Lưu trữ cho từ khóa: nang trứng

Cùng nhau tìm hiểu về tuổi thọ của nàng trứng và chàng tinh binh

Trứng sống được khoảng 12-24 giờ sau khi rụng trong khi tinh trùng có thể tồn tại tối đa 7 ngày.

chu ky cua nang trung va tinh binh

Một kỳ kinh nguyệt dài bao lâu?

Độ dài của một chu kỳ phụ thuộc vào từng phụ nữ và từng thời điểm khác nhau. Một vòng kinh trung bình ở nữ giới là khoảng 28-30 ngày. Với những phụ nữ có chu kỳ kinh ngắn hoặc dài hơn thì ngày rụng trứng có thể bị dao động. Khi đó, khả năng thụ thai cũng thường bị xáo trộn theo; chẳng hạn, nếu chu kỳ của bạn là 31 ngày thì khoảng thời gian rụng trứng là từ ngày 14 đến ngày 17 của chu kỳ.

Khi nào dễ thụ thai nhất?

Hàng tháng, cơ thể bạn sẽ có một khoảng thời gian dễ thụ thai nhất (khoảng 3-4 ngày trước và sau ngày thứ 14 của chu kỳ).

Trứng rụng sẽ lần lượt “phiêu du” qua ống dẫn trứng xuống tử cung. Ở đây, nếu gặp được chàng “tinh binh” nào, trứng sẽ nhanh chóng làm tổ với tinh trùng và quá trình thụ thai bắt đầu.

Tại sao lại có hiện tượng rụng trứng?

Hormone là yếu tố quan trọng quyết định sự rụng trứng. Vào thời gian đầu của chu kỳ, cơ thể sản xuất ra một loại hormone sinh dục đặc biệt, giúp kích thích trứng chín và rụng trong thời điểm thích hợp.

Làm thế nào để biết trứng rụng?

Một trong những dấu hiệu cơ bản để bạn nhận biết cơ thể đang trong quá trình rụng trứng là sự thay đổi dịch tiết âm đạo. Sau chu kỳ, vùng kín thường có xu hướng khô ráo và sạch sẽ trong vài ngày. Sau đó, âm đạo bắt đầu xuất hiện chất nhầy trắng. Bước vào thời điểm rụng trứng, vùng kín thường tiết dịch trắng trong (giống lòng trắng trứng gà), ẩm ướt.

Thân nhiệt tăng cao trong ngày rụng trứng?

Thân nhiệt thường tăng lên vào thời điểm trứng rụng nhưng rất ít khi bạn biết chính xác thời điểm trứng rụng. Nhiều trường hợp, bạn biết được thời điểm trứng rụng thì đã quá muộn. Phương pháp kiểm tra thân nhiệt, nhận biết ngày trứng rụng để tính ngày thụ thai hoặc tránh thai thường không mang lại kết quả như ý.

Sự rụng trứng có thể gây đau?

Một số phụ nữ có cảm giác hơi đau ở vùng bụng dưới khi trứng chín và rụng trong khi phần lớn phụ nữ khác không cảm nhận thấy bất kỳ cơn đau nào. Rất ít phụ nữ bị chảy máu khi trứng rụng nhưng nếu bạn có triệu chứng ra máu bất thường giữa chu kỳ (không phải kỳ kinh), bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ.

Trứng và tinh trùng sống được bao lâu?

Trứng sống được khoảng 12-24 giờ sau khi rụng trong khi tinh trùng có thể tồn tại tối đa 7 ngày. Lý tưởng nhất là cần có nhiều tinh trùng chờ trứng rụng. Do đó, bạn nên quan hệ vợ chồng trước và sau ngày rụng trứng 1 ngày.

Có thể thụ thai ngoài ngày rụng trứng?

Bởi vì tinh trùng có thể sống sót đến một tuần sau khi rời “nhà máy” và tồn tại để chờ đến ngày làm tổ với trứng. Các nghiên cứu chứng minh rằng, kể cả khi bạn quan hệ trước 6 ngày rụng trứng, khả năng có thai vẫn rất cao. Còn nếu bạn cố đợi đến ngày trứng rụng mới quan hệ thì chưa chắc đã cho kết quả mang thai.

Tăng cơ hội thụ thai bằng cách nào?

Bạn không nên chăm chăm quan hệ vào ngày rụng trứng mà “lơ là” những ngày còn lại trong chu kỳ. Nếu muốn nhanh chóng “có tin vui”, tốt nhất bạn nên quan hệ vợ chồng đều đặn hàng tuần. Nên chú ý sau khi quan hệ, bạn nên nằm nghỉ trong vòng 20-30 phút để tinh trùng có thể tiến sâu vào tử cung và gặp được trứng.

Nếu bạn phải đứng dậy ngay và thấy hiện tượng tinh trùng bị trào ra ngoài, cũng không nên quá lo lắng. Điều này không khiến bạn thụ thai thất bại. Nên nhớ, số lần tinh trùng được sản xuất trong một lần quan hệ là rất lớn, chỉ cần một nửa trong số đó được giữ lại trong tử cung, bạn vẫn có cơ hội thụ thai. Một vài phụ nữ thích sử dụng gối bằng cách kê ở mông để giữ tinh trùng ở lại âm đạo nhằm gia tăng cơ hội thụ thai.

Cơ hội thụ thai giảm theo độ tuổi?

Ở độ tuổi 20, khả năng thụ thai của chị em cao gấp đôi so với tuổi 30. Chất lượng và số lượng trứng tỷ lệ nghịch với tuổi tác. Chất lượng trứng của chị em ở độ tuổi 20 thường rất tốt nhưng sẽ suy giảm dần sau tuổi 35.

(Theo Sachyte)

Trứng của em cứ to lên mà không rụng?

Xin chào bác sĩ!

Em 27 tuổi, chồng em 30 tuổi, cưới nhau hơn 3 năm mà chưa có con. Em từ hồi con gái đã bị rong kinh, rối loạn kinh nguyệt, có chu kỳ bị kéo dài đến 2 tháng mà ra rất nhiều. Uống thuốc thì ổn định, ngừng thuốc lại rối loạn.

Các chu kỳ của em dù có uống thuốc kích trứng hay để tự nhiên thì trứng cũng phát triển rất to, có kỳ lên tới 32.33mm.

Tháng vừa rồi BS có cho tiêm 01 mũi 2 ống diphereline 2 ống 1mg vào ngày 13 của chu kỳ, nhưng sau đó 3 ngày em đi siêu âm lại thì trứng vẫn không rụng mà tiếp tục to lên. Em cũng đã từng làm IUI 3 lần mà không thành công.

Bác sĩ cho em hỏi trứng của em to mà không rụng thì bên trong có nang trứng không? Và nguyên nhân là do đâu? Có chế độ ăn uống sinh hoạt như thế nào để cải thiện tình hình trên không?

Em xin chân thành cảm ơn! (Le Thi My - [email protected])

http://www2.vietbao.vn/images/vivavietnam3/suc_khoe/30102606_phu-nu-lo-lang-180206.jpg

Ảnh minh họa

Trả lời

My thân mến!

Em bị rong kinh, rong huyết có chu kỳ kéo dài khoảng 2 tháng, thì em rất khó thụ thai, sẽ ảnh hưởng nhiều đến chức năng sinh sản.

Nguyên nhân gây rong kinh - rong huyết thường gặp là do rối loạn nội tiết và bướu sợi tử cung. Có nhiều nguyên nhân gây rong kinh - rong huyết nhưng 2 nguyên nhân trên chiếm đến 80%.

Để rụng trứng và kinh nguyệt đều mỗi tháng cần có vai trò tác động qua lại giữa vùng dưới đồi và tuyến yên. Hormone tự nhiên do vùng dưới đồi tiết ra (GnRH) thông báo cho tuyến yên tiết ra hormone kích thích nang noãn phát triển FSH và hormone tạo LH, hai hormone này của tuyến yên tác động đến buồng trứng để tiết ra hormone estrogen, progesteron và làm cho nang noãn vỡ ra, giải phóng trứng nên gọi là rụng trứng (hay phóng noãn).

Do vậy, cần có một sự thăng bằng giữa 2 kích thích tố nữ estrogen và progesterone. Nếu vì một lý do nào đó, sự thăng bằng này bị rối loạn, nội mạc tử cung sẽ dày lên quá độ và khi bong tróc ra tạo nên kinh nguyệt quá nhiềụ và cũng do sự rối loạn nội tiết này làm cho trứng không rụng.

Trường hợp của em, trứng to không rụng là do rối loạn nội tiết như BS đã trình bày ở trên, còn cấu trúc nang trứng như thế nào phải mổ nội soi ổ bụng khảo sát buồng trứng mới có kết quả chính xác.

Chế độ ăn uống không giúp cải thiện được bệnh lý này em ạ. Chính vì vậy mà BS đã điều trị thuốc nội tiết thì chu kỳ kinh của em mới được ổn định.

Chúc em mau có bé!

Meo.vn (Theo alobacsi)

U nang buồng trứng

U nang buồng trứng là các túi chứa đầy dịch ở trong hoặc trên bề mặt buồng trứng. Có 2 buồng trứng, mỗi buồng trứng có kích thước và hình dạng bằng một quả hạnh nằm ở hai bên tử cung. Trứng phát triển và chín trong buồng trứng và rụng theo chu kỳ hằng tháng trong độ tuổi sinh đẻ của phụ nữ.

Nhiều phụ nữ bị u nang buồng trứng vào một thời điểm nào đó trong đời. Phần lớn nang buồng trứng ít hoặc không gây khó chịu và không có hại. Đa số nang buồng trứng biến mất trong vòng vài tháng mà không cần điều trị.

Tuy nhiên, nang buồng trứng nhất là những nang đã vỡ đôi khi gây các triệu chứng nghiêm trọng, và có thể đe doạ tính mạng. Cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của bạn là biết các triệu chứng và kiểu nang có thể báo hiệu vấn đề nghiêm trọng hơn và phải cần khám khung chậu định kỳ.

Dấu hiệu và triệu chứng

Bạn không thể dựa hoàn toàn vào triệu chứng để biết mình có bị u nang buồng trứng hay không. Trên thực tế, bạn có thể không có triệu chứng nào cả. Hoặc nếu có, các triệu chứng có thể giống như triệu chứng của các bệnh khác, như lạc nội mạc tử cung, bệnh viêm tiểu khung, chửa ngoài tử cung hoặc ung thư buồng trứng. Thậm chí viêm ruột thừa và viêm túi thừa có thể có các triệu chứng giống u nang buồng trứng vỡ.

Tuy nhiên, điều quan trọng là phải cảnh giác với bất cứ triệu chứng hoặc thay đổi nào trong cơ thể và biết triệu chứng nào là nặng. Nếu bạn bị u nang buồng trứng, bạn có thể có các dấu hiệu và triệu chứng sau:

  • Kinh nguyệt không đều
  • Đau vùng tiểu khung – đau âm ỉ liên tục hoặc từng cơn có thể lan ra lưng dưới và đùi
  • Đau vùng tiểu khung ngay trước khi có kinh hoặc sau khi hết kinh
  • Đau vùng tiểu khung khi giao hợp (giao hợp đau)
  • Buồn nôn, nôn hoặc cương vú như đang mang thai
  • Chướng hoặc đầy bụng
  • Chèn ép trực tràng hoặc bàng quang khó hết hoàn toàn nước tiểu trong bàng quang

Các dấu hiệu và triệu chứng báo hiệu cần đi khám ngay bao gồm:

  • Đau bụng hoặc tiểu khung đột ngột, dữ dội
  • Đau kèm theo sốt hoặc nôn

Nguyên nhân

Bình thường, mỗi tháng buồng trứng phát triển những cấu trúc giống nang được gọi là nang trứng. Các nang trứng là những “nhà máy hóa chất” nhỏ sản sinh hormon estrogen và progesteron và rụng một trứng khi bạn rụng trứng. U nang xảy ra khi nang trứng không vỡ hoặc không rụng trứng mà tiếp tục phát triển.

Đôi khi nang bình thường hằng tháng vẫn cứ phát triển. Khi điều này xảy ra, nó trở thành nang chức năng. Điều này có nghĩa là nang bắt đầu với chức năng bình thường của chu kỳ kinh. Có 2 loại nang chức năng:

  • U nang trứng. Vào khoảng giữa chu kỳ kinh, tuyến yên giải phóng nhiều hormon hoàng thể hóa (LH), báo hiệu cho nang giải phóng trứng. Khi mọi việc tiến triển theo đúng kế hoạch, trứng thoát khỏi nang và bắt đầu di chuyển theo ống dẫn trứng để thụ tinh. U nang trứng bắt đầu khi lượng LH không tăng lên. Kết quả là nang không vỡ hoặc không giải phóng trứng. Thay vì thế nó phát triển và trở thành u nang. U nang trứng thường không có hại, hiếm khi gây đau và thường tự mất đi sau 2-3 chu kỳ kinh.
  • U nang hoàng thể. Khi LH tăng mạnh và trứng được giải phóng, u nang đã vỡ bắt đầu sản sinh một lượng lớn estrogen và progesteron để chuẩn bị thụ thai. Điều này làm thay đổi giờ đây được gọi là hoàng thể. Tuy nhiên, đôi khi, lỗ thông để trứng thoát ra bị bịt kín và dịch tích lũy bên trong nang, khiến hoàng thể to lên thành nang. Mặc dù nang này thường tự biến mất trong vài tuần, nó có thể phát triển tới đường kính gần 10cm và có khả năng tự chảy máu hoặc xoắn buồng trứng, gây đau tiểu khung hoặc đau bụng. Nếu nang chứa đầy máu, nang có thể vỡ, gây chảy máu trong và đau đột ngột, dữ dội. Thuốc điều trị vô sinh clomiphen citrat (Clomid, Serophen), được dùng để gây rụng trứng, làm tăng nguy cơ u nang hoàng thể sau rụng trứng. Nang này không ngăn cản hoặc đe dọa thai nghén.

Khi nào cần đi khám bệnh

Nếu bạn bị đau dữ dội hoặc đau co thắt vùng bụng dưới, kèm theo sốt và nôn, hãy đến khám bác sĩ. Các dấu hiệu và triệu chứng này hoặc các dấu hiệu và triệu chứng của sốc như rét run, toát mồ hôi, thở nhanh và lơ mơ hoặc yếu – báo hiệu tình trạng cấp cứu và cần chăm sóc y tế ngay.

Sàng lọc và chẩn đoán

U nang buồng trứng có thể được phát hiện khi khám tiểu khung, trong đó bác sĩ sờ nắn buồng trứng. Nếu nghi ngờ u nang, bác sĩ thường khuyên làm thêm xét nghiệm để xác định loại u nang và liệu bạn có cần điều trị hay không.

Bác sĩ thường đưa ra một số câu hỏi để xác định chẩn đoán và giúp quyết định điều trị: u nang của bạn có hình dạng bất thường không? Kích thước như thế nào? Chứa đầy dịch, rắn hay hỗn hợp? U nang chứa đầy dịch không có khả năng ung thư. U nang rắn hoặc hỗn hợp dịch và rắn có thể cần đánh giá thêm để xác định xem liệu có bị ung thư hay không.

Để xác định loại u nang, bác sĩ có thể thực hiện các thủ thuật sau:

  • Thử thai. Thử thai dương tính có thể cho thấy nang của bạn là u nang hoàng thể, xảy ra khi nang trứng đã vỡ, giải phóng trứng, sau đó bịt kín trở lại và chứa đầy dịch.
  • Siêu âm khung chậu. Trong thủ thuật không đau này, một thiết bị giống chiếc gậy (đầu dò) được dùng để gửi và nhận sóng âm thanh cao tần (siêu âm) qua vùng tiểu khung, tạo nên hình ảnh của tử cung và buồng trứng trên màn hình video. Sau đó, hình ảnh này có thể được bác sĩ chụp và phân tích để xác nhận có u nang hay không, giúp xác định vị trí u và xem đó là u rắn hay u đầy dịch.
  • Nội soi ổ bụng. Dùng máy nội soi – một dụng cụ mảnh, có chiếu sáng được luồn vào trong bụng bạn qua một vết rạch nhỏ, bác sĩ có thể nhìn thấy buồng trứng và cắt bỏ u nang buồng trứng.
  • Xét nghiệm CA125 máu. Nồng độ protein được gọi là kháng nguyên ung thư 125 (CA125) trong máu thường tăng ở phụ nữ bị ung thư buồng trứng. Nếu bạn bị u nang buồng trứng rắn và có nguy cơ cao bị ung thư buồng trứng, bác sĩ của bạn có thể xét nghiệm nồng độ CA125 trong máu để xác định liệu u nang có thể ung thư hay không. Nồng độ CA125 tăng cũng có thể biểu hiện bệnh không ung thư như lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung và viêm tiểu khung.

Biến chứng

U nang buồng trứng lớn có thể gây khó chịu ở bụng. Nếu u nang lớn chèn ép bàng quang, bạn có thể phải đi tiểu nhiều lần vì dung tích của bàng quang bị giảm.

Một số phụ nữ bị các loại u nang hiếm gặp hơn có thể không có triệu chứng, nhưng bác sĩ có thể phát hiện khi khám tiểu khung. Khối u nang buồng trứng phát triển sau khi mãn kinh có thể ác tính. Các yếu tố này khiến khám tiểu khung thường xuyên trở nên quan trọng.

Các loại u nang dưới đây ít gặp hơn u nang chức năng:

  • U quái. Các nang này có thể chứa mô như tóc, da hoặc răng vì chúng hình thành từ các tế bào sản sinh trứng của người. Những u nang này hiếm khi ung thư, nhưng chúng có thể lớn và gây xoắn đau buồng trứng.
  • U nội mạc tử cung. U nang này là hậu quả của lạc nội mạc tử cung, một bệnh mà trong đó tế bào tử cung phát triển ngoài tử cung. Một số mô này có thể gắn với buồng trứng và tạo thành khối u.
  • U nang tuyến. Nhưng nang này phát triển từ mô buồng trứng và có thể chứa đầy dịch hoặc chất nhầy. Chúng có thể lớn đường kính ³29cm và gây xoắn buồng trứng.

Điều trị

Điều trị tùy thuộc vào tuổi, loại và kích thước u nang, và các triệu chứng của bạn. Bác sĩ có thể gợi ý:

  • Theo dõi. Bạn có thể theo dõi và khám lại 1-3 tháng sau nếu bạn đang trong độ tuổi sinh đẻ, bạn không có triệu chứng và siêu âm cho thấy bạn có u nang đơn thuần chứa đầy dịch. Bác sĩ thường sẽ khuyên bạn siêu âm theo dõi định kỳ vùng tiểu khung để xem liệu u nang của bạn có thay đổi kích thước hay không. Theo dõi, bao gồm theo dõi định kỳ bằng siêu âm, cũng là sự lựa chọn điều trị phổ biến được khuyến nghị cho phụ nữ sau mãn kinh nếu u nang đầy dịch và có đường kính dưới 5cm.
  • Dùng thuốc tránh thai. Bác sĩ có thể khuyên dùng thuốc tránh thai để giảm khả năng u nang mới tiến triển trong các chu kỳ kinh nguyệt sau đó. Thuốc tránh thai đường uống có một lợi ích nữa là làm giảm đáng kể nguy cơ ung thư buồng trứng, nguy cơ này giảm chừng nào bạn còn dùng thuốc tránh thai.
  • Phẫu thuật. Bác sĩ có thể gợi ý cắt bỏ u nang nếu u nang lớn, không giống u nang chức năng, đang phát triển hoặc tồn tại qua 2-3 chu kỳ kinh. U nang gây đau hoặc các triệu chứng khác có thể được cắt bỏ. Một số u nang có thể được cắt bỏ mà không cắt bỏ buồng trứng trong một thủ thuật được gọi là thủ thuật cắt bỏ u nang. Bác sĩ có thể gợi ý cắt bỏ 1 buồng trứng bị bệnh và để lại buồng trứng lành trong thủ thuật được gọi là thủ thuật cắt bỏ buồng trứng. Cả 2 thủ thuật này đều cho phép bạn duy trì khả năng sinh đẻ nếu bạn vẫn đang trong độ tuổi sinh đẻ. Giữ lại ít nhất 1 buồng trứng cũng có lợi là duy trì được nguồn sản sinh estrogen. Tuy nhiên, nếu khối u nang bị ung thư hóa, bác sĩ sẽ khuyên cắt toàn bộ tử cung để cắt bỏ cả 2 buồng trứng và tử cung. Sau mãn kinh, nguy cơ khối u nang buồng trứng mới được phát hiện bị ung thư hóa sẽ tăng. Hậu quả là bác sĩ thường khuyên phẫu thuật khi khối u nang phát sinh ở buồng trứng sau khi mãn kinh.

Phòng ngừa

Mặc dù chưa có cách chắc chắn để phòng tránh u nang buồng trứng, khám tiểu khung thường xuyên là cách giúp đảm bảo rằng những thay đổi ở buồng trứng của bạn được chẩn đoán sớm. Ngoài ra, hãy cảnh giác với những thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt, bao gồm các triệu chứng không điển hình có thể đi kèm chu kỳ kinh hoặc tồn tại dai dẳng qua vài chu kỳ kinh. Hãy báo với bác sĩ về bất cứ vấn đề gì có liên quan đến kinh nguyệt.


Nội soi điều trị buồn trứng đa nang

Hội chứng “buồng trứng đa nang” có những biểu hiện: rậm lông, hói tóc… Phần lớn chị em chỉ quan tâm đến hiện tượng này với lo ngại về thẩm mỹ, mà không biết rằng đây là hội chứng chiếm tỷ lệ cao trong các trường hợp hiếm muộn vô sinh ở nữ giới.

Khi phụ nữ râu rậm, nhiều lông

Theo nghiên cứu của bác sĩ Nguyễn Mạnh Trí (Bệnh viện Phụ sản T.Ư): Hội chứng buồng trứng đa nang (BTĐN) rất hay gặp trong những trường hợp vô sinh ở nữ (75% các trường hợp hiếm muộn vô sinh có liên quan đến hội chứng này). Đây là bệnh lý nội tiết thường gặp, chiếm tỷ lệ khoảng 16%-22% ở nữ giới. Phụ nữ được xác định mắc hội chứng BTĐN thường có những biểu hiện: mọc ria mép (72,7%), rậm lông chân (88,6%) và đặc biệt lông bụng lên cao ngang rốn (69,3%).

Các bác sĩ cũng lưu ý: ngoài biểu hiện rậm lông, ở phụ nữ mắc BTĐN thường kèm theo thể trạng béo –  là hậu quả của việc tăng androgen (nội tiết tố sinh dục nam). Bình thường cơ thể người phụ nữ vẫn luôn có một lượng nhỏ androgen – cụ thể là testosterol, nhưng lượng này không vượt quá 0,6 ml. Trong khi đó, ở những người mắc hội chứng BTĐN, nghiên cứu đã ghi nhận, 100% trường hợp có nồng độ testosterol cao hơn 2ng/ml, thậm chí trên 6ng/ml – mức quá cao. Ngay cả với nam giới, nồng độ này trung bình cũng chỉ ở mức 1,5-6,6ng/ml.

Phục hồi thiên chức

Bác sĩ Trần Quốc Nhân (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) lưu ý: “BTĐN chiếm tỷ lệ cao trong số nguyên nhân hiếm muộn ở nữ giới. Ngoài các xét nghiệm, nội soi ổ bụng kiểm tra buồng trứng là phương pháp xác định chính xác tình trạng bệnh”. Bác sĩ Nhân phân tích: “Nang trứng chín nhưng không rụng, vì vậy vẫn tồn tại trên bề mặt buồng trứng. Tình trạng này khiến bề mặt buồng trứng dày lên, noãn không thể rụng, phụ nữ không thể có thai. Việc phẫu thuật có thể thực hiện sau khi chỉ định thuốc kích rụng trứng không cho kết quả”.

Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Trí, phẫu thuật nội soi đã được áp dụng có hiệu quả trong điều trị BTĐN. Phương pháp này được chỉ định cho phụ nữ đã điều trị bằng thuốc trên 12 tháng, nhưng không có thai. Số phụ nữ được điều trị có thời gian hiếm muộn trung bình từ 2-7 năm, có trường hợp trên 8 đến hơn 10 năm. Hầu hết (93,2%) các phụ nữ này có chu kỳ kinh không đều và chu kỳ kéo dài. Về phẫu thuật nội soi điều trị, bác sĩ Trí nêu rõ: Hội chứng BTĐN có biểu hiện bề mặt buồng trứng trắng ngà, chắc.

Có thể do bề mặt như vậy đã khiến cho các nang trứng khó phát triển to lên, khó có thể vỡ (phóng noãn). Chúng tôi tiến hành mở cửa sổ buồng trứng bằng cách xẻ bề mặt buồng trứng bằng những đường cắt của dao điện một cực, với nhiều đường xẻ song song. Những đường cắt này nhằm phá vỡ nhiều nang trứng và đặc biệt, sẽ phá vỡ được bức tường dày của buồng trứng, tạo nên nhiều “cửa sổ”. Các “cửa sổ” đó sẽ giúp cho các nang trứng có cơ hội phát triển vào những vị trí trống, lớn lên phóng noãn mà không bị bề mặt dày của buồng trứng cản trở”. Qua theo dõi trên các bệnh nhân, 66,7% có thai tự nhiên sau khi can thiệp nội soi 12 tháng. Đặc biệt, can thiệp nội soi mang lợi ích “kép”: giúp can thiệp buồng trứng và đồng thời  giúp đánh giá mức độå thông vòi trứng – một chẩn đoán về hiếm muộn.

theo thanh nien

Nang buồng trứng biến mất, vì sao?

Nhiều phụ nữ đi khám, phát hiện mình có u nang trong buồng trứng, nhưng sau đó nang lại biến mất sau vài chu kỳ kinh (vài tháng). Vậy cái nang đi đâu và có cần phải mổ để 'truy lùng' nó không, hay phải cắt bỏ cả buồng trứng cho 'chắc ăn'?...

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Lúc hiện diện, lúc biến mất

Theo bác sĩ Khúc Minh Thúy, Trưởng khoa Phụ ngoại - Ung bướu (Bệnh viện Hùng Vương), kiêm giảng viên bộ môn Phụ sản (trường ĐH Y Dược, TPHCM): Nang buồng trứng ở phụ nữ được chia làm hai nhóm, nhóm không cần phẫu thuật và nhóm phải phẫu thuật.

- Nhóm không cần phẫu thuật còn gọi là u nang chức năng, loại nang này có thể tự tiêu sau vài chu kỳ kinh. Nang này xảy ra thường là do thay đổi nội tiết trong chu kỳ kinh nguyệt, khiến cho nang noãn bị quá kích, to ra và chứa dịch (bình thường, hằng tháng, sẽ có những nang trứng trưởng thành khoảng 20-22mm là nó rụng). Loại nang này phần lớn không biểu lộ triệu chứng, mà phát hiện nang tình cờ qua khám bệnh tổng quát, siêu âm.

Nang chức năng thường chỉ nằm một bên buồng trứng, bên phải hoặc trái, thường xảy ra trong lứa tuổi hoạt động tình dục, hiếm gặp ở tuổi chưa dậy thì và tuổi mãn kinh.

- Riêng nhóm nang cần phẫu thuật còn gọi là u nang thực thể. Thường nó cũng không có triệu chứng, một số trường hợp có triệu chứng như đau bụng, rối loạn kinh nguyệt... Khác với nang chức năng, nang thực thể hiện diện ở một hoặc cả hai bên buồng trứng, và có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng gặp nhiều nhất là ở độ tuổi sinh sản. Trong nhóm nang buồng trứng thực thể có nhiều loại, nhưng gặp nhiều nhất là nang bì (còn gọi là u quái). Loại u nang này khi xẻ ra bên trong có răng, tóc, sụn..., mà nhiều người (nhất là ở vùng quê) không hiểu cho rằng do bị 'thư' hay bị 'ém bùa'! Việc hình thành sụn, tóc, răng trong nang là từ nguồn gốc thần kinh, đa số đây là nang lành tính.

Ở hai đầu tuổi (trước dậy thì và tuổi mãn kinh) ít gặp hơn, nhưng nếu gặp thì tỷ lệ u nang hóa ác nhiều hơn.

Có cần phẫu thuật để lấy nang không?

'Có cần phải mổ lấy u nang hay không?' là câu hỏi được hầu hết các chị em lo lắng đặt ra. Bác sĩ Khúc Minh Thúy cho biết, nếu là nang chức năng, thì thường không cần can thiệp, chỉ cần hướng dẫn bệnh nhân theo dõi sau 2-3 hay 3-6 chu kỳ kinh nguyệt, tái khám. Phần lớn loại  nang này sẽ tự tiêu đi sau khoảng thời gian đó, hiếm khi nào phải phẫu thuật.

Còn đối với nhóm nang thực thể, thì có khả năng nang gây biến chứng như: xoắn, vỡ, chèn ép các cơ quan trong ổ bụng, hay hóa ung thư. Khi đã xác định là nang thực thể thì hướng điều trị là phải mổ. Tùy theo loại nang, tuổi bệnh nhân, số con đã có... bác sĩ sẽ quyết định mổ bóc tách u nang hay cắt bỏ buồng trứng.

Khi đã phát hiện, xác định được loại u nang, thì cần có hướng can thiệp sớm, sẽ có lợi cho bệnh nhân, tránh những biến chứng. Tuy nhiên, trong thực tế phần lớn chị em phát hiện bệnh thì nang đã lớn, đường kính nang trên 5cm, có khi nặng 3, 4, 5 ký. Bởi triệu chứng u nang buồng trứng 'nghèo nàn' như nói trên, khiến họ không hề hay biết.

Việc phân loại nang buồng trứng thực thể hay nang chức năng chủ yếu là dựa vào hình ảnh siêu âm; cũng như một số kết quả xét nghiệm hướng bác sĩ đến chẩn đoán nang lành hay ác để có hướng điều trị thích hợp.

Theo Thanh Tùng

Thanh niên

8 bí mật của cơ thể

Gãy xương quả là một tai họa, điều này ai cũng biết. Nhưng không phải ai cũng biết rằng xương xốp và trở nên dễ gãy là một cách để cơ thể tự bảo vệ mình.

Cơ thể con người là một cỗ máy hoàn hảo. Các dòng chảy hóa sinh và dịch nhầy luôn chuyển động và hòa trộn vào nhau. Trong vô vàn phức tạp ấy có những bí mật tưởng chừng không thể tồn tại nhưng lại là thành phần thiết yếu tạo nên sự kỳ diệu của cỗ máy sống này

Dịch dạ dày - chất độc nguy hiểm

Có thể khẳng định rằng không vật chất nào an toàn trước axit HCl, một hóa chất ăn mòn dùng để xử lý kim loại trong lĩnh vực công nghiệp. Với độ đậm đặc đủ mạnh, axit này có thể tẩy sạch kim loại. Thế nhưng, các tế bào dạ dày lại bình an vô sự trước nó, thậm chí màng nhầy của thành dạ dày còn giữ lại loại hóa chất độc này để phân bổ khắp hệ tiêu hóa nhằm phân hủy thức ăn.

Xương gãy là để cân bằng khoáng chất

Là hệ thống nâng đỡ và hỗ trợ các cơ quan và cơ bắp, bộ xương đảm nhiệm chức năng điều chỉnh mức canxi trong cơ thể. Thành phần sinh hóa của xương có cả phốt pho và canxi, những chất sau đó sẽ được chuyển hóa, cần cho hệ thống cơ bắp và thần kinh. Đó là lý do khi lượng canxi thiếu hụt, một số hoóc môn chức năng sẽ gây ra phản ứng giòn xốp và dễ gãy của xương, nhằm tập trung lượng canxi cần thiết cho toàn cơ thể. Chỉ đến khi mức khoáng chất trong tế bào đạt đến độ tập trung tương đối tình trạng xương sẽ dần ổn định

Ăn để suy nghĩ

Mặc dù chỉ chiếm 2% thể trọng nhưng não cần tới 20% ôxy và năng lượng toàn thân. Để giữ cho não luôn đủ dinh dưỡng dự trữ, 3 mạch máu chính của não bộ liên tục bơm tiếp ôxy. Bất cứ một trục trặc nhỏ nào ở các mạch máu này như tắc nghẽn hay rách vỡ cũng đều bỏ đói tế bào năng lượng não, vốn rất cần cho hoạt động kiểm soát và chỉnh sửa các chức năng khu vực. Kết cục là xảy ra một cơn đột quỵ chí tử.

Lãng phí trứng

Trung bình một bé gái ở tuổi dậy thì có khoảng 34.000 nang trứng chưa chín, nhưng chỉ khoảng 350 trong số đó chín rụng cho đến tuổi mãn kinh, mỗi tháng 1 quả. Khi một phụ nữ bước vào độ tuổi cuối 40 đầu 50, hai buồng trứng sản xuất ít oestrogen hơn; những nang trứng chưa chín bắt đầu hư hao và không phóng thích được xuống tử cung như trước. Chúng sẽ tự hủy.

To đầu, nhỏ miệng

Sự tiến hóa quả thực không hoàn hảo; nếu không chúng ta sẽ có đôi cánh thay vì những chiếc răng khôn. Thế nhưng các cơ quan vô dụng này lại luôn bám theo nhiều loài, đơn giản chỉ vì chúng vô hại. Khá lâu trước khi loài người tiến hóa hoàn toàn, những chiếc răng khôn có tác dụng như bộ nhai thức ba, giúp nghiền nát thức ăn. Nhưng khi não bộ phát triển, cấu trúc xương hàm cũng thay đổi, dẫn đến xuất hiện thêm những chiếc răng cuối cùng như phần quà khuyến mãi không mong đợi

Cười và ngáp dễ lây

Chỉ cần nhìn ai đó ngáp, bạn cũng có thể xuất hiện phản ứng cũng tương tự.

Cười cũng vậy. Một bằng chứng khoa học mới đây cho thấy hành vi này là một kiểu bắt chước mang tính xã hội. Chỉ cần nghe một tiếng cười giòn là cũng đủ kích thích khu vực não bộ làm chuyển động cơ mặt, khiến bạn cười theo. Hành động bắt chước này đóng một vai trò quan trọng trong tương tác xã hội. Các phản ứng như hắt hơi, cười, khóc và ngáp đều mang tính dây chuyền như cách tạo mối liên hệ xã hội mạnh mẽ.

Bốn màu da trên cơ thể

Các mạch máu gần bề mặt da luôn bổ sung sắc tố đỏ và kết hợp cùng với sắc tố nâu vàng để tạo ra độ sáng tối riêng cho từng khu vực. Khi sắc tố nâu đen được tạo ra sau phản ứng với tia cực tím, một bề mặt da rộng sẽ chuyển sang màu đen. Chính 4 màu sắc này trộn lẫn với tỷ lệ khác nhau để tạo ra những sắc độ riêng trên cơ thể cũng như màu da của các chủng tộc

Không gian kích thích bộ nhớ

Bạn không thể nhớ ngày sinh của bà xã? Hãy quỳ xuống và làm động tác tặng hoa. Trí nhớ của bạn chịu tác động của các giác quan, một cảnh tượng hay âm thanh thân quen cũng có thể gợi lên những tình tiết xa xăm trong nào đó từ thuở ấu thơ.

Theo một nghiên cứu thì tiếng chuông xe đạp có thể làm chúng ta nhớ lại quãng đường ngày xưa đến trường. Ký ức quá vãng hiện về nhanh hơn và rõ ràng hơn khi chủ thể đang ở vị trí tương tự như trước đó.

(Theo Kiến Thức Ngày Nay)

Vô sinh vì có hai 'bộ phận nhạy cảm'

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mớiKhông thể làm mẹ là nỗi bất hạnh lớn nhất của người phụ nữ. Có người ngay từ khi mới sinh ra đã biết sự thiếu may mắn của mình. Nhưng cũng có người đã bị những căn bệnh không ngờ cướp đi thiên chức làm mẹ.

Phòng khám của Trung tâm Nam học và Hiếm muộn Hà Nội vào những tháng đầu năm chật ních người. Dáng vẻ bẽn lẽn rồi ngồi cúi gằm mặt của một cô gái còn khá trẻ thu hút không ít sự chú ý.

Lân la hỏi chuyện nhưng ban đầu chỉ nhận được ở cô gái những câu trả lời cộc lốc 'có' hoặc 'không'. Nhưng ngồi chờ khám quá lâu, vượt ngoài sự kiên nhẫn của cô và nỗi ngượng ngùng ban đầu cũng dần qua đi, cô gái chủ động bắt chuyện.

Cô bắt đầu nói về nỗi khổ tâm của mình như chưa bao giờ được chia sẻ: 'Bệnh của em buồn lắm, buồn đến mức không có tia hy vọng để lấy chồng. Chị đã gặp cô gái nào ngoài 20 tuổi vẫn chưa bao giờ bị 'đèn đỏ' chưa? Vậy mà em như thế đấy'.

Nhìn sự trẻ trung và khuôn người khá đầy đặn của cô nếu ai hiểu được tâm trạng đó đều thấy xót xa. 'Em 22 tuổi, có anh hàng xóm 'để mắt' đến 4 năm rồi mà không dám nhận lời. Em không muốn mang nỗi bất hạnh này đặt lên vai anh ấy. Em nói không lấy chồng, anh ấy cứ tưởng em đùa và kiên nhẫn đợi. Đã nhiều lần em đi khám và kết quả đều là em không thể làm mẹ vì em bị dị tật bẩm sinh đường sinh dục, không có tử cung. Biết đấy là số phận nhưng nghe đâu có thầy hay em vẫn muốn đến khám thử, biết đâu người ta có cách. Lần này khám nếu câu trả lời vẫn như trước, em sẽ đi làm ăn xa. Không ở nhà nữa cho anh ấy khỏi phải đợi chờ'.

Khi tiếp xúc với bác sĩ tại Trung tâm để tìm hiểu thêm về nỗi bất hạnh của cô gái, thì biết cô là T., quê ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam và kết quả khám bệnh của cô vẫn là không thể sinh con vì không có tử cung.

Trước cửa phòng khám hiếm muộn của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, người ngồi chờ khám bệnh cũng đông nghịt. Trường hợp em A., 20 tuổi, D7 khu đô thị mới Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội thì lại khác.

Câu hỏi vô tình đã chạm vào nỗi đau đang khiến mẹ của A. héo mòn: 'Chị hay là cháu bé đến khám vậy?'. 'Bé gì, cháu 20 tuổi rồi đấy. Bình thường trẻ hơn tuổi thì mừng nhưng con gái của tôi thì khác. Cách đây một tuần, tôi đưa cháu đi khám họng ở trạm xá phường. Khám xong thì đưa cháu đến khoa sản chỗ bạn tôi chơi. Nói chuyện với bạn về cháu, chị bạn bảo để chị khám giúp. Không ngờ chị ấy nói con gái tôi phát triển không bình thường. Tôi thì chỉ nghĩ đơn giản là cháu chỉ chậm phát triển. Hôm nay, tôi đưa cháu đến đây khám lại xem thế nào', mẹ A. đáp.

Theo chị M. thì A. có những biểu hiện rất bất thường, 20 tuổi nhưng chưa bao giờ thấy kinh và đặc biệt, hình thù của 'nàng công chúa' vẫn như ngày cô mới 12 tuổi. Và kết quả khám bệnh đã thật sự gấy sốc cho cả hai mẹ con, A. bị 'tử cung nhi tính' không thể có con.

Chị M., thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định cũng cùng bệnh với A. nhưng chị còn khổ tâm hơn. Chị tâm sự: 'Không cần ai nói đụng đến, tự mình đã thấy đau khổ lắm rồi. Nhưng với tôi, nỗi đau này còn nhân lên gấp 5 gấp 10, vì người tôi yêu thương nhất lại đang quay lưng đem nỗi đau đó ra chửi mắng. Anh ấy đem cả chuyện tôi 'giữ mình' trước ngày cưới ra để chì chiết: 'Ngày trước tôi cứ tưởng cô thánh thiện, trong trắng, giữ mình lắm không ngờ chỉ là cách dấu khuyết điểm để lừa tôi'. Tiếp sau những lời chì chiết đó là những trận đòn roi mà chị phải oằn lưng gánh chịu.

Chị N., 24 tuổi, phố Xuân Ninh, thị xã Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình thì tức tưởi khóc trước cửa phòng khám, khi bác sĩ thông báo kết quả 'sét đánh': Chị không có vòi trứng. N. đau khổ như muốn qụy ngã, cô ngồi phịch xuống ghế ngay cạnh người phụ nữ đi cùng.

'Bình tĩnh con, có gì thì từ từ giải quyết', người phụ nọ nói. N. nói như muốn gắt lên: 'Giải quyết thế nào đây, người ta bảo con không có con được'.

Mẹ N. muốn ngã ngửa trước tin dữ, bỏ đi tìm bác sĩ, khi trở ra thì nước mắt đã lưng tròng, không nói một lời, cứ ôm chầm lấy con gái mà khóc.

Lấy chồng đã 3 năm, chồng N. là thuỷ thủ nên thường xuyên phải vắng nhà, một năm chỉ gặp nhau được 1-2 lần và đến giờ nhà vẫn vắng tiếng trẻ.

H., chồng cô và N. đều là con một, nên bố mẹ hai bên đều mong có cháu bế, nhưng H. cứ đi biền biệt nên dù rất khó tính mẹ H. cũng không dám trách con dâu.

Lần này, H. được về quê ăn Tết, cả hai gia đình đều động viên vợ chồng N. dành thời gian cho chuyện con cái. Trước Tết hai tháng, N. đã được mẹ chồng thường xuyên mua thức ăn tẩm bổ, động viên ăn để lấy sức mang bầu. N. cũng khấp khởi chờ đợi và mong mình sớm có tin vui.

Vì muốn sức khoẻ được chuẩn bị tốt nhất cho việc mang thai, chị nhờ mẹ đẻ đi cùng đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương để kiểm tra sức khoẻ tổng thể, không ngờ kết quả lại đánh gục niềm khao khát của chị.

Chị P. cũng ôm chồng khóc ngay trước cửa phòng khám, Bệnh viện Phụ sản TW, khi bác sĩ thông báo kết quả chụp Xquang: Chị có tới 2 buồng tử cung và 2 vòi trứng. Dị tật này khó thụ thai và hay sảy thai.

Khi đã qua cơn xúc động, chị tâm sự: 'Chúng tôi đều trên 30 tuổi mới kết hôn nên rất muốn có con ngay. Nhưng sau hai năm tôi đã có bầu tới ba lần mà đều hỏng cả. Bây giờ mới biết nguyên nhân, khả năng chữa trị để thành công lại rất thấp. Nếu không có con tôi phải làm sao đây?'.

Không giống như những trường hợp đã nói ở trên, chị T., xã Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, đã sớm ý thức được nỗi bất hạnh mình phải gánh chịu. Đã 25 tuổi nhưng hai trái đào của cô vẫn lặn kín vào trong, hai nhũ đào thì bé tẹo như trẻ trên 10 tuổi. Đã thế hàng ria con kiến lại ngày một rõ. T. cũng không bao giờ dám mặc áo cộc hay quần lửng vì 'râu ria' cứ mọc lên đen láy.

Trước cửa phòng khám Trung tâm Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, T. nói bằng giọng đượm buồn: 'Bác sĩ nói em thiếu nội tiết tố nữ. Chán lắm chị ạ, cái cần thì thiếu mà cái chẳng cần thì lại nhiều quá. Ngày lên cấp hai thì em tự hào về cơ thể của mình với ý nghĩ trẻ con là: Mình nhảy dây thuận tiện hơn những đứa khác vì khi bị sóc nảy không đau 'trái đào'. Nhưng khi lớn lên toàn bị gọi là 'thằng T.' nên vô cùng chán nản. Ngày nào cũng phải đối diện với nỗi buồn của chính mình, nhiều khi cả tháng em chẳng buồn soi gương lấy một lần'.

Cũng có mặt tại Trung tâm Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, em X. 15 tuổi, thôn Thắng Lợi, xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, cũng có bệnh án buồn không kém T.

Bình thường X. cũng không cần đợi đến khi bố mẹ lo đủ tiền đưa đi khám mới biết về nỗi bất hạnh của mình mà ngay từ nhỏ, em đã biết mình khác người thường.

Dù hàng tháng vẫn xuất hiện 'đèn đỏ' nhưng em có đến 2 tử cung, 2 cổ tử cung và 2 âm đạo nhưng tử cung lại không phát triển.

Theo các bác sĩ thì hai buồng trứng của X. vẫn bình thường, nhưng xét nghiệm nội tiết tố hướng sinh dục không có sự thay đổi. Theo dõi trên lâm sàng và siêu âm nang trứng vẫn phát triển bình thường, nhưng X. sẽ không thể thụ thai.

Theo ông Lê Vương Văn Vệ, Giám đốc Trung tâm Nam học và Hiếm muộn Hà Nội thì những trường hợp không có tử cung, tử cung nhi tính, không có vòi trứng hay hai âm đạo là bị dị tật sinh dục bẩm sinh. Những trường hợp này không thể sinh con và đến thời điểm này y học vẫn bó tay.

(Theo Giadinh.net)

Tính ngày rụng trứng để tăng cơ hội đậu thai

Trong một chu kỳ kinh nguyệt, phụ nữ chỉ có 25 % cơ hội để mang thai. Nên để có khả năng đậu thai cao nhất, việc tính chu kì rụng trứng và giai đoạn 'sung' nhất là rất quan trọng.

Nguyên lý hoạt động

Chu kỳ kinh nguyệt được chia ra làm 3 giai đoạn (xem biểu đồ): giai đoạn hình thành nang mạc (diễn ra khoảng 14 ngày, trong đó 5-6 ngày kinh nguyệt);  giai đoạn rụng trứng (chỉ diễn ra trong khoảng 24h) và cuối cùng là giai đoạn hoàng thể (diễn ra trong khoảng 14 ngày). Kết thúc pha hoàng thể là bắt đầu cho một chu kì hình thành nang trứng mới. Trước khi phóng noãn, nội mạc tử cung, bao phủ bề mặt tử cung, được xây dựng theo kiểu đồng bộ hoá. Sau khi phóng noãn, nội mạc này thay đổi để chuẩn bị cho trứng thụ tinh làm tổ và hình thành thai kỳ. Nếu thụ tinh và thai kỳ không xảy ra, tử cung loại bỏ lớp nội mạc và chu kỳ kinh mới bắt đầu.

Số liệu trung bình. Thời gian và các số liệu khác có thể thay đỏi theo cá nhân và theo chu kỳ.

Quy trình này quay vòng trong khoảng 28 ngày. Nhưng ở một số phụ nữ, pha nang noãn diễn ra dài hơn và giai đoạn rụng trứng sẽ chậm lại so với chu kì. Nhưng dù thế nào, pha hoàng thể vẫn luôn diễn ra trong vòng 14 ngày. Với những thông tin này, chúng ta có thể tính được ngày rụng trứng để có cơ hội đậu thai cao nhất.

Như vậy, chúng ta có công thức sau để tính ngày rụng trứng :

Ví dụ :

Đối với chu kỳ  22 ngày, ngày rụng trứng có thể diễn ra vào ngày thứ 8: (22-14=8).

Đối với chu kì bình thường diễn ra 28 ngày, thì ngày rụng trứng sẽ là ngày thứ 14 (28-14=14).

Đối với chu kì dài là 32 ngày , ngày rụng trứng diễn ra vào ngày thứ 18 (32-14=18).

Thời kì sinh sản

Tinh trùng có thể sống 4 ngày trong cơ quan sinh dục của phụ nữ, trong khi đó, thời gian trứng chín diễn ra 1 ngày .Như vậy thời kì sinh sản diễn ra mạnh nhất  diễn ra trong vòng 4 ngày trước trước ngày phóng noãn và kết thúc sau đó 1 ngày.

Dấu hiệu tốt  

Có nhữngdấu hiệu chung báo hiệu trước thời kỳ rụng trứng mà bạn nên nắm bắt để chuẩn bị  cho việc đậu thai :

- Đau quặn vùng bụng dưới, là vùng ngay bên cạnh vùng ổ trứng bị rụng.

- Cổ tử cung mở rộng và tiết ra nhiều dịch để tạo không gian và môi trường tốt cho tinh trùng thâm nhập và tìm trứng.

- Thân nhiệt tăng lên (khoảng 0,3°C)

Theo aFamily

Làm gì để “chuyện ấy”… trường xuân?

Trong tiếng Hoa, những chuyện liên quan đến phòng the đều có chữ “xuân”.

 

Người phụ nữ đẹp gọi là “xuân sắc”, ở giai đoạn tình dục mạnh gọi là “xuân thì”. Đàn ông ngâm rượu nhằm tráng dương thì hầm bà lằng các loại rượu ấy gọi là “xuân tửu”. Nếu không “làm ăn” được với vợ thì gọi là “vô xuân”. “Làm ăn” dài dài cho đến khi “ngủm” thì gọi là “trường xuân”. Bức vẽ bộ phận sinh dục nữ gọi là “xuân cung đồ”. Vợ chồng làm “chuyện ấy” gọi là “xuân sự”. Khi mùa Xuân đang có xu hướng tàn lụi lại bùng lên thì đó là Hồi xuân.
Khi mùa Xuân trở lại…
Phụ nữ hồi xuân cảm nhận thấy mình như trẻ lại. Họ chải chuốt và “tìm lại mùa xuân” bằng cách ăn mặc đỏm dáng như mấy cô còn trẻ. Chẳng may ông chồng hơn bà vợ chừng 15 - 20 tuổi sẽ cảm thấy bất an. Tại sao “bà ấy” lại mặc áo hai dây, lại hở hang như mấy cô gái trẻ? Tại sao bà ấy lại đến thẩm mỹ viện cắt mí, sửa môi, độn mũi rồi hàng tuần đi spa chăm sóc da, chả lẽ giờ này rồi còn muốn “đẹp từng milimet” cho “thằng” nào đó nhìn?
Mấy ông đã từng ghen tức khi thấy ông lấy được vợ trẻ hơ hớ thời nào, nay nói lén sau lưng “trâu già khoái gặm cỏ non”, bảo ông là kẻ “tham ô” nay biết thừa ông lọm khọm “hết xí quách” lại bàn ra, tán vào mỗi khi bà õng ẹo lướt qua rằng “lãng phí quá”.
Lãng phí ở đây muốn chỉ là “xuân sự”. Nhiều chị cảm thấy ham muốn chuyện giường chiếu còn hơn cả hồi mới cưới. Họ cho rằng: lúc đầu chưa quen với đàn ông, tiếp đến là mang bầu, sinh con, nuôi con, bận rộn, lo lắng đã choáng hết thời kỳ vàng son. Nay con cái lớn khôn, đầu óc rảnh rang, kinh tế ổn định nên như vậy. Không hẳn như thế. Các nhà nội tiết cho rằng: buồng trứng bắt đầu “lên lão”, bài tiết hormone giảm đi tạo cơ chế điều khiển ngược lên cấp trên.
Thế là tổng chỉ huy nội tiết phát lệnh làm tăng FSH (Folicle stimulating hormone) khiến lớp áo trong của nang trứng tăng tiết estrogen. Có người lại không thế, mà khi buồng trứng yếu thì tuyến thượng thận tăng tiết testosterone. Chính testosterone làm rối loạn kinh nguyệt nhưng lại làm tăng ham muốn. Vì thế, có chị dịu dàng, có chị nóng nảy tùy thuộc vào sự biến động nội tiết. Xem ra vụ này các “liền anh” không biết.
Có anh than “bả làm tôi phát mệt vì theo không kịp”, anh khác lại kêu “trên giường thì “ngon” nhưng ban ngày bả khó tính như mụ già lắm điều”. Nội tiết kéo theo sự thay đổi tâm lý. Họ thích được chiều chuộng, vuốt ve, tặng quà hay vài lời khen như thời trẻ. Xin đừng cho đó là “cưa sừng làm nghé ọ” mà các ông nên biết để chiều một chút sẽ thấy mình cũng lãng mạn thêm.
Xem ra phụ nữ Việt mình cũng đang “mạnh” dần lên. Ông nào “khô như ngói” là bị bả chê, than phiền với bạn bè. Đàn ông kêu ca phụ nữ nói nhiều cũng có lý do của họ. Có chị giai đoạn hồi xuân lướt qua lúc nào không hay, nghe nói vậy lại nuối tiếc “sao tôi chẳng thấy gì, chỉ thấy không thích ngủ chung giường với ông ấy nữa”. Sự so le này có thể dẫn đến sai lầm của ông chồng, bởi đàn ông mà thiếu “cái khoản ấy” thì kể như cuộc đời tàn úa. Thế là họ chạy theo mấy “em xinh tươi bé bỏng” chỉ vì em cho anh thấy anh còn phong độ, cho anh thấy “xuân” còn tràn trề trong huyết quản.

Tạo hóa cũng công bằng với phụ nữ nên ban tặng họ một “thời kỳ phục hưng” khả năng xuân sắc. Trừ những chị quá lố lăng, còn thì đàn ông chả nên “bình lựng” gì bởi chị em vốn sinh ra đã được phong là phái đẹp, nếu họ đẹp mãi mãi thì cũng nên và xứng đáng chứ làm gì có ai thích gọi bằng “bà” theo nghĩa “bà già”.

Đàn ông cũng hồi xuân

Đàn ông mà nghe câu này là la lối “chết thật, có lộn tiệm không đấy, chúng tớ cứ “xuân” dài dài cho đến khi ngủm, làm gì có buồng trứng mà giống chị em?”. Theo lẽ thường khoảng 50 tuổi là tinh hoàn của các anh “chạy chậm lại”. Chúng cũng có một giai đoạn “bùng lên” như phụ nữ. Testosteron tiết ra nhiều hơn tác động vào tâm lý khiến các anh khó chấp nhận những cọng tóc bạc (dù bụng đã tròn ra).
Nhiều anh nhuộm tóc, sắm quần áo đẹp, xức nước hoa, mua cặp xịn xách đi làm cứ như mình đây là sếp lớn. Chị vợ không hiểu lại cho rằng chồng bị “hâm”, có chị bảo “ông bị dở hơi hay ấm đầu, liệu dòng họ có ai mắc bệnh tâm thần thể hoang tưởng… đẹp giai không đấy?”. Những câu đại loại như vậy rất nguy hiểm, bởi đang phấn khích bị dội nước đá vào đầu, anh dễ dàng chấp nhận tham gia cuộc nhậu, bù khú với bạn bè.
Chẳng may trong quán có một em trẻ trung sà vào lòng thì anh lại thấy “bấy lâu nay “mất giá” nay mình đang lên vùn vụt như: vàng 9999". Gặp em trẻ, em chiều chuộng, lại toàn lời ngọt ngào, anh mới thấy thời gian qua là lãng phí và bà vợ là “không tâm lý”, có ông gọi vợ là “sư tử già” và không ít cuộc tình ngoài luồng đã xuất hiện.
Tại sao mấy em trẻ lại thích các anh? Bởi họ từng trải lại rất hào hiệp, thích bênh vực người yếu thế, không phải để được tôn vinh như một vị anh hùng mà chỉ để được vuốt ve lòng kiêu hãnh “ta là đàn ông” đã bị “chìm xuống” trong cuộc mưu sinh và lo lắng cho gia đình. Việc hẹn hò yêu đương cũng nhằm hâm lại cảm xúc lâu nay đã nhàm chán với vợ.
Đàn ông cuối đời hay mắc sai lầm là vì vậy. Họ sẵn sàng làm “tù binh” cho các em, những em thua xa vợ về đường ăn, nết ở, trong đó có cả ca-ve. Xin các chị đừng la lối bởi… họ là đàn ông, vì thế chẩn đoán bệnh rất quan trọng, chẩn đúng mới chữa thành công là vì vậy.
Làm gì để… trường xuân?
Thời nay, những thành tựu trong y học đã có thể giúp cho “xuân sự” trong tuổi xế chiều thuận lợi. Việc xét nghiệm và điều chỉnh cân bằng nội tiết với cả hai giới đều có thể làm được ở nước ta. Các thuật như “hấp tinh đạo khí” của người xưa giúp cho cả nam lẫn nữ giữ được “xuân” mãi mãi. Tập luyện, dinh dưỡng hợp lý và giữ cho “tổ” nhà mình luôn luôn “ấm” cũng là cách làm cho mùa Xuân thường trực trong gia đình của các bạn. Phải chăng đây cũng là cách để cho cả hai “trường xuân” mà chả cần nội tiết làm chi, vừa khỏi tốn tiền vừa không phải lo tác dụng phụ.

Cảnh giác với bệnh u nang buồng trứng

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mớiCác bác sĩ phụ khoa cho rằng, u nang buồng trứng là căn bệnh phổ biến thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Một số dạng của nó hoàn toàn không nguy hiểm và có thể tự biến mất. Tuy nhiên, cũng có cả dạng nguy hiểm, thậm chí dẫn tới vô sinh.

Thế nào là u nang buồng trứng?

U nang buồng trứng là những túi chứa đầy dịch ở trong hoặc trên bề mặt của buồng trứng. Mỗi người phụ nữ bình thường có hai buồng trứng hình quả hạnh nằm hai bên tử cung.

Nhiều người phụ nữ bị u nang buồng trứng nhưng với kích thước nhỏ và không hề gây bất cứ ảnh hưởng hay khó chịu nào, và tồn tại suốt đời của họ.

Tuy nhiên một số u nang có thể đe dọa tính mạng.

Nguyên nhân

Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng các bác sĩ phụ khoa đưa ra 5 nguyên nhân cơ bản:

- Thứ nhất là do nếu người phụ nữ đã từng bị sẩy thai.

- Do có kinh sớm hơn bình thường.  

- Do nội tiết bị phá huỷ.

- Chức năng của tuyến giáp bị giảm.

- Các nang trứng đã chín vì lý do gì đó bị 'tiêu hủy'.

Biểu hiện

U nang buồng trứng thường chỉ được phát hiện khi đi khám phụ khoa, siêu âm một số bệnh khác, hoặc qua kiểm tra sức khoẻ tổng quát.

Tuy nhiên có một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng: rối loạn kinh nguyệt như rong kinh, rong huyết, đau bụng… Cơn đau bụng thường không rõ ràng nên có thể khiến các bạn nữ lầm tưởng với cơn đau 'chu kỳ' hay do kinh nguyệt thất thường gây nên… Chính vì thế đi khám phụ khoa định kỳ, kết hợp với siêu âm là biện pháp phòng ngừa quan trọng.

Điều gì xảy ra nếu không chữa u nang buồng trứng?

Một số trường hợp mới đầu là u lành tính, nhưng nếu được phát hiện muộn hoặc không tiến hành chữa trị kịp thời có thể dẫn đến u ác tính. Tuy nhiên chỉ có một số ít trường hợp là u ác tính, dễ dẫn đến tử vong.

Thỉnh thoảng gặp một số trường hợp gọi là u quái buồng trứng. Những khối u này khi xẻ ra, bên trong có cả tóc, sụn, xương…  

Biến chứng thường gặp ở những trường hợp u nang buồng trứng như sau:

- Xoắn cuống khối u (gây đau bụng dữ dội)

- Vỡ u (ngoài đau bụng, còn gây xuất huyết nội)

- Chèn ép các cơ quan lân cận như đường tiêu hoá (gây rối loạn tiêu hoá), đường tiết niệu, bọng đái (gây khó tiểu, bí tiểu)...; hoặc hóa thành u ác tính...  

Chữa u nang buồng trứng như thế nào?

Có rất nhiều cách để chữa u nang buồng trứng. Tuy nhiên phụ thuộc nhiều vào kích thước, các dạng nang, lứa tuổi và tình trạng sức khoẻ của phụ nữ cũng như các biểu hiện nghiêm trọng của u nang buồng trứng. Chữa bệnh này, tất nhiên cần phải được các bác sĩ chẩn đoán, sau đó tiến hành các phân tích cần thiết.

Đối với u nang buồng trứng lành tính, thường là sau phẫu thuật bệnh sẽ dứt điểm, cách phẫu thuật này không làm triệt sản. Đối với phụ nữ lớn tuổi (đã có đủ con, hay sau tuổi mãn kinh) bác sĩ sẽ áp dụng khuynh hướng cắt bỏ khối u lẫn tử cung và phần phụ còn lại.

Còn với nhóm u nang buồng trứng ác tính, cũng có nhiều phương pháp khác nhau trong điều trị. Phẫu thuật cắt bỏ trọn khối u, đồng thời làm xét nghiệm tìm tế bào ung thư di căn được áp dụng cho phụ nữ trẻ, hoặc chưa có đủ số con. Đối với phụ nữ lớn tuổi (đã có đủ con), ngoài việc cắt bỏ khối u, còn cắt cả tử cung và cả phần phụ của bên còn lại.

Nên nhớ rằng, khi chữa u nang buồng trứng không nên bỏ lỡ thời gian. Điều này đặc biệt quan trọng với những phụ nữ muốn mang thai.

Theo Dân trí