Lưu trữ cho từ khóa: nhiễm khuẩn phổi

Phối hợp kháng sinh

Nên hay không?Trong nhiều trường hợp dùng một kháng sinh không thể đẩy lui được bệnh mà phải dùng tới sự phối hợp hai hoặc ba loại khác nhau, người ta nghĩ rằng dùng hai thuốc thì sẽ tốt hơn dùng một thuốc. Tuy nhiên điều này không phải lúc nào cũng chính xác.

Những lợi ích khi phối hợp

Trên thực tế là nhiều trường hợp dùng một kháng sinh không thể đẩy lui được bệnh mà phải dùng tới sự phối hợp hai hay ba loại thuốc khác nhau.

Về mặt tác dụng điều trị thì cũng có trường hợp dùng hai thuốc là tốt hơn một thuốc. Vì xung quanh chúng ta có quá nhiều vi khuẩn, nhiều loại khác nhau do đó có nhiều mầm bệnh khác nhau có thể gây bệnh trên cùng một cơ quan. Nhưng thực tế không có một thuốc nào là đa năng có thể cùng lúc tiêu diệt được các loại vi khuẩn đó. Mỗi loại chỉ có một cơ chế tác dụng nhất định, có tác dụng tốt với một số loại mầm bệnh nhất định. Việc dùng phối hợp thuốc sẽ làm tăng phổ tác dụng với các vi khuẩn gây hại. Ví dụ, viêm phổi và viêm đường hô hấp nói chung thường do nhóm vi khuẩn tụ cầu, liên cầu gây ra, nhưng cũng có khi là do sự có mặt của vi khuẩn E.coli hay Klebsiella. Nếu chúng ta sử dụng kháng sinh nhóm beta lactam thì thường có công hiệu mạnh với vi khuẩn tụ cầu, liên cầu. Nhưng nếu chúng ta phối hợp với aminoglycosid thì lại phủ phổ tác dụng lên cả những vi khuẩn đường ruột khi mà chúng ta chưa có điều kiện xác định đâu là vi khuẩn gây bệnh.

Hiệu quả của việc phối hợp kháng sinh còn ở chỗ hai thuốc có khi làm tăng hiệu quả tác dụng của nhau. Một ví dụ điển hình của việc này là việc phối hợp giữa kháng sinh sulfamid với kháng sinh nhóm trimethoprim. Cả hai kháng sinh này đều là những kháng sinh mới được tìm ra so với những kháng sinh “đàn anh” như penicillin. Sulfamid có tác dụng ức chế cạnh tranh với PABA do đó nó làm giảm tổng hợp dihydrofolat, một khâu quan trọng trong tổng hợp DNA. Trong khi đó, trimethoprim có tác dụng ức chế dihydrofolat reductase, một enzym phân hủy dihydrofolat. Nếu dùng hai thuốc này phối hợp với nhau thì người ta thấy hiệu lực tác dụng sẽ được tăng lên 100 lần.


Chỉ phối hợp kháng sinh khi thực sự cần thiết.

... Và những tác dụng phụ không mong muốn

Nhược điểm của việc dùng đa kháng sinh trong điều trị là đa trị liệu thì cũng đa tác hại. Việc dùng một thuốc cũng đã gây ra cho người sử dụng những tác hại, nếu sử dụng đồng thời nhiều thuốc thì đương nhiên tác hại sẽ là cộng hưởng. Chẳng hạn như kháng sinh nhóm aminoglycosid là nhóm thuốc gây ra tác hại đầy hơi, buồn nôn, nôn. Nếu sử dụng thêm metronidazol, một thuốc gây ra cảm giác mệt mỏi sẽ khiến người bệnh chịu đựng gấp hai lần những tác dụng không mong muốn này. Rõ ràng, sự phối hợp thuốc trong trường hợp này là không tốt và người bệnh khó mà đi đến cùng điều trị.

Phức tạp hơn là trường hợp kết hợp thuốc mà cơ chế tác dụng lại không tương hỗ với nhau. Ví dụ như sự phối hợp giữa penicillin và tetracycline để điều trị viêm màng não. Tetracycline là thuốc làm ức chế tiểu phân 30S của riboxom trong quá trình tổng hợp protein, nhưng nó lại bị cản trở tác dụng bởi penicillin. Do đó mà chúng ta phải tránh phối hợp hai kháng sinh này với nhau.

Phối hợp khi nào?

Trong một số trường hợp, việc phối hợp kháng sinh là bắt buộc.

Thông thường, việc dùng phác đồ đa trị liệu chỉ được áp dụng khi bệnh nhân có nguy cơ bị nhiễm khuẩn nặng hay nhiễm khuẩn lan tràn mà chúng ta chưa thể xác định ngay được loại vi khuẩn nào gây bệnh. Trong lúc nghi ngờ, người ta có thể đưa ra nhiều phán đoán loại vi khuẩn cùng gây bệnh. Do đó mà khi bị nhiễm khuẩn phổi nặng thì sự phối hợp giữa một kháng sinh dòng ß-lactam như co-amoxiclav, cefuroxime, cefotaxime hay ceftriaxone với một kháng sinh dòng macrolide như clarithromycin được khuyên dùng vì chúng làm mạnh mẽ hóa tác dụng của nhau. Sự phối hợp này mang lại hiệu quả là vừa “đánh” vào những vi khuẩn thông thường của đường hô hấp và vừa đánh vào những vi khuẩn kém điển hình như legionella pneumophila, mycoplasma pneumoniae.

Với các nhiễm trùng ổ bụng thì đa phần là do sự đồng nhiễm của vi khuẩn ái khí và kỵ khí. Vì vậy, người ta thường khuyên là nên sử dụng kháng sinh metronidazole kết hợp với một kháng sinh phổ rộng như cefotaxime, gentamicin, ciprofloxacin để có thể bao phủ hết mầm bệnh có thể là nguyên nhân gây bệnh. Ta cần chú ý là nhiễm trùng ổ bụng (hay chính xác hơn là viêm phúc mạc) là một nhiễm trùng nặng mà nếu không xử trí tốt có thể dẫn đến tử vong.

Với các nhiễm trùng quan trọng như viêm màng trong tim thì việc dùng đa thuốc cũng thường được chỉ định ngay từ đầu. Ví dụ như sự kết hợp giữa penicillin và gentamicin để điều trị viêm nội tâm mạc do cầu khuẩn đường ruột. Sự kết hợp này là có hiệu lực tốt hơn so với khi dùng đơn độc mỗi penicillin. Phác đồ này cũng có giá trị khi chúng ta điều trị viêm nội tâm mạc do tụ cầu khuẩn.

Một tác dụng vô cùng lớn của phối hợp thuốc là chống được kháng thuốc mà điều trị lao là một ví dụ sinh động nhất. Khi sử dụng isoniazid thì tỷ lệ lao kháng thuốc là 1/106 còn với rifampicin tỷ lệ kháng thuốc là 1/108 mầm bệnh. Nhưng khi chúng ta kết hợp lại thì tỷ lệ kháng thuốc được hạ thấp đến cách biệt. Để hạ thấp tỷ lệ vi khuẩn kháng thuốc do lao và điều trị thành công thì một phác đồ gồm 3 - 4 thuốc là bắt buộc. Điều này như là công thức bất di bất dịch.

BS.Hiền Anh

Meo.vn (Theo SK&ĐS)

Viêm phổi ở trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh rất dễ bị viêm phổi, đây là loại bệnh nặng có thể gây tử vong cho trẻ, nhất là trẻ sinh non, nhẹ cân nếu không được điều trị kịp thời. Tuy nhiên triệu chứng viêm phổi ở trẻ sơ sinh thường không rõ ràng nên nhiều trường hợp đến cơ sở y tế khi bệnh đã nặng. Do đó cha mẹ cần hết sức chú ý những biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, bỏ bú, quấy khóc… đưa trẻ đi khám ngay để điều trị kịp thời.

Vì sao trẻ sơ sinh dễ bị viêm phổi?

Nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ sơ sinh thường do các loại vi khuẩn như Listeria, Coli, các vi khuẩn Gram âm. Nhiễm khuẩn phổi có thể xảy ra từ trước, trong hoặc sau khi đẻ, liên quan tới thời gian vỡ ối trước khi đẻ. Trẻ cũng có thể bị bệnh ngay trong khi đẻ do hít phải nước ối, phân su đã bị nhiễm khuẩn hoặc dịch tiết ở đường sinh dục của người mẹ. Ngoài ra, ở những trẻ đẻ non, trẻ thiếu cân do các phản xạ đường thực quản còn chưa hoàn thiện, vận động cơ chưa đều đặn nên thường xuyên bị trào ngược thực quản dạ dày. Khi trẻ bú mẹ thường hay bị nôn, trớ, nếu sữa bị hít nhầm vào khí quản, sẽ gây ra các triệu chứng như thở gấp, hụt hơi, tím tái mặt, lượng sữa hít vào càng nhiều càng có khả năng gây viêm phổi. Một số bệnh như viêm khoang miệng, viêm da, viêm dây rốn… đều có thể dẫn tới viêm phổi sơ sinh.

Viêm phổi ở trẻ sơ sinh, Khoa nhi, Sức khỏe đời sống, viem phoi, tre so sinh, tre sinh non, viem khoang mieng, benh da day, bao

Chăm sóc trẻ sơ sinh đúng cách để phòng bệnh viêm phổi.

Cần phát hiện sớm các dấu hiệu ban đầu

Bệnh thường xuất hiện sớm, sau đẻ từ 12 giờ đến vài ngày, diễn tiến nhanh và nặng. Không giống viêm phổi ở trẻ lớn với những biểu hiện điển hình là sốt cao, ho nhiều, nghe lưng có thể thấy tiếng “rít”. Với trẻ sơ sinh do đường hô hấp chưa phát triển đầy đủ nên triệu chứng lâm sàng thường không rõ ràng dễ bị bỏ qua.

Triệu chứng viêm phổi ở trẻ sơ sinh ban đầu thường có các dấu hiệu như: Bú kém hoặc bỏ bú; Sốt trên 37,5oC hoặc hạ thân nhiệt; Thở nhanh trên 60 lần trong 1 phút hoặc khó thở. Khi có triệu chứng rõ ràng thì bệnh đã nặng: Trẻ sốt hoặc hạ thân nhiệt, li bì, đáp ứng kém với kích thích, bú kém hoặc bỏ bú, nôn nhiều, chướng bụng, khó thở, rút lõm lồng ngừng, tím tái… Do đó, cha mẹ hoặc người thân cần chú ý tình trạng của trẻ để phát hiện sớm các dấu hiệu ban đầu khi trẻ có biểu hiện sốt bỏ bú, thở nhanh… phải đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời tránh biến chứng viêm phổi nặng.

Phòng bệnh như thế nào?

Trong quá trình mang thai các thai phụ phải đi kiểm tra thai định kỳ để phát hiện và can thiệp kịp thời khi xảy ra những bất thường của thai nhi; Sinh con tại cơ sở y tế để đảm bảo an toàn cho sản phụ và trẻ sơ sinh; Cần chăm sóc tốt cho bà mẹ và trẻ sau khi sinh; Cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ hoàn toàn, đúng cách để tăng sức đề kháng cho trẻ; Giữ vệ sinh cho trẻ, người chăm sóc phải rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc trẻ để trẻ không bị lây nhiễm vi khuẩn; Dụng cụ để chăm sóc trẻ như cốc, thìa, chăn, áo, tã… phải sạch, khô, vô trùng, tránh không cho tiếp xúc với các nguồn lây bệnh…

Theo Bác sĩ Thu Lan (Sức khỏe & Đời sống)