Lưu trữ cho từ khóa: nhãn cầu

Iran: Kỳ lạ bệnh nhân mọc lông trên nhãn cầu

Một khối u hiếm đã tạo điều kiện cho các nang lông mọc trên nhãn cầu của một bệnh nhân ở Iran, và các nhà nghiên cứu gọi nó là tình trạng “nhãn cầu lông”.

Chuyên san New England Journal of Medicine đăng tải báo cáo về trường hợp một thanh niên 19 tuổi được sinh ra với khối u rất hiếm gọi là limbal dermoid, tức u nang bì màng kết. Dù đây là u lành tính, nó dần dần tăng trưởng thành kích thước 5 mm, mà theo đánh giá của tiến sĩ Richard Meetz thuộc Đại học Indiana (Mỹ), nó to gấp 2 lần kích thước thường thấy trong các trường hợp tương tự. Theo các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Khoa học y khoa Tabriz (Iran), khối u nang bì màng kết về lâu dài đã tạo điều kiện cho vài cọng lông đen mọc dài ra khỏi nhãn cầu của người bệnh.

Dù chẳng bị đau gì cả và tình trạng này chỉ khiến hơi mờ mắt, bệnh nhân quyết định tiến hành phẫu thuật lấy khối u vì lý do thẩm mỹ. Sau khi tách khối u khỏi nhãn cầu, các bác sĩ cho hay khả năng nhìn của người này ít nhiều được cải thiện, đặc biệt về độ sắc bén của tầm nhìn. Trước khi được phẫu thuật, mắt trái của bệnh nhân có thị lực bình thường ở mức 20/20, nhưng khả năng nhìn của mắt phải chỉ còn 20/60, tức mắt phải chỉ nhìn được vật thể cách xa 6 m, trong khi người bình thường đứng xa đến 18 m vẫn còn thấy.

nhancau.jpg;pvbe31117ddac9b006
Ca “nhãn cầu lông” mới đây tại Iran – Ảnh: NEJM

Trong khi các khối u nang bì màng kết khá hiếm, với tỷ lệ 1:10.000, giới bác sĩ mắt có thể ghi nhận được từ 1 đến 2 ca trong suốt quãng đời nghề nghiệp của họ, theo bác sĩ Mark Fromer của Trung tâm mắt Fromer ở TP.New York (Mỹ). Bác sĩ Fromer, không tham gia điều trị ca ở Iran, cho hay những khối u dạng này thường chứa mô xuất hiện ở những phần khác trên cơ thể. Trong trường hợp đặc biệt trên, cũng như ở các ca u nang bì màng kết khác, nang lông hiện diện và dần mọc lông trực tiếp trên khối u ở nhãn cầu. Theo bác sĩ Fromer, các khối u cũng có thể chứa sụn và tuyến mồ hôi thay vì nang lông, và trong trường hợp cực hiếm, chúng mọc… răng, dù trên thực tế chưa phát hiện ca nào có răng trong mắt.

Chuyên gia Mỹ bổ sung rằng dạng khối u như trên có thể làm mờ tầm nhìn, nhưng nó thường không phủ lên giác mạc mắt, trong trường hợp này có thể dẫn đến tình trạng mù lòa sau đó. Các bệnh nhân thường phẫu thuật bỏ khối u trong mắt vì mục đích thẩm mỹ chứ không phải nhằm cải thiện thị lực. Bác sĩ Fromer cũng cho biết ông đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ bị chứng “nhãn cầu lông”, và người đó không muốn lấy nó ra. “Khối u không tăng trưởng hay thay đổi, và nó không gây phiền hà gì cho cô ấy”, chuyên gia Fromer nói.

(Theo Thanhnien)

Làm cách nào để tránh bệnh viêm giác mạc?

Cho cháu hỏi viêm giác mạc có nguy hiểm không và có dễ bị viêm giác mạc không? Làm thế nào để bảo vệ mắt tránh được bệnh này?Hoàng Thùy (Hà Nội)

Viêm giác mạc là một bệnh lý nguy hiểm vì nó có thể gây ra mù lòa, thậm chí có trường hợp dẫn tới thủng giác mạc phải bỏ nhãn cầu. Giác mạc là một màng mỏng trong suốt chỉ dày 0,5mm. Giác mạc lại tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài nên rất dễ bị tổn thương. Vì vậy, để có đôi mắt khỏe mạnh, giác mạc trong suốt thì cháu cần tránh tất cả các chấn thương có thể vào mắt.

Khi đi đường, cháu nên đeo kính bảo vệ mắt. Nếu làm các công việc có nguy cơ gây chấn thương cho mắt như khi tuốt lúa, hàn xì… càng cần phải đeo kính bảo vệ. Khi có các dấu hiệu khó chịu ở mắt, cháu không nên tự ý mua thuốc để nhỏ mắt mà cần phải đi khám tại các phòng khám chuyên khoa về mắt.

Khi đã bị viêm giác mạc bệnh nhân cần phải được khám và điều trị kịp thời tại các bệnh viện chuyên khoa mắt, tránh các biến chứng gây tổn hại thị lực.

BACSI.com (Theo Sức khỏe & Đời sống)