Lưu trữ cho từ khóa: nhiễm khuẩn hô hấp

Ho có đờm tái đi tái lại là bệnh gì?

Con gái tôi được 18 tháng tuổi, cháu thường xuyên bị ho có đờm, đi khám  và uống thuốc theo đơn bác sĩ thì khỏi nhưng thời gian ngắn sau lại bị tái phát. Xin hỏi quý báo, nguyên nhân vì sao cháu hay bị ho như vậy? - Bùi Xuân Phát (Quảng Ninh)

Trả lời:

Ho có đờm là ho thường kèm với tình trạng khạc ra chất nhầy hoặc đờm, thường do những bệnh lý của đường hô hấp như viêm họng cấp, viêm thanh quản, viêm khí, phế quản cấp, viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản, hen phế quản, viêm phổi, lao. Ho có đờm tái lại nhiều lần có thể do nhiễm khuẩn hô hấp tái phát thường gặp ở trẻ có cơ địa đặc biệt như trẻ suy dinh dưỡng, trẻ không được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ, không chủng ngừa đủ, thiếu vitamin A, thiếu máu thiếu sắt, trào ngược dạ dày thực quản, có bệnh lý mạn tính kèm theo (bệnh tim bẩm sinh và nhiều loại bệnh lý bẩm sinh khác, bại não và các bệnh thần kinh - cơ, suy giảm miễn dịch…). Môi trường sống không thuận lợi: không khí ô nhiễm, nhà cửa chật chội, đông đúc, thiếu vệ sinh, khói bếp, khói xe, khói công nghiệp và đặc biệt là khói thuốc lá. Trong thư chị chưa nói rõ tình trạng của cháu như có phát triển bình thường hay mắc bệnh mạn tính nào không… nên chúng tôi chỉ có thể đưa ra lời khuyên cần lưu ý giúp cháu cải thiện môi trường sống xung quanh như không để cháu tiếp xúc với khói thuốc lá, tránh nơi khói bụi, ô nhiễm, chỗ đông người khi đang có mùa dịch, thường xuyên vệ sinh nhà cửa thoáng mát khi trời nóng, ấm áp khi trời lạnh. Nếu cháu ho dai dẳng, sốt về chiều, sút cân cần cho cháu khám chuyên khoa lao.     

BS. Lê Ngọc Liên

Meo.vn (Theo Suckhoedoisong)

Chống nhiễm khuẩn bệnh viện: Việc không chỉ của bác sĩ

Trong nhiễm trùng bệnh viện, các vi khuẩn có sức đề kháng tương đối cao. Diễn biến của nhiễm khuẩn bệnh viện là tương đối nặng và khó điều trị.

Những ai dễ bị nhiễm khuẩn bệnh viện?

Nhiễm khuẩn bệnh viện là những nhiễm khuẩn xảy ra thứ phát sau khi nằm viện hoặc có liên quan tới công tác chẩn đoán và điều trị. Đó là sự nhiễm các mầm bệnh từ môi trường bệnh viện vào chính bệnh nhân.

Có khi người bệnh nhập viện không phải là bệnh nhiễm khuẩn nhưng do hậu quả của sự bất cẩn, người bệnh bị nhiễm khuẩn thứ phát. Cũng có khi người bệnh nhập viện với hiện trạng của một bệnh nhiễm khuẩn nhưng lại đồng nhiễm thêm một nhiễm khuẩn khác làm gia tăng bệnh lý.

Đây là những tình huống hoàn toàn có thể xảy ra khi chất lượng điều trị và việc tuân thủ các quy định vệ sinh thiếu chặt chẽ.


Mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ trong y học, nhiều kháng sinh mới có đủ sức mạnh được tạo ra, nhiều dung dịch sát khuẩn luôn sẵn sàng nhưng nhiễm khuẩn bệnh viện vẫn diễn tiến, kể cả ở các nước văn minh nhất.

Trong nhiễm khuẩn bệnh viện, các vi khuẩn gần như đã được tiếp xúc với kháng sinh. Chính vì thế đây là cộng đồng sinh vật gây bệnh có sức đề kháng tương đối cao. Chúng có khả năng kháng thuốc, có khả năng kháng lại kháng sinh và thải loại thuốc trong chuyển hoá. Việc nhiễm thêm các vi khuẩn này vào cơ thể thực khó điều trị. Bởi trên nền một bệnh lý sẵn có, lại cộng thêm tính đề kháng mạnh của vi khuẩn xâm nhập, diễn biến của nhiễm khuẩn bệnh viện là tương đối nặng và khó kiểm soát.

Người ta thấy, tỷ lệ tử vong tương đối cao ở những trường hợp này. Ngay tại Mỹ, hằng năm vẫn có khoảng 99.000 ca tử vong vì nhiễm khuẩn bệnh viện, căn bệnh vẫn hay được nghĩ là ở các nước kém phát triển.

Đứng về góc độ mầm bệnh thì nhiễm khuẩn bệnh viện có thể gặp ở mọi vi khuẩn từ tụ cầu, liên cầu, phế cầu, thương hàn... Nhưng tùy vào đặc điểm bệnh lý sẵn có, tùy vào phương pháp điều trị, tùy vào thủ thuật can thiệp mà mầm bệnh này có sự khác nhau tương đối và ưu thế ở một khía cạnh nào đó.

Chính người bệnh phải vào cuộc

Không thể phủ nhận những cố gắng của những người làm công tác điều trị đóng một phần vô cùng quan trọng trong việc phòng ngừa. Những biện pháp như rửa tay kỹ trước khi thực hiện điều trị, vô khuẩn tất cả những dụng cụ dùng được sử dụng, làm đúng quy định khử khuẩn, vệ sinh là những biện pháp tưởng nhỏ nhưng đem lại hiệu quả cực kỳ cao.

Thực hiện đúng cách ly người lành và người bệnh, tuyệt đối đảm bảo vệ sinh khu hậu phẫu là những quy định nghiêm ngặt không thể xem thường.

Tuy nhiên, ở đây, người bệnh cũng cần phải vào cuộc để bảo vệ mình tránh được những nguy cơ lớn của tình trạng này.

Thứ nhất, vệ sinh da sạch sẽ trước khi phẫu thuật. Cần làm đúng, đủ theo hướng dẫn của thầy thuốc. Các biện pháp đơn giản như tắm rửa sạch sẽ, gội đầu, cắt móng tay cho dù vùng phẫu thuật chẳng hề liên quan đến chúng. Điều này làm giảm tải những mầm bệnh cư trú sẵn trên da, những mầm bệnh có thể gây bệnh.

Thứ hai, nghiêm chỉnh chấp hành công tác cách ly an toàn. Không sử dụng chung đồ đạc sinh hoạt trong bệnh viện, đặc biệt là ở những khoa lây vì rất có thể chúng là vật trung gian truyền bệnh. Không đi lại tự do giữa các khoa điều trị, tránh tiếp xúc với người mang các mầm bệnh truyền nhiễm, nhất là các đối tượng phải phẫu thuật, đối tượng đang được điều trị ức chế miễn dịch.

Thứ ba, chấp hành đúng công tác vệ sinh sau phẫu thuật. Cần tránh tâm lý càng nhiều người vào thăm bệnh nhân sau phẫu thuật mới là quan tâm và cần thiết. Vì ngay sau thời điểm phẫu thuật, cơ thể dễ bị tấn công bởi các mầm bệnh nhất. Cần hạn chế vào thăm ở những khu hậu phẫu, nếu vào thăm thì cần mang mũ, mạng để tránh lan truyền vi khuẩn từ cơ thể người lành sang người bệnh. Đặc biệt, những người đang bị nhiễm khuẩn thì không nên tiếp xúc với bệnh nhân trong thời điểm này. 

Những bệnh lý dễ bị nhiễm khuẩn

Người ta thấy, các bệnh như bỏng, các phẫu thuật như phẫu thuật thần kinh, phẫu thuật bụng, ghép tạng là những tình huống dễ bị nhiễm khuẩn bệnh viện nhất. Các mầm bệnh có thể gặp là tụ cầu vàng, E.coli, Klebsiella, Enterobacter, Proteus, Pseudomonas, thậm chí là lao phổi.

Điều này được củng cố thêm khi người bệnh mắc các chứng khó vận động, khó thở như các bệnh lý thần kinh, bại liệt nửa người, bệnh hô hấp, thở máy, đặt thông tiểu, can thiệp đưa catheter vào lòng mạch. Theo thống kê cho thấy, tỷ lệ nhiễm khuẩn ổ bụng do nhiễm khuẩn bệnh viện là 35%, nhiễm khuẩn hô hấp dạng viêm phổi là 25% và nhiễm trùng đường niệu là 5%.

Các con số này càng lớn càng nói lên tính nguy hiểm của nhiễm khuẩn bệnh viện. Vì các cơ quan này là những cơ quan cần thiết cho sự hồi phục nên chúng càng làm phức tạp thêm vấn đề. Do đó, chưa bao giờ phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện được coi là không cần thiết.       

Theo BS.Phong Hồng

Meo.vn (Theo Suckhoedoisong)

Biến chứng viêm đường hô hấp trên ở trẻ

Hỏi: Xin chào bác sĩ. Con tôi rất hay bị ho và chảy nước mũi không rõ nguyên nhân do thời tiết hay do ô nhiễm môi trường. Tôi có đưa cháu đi khám thì bác sĩ nói cháu bị viêm đường hô hấp trên. Vậy xin hỏi viên đường hô hấp có những loại nào và có biến chứng gì nguy hiểm? Xin cảm ơn bác sĩ.


Cần chăm sóc bé chu đáo khi có dấu hiệu viêm đường hô hấp

Trả lời: Viêm đường hô hấp trên được chia làm 2 loại cấp tính và mạn tính.

Bệnh nhiễm khuẩn hô hấp trên cấp tính sẽ diễn biến trong vòng vài ba ngày với các dấu hiệu sốt cao hoặc vừa, ho, hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi, thay đổi giọng, giọng mất đi. Ở trẻ em dưới 1 tuổi đôi khi nôn nhiều, quấy khóc. Khi khám họng lúc đó sẽ thấy niêm mạc họng đỏ rực. Sau đó các dấu hiệu trên mất đi. Khi bị bội nhiễm các vi khuẩn trên, bệnh sẽ diễn biến nặng lên, trẻ hay bị viêm phế quản, viêm phổi.

Khi bị viêm đường hô hấp cấp tính mà không được điều trị hoặc điều trị không dứt điểm thì rất dễ dàng chuyển thành mạn tính. Triệu chứng của viêm đường hô hấp mạn tính là ho húng hắng, rát họng, nuốt thấy hơi vướng như có vật gì nằm trong họng, đặc biệt ở trẻ em là chảy nước mũi thường xuyên (một hoặc cả hai bên mũi).

Một số trẻ em bị VA mạn tính kéo dài mà căn nguyên do vi khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa) thì chất nhầy chảy ra ở mũi thường có màu xanh. Ngoài chảy mũi, trẻ ngủ thường thở bằng miệng. Viêm tai giữa cấp cũng là một biến chứng hay gặp của nhiễm khuẩn hô hấp trên cấp tính nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ gây thủng màng nhĩ, giảm thính lực hoặc nặng có thể gây biến chứng nội sọ do viêm tai.

Bạn hãy lưu ý theo dõi chặt chẽ sức khỏe của bé và điều trị kịp thời để tránh các nguy cơ viêm mạn tính và biến chứng.

Meo.vn (Theo Meyeucon)

Viêm đường hô hấp trên ở trẻ em có biến chứng gì?

Con tôi rất hay bị ho, chảy nước mũi. Bác sĩ nói cháu bị viêm đường hô hấp trên. Xin hỏi có biến chứng gì nguy hiểm?


Nguyễn Thanh Sơn (Hải Phòng)

Viêm đường hô hấp (VĐHH) trên được chia làm 2 loại cấp tính và mạn tính. Bệnh nhiễm khuẩn hô hấp trên cấp tính sẽ diễn biến trong vòng vài ba ngày với các dấu hiệu sốt cao hoặc vừa, ho, hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi, thay đổi giọng, giọng mất đi. Ở trẻ em dưới 1 tuổi đôi khi nôn nhiều, quấy khóc. Khi khám họng lúc đó sẽ thấy niêm mạc họng đỏ rực. Sau đó các dấu hiệu trên mất đi. Khi bị bội nhiễm các vi khuẩn trên, bệnh sẽ diễn biến nặng lên, trẻ hay bị viêm phế quản, viêm phổi. Khi bị VĐHH cấp tính mà không được điều trị hoặc điều trị không dứt điểm thì rất dễ dàng chuyển thành mạn tính. Triệu chứng của VĐHH mạn tính là ho húng hắng, rát họng, nuốt thấy hơi vướng như có vật gì nằm trong họng, đặc biệt ở trẻ em là chảy nước mũi thường xuyên (một hoặc cả hai bên mũi). Một số trẻ em bị VA mạn tính kéo dài mà căn nguyên do vi khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa) thì chất nhầy chảy ra ở mũi thường có màu xanh. Ngoài chảy mũi, trẻ ngủ thường thở bằng miệng. Viêm tai giữa cấp cũng là một biến chứng hay gặp của nhiễm khuẩn hô hấp trên cấp tính nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ gây thủng màng nhĩ, giảm thính lực hoặc nặng có thể gây biến chứng nội sọ do viêm tai.
BS.Nguyên Diễn

Meo.vn (Theo SK & ĐS)

Thở nhanh: Dấu hiệu trẻ bị viêm phổi

Cứ một năm, một em bé dưới 5 tuổi có thể bị 5-8 lần nhiễm khuẩn hô hấp. Trẻ dưới 12 tháng càng có nguy cơ bệnh nặng hơn. Phát hiện bệnh viêm phổi ngay tại nhà không khó: Trẻ thở nhanh.

Ngày 5/7, bé Đào Thị N., 10 tháng tuổi ở Đắk Nông, vào điều trị tại Khoa Hô hấp, BV Nhi Đồng 1 vì viêm phổi. Bé thở khò khè, ho hơn một tháng, thở co lõm 50 lần/phút, tím tái, ói sau ho. Các bác sĩ đã phải cho bé thở ô xy.

Người nhà bé N. cho biết, lần đầu tiên bé nhập viện vì viêm phổi lúc 3 tháng tuổi, cứ mỗi 5-10 ngày bé lại tái nhập viện. Ở nhà, bé ho nhiều, khó thở, nôn. Mẹ bé tự phát hiện bé thở nhanh, bụng luôn phập phồng, ngực bị lõm sâu xuống.

Cùng nhập viện vào ngày hôm ấy, còn có bé Lý Thế N., 7 tuổi, ngụ tại Tân Phú (TP.HCM). Bé bị viêm phổi 2 bên. Đến ngày thứ 3-4 của bệnh, bé N. vẫn còn sốt, đau bụng liên tục, đau ngực. Qua kiểm tra, nhịp thở của bé nhanh đến 60 lần/phút. Cánh mũi phập phồng, co kéo.

Thở nhanh: Trẻ đã bị viêm phổi

BS. Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp – BV Nhi Đồng 1, cho biết, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (World Health Organization – WHO), trong một năm, một em bé dưới 5 tuổi có thể bị từ 5-8 lần nhiễm khuẩn hô hấp. Trẻ dưới 12 tháng càng dễ bệnh nặng hơn vì do sức đề kháng chưa hoàn chỉnh. Số bệnh nhi nhập viện và có nguy cơ tử vong cũng nằm trong nhóm trẻ sơ sinh.

Nhiễm khuẩn hô hấp là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 12 tháng. Bệnh thường có biểu hiện là ho dưới 30 ngày. Nhiễm khuẩn hô hấp có hai loại. Một, nhiễm khuẩn hô hấp trên (viêm nhiễm vùng tai mũi họng) thường do siêu vi, nếu chăm sóc tốt, đa số sẽ tự khỏi. Hai, nhiễm khuẩn hô hấp dưới gồm viêm phế quản, viêm phổi… Miền Nam vào thời điểm giao mùa, là điều kiện thuận lợi để các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp gia tăng, đặc biệt là viêm phổi.

“Hiện nay, trung bình mỗi ngày, Khoa Hô hấp tiếp nhận trên dưới 20 bệnh nhân viêm phổi mới. Trong đó nhiều ca nặng phải hỗ trợ hô hấp, thở ôxy. Viêm phổi thường là nguyên nhân nhập viện và từ vong hàng đầu ở trẻ em”, BS. Tuấn nói.

Tuy nhiên, theo BS. Tuấn, phát hiện viêm phổi tại nhà không khó. “Thở nhanh” là triệu chứng sớm nhất, hơn cả việc thăm khám hơi thở thông qua tai nghe, và kết quả chụp X-quang. Người nhà chỉ cần có một đồng hồ có kim giây, và chú ý theo dõi nhịp thở của trẻ, khi trẻ nằm yên, không quấy khóc. Một nhịp thở tương đương với bụng trẻ nhấp nhô lên – xuống.

“Trẻ dưới hai tháng, thở nhanh khi nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên. Trẻ từ 2 tháng đến dưới 12 tháng, thở nhanh với 50 lần/phút trở lên. Còn đối với trẻ từ 12 tháng đến dưới 5 tuổi, 40 lần/phút trở lên là thở nhanh. Thở co lõm lồng ngực, nghĩa là khi trẻ hít vào, phần dưới lồng ngực sẽ bị lõm vào thay vì nở ra như bình thường. Mọi trường hợp viêm phổi ở trẻ dưới 2 tháng đều nặng và cần phải nhập viện,” BS. Tuấn hướng dẫn.

Tự điều trị kháng sinh: Nguy hiểm

Một sai lầm thường gặp là khi trẻ ho, cha mẹ thường quấn khăn hay chăn để giữ ấm cho trẻ và tránh gió. Nhưng điều đó càng khiến cho các bậc cha mẹ thường không phát hiện được thời điểm con bắt đầu khó thở để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.

“Ngoài ra, mỗi khi trẻ ho, cha mẹ thường tự ý lạm dụng kháng sinh, nhất là dùng các thuốc giảm ho của người lớn. Điều đó sẽ đưa đến rất nhiều bất lợi: kháng sinh trong các trường hợp cảm ho thông thường không hiệu quả trong việc ngừa viêm phổi, tốn kém, thuốc sẽ dẫn đến tác dụng phụ thậm chí là ngộ độc thuốc, đặc biệt là nảy sinh ra vấn đề kháng thuốc về sau,” BS. Tuấn cảnh báo.

Chính vì vậy, cách chăm sóc trẻ bị ho, cảm lạnh tại nhà là tiếp tục cho trẻ ăn hoặc bú nhiều lần hơn. Ngoài ra, trẻ cần được uống đủ nước, làm thông thoáng mũi, giảm ho và đau họng bằng thuốc nam an toàn (theo chỉ định của lương y).

Trẻ cần phải đươc đưa đến bệnh viện ngay khi có một trong những dấu hiệu sau: Khó thở hơn, thở nhanh hơn, bỏ bú hoặc bú kém (trẻ dưới 2 tháng), không uống được (trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi), co giật, ngủ li bì khó đánh thức, thở có tiếng rít, suy dinh dưỡng nặng.

Đặc biệt, trẻ dưới 2 tháng tuổi, sốt hoặc hạ nhiệt đột ngột, thở khò khè cũng là dấu hiệu nguy hiểm.

Theo VietNamNet

Các bài thuốc đơn giản chữa ho

Bạn có thể chữa ho bằng các vị thuốc dễ kiếm như tía tô, chanh, bạc hà, rau má... với cách chế biến cực kỳ đơn giản.

Theo Đông y, chia ho làm hai thể bệnh: ho do ngoại cảm và ho do nội thương.

Ho do ngoại cảm

Cảm lạnh (phong hàn): Sốt, sợ lạnh, đau đầu, ho, đờm lỏng, ngạt mũi. Dùng lá tía tô 20g, lá xương xông 12g, gừng tươi 8g, lá hẹ 12g, kinh giới 8g, đổ 600ml, sắc lấy 200ml. Người lớn chia ra uống làm 2 lần, trẻ em, tùy tuổi mà chia uống từ 3 đến 5 lần.

Cảm cúm viêm họng (phong nhiệt): Sốt nhưng không sợ lạnh, khát, ho, đờm màu vàng. Dùng lá dâu, rau má mỗi vị 12g; cúc hoa, bạc hà, rễ chanh, lá hẹ mỗi vị 8g; kim ngân 16g, đổ 600ml, sắc lấy 200ml. Người lớn chia ra uống làm 2 lần, trẻ em, tùy tuổi mà chia uống 3-5 ngày.

Ho do nội thương

Ho kéo dài không rõ nguyên nhân ở người gầy (phế âm hư): Ho khan không có đờm, họng khô, đau hoặc có ra máu, người háo nóng, mệt mỏi. Dùng rau má 20g; lá chanh, lá tre mỗi vị 12g; vỏ rễ dâu (sao mật) 16g; quả dành dành (sao vàng), cam thảo dây mỗi vị 8g. Đổ 500ml nước, sắc lấy 20 ml; người lớn chia ra uống 2 lần, trẻ em, tùy tuổi mà chia uống từ 3 đến 5 lần.

Viêm phế quản mạn tính (tỳ dương hư): Ho đờm nhiều, khi gặp lạnh hoặc về mùa rét ho càng nhiều, ăn uống càng kém, mệt mỏi, chân tay lạnh, trong người cảm giác lạnh, sợ lạnh. Dùng vỏ quýt phơi khô sao lên, bán hạ chế, hạt cải củ, hạt tử tô mỗi vị 12 g; cam thảo dây, gừng tươi mỗi vị 8 g. Tất cả cho vào nồi đổ 500 ml nước, sắc lấy 250 ml; người lớn chia uống 3 lần lúc đói và trước khi đi ngủ. Trẻ em tùy tuổi, chia uống 4-5 lần.

Để phòng các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp như viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản, mùa hè không nên dùng quạt mạnh quạt thẳng vào người, đang đi nắng nóng không nên vào phòng lạnh ngay. Người bệnh mạn tính cần chú ý bồi dưỡng sức khỏe để tăng sức đề kháng chống lại bệnh tật.

Theo BS. Đỗ Minh Hiền

Sức khỏe & Đời sống

Để trẻ không bị viêm đường hô hấp

Nhiễm khuẩn hô hấp là bệnh thường gặp nhất ở trẻ em. Phần lớn trẻ sẽ tự khỏi, nhưng khoảng ¼ trường hợp bệnh diễn tiến thành viêm phổi, thậm chí tử vong.

 

Dễ mắc

Đường hô hấp chính là nơi mà nhiều mầm bệnh (virus, vi khuẩn) dễ dàng xâm nhập khi trẻ hít thở. Đối với trẻ, đường thở ngắn và hẹp nên mầm bệnh dễ lây lan hơn. Đặc biệt, trẻ dưới 5 tuổi, bệnh đường hô hấp thường xuyên tấn công do hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh nên sức đề kháng và khả năng miễn dịch kém, trẻ không đủ sức chống đỡ với sự tấn công của các mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài.

Ngoài ra, vì trẻ còn quá nhỏ, chưa có ý thức giữ vệ sinh, tự bảo vệ mình trước các nguy cơ lây nhiễm bệnh từ môi trường sống và người có bệnh nên càng dễ mắc bệnh.

Chớ xem thường

So với các bệnh thông thường khác, bệnh đường hô hấp như cúm có mức độ lây nhiễm cao, khó kiểm soát, có thể gây dịch nguy hiểm đến sức khỏe cộng đồng. Những dấu hiệu ban đầu của bệnh viêm nhiễm đường hô hấp chỉ là ho, có thể kèm theo sổ mũi, hắt hơi, sốt... Ở trường hợp nặng hơn, trẻ có thể biểu hiện khó thở rõ rệt hơn (thở nhanh, thở co lõm lồng ngực).

Một điều các bậc phụ huynh cần lưu ý đặc biệt là trẻ em ở lứa tuổi này khi mắc bệnh thì diễn biến thường nặng và khó lường... Do đó, nếu những bệnh lý này không được phát hiện, điều trị, xử trí sớm và đúng, sẽ xảy ra các biến chứng nguy hiểm như: suy hô hấp cấp, viêm phổi, viêm tai, viêm màng não, áp-xe phổi, tràn khí, tràn dịch màng phổi và có thể dẫn đến tử vong

Đúng cách
Để phòng ngừa các chứng nhiễm khuẩn hô hấp nói trên, cha mẹ cần cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, tránh suy dinh dưỡng, chủng ngừa đủ, uống vitamin A.

Cần bảo vệ trẻ khi thay đổi của thời tiết, trẻ nên được mặc quần áo mát mẻ khi trời nóng và giữ ấm khi trời lạnh; không để trẻ nằm gần quạt máy, nằm phòng máy lạnh quá lâu, không cho trẻ đi chơi dưới trời mưa, trời nắng gắt hay ngoài trời quá khuya; tắm trẻ bằng nước ấm khi trời lạnh; giữ nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng;

Không cho trẻ tiếp xúc với người có bệnh, nhất là người đang bị bệnh về đường hô hấp và tránh để trẻ hít khói bếp, khói than, khói thuốc lá. Nếu trẻ bị ho, bị sổ mũi cần sớm đưa trẻ đi khám bệnh, nhất là trẻ dưới 5 tuổi, để phát hiện sớm viêm phổi cũng như các biến chứng khác…

Các bậc cha mẹ cần đặc biệt chú ý tăng cường miễn dịch tự nhiên cho trẻ thông qua dinh dưỡng. Ngoài việc bổ sung một số chất quen thuộc như sắt, kẽm, DHA, omega 3, Betaglucan1,3/1,6 tự nhiên trong men bánh mì, một số loại nấm, hạt ngũ cốc như: yến mạch, đại mạch, thậm chí là tảo...

Đây là những chất có khả năng giúp tăng cường hàng rào miễn dịch tự nhiên ở người, tiêu diệt các mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài một cách hiệu quả.
Th.s-Bs Trần Anh Tuấn
Trưởng khoa Hô hấp BV Nhi đồng 1/ Tiền phong

Kháng sinh nhóm macrolid – Thuốc uống dễ bị lạm dụng

Các thuốc kháng sinh nhóm macrolid rất phổ biến trong điều trị chống nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, do tình trạng lạm dụng và tùy tiện trong điều trị đã khiến cho nhiều thuốc trong nhóm này trở nên kém tác dụng hơn trước.

Vì sao phải lựa chọn kháng sinh?

Một nguyên tắc trong sử dụng thuốc kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn là cần phải làm kháng sinh đồ để chọn thuốc đặc hiệu đối với từng loại vi khuẩn. Tuy nhiên, làm kháng sinh đồ mất khá nhiều thời gian trong khi bệnh nhân cần dùng thuốc ngay. Vì vậy, việc sử dụng một số loại thuốc kháng sinh hiện nay thường được các thầy thuốc căn cứ vào tình trạng lâm sàng của bệnh nhân để chọn loại thuốc điều trị. Để chọn được loại thuốc thích hợp, thầy thuốc trước khi kê đơn cần định hướng mầm bệnh theo vị trí nhiễm khuẩn. Một số loại vi khuẩn thường gặp gây bệnh ở những vị trí khu trú trên cơ thể. Kết hợp với phổ kháng khuẩn của loại thuốc đó, bác sĩ điều trị cho bệnh nhân dùng thuốc sao cho đảm bảo 4 yếu tố: hiệu quả, an toàn, hợp lý và kinh tế. Các macrolid là kháng sinh dùng đường uống để đưa thuốc vào cơ thể nên rất hay được kê đơn và điều trị tại nhà. Vì vậy, cần phải cân nhắc và chọn thuốc sao cho hiệu quả điều trị tốt nhất mà đảm bảo yếu tố kinh tế trong dùng thuốc.

Cần lưu ý rằng, phổ kháng sinh trong các tài liệu hoặc đơn thuốc chỉ để tham khảo vì độ nhạy cảm của vi khuẩn còn phụ thuộc từng địa phương. Do đó trong nhiều trường hợp, việc dùng thuốc kháng sinh có thể chọn lựa bởi các nhóm khác nhau mà vẫn có cùng kết quả điều trị. Chẳng hạn đối với một nhiễm khuẩn hô hấp dưới mắc phải ở cộng đồng có thể lựa chọn một thuốc thuộc nhóm macrolid  có giá tiền rẻ thay vì một thuốc rất đắt tiền mà hiệu quả điều trị của hai loại thuốc này là tương đương như nhau. Vì thế, nếu dùng zithromax hoặc spiramycin đều cho kết quả khỏi bệnh thì nên chọn loại thuốc rẻ tiền hơn để đảm bảo tính kinh tế trong việc dùng thuốc. Hai loại thuốc kháng sinh đường uống này hiện nay đang được sử dụng tại nhiều bệnh viện với chỉ định đôi khi giống nhau.

Các kháng sinh nhóm macrolid dùng đường uống rất thông dụng để điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp (viêm phổi, viêm phế quản, viêm amidan...), nhiễm trùng da, mô mềm... Gần đây, tình trạng lạm dụng thuốc và dùng thuốc không đúng cách như uống không đủ liều, không đủ thời gian... đã làm thuốc này ít nhiều bị một số loại vi khuẩn kháng lại. Tuy nhiên, đây vẫn là loại thuốc kháng sinh tốt được lựa chọn để điều trị các nhiễm khuẩn nhạy cảm như nhiễm trùng tai, mũi, họng, viêm phế quản, viêm xoang,  bệnh AIDS, bệnh dạ dày...

Làm kháng sinh đồ là cách tốt nhất để lựa chọn kháng sinh.

Một số macrolid hay dùng

 

- Spiramycin là một kháng sinh nhóm macrolid thông dụng hiện nay. Khi dùng đường uống, thuốc này phân bố tốt trong các tổ chức, đặc biệt là xương và dịch phế quản. Trong trường hợp một số loại vi khuẩn đã kháng lại các kháng sinh nhóm cefalosporin thì các thuốc được lựa chọn là kháng sinh nhóm macrolid, như  erythromycin hoặc spiramycin.

Spiramycin không độc đối với gan, chịu được môi trường acid. Trên thị trường có loại biệt dược rodogyl (hoặc dorogyl)  là thuốc để điều trị các nhiễm khuẩn kỵ khí và nhiễm khuẩn răng miệng, dạ dày... trong viên thuốc gồm có metronidazol phối hợp với spiramycin.

Từ erythromycin, khi thay đổi các nhóm thế người ta tạo ra được một loạt các kháng sinh bán tổng hợp bền vững trong môi trường acid, nâng cao sinh khả dụng và mở rộng phổ tác dụng lên vi khuẩn như roxithromycin, clarythromycin hiện nay được sử dụng rất nhiều trong các nhiễm khuẩn nhạy cảm. Đặc biệt, nó còn được sử dụng trong các phác đồ phối hợp với thuốc khác để điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng do nhiễm khuẩn Helycobacter Pylori. Ngoài ra, thuốc còn được dùng điều trị cho bệnh nhân AIDS.

- Azithromycin có phổ tác dụng rộng hơn và thời gian bán thải (T 1/2) rất dài, trên 70 giờ nên chỉ cần dùng một số lần uống thuốc rất ít cho cả đợt điều trị.

- Ngoài ra, nhóm macrolid chứa 16 cacbon còn có josamycin và midecamycin đều là các thuốc có phổ tác dụng tương đối rộng và so với các thuốc kể trên thì rất ít bị tương tác với các thuốc cùng sử dụng. Tuy nhiên đây cũng là các thuốc nhập ngoại có giá khá đắt, chỉ sử dụng khi thật cần thiết.

Hiện nay có tâm lý thích sử dụng các macrolid thay cho một số thuốc uống nhóm betalactam vì các biệt dược của macrolid thường có giá bán cao hơn các thuốc như amoxycilin, cephalexin. Tuy nhiên, lựa chọn kháng sinh để sử dụng có hiệu quả và hợp lý cần căn cứ vào độ nhạy cảm của vi khuẩn đối với từng loại thuốc chứ không phải là giá tiền của loại thuốc đó.

ThS. Lê Quốc Thịnh

Phòng bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp trong mùa lạnh cho trẻ

Vào mùa lạnh, nếu thấy trẻ có biểu hiện mệt mỏi, sốt nhẹ, hắt hơi, sổ mũi nước trong và kèm theo ho, thở nhanh bất thường… các bà mẹ nên thận trọng, vì có thể bé đang bị cảm lạnh hoặc nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính. Căn bệnh này nếu không được điều trị kịp thời sẽ có thể gây biến chứng viêm phổi.

Theo dõi trẻ nhiễm khuẩn hô hấp cấp

Trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính thường có một trong các triệu chứng: ho, sốt, khó thở, thở nhanh hoặc thở khác thường, đau họng, chảy nước mũi và chảy mủ tai. Trong đó, ho là triệu chứng hay gặp nhất. Thông thường, ho hay kèm theo sốt (cũng có nhiều trẻ nhỏ bị viêm phổi nặng nhưng không sốt). Đa số trẻ bị ho, sốt, chảy nước mũi là do cảm cúm hoặc cảm lạnh, bệnh sẽ tự khỏi trong vòng vài ngày đến 1 tuần mà không phải dùng kháng sinh. Tuy nhiên, một số trẻ trong nhóm này có thể bị viêm phổi. Khi bị viêm phổi, nếu không chữa trị kịp thời, bệnh sẽ nặng lên rất nhanh và có thể dẫn đến tử vong; còn nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng, bệnh sẽ khỏi hoàn toàn.

Một trẻ được coi là viêm phổi khi có ho và thở nhanh, vì khi phổi bị viêm, sự trao đổi oxy ở phổi trở nên khó khăn hơn nên cơ thể rất dễ thiếu oxy. Trẻ phản ứng lại tình trạng này bằng cách tăng nhịp thở lên. Cha mẹ hoặc người chăm sóc có thể dễ dàng đánh giá nhịp thở của trẻ bằng cách vén áo để quan sát sự di động của lồng ngực hoặc bụng. Nếu trẻ thở nhanh, sự di động đó sẽ nhanh hơn những ngày trẻ bình thường. Điều quan trọng là phải quan sát lúc trẻ nằm yên hoặc ngủ. Nếu có đồng hồ với kim giây, ta có thể để đồng hồ gần bụng hoặc ngực của trẻ và đếm nhịp thở trong vòng 1 phút. Một trẻ có tình trạng thở nhanh nếu ta đếm được:

- 40 lần/phút trở lên đối với trẻ 1 – 5 tuổi.

- 50 lần/phút trở lên đối với trẻ từ 2 tháng đến 1 tuổi.

- 60 lần/phút trở lên đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi.

Nếu không thể đếm được nhịp thở của trẻ hoặc không thể phân biệt được trẻ có thở nhanh hơn ngày thường hay không, bà mẹ có thể vén áo trẻ lên và quan sát lồng ngực. Nếu thấy trẻ thở khác thường hoặc khi thở phát ra một tiếng bất thường nào đó, có thể trẻ đã bị viêm phổi.

Co rút lồng ngực cũng là một dấu hiệu của viêm phổi. Để phát hiện triệu chứng này, cần vén áo trẻ lên và nhìn vào phần ranh giới giữa ngực và bụng xem có dấu hiệu lõm khi trẻ hít vào hay không. Nên bế trẻ nằm ngang trên lòng mẹ hoặc đặt nằm ngang trên giường để quan sát dễ dàng và chính xác. Hiện tượng này phải thấy thường xuyên ở bất kỳ nhịp thở nào của trẻ khi trẻ nằm yên hoặc ngủ mới có giá trị; còn nếu chỉ thấy lúc trẻ quấy khóc hoặc khi cố gắng hít sâu thì không được coi là co rút lồng ngực. Trẻ có co rút lồng ngực là đã bị viêm phổi nặng, cần được đưa đến bệnh viện ngay. Trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là dưới 12 tháng tuổi rất dễ mắc các bệnh này. Bị cảm lạnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng như: viêm phổi, viêm tai giữa. Với những trẻ bị suyễn, suy dinh dưỡng... do sức đề kháng kém nên dễ bị bệnh hơn và khi bệnh cũng sẽ kéo dài và nặng hơn.

Chăm sóc cho trẻ

Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính là bệnh nhiễm khuẩn của đường thở, có hai loại: nhiễm khuẩn hô hấp trên (viêm nhiễm vùng tai mũi họng) và nhiễm khuẩn hô hấp dưới (viêm phế quản, viêm phổi...). Khi trẻ chớm bị cảm, ho, nên tiếp tục cho trẻ ăn thức ăn mềm, lỏng, chia nhỏ bữa ăn để tránh trẻ ho, ói. Nếu trẻ nhỏ cho bú nhiều lần hơn, uống nhiều nước từng ngụm nhỏ nhiều lần. Để giảm ho, đau họng thì nên trị bằng thuốc Nam (tắc chưng đường, mật ong, tần dày lá...) hoặc dùng thuốc điều trị sốt, khò khè... theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Nếu làm như trên quá 5 ngày không khỏi thì nên đưa trẻ đi khám bác sĩ. Chú ý, khi phát hiện các dấu hiệu trở nặng như khó thở hơn, thở nhanh hơn, không uống được, trẻ mệt hơn thì phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay. Không nên lạm dụng thuốc kháng sinh vì ngoài chuyện tốn kém còn có tác dụng phụ, về lâu dài gây tình trạng vi khuẩn đề kháng.

Với trẻ bị viêm phổi cần cho trẻ uống kháng sinh theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc, không tự ý ngưng kháng sinh dù trẻ có vẻ đã tốt hơn. Viêm phổi có thể khỏi dễ dàng sau 5 - 7 ngày điều trị nếu bệnh nhi không có những yếu tố nguy cơ (suy dinh dưỡng, bệnh tim bẩm sinh, bại não...).

Để phòng các bệnh về hô hấp trong mùa lạnh, quan trọng nhất là một chế độ nuôi dưỡng tốt, đủ dinh dưỡng, bú sữa mẹ, tiêm phòng đầy đủ, uống vitamin A theo hướng dẫn, giữ cho trẻ thoáng mát khi trời nóng và ấm áp khi trời lạnh; tránh nơi ô nhiễm, khói bụi.

(Theo SKDS)