Lưu trữ cho từ khóa: nấm da đầu

Rụng tóc và cách điều trị

Rụng tóc là một phản ứng bình thường, tạm thời trước một điều gì đó bạn vừa trải qua, chẳng hạn như phẫu thuật hay bị sốt.

Rụng tóc cũng có thể là một đặc tính di truyền, hoặc cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo về sự thiếu chất hay mất cân bằng hóa học. Vì vậy, bạn cần phải làm những gì tốt nhất để ngăn chặn và bù đắp cho sự thiếu hụt.

Vì sao tóc rụng?

Có nhiều nguyên nhân gây rụng tóc như: do dùng thuốc chữa bệnh; do yếu tố cơ lý, hóa học; do rối loạn chức năng ở cơ quan khác gây ra như bạn bị thiếu máu, stress, sau sinh; rụng tóc do yếu tố thần kinh và miễn dịch; do vi nấm; do viêm da dầu; do di truyền; do các thương tổn da đầu gây ra…

rung toc do nam
Rụng tóc do nấm

Cách chữa trị?

Điều trị bằng thuốc:

Điều trị bệnh rụng tóc không đơn giản vì có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này. Để chọn loại thuốc thích hợp, cần tìm ra nguyên nhân gây rụng tóc.

Với rụng tóc sau sinh, sau chấn thương lớn, mất máu, bệnh truyền nhiễm (sốt rét, tả, lỵ, thương hàn, sốt xuất huyết): uống bepanthen, biotin, vitamin C, B1, B6… và tăng cường dinh dưỡng trong ăn uống, khi sức khỏe hồi phục thì tóc sẽ mọc lại như trước.

Ở thể rụng tóc Pelade (rụng tóc từng vùng): Điều trị đường toàn thân: Có thể áp dụng một trong các phương pháp sau: Tiêm triamcinolone acetonide, uống corticoid, ngoài ra, có thể uống bepanthen, biotin, vitamin C, 3B và thuốc an thần. Bên cạnh đó, có thể uống cyclosporine, tuy nhiên cũng tái phát sau ngưng thuốc vài tháng. Dapsone ít áp dụng vì có nhiều tác dụng phụ.

Điều trị miễn dịch tại chỗ: Gây viêm da tiếp xúc tại chỗ bằng cách bôi các dị ứng nguyên mạnh; thường dùng 2 loại: squaric acid dibutylester (SADBE) và diphencyprone (DPCP). Kết hợp bôi corticosteroid tại chỗ. Dùng anthralin 0,2-1%: thoa sau 30 phút đến 1 giờ thì rửa sạch hoặc có thể để qua đêm. Ngoài ra còn có thể dùng PUVA, cyclosporin (nhưng kết quả rất hạn chế, tóc mọc lại <30%), tacrolimus bôi tại chỗ có kết quả còn hạn chế, dạng uống không có kết quả.

Rụng tóc liên quan androgen:

Điều trị cũng rất phức tạp, nhiều khi cần phải kết hợp điều trị chung với điều trị theo cơ chế gây bệnh. Tại chỗ có thể xịt thuốc minoxidil. Cũng có thể uống một trong các thuốc kháng androgen như: cimetidin, cyproteron acetate: có tác dụng ngăn chặn DTH (dihydrotestosterone) gắn kết với thụ thể ở nang lông; spironolacton vừa có tác dụng ức chế sản xuất androgen ở thượng thận và buồng trứng, vừa ngăn chặn DTH gắn kết với thụ thể ở nang lông.

Rụng tóc do nấm tóc và do viêm da dầu:

Điều trị hết nấm tóc hoặc hết viêm da dầu thì tóc sẽ mọc lại hoàn toàn. Về điều trị, nên kết hợp đường uống: nizoral hoặc sporal và bôi tại chỗ như clotrimazol, kem nizoral, terbinafin và gội đầu bằng các loại dầu gội có chứa ketoconazole như nizoral, kelog, dezor, haicneal kết hợp với uống bepanthene, biotin, L-cystine vừa có tác dụng ức chế da nhờn vừa có tác dụng tăng trưởng mọc tóc.

Một số phương pháp điều trị khác

PUVA (psoralen + chiếu tia cực tím): liều 20-40 lần chiếu, tóc mọc lại nhưng đa số cũng tái phát sau ngưng điều trị vài tháng.

Có thể dùng phương pháp cấy tóc hoặc laser tại chỗ, laser nội mạch. Phẫu thuật ghép vùng da không bị rụng tóc lên vùng bị rụng tóc, đây là một phương pháp áp dụng mới nhất hiện nay. Trước khi phẫu thuật ghép tóc, người ta dùng kỹ thuật nong kéo giãn da đầu phần không bị rụng tóc vùng lân cận mà dự định sẽ lấy ghép, sau một thời gian, độ giãn da đủ để ghép lên vùng da bị mất tóc thì lúc này chuẩn bị phẫu thuật ghép tóc. Phương pháp này áp dụng rất tốt cho các trường hợp rụng tóc từng vùng.

BS Hoa Tấn Dũng

(Theo SK&ĐS)

Uống nhiều Vitamin A dễ bị rụng tóc

Uống quá nhiều vitamin A, thuốc tránh thai và thuốc giảm đau…có thể dẫn đến rụng tóc nhưng khi ngưng sử dụng thì tình trạng sẽ được cải thiện.Trên đầu mỗi người có trung bình khoảng 120.000 sợi tóc. Mỗi tháng, tóc dài thêm khoảng 1 cm và khoảng 90% tóc đang mọc cùng một lúc trong khi 10% tóc còn lại ở giai đoạn nghỉ. Sau 2-3 tháng, những sợi tóc ở giai đoạn nghỉ đó rụng xuống, đồng thời những sợi tóc mới cũng bắt đầu mọc lên từ chỗ rụng.Mỗi ngày, tóc chúng ta rụng khoảng 80-150 sợi. Tuy nhiên, ở một số người xảy ra tình trạng rụng tóc nhiều hơn bình thường và điều này có thể xảy ra ở đàn ông, phụ nữ và cả trẻ em. Một số nguyên nhân gây rụng tóc quá mức, gồm:

- Sau 3-4 tháng bị bệnh hoặc sau một cuộc phẫu thuật lớn. Những sợi tóc bị mất này liên quan đến stress do bị bệnh và nó chỉ là tạm thời. Stress làm chậm quá trình mọc tóc mới do một lượng lớn nang tóc rơi vào giai đoạn nghỉ nên những sợi tóc mới không mọc được.

- Tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) hay quá yếu (suy giáp), tóc có thể bị rụng và điều này có thể cải thiện bằng việc điều trị bệnh lý của tuyến giáp.

- Một số thuốc như chất kháng đông máu, thuốc điều trị bệnh gout, thuốc điều trị ung thư, uống quá nhiều vitamin A, thuốc tránh thai và thuốc giảm đau… có thể dẫn đến rụng tóc nhưng khi ngưng sử dụng thì tình trạng sẽ được cải thiện. Nhiễm nấm da đầu cũng có thể dẫn đến rụng tóc và được điều trị dễ dàng với thuốc trị nấm.

- Rụng tóc xảy ra sớm báo hiệu một hoặc nhiều dấu hiệu rối loạn quan trọng như bệnh Lupus hoặc bệnh đái tháo đường. Do đó, bạn nên đi khám bác sĩ nếu như có dấu hiệu trên.

- Một nguyên nhân ít nghĩ tới là stress cơ học lên tóc và da đầu, như: cột tóc, thắt bím, kéo tóc quá mức làm sẹo lên da đầu sẽ làm tóc rụng vĩnh viễn. Những sản phẩm làm tóc (như hấp dầu, hóa chất sử dụng thường xuyên) cũng làm viêm nang tóc dẫn đến sẹo và rụng tóc.

Thông thường, bệnh rụng tóc chỉ xuất hiện ở những người có sợi tóc mềm, mỏng và thường có nguyên nhân từ mái tóc dầu. Mức dầu quá nhiều chung quanh chân tóc làm sự lưu thông của máu nuôi chân tóc bị nghẽn lại. Từ đó, chân tóc ngày càng teo nhỏ cho đến lúc chân tóc biến mất. Lúc đó, da đầu trở nên bóng và việc mọc tóc trở lại rất khó khăn.

ST

Điều trị nấm tóc ở trẻ em

Xin hỏi bác sĩ, ,bé trai tôi năm nay 26 tháng tuổi, trên đầu cháu có một đốm li ti dưới chân tóc và ngày càng lan ra và dày lên bong tróc và ngứa, tôi đã đưa cháu đến bác sĩ da liễu điều trị 6 tháng nay, (thường mỗi lần không hết thì đổi thuốc bôi khác) nhưng vẫn không hết, xin bác sĩ cho biết cách trị như thế nào? (Nguyễn Sơn Trà)

Trả lời:

Theo trong thư bạn mô tả, rất có thể bé bị nấm tóc. Trẻ em rất dễ bị nấm tóc, ngoài bệnh nấm, trên da đầu và tóc còn có nhiều loại bệnh khác mà chỉ thày thuốc chuyên khoa mới chẩn đoán được như chốc lở, viêm chân tóc, á sừng liên cầu, lupus đỏ, tật bẩm sinh...

Riêng đối với nấm da đầu (nấm tóc), nhiều khi việc chẩn đoán không dễ dàng. Thày thuốc chuyên khoa phải dựa vào triệu chứng lâm sàng, kết quả xét nghiệm mới khẳng định được, từ đó đề ra phương án điều trị thích hợp.

Một số bệnh nấm tóc thường gặp

Nấm tóc do chủng trichophiton: Biểu hiện thành từng vết nhỏ 2-3 mm đường kính, rải rác trên da đầu, có vảy mỏng, tóc lành xen kẽ bị xén cụt đến gốc chỉ còn 1-2 mm. Bệnh gây ngứa, có thể kèm hắc lào ở bẹn, mông hoặc vùng da thường khác, kể cả ở móng tay. Bệnh lây do dùng chung lược, mũ, nón, nằm chung gối... Dùng griséofulvin, sporal, nizoral đường uống có tác dụng tốt. Phương pháp chiếu tia X làm rụng tóc nên hiện nay ít được sử dụng.

Nấm tóc do chủng microsporum: Hay gặp ở trẻ em 5-6 tuổi đến 14-15 tuổi. Bệnh phát thành từng đám hình tròn đường kính 3-4 cm, có vảy màu tro xám, toàn bộ tóc trong đám bị xén cụt chỉ còn 2-3 mm, chân tóc có bựa trắng bọc xung quanh như 'đi bít tất', rất dễ nhầm với chốc đầu, á sừng liên cầu. Bệnh lây do dùng chung mũ, gối, lược, dụng cụ cắt tóc với người bệnh. Trong tập thể vườn trẻ, mẫu giáo, trường học, bệnh có thể lây hàng loạt.

Tóc hột (trứng tóc): Do chủng nấm piedra hortai gây nên. Bệnh lành tính, không gây ảnh hưởng gì đáng kể. Dọc thân tóc từ 2-3 cm cách da đầu trở lên có những hạt tròn bằng hạt kê, màu nâu sẫm hoặc đen, có thể dùng ngón tay tuốt ra như trứng chấy. Bệnh không gây rụng tóc, vì nấm chỉ bám ngoài thân tóc, chỉ gây khó chịu vì tâm lý. Loại nấm này thường gặp ở người tóc hay ẩm ướt, ít chú ý lau khô tóc sau khi tắm gội, gội đầu buổi tối rồi đi ngủ ngay, hoặc gội đầu xong, tóc chưa khô đã đội mũ lâu. Có thể lây do dùng chung lược, mũ, gối.

Điều trị nấm bằng các loại thuốc mỡ diệt nấm, bong vảy. Đối với bé trai, tốt nhất là cắt trụi tóc đi một đợt. Nhìn chung, nấm tóc phải được thầy thuốc chuyên khoa chẩn đoán, chỉ định và theo dõi điều trị chính xác mới có thể đạt kết quả. Gia đình không nên tự động mua thuốc điều trị cho trẻ, rất dễ gây tai biến.

Cần cảnh giác với những thuốc gội đầu có độ tẩy gàu cao, dùng lâu ngày làm tóc khô giòn, dễ gãy, dễ rụng. Da đầu bị tẩy gàu quá mạnh thành khô, gây ngứa làm ta dễ nghĩ mình bị nấm tóc, rồi tự động điều trị không thích hợp, gây hậu quả đáng tiếc.

Bạn có thể cho bé đi khám và làm xét nghiệm tại Viện Da liễu TƯ để chẩn đoán chính xác bệnh. Việc điều trị nấm thường lâu dài và kiên nhẫn, ngoài ra cần tránh các tác nhân gây bệnh tái phát. Vì vậy bạn cần tuân thủ chế độ điều trị và cho bé tái khám sau mỗi đợt điều trị.

(Thông tin tư vấn sau đây chỉ mang tính tham khảo - không tự ý chữa bệnh theo thông tin này)

Chúc bé mau khỏi.

Theo vnMedia

Rụng tóc

Có nhiều nguyên nhân gây rụng tóc và có nhiều kiểu của rụng tóc.

Rụng tóc xảy ra trong một khoảng thời gian nhanh đó là do một số trường hợp mắc bệnh nhiễm trùng nặng; sau một thời gian ngắn sinh con và cho con bú; cũng có một số trường hợp rụng tóc sau khi trải qua một cuộc phẫu thuật.

Ở một số người nhân cách yếu hay lo lắng hoặc bị stress dài ngày cũng có thể làm cho tóc bị rụng. Một số trường hợp do phải dùng tia xạ hoặc hóa chất để điều trị bệnh cũng có thể gây nên rụng tóc. Tóc cũng có thể bị bệnh như: chẻ tóc, tóc bị giòn dễ gãy, nấm tóc. Một số trường hợp bị bệnh ở da đầu hoặc da đầu nhờn (da dầu) cũng rất dễ gây nên rụng tóc. Một số trẻ nhỏ do suy dinh dưỡng cũng gây nên rụng tóc...

Việc chữa trị hay phòng được bệnh rụng tóc hay không là tùy vào nguyên nhân gây rụng tóc. Nếu rụng tóc do mắc bệnh nhiễm khuẩn cấp tính thì khi điều trị khỏi bệnh nhiễm khuẩn, dần dần tóc mọc trở lại; rụng tóc do dùng tia xạ (tia X), hay dùng thuốc để điều trị một số bệnh thì khi hết sử dụng tia X, hết sử dụng hóa chất có khả năng tóc mọc trở lại.

Những nguyên nhân rụng tóc do nấm da đầu hoặc nấm tóc cần điều trị hết bệnh thì tóc mới có thể mọc lại. Nếu rụng tóc chưa rõ nguyên nhân cần khám bệnh ở chuyên khoa da liễu để được xác định nguyên nhân gây rụng tóc thì việc điều trị mới có hiệu quả. Điều quan trọng là luôn chú ý đến mái tóc của mình để khi phát hiện có rụng tóc là có biện pháp giải quyết kịp thời.

(Theo TNO)