Lưu trữ cho từ khóa: nghệ vàng

Nghệ vàng còn được dùng làm vị thuốc

Nghệ không chỉ làm gia vị để tạo màu cho món ăn mà đặc biệt nghệ còn dùng để làm thuốc, có nhiều loại nghệ nhưng công dụng nhất là loại nghệ vàng.

Nghệ có tên curcuma longa Linn thuộc họ gừng, thân rễ nghệ vàng chứa tinh dầu, ngoài ra còn có chất curcumin… Theo y học cổ truyện, nghệ vàng được phân làm hai vị thuốc. Thân rễ to được gọi là khương hoàng, các củ nhỏ mọc ra từ thân rễ được gọi là uất kim. Uất kim thường có màu đỏ hơn.

Khương hoàng có vị cay, đắng, tính ấm với công năng hành khí, phá huyết ứ, thông kinh, chỉ thống, tiêu mủ, sinh cơ. Dùng trị kinh nguyệt không đều, bế kinh, đau tức sườn ngực, khó thở, phụ nữ sau đẻ máu xấu không sạch, kết hòn cục, hoặc ứ huyết, sang chấn, té ngã, vết thương lâu liền miệng… Ngày dùng 6 – 12g dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột. Còn uất kim có vị cay, đắng hơi ngọt, tính hàn với công năng hành khí, hóa ứ, thanh tâm, giải uất, lương huyết. Dùng trị can khí uất kết, viêm gan mật, tắc mật, huyết ứ, xuất huyết đường tiêu hóa. Ngày dùng 3 – 9g dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột.

Bác sỹ Lê Đắc Quý, Hội Đông y Hà Nội cho biết, nghệ có tác dụng nhuận gan, lợi mật, sát khuẩn, sát trùng. Với y học hiện đại nghệ vàng có tác dụng ức chế virus, chống oxy hóa.

ngehvang1

GS. TS Đào Văn Phan, nguyên Trưởng Bộ môn Dược lý (Trường Đại học Y Hà Nội) cho biết, nghệ vàng là cây thuốc quý được đánh giá cao trong số vô vàn các cây thuốc cổ truyền. Hoạt chất chính tạo nên màu vàng và tác dụng của nghệ là curcumin. Nhiều nghiên cứu trên thực nghiệm và lâm sàng đã chứng minh curcumin có nhiều hoạt tính sinh học quý như chống viêm, chống ung thư, bảo vệ gan, thận…Củ nghệ không chỉ có tác dụng phục hồi sức khỏe cho phụ nữ sau sinh, bệnh nhân viêm loét dạ dày, tá tràng mà nó còn có hiệu quả mạnh mẽ lên hầu hết các bệnh mạn tính như: ung thư, các bệnh tim mạch, gan mật, Alzheimer, mỡ máu…

Trong đông y, nghệ vàng dùng để chữa dạ dày, chữa vết thương lở loét, hoặc là trường hợp phụ nữ sau khi sinh khí huyết kém, da dẻ không được tươi sáng, hồng hào. Nhiều người đã dùng bột nghệ bôi khắp cơ thể, giúp cho da đàn hồi tốt và khí huyết lưu thông.

– Hòa nghệ vàng với sữa, sữa chua để bôi lên mặt giúp cho da hồng hào hơn.

– Bột nghệ hòa với mật ong để chữa bệnh loét dạ dày, tá tràng.

– Bột nghệ rất tốt cho da, đối với các vết thương, bột nghệ giúp da mau liền, mau lên da non và không để lại sẹo.

Cách cách làm đẹp từ nghệ tươi

– Nghệ tươi rửa sạch, thái lát mỏng sau đó giã nhuyễn. Khi nghệ đã nhuyễn bạn cho vào chén và trộn thêm 1 muỗng dầu mè. Trộn đều hỗn hợp và đắp lên mặt và giúp da mịn màng, tươi sáng.

– Nghệ tươi rửa sạch, xay nhỏ lọc lấy nước hòa với mật ong, hoặc sữa tươi uống ngày 2 lần, giúp nhanh chóng phục hồi sức khỏe cho phụ nữ sau khi sinh, dưỡng nhan sắc, giúp da mịn màng.

– Trị đau dạ dày: Nghệ rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô sau đó tán thành bột mịn hòa cùng với mật ong, viên lại thành những viên nhỏ. Mỗi ngày dùng một ít và dùng liên tục trong vòng 1 tháng sẽ giúp bạn hết bị đau dạ dày

ngehvang

Nghệ vàng có nhiều công dụng chữa bệnh thần kỳ.

Một số bài thuốc từ nghệ vàng

Kinh nguyệt không đều: Nghệ vàng, xuyên khung, đào nhân, mỗi vị 8g; ích mẫu, kê huyết đằng, mỗi vị 16g; sinh địa 12g. Sắc uống ngày một thang. Uống liền 2 – 3 tuần, trước khi có kinh. Uống vài ba liệu trình cho đến khi các triệu chứng ổn định.

Đau bụng kinh: Uất kim 15g, huyền hồ 10g. Cả hai đều chích giấm. Sắc uống ngày một thang, chia 3 lần, uống trước bữa ăn. Uống 2 – 3 tuần.

Trướng bụng, đau bụng: Khương hoàng hoặc uất kim, hương phụ, sài hồ, đồng lượng 9 – 12g. Sắc uống hoặc làm thuốc bột, ngày một thang, uống trước bữa ăn 1 – 1,5 giờ.

Viêm gan virus cấp tính: Nghệ 12g; nhân trần, bồ công anh, bạch mao căn mỗi vị 40g; chi tử 16g; đại hoàng, hoàng liên mỗi vị 9g. Sắc uống, ngày một thang, chia 3 lần, trước bữa ăn. Uống liền 3 – 4 tuần lễ.

Viêm gan mãn tính: Nghệ 4g; côn bố, đình lịch tử mỗi vị 12g; hạt bìm bìm, hải tảo mỗi vị 10g; quế tâm 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 3 lần uống trước bữa ăn.

Sỏi gan, sỏi mật: Uất kim, phèn chua đồng lượng 10g. Hai vị tán bột uống ngày một thang, trước bữa ăn. Nếu có mật gấu gia thêm thì càng tăng công hiệu.

Mụn nhọt: nghệ vàng 100g, củ ráy dại 150g, dầu vừng 150g, nhựa thông, sáp ong 70g. Nghệ và củ ráy gọt vỏ, thái mỏng, giã nát. Cho hỗn hợp này vào dầu vừng nấu nhừ. Lọc bỏ bã, thêm nhựa thông, sáp ong vào đun nóng cho tan, quấy đều để nguội, phết lên giấy bản, dán vào mụn nhọt.

Theo Vnmedia.vn

Nghệ vàng chống ôxy hóa

Nghệ vàng là một loại cây thuộc họ gừng (Zingiberaceae). Củ nghệ chứa 4%-6% tinh dầu màu vàng nhạt, mùi thơm (ở nghệ tươi lên tới 2,24%) với thành phần gồm 25% carbur terpenic, zingiberen và 65% ceton sesquiterpenic, các chất turmeron, arturmeron; ngoài ra còn có các chất curcuminoid, trong đó có curcumin (0,3%-1,5%) desmethoxycurcumin.

nghe vang

Curcumin là chất chống ôxy hóa mạnh, có khả năng tiêu diệt các gốc tự do và các loại men hại gây ung thư có trong thức ăn, nước uống hằng ngày. Curcumin có thể tách tế bào ung thư ra khỏi các phân tử ADN, làm vô hiệu hóa và ngăn chặn sự hình thành mới của tế bào bệnh mà không làm cho các tế bào lành bị ảnh hưởng. Những nghiên cứu gần đây cho thấy curcumin còn có tác dụng kháng HIV.

Khi các nhà nghiên cứu làm thí nghiệm trên chuột có đối chứng về ung thư vú thì thấy curcumin kiềm chế sự phát triển của protein có vai trò then chốt trong việc hình thành và lan tỏa u di căn. Trong việc phòng bệnh Alzheimer, curcumin cũng tỏ ra có hiệu quả.

Đông y cho rằng nghệ vàng vị đắng, cay, thơm, hắc, tính ấm, làm thông kinh, chỉ thống, tiêu mủ, kích thích lên da non, thông gan mật, hủy cholesterol máu. Tinh dầu nghệ diệt nấm, kháng khuẩn.

Cho đến nay nghệ vẫn là loại gia vị tốt, đồng thời là vị thuốc có công hiệu trị liệu được nhiều bệnh. Trong nhiều thế kỷ, người dân vẫn thường sử dụng nghệ như là một chất khử trùng cho các vết thương, vết bỏng, vết bầm tím và là một liều thuốc làm đẹp da cho phụ nữ, đặc biệt sau khi sinh, làm lành vết thương. Nghệ vàng còn được sử dụng vào việc điều trị bệnh viêm mũi, viêm xoang dị ứng.

Mặc dù vậy, cũng không nên lạm dụng nghệ. Dùng nghệ cũng phải có liều lượng, chỉ nên dùng khoảng từ 300-500 g/ngày. Nghệ tuy là liều thuốc khá an toàn nhưng nếu sử dụng tùy tiện có thể gây đau bụng và tiêu chảy. Nếu cần sử dụng nghệ nén hoặc nghệ viên như là một phương thuốc bổ sung cho sức khỏe thì nên nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ.

Bác sĩ Hoàng Xuân Đại

Theo NLD

Thuốc hay từ nghệ vàng

Nghệ vàng còn có các tên gọi khác khương hoàng, vị cay đắng, tính bình, có tác dụng hành khí, hoạt huyết, làm tan máu, tan ứ và giảm đau.

Uất kim (củ con của cây nghệ) vị cay ngọt, tính mát, làm mát máu, an thần, tan máu ứ, giảm đau. Theo Sách Đông y bảo giám, nghệ vàng có tác dụng phá huyết, hành khí, thông kinh, chỉ thống (giảm đau), chủ trị bụng chướng đầy, cánh tay đau, bế kinh, sau đẻ đau bụng do ứ trệ, vấp ngã, chấn thương, ung thũng...

Theo Nhật hoa tử bản thảo cho khương hoàng có tác dụng trị huyết cục, nhọt, sưng, thông kinh nguyệt, vấp ngã máu ứ, tiêu sưng độc, tiêu cơm.

Nghệ có tác dụng chữa nhiều bệnh

Một số bài thuốc trị bệnh có nghệ

Trị cảm cúm: Lấy củ nghệ cái (củ chính) rửa sạch, gọt vỏ, thái lát mỏng cho vào chén giã nhỏ, rồi cho ít nước sôi vào để ngâm vài phút. Sau đó gạn lấy nước uống, xác nghệ còn lại cho vào ít giấm ăn, khuấy đều rồi dùng xoa khắp người để giúp trị cảm cúm. Những trường hợp bị dính mưa, nắng biểu hiện muốn cảm cúm như người mệt mỏi, uể oải thì áp dụng cách trên cũng có thể phòng bệnh cúm.

Chữa ho: Củ nghệ tươi gọt vỏ, cắt nhiều lát mỏng. Chanh tươi gọt vỏ, cắt lát mỏng, lượng bằng với nghệ (chừng 6-7 lát). Củ gừng tươi cũng rửa sạch, cắt lát mỏng nhưng lượng bằng một nửa nghệ. 3 nguyên liệu ấy cho vào bát cùng một ít nước sôi và hai thìa mật ong (hoặc hai thìa đường phèn) rồi đem hấp cách thủy, dùng nước này uống để chữa ho rất tốt. Có thể dùng luôn cả xác càng tốt.

Chữa vết bầm tím  do ngã: Phương pháp dùng nghệ chữa ho nói trên còn dùng cho cả trường hợp bị va chạm, ngã gây bầm tụ huyết, sưng, đau tức. Ngoài ra, từ xưa dân gian còn dùng phương pháp lấy củ nghệ tươi giã nát cùng phèn chua để đem xoa bóp lên vết thương, vết bầm tím do ngã cũng rất có hiệu quả. 

Chữa sẹo do mụn: Những người mặt thường nổi mụn trứng cá, thường hay nặn, hay hút mụn, trên thường để lại sẹo nhỏ; hoặc các vết trầy xước để lại sẹo, vết lõm thì có thể dùng củ nghệ tươi, gọt bỏ vỏ, giã nhuyễn, hòa cùng ít nước vo gạo rồi bôi lên chỗ sẹo.

Hỗ trợ điều trị đau dạ dày: Dùng bột nghệ trộn với mật ong để hỗ trợ điều trị đau dạ dày.

Theo BS Thanh Lan

Meo.vn (Theo Suckhoedoisong)

Người sa tử cung nên ăn gì?

Sa tử cung là gì?

Sa vách âm đạo xảy ra khi các cơ vùng chậu yếu đi khiến cho nhiều cơ quan vùng chậu tuột xuống âm đạo. Các cơ quan này gồm: bàng quang, trực tràng và niệu đạo, nhưng cơ quan hay bị sa nhất là tử cung. Tử cung bị tuột xuống đẩy vách âm đạo xuống. Nếu nặng cổ tử cung có thể nhô ra khỏi âm đạo.

Nếu trực tràng phồng lên phía vách sau âm đạo được gọi là sa trực tràng. Niệu đạo phồng lên phía vách trước âm đạo là sa niệu đạo và bàng quang tuột xuống phía trước vách âm đạo là sa bàng quang.

Đau lưng, đau nhiều trong suốt thời gian giao hợp hoặc không thể đạt được cực khoái; tiểu tiện không tự chủ do căng thẳng thần kinh; cảm giác bị trì xuống trong vùng chậu; sa niệu đạo hay mót đi tiểu; sa bàng quang hay mót tiểu, có triệu chứng đau và nóng rát trong lúc đang tiểu giống như viêm bàng quang; sa trực tràng, khi đại tiện thấy khó chịu, khó đi ngoài.


Các bài thuốc đơn giản chữa sa tử cung:

- Rễ đào 60g, sắc uống ngày 2 lần.

- Rễ bạch bối 30g sắc uống ngày 2 lần.

- Vỏ chấp 30g, nghệ vàng 15g, một ít đường đỏ, sắc uống ngày 2 lần.

- Sâm 10g, hoài sơn 12g, ngô thù du 10g, đỗ trọng 12g, thăng ma 6g, sài hồ 5g, phúc bồn tử 12g, chi tử 10g, đương quy 10g. Sắc uống ngày 2 lần.
Củ nghệ và vừng đen.

Các món ăn hỗ trợ:

- Ruột lợn (lòng già) 250g, vừng đen 100g, thăng ma 9g. Rửa sạch lòng lợn, lấy vải màn gói lại cùng với vừng đen cho vào ruột lợn, cho vào nồi đất, đổ nước ninh nhừ, bỏ thăng ma, cho thêm gia vị. Ăn ngày 2 lần, ăn cái uống nước, mỗi tuần 2 - 3 lần.

- Cùi vải khô 200g, rượu vàng 1.000ml, ngâm sau 7 ngày lấy ra uống mỗi buổi sáng và buổi tối uống 30ml.

- Đầu ba ba từ 5-10 cái, rửa sạch, thái nhỏ, bỏ vào nồi đất sao vàng, nghiền thành bột, trước khi đi ngủ uống 3g với rượu.

Phải làm gì khi sa tử cung?

- Chú ý nằm nghỉ ngơi, khi ngủ kê cao mông hoặc chân giường kê cao hai hòn gạch; người gầy yếu sau khi sinh đẻ không nên lao động nặng sớm; tránh những động tác đè nén lên bụng như đứng lâu, ngồi lâu hoặc nín hơi…; giữ cho đại tiện dễ dàng, tránh táo bón; kịp thời điều trị những bệnh tật làm tăng áp lực đối với ổ bụng như: ho…; tăng cường dinh dưỡng, nên ăn những thức ăn có tác dụng bổ khí, bổ thận như: thịt gà, sơn dược, biển đậu, hạt sen, hạt súng, lươn, chạch, rau hẹ, đại táo; hạn chế sinh hoạt vợ chồng.

Chú ý: Người sa tử cung không lấy tay ấn vào âm đạo, không nên dùng băng đỡ tử cung, kể cả thời kỳ kinh nguyệt.

Nếu bộ phận sa xuống viêm nhiễm đau đớn, lở loét, chảy nước vàng hoặc chảy mủ, nên uống thuốc tiêu độc, rửa sạch phía ngoài, sau khi khỏi viêm nhiễm mới được dùng các phương pháp điều trị khác như phẫu thuật nếu sa độ 3, 4.   

Lương y Hoài Vũ

Meo.vn (Theo SKĐS)

Chữa viêm gan nhờ Đông y

Ở Việt Nam, viêm gan cấp, bán cấp chủ yếu là do virus, tuy có sự khác nhau về tác nhân gây bệnh, dịch tễ học, bệnh học và tiến triển, nhưng trên lâm sàng thường có các triệu chứng và hội chứng tương đối giống nhau.

Về tác nhân gây bệnh có thể do các loại virut A, B, C, D và F gây nên. Các bệnh viêm gan này đều được gọi chung là viêm gan virut.

Về đường lây viêm gan virut A, F lây chủ yếu theo đường tiêu hóa; virut B, C, D lây chủ yếu theo đường máu, do tiêm chích, đôi khi còn có thể lây theo đường nước bọt hay đường sinh dục hoặc lây truyền từ mẹ sang con qua rau thai. Tuy có sự khác nhau về đường lây và phương thức lây truyền, nhưng tất cả các bệnh viêm gan virut đều có đặc điểm chung là một bệnh truyền nhiễm, tức là có khả năng lây từ người bệnh sang người lành hoặc từ một người lan sang cả một cộng đồng người.

Về triệu chứng lâm sàng tuy có sự khác nhau do các tác nhân khác nhau gây nên, nhưng nhìn chung bệnh viêm gan virut điển hình đều có 4 giai đoạn:

Thời kỳ nung bệnh: Bệnh nhân không hề cảm thấy có triệu chứng gì khác thường.

Thời kỳ khởi phát (tiền vàng da) kéo dài từ 4 – 10 ngày, có các dấu hiệu chính như sốt nhẹ, mệt mỏi nhiều mặc dù không sốt cao, có dấu hiệu giả cúm và dấu hiệu rối loạn tiêu hóa. Lúc này xét nghiệm sẽ thấy men gan tăng cao hoặc rất cao, thường gấp trên 10 lần lúc bình thường, có khi tới trên 100 lần.

Thời kỳ toàn phát (vàng da) triệu chứng vàng da rõ ràng nhất, da vàng, mắt vàng, nước tiểu vàng sẫm, có thể kèm sốt cao hoặc sốt vừa. Ngoài ra bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi tăng hơn trước, rối loạn tiêu hóa, chán ăn đặc biệt sợ mỡ. Xét nghiệm trong giai đoạn này không phải để chẩn đoán mà chủ yếu để tiên lượng bệnh, do đó cần thăm dò 4 hội chứng của gan: Hội chứng hủy hoại tế bào gan, hội chứng ứ mật, hội chứng viêm và hội chứng suy tế bào gan.

Thời kỳ lui bệnh được biểu hiện bằng đi tiểu nhiều, tới 2 – 3 lít mỗi ngày, nước tiểu màu nhạt dần và vàng da cũng đỡ dần, bệnh nhân ăn uống ngon miệng, xét nghiệm sinh hóa cho thấy chức năng gan phục hồi dần. Tuy nhiên, ở một số người, vẫn mệt mỏi kéo dài, ăn uống khó tiêu, cảm giác ấm ách vùng thượng vị hoặc đau tức, nằng nặng vùng hạ sườn phải.

Đối với viêm gan B, xuất hiện kháng thể HBs Ag. Nếu xét nghiệm thấy HBs Ag kéo dài quá 4 tháng, phải nghĩ đến viêm gan mạn tính sau viêm gan virut B.

Về ăn uống, trong thời kỳ bị bệnh không nên ăn mỡ, ăn nhiều đường, ăn nhiều hoa quả tươi. Sau bị bệnh, ăn trở lại bình thường dần dần, nhưng rượu bia thì phải kiêng tuyệt đối ít nhất 6 tháng sau khi khỏi bệnh.

Về điều trị, cho đến nay Tây y vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu viêm gan virut. Song cả Tây y và Đông y đều cho rằng, nghỉ ngơi là rất cần thiết đối với bệnh viêm gan virut: Cần nằm nghỉ tuyệt đối trong thời gian vàng da và nghỉ dưỡng sức ít nhất 15 ngày sau khi hết vàng da, sau đó lao động vừa sức tăng dần để trở lại lao động bình thường.

Đối với bệnh viêm gan virut nói riêng, viêm gan vàng da nói chung, Đông y có nhiều bài thuốc chữa rất có hiệu quả. Đây không phải là những bài thuốc đặc trị theo từng loại bệnh mà chính là tăng cường chức năng gan, lập lại cân bằng, giúp chức năng gan trở lại trạng thái bình thường.

Đông y không phân thành bệnh viêm gan mà gọi chung là hoàng đản (chứng vàng da). Theo y văn, hoàng đản nguyên nhân chủ yếu do thấp nhiệt uất kết trong tỳ vị, ảnh hưởng đến can, sinh ra mắt vàng, mặt vàng rồi đến toàn thân đều vàng, nước tiểu vàng sẫm. Nếu độc khí của thấp nhiệt lưu lại không tiêu được sẽ làm cho càng ngày càng ăn kém, gan càng ngày càng to. Về phân loại, Đông y phân ra hai chứng hoàng đản: Dương hoàng và âm hoàng.

Dương hoàng: biểu hiện mặt, mắt vàng tươi sáng như màu quả quýt, da vàng nhuận, bệnh nhân cảm giác lợm giọng, nôn ọe, vùng thượng vị đau tức, nước tiểu đỏ và sẻn, có sốt, thân thể mệt mỏi, tinh thần uể oải, ăn kém, rêu lưỡi vàng nhờn, hoặc trắng mỏng, chất lưỡi đỏ.

Phép chữa là thanh nhiệt, lợi thấp.

Bài thuốc: Nhân trần 30g, vọng cách 20g, chi tử 10g, vỏ đại (sao vàng) 10g, ý dĩ 30g, thần khúc 10g, actisô 20g, cuống rơm nếp 10g, nghệ vàng 20g, mã đề 12g, mạch nha 16g, cam thảo nam 8g. Tất cả cho vào ấm đất với 500ml nước, sắc còn 150ml, chắt ra, cho nước sắc tiếp, lấy thêm 100ml, trộn chung cả hai lần, chia đều uống trong ngày, uống trước các bữa ăn. Uống liền 7 – 10 ngày.

Âm hoàng: Có triệu chứng mặt, mắt và da vàng hãm tối, bụng đầy, rối loạn tiêu hóa, vùng thượng vị, trung vị, hạ vị đều đau tức, không sốt, thân thể mệt mỏi, rêu lưỡi trắng mỏng, hoặc hơi vàng trơn, chất lưỡi nhợt nhạt.

Phép chữa là ôn hóa hàn thấp.

Bài thuốc: Nhân trần 30g, vọng cách 20g, gừng khô 8g, quế thông 4g, ý dĩ 30g, thần khúc 10g, actisô 20g, cuống rơm nếp 10g (sao), nghệ vàng 20g, củ sả 8g, mạch nha 16g, cam thảo nam 8g (sao). Sắc uống như bài trên.

Về phòng bệnh, hiện nay đã có vaccin của một số viêm gan virut nên tốt nhất là tiêm phòng. Phòng bệnh không đặc hiệu cần vệ sinh sạch sẽ, tạo thành thói quen rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và hết sức thận trọng khi truyền máu, truyền dịch, châm cứu, tiêm chích hoặc làm các thủ thuật khác như nhổ răng, phẫu thuật…

Đề phòng từ viêm gan cấp chuyển sang mãn tính bằng cách nghỉ ngơi, phù hợp khi bị bệnh, uống các bài thuốc Đông y nêu trên, lao động vừa sức, ăn uống hợp lý và đặc biệt phải kiêng rượu, bia ít nhất là nửa năm sau khi bệnh đã khỏi.

Theo SK&ĐS

Hòe mễ và hòe giác

Hòe mễ là nụ hoa và hòe giác là quả chín của cây hòe, tên khoa học là Stypnolobium japonicum (L.) Schott.

Trong dân gian, người ta phân biệt cây hòe nếp và cây hòe tẻ để chọn giống phát triển có lợi nhất. Kinh nghiệm thực tế cho thấy cây hòe nếp phát triển nhanh, cho nhiều cành màu lục nhạt khi còn non, có nhiều hoa to và đều, thường mọc ở ngọn thân cành, cuống ngắn, nở cùng một lúc, có màu nhạt, năng suất nụ hoa thường cao gấp 3-4 lần loại tẻ; quả dài 6cm, hạt dày. Còn cây hòe tẻ thường vồng cao, thân cành ít, màu lục sẫm lúc non, có hoa nhỏ thưa thớt, không đều, mọc cả ở kẽ lá và ngọn thân cành, cuống dài, nở rải rác làm nhiều đợt, có màu sẫm, năng suất nụ hoa thường thấp hơn; quả dài 5cm, hạt mỏng dẹt.

Hòe mễ được  dùng từ lâu đời trong y học cổ truyền. Vào tháng 5 - 10, khi cây hòe ra hoa, hái những nụ có màu vàng lục vào buổi sáng, rồi phơi nắng nhẹ và thật nhanh cho khô để bảo đảm màu sắc và phẩm chất. Kinh nghiệm nhân dân cho biết chọn những chùm hoa có 5-10 bông nở để thu hoạch nụ là tốt nhất. Thu hoạch sớm quá, hàm lượng hoạt chất hình thành thấp, nếu để muộn, năng suất dược liệu không cao và hàm lượng hoạt chất giảm. Có nơi, nhân dân thu hái hòe mễ làm hai vụ:

- Vụ mùa từ tháng 4 đến tháng 9, năng suất thu hoạch cao, hàm lượng hoạt chất không bằng vụ chiêm.

- Vụ chiêm từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau, năng suất thu hoạch thấp, hàm lượng hoạt chất  cao.

Hòe mễ chứa hoạt chất tác dụng là rutin với hàm lượng 20-30%. Hòe nếp chứa nhiều rutin hơn hòe tẻ. Qua chế biến, hàm lượng rutin có thể thay đổi: 34,7% ở dạng sống, 28,9% ở dạng sao vàng và 18,5% ở dạng sao cháy. Ngoài ra, hòe mễ còn chứa betulin, sophoradiol, sophorin A, B, C và sophorose.

Dược liệu hình trứng dài 0,5-0,85cm, rộng 0,2-0,3cm, cánh hoa màu vàng ngà, đài hoa màu vàng xám, chất nhẹ xốp, dễ vụn nát, không mùi vị, hơi đắng. Khi dùng, dược liệu để sống hoặc sao qua.

Hòe mễ là một vị thuốc 'mát' được dùng trong những trường hợp 'nhiệt', chủ trị tăng huyết áp. Dùng riêng với liều 8-16g sắc uống trong ngày hoặc phối hợp với các vị thuốc khác theo công thức sau:

- Hòe mễ 10g, lá sen hoặc ngó sen 10g, cúc hoa vàng 4g. Tất cả nghiền nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày.

- Hòe mễ 10g sao thơm, hạ khô thảo 10g sao vàng,  cúc hoa 5g sấy khô, vò nát vụn. Trộn đều, hãm với 1.000ml nước sôi trong 15 phút, uống làm nhiều lần trong ngày.

- Hòe mễ 100g sao vàng, hạt thảo quyết minh 100g sao đen. Hai thứ trộn đều, tán nhỏ, rây bột mịn. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 5g dưới dạng thuốc hãm.

- Hòe mễ, kỷ tử, cúc hoa vàng, thảo quyết minh, huyền sâm, thục địa, hoài sơn, trạch tả, ngưu tất mỗi vị 12g. Sắc uống trong ngày.

Người cao tuổi bị tăng huyết áp dùng hòe mễ rất tốt, vừa nhẹ nhàng, êm dịu, vừa làm bền chắc thành mao mạch, chống hiện tượng phình vỡ, xuất huyết.

Hòe mễ còn là nguyên liệu để chiết rutin được dùng cầm máu trong các trường hợp xuất huyết để phòng tai biến do mạch máu bị xơ vữa, giòn dễ vỡ. Rutin được dập thành viên 0,02g, dùng riêng hoặc phối hợp với vitamin C 0,05 (viên rutin - C). Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 1-2 viên. Trên thị trường thế giới còn có loại thuốc tiêm rutin tan được gọi là Solurutin để tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch khi cần thiết.

Hòe giác: Được thu hoạch khi quả hòe chín, lấy hạt đem trồng, còn vỏ quả phơi hoặc sấy khô. Dược liệu có mặt ngoài nhăn nheo, màu đen nâu, vị đắng, tính hàn, cũng chứa rutin với hàm lượng 4,3%, flavonoid toàn phần 10,5% và một số dẫn chất như genistein, sophoricosid, sophorabiosid, kaempferol glycosid C.

Hòe giác để sống, uống mỗi ngày 10g dưới dạng nước sắc chữa sốt xuất huyết khi sốt đã lui nhưng còn xuất huyết nhẹ, chảy máu dưới da, trẻ em chảy máu cam, chảy máu chân răng. Nếu đem sao tồn tính, rồi hãm hoặc sắc uống, hòe giác chữa đại tiện ra máu. Hòe giác và hòe tử (hạt hòe) tán bột, trộn với tiết dê tươi làm thành bánh, phơi khô, mỗi lần uống 8g với rượu cúc hoa vàng vào lúc đói, chữa trĩ sưng đau (Nam dược thần hiệu).

Để chữa trĩ nội và viêm ruột, lấy hòe giác 100g phối hợp với kim ngân hoa 100g, cam thảo dây 12g, nghệ vàng 10g. Cách chế: hòe giác sao kỹ đến khi có màu tím sẫm, tán bột; các dược liệu khác phơi khô, tán bột. Trộn đều hai bột lại. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 8g vào lúc đói.

Dùng ngoài, hòe giác và khổ sâm lượng bằng nhau, tán thành bột mịn, hòa với nước cho sền sệt rồi bôi chữa lòi dom.

Chú ý: Phụ nữ có thai không được dùng hòe giác vì dễ bị sảy thai.

Ngoài ra, y học cổ truyền của Trung Quốc còn dùng hoa hòe đã nở được gọi là hòe hoa với công dụng như hòe mễ. Hạt hòe cũng được dùng với tên thuốc là hòe tử lấy từ  quả hòe chín già. Hòe tử sao, tán bột 4g trộn với muối 1g, rồi uống với ít rượu đã hâm nóng vào lúc đói chữa đồi sán tức hòn dái sưng đau (Nam dược thần hiệu).

Để chữa băng lâm hạ huyết (chứng ra máu nhiều ở phụ nữ), lấy hòe tử 250g tẩm rượu sao, đan sâm 125g tẩm giấm sao, hương phụ 60g ngâm đồng tiện (nước tiểu trẻ em) sao. Tất cả nghiền thành bột, làm viên bằng hạt đỗ xanh. Mỗi sáng uống 15g với nước cháo.

Nghệ đen chữa phù nề

Bộ phận dùng làm thuốc của nghệ đen là thân rễ được thu hái vào mùa thu đông, rửa sạch, thái lát, phơi khô.

Nghệ đen thuộc họ Gừng, tên khác là nghệ tím, nga truật, bông truật, là một cây cỏ. Thân rễ mang nhiều củ nhánh và củ phụ nhỏ. Lá có bẹ dài, có đốm tía dọc theo gân giữa ở mặt trên. Hoa màu vàng, xuất hiện trước khi cây ra lá. Cây mọc tự nhiên ở nhiều miền núi, ven suối.

Bộ phận dùng làm thuốc của nghệ đen là thân rễ được thu hái vào mùa thu đông, rửa sạch, thái lát, phơi khô. Khi dùng đồ dược liệu cho mềm, tẩm dấm một đêm rồi sao qua.

Phụ nữ Thái ở Tây Bắc dùng thân rễ nghệ đen phối hợp với nghệ vàng và nghệ trắng (mỗi thứ 20g) ngâm nước tiểu trong, 1 ngày và 1 đêm, thái mỏng, phơi khô, sắc với 400ml nước còn lại 100ml, uống làm 2 lần trong ngày để chữa bế kinh, huyết tích.

Để chữa sản hậu, phù nề, vàng da, họ lấy nghệ đen 100g, hương phụ 100g, quả quất non 50g, cắn nước tiểu 5g, phơi khô, tán bột, luyện với mật ong làm viên bằng hạt ngô, ngày uống 10 viên.

Nghệ đen và mộc hương (lượng bằng nhau) phơi khô, tán bột, mỗi lần uống 2g với nước dấm nhạt chữa đau bụng từng cơn do khí lạnh hoặc tích trệ (Nam dược thần hiệu).

Theo tài liệu nước ngoài gần đây các nhà khoa học Trung Quốc đã nghiên cứu thấy nghệ đen có tác dụng chống ung thư.

(bao dat viet)

Nghệ trắng chữa bệnh đau dạ dày?

Tôi bị đau dạ dày nhiều năm nay và nghe nói dùng nghệ trộn với mật ong ăn vào buổi sáng rất tốt. Tôi được một người bạn cho một ít nghệ trắng (có màu trắng như gừng) do bạn trồng trong nhà. Xin hỏi có thể dùng nghệ trắng trộn với mật ong để trị bệnh đau dạ dày không? (Một bạn đọc)

Nghệ trắng (Wild tumeric) còn có tên khác là nghệ rừng, ngải dại, ngải mọi, ngải trắng, nghệ thơm, tên khoa học là Curcuma aromatica, thuộc họ gừng. Nghệ trắng cũng thuộc chi Curcuma (nhưng khác với nghệ vàng Curcuma longa, nghệ đen Curcuma zedoaria). Cây có thân rễ phát triển thành nhiều củ mập, có màu trắng và thơm, mùi không nồng như củ nghệ vàng. Ở nhiều quốc gia như Ấn độ, Trung Quốc cũng trộn chung nghệ trắng với bột lá cà ri làm gia vị chế biến thức ăn.

Theo các tài liệu nghiên cứu của Trung Quốc, củ nghệ trắng chứa nhiều hoạt chất thuộc nhóm curcuminoit có tác dụng kháng sinh mạnh, nên được công nhận là thảo dược có nhiều lợi ích trong y học. Trong thành phần nghệ trắng còn có chứa một chất dầu bay hơi có mùi thơm vị cay, có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa một số bệnh ung thư do tác dụng tiêu diệt và loại bỏ các khối u.

Các chất này còn có tác dụng giúp cơ thể loại bỏ các chất béo dư thừa trong máu đồng thời làm giảm ngưng kết tiểu cầu (chống huyết khối) nên có thể ngăn ngừa các bệnh tim mạch, huyết áp. Nghệ trắng còn có tác dụng kháng viêm mạnh nên được dùng điều trị các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên và hệ tiêu hóa, chữa đau đầu, viêm da và nhiễm trùng da.

Người ta bào chế nghệ trắng và mật ong để làm mỹ phẩm chữa các bệnh viêm da mãn tính và mụn trứng cá. Phụ nữ sau sinh có thể ăn ngày một muỗng dạng bột sẽ giúp ngon miệng và bồi bổ cơ thể.

Cần lưu ý là ba loại nghệ tuy hình dáng thân cây, lá và hoa trên mặt đất hơi giống nhau, nhưng rễ hoàn toàn khác nhau về màu sắc, kích cỡ, hình dáng, mùi vị và tác dụng. Nghệ vàng có màu vàng sặc sỡ hơn đã được nghiên cứu và được dùng rất phổ biến trên toàn thế giới, có tác dụng tốt chữa đau dạ dày và làm lành các vết loét dạ dày, trong khi các loại còn lại ít sắc tố hơn và công dụng cũng khác nhau, nhưng nhiều người cứ dùng lẫn lộn rồi truyền miệng mà không có một chứng cứ khoa học nào.

Hiện nay Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm của Mỹ chưa công nhận tác dụng chữa bệnh của nghệ trắng, nhiều thí nghiệm cần được tiến hành để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị.

Nghệ trắng cũng được cảnh báo là không dùng cho phụ nữ mang thai vì có nhiều nguy cơ sảy thai, không được dùng trước hoặc sau khi tiến hành phẫu thuật vì làm chậm quá trình đông máu gây chảy máu nhiều, có thể dẫn đến tử vong. Dù sao khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào kể cả thảo dược thiên nhiên cũng cần tham khảo ý kiến các chuyên gia.

Dược sĩ Lê Kim Phụng

Chữa ho bằng hoa đu đủ đực

Để chữa ho, nhất là ho trẻ em, có thể lấy hoa đu đủ đực (chọn hoa mới nở) 10-20 g trộn với đường trắng hoặc mật ong, hấp cơm trong 15-20 phút; sau đó lấy ra, nghiền nát; uống làm 2-3 lần trong ngày với nước đun sôi để nguội.

Có thể kết hợp hoa đu đủ đực với các vị thuốc khác để chữa ho trong các trường hợp sau:

- Ho kèm theo mất tiếng:

Hoa đu đủ đực 15 g, lá hẹ 15 g, hạt chanh 10 g. Tất cả để tươi, nghiền nát rồi hòa với 20 ml, thêm ít mật ong hoặc đường kính, uống làm 3 lần trong ngày. Dùng trong 2-3 ngày.

- Ho do viêm họng:

Hoa đu đủ đực 15 g, xạ can 10 g, củ mạch môn 10 g, lá húng chanh 10 g. Tất cả cho vào một bát nhỏ, thêm ít muối, hấp cơm rồi nghiền nát. Ngày ngậm 2-3 lần, nuốt nước dần dần.

- Ho gà:

Hoa đu đủ đực 20 g (sao vàng), vỏ quýt lâu năm 20 g, vỏ rễ dâu 20 g (tẩm mật sao lên), củ bách bộ 12 g (phơi khô), phèn phi 12 g. Tất cả tán nhỏ, rây bột mịn, ngày uống 3 lần. Trẻ em 1-5 tuổi mỗi lần uống 1-4 g; trẻ 6-10 tuổi mỗi lần uống 5-8 g.

Hoặc: Hoa đu đủ đực, nghệ vàng mỗi thứ 15 g; trần bì 20 g (tẩm nước gừng sao lên), vỏ rễ dâu (tẩm mật rồi sao), vỏ cây khế (sao vàng), chua me đất hoa vàng, cam thảo đất, lá chanh non mỗi thứ 30 g; rau má, lá lốt mỗi thứ 40 g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400 ml nước còn 100 ml, uống làm hai lần trong ngày. Dùng trong 5-7 ngày.

DS Đỗ Huy Bích, Sức Khỏe & Đời Sống

Nghệ chữa viêm dạ dày

Viêm dạ dày, viêm hang vị là bệnh thường gặp. Có thể dùng nghệ và mật ong để chữa trị bệnh này.

Anh Tuấn (ở P.8, TP Vũng Tàu) hỏi: 'Tôi 46 tuổi, qua nội soi cho thấy bị viêm hang vị xung huyết (mức độ vừa). Tôi đã dùng nhiều thuốc tây y, bệnh tình có thuyên giảm, nhưng sau đó lại tái phát. Tôi nghe nói, củ nghệ xay với mật ong, uống trước khi ăn hay lúc bụng đói sẽ chữa khỏi được bệnh này. Có đúng không?'.

Theo lương y Quốc Trung, viêm loét dạ dày là bệnh rất hay gặp. Viêm là chỉ chứng viêm niêm mạc dạ dày, thường không có triệu chứng đặc trưng. Loét là chỉ dạ dày bị tổn thương sâu hơn và có các triệu chứng đau lâm râm, khó chịu, kém ăn, buồn nôn, ợ chua... Đôi khi kèm theo xung huyết hoặc chảy máu dạ dày. Viêm loét dạ dày do nhiều nguyên nhân gây ra, thường liên quan đến vi khuẩn H.P.

Theo thứ tự từ trên xuống dưới, dạ dày chia thành: phình vị, thân vị, hang vị và lỗ môn vị. Dạ dày có hai bờ cong là bờ cong lớn và bờ cong nhỏ. Tùy theo vị trí bị viêm loét mà có các tên bệnh khác nhau (như: viêm dạ dày tá tràng, viêm hang vị, viêm bờ cong nhỏ...). Hang vị là phần nằm ngang của dạ dày, từ góc bờ cong nhỏ tới lỗ môn vị. Vùng hang vị có nhiệm vụ điều tiết a-xít dạ dày.

Cần loại bỏ nguyên nhân

Để điều trị viêm hang vị cần phải loại bỏ nguyên nhân gây bệnh. Cụ thể, theo lương y Quốc Trung đó là: ăn uống điều độ, đúng giờ; bỏ thuốc lá, rượu, không uống trà đặc, cà phê; bỏ thói quen ăn uống tùy tiện, cần ăn chậm, nhai kỹ; hạn chế đồ ăn sống - lạnh, kích thích dạ dày; khi sử dụng các loại thuốc có ảnh hưởng đến dạ dày cần cân nhắc.

Theo các kết quả nghiên cứu, cũng như kinh nghiệm dân gian, nghệ và mật ong có tác dụng chữa các bệnh về dạ dày nói chung. Theo y học cổ truyền, củ nghệ vàng (còn gọi là khương hoàng, uất kim) có vị cay đắng, tính ấm, có tác dụng phá ác huyết, huyết ứ, cầm máu, sát trùng, tiêu viêm, lên da non, được xem là 'thuốc thánh' trong điều trị các vết thương. Nghệ thường được dùng để chữa các bệnh về đau dạ dày nói chung mà y học cổ truyền gọi là 'vị quản thống'. Hoạt chất chính trong củ nghệ vàng là chất curcumin với hàm lượng 1,5 - 2%. Còn mật ong chứa nhiều loại đường khác nhau, các a-xít hữu cơ, nhiều loại vitamin khoáng vi lượng, a-xít amin và các nội tiết tố. Mật ong là chất bổ dưỡng tăng cường sức đề kháng, miễn dịch. Đặc biệt mật ong có tác dụng làm giảm độ a-xít của dịch vị dạ dày, và có tác dụng diệt khuẩn. Do vậy nó có tác dụng điều trị đau dạ dày nói chung và viêm hang vị nói riêng.

Cách dùng

Lương y Quốc Trung cho biết, để chữa viêm loét dạ dày nói chung, người ta thường trộn 3 thìa cà phê mật ong loại tốt với 1 thìa cà phê bột nghệ, và dùng trước bữa ăn. Ngày ăn 3 lần. Trên thực tế có người dùng mật ong và nghệ chữa khỏi đau dạ dày, nhưng không phải tất cả mọi trường hợp đều cho kết quả tốt, bởi vì còn tùy thuộc vào cơ địa mỗi người và thể bệnh. Tốt nhất vẫn là khám và điều trị theo chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa dù là y học hiện đại hay y học cổ truyền. Dưới đây là bài thuốc kinh nghiệm chữa đau dạ dày nói chung, trong đó có viêm hang vị: bạch thược 12g, trần bì 10g, sài hồ 10g, chích thảo 6g, hương phụ 8g, chỉ xác 10g, xuyên khung 10g, đại táo 3 quả. Cho thang thuốc vào 750 ml nước (3 chén) sắc (nấu) kỹ, chắt lấy 250 ml nước thuốc (1 chén), chia uống 3 lần trong ngày.      

Theo Hạ Mai (Thanhnien online)