Lưu trữ cho từ khóa: nghiền nát

Cách đơn giản giữ hoa tươi lâu

Theo nhiều nghiên cứu, cắm hoa tươi trong nhà sẽ mang lại nhiều may mắn và cũng sẽ làm giảm mức độ căng thẳng cho bạn. Nếu bạn thích hoa tươi, hãy mua một chiếc bình thật đẹp và trang trí cho ngôi nhà của bạn.

Xét ở một khía cạnh khác, việc cắm hoa tươi trong chiếc bình có vẻ như sự lãng phí tiền vì tuổi thọ của những bông hoa này rất ngắn. Vì vậy, nhiều người đang có xu hướng chuyển sang dùng hoa giả để trang trí cho ngôi nhà của họ.

Trang Boldsky đã tập hợp một số biện pháp khắc phục tốt nhất để hoa đã cắt tươi lâu hơn khi được cắm trong bình.

1-1811-1380178938.jpg
Ảnh minh họa: Boldsky.

Cho thuốc aspirin vào nước cắm hoa

Nếu bạn nghiền nát một vài viên thuốc aspirin và cho vào bình cắm hoa tươi, nồng độ axit trong nước sẽ tăng lên, và nó sẽ được ngấm lên thân cây. Điều này sẽ giúp cho hoa tươi lâu hơn.

Cho đồng xu vào bình hoa

Một đồng xu để trong bình cắm sẽ làm cho hoa tươi và kéo dài. Lý do là kim loại hoạt động như chất kháng khuẩn tự nhiên, giúp cuống hoa lâu bị thối.

Đổ Listerine vào nước

Nếu bạn muốn bình hoa giữ được lâu trong nhà, một trong những lời khuyên bạn có thể làm theo là hãy nhỏ vài giọt Listerine vào trong bình. Chúng sẽ giúp diệt vi khuẩn, các mảng bám và mùi hôi trong bình hoa.

Dùng thuốc tẩy

Một muỗng canh thuốc tẩy đổ vào nước cắm hoa sẽ làm điều kỳ diệu để giữ cho hoa tươi lâu hơn. Thuốc tẩy có tác dụng ngăn chặn nấm mốc.

Cho giấm trắng vào bình trước khi cắm hoa

Một trong những cách tốt nhất để giữ hoa tươi lâu là hãy thêm giấm trắng vào bình hoa khoảng một phút trước khi cắm. Giấm trắng và nước hoạt động như một chất xúc tác để ngăn chặn những bông hoa bị héo úa sau ngày thứ ba.

Thêm đường vào bình hoa

Thêm một muỗng canh đường vào bình hoa sẽ làm cho hoa tươi lâu hơn vì đường giúp gia tăng quá trình quang hợp. Nhưng một bất lợi của mẹo này là nó thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể thử giữ hoa tươi lâu bằng cách này.

Lan Lan (theo Boldsky)

5 loại trái cây duy trì làn da tươi trẻ

Năm tháng trôi qua, da bạn cần nhiều thời gian để được chăm sóc hơn. Thay vì đi tới spa đắt đỏ, bạn có thể khai thác triệt để công dụng chăm sóc da tuyệt vời của các loại trái cây. 5 loại trái cây dưới đây có thể mang lại lợi ích tương tự bất cứ loại kem dưỡng da nào. 

1. Chuối

Ảnh: stawojo
Hỗn hợp chuối nghiền nát trộn mật ong mang lại nhiều lợi ích cho làn da. Ảnh: stawojo

Chuối chứa các chất chống oxy hoá và dưỡng chất như vitamin A, B, C, magie, kali và folate. Loại trái cây này giúp chữa da khô và nứt nẻ, dưỡng ẩm và cung cấp chất dinh dưỡng cho da, làm chậm quá trình lão hóa. Chuối nghiền nát trộn với một ít mật ong là một hỗn hợp tuyệt vời cho da.

2. Quả bơ

Bơ có thể trộn với dầu oliu thành mặt nạ dưỡng ẩm. Ảnh: tastespotting
Bơ có thể trộn với dầu oliu thành mặt nạ dưỡng ẩm. Ảnh: tastespotting

Bơ có khả năng chuyển tinh chất ẩm nhanh chóng lên da. Gọt vỏ, bỏ hạt và nghiền nhuyễn một quả bơ, trộn với một muỗng dầu oliu và mặt nạ dưỡng ẩm da cho bạn đã sẵn sàng. Đắp hỗn hợp này khắp mặt và cổ trong vòng 15 phút sau đó rửa lại với nước ấm và vỗ nhẹ.

3. Quả đu đủ

Do chứa nhiều vitamin A và papain (một loại enzim), đu đủ mang lại tác dụng chống oxy hóa tuyệt vời, giúp loại bỏ chất độc trên da và đem lại vẻ mặt rạng rỡ. 

Đu đủ Ảnh: tropicalfruitnursery
Đu đủ có thể kết hợp với sữa, mật ong thành mặt da dưỡng da hoàn hảo. Ảnh: tropicalfruitnursery

Chỉ cần đắp đu đủ đã nghiền lên mặt và cổ, nhắm mắt và thư giãn trong vòng vài phút. Rửa sạch với nước ấm sau đó rửa tiếp với nước lạnh. Để mang lại tác dụng dưỡng ẩm tốt hơn, trộn thêm một ít sữa và mật ong. Và bạn có biết rằng, thậm chí cả da đu đủ cũng có chứa những dưỡng chất nuôi dưỡng da. Sau khi gọt vỏ bạn có thể chà phần vỏ ẩm bên trong lên da sau đó rửa sạch. Bạn sẽ cảm nhận một làn da hoàn toàn tươi mới.

4. Cà chua

Nước ép cà chua là nguồn dinh dưỡng vàng. Nhưng bạn đã từng thử mặt nạ cà chua để làm làn da trở nên căng mịn và tươi sáng? Cà chua có thể làm giảm vết thâm và mụn đầu đen, thu nhỏ lỗ chân lông.

tomato-and-parsley-1600x1200-1-137606546
Cà chua có thể trộn với bột yến mạch hoặc nước chanh để làm thành mặt nạ làm sạch da hiệu quả. Ảnh: hydroponicsguides

Trộn cà chua xay nhuyễn với một ít bột cháo yến mạch làm mặt nạ tẩy tế bào chết; trộn nước chanh với cà chua nghiền nhuyễn và bạn đã có mặt nạ làm sạch da, rất dễ dàng và hiệu quả.

5. Dâu tây

Sức mạnh chống oxy hóa của dâu tây có thể giúp da bạn thách thức với thời gian. Những quả mọng xinh xắn này hỗ trợ các mô liên kết, khôi phục da từ bên trong.

Dâu tây có thể kết hợp với sữa chua. Ảnh: paperdollsdiary
Dâu tây có thể kết hợp với sữa chua. Ảnh: paperdollsdiary

Nghiền nát 8 đến 10 quả dâu và trộn với một muỗng sữa chua. Đắp mặt nạ lên mặt và rửa sạch sau khoảng 20 phút. Da bạn sẽ trở nên cực kỳ mềm mịn và rạng rỡ.

Thu Hiền (theo Care 2)

Chữa viêm mũi dị ứng bằng kinh nghiệm dân gian

Hoa ngũ sắc tươi 1 cái, lá khế tươi 2 cái, lá bạc hà tươi 2 cái. Ba thứ rửa thật sạch, nghiền nát, gói vào gạc rồi nút vào lỗ mũi…

Trong y học cổ truyền, viêm mũi dị ứng thuộc phạm vi các chứng “tỵ cừu”, “tỵ trất”… Thông thường, người ta căn cứ vào các triệu chứng cụ thể mà phân thành nhiều thể bệnh khác nhau và tiến hành trị liệu theo nguyên tắc “biện chứng luận trị” của y học cổ truyền.

Về mặt kinh nghiệm dân gian, cũng có khá nhiều bài thuốc và phương pháp trị liệu viêm mũi dị ứng, có thể dẫn ra một số ví dụ điển hình như sau.

Phương pháp dùng thuốc

Bài 1: Hoa ngũ sắc (cứt lợn tím) tươi 1 cái, lá khế tươi 2 cái, lá bạc hà tươi 2 cái. Ba thứ rửa thật sạch, nghiền nát, gói vào gạc rồi nút vào lỗ mũi từng bên, mỗi bên 15 phút.

Bài 2: Hoa cứt lợn tím tươi 10 cái rửa thật sạch, nghiền nát ngâm với 10ml cồn 70o rồi lọc qua gạc sạch để được một dung dịch màu xanh. Mỗi ngày dùng bông gòn tẩm ướt cồn thuốc rồi đặt vào lỗ mũi từng bên, mỗi bên 10 phút.

Bài 3: Lá cóc mẳn (nga bất thực thảo) lượng vừa đủ, rửa thật sạch, giã nát rồi nút vào lỗ mũi từng bên, mỗi bên 10 phút.

Bài 4: Lá cóc mẳn 65g, tân di 15g, sắc lấy nước, lọc qua gạc sạch rồi nhỏ vào lỗ mũi, mỗi ngày ba lần.

Bài 5: Kim ngân hoa 20g, ké đầu ngựa 10g, bèo cái tía 30g, sắc với 300 ml nước lấy 50 ml chia 2 lần uống trong ngày.

Bài 6: Tân di 60g, ké đầu ngựa 12g, bạch chỉ 6g, hành 90g. Tất cả rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô, tán bột rồi trộn thêm với một chút bột thạch cao, bột băng phiến và bột lô cam thạch. Mỗi ngày, buổi trưa và tối trước khi đi ngủ, rửa sạch khoang mũi bằng nước muối sinh lý rồi dùng bông y tế chấm bột thuốc vào trong lỗ mũi.

Bài 7: Dịch ép tỏi 1 phần, mật ong 2 phần, hai thứ hoà đều, nhỏ mũi 3 lần mỗi ngày.

Hoa ngũ sắc trị viêm xoang, viêm mũi rất hiệu quả

Bài 8: Tổ ong 1 miếng, nhai nát nuốt nước bỏ bã, mỗi ngày 2 – 3 lần.

Bài 9: Dây mướp (ty qua đằng), lấy đoạn gần gốc khoảng 1 cm, thịt lợn nạc 60g. Tất cả rửa sạch, thái nhỏ, nấu chín dùng làm canh ăn hàng ngày, 5 ngày là một liệu trình, dùng liên tục ba liệu trình.

Bài 10: Tân di 15g, trứng gà 2 quả. Cho tân di vào nấu với 2 bát nước lấy 1 bát, trắng gà luộc chín bỏ vỏ, chích 10 lỗ xung quanh rồi cho vào đun với nước sắc tân di, uống nước ăn cái.

Bài 11: Óc lợn 1 đôi, trứng gà 2 quả, hai thứ đánh đều, gia thêm một chút đường phèn và rượu lâu năm rồi hấp ăn.

Phương pháp không dùng thuốc

Cách 1: Dùng 2 ngón tay trỏ hướng vào hai bên lỗ mũi ấn đẩy lên xuống hai huyệt nghinh hương (sát cạnh cánh mũi) làm cho hai lỗ mũi lúc thu hẹp lại, lúc phồng ra đồng thời hít vào mạnh, tắc bên nào hít mạnh bên đó, thở ra đường miệng. Nếu hai lỗ mũi vẫn tắc dùng ngón trỏ và ngón tay cái cùng bên cầm đầu chót mũi lắc qua lắc lại, vừa lắc vừa hít mạnh cho đến khi thật thông thì thôi. Cuối cùng, dùng ngón tay cái để vào đầu mũi phía sát đường nhân trung môi trên bật ngược mũi lên 5 – 7 lần. Mỗi ngày làm 3 – 7 lần.

Cách 2: Dùng 1 tép tỏi giã nát đắp vào huyệt dũng tuyền, mỗi tối 1 lần. Cách xác định huyệt dũng tuyền : lấy ở điểm nối 2/5 trước và 3/5 sau của đoạn nối giữa đầu ngón chân thứ 2 (kể từ ngón cái) và điểm giữa bờ sau gót chân, trong chỗ lõm ở gan bàn chân.

Để nâng cao hiệu quả trị liệu, có thể dùng kết hợp các bài thuốc và các phương pháp với nhau. Thông thường, người ta hay dùng kết hợp một bài thuốc uống, một bài thuốc nhỏ mũi với một phương pháp không dùng thuốc.

ThS Hoàng Khánh Toàn

Theo Suckhoedoisong.vn

Nấm miệng Candida ở trẻ em

Nấm miệng Candida là bệnh thường gặp khiến trẻ phải đến khám tại phòng khám Nhi, cũng như phải mua thuốc tại hiệu thuốc tây. Bệnh phát hiện tình cờ qua khám, hay do triệu chứng khó chịu cho bé mà bà mẹ mang bé đến khám.

1. Nấm Candida có đặc điểm gì ?

  • Bình thường nấm Candida thường trú trên cơ thể và không xâm lấn gây bệnh;
  • Có 40% – 60% dân số là người lành mang Candida trên cơ thể;
  • Candida bình thường tồn tại ở da, hệ tiêu hóa, cơ quan sinh dục nữ… và có nhiều chủng khác nhau, trong đó chiếm tỉ lệ cao nhất là chủng Candida albicans chiếm 70%;
  • Trẻ thường nhiễm Candida trong lúc sinh khi mẹ bị nấm Candida âm đạo lúc mang thai;
  •  Nấm Candida có ở 0,5% – 20% nhũ nhi khỏe mạnh và 50% trẻ nhiễm HIV-AIDS.

2. Yếu tố thuận lợi cho nấm Candida ở miệng phát triển?

  • Hệ miễn dịch của trẻ chưa trưởng thành;
  • Vệ sinh miệng kém, đặc biệt bé mang dụng cụ chỉnh nha gây khó khăn trong vệ sinh răng miệng;
  • Trẻ bị nhiễm HIV- AIDS, ung thư, tiểu đường, suy dinh dưỡng…
  • Dùng corticoid, kháng sinh kéo dài, thuốc ức chế miễn dịch, hóa trị ung thư…
  • Chấn thương tại chỗ.

3. Nấm Candida miệng gây triệu chứng gì?

  • Không triệu chứng, hoặc tình cờ phát hiện thấy mảng trắng trên niêm mạc má hay lưỡi;
  • Trẻ biếng ăn;
  • Đau rát họng, nôn ói.

4. Khám miệng bé bị nấm miệng Candida thấy gì?

  • Các mảng trắng như sữa, hay kem, phủ trên nền hồng ban dính chặt niêm mạc lưỡi, má… khó bóc tách;
  • Đa số dạng giả mạc trắng, một số dạng bạch sản, tăng sản lưỡi, hay dạng viêm lưỡi có dạng hình thoi ở giữa lưỡi. Trẻ dùng corticoid hít trong dự phòng suyễn mà không súc miệng sau xịt có thể bị nấm miệng dưới dạng hồng ban thường thấy ở vòm họng.

Hồng ban ở vòm họng và viêm lưỡi dạng hình thoi giữa lưỡi

5. Điều trị nấm miệng ở trẻ nhũ nhi khỏe mạnh như thế nào?

  • Tăng cường vệ sinh răng miệng và loại bỏ yếu tố thuận lợi cho nấm Candida ở miệng phát triển;
  • Nystatin tại chỗ là chọn lựa an toàn;
  • Miconazole oral gel rơ miệng hiệu quả hơn nystatin và mùi vị được trẻ chấp nhận tốt hơn. Hơn nữa dạng gel thuận tiện cho bà mẹ trong sử dụng;
  • Tuyệt đối không dùng mật ong rơ lưỡi cho trẻ, nhất là trẻ nhũ nhi nhỏ hơn 1 tuổi vì trong mật ong có thể chứa bào tử clostradium botulinum, có thể chuyển dạng thành vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm cho trẻ.

Điều trị đẹn (tưa lưỡi) do nấm Candida albican gây ra (Nguồn hình: Công Ty Janssen Cilag VN)

6. Rơ miệng thế nào cho hiệu quả và dễ chịu cho bé ?

Vì rơ miệng có thể kích thích khiến trẻ dễ nôn ói, nên việc này thực hiện tốt nhất là lúc bụng bé đói hay trống thức ăn, và nên theo các trình tự sau:

  • Vệ sinh tay mẹ thật sạch sẽ;
  • Lấy miếng gạc rơ miệng quấn quanh ngón tay (ngón chọn để rơ miệng phải có kích cỡ phù hợp độ rộng của miệng bé), nhúng miếng gạc rơ miệng trong nước sôi để nguội để làm mềm miếng gạc, nhằm tránh ma sát làm đau bé;
  • Dùng miệng gạc thấm thuốc chống nấm nystatin đã được nghiền nát hay Miconazole oral gel với lớp mỏng, vừa đủ;
  • Nếu trẻ bị nấm miệng nhiều nơi, thì nên rơ theo thứ tự: hai bên má trước, sau đó đến vùng khẩu cái trên miệng, và lưỡi rơ sau cùng. Mẹ nên rơ từ ngoài vào trong để giảm thiểu nguy cơ nôn ói cho trẻ.