Lưu trữ cho từ khóa: mũi chảy

Chấn thương sọ não ở trẻ nhỏ – Hiểm họa khôn lường

Chấn thương sọ não ở trẻ em luôn là mối nguy hiểm tiềm tàng, nguy cơ xảy ra chấn thương ngoài do tai nạn giao thông còn do nhiều yếu tố có ở khắp nơi nếu không cẩn thận.

Liên tiếp trong hai tháng 9, tháng 10 vừa qua, BV Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận rất nhiều trẻ bị chấn thương sọ não. Gần đây nhất là bệnh nhi T.N, 2 tháng tuổi, trong lúc cùng mẹ và anh trai đi bộ trên đường đã bị xe một chiếc xe máy honda vượt lề tông phải. Sau khi xảy ra tai nạn, bé bị bất tỉnh và hôn mê sâu, tứ chi gồng lên đau đớn.

Bé được nhập viện nhi Đồng Nai, chụp CTScan sọ có máu tụ nhiều và được chuyển viện cấp tốc lên bệnh viện Nhi đồng 2. Tại khoa Cấp cứu dù đã được ê-kip y bác sĩ hồi sức tích cực nhưng tình trạng của bé quá nặng, khả năng không qua khỏi nên người nhà đã xin đưa bé về.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhi D.Đ, 5 tuổi. Theo người nhà bé Đ., trước đó, bé Đ. được mẹ chở đi trên xe máy không đội mũ bảo hiểm, do đường trơn trượt nên cả 2 mẹ con bị ngã xe, đúng lúc đó có chiếc xe máy cày đang chạy tới đã cán dập nát vành tai trái của em và khiến em rách da đầu.

Sau khi nhập viện Nhi Đồng 2, bé đã được các bác sĩ khoa Tai – Mũi – Họng cấp cứu vết thương ở đầu và vành tai. Rất may chụp CTSCan sọ không thấy tổn thương gì nặng ở đầu của bé. Hiện tại tình trạng của bé đã ổn và được xuất viện nhưng phải mang theo vết sẹo ở tai trái khá lớn.

Trước đó vào tháng 9-2011, Bv Nhi đồng 2 cũng tiếp nhận bé L.C.T,  3 tuổi, nhà ở Đồng Tháp trong lúc đi ra đường bị quả dừa của cây dừa mọc sát đường rơi trúng đầu khiến cháu bất tỉnh.  Bé được cấp cứu và chụp CTScan sọ não phát hiện có máu tụ dưới màng cứng lượng ít nên được điều trị bảo tồn, theo dõi tại phòng cấp cứu. Sau đó, bé được ra viện nhưng do chấn thương, bé vẫn chưa nói được vì theo các bác sĩ tại đây, có khả năng là lực rơi của quả dừa đã làm chấn động đến vùng ngôn ngữ nói của bé khiến bé không nói được.

Tương tự tai nạn hi hữu trên, bé Đ.L.N.G, 11 tháng tuổi, nhập viện trong tình trạng ngủ gà. Người nhà cho biết trong lúc bé đang ở trong xe tập đi, vấp phải thềm nhà nên bị ngã đập đầu xuống nền gạch. Sau ngã, bé bị nôn nhiều lần, bỏ bú, bỏ chơi, lừ đừ. Người nhà đưa bé đến khám tại bệnh viện và được bác sĩ cho chỉ định chụp CTScan sọ não khẩn. Kết quả là bé bị máu tụ ngoài cứng đỉnh phải lượng nhiều gây lệch đường giữa.

Đội mũ bảo hiểm cho bé khi tham gia giao thông
để tránh những nguy hiểm đáng tiếc xảy ra

Theo các bác sĩ BV Nhi Đồng 2, chấn thương sọ não (CTSN) ở trẻ em luôn là mối nguy hiểm tiềm tàng, nguy cơ xảy ra chấn thương luôn có ở khắp nơi nếu không cẩn thận và tác nhân gây chấn thương đôi khi tưởng chừng như khó có thể xảy ra nhưng vẫn xảy ra .

Bác sĩ chuyên khoa 1 Đặng Xuân Vinh, phó khoa ngoại thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết CTSN ở trẻ em thường do bất cẩn trong sinh hoạt (chiếm 60% trường hợp), thường gặp nhất là ngã cầu thang, ngã từ trên giường xuống, hay do người lớn bế ẵm tuột tay. Các lý do tiếp theo là té xe đạp, tai nạn giao thông, vật nặng va đập trúng đầu. CTSN thường gặp ở bé trai nhiều hơn bé gái do hiếu động hơn, đa số ở lứa tuổi 1-6. Trẻ càng nhỏ càng dễ bị CTSN do phần đầu còn to và nặng, thường rơi xuống trước, các bé lại chưa có khả năng điều chỉnh tư thế cân bằng khi ngã.

CTSN nhẹ nhất là tụ máu dưới da đầu, thường gọi là u đầu hay sưng da đầu. Khi sờ sẽ thấy một cục nhỏ mềm dưới da đầu. Khối u sẽ tự tan sau vài ngày đến vài tuần. Nặng hơn là các tổn thương ở xương sọ như nứt xương, lõm sọ hay vết thương sọ não. Trầm trọng hơn là các thương tổn trong hộp sọ như máu tụ ngoài hay dưới màng cứng, dập não.

Nếu chấn thương nhẹ, bé hoàn toàn tỉnh táo, không có dấu hiệu gì lạ thì cha mẹ có thể chăm sóc bé tại nhà, nhưng cần theo dõi chặt chẽ mỗi hai giờ một lần trong suốt 24 giờ đầu tiên. Những dấu hiệu cần phải theo dõi là: Tình trạng lúc tỉnh lúc mê; Ngủ mê kêu không thức dậy; Nhức đầu dữ dội; Lỗ tai hoặc lỗ mũi chảy nước trong; Nôn ói nhiều lần; Co giật tay chân; Sưng lớn nơi da đầu.

Nếu bé có những dấu hiệu trên hoặc sau té mà bé bất tỉnh ngay thì cần đưa nhanh tới bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, tư vấn, nếu cần có thể phải nhập viện theo dõi. CT scan sọ là phương pháp tối ưu để phát hiện CTSN.

Theo bác sỹ BV Nhi Đồng 2, để tránh những hậu quả nghiêm trọng do CTSN gây ra, các bậc phụ huynh có con nhỏ nên chú ý: Trông nom cẩn thận khi trẻ mới biết bò, biết đi; Giường nằm của trẻ cần có tấm chắn, dưới chân giường trải nệm để nếu ngã trẻ đỡ bị chấn động; Không để trẻ tự ý leo lên gác cao, cửa sổ đang mở hoặc lần bước xuống thang gác; Khi chở các trẻ lớn đi xe hai bánh nên đội mũ bảo hiểm cho trẻ; Khi xảy ra chấn thương ở đầu cần cho trẻ đi khám ngay. Nếu bác sĩ cho về nhà, trẻ vẫn phải được theo dõi sát theo hướng dẫn trong vòng một tuần.

Meo.vn (Theo ANTĐ)

Sơ cứu khi trẻ bị chảy máu mũi

Con tôi năm nay 4 tuổi, vào mùa đông, cháu có khi chảy máu mũi 3 lần/ tháng.

Xin chuyên gia cho biết khi trẻ bị chảy máu mũi như vậy sơ cứu tại chỗ như thế nào?

Thế Hòa
(Tam Dương – Vĩnh Phúc)

Trẻ nhỏ rất hay bị chảy máu mũi, thường là các dạng chảy máu nhẹ. Nguyên nhân là do các mạch máu nhỏ nằm ở phía dưới trước của vách ngăn thành mũi bị vỡ. Ngoài ra do thời tiết hanh khô, nhất là trong những ngày mùa đông không khí trở nên lạnh giá, hanh khô, độ ẩm giảm xuống thấp.

Khi trẻ bị chảy máu mũi, cha mẹ cần bình tĩnh hạn chế máu mũi chảy bằng cách để trẻ ngồi dậy, đầu hơi cúi về phía trước giúp trẻ khỏi nuốt máu mũi vào cổ.

Nếu trẻ đã lớn nên bảo trẻ thở bằng miệng, sau đó dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ kẹp chặt hai cánh mũi của trẻ trong vòng khoảng 10 phút. Nếu sau đó vẫn còn chảy máu, cần đến cơ sở y tế gần nhất để cầm máu.
Để tránh cho máu mũi bị chảy cần thường xuyên cắt móng tay của trẻ để phòng trường hợp trẻ cho vào mũi ngoáy. Giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ thật tốt, cho trẻ chế độ dinh dưỡng phù hợp. Vào mùa đông cần tăng độ ẩm trong phòng và bôi vào bên trong mũi trẻ một lớp kem dưỡng ẩm mỏng. Trường hợp máu mũi vẫn chảy nhiều sau khoảng 10 phút hoặc trẻ trông ốm mệt, xanh xao, chóng mặt khi vừa mới ngủ dậy… cần đưa trẻ đến bác sĩ.

Chuyên gia tư vấn Kim Mai

Meo.vn (Theo Giadinh)

Trẻ hay chảy máu mũi vào mùa đông, nên sơ cứu như thế nào?

Con tôi năm nay 4 tuổi, vào mùa đông, cháu có khi chảy máu mũi 3 lần/ tháng.

Xin chuyên gia cho biết khi trẻ bị chảy máu mũi như vậy sơ cứu tại chỗ như thế nào? - (Thế Hòa - Tam Dương, Vĩnh Phúc)


Trả lời:

Trẻ nhỏ rất hay bị chảy máu mũi, thường là các dạng chảy máu nhẹ. Nguyên nhân là do các mạch máu nhỏ nằm ở phía dưới trước của vách ngăn thành mũi bị vỡ. Ngoài ra do thời tiết hanh khô, nhất là trong những ngày mùa đông không khí trở nên lạnh giá, hanh khô, độ ẩm giảm xuống thấp.

Khi trẻ bị chảy máu mũi, cha mẹ cần bình tĩnh hạn chế máu mũi chảy bằng cách để trẻ ngồi dậy, đầu hơi cúi về phía trước giúp trẻ khỏi nuốt máu mũi vào cổ.

Nếu trẻ đã lớn nên bảo trẻ thở bằng miệng, sau đó dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ kẹp chặt hai cánh mũi của trẻ trong vòng khoảng 10 phút. Nếu sau đó vẫn còn chảy máu, cần đến cơ sở y tế gần nhất để cầm máu.

Để tránh cho máu mũi bị chảy cần thường xuyên cắt móng tay của trẻ để phòng trường hợp trẻ cho vào mũi ngoáy. Giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ thật tốt, cho trẻ chế độ dinh dưỡng phù hợp.

Vào mùa đông cần tăng độ ẩm trong phòng và bôi vào bên trong mũi trẻ một lớp kem dưỡng ẩm mỏng.

Trường hợp máu mũi vẫn chảy nhiều sau khoảng 10 phút hoặc trẻ trông ốm mệt, xanh xao, chóng mặt khi vừa mới ngủ dậy… cần đưa trẻ đến bác sĩ.

Theo Chuyên gia tư vấn Kim Mai

Meo.vn (Theo alobacsi)

Bài thuốc chữa mất tiếng

Mùa đông trời lạnh nên cơ thể rất dễ bị cảm lạnh dẫn đến viêm thanh quản. Những người mắc bệnh viêm thanh quản nhẹ thì bị khàn tiếng, nặng thì bị mất tiếng, ngoài ra cơ thể còn xuất hiện một số triệu chứng như: sợ gió, phát sốt, đau đầu…

Để phòng tránh mất tiếng, bạn nên lưu ý một số biện pháp bảo vệ thanh quản như sau:

- Tránh gió lùa qua cửa sổ, cửa xe.

- Đừng hạ quá thấp nhiệt độ trong phòng làm việc. Nên mặc quần áo đủ ấm nếu phải làm việc nhiều giờ trong phòng quá lạnh, quan trọng nhất là phần yết hầu.

- Không nên uống nước quá lạnh, hay quá nóng. Nếu bỏ được thói quen uống nước đá thì càng tốt, nhất là trong những ngày nắng gắt.

- Nên nghỉ bệnh 2-3 ngày một khi cảm cúm, nếu trước đó đã có lần tắt tiếng.

- Tránh quần áo ướt đẫm mồ hôi rồi lại bước ngay vào phòng máy lạnh.

- Đừng phơi đầu trần quá lâu dưới ánh nắng mặt trời gay gắt.

- Với người có thanh quản quá nhạy cảm, thầy thuốc Đông y khuyên nên dùng lòng bàn tay chà mặt trước khuỷu và cổ tay nhiều lần trong ngày để mượn tác dụng kháng viêm của số huyệt đạo khu trú ở hai nơi này làm phương tiện phòng ngừa khan tiếng.

Để chữa trị các bạn có thể tham khảo một số bài thuốc từ thực phẩm sau đây

1. Giá đỗ

Công dụng: giá đỗ xanh có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng nhuận phế, thanh nhiệt…Khi bạn bị mắc viêm phế quản với các triệu chứng như: đau họng, khát nước, ho, đờm vàng đặc, tắc mũi, mũi chảy nước đục, đầu lưới đỏ thì có thể sủ dụng giá đỗ như một phương pháp chữa trị rất công hiệu.

Bài thuốc: dùng giá đỗ xanh 300-500g, rửa sạch, giã nát, chế thêm chút nước sôi để nguội, chắt lấy nước, chia ra uống dần từng ít một. Bài thuốc này rất công hiệu rất nhanh, những người bị mất tiếng chỉ cần uống sau 1h sẽ nói lại được.

2. Củ gừng

Công dụng: theo Đông y, gừng có vị cay, tính ấm, có tác dụng giải cảm, trừ ho. Khi bạn mắc các triệu chứng như: sợ lạnh, sốt nhẹ, không mồ hôi, đau đầu, đau mình, mũi tắc, ho, mũi chảy nước trong…thì hãy sử dụng gừng để chữa trị.

Bài thuốc:

- Gừng già 10g, đường đỏ lượng thích hợp. Gừng thái lát, sắc lấy nước, hòa đường đỏ vào uống.

- Gừng già 10g, củ cải lượng thích hợp. Củ cải nấu sôi khoảng 3-5 phút, thêm gừng vào, lại nấu thêm 3-5 phút là được; Ăn củ cải và uống nước. Dùng chữa mất tiếng do nhiễm lạnh, viêm họng cấp có tác dụng tốt.

- Gừng già 10g, bạc hà 5g. Gừng thái lát, thêm 500ml nước, nấu lấy nước, cho bạc hà vào nấu thêm 3-5 phút là được. Chia ra uống trong ngày, uống ấm.

- Gừng tươi 10g, cành lá tía tô 10g, hành 5 cây (liền cả củ và rễ). Tất cả rửa sạch, sắc lấy nước uống.

3. Quả sung

Công dụng: sung có vị ngọt, tính mát, có công dụng thanh lợi yết hầu, tiêu viêm, là vị thuốc chuyên trị các bệnh về thanh quản và họng.. Khi bị đau họng, các bạn hãy ăn vài trái sung là khỏi, ngoài ra có thể áp dụng bài thuốc sau.

Bài thuốc:

- Trái sung 30g, đường phèn lượng thích hợp; Sắc nước uống. Dùng chữa mất tiếng do viêm họng mạn tính.

- Trái sung phơi khô, nghiền thành bột mịn. Ngày dùng 4-5 lần, mỗi lần lấy 2-3g ngậm và nuốt dần. Dùng chữa mất tiếng kèm theo họng đau nhói, do phong nhiệt.

- Trái sung 15-20g, thái nhỏ, hãm nước sôi, uống thay trà trong ngày. Uống thường xuyên còn có tác dụng phòng viêm họng cấp và khản tiếng.

4. Củ cải

Công dụng: Theo Đông y, củ cải tươi sống có vị cay, tính mát. Củ cải nấu chín vị ngọt, tính bình, quy kinh phế và vị.

Bài thuốc: dùng nước củ cải tươi giã hoặc ép. Nếu sợ lạnh thì trộn với nước gừng tươi để ngậm nuốt dần. Có thể làm mứt củ cải. Nếu phối hợp với nước giá đậu xanh thì hiệu quả càng cao, phối hợp với tỏi cũng tốt nhưng tỏi hăng và lâu hết mùi.
Đôi khi những thực phẩm rất gẫn gũi trong cuộc sống lại có nhiều công dụng mà chúng ta không thể biết hết được, chỉ cần bạn ghi nhớ là có thể áp dụng cho mình và mọi người trong gia đình.

Meo.vn (Theo Dinhduong)

Khử mùi cháy trong thức ăn

Món ăn bị cháy khi đang đun nấu là sự cố xảy ra khá thường xuyên trong bếp. Chỉ cần bạn lơ là một chút, hoặc vặn lửa quá to, món ăn sẽ bốc mùi khét.

Thức ăn khi đã bị cháy thường có vị đắng và mùi khét rất khó chịu. Cách xử lý phổ biến nhất trong trường hợp này là vứt bỏ món ấy đi. Nhưng để tránh lãng phí, bạn có thể khử bớt mùi cháy theo trình tự dưới đây:

Để thức ăn nguội hẳn

Khi phát hiện ra mùi khét, cần tắt bếp ngay lập tức. Sử dụng găng tay khi nhấc nồi thức ăn đang nóng ra khỏi bếp để thức ăn không bị cháy thêm.

Lấy những phần thức ăn bị cháy ra ngoài

Dùng dao cắt bỏ những phần thức ăn đã bị cháy và đông cứng, chừa lại những phần còn sử dụng được. Đối với các món lỏng, có nước như súp hoặc món hầm, hãy dùng muỗng để múc bỏ những chỗ bị cháy khét.

Cho thêm nước

Đối với những món có kết cấu chắc và cứng như thịt, cá, rau củ…hãy rửa sạch phần thức ăn đã cháy dưới vòi nước để làm sạch hết những mảng cháy còn bám trên thức ăn. Đối với các món có nước, hãy cho phần thức ăn còn dùng được sang một chiếc nồi khác rồi mới cho thêm nước vào.

Lau khô thức ăn

Sau khi đã rửa sạch bằng nước, cần làm khô những thực phẩm còn ướt hoặc các loại rau xanh, bằng cách sử dụng khăn giấy để thấm lượng nước thừa.

Cho thêm nước sốt và gia vị

Bắt đầu nấu lại chỗ thức ăn đã thoát ra những lớp cháy và cho vào nhiều nước sốt. Nên kết hợp giữa thịt gà với các loại nước sốt cà chua, hoặc dùng nước sốt bơ cho món cá. Cho vào món ăn các gia vị: muối, tiêu và những loại khác theo ý thích. Đối với các món súp hoặc món hầm, bạn có thể giấu mùi khét và vị đắng của thức ăn bị cháy bằng cách cho thêm thịt xông khói vào món ăn.

Nêm nếm lại món ăn đã nấu

Hãy kiểm tra lại mùi vị của món ăn để đảm bảo rằng mùi vị của chúng không còn dấu vết của việc cháy khét. Trước khi dọn món ăn, bạn cần cho thêm chút xíu gia vị để chúng có mùi thơm hơn.

Lưu ý:

- Luôn rửa tay và mang găng khi nấu để không làm nhiễm khuẩn thức ăn trong quá trình cầm nắm.

- Sử dụng máy báo giờ khi đun nấu. Vì chắc chắn bạn sẽ không muốn món ăn đang nấu lại tiếp tục bị cháy lần nữa.

- Không dùng lại xoong, chảo hoặc giấy bạc vốn đã bị cháy để tiếp tục đun nấu trong lần thứ hai vì phần dầu thừa hoặc thức ăn đã bị cháy có thể lẫn sang những phần thức ăn đã được làm sạch.

- Chỉ được chạm vào thức ăn khi chúng đã nguội nếu bạn không muốn bị bỏng tay.

- Nếu bạn không lau sạch nước và làm khô thức ăn trong quá trình nấu lại lần hai, mùi vị của nước sốt và gia vị có thể bị ảnh hưởng.

Viêm xoang cấp, mạn tính

Là bệnh rất phổ biến ở Việt Nam, phân loại viêm xoang cấp và mạn tính thực chất chỉ là phân biệt cách xử trí: cấp thường điều trị nội khoa, còn mạn thì phải điều trị ngoại.

Viêm xoang cấp theo thứ tự thường gặp là: viêm xoang hàm, xoang sàng, xoang trán, xoang bướm. Đôi khi xảy ra viêm nhiều xoang cùng một lúc.

Nguyên nhân: phổ biến nhất là do viêm mũi, do cảm, cúm, đôi khi do viêm họng, do răng. Ngoài ra có thể do tắm (nhảy cầu, lặn) do chấn thương, do áp lực thay đổi đột ngột khi đi máy bay do dị vật ở mũi…do biến chứng gây viêm xoang của các bệnh cúm, sởi, ho gà, viêm phổi do phế cầu khuẩn.

- Vi sinh vật gây viêm xoang cũng là những vi sinh vật gây viêm nhiễm đường hô hấp trên

Yếu tố thuận lợi: môi trường ô nhiễm, ăn ở kém vệ sinh, vẹo vách ngăn, dị ứng, u lành, u độc ở mũi; tình trạng của phổi, phế quản: viêm xoang- giãn phế quản, kết hợp viêm xoang- giãn phế quản với dị tật tim sang phải

Các thể viêm xoang cấp tính

Viêm xoang trán cấp: ít khi đơn thuần, thường phối hợp với viêm xoang sàng trước. Khởi đầu như một sổ mũi thông thường kéo dài 5-6 ngày rồi xuất hiện những cơn đau đặc biệt của viêm xoang trán: cơn đau phía trên ổ mắt, một bên và có 2 chu kỳ mỗi ngày. Cơn đau tăng dần từ sáng đến giữa trưa thì đạt mức tối đa, lúc đó mũi chảy nhiều mủ, xoang vơi đi và cơn đau dịu xuống, đến chiều lại tái diễn cơn đau đó. Đôi khi kèm chảy nước mắt, mắt đưa đi đưa lại cũng đau, da vùng xoang tưng cảm giác, chỉ sờ cũng đau, ấn dây thần kinh trên hố mắt ở góc trên- trong ổ mắt cũng đau nhói

Viêm xoang hàm cấp: bắt đầu như sổ mũi thông thường nhưng kéo dài rồi xuất hiện cơn đau ở vùng dưới ổ mắt, một bên, đau xuyên về một phía hàm răng, đau tăng khi gắng sức, khi nhai, khi nằm. Có điểm đau rõ dưới ổ mắt, hốc mũi xung huyết, thường tiến triển tốt trong 10 ngày.

- Trường hợp viêm xoang do răng, thường có sâu răng hàm nhỏ hoặc răng hàm, ổ áp xe quanh răng, mủ chảy vào trong xoang. Bệnh nhân đau nhức răng dữ dội, lợi quanh răng thường sưng, vài ngày sau mủ thối đổ ồ ạt vào xoang. Nhổ bỏ răng sâu bệnh khỏi nhanh chóng

Viêm xoang sàng cấp ở trẻ em: Có thể gặp ở thời kỳ 2-4 tuổi. Triệu chứng biểu hiện chủ yếu ở mắt: sau khi sổ mũi, mí mắt trên và dưới nề đỏ, sưng húp, không mở được mắt, nhiệt độ không cao, vạch mí không thấy có tổn thương nhãn cầu.

Viêm xương tủy hàm trên, giả dạng viêm xoang hàm: xuất hiện ở trẻ còn bú thường từ 1-3 tháng, thường do nhiễm tụ cầu khuẩn của xương hàm trên. Triệu chứng: nhiễm khuẩn nặng: mí mắt dưới mọng đỏ, má sưng, mũi chảy mủ, lợi răng cũng thấy sưng, có khi có lỗ rò

Điều trị – Chống nhiễm khuẩn và dẫn lưu: kháng sinh kết hợp với các thuốc chống viêm, corticoid được dùng khi có ứ đọng mủ, dùng thuốc giảm xung huyết.

Viêm xoang mạn tính

Viêm xoang trở thành mạn tính là do ổ viêm xương ở thành xoang như viêm xoang do răng. Mạn tính liên quan đến sự biến đổi không phục hổi của niêm mạc

Nguyên nhân: tương tự viêm xoang cấp.

Triệu chứng:

- Nhiều người không cảm thấy đau, nhưng nhức đầu hoặc nhức vùng mặt

- Ngạt mũi, mũi chảy nhày mủ kéo dài tái phát.

- ở trẻ nhỏ do nuốt phải chất dịch tiết thường gây viêm phế quản tái diến, viêm dạ dày-ruột non, ho từng cơn

Điều trị : Tùy thuộc niêm mạc lót có tổn thương không mà điều trị bảo tồn hay điều trị ngoại

- Điều trị bảo tồn: kháng sinh, kháng histamin, thuốc co mạch. chọc rửa xoang, vi phẫu thuật qua mũi, cắt polip, mổ vẹo vách ngăn, chữa răng

- Điều trị tiệt căn (sau khi điều trị bảo tồn thất bại) bằng các loại thủ thuật xoang: nạo sàng qua mũi hoặc qua đường ngoài, nạo sàng hàm, mổ xoang trán, xoang bướm, mổ liên xoang, dùng phương pháp vi phẫu nhằm tái tạo lại sinh lý bình thường của xoang.

Theo CIMSI

Phòng các bệnh về mũi

Bệnh tai - mũi - họng rất phổ biến ở nước ta, chiếm 30% các bệnh thường gặp. Trong đó, thường xảy ra các bệnh: viêm mũi họng cấp, viêm mũi dị ứng, viêm xoang cấp và mạn (do ô nhiễm môi trường và thời tiết thay đổi thất thường). Số người mắc có khuynh hướng tăng cao. Bệnh không nguy hiểm nhưng gây khó chịu.

Nguy cơ tiềm ẩn

Khi nhiệt độ thay đổi đột ngột, bị mắc mưa khi đang đi giữa trời nóng, hoặc đi dưới nắng gắt, bạn có thể bị sổ mũi, ngạt mũi, hắt xì. Khói bụi ngoài phố là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về mũi xoang (mỗi ngày mũi phải lọc một lượng không khí rất lớn, khoảng 8.000 – 9.000 lít không khí thở vào, trong đó có nhiều loại khí thải độc hại như NO2, SO2, CO). Nếu không biết cách chăm sóc, vệ sinh mũi hàng ngày sẽ dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến tai, họng…

Các bệnh về mũi thường gặp

Bệnh mũi thường gặp nhất là viêm, thường gọi là cảm, cảm mạo, cảm lạnh; viêm mũi do nhiễm siêu vi, ô nhiễm không khí.

Hắt xì hoặc nhảy mũi là một phản ứng bảo vệ của mũi để tống khứ một vật lạ, một chất kích thích ra khỏi mũi. Thông thường hắt xì vài cái là bình thường, nhưng hắt xì nhiều là dấu hiệu sắp bị bệnh.

Nhiễm siêu vi hô hấp thường là hắt xì kèm theo uể oải, mệt mỏi, nặng đầu và có thể sốt nhẹ, gây rét. Có tới 15% dân số toàn cầu bị viêm mũi dị ứng. Tiếp theo những cơn hắt hơi liên tiếp là chảy mũi nước trong, nghẹt mũi và ngứa mũi, có khi ngứa cả mắt, vòm miệng và tai.

Sổ mũi là biểu hiện thường gặp nhất của viêm mũi xoang. Nước mũi chảy ra có thể là nước trong hoặc màu trắng, thường gặp trong nhiễm siêu vi hô hấp - nhưng khi chuyển dần sang màu vàng hoặc xanh thì coi chừng đã bị nhiễm khuẩn.

Trong bệnh viêm mũi xoang mạn tính, nhiều khi dịch mũi không chảy ra ngoài, mà chảy ra phía sau xuống họng gây khó chịu, phải khạc suốt ngày, kích thích thanh quản gây ho kéo dài và ứ đọng ở sau mũi và họng mũi, làm cho hơi thở có mùi hôi.

Cần nhớ là nếu do cảm lạnh hoặc nhiễm siêu vi hô hấp, sổ mũi chỉ kéo dài 1-2 tuần, nếu sang tuần thứ ba trở đi mà vẫn còn sổ mũi, sổ mũi vàng hoặc xanh phải đi khám bệnh chuyên khoa vì có thể đang chuyển sang viêm xoang. Nếu không chữa trị đúng và đủ, viêm mũi xoang kéo dài nhiều tuần và trở thành mạn tính.

Ngạt mũi có cơ chế phức tạp với nhiều nguyên nhân khác nhau và không dễ điều trị tận gốc. Có 3 cơ chế gây ngạt mũi. Một là do sưng niêm mạc trong lỗ mũi, đặc biệt sưng nề các cuống mũi, làm cho lòng hốc mũi bị hẹp lại. Hai là do các khối u hoặc dị vật trong mũi. Ba là do các bất thường trong cấu trúc mũi (như vẹo vách ngăn, bóng khí cuống mũi….).

Ngạt mũi làm người bệnh phải thở qua miệng, gây khô rát họng, dễ bị ho và luôn khó chịu, không thoải mái, vì luôn cảm thấy như thiếu không khí. Ngạt mũi về đêm làm ngủ không ngon giấc, có khi ngủ ngáy. Ngạt mũi kéo dài thường là hậu quả của nhiều đợt viêm mũi dị ứng hoặc viêm mũi xoang mạn.

Bệnh mũi thường gây đau đầu do ảnh hưởng đến hệ thống dẫn dây thần kinh và vi mạch máu mũi từ vùng đầu – mặt đến mũi. Do mũi và xoang bao quanh ba phía của hốc mắt nên viêm mũi xoang lâu ngày có thể gây hại cho mắt như đau nhức hốc mắt, sưng nề mi mắt, sụt giảm thị lực và mù mắt.

Có thể tự phòng ngừa hàng ngày

Người dễ mắc bệnh liên quan đến mũi thường có cơ địa nhạy cảm, dễ bị dị ứng. Vì vậy cần thực hiện các biện pháp:

* Giữ ấm khi trời trở lạnh, tránh dùng thuốc và thực phẩm gây dị ứng; làm sạch, thông thoáng môi trường để không tiếp xúc với bụi nhà, khói thuốc lá; không nuôi hoặc tiếp xúc với vật nuôi (chó, mèo) gây dị ứng.

* Không sử dụng cây hít mũi thường xuyên như một thói quen vì sẽ gây nghẹt mũi do thuốc.

* Không dùng tay ngoáy mũi để tránh tổn thương niêm mạc mũi.

* Kiên trì rèn luyện thân thể, tránh uống rượu, tránh hít khói thuốc lá để nâng cao mức đề kháng của cơ thể.

* Thường dùng nước ấm hoặc nước muối sinh lý để vệ sinh, rửa mũi. Hiện nay, có thuốc vệ sinh mũi dùng dạng phun xịt (hay phun sương) chứa nhiều khoáng chất như bạc, kẽm, đồng, mangan...

Vệ sinh mũi giúp loại bỏ gỉ mũi, chất nhầy, giúp ngăn ngừa và góp phần tránh các bệnh viêm nhiễm hô hấp như: viêm mũi, nghẹt mũi, hắt xì và viêm xoang. Dạng thuốc phun sương tạo các hạt rất mịn, dễ đi sâu, rộng vào khoang mũi, tạo cảm giác dễ chịu, an toàn cho cả trẻ em...

(Theo SGGP)

Coi chừng u xơ vòm mũi họng

Chảy máu mũi (chảy máu cam) là một trong những cấp cứu thường gặp nhất trong chuyên khoa tai – mũi – họng.

Có nhiều nguyên nhân gây chảy máu mũi. Tuy nhiên, nếu hay bị chảy máu mũi thường xuyên có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh, trong đó hay gặp là u xơ vòm mũi họng.

Vì sao chảy máu mũi?
Niêm mạc mũi tập trung nhiều mạch máu và có mạng lưới mao mạch dày đặc nên rất dễ gây chảy máu nếu có viêm nhiễm, tác động hoặc mắc bệnh lý nào đó. Chảy máu mũi do nhiều nguyên nhân, có thể do nguyên nhân tại chỗ như viêm mũi xoang cấp, dị vật mũi, chảy máu mũi do chấn thương hoặc sau phẫu thuật tai mũi họng – hàm mặt, do khối u lành tính như polyp mũi thể chảy máu, u xơ vòm mũi họng…, do khối u ác tính như ung thư vòm họng, u ác tính ở  mũi… Ngoài ra, chảy máu mũi cũng có thể do nguyên nhân toàn thân như bệnh nhiễm khuẩn ký sinh trùng, bệnh về máu, bệnh tim mạch.

Khi bị chảy máu mũi thường xuyên cần đến cơ sở y tế
để khám và điều trị.

Dấu hiệu của u xơ vòm mũi họng

Chảy máu mũi có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên nếu hay chảy thường xuyên có thể là dấu hiệu của bệnh u xơ vòm mũi họng. U xơ vòm mũi họng thường gặp ở trẻ trai từ độ tuổi 6-15. Triệu chứng ban đầu là ngạt, chảy nước mũi, kèm theo lợn cợn máu. Sau đó thường xuyên chảy máu mũi một hoặc cả hai bên và chảy đi chảy lại nhiều lần, có thể chảy với lượng nhiều trong một lần. Ngoài ra, còn có những triệu chứng khác như: đau đầu, giảm khứu hay mất hẳn khứu giác, tai đau, mắt lồi…

U xơ vòm mũi họng là một khối u lành tính nhưng có khả năng lan rất nhanh, lan vào các hốc mũi, xoang mặt, lan xuống vùng họng, miệng, vào hốc mắt. Hiện tượng chảy máu mũi nặng sẽ kèm theo nhiễm trùng. Tình trạng này ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân của bệnh nhân, gây thiếu ôxy, thiếu máu, kém ăn, mất ngủ, làm cho bệnh nhân gầy gò, xanh xao. Mặc dù, đây là u lành tính nhưng nếu người bệnh chảy máu nhiều, thường xuyên mà không biết cách cầm máu, hồi sức hoặc khi u lan vào nền sọ, bệnh nhân sẽ gặp các biến chứng nặng, có thể dẫn đến tử vong.

Điều trị u xơ vòm mũi họng cần được tiến hành sớm, nếu khối u còn nhỏ, bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp phẫu thuật nội soi để cắt bỏ u một cách dễ dàng, nguy cơ chảy máu rất ít. Ngược lại, khi khối u lớn, nguy cơ chảy máu cao bác sĩ không thể phẫu thuật bằng phương pháp nội soi, mà khi ấy phải cắt xương mặt để tiến vào hốc mũi cắt bỏ khối u nên dễ bị sẹo trên mặt sau phẫu thuật hoặc điều trị bằng tia xạ kết hợp với nội tiết tố giúp teo nhỏ khối u. Do vậy, để hạn chế u lan nhanh và tránh biến chứng, khi thấy có dấu hiệu chảy máu mũi nhiều lần số lượng máu chảy ngày càng lớn cần đưa ngay người bệnh đến chuyên khoa tai – mũi – họng để khám và điều trị sớm.

Xử trí chảy máu mũi thế nào?

Lời khuyên của các chuyên gia y tế, trước một người chảy máu mũi trước tiên phải xử trí cầm máu trước, sau đó mới tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh. Sau đây là một số cách xử trí thông thường:

Nếu máu chảy ít: Cho người bệnh ngồi cúi về trước, dùng ngón cái và ngón trỏ bóp chặt hai cánh mũi trong 7 – 10 phút, máu có thể cầm. Ở những nơi có sẵn lá nhọ nồi hay lá chuối non có thể giã nhỏ rồi nhét vào bên mũi chảy máu.

Nếu máu chảy nhiều: Lấy miếng vải mềm, sạch nhét sâu vào bên mũi chảy máu, tuyệt đối không để cho người bệnh nuốt máu. Sau đó khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để cầm máu và tìm nguyên nhân gây bệnh.

Theo BS. Hạnh Chung
(giadinh)

Cúm A/H1N1 lan rộng ra 30 tỉnh, thành trên cả nước

 

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Cục Trưởng Cục Y tế Dự phòng từ đầu năm 2011 đến nay vi-rút cúm A/H1N1 đã được ghi nhận tại 30 tỉnh, thành trên cả nước. Đồng thời, số ca mắc cúm A/H1N1 năm 2011 tăng cao hơn hẳn so với cùng kỳ năm 2010.

Cúm A/H1N1 đang lan rộng

Những tháng đầu năm 2010 cả nước có 84 ca mắc cúm A/H1N1, trong đó có 5 ca tử vong thì cùng kỳ năm 2011 số ca mắc cúm A/H1N1 tính đến thời điểm này đã trên 220 ca, trong đó có 7 ca tử vong tại 06 địa phương. Cụ thể, ở Điện Biên từ 14 - 20/2, tại trường Dân tộc nội trú huyện Mường Nhé đã có 91 ca có biểu hiện nghi nhiễm cúm, 18/19 mẫu được gửi về xét nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cho kết quả dương tính với H1N1. Còn tại Bình Phước từ 22/2 - 9/3 trong một cơ quan trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 44 trường hợp nhiễm cúm, 11 mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với cúm A/H1N1 đại dịch.

Bệnh nhân đến khám do nghi cúm A/H1N1 rất đông dù đã gần 11h trưa, ảnh chụp ngày 15/3 (T.H)

Cũng theo ông Bình, các trường hợp tử vong chủ yếu có bệnh mãn tính kèm theo (01 trường hợp có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp; 01 trường hợp bị khối u trung thất; 01 trường hợp bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và 01 trường hợp viêm ruột hoại tử).

Ngày 15/3, theo ghi nhận của phóng viên Dân trí tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ số ca mắc cúm A/H1N1 từ đầu năm 2011 đến nay (cụ thể từ 17/1 đến hết 14/3) là 147 ca, trong đó bệnh nhân có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội là 120 ca, 27 ca còn lại ở các tỉnh thành lân cận. Số bệnh nhân nhập viện hầu hết có biểu hiện: ho, sốt, đau họng, chảy nước mũi, đau mỏi toàn thân... trong đó có 6 ca nhập viện trong tình trạng nguy kịch, phải thở máy và điều trị tích cực.

Các biện pháp phòng, tránh dịch bệnh

Bệnh nhân T.T.H.T (21 tuổi, Đội Cấn, Hà Nội) có thai 28 tuần đang điều trị tại viện Bệnh Nhiệt đới TƯ cho biết, ban đầu em chỉ bị ho, sốt nhẹ nên chủ quan, không đi khám mà chỉ ra hàng thuốc mua thuốc cúm thông thường về uống. Mấy hôm liền không khỏi, khắp người đau mỏi, nước mũi chảy nhiều, đi khám mới biết bị cúm A/H1N1. Cũng may, em đến viện chưa muộn, nên chỉ phải điều trị 1, 2 tuần thôi, bác sĩ cũng cho biết, quá trình điều trị không ảnh hưởng đến thai nhi.

Trước nguy cơ bùng phát đại dịch, Bộ Y tế cảnh báo trong mùa xuân, điều kiện thời tiết lạnh ẩm tạo thuận lợi cho vi rút cúm A/H1N1 phát triển và lây lan, đặc biệt tại các trường học, cơ quan, nhà máy, những nơi tập trung đông người.

Để chủ động ngăn ngừa dịch cúm A/H1N1, cần thực hiện những biện pháp sau, người bệnh có các triệu chứng cúm như ho, hắt hơi, sổ mũi nên chủ động đeo khẩu trang, che miệng khi ho, không khạc nhổ bừa bãi và đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị kịp thời, hạn chế lây lan cho người thân và cộng đồng. Các cơ quan, xí nghiệp, trường học chủ động theo dõi sức khỏe của người lao động, học sinh, sinh viên, để kịp thời phối hợp với y tế cơ sở tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tránh lây bệnh cho những người xung quanh; tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền phòng chống cúm.

Ngoài ra, người dân nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, súc miệng hàng ngày bằng nước sát khuẩn, ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm vi rút cúm. Các hộ gia đình cần thường xuyên vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, lau chùi bề mặt, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng các hóa chất sát khuẩn thông thường.

Phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính (bệnh tim mạch, hen, lao phổi, tiểu đường, béo phì, suy dinh dưỡng, bệnh nhân AIDS,...), người già, trẻ em dễ xảy ra biến chứng nặng khi bị nhiễm cúm A(H1N1) do vậy khi có biểu hiện nghi ngờ cúm cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời, hạn chế tử vong, Cục Trưởng Cục Y tế Dự phòng - Nguyễn Văn Bình khuyến cáo.

Đàm chảy từ mũi xuống họng

* Tôi 27 tuổi, cách đây đã lâu tôi có bị viêm đa xoang. Thời gian đó, tôi thường xuyên bị đau đầu và sổ mũi, nhưng từ năm 2007 trở lại đây tôi không bị như vậy nữa. Thế nhưng, hằng ngày, đặc biệt là mỗi buổi sáng ngủ dậy, tôi hay bị triệu chứng đàm từ trên mũi chảy xuống cổ họng làm cho miệng lúc nào cũng có hơi thở rất hôi, rất khó chịu. Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi cách chữa bệnh. (Minh Nguyệt - Q.7, TP.HCM)

- Trả lời: Viêm xoang có thể chia thành 2 loại: viêm cấp và viêm mãn. Viêm cấp có các dấu hiệu nặng hơn như sốt cao, nhức đầu, nghẹt mũi, sổ mũi, ho... Bệnh ở giai đoạn này được chẩn đoán và điều trị đúng thường khỏi hẳn. Nhưng nếu không được điều trị tốt hay một vài người chủ quan để bệnh 'tự khỏi' các dấu hiệu trên cũng giảm dần nhưng không hết hoàn toàn mà từ từ chuyển sang giai đoạn mãn tính.

Lúc này, người bệnh không sốt, không nhức đầu nhiều mà chỉ có cảm giác nặng ở đầu, mỏi sau gáy, đàm từ trên mũi chảy ra phía sau xuống họng, hay khạc nhổ, hơi thở hôi. Như vậy các dấu hiệu mà bạn đang có rất có thể do viêm xoang ở giai đoạn mãn tính. Bạn nên đến các bệnh viện có khoa tai mũi họng khám và chụp phim để chẩn đoán xác định đúng là có viêm xoang hay không, viêm nặng hay nhẹ, có cần phẫu thuật hay không. Hiện tại có nhiều bệnh viện thực hiện phẫu thuật này tốt, bạn có thể chọn nơi thuận tiện cho mình.

Theo Thanh Niên