thế các quý ông cần lưu ý khi sinh hoạt tình dục trong thời tiết lạnh giá. Sinh hoạt tình dục cần được tiến hành trong điều kiện đảm bảo như: đóng kín cửa phòng, không để bị gió lùa. Khi kết thúc, nên nghỉ ngơi cho cơ thể lấy lại cân bằng, sau 15 - 20 phút mới rời khỏi giường. Tránh tiếp xúc với gió lạnh, nước lạnh sau khi "yêu". Chú ý đến chế độ ăn uống đầy đủ chất, luyện tập đều đặn trong mùa đông để duy trì sức khỏe tốt, khiến hoạt động tình dục trở nên chất lượng và an toàn hơn.

Nếu bị cảm lạnh, nên uống một cốc nước gừng nóng. Nếu không có gừng thì một cốc trà, sữa nóng… cũng giúp người bị cảm thấy khá hơn. Sau đó nên giữ ấm cho cơ thể và tránh ra gió lạnh. 

Nhiều cặp vợ chồng có một chiêu rất đơn giản nhưng có thể giúp họ tận hưởng đời sống tình dục ngay cả khi trời rét nhất, đó là không "nuy" hoàn toàn mà vẫn mặc áo; tuy có giảm đôi chút cảm xúc nhưng vẫn còn hơn "kiêng khem".

6 điều không nên làm trong ngày đông

Ở trong phòng ấm áp, đi tất dày, tầng tầng lớp lớp áo quần có thực giúp bạn chống lại được rét buốt năm nay? Dưới đây là 6 không cho mùa đông lạnh kỷ lục này:

1. Không để đầu trần

Đầu là vùng cơ thể dễ bị lộ ra ngoài, dễ bị nhiễm lạnh nhất. Đầu bị nhiễm lạnh sẽ dễ bị cảm lạnh. Tốt nhất bạn nên đội mũ che kín tai để giữ ấm cho đầu.

Ngoài ra, trên đầu còn có 8 huyệt rất quan trọng. Việc thường xuyên mát xa da đầu cũng sẽ giúp thúc đẩy tuần hoàn máu, giữ cho đầu luôn ấm trong ngày đông.

2. Không để chân bị lạnh

Đôi chân bị nhiễm lạnh sẽ khiến bạn bị các chứng đau lưng, cảm lạnh…Giữ ấm đôi chân ngày giá rét cũng rất quan trọng. Bạn nên chọn giày to hơn một cỡ, và đi tất dày. Tốt nhất, mỗi ngày bạn nên kiên trì ngâm chân trong nước nóng, đi bộ khoảng nửa giờ đồng hồ, và mát xa lòng bàn chân mỗi sáng tối.

3. Quần áo không quá chật

Quần áo quá dày, quá chật không chỉ khiến cơ thể vận động khó khăn, mà còn ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn máu. Thông thường, người có tuổi nên nên mặc quần áo ấm bằng chất nhẹ, tạo cảm giác thoải mái; thanh niên không nên mặc quá dày; trẻ nhỏ do khả năng điều hoà nhiệt độ cơ thể thấp, cần đặc biệt chú ý giữ ấm, nhưng cũng không nên mặc quần áo quá dày dễ bị ra mồ hôi.

4. Không dùng khăn quàng cổ thay khẩu trang

Nhưng nhiều người chúng ta khi dùng khăn quàng cổ có thói quen quấn luôn khăn quanh cổ và miệng. Cách làm này không có lợi cho sức khoẻ. Bởi không phải ngày nào bạn cũng có thể giặt khăn quàng thường xuyên. Khi quấn khăn quanh miệng, bạn sẽ dễ hít phải các phân tử sợi làm nên khăn, bụi, và các vi khuẩn bám trên bề mặt khăn, gây ra các bệnh về đường hô hấp.

5. Nhiệt độ trong phòng không quá cao

Mùa đông thời tiết khô hanh, nhiệt độ trong phòng và bên ngoài chênh lệch lớn. Khi đi ra đi vào cơ thể dễ  bị nhiễm lạnh. Nhiệt độ trong phòng ngày giá rét nên mát một chút, tốt nhất nên duy trì ở mức 18-20 độ. Nếu bạn muốn tăng nhiệt độ lên cao hơn, nên đặt một chậu nước trong phòng.

6. Cửa sổ, cửa ra vào không đóng quá chặt
Ngày đông giá rét, trong phòng càng nên thoáng khí để đảm bảo không khí được lưu thông, cung cấp đầy đủ oxy. Tốt nhất, mỗi ngày bạn nên mở cửa sổ 2-4 lần, mỗi lần khoảng 10 phút.

Theo Dân trí

Giadinh

6 không trong ngày đông

 

Ở trong phòng ấm áp, đi tất dày, tầng tầng lớp lớp áo quần có thực giúp bạn chống lại được rét buốt? Dưới đây là 6 không cho mùa đông lạnh kỷ lục này:

1. Không để đầu trần

Đầu là vùng cơ thể dễ bị lộ ra ngoài, dễ bị nhiễm lạnh nhất. Đầu bị nhiễm lạnh sẽ dễ bị cảm lạnh. Tốt nhất bạn nên đội mũ che kín tai để giữ ấm cho đầu.

Ngoài ra, trên đầu còn có 8 huyệt rất quan trọng. Việc thường xuyên mát xa da đầu cũng sẽ giúp thúc đẩy tuần hoàn máu, giữ cho đầu luôn ấm trong ngày đông.

2. Không ngâm chân nước nóng

Đôi chân bị nhiễm lạnh sẽ khiến bạn bị các chứng đau lưng, cảm lạnh…Giữ ấm đôi chân ngày giá rét cũng rất quan trọng. Bạn nên chọn giày to hơn một cỡ, và đi tất dày. Tốt nhất, mỗi ngày bạn nên kiên trì ngâm chân trong nước nóng, đi bộ khoảng nửa giờ đồng hồ, và mát xa lòng bàn chân mỗi sáng tối.

3. Quần áo không quá chật

Quần áo quá dày, quá chật không chỉ khiến cơ thể vận động khó khăn, mà còn ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn máu. Thông thường, người có tuổi nên nên mặc quần áo ấm bằng chất nhẹ, tạo cảm giác thoải mái; thanh niên không nên mặc quá dày; trẻ nhỏ do khả năng điều hoà nhiệt độ cơ thể thấp, cần đặc biệt chú ý giữ ấm, nhưng cũng không nên mặc quần áo quá dày dễ bị ra mồ hôi.

4. Không dùng khăn quàng cổ thay khẩu trang

Nhưng nhiều người chúng ta khi dùng khăn quàng cổ có thói quen quấn luôn khăn quanh cổ và miệng. Cách làm này không có lợi cho sức khoẻ. Bởi không phải ngày nào bạn cũng có thể giặt khăn quàng thường xuyên. Khi quấn khăn quanh miệng, bạn sẽ dễ hít phải các phân tử sợi làm nên khăn, bụi, và các vi khuẩn bám trên bề mặt khăn, gây ra các bệnh về đường hô hấp.

5. Nhiệt độ trong phòng không quá cao

Mùa đông thời tiết khô hanh, nhiệt độ trong phòng và bên ngoài chênh lệch lớn. Khi đi ra đi vào cơ thể dễ bị nhiễm lạnh. Nhiệt độ trong phòng ngày giá rét nên mát một chút, tốt nhất nên duy trì ở mức 18-20 độ. Nếu bạn muốn tăng nhiệt độ lên cao hơn, nên đặt một chậu nước trong phòng.

6. Cửa sổ, cửa ra vào không đóng quá chặt

Ngày đông giá rét, trong phòng càng nên thoáng khí để đảm bảo không khí được lưu thông, cung cấp đầy đủ oxy. Tốt nhất, mỗi ngày bạn nên mở cửa sổ 2-4 lần, mỗi lần khoảng 10 phút.