Lưu trữ cho từ khóa: mụn nước

Ứng phó đúng cách khi bị viêm da tiếp xúc

Một số bạn sau khi chạm vào một vật gì đó tự nhiên có cảm giác nóng rát, tại vùng da đó bị đỏ ửng lên rồi xuất hiện các mụn nước, mụn mủ. Nền da hơi bị nề lên, ngứa. Đó là hiện tượng viêm da do tiếp xúc với một vật gì đó mà bị dị ứng.

Trong trường hợp này cần áp dụng các biện pháp sau:

- Không chà xát, không gãi, không cạo trước khi bôi thuốc.

Ứng phó đúng cách khi bị viêm da tiếp xúc, Sức khỏe đời sống, suc khoe, viêm da, dị ứng, viêm da tiếp xúc, da có mủ, tấy đỏ, thuốc kháng sinh

- Khi tổn thương da phù nề, chảy nước thì bôi các loại dung dịch làm mềm da, ẩm da như: dalibour, jarish, hồ nước.

- Nếu tổn thương da khô thì bôi một trong các loại kem chống viêm như gentrison, temproson, diproson…, bôi ngày 1-2 lần trong 1 – 2 tuần.

- Nếu tổn thương da có mủ, tấy đỏ nhiều thì phải uống 1 đợt kháng sinh: cephalexin hoặc roxithromycin trong 5 – 7 ngày theo chỉ định của bác sĩ.

- Nếu bị ngứa nhiều phải uống một trong các thuốc kháng histamin như loratadin hoặc fexofenadin trong 5 – 10 ngày.

- Các tổn thương viêm da tiếp xúc do sứa và côn trùng thường hay để lại vết thâm. Sau khi lành tổn thương mà da còn bị thâm thì bôi hydroquinone 2%, bôi một lần vào buổi tối trong thời gian từ 1 – 2 tháng.

24H.COM.VN (Theo SKĐS)

Môi khoẻ mùa lạnh

Môi là một phần của cơ thể có thể chịu nhiều tác động từ môi trường xung quanh, nhất là mùa se lạnh.

Để chăm sóc môi đúng cách, bạn cần xác định “bệnh” của môi, và có cách giải quyết phù hợp cho từng trường hợp khác nhau.


Những vấn đề của môi

- Môi nứt và mụn nước nơi khoé miệng: nếu tình trạng thiếu vitamin A và E gây hiện tượng này, bạn cần bổ sung vitamin A và E cho cơ thể. Nên thường xuyên dùng dầu vitamin A để thoa lên môi, các vết nứt và mụn nước sẽ biến mất trong vài ngày.

Tuy hiệu quả nhanh, nhưng bạn cần thực hiện trên hai tuần lễ. Đồng thời, cải thiện chế độ ăn uống bằng cách ăn các loại quả có màu đỏ, cam, cá và lòng đỏ trứng.

- Da môi khô cứng và nứt nẻ: nếu môi thiếu độ ẩm, cần dùng kem dưỡng môi vì trong kem có chứa các chất dinh dưỡng và làm ẩm cần thiết. Bạn cần dùng kem dưỡng môi hàng ngày và có thể làm mặt nạ cho môi bằng cách, trộn chung hỗn hợp một muỗng dầu ôliu và vài giọt dầu vitamin A, vài giọt nước cốt chanh tươi để thoa một lớp dày trên môi.

Sau 15 phút, lau sạch môi và thực hiện từ một đến hai lần/tuần. Có thể dùng kem dưỡng có chứa thành phần AHAs (Alpha-hydroxy-acids), chất giữ ẩm, vitamin A và E, và chỉ số chống nắng SPF 15, giúp ngừa những nếp nhăn trên da, trong vòng một tháng.

- Môi khô và nhám: không giống các phần da khác, môi không có lớp bảo vệ bên ngoài và các tuyến dầu, vốn có chức năng ngăn ngừa việc mất độ ẩm. Nhiều người có thói quen liếm môi, điều này tưởng có tác dụng giữ ẩm, nhưng thực tế lại càng làm môi thêm khô và nứt nẻ hơn. Các sản phẩm sáp hoa giúp tăng cường độ ẩm cho da hơn các sản phẩm thuốc mỡ. Chúng có thể thích nghi tốt với hình dáng của môi, giúp môi mịn màng và tự nhiên hơn.

- Môi nẻ và có các bợt da: mất khoảng một tháng để da lột bỏ lớp tế bào chết bên ngoài và lớp da mới, khoẻ mạnh hình thành. Tuy nhiên, trong các tháng lạnh, quy trình này có thể thất bại. Khi da bị tổn thương, lập tức nó sẽ tự bảo vệ bằng cách tạo ra một lớp da mới. Nhưng, da ở bề mặt cũ chưa bong hết, vẫn bám lại, và bạn có thể nhìn thấy ở dạng những bợt da. Để phòng tránh, bạn có thể chọn cách làm bong da môi với hỗn hợp quả óc chó và quả mơ xay nhuyễn.

- Môi bị bào mòn: để môi căng tròn và không còn những vết nhăn mờ, các chuyên gia khuyên nên dùng sản phẩm có chứa thành phần peptide, có chức năng kích thích việc sản sinh collagen, nên có hiệu ứng tốt với da môi.

Thư giãn môi

Nghiền nhuyễn một miếng đu đủ chín, sau đó nằm thẳng người lên một cái khăn và thoa đu đủ lên môi và vùng da quanh môi. Để yên từ 10 đến 15 phút, sau đó rửa sạch môi và thoa chất dưỡng môi. Trong đu đủ có chứa các enzyme làm bong tróc lớp vảy trên môi và giúp môi mềm mại, trơn láng hơn.

Tẩy tế bào chết cho môi

Bạn có thể tự pha chế những sản phẩm làm đẹp môi như sau:

- Trộn chung một lượng đường mịn và vài giọt nước để thoa lên môi và chà nhẹ, sau đó rửa sạch môi với nước âm ấm và thoa dầu ôliu hoặc vaseline để giữa ẩm cho môi.

- Trộn chung hỗn hợp gồm đường trắng và vaseline để thoa lên môi và chà nhẹ, giúp loại bỏ tế bào chết của môi. Sau đó, rửa sạch môi với nước ấm. Thực hiện hai hoặc ba lần/tuần.

- Trộn chung hỗn hợp gồm một muỗng càphê mật ong và một muỗng càphê baking soda cho đến khi tạo thành bột nhão, sau đó thoa lên môi và để yên trong vài phút, kế tiếp chà nhẹ môi để loại bỏ tế bào chết. Rửa sạch môi và thoa dầu ô liu để giữ ẩm cho môi.

Meo.vn (Theo Saigontiepthi)

Nguy cơ teo da khi teen lạm dụng mỹ phẩm

Thậm chí còn phải “bye bye” luôn cả làn da mịn đẹp nữa đấy các ấy ạ!

Năm nay em 18 tuổi và là nữ. Từ nhỏ đến khi dậy thì, da mặt em rất trắng và mịn. Năm 16 tuổi, em sử dụng kem trộn trong khoảng 3 tháng để làm trắng da. Một năm sau đó da vẫn rất đẹp và ổn. Nhưng khi em sử dụng thêm một loại kem dưỡng để chống khô da thì đột nhiên da nổi lên rất nhiều mụn. Đầu tiên chỉ là những mụn đầu đen nhỏ rồi tiếp đó là mụn bọc, mụn đỏ lan ra khắp mặt. Thời gian đầu em không biết xử lý thế nào nên thường make up khi ra ngoài để che bớt. Đến nay đã gần 1 năm rồi mà bệnh vẫn không có dấu hiệu giảm bớt, thậm chí còn nặng hơn nên em rất lo lắng. Giờ em nên uống thuốc nào để có thể điều trị dứt điểm ạ? Em xin cảm ơn! (prosp…@gmail.com)


Trả lời:

Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng em đã bị dị ứng vì lạm dụng quá nhiều loại mỹ phẩm trong một thời gian dài. Thường thì nổi mụn trứng cá là triệu chứng hay gặp nhất sau khi dùng mỹ phẩm do các loại hóa chất này đã bít lỗ chân lông, gây ứ đọng chất bã nhờn.

Ngoài ra, khi đã có dấu hiệu bị dị ứng mà không được điều trị kịp thời và đúng cách thì làn da của chúng ta sẽ phải đối mặt với một số nguy cơ như sau:

- Viêm da dị ứng: đây là dạng dị ứng nặng hơn, biểu hiện bằng mảng hồng ban ở vùng bôi mỹ phẩm kèm theo mụn nước và ngứa.

- Mề đay với những sẩn phù (giống vết nổi gồ trên da khi muỗi cắn hay lằn roi đánh vào mặt da) kèm theo ngứa.
- Chàm tiếp xúc bao gồm mảng màu hồng giới hạn rõ kèm theo mụn nước và ngứa.

- Khô da kèm với biểu hiện tróc vẩy.

- Teo da là biến chứng thường gặp ở những người dùng nhóm mỹ phẩm có chứa corticoid kéo dài.

Tình trạng bệnh hiện nay của em đã khá nặng do em không điều trị ngay từ đầu. Vì vậy, điều quan trọng nhất hiện nay là em cần nhanh chóng đến bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa da liễu. Các bác sĩ sẽ thực hiện việc soi da và tư vấn trực tiếp cách chữa trị, nhằm tránh những phản ứng tiêu cực và để lại hậu quả xấu cho làn da của em sau này.

Bên cạnh đó em cũng nên chú ý những điều sau:

- Lập tức dừng sử dụng tất cả các loại mỹ phẩm. Kể cả khi đã lành bệnh em cũng không nên lạm dụng mỹ phẩm vì trên thực tế không có bất kỳ loại mỹ phẩm nào là hoàn toàn lành tính cho da cả. Đối với những ai có tiểu sử dị ứng với bất kỳ loại mỹ phẩm nào đó thì suốt đời không nên sử dụng lại.

- Tuyệt đối không sử dụng loại thuốc bôi ngoài da hoặc thuốc uống nào khi chưa có sự chỉ định từ các bác sĩ chuyên khoa.

- Giữ gìn vệ sinh da mặt thật tốt, khi ra đường phải bịt khẩu trang để hạn chế sự tiếp xúc của da với môi trường không khí ô nhiễm bên ngoài.

- Ăn nhiều thực phẩm có tính thanh mát như rau xanh và hoa quả, đồng thời uống nhiều nước để giúp cơ thể nhanh chóng thải hết các độc tố.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

Meo.vn (Theo Kenh14)

Nổi mụn vì cái… khuy quần

Bệnh dị ứng kim loại khiến nhiều chị em mẩn ngứa vì chính những chiếc thắt lưng, khuy quần bò hay đơn giản là móc áo lót.

Theo bác sĩ Nguyễn Thành, nguyên Trưởng khoa Khám bệnh, Viện Da liễu Trung ương, ở viện có khoảng 100 ca bệnh này mỗi năm. Bệnh nhân có thể dị ứng với bất kỳ loại kim loại nào do cơ địa không thích ứng.

Bệnh sợ kim loại

Chị Liên (Giảng Võ, Hà Nội) mấy ngày nay bỗng thấy xuất hiện những mụn nước nhỏ ở vùng lưng, gây ngứa ngáy rất khó chịu. Nghĩ đơn giản mắc bệnh ngoài da nào đó, chị ra hiệu thuốc mua thuốc về bôi. Một vài ngày triệu chứng có giảm nhưng sau đó lại tái phát, rồi lan cả vùng bụng. Đến Viện Da liễu khám, chị mới biết mình bị dị ứng kim loại, và “hung thủ” chính là chiếc móc áo lót có mạ niken.

Cùng chung cảnh ngộ với chị Liên, chị Huyền (Đội Cấn, Hà Nội) cũng phải nói “không” với bất kỳ loại quần bò nào có khuy quần được mạ niken cũng chỉ vì dị ứng kim loại. “Tôi bị dị ứng kim loại khá nặng, mỗi lần chạm vào là bị ngứa và nổi vết đỏ trên người. Tôi cũng không thể mặc được quần bò có khuy mạ kim loại vì sau đó thể nào cũng bị dị ứng, rất khó chịu”, chị Huyền chia sẻ.


Bác sĩ Thành cho hay đây là bệnh do cơ địa dị ứng kim loại. Thường những người mắc bệnh này sẽ bị dị ứng với bất kỳ kim loại nào nhưng hay bị nhất là niken và crom. Triệu chứng bệnh là vùng da nơi tiếp xúc với kim loại xuất hiện mụn nước, bề mặt da bị đỏ, gây ngứa ngáy, mụn có thể chảy nước.
Dễ điều trị

Theo các bác sĩ da liễu, đây là căn bệnh do cơ địa nên cách tốt nhất là tránh xa nguồn dị nguyên gây bệnh. Theo bác sĩ Thành, thường người bệnh không nghĩ đến dị ứng kim loại, chỉ nghĩ là ngứa ngoài da, tự ra cửa hàng thuốc cho thuốc chống dị ứng, chống ngứa.

Tuy nhiên, các loại thuốc đó chỉ điều trị triệu chứng, các vết đỏ, ngứa sẽ hết nhưng về lâu dài, tác nhân gây dị ứng là kim loại chưa được loại trừ dứt khoát nên sau đó sẽ tiếp tục phát lại. Để dứt điểm tình trạng này, chỉ có cách hạn chế tiếp xúc tối đa đối với kim loại đó, nếu bệnh nhân vẫn điều trị nhưng vẫn tiếp xúc với kim loại đó thì bệnh khỏi xong lại tái phát.

“Dị ứng kim loại khiến người bệnh ngứa ngáy rất muốn gãi nhưng tuyệt đối không nên gãi vì nếu những nốt mụn vỡ có thể gây bội nhiễm khiến việc điều trị khó khăn và kéo dài hơn”, bác sĩ Thành cảnh báo. Để điều trị dị ứng kim loại không khó, chỉ cần loại bỏ căn nguyên và điều trị các triệu chứng bằng cách dùng thuốc bôi và thuốc uống chống ngứa, có thể dùng thêm kháng sinh để chống nhiễm trùng. Tuy nhiên, bệnh nhân cần đến bác sĩ theo dõi và điều trị cho phù hợp bởi việc cho thuốc phải tùy theo từng giai đoạn bệnh.

Meo.vn (Theo Datviet)

Nứt gót chân, trị cách gì?

Đối tượng hay bị nứt gót chân là những người mắc bệnh viêm da cơ địa hoặc các thành viên trong gia đình có cơ địa dễ dị ứng hoặc những người do nghề nghiệp, công việc phải tiếp xúc với các chất tẩy rửa, nước...

Da bàn chân đặc biệt là vùng gót cứ dày lên, khô, thô ráp. Lớp tế bào sừng phía ngoài cùng dày lên, bong vảy từng điểm một sau đó tăng lên. Lúc đầu là các điểm nhỏ sau phát triển rộng dần và liên kết với nhau tạo thành từng mảng lớn. Có người chỉ bị nứt nẻ gót chân hai bên nhưng cũng có người bị khô, bong vảy toàn bộ lòng bàn chân. Nền da ở dưới có thể ẩm ướt có các mụn nước do viêm kèm theo hoặc nền da đỏ khô. Khi bóc lớp vảy ở trên bề mặt, ta thấy nền da ở dưới đỏ hồng, nhăn nheo. Nếu bệnh nhân không chăm sóc da đúng cách hoặc bong da nhiều thì có thể xuất hiện các vết nứt nẻ da. Nếu nứt sâu thì có thể gây chảy máu. Thường thì bệnh nhân không ngứa nhưng nếu có viêm da nhiều thì bệnh nhân bị ngứa. Đôi khi bệnh nhân có thể bị các đám tổn thương viêm da ở các vùng da khác trên cơ thể.


Chăm sóc da:

Về ăn uống không cần lưu ý gì đặc biệt, về sinh hoạt phải kiêng một số động tác sau: bóc vảy, gãi, chà xát, ngâm nước, xà phòng. Hạn chế rửa chân, ngày chỉ nên rửa chân 1 lần cùng với tắm và lưu ý luôn giữ chân khô ráo. Có thể chỉ cần rửa chân bằng nước máy sạch.

Thuốc bôi: Có thể bôi các chế phẩm làm mềm da, ẩm da, dịu da ngày vài lần như cream vitamin E, skincare-U, lacticare… Có thể uống một đợt vitamin E hoặc vitamin C theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa da liễu.

Bệnh nhân phải uống nhiều nước, ăn thêm hoa quả, rau xanh.

TS. Nguyễn Thị Lai

Meo.vn (Theo Suckhoedoisong)

Biểu hiện bệnh tình dục ở chị em

Bệnh lây truyền qua đường tình dục đặt ra một vấn đề lớn hơn đối với phụ nữ vì nó có thể biến chứng lâu dài.

Bệnh lây truyền qua đường tình dục hiện nay là một trong những vấn đề sức khỏe tình dục quan trọng nhất ở các nước trên thế giới. Nhất là trong hoàn cảnh hiện nay, khi mà tuổi quan hệ tình dục lần đầu tiên đã giảm xuống, thậm chí là 15 tuổi - độ tuổi thanh thiếu niên.

Kiến thức tình dục của những "đối tượng" ở lứa tuổi này chưa hoàn toàn đầy đủ nên chưa có khả năng tự phòng ngừa cho mình trước những bệnh lây truyền qua đường tình dục, đặc biệt là với các em nữ.
Nói như vậy không có nghĩa là chị em phụ nữ lớn tuổi hơn thì sẽ biết tất cả những điều cần thiết về sức khỏe tình dục, có chăng, chị em lớn tuổi hơn chỉ có khả năng phòng và chữa bệnh tốt hơn một chút mà thôi.

Bệnh lây truyền qua đường tình dục đặt ra một vấn đề lớn hơn đối với phụ nữ vì nó có thể biến chứng lâu dài, chẳng hạn như bệnh viêm vùng chậu và ung thư cổ tử cung. Hiệp hội Y tế Xã hội Mỹ báo cáo rằng hơn 15% trường hợp vô sinh nữ có thể là do thiệt hại gây ra bởi các bệnh lây truyền qua đường tình dục không được điều trị. Phụ nữ có thai cũng có thể truyền bệnh nhiễm trùng cho em bé trong bụng của họ, gây ra những vấn đề nghiêm trọng bẩm sinh ở trẻ sơ sinh.


Tuy nhiên, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho các chị em vì thiếu hiểu biết mà để các bệnh tình dục kéo dài, bởi nhiều bệnh lây truyền tình dục khi phát tán trong cơ thể người lại không có triệu chứng. Người bệnh chỉ có thể biết mình bị bệnh khi các triệu chứng đã nặng hơn và biểu hiện ra bên ngoài như nhiễm nấm hoặc nhiễm trùng tiểu đường.

Để có thể chắc chắn và sớm phát hiện bệnh lây truyền qua đường tình dục, chị em nên duy trì thói quen đi khám phụ khoa đều đặn. Ngoài ra, khi thấy những dấu hiệu sau, chị em nên cảnh giác và đi khám sớm (mặc dù những dấu hiệu này có thể giống với các tiệu chứng của một số bệnh khác như ung thư tử cung, đa nang buồng trứng...)

Đau hoặc nổi mụn trong khu vực âm đạo

Các tổn thương ở da xung quanh khu vực âm đạo, như, ngứa, lở loét hoặc sần sùi, có thể là do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, theo các báo cáo y tế, đa số những người có hoạt động tình dục có biểu hiện vấn đề này thì là do herpes sinh dục, bệnh giang mai, hoặc bệnh tình dục khác gây ra.

Herpes sinh dục có thể nhận diện với mụn nhỏ màu đỏ, có nước hoặc đau xung quanh khu vực âm đạo hoặc hậu môn. Khởi đầu của triệu chứng này có thể là ngứa, tiếp theo là mụn nhỏ màu đỏ hoặc mụn nước trong vòng vài ngày. Mụn hoặc mụn nước có thể vỡ và hình thành vết thương hở mà sau này sẽ hình thành vảy và liền miệng.

Còn về bệnh giang mai, giai đoạn chính của bệnh giang mai, có thể bắt đầu phát tác sau 10-90 ngày nhiễm bệnh. Bệnh giang mai được báo trước bởi sự xuất hiện của một vết loét không đau duy nhất, được gọi là một săng. Người bệnh cảm thấy đau trên diện tích tiếp xúc, thường là khu vực âm đạo, và sẽ tự biến mất.

Human Papillomavirus, hay HPV, là một dạng nhiễm trùng cũng có thể gây tổn thương hoặc mụn cóc ở vùng âm đạo, với diện tích lớn hoặc nhỏ và đôi khi có hình súp lơ.

Dịch âm đạo bất thường

Nói chung, dịch âm đạo ở phụ nữ là bình thường, nhưng bất cứ thay đổi nào trong các dịch âm đạo cũng có thể báo hiệu bệnh tình dục, chẳng hạn như viêm âm đạo do vi khuẩn, nhiễm Chlamydia, bệnh lậu và nhiễm Trichomonas. Bất thường trong dịch âm đạo có thể là lượng dịch hoặc màu sắc của dịch.

Đau hoặc cảm giác nóng rát

Hầu hết các phụ nữ có thể đổ lỗi cho nhiễm trùng đường tiết niệu khi cảm thấy đau hoặc nóng rát lúc đi tiểu hoặc khi có hoạt động tình dục. Tuy nhiên, bệnh lây truyền qua đường tình dục như herpes chlamydia, lậu, nhiễm Trichomonas và bộ phận sinh dục, cũng có thể gây ra triệu chứng này.

Chảy máu âm đạo

Bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể gây ra chảy máu âm đạo giữa hai kỳ kinh, chảy máu khi tham gia các hoạt động tình dục, hoặc chảy máu bất thường trong kì kinh nguyệt... Chlamydia, bệnh lậu, viêm âm đạo do nhiễm Trichomonas và vi khuẩn có thể là nguyên nhân dẫn đến triệu chứng này.

Triệu chứng giống như cúm

Vi rút làm suy giảm miễn dịch của con người. Herpes, và các bệnh nhiễm trùng viêm gan B có thể gây ra các triệu chứng giống như bệnh cúm, bao gồm sốt, đau đầu, đau cơ và mệt mỏi. Buồn nôn, ói mửa và tiêu chảy cũng ó thể xuất hiện.

Khi thấy những triệu chứng này, chị em nên xác định đi khám càng sớm càng tốt để tránh những hậu quả không mong muốn.

Meo.vn (Theo afamily)

Mắc bệnh chàm, vì sao?

Con tôi gần đây bị rất nhiều mụn nước ở tay chân và kêu ngứa. Tôi đã cho cháu dùng thuốc nhưng không đỡ. Có phải cháu bị bệnh chàm? Nguyên nhân bệnh là gì thưa bác sĩ?

Hoàng Thanh Thủy (Hải Dương)

Triệu chứng dễ thấy và điển hình nhất khi bị chàm là người bệnh thấy ngứa, xuất hiện mụn nước, bệnh tiến triển thành từng đợt, dai dẳng hoặc tái phát. Trong giai đoạn cấp tính, chàm đặc trưng bởi hồng ban, phù, xuất tiết thanh dịch giữa các tế bào thượng bì và thâm nhiễm viêm ở lớp bì, chảy dịch, tạo nang và đóng vảy. Giai đoạn mạn tính có hiện tượng lichen hoá hoặc dày sừng hoặc cả hai, bong da, tăng hoặc giảm sắc tố hoặc cả hai. Ở trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh biểu hiện ban đầu là da khô, tróc vảy nhẹ và đôi  khi có dày sừng lỗ chân lông, sau đó xuất hiện các mụn nước li ti. Kích thước nhỏ như đầu đinh ghim, đôi khi to bằng bọng nước. Mụn nước nhỏ rất nông, chứa dịch trong, sắp xếp thành mảng chi chít, dày đặc. Trên một mảng chàm, do có nhiều đợt liên tiếp, mụn nước ở nhiều giai đoạn khác nhau. Khi bệnh nhân gãi nhiều, mụn nước có thể bị vỡ dập, chảy nước vàng. Tổn thương thường  xuất hiện ở các nếp gấp của tứ chi. Bệnh chàm phát sinh do hai yếu tố là cơ địa và dị ứng nguyên. Cơ địa thì có thể do gia đình bệnh nhân có người bị chàm. Dị ứng nguyên là do người bệnh dùng các thuốc hay gây phản ứng phụ, dùng mỹ phẩm, nước hoa, thuốc nhuộm tóc, ăn các thực phẩm gây kích ứng…


BS. Vũ Thu Dung

Meo.vn (Theo SKĐS)

Loét niêm mạc miệng – Trị cách gì?

Niêm mạc miệng là lớp bao phủ khoang miệng và lưỡi. Tổn thương viêm loét niêm mạc miệng có thể có mủ hoặc không có mủ. Bệnh gây đau đớn và khó khăn cho bệnh nhân khi ăn uống, nói năng.

Vì sao lại bị viêm loét niêm mạc miệng?

Có nhiều nguyên nhân gây ra viêm loét niêm mạc miệng, bao gồm:        

Chấn thương: bỏng nhiệt do ăn uống thức ăn quá nóng, tổn thương hay gặp ở vòm miệng, chỗ cung răng hàm trên; do đụng dập, té ngã, bị đánh; do các thủ thuật nha khoa như khoan trám răng, hàn răng, nhổ răng, lắp răng giả nhưng không vừa, răng bị mẻ, gãy…; trẻ em bị que kem, bút viết, hoặc vật sắc nhọn đâm vào miệng lưỡi.

Do tác động của các chất hóa học như axít, nước vôi, nước súc miệng quá đậm đặc, dùng nhiều kem đánh răng nhưng súc miệng chưa kỹ…

Nhiễm khuẩn: nhiều loại vi khuẩn gây viêm loét lợi răng hoại tử cấp tính quanh ổ răng, thường  gặp ở người thiếu dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, người bị mệt mỏi suy nhược cơ thể, hút thuốc, vệ sinh kém.

Ăn cam, chanh phòng chống loét miệng.

Nhiễm virut:

viêm miệng do virut Herpes với triệu chứng là mụn nước lan rộng rồi tạo thành vết loét, gặp ở môi, mép, niêm mạc miệng, có thể có sốt, viêm họng, nổi hạch. Varicella zoster virut (VZV): gặp trong bệnh thủy đậu, bệnh gây loét, mụn nước ở niêm mạc miệng. VZV tiềm ẩn trong mô thần kinh, gây phát ban da tương ứng với rễ thần kinh và ảnh hưởng nhánh dây thần kinh số V gây loét miệng, rất đặc trưng vì cùng bên với đau và dị cảm. Các mụn nước thường ở vòm miệng, má, lưỡi, họng vỡ nhanh tạo vết loét. Coxsackie virus: là loại virut gây bệnh tay - chân - miệng ở trẻ em; tổn thương mụn nước trên nền đỏ tạo thành loét, gặp ở niêm mạc miệng, lưỡi gà, đặc biệt ở khẩu cái, lưỡi, niêm mạc má. Rubella: gây ra bệnh sởi, dấu hiệu ở miệng chính là dấu Koplik, với dát hồng ban nhỏ ở niêm mạc má, trung tâm hoại tử trắng, thường xuất hiện 1-2 ngày trước triệu chứng toàn thân. Epstein - Barr virus (EBV): gây hội chứng sốt, loét miệng vùng sau miệng hầu.

Ngoài ra còn có các yếu tố khác gây viêm loét miệng như: ảnh hưởng của nội tiết tố; do yếu tố di truyền; do dị ứng thức ăn, thuốc chữa bệnh; do thiếu các loại vitamin: C, PP, B6, B12; thiếu sắt; do bệnh tự miễn...

Dấu hiệu viêm loét miệng

Khi bị viêm loét niêm mạc miệng, lưỡi, có thể biết được nguyên nhân nhưng cũng có khi không biết được nguyên nhân mà chỉ thấy tự nhiên xuất hiện các vết loét kèm theo các dấu hiệu: sưng nóng đỏ đau, có vết lở loét rất khó chịu nhất là khi nhai nuốt, ăn uống; có thể là những áp-xe ở dưới lưỡi, dưới niêm mạc; nhẹ hơn là những vết loét ở lưỡi và niêm mạc miệng, khi viêm cấp thường tấy đỏ và rất đau, thậm chí sốt cao, nổi hạch góc hàm. Đặc biệt, các vết loét cấp ở niêm mạc miệng lưỡi thường tái phát, gây đau đớn và làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Các tổn thương viêm loét khá đa dạng: loét dạng aphthe nhỏ là hay gặp nhất, chiếm khoảng 80%, điển hình là có một vài đến nhiều vết loét đường kính dưới 1cm, nông, nằm rời rạc hoặc thành đám, tự lành trong khoảng 7 - 14 ngày và  không để lại sẹo. Loét dạng aphthe lớn, còn gọi là bệnh Sutton hoặc hoại tử niêm mạc miệng tái phát có viêm hạch ngoại biên, chiếm khoảng 10%. Vết loét có kích thước lớn hơn 1cm, gồm một hay nhiều vết loét, chậm liền có khi kéo dài nhiều tuần, để lại sẹo do hoại tử lan rộng. Loét dạng Herpes, nhưng không liên quan đến virus Herpes, số lượng vết loét nhiều từ 10 - 100 vết, tổn thương kết thành chùm, nhiều vết loét nhỏ nhanh chóng kết hợp lại thành mảng lớn, lành trong khoảng 7 - 30 ngày. Đặc điểm là vết loét có màu đỏ ở xung quanh, trung tâm có mảng mục màu vàng, đau nhiều trong 2 - 3 ngày đầu, dần dần giảm đau khi bắt đầu lành.

Lưu ý trong điều trị và phòng bệnh

Điều trị viêm loét miệng lưỡi chủ yếu là giảm đau vì đau là triệu chứng khó chịu nhất. Đa số các trường hợp không cần điều trị mà bệnh sẽ tự khỏi sau 7 - 14 ngày.

Những trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể sử dụng các thuốc điều trị như: dùng các loại thuốc hạ sốt; cho bệnh nhân súc miệng bằng dung dịch hydrogen peroxide 1%; giảm đau tại chỗ bằng thuốc tê lidocain; sử dụng thuốc kháng viêm, sát khuẩn răng miệng bằng các dung dịch như: orabase, zilactin...; dùng thuốc kháng virut như: acyclovir, famciclovir, alcyclovir; khi có nhiễm khuẩn dùng kháng sinh.

Có thể áp dụng những cách tự chăm sóc khi bị loét miệng như: ngưng uống rượu bia, bỏ hút thuốc lá. Không nên ăn thức ăn cay, mặn, chua, chát, nóng. Khi bị đau nhiều, có thể dùng ống hút để uống nước, nhưng không uống nước nóng. Chỉ chải răng ở những chỗ không đau, không chải răng ở những chỗ đau do viêm loét, tránh gây chấn thương thêm cho niêm mạc miệng lưỡi do chải răng. Đi khám bệnh khi có các biểu hiện sau: vết loét phát triển nhiều, lớn hơn một cách bất thường so với các triệu chứng đã nêu ở trên; vết loét kéo dài trên 3 tuần; không giảm đau mặc dù đã dùng các thuốc giảm đau; sốt cao hoặc sốt vừa nhưng kéo dài nhiều ngày.

Phòng bệnh: Cần chú ý xem loại thức ăn nào đã gây dị ứng và gây viêm loét miệng thì không bao giờ ăn loại thức ăn đó nữa. Đối với các loại thuốc chữa bệnh gây dị ứng phải ghi nhớ để không dùng loại thuốc đó mới tránh được viêm loét miệng do dị ứng thuốc. Ngoài ra cần ăn uống đủ chất, nhất là các loại thức ăn chứa nhiều các vitamin C, PP, B6, B12 như: rau xanh các loại, hoa quả chín, cam, chanh, bưởi, thịt, cá, trứng, sữa... để phòng viêm loét miệng do thiếu vitamin loại này.

ThS. Bùi Hữu Thời

Meo.vn (Theo Suckhoedoisong)

Hiện tượng mụn rộp ở nữ giới

Em lấy chồng được 2 năm, khoảng 3 tháng gần đây em thấy ở dọc hai môi lớn có nhiều mụn nhỏ gợn lên, lúc đầu xuất hiện rất ngứa, em dùng nước rửa phụ khoa mấy ngày thì đỡ hơn. Hiện giờ những mụn đấy vẫn còn, thỉnh thoáng mới phát ngứa, chu kì kinh nguyệt của em vẫn bình thường, mấy ngày nay em thấy những mụn nhỏ đó bắt đầu mọc ở chỗ cửa mình. Xin hỏi bác sĩ em bị bệnh gi? Dùng thuốc nào để điều tri? (Minh Phương)

Trả lời:

Hiện tượng của bạn có thể là mụn rộp, thường xuất hiện ở nữ giới. Tác nhân gây bệnh là virus Herpes. Ban đầu, người bệnh có cảm giác nóng rát ở vùng da sẽ mọc mụn. Nếu dùng ngón tay ấn vào chỗ đó sẽ thấy đau, sau đó xuất hiện những mảng ban màu hồng, trong vùng ban có những mụn nước nhỏ. Các mụn nước có kích thước nhỏ như đầu kim đứng riêng rẽ, nhưng cũng có khi chụm lại thành những mụn nước lớn. Lúc đầu nước trắng trong, sau đó đục dần thành mủ. Chúng rất dễ vỡ, gây ra vết trợt loét. Bệnh lành tính, thường tự khỏi sau 1-2 tuần không để lại sẹo. Nhưng nếu không biết cách giữ vệ sinh khiến vùng tổn thương bị nhiễm trùng, nhiều loại bệnh khác sẽ có cơ hội xâm nhập cơ thể.

Ở cơ quan sinh dục nữ, mụn Herpes thường gặp ở môi lớn, môi nhỏ, có khi ở rãnh liên môi, làm âm hộ bị sưng nề, rất đau. Tại chỗ còn chảy nước vàng và nếu không chăm sóc chu đáo sẽ bị bội nhiễm. Khi đó, bệnh nhân sẽ bị sốt, nổi hạch ở háng (bẹn). Bệnh rất hay tái phát, nhất là về mùa đông hoặc khi có bệnh nhiễm trùng nặng.

Về điều trị, nên thường xuyên rửa sạch nơi tổn thương bằng thuốc tím pha loãng 0,1%, dung dịch milian, uống vitamin C liều cao và dùng kháng sinh đặc trị như acyclovir (uống hoặc bôi tại chỗ).

Tuy là bệnh lành tính nhưng Herpes gây khó chịu, ảnh hưởng không ít đến sức khỏe. Do đó, nên khám phát hiện sớm để có hướng điều trị đúng và kịp thời.

Meo.vn (Theo Thuocbietduoc)

Cách chữa trị nước ‘ăn’ chân?

Bạn đọc địa chỉ mail hoangviet…@hotmail.com hỏi: Quê tôi mấy ngày qua chìm trong lũ. Cả làng, thậm chí cả huyện đều bị nước “ăn” chân ở các mức độ khác nhau. Nước đã rút nhưng vẫn còn di chứng. Xin hỏi, làm thế nào để chữa trị?

Trả lời:

Mùa lũ, nước ăn chân là căn bệnh phổ biến. Hiện tượng là các kẽ ngón chân ngứa ghê gớm, nước vàng chảy ra có mùi hôi. Hiện tượng gọi là nước “ăn” chân ấy về thực chất là bệnh nấm kẽ chân, gây ra do tiếp xúc với nguồn nước bẩn chứa phân người và gia súc, lá cây mục nát, xác súc vật chết… Khi không phải mùa lũ lụt, bệnh này vẫn có thể gặp ở người mồ hôi chân nhiều, rối loạn hệ thần kinh thực vật, giày dép chật làm xước da, mang giày kín thường xuyên…

 

Bệnh nước ăn chân thường xuyên xuất hiện ở những vùng lũ. Ảnh: Báo Hà Tĩnh.

Quan sát bệnh nước “ăn” chân, ta thấy các kẽ ngón chân có các vết nứt (nhất là kẽ ngón 3 và 4), da trắng bợt, rất ngứa. Ngoài biểu hiện ở kẽ ngón chân, còn có ở những nơi khác: bong vẩy ở từng đám nhỏ, phát triển ở đầu ngón chân hay lòng bàn chân những mụn nước nhỏ, liên kết với nhau thành bọc lớn, ngứa và đau, gây lở loét, có thể bội nhiễm sinh mủ, kèm cả viêm móng.

Để tránh nước “ăn” chân, trước hết phải có nguồn nước sạch để rửa sau mỗi lần lội nước. Đặc biệt buổi tối phải rửa kỹ và lau khô các kẽ chân. Nếu cẩn thận, có thể ngâm chân chừng 10 phút trong nước lá chè (lá già, không dùng để uống), nước lá ổi, vỏ cây ổi, vỏ câybạch đàn, tràm…

Trong dân gian, để trị nước “ăn” chân, mỗi ngày nên ngâm chân 2 lần, mỗi lần 20 phút với một trong các thứ nước sau:

- các loại nước sắc nói trên, nhưng sắc đậm hơn, có pha 5% muối ăn.

- nước phèn chua bão hoà (một cục phèn chua bằng quả trứng trong 1lít nước sôi).

- lấy lá cỏ mực (nhọ nồi), muồng trâu, muồng ngủ giã nát, thêm một chén nước vắt lấy nước cốt bôi vào kẽ chân mỗi ngày vài lần.

- lấy lá trầu không hoặc búp ổi vò nát, sát nhẹ vào các ngón chân.

Còn theo Tây y, bôi các thuốc trị nấm như:

- Trosyd (Thioconazol) cream 1%, bôi 1-2lần/ngày trong 4 đến 6 tuần cho khỏi hẳn.

- Sporiline 1lần/ngày trong 6 tháng.

Có thể dùng thêm những loại thuốc uống để hỗ trợ, nhưng việc uống thuốc phải thận trọng theo chỉ dẫn của bác sĩ.

 

Meo.vn (Theo VNN)