Lưu trữ cho từ khóa: nhiễm lạnh

Mùa nóng: Trẻ em dễ nhiễm lạnh

Hàng năm, cứ vào những tháng oi bức là tỷ lệ trẻ khám bệnh và nhập viện vì các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp lại tăng đột biến. Theo hiểu biết thông thường, nhiễm trùng đường hô hấp dễ xảy ra khi bị nhiễm lạnh, nên mới có từ “cảm lạnh” trong dân gian. Vậy tại sao lại có hiện tượng này?

Kín khi cần hở


Sợ con lạnh, nhiều bậc cha mẹ “vũ trang tận răng”cho bé giữa trời hè.
Ảnh: Jake Jung

Thật ra, trẻ có thể bị nhiễm lạnh ngay cả khi thời tiết nóng. Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ vẫn nghĩ là trẻ còn yếu ớt, mỏng manh nên dù trời nóng thế nào, cha mẹ vẫn trùm lên đầu con một cái mũ len dày, khoác một cái áo len ấm và quấn thêm một lớp khăn cho khỏi… lạnh! Tội nghiệp trẻ nhỏ chưa biết nói, chỉ còn biết chống nóng bằng cách… đổ mồ hôi. Khi cha mẹ cởi bớt đồ để thay tã cho trẻ, mồ hôi của trẻ có đường bốc hơi ra ngoài; nếu có một cơn gió nhẹ thoảng qua, mồ hôi bốc hơi ào ào, thế là trẻ bị nhiễm lạnh. Còn trẻ lớn thì sao? Đang chơi giỡn hăng say mồ hôi túa ra đầm đìa, trẻ uống vội một cốc nước lạnh, hoặc ra quạt máy đứng, hoặc tắm nước lạnh… cũng bị nhiễm lạnh.

Khi bị nhiễm lạnh, sức đề kháng của cơ thể suy giảm, các vi trùng và siêu vi có sẵn trong đường hô hấp bùng lên tấn công cơ thể. Triệu chứng thường gặp là sốt, ho, sổ mũi hoặc nghẹt mũi, khàn tiếng. Sốt có thể là sốt nhẹ hoặc sốt cao. Đối với cảm lạnh thông thường hoặc viêm họng cấp, triệu chứng thường lui dần và khỏi bệnh trong vòng một tuần. Tuy nhiên, có một tỷ lệ nhỏ bệnh lan xuống đường hô hấp dưới gây viêm phế quản, viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi, đặc biệt là ở trẻ dưới ba tuổi. Do đó, khi trẻ bệnh, cha mẹ phải luôn chú ý theo dõi dấu hiệu bệnh trở nặng để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.

Vậy, dấu hiệu nào chứng tỏ bệnh trở nặng? Đó là khi trẻ bị khó thở, thở nhanh, thở co rút lồng ngực, thở có tiếng kêu bất thường, hoặc trẻ bị sốt cao co giật. Trẻ nhỏ hơn mà bỏ bú hoặc tím tái là phải cấp cứu ngay.

Xử trí thế nào?

Ho, sổ mũi, nghẹt mũi là triệu chứng thường gặp. Chúng ta phải làm thông thoáng đường thở cho trẻ bằng việc lau mũi, hút mũi, nhỏ mũi thường xuyên. Thường là nhỏ mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý trước, sau đó hút sạch bằng dụng cụ hút mũi. Nếu trẻ lớn thì bảo trẻ hỉ ra.

Ho là triệu chứng khiến rất nhiều bậc cha mẹ lo lắng, sốt ruột và mong có được loại thuốc thần diệu khiến cho trẻ uống vào là dứt được ho ngay. Xin lưu ý các bậc phụ huynh rằng ho là một phản xạ của cơ thể nhằm tống dịch tiết và các chất lạ ra khỏi đường hô hấp. Nếu trẻ viêm phổi mà không ho được thì đàm nhớt cùng vi trùng sẽ nằm lại trong đường thở của trẻ, không bị tống xuất ra ngoài. Nên chỉ với ho khan gây kích thích nhiều thì mới sử dụng thuốc ức chế ho. Các thuốc giảm ho nên dùng loại chứa thảo dược vì không gây tác dụng phụ, nhưng tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Nếu có sốt, cho trẻ uống thuốc hạ sốt và uống nhiều nước, sau đó đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế. Trong thời gian trẻ bệnh, vẫn cho trẻ ăn bú như bình thường, chia nhỏ các cữ ăn trong ngày giúp tăng khả năng tiêu hoá và giảm ói ọc. Nếu bắt trẻ ăn kiêng, trẻ sẽ không được cung cấp đủ dinh dưỡng để có sức đề kháng chống lại bệnh tật.

Biện pháp hạn chế nhiễm trùng hô hấp

– Tránh để trẻ bị nhiễm lạnh.
– Tránh ô nhiễm như khói bụi ngoài đường, khói thuốc lá trong gia đình.
– Rửa tay sạch sẽ cho trẻ và cả cho người chăm sóc trẻ trước khi ăn. Bỏ thói quen ho vào tay mà cần có khăn giấy khi ho và hỉ mũi.
– Cho trẻ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng để bản thân trẻ có sức đề kháng chống lại vi khuẩn gây bệnh.

(Theo SGTT)

Gần như tháng nào bé cũng bị viêm đường hô hấp?

Tôi có cháu trai được 6 tháng tuổi nhưng rất hay bị bệnh về đường hô hấp. Gần như tháng nào cháu cũng bị. Lúc được hơn tháng tuổi, cháu bị viêm phế quản phổi. Sau đó là ho và mới đây bị viêm phổi, phải tiêm 7 ngày....

Tôi được biết hiện nay có hai loại thuốc tăng cường miễn dịch cho trẻ là Broncho - vaxom 3,5mg và Vacunace. Tuy nhiên tôi rất bối rối không biết nên dùng loại nào cho phù hợp với cháu và ít tác dụng phụ. Rất mong bác sĩ cho tôi một lời khuyên (Thu Hường)

Ths.Bs.Bùi Nguyễn Đoan Thư, Khoa Hô Hấp, BV Nhi đồng 2, trả lời:

Chào bạn,

Thật khổ tâm khi thấy đứa con thân yêu của mình cứ bị bệnh tái đi tái lại mãi, phải không bạn ? Thật vậy, trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi rất dễ mắc bệnh do sức đề kháng còn kém và bệnh thường gặp là các loại bệnh về đường hô hấp, tiêu hoá. Đa số các bệnh này do siêu vi gây ra (gần 90%) và thường tự khỏi mà không cần điều trị kháng sinh. Một số trường hợp có thể bị bội nhiễm thêm vi trùng (có nghĩa là vi trùng lúc bình thường vẫn thường trú tại chỗ không gây bệnh, thừa lúc cơ thể đang bệnh do siêu vi bèn tấn công thêm vào gây nên hiện tượng bội nhiễm), khi đó phải sử dụng đến kháng sinh. Khoảng 10% các trường hợp còn lại, bệnh do vi trùng trực tiếp gây ra và cần dùng kháng sinh ngay.

Hai loại thuốc bạn đề cập (Broncho-vaxom child và Vacunace) thực chất là các chất ly giải từ một số loại vi trùng thường gây bệnh ở đường hô hấp, được làm đông khô và đóng gói. Các chất này tuy được trích ra từ vi trùng nhưng không hề gây bệnh, ngược lại còn giúp cơ thể sản xuất ra kháng thể chống lại các vi trùng trên. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, 90% các bệnh viêm nhiễm là do siêu vi, nên dù trẻ đã được dùng thuốc phòng ngừa vẫn có thể mắc bệnh tiếp tục. Do đó, các biện pháp vệ sinh cơ bản vẫn luôn quan trọng hàng đầu : tránh để trẻ bị nhiễm lạnh hoặc ra nhiều mồ hôi, tránh tiếp xúc trực tiếp với những người đang mắc bệnh, tránh khói bụi- khói thuốc lá, rửa tay sạch sẽ cho trẻ và cả người chăm sóc trẻ bằng xà phòng, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng... Chúc bạn nuôi con khoẻ!

Meo.vn (Theo BV Nhi Đồng 2)

Sương mù có độc không?

Nhiều người lo ngại rằng môi trường ngày càng bị ô nhiễm sẽ làm sương mù lẫn các chất độc hại.

Theo các chuyên gia, vào những ngày có sương mù để tránh hít phải các chất độc bay lơ lửng trong không khí, người dân nên tránh ra đường vào lúc sáng sớm. Nếu phải ra đường thì tốt nhất là nên đeo khẩu trang để tránh bụi, khói, các chất độc có trong không khí.

Giảm tầm nhìn, ảnh hưởng tới hoạt động giao thông

Ông Lê Thanh Hải, phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn TƯ giải thích, không có gì bất thường khi vào các tháng 10, 11 và 12 lúc nửa đêm hoặc sáng sớm có sương mù xuất hiện. Ở nước ta phổ biến có 2 loại sương mù là sương mù bức xạ và sương mù bình lưu.

Sương mù bức xạ hình thành khi mặt đất lạnh đi do bức xạ vào ban đêm trời quang mây, lặng gió. Nó xuất hiện vào nửa đêm và rạng sáng, đây là sương mù nhẹ và thường không tồn tại được lâu khi mặt trời xuất hiện. Loại sương mù này thường có vào các tháng 10 - 12.


Sương mù làm giảm tầm nhìn ảnh hưởng lớn tới hoạt động giao thông

 

So với sương mù vào các tháng 10 - 12, sương mù bình lưu (là kiểu sương mù được hình thành khi không khí ẩm di chuyển ngang qua nơi có bề mặt lạnh) xảy ra vào các tháng 3 - 4 nguy hiểm hơn. Sương mù bình lưu xuất hiện khá đậm đặc và có khi xuất hiện cả ngày lẫn đêm.

Loại sương mù này làm giảm tầm nhìn ảnh hưởng lớn tới hoạt động giao thông. "Đôi khi các chuyến bay cũng buộc phải hủy chuyến vì sương mù quá nhiều. Tàu thuyền trên sông vào các ngày sương mù đậm đặc có thể va chạm với nhau do tầm nhìn bị hạn chế", ông Lê Thanh Hải phân tích.

Tránh ra đường vào lúc sáng sớm

Hiện nay, chưa có công nghệ nào giúp xua tan sương mù. Ngay cả ở những nước có sương mù nhiều, dày đặc, người dân cũng chấp nhận "chung sống với lũ". Các chuyên gia cho biết, muốn biết trong sương mù có lẫn các chất độc hại có trong không khí hay không cần phải lấy mẫu sương mù về phân tích. Ở nước ta hiện chưa có nghiên cứu sâu nào về vấn đề này.

Ông Lê Thanh Hải cho biết, bản chất của sương mù là không độc bởi sương mù chỉ là hiện tượng hơi nước trong khí quyển ngưng kết lại thành những hạt nước rất nhỏ lơ lửng trong không khí.

Sự nguy hiểm lớn nhất của sương mù là làm giảm tầm nhìn. Ngoài ra, đối với một số người bị bệnh về đường hô hấp cũng có thể bị ảnh hưởng nếu bị dính các "hạt nước nhỏ".
Bản thân sương mù không chứa các chất độc cũng là quan điểm của ông Bùi Hoài Thanh, trưởng phòng Quan trắc môi trường, Trung tâm Mạng lưới Khí tượng Thủy văn.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng lưu ý là khi sương mù xuất hiện chúng có thể cản quá trình khuếch tán của các bụi, khói... có trong không khí, khiến các chất này bị "lưu giữ" lại ở tầng thấp lâu hơn.

Vì thế, cách tốt nhất vào những ngày có sương mù để tránh hít phải các chất độc bay lơ lửng trong không khí, người dân nên tránh ra đường vào lúc sáng sớm, thời điểm sương mù xuất hiện nhiều. Nếu phải ra đường thì tốt nhất là nên đeo khẩu trang để tránh bụi, khói, các chất độc có trong không khí nhưng không thoát được do bị sương mù cản lại.

Ngoài ra, nên mặc thêm quần áo ấm để tránh nhiễm lạnh khi bị các hạt nước bám vào đặc biệt là những người bị các bệnh về đường hô hấp. Nếu tiếp xúc với sương mù thì sau đó nên nhỏ mũi, mắt, súc miệng bằng nước muối nhạt.

Các chuyên gia cảnh báo, vào những ngày có sương mù, các phương tiện giao thông nhất là các phương tiện giao thông đường thủy cần phải giảm tốc độ do sương mù hạn chế tầm nhìn. Đối với việc đóng kín nhà cửa để hạn chế sương mù thì không quá cần thiết vì khi sương mù "xâm nhập" vào nhà sẽ bị các đồ dùng trong gia đình (quạt, điều hòa...) cản lại và đẩy ra.

Meo.vn (Theo KH & ĐS)

Sẵn sàng cùng bé đón mùa lạnh

Miền Nam thời tiết sáng và tối đã bắt đầu se lạnh. Miền Bắc chuẩn bị vào mùa đông. Có rất nhiều vấn đề về sức khoẻ của bé cần được chú ý trong tiết trời lạnh.

Các vấn đề về dị ứng

Sự thay đổi của thời tiết rất dễ gây nên những vấn đề về dị ứng, do cơ thể bé vẫn chưa đủ sức chống chọi với sự thay đổi đột ngột. Việc ba mẹ giữ bé trong nhà quá lâu cũng khiến cho bé trở nên “cớm nắng, cớm gió”, nên cơ thể rất dễ phản ứng với không khí tự nhiên, đặc biệt ở những nơi có nhiều cây cối và phấn hoa. Bé có thể sẽ bị hắt xì, chảy nước mũi, da và mắt bị ngứa, mẩn đỏ… Thông thường phải đến khi được 4 – 5 tuổi, những vấn đề về dị ứng với thời tiết mới giảm bớt. Tốt nhất bạn nên cho bé tiếp xúc với thiên nhiên nhiều hơn, và nhớ hỏi bác sĩ cách xử trí hợp lý nhất mỗi khi bé bị dị ứng, đừng tự ý dùng thuốc nhé.

Mùa đông rất nhiều bé bị thiếu vitamin D

Với các bé, loại vitamin từ ánh nắng mặt trời này cực kỳ quan trọng, thiếu nó, bé có thể bị còi xương và ngủ không ngon giấc. Mùa đông, bé ít ra ngoài trời hơn, ánh nắng mặt trời cũng ít hơn nên bé rất dễ bị thiếu loại vitamin này. Nếu bé có dấu hiệu vàng da, hay trằn trọc khi ngủ đêm, bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ nhi để có được sự bổ sung vitamin D một cách hợp lý cho bé nhé.

Bé dễ bị sốt hơn trong mùa đông

Nếu là sốt siêu vi, bé sẽ chỉ cần được hạ sốt và chăm sóc tốt, không cần đến thuốc kháng sinh. Nhưng nếu là sốt do vi khuẩn, bé sẽ cần được thăm khám kỹ càng hơn để có thuốc điều trị phù hợp. Sốt là một phản ứng của cơ thể trước sự xâm nhập của vi khuẩn và virút lạ. Vì thế, cha mẹ đừng quá lo lắng, nên đưa bé đến bác sĩ khám và cho bé ăn ít, ăn nhiều bữa trong ngày để đảm bảo việc bổ sung dinh dưỡng. Việc dùng thuốc bừa bãi rất có hại cho cơ thể của bé, đặc biệt là kháng sinh.

Bệnh về đường hô hấp tăng do độ ẩm không khí thay đổi

Độ ẩm không khí thay đổi đến một mức độ nào đó, kết hợp với tiết trời mát mẻ, sẽ giúp cho một số loại vi khuẩn gây bệnh về đường hô hấp phát triển. Nhẹ thì bé có thể bị viêm họng cấp, ho nhẹ, sổ mũi, nặng hơn thì viêm phế quản, viêm phổi… Với những bé nhỏ, bệnh này rất thường xuyên xảy ra, đặc biệt ở những thành phố lớn, không khí ô nhiễm. Cha mẹ có thể phòng bệnh cho bé bằng cách bổ sung thêm vitamin cho cơ thể bé bằng các loại hoa quả. Khi cho bé ra đường, nếu đi xe máy cần đeo khẩu trang cẩn thận, mặc đủ ấm chứ không nên mặc quá nóng hay quá lạnh.

Phòng chống Rotavirus

Đây là loại virút gây tiêu chảy được các phương tiện thông tin đại chúng nhắc đến khá nhiều trong khoảng thời gian gần đây. Virút này rất nguy hiểm vì nó khiến cho bé đi ngoài và nôn hết bất kỳ thứ gì bé được ăn, gây mất nước nghiêm trọng. Cách duy nhất để phòng chống là cho bé uống vắcxin trước sáu tháng tuổi và giữ vệ sinh ăn uống cẩn thận.

Các bệnh viêm nhiễm thông thường

Hay gặp nhất là viêm tai giữa ở lứa tuổi mầm non do bé hay nghịch ngợm và ngoáy tai bằng những đồ vật không vệ sinh. Hoặc bị cúm do nhiễm lạnh hoặc dị ứng thời tiết. Cha mẹ cần theo dõi và cho bé đi khám bệnh sớm, tránh để bệnh tiến triển gây biến chứng nguy hiểm.

Dạy bé cách giữ vệ sinh cơ thể

Từ vệ sinh răng miệng, cho đến chân tay, mặt mũi để phòng ngừa nhiễm khuẩn. Không để bé mút tay, ngoáy mũi hay ăn đồ ăn mất vệ sinh. Các bé nhỏ thường sẽ không có tí khái niệm gì về chuyện sạch và bẩn, vì thế cha mẹ đừng mắng mỏ bé quá nhiều mỗi khi bé nghịch bẩn. Quan trọng là giải thích để bé hiểu và dạy bé thế nào là sạch và bẩn, và hướng dẫn bé cách giữ vệ sinh cơ bản cho cơ thể.

Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch

Không có chuyện bé đang bình thường thì chẳng việc gì phải tiêm. Hay nghe theo lời khuyên của nhiều người cổ hủ rằng: tiêm vào bé sẽ mệt thêm và sốt. Tiêm chủng là hình thức phòng bệnh hữu hiệu nhất, đặc biệt với trẻ sơ sinh. Nó sẽ giúp cho cơ thể bé làm quen với loại vi khuẩn, virút gây bệnh, xây dựng hệ thống phòng bệnh cho cơ thể giảm thiểu những rủi ro về tử vong, những biến chứng và di chứng so với những trẻ không tiêm chủng.

Đảm bảo giấc ngủ cho bé

Khi bé ngủ, cơ thể bé sẽ được nghỉ ngơi, hồi phục và phát triển. Chúng ta đều biết cơ thể phát triển trong khi ngủ, vì thế giấc ngủ với các bé nhỏ là đặc biệt quan trọng. Với những bé dưới một tuổi, cần từ 14 – 16 tiếng để ngủ mỗi ngày. Với những bé lớn hơn và dưới năm tuổi, con số này dao động trong khoảng từ 11 – 13 tiếng mỗi ngày. Cha mẹ hãy tập cho bé ngủ đúng giờ và đủ giấc để đảm bảo tốt nhất cho sự phát triển của bé nhé.

Meo.vn (Theo SGTT)

Mắc bệnh vì tắm, gội nước lạnh ban đêm

Sau 23 giờ là thời điểm bạn đặc biệt không nên tắm, gội đầu bằng nước lạnh vì sẽ dẫn đến một số hậu quả với sức khỏe.

http://images.dailyinfo.vn/archive/images/content/t%E1%BA%AFm.jpg

Ảnh minh họa

Đau đầu

Một số người thường tắm gội vào ban đêm và đi ngủ với mái tóc chưa khô. Điều đó làm da đầu có nguy cơ nhiễm lạnh. Các mạch máu bị ảnh hưởng, gây cản trở sự lưu thông dẫn đến chứng đau đầu mãn tính.

Nhiễm lạnh

Nhiều người có thói quen tắm khi nhiệt độ cơ thể đang cao. Điều này thực sự không tốt bởi vì nếu tắm đêm khi cơ thể chưa ráo mồ hôi, hơi nước sẽ ngấm qua lỗ chân lông đang mở rộng là nguyên nhân khiến bạn bị ho, sốt, kéo theo các nguy cơ nhiễm lạnh phổi.

Dễ gây đột quỵ

Đặc biệt, với những người bị say rượu, mắc các bệnh tim mạch, cao huyêt áp nếu bạn tắm bằng nước lạnh sẽ nhanh dẫn đến tình trạng đột quỵ, tai biến. Khi cơ thể đang mệt mỏi hoặc có bệnh trong người, việc tắm nước lạnh khiến các mạch máu trong cơ thể co lại, ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu.

Các chuyên gia khuyến cáo sau 23 giờ là thời điểm bạn đặc biệt không nên tắm, gội đầu bằng nước lạnh. Nên tắm bằng nước ấm trước khi đi ngủ khoảng hai giờ để không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng giấc ngủ của bạn.

Meo.vn (Theo Báo Lao Động)

Vì sao bé bị đau bụng?

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên hiện tượng đau bụng của trẻ. Bạn hãy để ý tới các triệu chứng đau bụng của trẻ để tìm ra phương pháp chữa trị kịp thời.Vấn đề về đường tiêu hóa

Đau bụng do khó tiêu hoá kém là nguyên nhân thường gặp nhất ở trẻ nhỏ. Biểu hiện cơ bản nhất khi trẻ bị đau bụng do nguyên nhân này là cảm giác đau bụng đau theo cơn, bụng trẻ mềm, sờ vào không thấy trương hoặc cứng. Nếu nặng hơn, trẻ có thể xuất hiện những cơn đau có thắt.

Khi tiêu hoá kém, trẻ thường tăng cân chậm, kèm theo đi ngoài và nôn trớ. Để giải quyết tình trạng trên, bạn có thể dùng các loại men tiêu hoá dưới sự chỉ định của bác sỹ. Ngoài ra, nên cho trẻ ăn thức ăn dạng mềm, chia nhỏ bữa ăn của trẻ, cho trẻ ăn nhiều rau xanh và trái cây.

Ruột co thắt

Ỏ trẻ nhỏ, chức năng và hoạt động của ruột chưa phát triển hoàn chỉnh, do vậy, những rối loạn nhỏ hoặc tăng kích thích của hệ thần kinh có thể làm thay đổi “nhịp điệu” của các nhu động ruột dẫn tới những cơn đau bụng do co thắt ruột, đôi khi kèm theo cả cảm giác buồn nôn và ói mửa.

Đau bụng do co thắt của các nhu động ruột không có liên quan tới vấn đề ăn uống của trẻ. Những cơn đau bụng có thể xuất hiện bất ngờ, mất đi rất nhanh và không đều đặn, Vị trí đau cũng không cố định.

Không có phương pháp đặc trị cho chứng đau bụng do co thắt ruột ở trẻ. Cách tốt nhất để giúp trẻ tránh được tình trạng này là không nên cho trẻ đùa nghịch quá nhiều và thay đổi cảm giác đột ngột. Khi trẻ đau bụng, bạn có thể nhẹ nhàng xoa bụng trẻ hoặc dung khăn ấm chườm quanh bụng trẻ.

Nhiễm khuẩn đường ruột

Biểu hiện khi trẻ bị nhiễm ký sinh trùng đường ruột là vị trí đau trên bụng thường không cố định kèm theo hiện tượng giảm cân, thiếu máu và suy dinh dưỡng.

Các ký sinh trùng sống trong đường ruột sẽ “hút” hết các chất dinh dưỡng có trong thức ăn, cơ thể trẻ không hấp thụ được các chất dinh dưỡng sẽ gầy và không có sức đề kháng. Nếu như ký sinh trùng trong đường ruột đi sâu vào mật có thể gây nên hiện tượng xanh xao, chuột rút.

Cách duy nhất để xác định trẻ có bị nhiễm ký sinh trùng đường ruột hay không là cho trẻ đi xét nghiệm phân. Nếu phát hiện trong phân trẻ có trứng của ký sinh trùng, bạn cần điều trị cho trẻ theo chỉ định của bác sỹ. Ngoài ra, bạn có thể phòng ngừa việc nhiễm kỹ sinh trùng đường ruột cho trẻ bằng cách  rửa sạch tay cho trẻ trước khi ăn, cho trẻ ăn thức ăn chín kỹ và giữ đồ chơi cho trẻ thật sạch sẽ.

Táo bón

Trẻ bị táo bón thường đại tiện từ 3-5 ngày/ lần. Táo bón gây đau bụng ở trẻ với các triệu chứng phổ biến như bụng cứng, đau quặn ở vùng bụng.

Nguyên nhân của hiện tượng táo bón là khẩu phần ăn quá ít chất xơ kết hợp với việc đại tiện không điều độ.

Khi trẻ bị đau bụng do táo bón, bạn có thể nhẹ nhàng xoa bụng bé để kích thích quá trình đại tiện của trẻ. Ngoài ra, nên thay đổi chế độ ăn uống cho trẻ với nhiều các loại thực phẩm chứa chất xơ như: rau xanh và hoa quả.

Nhiễm lạnh

Trẻ bị nhiễm lạnh cũng dễ bị đau bụng, ói mửa và tiêu chảy kèm theo các triệu chứng ho, sổ mũi, viêm họng. Trẻ thường bị nhiễm lạnh vào thời tiết lúc giao mùa.

Bạn hãy chú ý luôn giữ ấm cho trẻ vào ban đêm. Ban ngày, hãy mặc cho trẻ những loại quần áo bằng sợi bông tự nhiên hoặc contton có khả năng thấm hút mồ hôi.

Tổn thương tâm lý

Bé đau bụng kèm theo các biểu hiện như tâm trạng bất ổn, đau đầu, chóng mặt, thường xuyên giật mình khi ngủ, đái dầm khi ngủ… là những biểu hiện do tổn thương tâm lý ở trẻ.

Với tình trạng trên, bố mẹ cần nhẹ nhàng tâm sự cùng bé để giúp bé giải toả được lo lắng, vui chơi cùng bé để bé cảm nhận được sự vui vẻ.

Theo dantri.com

“Ứng phó” dễ dàng với 5 bệnh thường gặp

Cảm lạnh, ho hen, loét miệng, loét dạ dày, táo bón là những bệnh có thể phòng và trị bằng nhiều loại thực phẩm dễ kiếm, rẻ tiền.

1. Cảm lạnh trúng gió: Uống nhiều nước

Các món ăn thanh đạm nhưng bổ dưỡng như cháo đỗ rất tốt cho người bị bệnh

Các biểu hiện điển hình của cảm lạnh là: sốt cao, đau đầu, ngạt mũi, chảy nước mũi, toàn thân nhức mỏi, ho, họng khô, có đờm…

Cách phòng tránh đơn giản nhất là uống nhiều nước đun sôi để nguội, duy trì chế độ ăn thanh đạm nhưng giàu dưỡng chất.

Khi bắt đầu có triệu chứng cảm lạnh, nếu do bị nhiễm lạnh nên ngay lập tức uống nước gừng với đường để tán hàn.

Nếu do thức ăn tích tụ, đêm ngủ đắp chăn quá dày khiến cơ thể bị “bốc hỏa”, cảm lạnh thường có thêm triệu chứng khô mũi, thậm chí chảy máu cam, có thể ăn lê, hoặc uống nước lê chưng cách thuỷ với đường.

2. Ho, hen suyễn: Ăn uống cần thanh đạm

Thời tiết thất thường dễ phát các bệnh về phổi, khí quản, hen suyễn… Để phòng tránh, nên ăn uống cần thanh đạm, tăng cường lượng protein, vitamin, rau quả một cách thích hợp.

3. Các bệnh khoang miệng: Uống nước quả ép

Những người bị đờm ở cổ họng thường có cảm giác cổ họng khô, ngứa như có vật thể lạ mắc ở đó. Lúc này có thể ăn các loại quả nhiều nước, vị ngọt, nhuận như lê, cam…

Hiện tượng loét miệng là do thiếu hụt các loại rau quả và vitamin. Thông thường, bổ sung các vitamin tổng hợp nhóm B, axit folic, ăn nhiều các loại rau quả tươi có thể phòng tránh bệnh này.

4. Loét dạ dày: Ăn ít thực phẩm có tính chua, kỵ đồ lạnh

Quá trình trao đổi chất của cơ thể hoạt động mạnh vào mùa xuân, khiến dịch vị cũng tiết ra nhiều hơn. Nếu trạng thái tinh thần không ổn định, hay thêm các thói quen hút thuốc, uống rượu…có thể gây loét dạ dày.

Do đó, những người vốn có tiền sử dạ dày, cần chú ý ăn các thực phẩm dễ tiêu hoá, không ăn các thực phẩm nhiều dầu mỡ hoặc cay, hạn chế ăn đồ chua, kỵ đồ lạnh và rượu, thuốc lá; chú ý giữ ấm và duy trì trạng thái tinh thần ổn định. Ngoài ra, cháo hạt sen cũng là lựa chọn tốt cho những người hay bị lở loét ngoài da.

5. Táo bón: Ăn các thực phẩm nhuận tràng

Với những người hay bị táo bón, mỗi sáng uống 1 ly nước đun sôi để nguội hoặc 1 cốc nước muối nhạt; buổi tối uống 1 ly nước pha mật ong; hoặc ăn 6-7 quả táo tầu mỗi ngày có công dụng dưỡng máu, chất xơ trong táo tầu giúp nhuận tràng.

Ngoài ra, nước luộc củ cải trắng cũng có tác dụng nhuận tràng rất tốt.

Các  thực  phẩm khác như rong biển, rau cần, khoai lang…đều có hàm lượng chất xơ thô cao, có tác dụng nhuận tràng, chữa táo bón.

Phạm Thúy / Theo people

Chứng ngủ giả

Giấc ngủ có tác dụng duy trì sức khỏe, giảm mệt mỏi… những thói quen trước và trong khi ngủ là yếu tố quyết định đến chất lượng giấc ngủ. Nếu tình trạng ngủ giả kéo dài sẽ gây đau đầu, ù tai, hay quên, suy giảm hệ miễn dịch...

Giấc ngủ thông thường được chia thành 4 giai đoạn: tư thức, thiu thiu, giữa giấc ngủ và ngủ sâu. Trong giai đoạn thiu thiu, cơ thể vẫn duy trì phản ứng nhất định với thế giới bên ngoài, tức là dễ bị tỉnh giấc bởi các tiếng động, ánh sáng...

Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây đau đầu, ù tai, hay quên, dễ bị kích thích, suy giảm miễn dịch, tăng huyết áp... Dưới đây là một số những thói quen có hại trước khi ngủ. Ngủ giả tức là chỉ dừng ở giai đoạn thứ 2, không chuyển được sang giai đoạn 3 và đặc biệt là không có giấc ngủ sâu

Tức giận trước khi ngủ: Tim đập nhanh, thở gấp, căng thẳng sẽ gây ra khó ngủ.

Không nên uống chè trước khi đi ngủ.

Ăn no trước khi ngủ:

Ăn quá no sẽ khiến dạ dày tiêu hóa khó khăn hơn, não tập trung cho chuyện tiêu hóa mà "quên" mất rằng đã đến giờ ngủ.

 

Uống chè trước khi ngủ: Trong lá chè có chất cafein sẽ kích thích hệ thần kinh trung ương. Nếu uống chè trước khi ngủ đặc biệt là nước chè đặc, sẽ làm hệ thần kinh trung ương quá hưng phấn, gây ra khó ngủ.

Vận động mạnh trước khi ngủ: Sự vận động mạnh trước giấc ngủ làm đại não khống chế tế bào thành kinh của cơ bắp làm việc trong trạng thái hưng phấn. Sự hưng phấn này không thể giảm nhanh do đó sẽ gây khó ngủ.

Gối đầu quá cao: Dưới góc độ sinh lý, gối cao từ 8 - 12cm là hợp lý nhất. Nếu gối quá thấp, lượng máu chuyển lên não quá nhiều gây hiện tượng dãn mạch máu, mắt sưng húp; nếu gối quá cao ảnh hưởng đến hệ hô hấp gây hiện tượng ngáy, ngoài ra có thể dẫn đến lưng còng hay đau cổ.

Gối đầu lên tay: Dùng tay gối đầu có thể ảnh hưởng đến sự tuần hoàn máu gây tê đau tay, gây áp lực cho phần bụng, lâu ngày gây viêm thực quản.

Đắp chăn kín đầu: Điều này dễ gây khó thở; đồng thời hít lại khí Cacbonic của chính mình, không có lợi cho sức khỏe.

Thở bằng miệng:

Ngậm miệng khi ngủ là phương pháp bảo đảm nguồn khí tốt nhất, nếu thở bằng miệng có thể hít phải bụi khiến khí quản, phổi và bộ phận sườn nhiễm lạnh trực tiếp. Thở bằng mũi sẽ giúp ngăn bụi và không khí qua mũi được sưởi ấm, giúp đảm bảo sức khỏe.

 

Ngủ trước gió: Khi ngủ khả năng thích ứng với sự thay đổi của môi trường giảm xuống. Để tránh bị trúng gió, không nên nằm trực tiếp dưới hướng gió.

Ngủ ngồi: Nằm nghỉ sau ăn cơm hay ngồi ngủ quên khi xem ti vi là nguy cơ gây bệnh khá cao. Bởi khi ngồi ngủ nhịp tim giảm xuống, huyết quản dãn ra, lượng máu vận chuyển vào các bộ phận của cơ thể bị giảm xuống. Cộng thêm nhu cầu máu từ hệ tiêu hóa khiến não bộ thiếu ô-xy, gây chóng mặt, ù tai.

Tư thế đúng khi ngủ

Tư thế đúng khi ngủ là nằm nghiêng về phải, hơi co hai chân. Tư thế này giúp tim ở vị trí cao không bị áp lực; gan ở vị trí thấp cung cấp máu tốt hơn có lợi cho hệ bài tiết; thúc đẩy dạ dày tiêu hóa tốt. Đồng thời, cơ thể ở trong trạng thái hoàn toàn được nghỉ ngơi, điều hòa hô hấp, nhịp tim chậm, não bộ, tim, phổi, tràng vị, cơ bắp, xương cốt hoàn toàn nghỉ ngơi và ô-xy cũng được cung cấp đầy đủ. Với một người khỏe mạnh không cần gò bó một tư thế ngủ nhất định bởi sự thay đổi liên tục tư thế ngủ cũng giúp giảm tê mỏi.

BS. Quốc Minh

Xoa bóp chữa rối loạn kinh nguyệt

Kinh nguyệt là hiện tượng xuất huyết tử cung theo chu kỳ. Thời gian giữa hai kỳ kinh gọi là chu kỳ kinh nguyệt. Chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ nói chung khoảng 28 ngày (trước hoặc sau 5 ngày vẫn là bình thường). Thời gian mỗi lần thấy kinh từ 3 - 7 ngày, lượng huyết khoảng 100ml. Rối loạn kinh nguyệt là bệnh thường gặp nhất của phụ khoa. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra, có thể là do nhiễm lạnh khi hành kinh dẫn đến ứ trệ; hoặc do cơ thể hư nhược, ốm lâu ngày làm tổn thương khí huyết; hoặc do uất ức, buồn phiền, căng thẳng thần kinh. Các chấn động về tinh thần, tình cảm cũng dẫn đến rối loạn kinh nguyệt. Biểu hiện là kinh nguyệt đến sớm hoặc đến muộn 1 tuần trở lên, lượng kinh quá nhiều hoặc quá ít, máu kinh sẫm màu, có khi vón cục hoặc nhớt loãng…, bụng dưới trướng đau nhiều, đau từng cơn, xoa nắn thì đỡ đau, có thể đau thắt lưng. Kèm theo người bệnh thấy váng đầu, hồi hộp, ăn uống kém… Để điều trị, có thể dùng các bài thuốc sắc, châm cứu bấm huyệt, món ăn - bài thuốc… Sau đây xin  giới thiệu cách xoa bóp bấm huyệt để chị em có thể tham khảo.

- Day huyệt quan nguyên trong khoảng 1 - 2 phút.

- Xoa day bụng dưới: Tay trái để lên mu bàn tay phải, úp vào bụng xoa theo chiều kim đồng hồ khoảng 2 phút, thấy nóng ấm là được.

- Véo nắn da thịt hai bên cột sống từ đại chuỳ đến mệnh môn khoảng 20 lần.

Huyệt thận du.

- Day bấm huyệt thận du khoảng 1 - 2 phút.

- Day bấm huyệt mệnh môn khoảng 1 -  2 phút.

- Day bấm huyệt huyết hải khoảng 1 - 2 phút.

- Day bấm huyệt tam âm giao khoảng 1 - 2 phút.

Huyệt tam âm giao.

Lưu ý: - Nếu người bệnh bụng trướng đau nặng thì thủ pháp phải nhẹ nhàng.

- Xoa bóp bấm huyệt có hiệu quả tốt đối với những trường hợp rối loạn kinh nguyệt tương đối nhẹ. Nếu bệnh nặng và kéo dài, cần đến bệnh viện để xác định chính xác nguyên nhân, từ đó mới có thể tìm ra phương pháp chữa trị hữu hiệu.

- Cần có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý tránh căng thẳng thần kinh. ăn uống đủ chất dinh dưỡng để đảm bảo sức khoẻ,  nên kiêng ăn các đồ sống lạnh. Không rửa bằng nước lạnh, không ngâm người trong nước lâu.

- Giữ vệ sinh bộ phận sinh dục. Tránh quan hệ tình dục trong kỳ kinh.

- Nếu có các bệnh ở hệ thống sinh dục cần điều trị sớm.

Vị trí huyệt

- Quan nguyên: dưới rốn 3 tấc, trên đường giữa bụng.

- Mệnh môn: dưới mỏm gai đốt sống thắt lưng 2.

- Ðại chuỳ: giữa đốt sống cổ cổ 7 và đốt sống lưng 1.

- Thận du: dưới mỏm gai đốt sống thắt lưng 2 sang ngang 1,5 tấc.

- Huyết hải: mặt trước trong đùi, từ xương bánh chè đầu gối đo lên 2 tấc, huyệt nằm trong khe lõm giữa cơ may và cơ rộng trong, ấn vào có cảm giác ê tức.

- Tam âm giao: mắt cá trong đo thẳng lên 3 tấc, chỗ bờ sau xương chày.

 

Lương y

 

‘Yêu’ buổi sáng tốt cho sức khỏe

Bạn muốn bắt đầu một ngày mới tràn đầy sinh lực? Hãy tạo ra điều đó ngay trong chính phòng ngủ của mình nhé! Theo một nghiên cứu mới đây tại trường đại học Nottingham - Anh, 'yêu' vào buổi sáng cải thiện tâm trạng và sức khỏe.

Cặp đôi làm chuyện ấy đầu tiên vào buổi sáng không chỉ cảm thấy lạc quan hơn trong ngày mà còn có được một hệ thống miễn dịch mạnh. Các nhà nghiên cứu cho rằng những cặp đôi bắt đầu một ngày theo cách này sẽ khỏe mạnh và hạnh phúc hơn những cặp đôi chỉ đơn giản lựa chọn uống một tách trà và ăn bánh mỳ nướng trước khi đi làm.

"Mây mưa" vào buổi sáng không chỉ giúp bạn giảm khả năng bị nhiễm lạnh hoặc cảm cúm mà còn có thể cải thiện chất lượng da, tóc và móng. Tiến sĩ Debby Herbenick, một nhà khoa học và phụ trách chuyên mục tư vấn tình dục tại Mỹ, cho biết: "Quan hệ tình dục vào buổi sáng không chỉ giải phóng chất oxytocin cho bạn cảm giác tốt mà còn làm hai bạn cảm thấy yêu thương và gắn kết hơn mỗi ngày".

Tiến sĩ Herbenick còn nói thêm: "Làm chuyện ấy vào buổi sáng khiến bạn khỏe mạnh và đẹp hơn. Hành động này giúp tăng cường hệ thống miễn dịch trong ngày bằng cách tăng mức độ IgA, một kháng thể bảo vệ và chống lại nhiễm trùng. Đồng thời, nó còn giải phóng các hóa chất thúc đẩy mức tăng của estrogen, một chất hóa học cải thiện kết cấu da và tóc".

Một nghiên cứu khác tại đại học Queens ở Belfast khẳng định những lợi ích của việc quan hệ tình dục không kết thúc ở đó. Các nhà nghiên cứu nhận định "yêu" ba lần một tuần có thể giảm một nửa nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ. Đồng thời, những người đàn ông duy trì việc quan hệ thường xuyên một cách lành mạnh ở tuổi 50 cũng giảm được nguy cơ phát triển ung thư tuyến tiền liệt.

Meo.vn (Theo NS)