Lưu trữ cho từ khóa: nấu ăn

Miến nấu khô hấp dẫn dễ ăn

Không bị khô như miến xào cũng không bị quá nóng như miến nước…

Chuẩn bị những nguyên liệu sau:

- 3 vắt miến

- 200g thịt ba chỉ

- 1 trái ớt xanh, 1 trái ớt đỏ

- 100ml nước dùng

- Hành lá, 3 lát gừng

- Xì dầu, dầu hào, dầu mè, muối

- Bột ngô

mien-nau-kho-hap-dan-de-an

Cách làm:

Bước 1:

- Rửa sạch miến rồi trụng qua nước sôi cho mềm.

Bước 2:

- Băm nhỏ các nguyên liệu còn lại gồm: ớt chuông, thịt ba chỉ, hành lá và gừng.

Bước 3:

- Chuẩn bị một chảo dầu nóng, cho thịt băm vào xào khoảng 2′.

Bước 4:

- Thêm hành và gừng băm nhỏ vào.

Bước 5:

- Rồi nêm thêm xì dầu, dầu hào cho vừa miệng.

Bước 6:

- Sau đó, các bạn cho miến vào đảo đều rồi đổ thêm nước dùng. Đun ở lửa to.

Bước 7:

- Hòa bột ngô với một chút nước, khi nào thấy nước trong nồi gần cạn thì các bạn đổ bột ngô vào cùng ớt thái nhỏ, đảo đều khoảng 1′ là xong.

 (Theo Kenh14)

Những món ăn ngon chế biến từ tôm

 Tôm nướng muối ớt cay nồng, bún tôm nướng lạ miệng hay bánh canh tôm nước dừa béo ngọt… là những món ăn hấp dẫn khó bỏ qua.

1. Bánh canh tôm nước dừa

Đây là một đặc sản của các tỉnh miền Tây Nam bộ, món ăn có thành phần chính là tôm và nước cốt dừa.Tôm tươi lột vỏ, bỏ chỉ đen và dùng dao đập dẹp. Sau khi làm xong, bắt chảo dầu nóng, cho tôm vào cùng một ít gia vị, đảo đều đến khi tôm vừa chín thì tắt bếp. Cho sợi bánh làm từ bột gạo vào đun sôi, khi gần chín cho tôm đã làm sẵn vào, sau đó cho nước cốt dừa vào và nêm gia vị cho vừa ăn.

banh canh tom nuoc dua
Bánh canh tôm nước dừa. Ảnh: K.H

Bát bánh canh tôm nước cốt dừa đầy màu sắc với màu trắng của sợi bánh canh, màu trắng đục hơi sệt của nước dùng, màu hồng của tôm điểm xuyết sắc xanh của hành lá trông thật bắt mắt và hấp dẫn. Ăn một thìa bánh canh, cảm nhận cái vị ngọt của tôm, cái vị béo cùng hương thơm thoang thoảng của nước cốt dừa.

2. Tôm tắm nắng

Khác với những món như tôm hấp, tôm nướng, tôm luộc… thường không mất nhiều thời gian và rất đơn giản trong việc chế biến, tôm tắm nắng đòi hỏi bạn phải mất nhiều thời gian cũng như sự tỉ mỉ để có được món ăn ngon miệng cho cả gia đình.

Chọn những con tôm sú hoặc tôm đất còn tươi nguyên, to bằng khoảng ngón tay người lớn. Lấy một thùng xốp, rải lên bên trên một lớp muối hột (hoặc muối bột) sau đó xếp tôm còn sống lên, phủ một lớp muối nữa và ủ trong một ngày.

tom tam nang
Tôm tắm nắng. Ảnh: K.H

Tiếp đến lấy tôm ra, xếp lên mâm và đem phơi nắng trong một buổi. Nếu không có nắng, bạn có thể sử dụng quạt gió thay thế. Tiếp đến bóc vỏ, vẫn để nguyên đầu tôm. Cho vào thố xóc đều với muối ớt rồi đem rang. Tôm tắng nắng có hương thơm nồng nhưng đậm đà của muối ớt, khi ăn có vị ngọt thịt và hơi cay rất vừa miệng.

3. Tôm nướng muối ớt

Khi bạn không có nhiều thời gian nhưng lại muốn ăn món nướng thì đây là món ăn thích hợp nhất. Chỉ cần mua tôm còn sống, rửa sạch.Bỏ tôm vào rổ trộn với muối ớt, xóc cho thật đều. Lấy từng con tôm xiên từ đuôi lên đến đầu. Xếp ra đĩa để khoảng 15 phút cho ngấm.

tom nuong muoi ot
Tôm nướng muối ớt. Ảnh: K.H

Quạt than cho hồng,đặt vỉ nướng lên, thoa đều dầu ăn cho khỏi dính. Để tôm lên nướng đỏ đều 2 mặt là được. Món này dùng chung với muối tiêu chanh hoặc tương ớt đều ngon.

4. Bún tôm nướng

Món ăn được biến tấu từ món bún thịt nướng đã quá đỗi quen thuộc. Không cầu kỳ, chỉ có tôm nướng, bún tươi, rau sống, lạc rang cùng chén nước mắm hơi ngọt.Chế biến tôm nướng rất dễ, tôm mua còn tươi sống, cắt bỏ râu và rửa sạch, ướp tôm với một ít gia vị như cho đậm đà.

bun tom nuong
Bún tôm nướng. Ảnh: K.H

Đặt tôm lên vỉ và nướng chín, trong quá trình nướng bạn phải trở đều tay, không để tôm chín quá làm khô thịt và mất đi vị ngọt của tôm. Nước mắm ngọt chính là điểm nhấn làm cho món ăn trở nên đậm đà. Nước mắm được pha chung với nước lạnh, đường theo một tỷ lệ nhất định và đun sôi để có một hỗn hợp nước chấm hơi sánh, có vị ngọt vừa ăn.

Bát bún tôm nướng hấp dẫn với màu trắng của bún, màu xanh của rau, màu vàng ươm của tôm

(Theo Vnexpress)

Lợi ích khi nấu ăn bằng chảo gang

Trải qua thời gian, chảo gang đang trở nên “lép vế” trong nhà bếp vì sự lấn át của các thế hệ chảo chống dính.

Thế nhưng bạn có biết nấu bằng chảo gang đem lại rất nhiều tiện lợi như dẫn nhiệt tốt, nấu ăn ngon hơn và tốt cho sức khỏe.

Bạn sẽ dùng ít dầu ăn hơn khi nấu bằng chảo gang

Lợi ích cho sức khỏe đầu tiên khi dùng chảo gang là bạn sẽ tiết kiệm được lượng dầu ăn sử dụng để chế biến cũng như kiểm soát mức nạp vào cơ thể.

Ngoài ra, chảo gang giúp bạn gia tăng hương vị cho món ăn, điều mà chảo chống dính không làm được.

Để làm sạch dầu trong nồi, bạn có thể cho vào chảo dầu một ít muối biển rồi đặt lên bếp cho đến khi xuất hiện khói. Đổ hỗn hợp muối và dầu vào bát, dùng khăn giấy cuộn tròn lại để chà xát bề mặt bên trong chảo trở nên mịn màng.

Rửa sạch nồi/chảo gang, bạn đơn giản chỉ cần chà xát bằng bàn chải cứng và nước nóng sau đó để khô tự nhiên, tuyệt đối không sử dụng xà phòng.

loi-ich-khi-nau-an-bang-chao-gang

Chảo gang không tiềm ẩn hóa chất như chảo chống dính

Khác với chảo gang, chảo chống dính lưu giữ rất nhiều hóa chất độc hại. Các lớp phủ chống thấm để giữ thực phẩm không dính/bám vào chảo chứa PFCs (perfluorocarbons) – một hóa chất có liên quan đến các bệnh về gan, ung thư, chu kỳ phát triển cơ thể, mãn kinh sớm (theo nghiên cứu trong tạp chí Clinical Endocrinology & Metabolism 2011). PFCs có thể được phát tán dưới dạng khí từ chảo chống dính khi chảo được nung nóng ở nhiệt độ cao. Tương tự như vậy, chúng dễ dàng bám vào thức ăn, thâm nhập cơ thể khi bề mặt chảo bị trầy xước.

Hàm lượng sắt được củng cố khi chế biến bằng nồi/chảo gang

Thiếu sắt là hiện tượng phổ biến trên toàn thế giới, đặc biệt với phụ nữ. Nồi/chảo gang không ngấm hóa chất, đồng thời chúng còn bổ sung thêm một hàm lượng sắt nho nhỏ vào thức ăn của bạn. Khi bạn nấu thực phẩm có tính axit như nước sốt cà chua trong nồi gang, hàm lượng sắt có thể gia tăng lên 20 lần.

(Theo Đẹp online)

Bữa sáng – nấu thế nào cho nhanh?

(Webtretho) Bữa sáng rất quan trọng nhưng không phải ai cũng đã bảo đảm được cho mình và cả gia đình những bữa ăn ngon lành, vệ sinh và đầy đủ dinh dưỡng vào đầu ngày - nếu không nhịn luôn đến trưa thì cũng mua vội vàng một gói xôi, gói bánh đến cơ quan và vừa ăn vừa làm việc...

Thật sự thì để chuẩn bị một bữa sáng ngon - bổ - rẻ - sạch sẽ cần phải mất bao nhiêu thời gian và công sức? Có nhiều món phù hợp để thay đổi cho ngon miệng không? Những người bận rộn đi làm như chúng ta liệu có thể làm được chứ? Hãy cùng tham khảo thử nhé!

ăn sáng

Bữa sáng ngon lành thế này có dễ làm không nhỉ? (Ảnh: Internet)

 

Thịt viên mới ngon miệng cho cả nhà

Với đôi chút biến tấu bạn có thêm cách làm thịt viên mới ngon miệng cho cả nhà.

Nguyên liệu:

Cho phần thịt viên:

200g thịt bò xay
200g thịt lợn xay
1 quả trứng, đánh đều
½ cốc vụn bánh mỳ
1 thìa canh lá kinh giới khô
Ớt bột
1 thìa canh dầu ô liu
Pho mát

Cho phần xốt cà chua:

1 củ hành tây thái nhỏ
2 tép tỏi băm
1 nhánh cần tây băm
1 củ cà rốt, bỏ vỏ, thái nhỏ
1 quả cà chua thái nhỏ
1 thìa canh dầu ô liu
Muối, tiêu

thit-vien-moi-ngon-mieng-cho-ca-nha

Các bước thực hiện:

1. Phần thịt viên:

Trộn đều thịt với trứng đã đánh, vụn bánh mỳ, rau kinh giới, 1 nhúm ớt bột, pho mát nạo và muối, tiêu.

Nhúng tay vào nước, viên thịt thành từng viên vừa ăn. Đổ dầu ô-liu vào chảo và chiên ở nhiệt độ trung bình 15–20 phút.

2. Phần nước xốt cà chua:

Đổ dầu ô-liu vào chảo, đổ thêm hành tây, tỏi, cà rốt và cân vào xào khoảng 8 phút. Thêm cà chua và khuấy đều đến khi các nguyên liệu hòa quyện với nhau.

Hạ nhiệt độ bếp và đun nhỏ lửa hỗn hợp sốt khoảng 5–10 phút nữa.

(Theo Xzone)

Tên gọi món ăn, nguyên vật liệu, gia vị của các miền

(Webtretho) Bạn có đủ tự tin mình là một “master chef” với đầy đủ kiến thức ẩm thực và nắm rõ tên gọi của các món ăn, vật liệu, gia vị của quê hương mình, từ Bắc đến Nam?

Mời bạn cùng học hỏi và thử kiểm tra kiến thức tại đây nhé!

các món ăn 3 miền

Ảnh: Getty Images

Lựa chọn cách chế biến món ăn hàng ngày

Hầu hết thực phẩm như thịt, cá, gạo, ngô, khoai, rau, củ… mua về đều phải nấu nướng thành thức ăn. 

Vì vậy các câu hỏi đặt ra là: Khi nấu nướng ở nhiệt độ cao trên 100oC, thức ăn biến đổi thế nào? Có bị mất chất bổ không? Có tạo ra chất độc hại không? Bài viết sau đây sẽ giúp các bà nội trợ vững tâm khi lựa chọn cách chế biến món ăn ngày thường cũng như ngày Tết có lợi cho sức khỏe.

Việc chế biến món ăn của người Việt chủ yếu là dùng nhiệt độ để làm chín thức ăn theo hai phương thức: gián tiếp là dùng nồi, chảo… đựng thực phẩm nấu chín trên bếp lửa và trực tiếp là để thực phẩm tiếp xúc trực tiếp với than, lửa như các món nướng. Tùy theo nhiệt độ, thời gian và cách nấu nướng mà thực phẩm bị biến đổi các tính chất lý hóa, có lợi hoặc có hại đối với sức khỏe chúng ta.

lua-chon-cach-che-bien-mon-an-hang-ngay

Đối với chất đạm (protein)

Chất đạm như thịt, cá, trứng, sữa, khi đun nóng ở nhiệt độ 70oC thì protein đông vón lại rồi bị thoái hóa. Nếu nấu trong môi trường axit (canh chua) quá trình này xảy ra ở nhiệt độ thấp hơn. Sự đông vón vừa phải làm cho protein dễ tiêu. Nhưng khi nấu nướng ở nhiệt độ cao quá lâu, giá trị dinh dưỡng của protein giảm đi vì chúng tạo thành các liên kết khó tiêu. Quá trình tạo thành chất khó tiêu này xảy ra khi nướng hoặc hâm nóng thức ăn trong lò nhiệt độ cao, rán thịt cá trong dầu mỡ quá lâu. Do đó với các thực phẩm giàu chất đạm như thịt, cá, trứng đều phải sử dụng nhiệt độ trên 70oC, tốt nhất là 100oC để nấu chín và diệt khuẩn. Khi bạn luộc thịt lợn, gà (ngan, vịt), cá, chân giò, gan… cần luộc chín kỹ, đặc biệt chú ý phần thịt sát với xương không nên để còn màu hồng. Bạn cũng nên hạn chế sử dụng các thức ăn nướng, quay, rán trong lò nhiệt độ cao hoặc trong dầu mỡ lâu.

Đối với chất béo (lipit)

Chất béo gồm dầu và mỡ, ở nhiệt độ không quá 102oC, lipit (dầu, mỡ) không có biến đổi đáng kể ngoài sự hóa lỏng. Nhưng khi đun lâu ở nhiệt độ cao, các axit béo không no sẽ bị ôxy hóa làm mất tác dụng dinh dưỡng. Mặt khác, các liên kết kép trong cấu trúc của các axit béo này bị bẻ gãy tạo thành các sản phẩm trung gian như peroxit aldehyt, aldehyt rất có hại đối với cơ thể. Khi nướng thức ăn trên bếp lửa,  mỡ chảy ra rơi xuống tạo mùi thơm nhưng thực chất đó là carbuahydro thơm vòng, không tốt cho sức khỏe, trái lại nó chính là một trong các tác nhân gây ung thư. Vì vậy, các bà nội trợ không nên tái sử dụng dầu mỡ đã qua rán ở nhiệt độ cao.

Đối với chất bột đường (gluxit)

Chất bột đường gồm các loại đường đơn, đường kép, tinh bột (gạo, ngô, khoai, sắn, đậu). Ở nhiệt độ nước sôi, các loại đường đơn không có biến đổi đáng kể. Quá trình nhiệt phân làm cho tinh bột dễ tiêu hơn, nhiệt phân cũng làm cho celluloza không bị nứt ra và trở nên mềm hơn. Nếu chế biến ở nhiệt độ cao, nhất là trong môi trường khô không có nước, như các món rang, nướng, các thành phần của tinh bột cũng bị biến đổi cháy đen, khó tiêu hóa hoặc độc hại với cơ thể.

Các chất khoáng và vitamin

Các chất khoáng (canxi, phospho, kali, magiê…) trong quá trình nấu có các biến đổi về số lượng do chúng hòa tan vào nước. Vì vậy, khi ăn, nên ăn cả cái lẫn nước mới tốt cho sức khỏe.
Vitamin các loại chịu nhiều biến đổi nhất vì đó là những thành phần kém bền vững. Các vitamin tan trong dầu như A, D, E, K tương đối bền vững với nhiệt độ, trong quá trình nấu nướng bị hao hụt từ 15 – 20%. Các vitamin tan trong nước như vitamin C, vitamin nhóm B bị mất nhiều hơn do dễ hòa tan và dễ bị thủy phân, nhất là trong môi trường kiềm.

Trong vitamin nhóm B thì vitamin B1 kém bền vững nhất, vitamin B2, vitamin PP hầu như không bị phân hủy. Riêng vitamin C rất kém bền vững với nhiệt độ, nó dễ hòa tan trong nước và bị ôxy hóa nhanh, nhất là ở nhiệt độ cao. Để hạn chế mất vitamin, khi luộc, nấu bạn chỉ nên cho rau vào nước đun sôi để rút ngắn thời gian đun nấu. Canh rau nấu chín rồi, nên ăn ngay cũng giúp hạn chế hao hụt vitamin C. Nghiên cứu cho thấy lượng vitamin mất do quá trình nấu nướng là: vitamin C mất 50%; vitamin B1 mất 30%; caroten mất 20%.

Như vậy việc nấu nướng hợp lý có thể đảm bảo các chất dinh dưỡng không bị biến chất, hao hụt và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giúp cơ thể hấp thu tốt các chất dinh dưỡng. Đồng thời cũng ngăn ngừa việc sản sinh ra các chất độc hại đối với sức khỏe.

ThS. Phạm Thanh Xuân

(Theo Suckhoedoisong)

Bí quyết nấu ăn không sợ cháy khét

Sử dụng chảo chống dính, đun nhỏ lửa với món xốt, khuấy thường xuyên… là những cách đơn giản giúp bạn hạn chế xoong chảo bị cháy, ảnh hưởng đến thức ăn.

Dưới đây là một vài bí quyết giúp ích cho bạn trong công việc nội trợ:

Sử dụng xoong, chảo chất liệu tốt

Dụng cụ nấu nướng có chất lượng thấp không hấp thu nhiệt tốt và nhanh bị cháy khi đun nấu. Do đó, bạn nên sử dụng những chiếc xoong, chảo ba lớp làm từ hợp chất nhôm và thép không gỉ rất chắc chắn và bền. Gang cũng là một chất liệu tốt cho xoong, chảo vì chúng rất khó bị cháy khi nấu ở nhiệt độ cao.

Dùng sản phẩm chống dính

Hiện nay, những chiếc chảo chống dính rất được ưa chuộng vì chúng được phủ một lớp chất liệu chống dính khá mỏng nhưng lại dẫn nhiệt tốt, giúp thức ăn không bị dính vào đáy chảo trong quá trình nấu nướng.

bi-quyet-nau-an-khong-so-chay-khet

Sử dụng các loại xoong, nồi có chất liệu tốt giúp bạn hạn chế việc bị cháy thức ăn trong quá trình nấu nướng. Ảnh: N.S.

Vệ sinh bếp sạch sẽ

Những phần thức ăn bị tràn hoặc rơi rớt ra bên ngoài bếp sẽ bị cháy nếu chúng tiếp xúc trực tiếp với lửa. Điều này không chỉ làm cho việc vệ sinh bếp trở nên khó khăn mà còn dễ gây cháy phần đáy xoong, chảo. Trong trường hợp này, bạn cần chùi sạch đầu đốt lửa (nếu là bếp gas), cạo phần thức ăn đã cháy, lấy hết những thứ còn bám trên bếp trước khi tiếp tục đun nấu.

Lau chùi bên ngoài xoong, chảo

Trong quá trình cất giữ, những mẩu thức ăn hoặc bụi bẩn có thể bám vào thành hoặc đáy xoong, chảo. Nếu không được vệ sinh kỹ, chúng có thể bám lửa và gây cháy phần bên ngoài của xoong, chảo.

Đun nóng dầu trước khi cho thức ăn

Bất kỳ loại chảo nào dù được làm từ chất liệu gì thì cũng cần được làm nóng trước khi bạn bắt đầu quá trình nấu nướng. Giống như dầu ăn, khi được đun nóng ở nhiệt độ cao, dầu ăn sẽ thấm vào trong những chiếc lỗ bé xíu trên bề mặt của lớp kim loại làm ra chảo (tương tự như lỗ chân lông trên da chúng ta). Nhờ đó, sẽ tạo ra một lớp chống dính, giúp thức ăn không bị dính vào đáy chảo.

Đầu đốt phù hợp với kích cỡ xoong, chảo

Vấn đề này càng cần được lưu ý hơn nếu như bạn dùng bếp gas vì ngọn lửa liếm dọc theo thành xoong, chảo sẽ làm cho nước hoặc thức ăn lỏng bên trong dính chặt vào thành nồi. Nếu không có đầu đốt lửa phù hợp với kích cỡ của xoong, nồi sẽ nấu, bạn nên chọn đầu đốt lửa nhỏ, không chọn cái quá to để vừa tiết kiệm gas, vừa không làm cháy xoong, chảo.

Đun nhỏ lửa đối với món xốt

Những loại nước xốt đặc sệt rất dễ bị cháy nếu được nấu quá nhanh. Do đó, nên để cho chúng sôi từ từ, bắt đầu từ mức lửa riu riu rồi mới chỉnh đến trung bình, không bật lửa to. Chỉ đun sôi nước xốt trong thời gian cần thiết theo hướng dẫn của món ăn.

Khuấy thường xuyên

Khuấy liên tục là một trong những yêu cầu bắt buộc khi nấu các món có nước xốt nhằm ngăn không cho nước xốt dính vào đáy nồi. Đối với những loại thức ăn đặc như thịt hay rau, củ, bạn cũng nên khuấy, đảo và lật trở chúng thường xuyên. Khi thức ăn đọng quá lâu ở một vị trí, phần thức ăn tiếp xúc với chất liệu kim loại của xoong, nồi thường bị cháy và để lại vết dính rất khó chùi rửa.

Xoay xoong, chảo khi nấu

Một số đầu đốt lửa sẽ không phân bổ nhiệt đều đặn, nhất là những chiếc bếp đã cũ. Xoay xoong, chảo trong khi nấu giúp ngăn ngừa tình trạng hơi nóng tiếp xúc trực tiếp ở một vị trí cố định trên xoong, chảo quá lâu.

Dùng dụng cụ khuếch tán nhiệt

Dụng cụ khuếch tán nhiệt là một chiếc đĩa kim loại dùng để đặt vào giữa bếp và đầu đốt lửa. Chúng giúp kiểm soát việc phân tán nhiệt, giúp thức ăn chín đều. Nhờ đó, ngăn ngừa tình trạng cháy thức ăn.

(Theo VnExpress)

Lưu ý khi hâm nóng thức ăn

Làm nóng thức ăn là một công việc quen thuộc. Tuy nhiên, tùy từng loại thức ăn mà có cách làm nóng thích hợp để tránh làm giảm thành phần dinh dưỡng của món ăn.

Dưới đây là một vài lưu ý bạn cần biết để có cách làm nóng thức ăn cho phù hợp:

- Đối với thực phẩm từ cá, khi muốn làm nóng cá, bạn chỉ nên hâm nóng trong thời gian từ 4-5 phút, không nên hâm quá lâu vì sẽ mất đi lượng protein và mỡ trong cá.

luu-y-khi-ham-nong-thuc-an

Một ít gừng trong quá trình hâm nóng sẽ giúp các món hải sản thơm ngon hơn. Ảnh: Khánh Hòa.

- Đối với thực phẩm từ thịt, trước khi hâm nóng nên cho chút giấm, bởi khi hâm nóng, các chất khoáng trong thịt sẽ bốc hơi gặp axit trong dấm ăn sẽ tạo thành chất axetat canxi rất tốt cho cơ thể.

- Đối với các loại hải sản, khi hâm nóng nên cho chút gia vị như rượu, gừng. Cách làm như vậy, sẽ giúp thực phẩm giữ được độ tươi ngon và giúp tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh, khiến bạn yên tâm khi ăn.

- Đối với tinh bột, thì nên ăn ngay khi làm nóng bởi càng để lâu thì sự kết dính cũng như màu sắc và hương vị sẽ thay đổi bởi các tụ cầu khuẩn phân hủy.

(Theo Tạp chí món ngon)

Kỹ thuật nấu ăn có lợi cho sức khỏe

Hấp, xào, chiên áp chảo hay om... là những cách nấu ăn giúp bảo quản được lượng chất dinh dưỡng có trong thực phẩm, rất có lợi cho sức khỏe.

Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất khi lựa chọn phương pháp chế biến thực phẩm đó là tránh sử dụng quá nhiều dầu, mỡ. Sau đây là một số kỹ thuật nấu nướng giúp bạn giữ được hương vị và chất dinh dưỡng của món ăn.

1. Hấp

Hấp là phương pháp chế biến thực phẩm bằng cách sử dụng hơi nước. Cách nấu này là một trong những kỹ thuật đơn giản nhất, có thể sử dụng cho mọi loại thực phẩm. Để tăng thêm hương vị cho món ăn trong quá trình nấu, bạn có thể cho thêm nước sốt vào phần nước hấp.

Chế biến thực phẩm theo cách hấp giúp bảo quản được các chất dinh dưỡng và mang lại hương vị thơm ngon cho món ăn. Ngoài ra, thức ăn không bị nấu quá chín hoặc bị cháy, hạn chế tối đa lượng chất béo trong thức ăn.

2. Nướng lò

Phương pháp này được dùng chủ yếu cho các món bánh mì, hải sản, thịt gia cầm và rau xanh. Nướng lò có công dụng hạn chế việc dùng chất béo trong món ăn ở mức thấp nhất.

3. Xào

Trong phương pháp này, thức ăn được nấu với nhiệt độ trung bình. Người nấu đảo thức ăn liên tục để chúng chín đều và giòn mà không bị cháy. Xào chỉ dùng lượng dầu ăn rất ít.

Đây là cách chế biến được chuẩn bị khá nhanh và dễ dàng.Dùng nhiều loại rau xanh và những thực phẩm giàu protein có lợi cho sức khỏe. Bên cạnh đó, bạn sử dụngđượcnhững chất béo có lợi ở mức nhiệt độ trung bình.

ky-thuat-nau-an-co-loi-cho-suc-khoe

4. Nướng vỉ

Thông thường, món nướng sẽ sử dụng các nguồn nhiệt trực tiếp, nhờ đó, những miếng thịt đã được thái và tẩm ướp kỹ từ trước sẽ chín khá nhanh. Trong quá trình nướng, chất béo trong thịt sẽ chảy dần ra ngoài. Cần chú ý không để thực phẩm bị cháy đen, tránh nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Chế biến món ăn theo cách này giúp loại bỏ bớt lượng chất béo dư thừa có trong thực phẩm và hạn chế việc sử dụng dầu ăn.

5. Chần

Khi chần, thực phẩm sẽ được đun sôi nhẹ trong các loại chất lỏng như sữa, nước dùng hoặc rượu thay vì dùng dầu ăn. Kỹ thuật nấu này thích hợp với các món cá, gà, trứng và những loại thực phẩm dễ bị cứng khi luộc.

Cách chế biến này có thời gian chuẩn bị nhanh, hạn chế việc dùng dầu ăn hoặc chất béo và thích hợp với các món ăn không có rau.

6. Om

Om là kỹ thuật nấu kết hợp giữa việc sử dụng cả chất ẩm và hơi nóng khô. Đầu tiên, thức ăn sẽ được đun cho đến khi cạn nước với nhiệt độ cao. Sau đó, món ăn sẽ được đậy vung và tiếp tục đun ở nhiệt độ thấp với lượng nước thích hợp, tùy theo hương vị của món ăn. Trong một số công thức, món ăn sẽ tự tiết ra nước và tạo thành một hỗn hợp nước sốt đặc sệt thơm ngon.

Cách chế biến này giúp hạn chế việc sử dụng dầu ăn và giữ lại các chất dinh dưỡng trong món ăn.

7. Quay

Trong quá trình quay, bạn nên đặt thực phẩm lên giá gác phía trên chiếc chảo quay để lượng chất béo trong thực phẩm chảy nhỏ giọt ra ngoài. Bên cạnh đó, cần thường xuyên dùng dầu ô-liu quét lên thực phẩm nhằm mục đích chống cháy cho món ăn.

Giống như nướng, lợi ích của việc chế biến thực phẩm bằng cách quay là loại bỏ được chất béo trong thực phẩm và hạn chế tối thiểu lượng dầu ăn cần dùng.

8. Chiên áp chảo

Kỹ thuật chiên áp chảo dùng để nấu những thực phẩm đã được thái miếng nhỏ và mỏng. Chiên áp chảo khá giống với phương pháp xào vì chúng cũng dùng một ít chất béo cho vào chiếc chảo nông để làm chín thức ăn ở nhiệt độ cao. Loại chảo chống dính sẽ giúp hạn chế đến mức thấp nhất lượng chất béo cần dùng.

Với kỹ thuật chiên áp chảo, hình dáng, lượng nước và hương vị của thực phẩm sẽ được giữ nguyên.

9. Sử dụng thảo mộc và gia vị

Đây là một trong những cách tốt nhất để làm tăng màu sắc, mùi vị và hương thơm cho món ăn mà không cần phải cho thêm muối hoặc dầu ăn. Các loại thảo mộc tươi nên được cho vào giai đoạn sau cùng của quá trình nấu nướng để chúng không bị héo. Ngược lại, các loại thảo mộc khô cần cho vào món ăn sớm hơn.

Cách chế biến này giúp bảo quản được các chất dinh dưỡng của món ăn, hạn chế việc sử dụng muối.

Những kỹ thuật nấu nướng lành mạnh nhất giúp ích cho bạn

- Đối với các món nướng hoặc xào, nên sử dụng chảo chống dính để hạn chế lượng dầu ăn cần dùng.

- Cắt giảm ½ lượng muối trong món ăn và thay thế bằng các loại thảo mộc, nước chanh hoặc giấm…

- Nên dùng dầu ô-liu.

- Thay thế các loại nước sốt hoặc nước thịt đậm đặc bằng nước sốt rau củ và sốt tương ớt.

- Thường xuyên lựa chọn trái cây thay cho các món bánh ngọt tráng miệng.

- Chú ý nhiều hơn đến bột mì, bột gạo thô và giảm bớt các loại bột trắng đã được tinh chế.

- Hấp rau xanh thay vì luộc.

- Chọn những sản phẩm làm từ loại trứng ít cholesterol.

(Theo Phụ nữ Online)