Lưu trữ cho từ khóa: nghệ đen

Nghệ đen chữa phù nề

Bộ phận dùng làm thuốc của nghệ đen là thân rễ được thu hái vào mùa thu đông, rửa sạch, thái lát, phơi khô.

Nghệ đen thuộc họ Gừng, tên khác là nghệ tím, nga truật, bông truật, là một cây cỏ. Thân rễ mang nhiều củ nhánh và củ phụ nhỏ. Lá có bẹ dài, có đốm tía dọc theo gân giữa ở mặt trên. Hoa màu vàng, xuất hiện trước khi cây ra lá. Cây mọc tự nhiên ở nhiều miền núi, ven suối.

Bộ phận dùng làm thuốc của nghệ đen là thân rễ được thu hái vào mùa thu đông, rửa sạch, thái lát, phơi khô. Khi dùng đồ dược liệu cho mềm, tẩm dấm một đêm rồi sao qua.

Phụ nữ Thái ở Tây Bắc dùng thân rễ nghệ đen phối hợp với nghệ vàng và nghệ trắng (mỗi thứ 20g) ngâm nước tiểu trong, 1 ngày và 1 đêm, thái mỏng, phơi khô, sắc với 400ml nước còn lại 100ml, uống làm 2 lần trong ngày để chữa bế kinh, huyết tích.

Để chữa sản hậu, phù nề, vàng da, họ lấy nghệ đen 100g, hương phụ 100g, quả quất non 50g, cắn nước tiểu 5g, phơi khô, tán bột, luyện với mật ong làm viên bằng hạt ngô, ngày uống 10 viên.

Nghệ đen và mộc hương (lượng bằng nhau) phơi khô, tán bột, mỗi lần uống 2g với nước dấm nhạt chữa đau bụng từng cơn do khí lạnh hoặc tích trệ (Nam dược thần hiệu).

Theo tài liệu nước ngoài gần đây các nhà khoa học Trung Quốc đã nghiên cứu thấy nghệ đen có tác dụng chống ung thư.

(bao dat viet)

Nghệ trắng chữa bệnh đau dạ dày?

Tôi bị đau dạ dày nhiều năm nay và nghe nói dùng nghệ trộn với mật ong ăn vào buổi sáng rất tốt. Tôi được một người bạn cho một ít nghệ trắng (có màu trắng như gừng) do bạn trồng trong nhà. Xin hỏi có thể dùng nghệ trắng trộn với mật ong để trị bệnh đau dạ dày không? (Một bạn đọc)

Nghệ trắng (Wild tumeric) còn có tên khác là nghệ rừng, ngải dại, ngải mọi, ngải trắng, nghệ thơm, tên khoa học là Curcuma aromatica, thuộc họ gừng. Nghệ trắng cũng thuộc chi Curcuma (nhưng khác với nghệ vàng Curcuma longa, nghệ đen Curcuma zedoaria). Cây có thân rễ phát triển thành nhiều củ mập, có màu trắng và thơm, mùi không nồng như củ nghệ vàng. Ở nhiều quốc gia như Ấn độ, Trung Quốc cũng trộn chung nghệ trắng với bột lá cà ri làm gia vị chế biến thức ăn.

Theo các tài liệu nghiên cứu của Trung Quốc, củ nghệ trắng chứa nhiều hoạt chất thuộc nhóm curcuminoit có tác dụng kháng sinh mạnh, nên được công nhận là thảo dược có nhiều lợi ích trong y học. Trong thành phần nghệ trắng còn có chứa một chất dầu bay hơi có mùi thơm vị cay, có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa một số bệnh ung thư do tác dụng tiêu diệt và loại bỏ các khối u.

Các chất này còn có tác dụng giúp cơ thể loại bỏ các chất béo dư thừa trong máu đồng thời làm giảm ngưng kết tiểu cầu (chống huyết khối) nên có thể ngăn ngừa các bệnh tim mạch, huyết áp. Nghệ trắng còn có tác dụng kháng viêm mạnh nên được dùng điều trị các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên và hệ tiêu hóa, chữa đau đầu, viêm da và nhiễm trùng da.

Người ta bào chế nghệ trắng và mật ong để làm mỹ phẩm chữa các bệnh viêm da mãn tính và mụn trứng cá. Phụ nữ sau sinh có thể ăn ngày một muỗng dạng bột sẽ giúp ngon miệng và bồi bổ cơ thể.

Cần lưu ý là ba loại nghệ tuy hình dáng thân cây, lá và hoa trên mặt đất hơi giống nhau, nhưng rễ hoàn toàn khác nhau về màu sắc, kích cỡ, hình dáng, mùi vị và tác dụng. Nghệ vàng có màu vàng sặc sỡ hơn đã được nghiên cứu và được dùng rất phổ biến trên toàn thế giới, có tác dụng tốt chữa đau dạ dày và làm lành các vết loét dạ dày, trong khi các loại còn lại ít sắc tố hơn và công dụng cũng khác nhau, nhưng nhiều người cứ dùng lẫn lộn rồi truyền miệng mà không có một chứng cứ khoa học nào.

Hiện nay Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm của Mỹ chưa công nhận tác dụng chữa bệnh của nghệ trắng, nhiều thí nghiệm cần được tiến hành để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị.

Nghệ trắng cũng được cảnh báo là không dùng cho phụ nữ mang thai vì có nhiều nguy cơ sảy thai, không được dùng trước hoặc sau khi tiến hành phẫu thuật vì làm chậm quá trình đông máu gây chảy máu nhiều, có thể dẫn đến tử vong. Dù sao khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào kể cả thảo dược thiên nhiên cũng cần tham khảo ý kiến các chuyên gia.

Dược sĩ Lê Kim Phụng

Quất, cây thuốc quý

Truyền thuyết về cây quất

Truyện kể rằng, cách đây hơn 800 năm, vào giữa tiết trời đông giá lạnh, cả kinh thành Thăng Long vô cùng lo lắng bởi nhà vua và văn võ bá quan trong triều cùng hàng ngàn người dân đột nhiên mắc một chứng bệnh thời khí như sổ mũi, hắt hơi, đau nhức chân tay mình mẩy. Vua Lý Thần Tông đã hạ chiếu cho pháp sư Giới Không Thiền Sư lập đàn tế lễ, nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm mà ngày một lan rộng. Các quan ngự y được lệnh sưu tầm dược liệu để chế ra những phương thuốc trị bệnh. Sau một thời gian chạy chữa, các chứng bệnh lui dần, duy chỉ còn chứng ho, mất tiếng là dai dẳng kéo dài đến tận giáp Tết Nguyên đán. Nhà vua phải xuống chiếu cho nhân dân cả nước xem ai biết môn thuốc gì chữa khỏi chứng ho kéo dài này sẽ được trọng thưởng. Chiếu chỉ ban hành được vài ngày thì có một nông dân tên là Hoàng Quyết xin dâng lên nhà vua một vị thuốc dân gian, đó là quả quất luyện với đường phèn để chữa bệnh. Nhà vua bèn dùng thử thấy thuốc vừa chua, vừa ngọt, lại cay tê, đắng đắng, thơm mùi quất, chỉ trong hai ngày là khỏi bệnh. Bài thuốc được phổ biến rộng rãi trong nhân dân và từ đó, cây quất cũng được trồng và dùng làm thuốc chữa bệnh tại kinh thành Thăng Long.

Quấy - cây cảnh ngày Tết, quả để ăn và làm thuốc chữa bệnh

Từ xa xưa, trong dịp Tết Nguyên đán, quất được dùng làm cây cảnh trang trí trong nhà. Những quả quất màu vàng au hoặc đỏ cam tròn trĩnh và xinh xắn xen lẫn lá xanh dày tượng trưng cho mùa xuân đầy sức sống và sự vươn lên.

Quất chẳng những là cây cảnh của mùa xuân, từ quả quất chín mọng, qua bàn tay khéo léo của con người được chế biến thành mứt quất, một món ăn của ngày Tết, nếu một lần được thưởng thức sẽ chẳng bao giờ quên bởi hương vị đặc trưng: ngọt, thơm, cay dịu... Quất còn là vị thuốc chữa được nhiều bệnh.

Quả quất có mùi thơm, vị ngọt, chua và tinh dầu thơm cay của vỏ. Quả quất được dùng dưới dạng quả còn non hoặc đã chín.

Theo Đông y, quả quất vị ngọt chua, tính ấm, vào các kinh phế, vị, can. Nó có công năng hóa đảm, trị ho, giải uất, tiêu thực, giải rượu. Vỏ có tác dụng mạnh hơn. Quất để càng lâu càng tốt. Hạt quất có tác dụng giảm ho, cầm máu, chống nôn, lá quất có nhiều tinh dầu, có tác dụng chữa cảm mạo phong hàn rất tốt.

Những bài thuốc chữa bệnh bằng quất

Cảm mạo: Lá quất 30g, đổ 3 bát nước sắc còn 1 bát, hòa đường vừa đủ, uống lúc nóng.

Nôn mửa: Vỏ quất, gừng tươi, đất nung mỗi thứ 9g, sắc uống.

Nghẹn: Vỏ quất 20g, sấy khô, tán thành bột, sắc uống nóng.

Sa nang sưng đau: Rễ quất 15 - 16g, sắc uống.

Ho nhiều đờm: Quất 5 quả, đường phèn vừa đủ, hấp cách thủy, ngày ăn 2 lần, liền trong 3 ngày.

Ho gà trẻ em: Quất 10g, gừng tươi 6g, thiên trúc hoàng 6g, sắc uống mỗi ngày 1 lần.

Ho do phế nhiệt: Dùng quả quất với củ cải ép lấy nước uống.

An thần giảm ho: Quất 2 quả (bỏ vỏ, hạt, vách múi), bột ngó sen một ít, đường 100g, một ít hoa quế, nấu chè ăn.

Chữa hậu sản, phù nề, vàng da: Quả quất non 50g, nghệ vàng 100g, nghệ đen 100g, hương phụ 100g, cặn nước tiểu 5g. Tất cả thái mỏng, phơi khô, tán bột mịn, trộn với mật ong làm viên bằng hạt ngô. Ngày uống 10 viên.

Nước giải khát có tác dụng bổ, dễ tiêu: Quả quất chín 1kg rửa sạch, để ráo nước. Dùng kim sạch châm sâu vào quả 5 - 6 lỗ rồi cho vào lọ rộng miệng cùng với đường kính 2kg; cứ một lớp quất lại một lớp đường. Đậy kín, để trong 7 ngày, được dịch quất đường (sirô quất) màu vàng mùi thơm. Khi dùng, lấy 1 - 2 thìa to sirô này pha với 150ml được đun sôi để nguội. Khuấy đều rồi uống.

Chữa ho lâu ngày không khỏi: Hạt quất 10g, lá thạch xương bồ 10g, thêm 20g đường phèn hấp cơm, uống 2 - 3 lần mỗi ngày, mỗi lần 5 - 10ml (1 thìa café).

Chữa nôn ra máu: Hạt quất 20g, bóc bỏ vỏ lấy nhân, sao vàng, giã nhỏ, sắc lấy nước uống 2 lần/1 ngày. Cần chú ý tránh nhầm lẫn giữa hạt quất và hạt quýt (y học cổ truyền gọi là quất hạch).

Ngoài ra, trong vỏ của quất, cam, quýt có chất tinh dầu giúp ngăn ngừa phát sinh ung thư gan, thực quản, đại tràng, da... Các nhà khoa học Nhật Bản cho biết, ăn quất cả vỏ sẽ cho vitamin C, chất xơ rất có lợi cho tiêu hóa và hạ được cholesterol, làm vững chắc thành mạch, chữa bệnh tăng huyết áp.

(theo suckhoedoisong)

Đông y chữa bệnh hiệu quả cao: Tham khảo tại thaythuoccuban.com

Năm bài thuốc hay từ nghệ đen

Nghệ đen thường được dùng chữa đau bụng, ăn không tiêu, đầy hơi, bế kinh, tích huyết... Xin giới thiệu năm bài thuốc thông dụng sử dụng vị thuốc này.

Theo y học cổ truyền, nghệ đen là tên gọi của vị thuốc 'nga truật', thuộc họ gừng (Zingiberaceae).

Hiện nay, khoa học hiện đại đã có nhiều nghiên cứu về thành phần hóa học của nghệ đen; gồm: tinh bột 82,6%, tinh dầu 1 - 1,5%, khá nhiều chất tương tự có trong thành phần của nghệ vàng và một số khoáng vi lượng. Nghiên cứu thực nghiệm trên động vật cho thấy nghệ đen có tác dụng tăng cường sự bài tiết mật rõ rệt trên chuột cống trắng, đồng thời ức chế nhẹ sự tiết dịch dạ dày; giảm tốc độ di chuyển than hoạt trong ruột chuột nhắt trắng. Ngoài ra, nghệ đen còn có tác dụng kích thích tiêu hóa, tăng trương lực ống tiêu hóa.

Các nghiên cứu của một số nước cho thấy, tinh dầu nghệ đen có tính kháng khuẩn. Y học hiện đại dùng nghệ đen để chế rượu bổ trường sinh (Elixir de longue vie) gồm các vị: nghệ đen, lô hội, long đởm thảo, đại hoàng, phan hồng hoa và tá dược.

Theo y học cổ truyền, nghệ đen (nga truật) có vị cay, đắng, tính ôn, vào kinh can; có tác dụng hành khí, phá huyết, thông kinh, tiêu tích, hóa thực.

Nghệ đen thường được dùng làm thuốc chữa đau bụng, ăn không tiêu, đầy hơi, bế kinh, tích huyết, hành kinh không thông, nhiều máu cục (huyết khối). Liều dùng 3-6g dưới dạng sắc uống hoặc tán bột.

Dưới đây là một số bài thuốc thông dụng có sử dụng nghệ đen.

Bài 1: Chữa chứng huyết ứ, hành kinh không thông, có nhiều huyết khối; bế kinh, máu ra kéo dài, đen, đông thành khối nhỏ. Người bệnh thường kèm theo đau bụng trước khi thấy kinh.

Nghệ đen và ích mẫu, lượng bằng nhau 15g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 2: Chữa chứng nôn ở trẻ đang bú: Nghệ đen 4g, muối ăn 3 hạt, đun với sữa cho sôi chừng 5 phút, hòa tan tý chút ngưu hoàng (lượng bằng hạt gạo). Cách dùng: Chia uống nhiều lần trong ngày.

Bài 3: Chữa cam tích, trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng, đại tiện phân thối khẳn: Nghệ đen 6g, hạt muồng trâu 4g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 4: Nghệ đen hoàn: Nghệ đen 160g, cốc nha 20g, khiên ngưu (sao) 40g, hạt cau 40g, đăng tâm (bấc lùng) 16g, nam mộc hương 16g, thanh bì 20g, thanh mộc hương 20g; củ gấu 160g, tam lăng 160g, đinh hương 16g. Tất cả các vị tán thành bột mịn, hoàn thành viên. Liều dùng: Ngày uống 8 đến 12g với nước sắc gừng (nướng chín).

Tác dụng: Chữa chứng ăn kém, chậm tiêu, đầy hơi, mệt mỏi, lạnh bụng, đại tiện phân sống, nấm mạn tính đường ruột.

Bài 5: Nghệ đen tán: Nghệ đen, bạch chỉ, hồi hương, cam thảo, đương quy, thục địa, bạch thược, xuyên khung. Lượng các vị bằng nhau (đều 40g). Tất cả các vị tán bột, hoàn thành viên. Liều dùng: uống 8 đến 12g.

Tác dụng: Bổ khí, dưỡng huyết, trị nhiều bệnh về khí huyết.

Đây là bài thuốc bổ khả dụng, dùng chữa nhiều chứng bệnh thuộc phạm vi chứng suy nhược, tiêu hóa hấp thu kém, thể trạng xanh xao, thiếu máu, dễ cảm vặt... mà 'Trung Quốc bách khoa đại từ điển' gọi là chữa bách bệnh (liệt kê 33 chứng bệnh khác nhau). Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tế cho thấy nếu bài thuốc được làm thành thang sắc uống thì hiệu quả kém hẳn, do việc sắc đã làm thay đổi tính chất bài thuốc, đặc biệt là một số vị thuốc chứa tinh dầu như bạch chỉ, hồi hương... bị bay mất tinh dầu và làm mất cái 'hay' của bài thuốc.

Trị bệnh dạ dày bằng nghệ đen?

Tôi bị đau dạ dày do vi khuẩn HP, điều trị từ năm 2004 đến nay, một năm tái khám một lần theo lời dặn của bác sĩ. Đến 2009 tôi ngưng thuốc mà chuyển qua uống nghệ đen trộn với mật ong rừng.

Xin hỏi hai thứ này có trị hết bệnh dạ dày không, có hết vi khuẩn HP không? Tôi muốn có con thì con tôi có bị nhiễm vi khuẩn HP hay bị bệnh dạ dày như tôi không?

MỘT BẠN ĐỌC

- Vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) chỉ sống trong dạ dày người và cũng là vi sinh vật duy nhất có thể sống trong môi trường acid. Từ nhiều năm nay, các nhà khoa học đã nhất trí xem HP là một trong những nguyên nhân chính gây ung thư dạ dày. Vì vậy bạn cũng không nên xem thường. Điều trị bệnh đau dạ dày vẫn là dùng thuốc làm giảm tiết dịch vị phối hợp kháng sinh để tiêu diệt HP. Hiện nay bạn đã ngưng dùng thuốc nhưng không nêu rõ đã hết nhiễm HP chưa.

Theo y học cổ truyền, nghệ đen còn gọi là nga truật (Curcuma zedoaria, họ Zingiberaceae) hay ngải xanh, ngải tím, nghệ tím. Thân rễ có vị cay, đắng, mùi thơm hăng, tính ôn, tác dụng hành khí phá huyết, thông kinh, tiêu tích, tiêu viêm, tiêu xơ. Nghệ đen được dùng chữa đau bụng, ăn không tiêu, đầy hơi, nôn mửa nước chua, kinh nguyệt không đều, kinh bế, đau bụng kinh, ngày dùng 3-6 gam (tẩm giấm sao vàng) dạng thuốc sắc, bột hoặc viên. Kinh nghiệm dân gian còn dùng nghệ đen tán thành bột uống với mật ong để chữa trị viêm loét dạ dày cũng hiệu quả như dùng nghệ vàng.

Trong mật ong có tới 75% là đường fructo và gluco, nhiều khoáng chất như sắt, phốtpho, lưu huỳnh, manhê, canxi, đồng, kẽm... và vitamin nhóm B với hàm lượng rất cao. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy có một số loại mật ong không chỉ rất ngon mà còn có tính kháng khuẩn tốt, thậm chí hiệu quả hơn cả thuốc kháng sinh, đặc biệt trong việc chữa lành nhanh các vết loét do nhiễm trùng và những vết thương nông trên da. Mật ong còn làm giảm độ acid của dịch vị nên những bài thuốc đông y chữa bệnh đau dạ dày thường có mật ong.

Bạn có thể uống mật ong chữa viêm loét dạ dày với liều ba muỗng cà phê một lần, ngày ba lần, uống trước bữa ăn. Điều quan trọng là bạn hãy uống thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị và dứt điểm sớm, không nên để bệnh tái phát làm cho vi khuẩn kháng thuốc sẽ khó điều trị hơn.

Sau khi đã uống hết thuốc nên đi khám lại để chắc chắn đã khỏi bệnh. Con bạn sẽ không bị ảnh hưởng gì cả, đừng lo, nhưng bản thân bạn cần có một sức khỏe tốt trước khi mang thai. Chúc bạn thành công.

Theo DS LÊ KIM PHỤNG (Tuoitre online)