Nám là tình trạng tăng sắc tố da, đây là bệnh mạn tính khiến chị em rất khó chịu, dù không ảnh hưởng tới sức khỏe. Những vết nâu này thường xuất hiện ở vùng gò má, mũi, trán, môi trên, cằm, đôi khi ở cổ phụ nữ tuổi trung niên, người đang mang thai.
Truy tìm thủ phạm
Nám da có liên quan tới nhiều yếu tố, trong đó ánh nắng mặt trời (tia cực tím UV), ảnh hưởng của nội tiết tố (bệnh nội tiết, rối loạn nội tiết tố nữ, sử dụng thuốc ngừa thai) và ảnh hưởng của di truyền được xem là ba yếu tố chính dẫn đến tình trạng nám da. Bên cạnh đó, thuốc, hóa chất, mỹ phẩm, stress, ô nhiễm môi trường… cũng góp phần gây nám da.
– Tác động của tia UV được coi là yếu tố chính gây nám, vì theo các nghiên cứu, tỷ lệ mắc bệnh nám da cao ở những vùng nhiều nắng và vùng da nám thường sáng màu hơn vào mùa đông. Có những trường hợp nám da đã chữa khỏi tái phát chỉ sau một lần phơi nắng.
– Do ảnh hưởng của nội tiết tố. Nám da xuất hiện trong thai kỳ với tỷ lệ trên 50-70% thai phụ. Nám thường gặp trên phụ nữ sử dụng thuốc ngừa thai, phụ nữ mãn kinh sử dụng liệu pháp thay thế, phụ nữ sử dụng thực phẩm chức năng có thành phần giống estrogen và progesterone. Bệnh tuyến giáp có thể liên quan tới nám da ở những phụ nữ mà nám xuất hiện trong thai kỳ hoặc sau khi sử dụng thuốc ngừa thai.
– Ảnh hưởng di truyền. Một số chủng tộc có tỷ lệ nám da cao hơn. Trên 30% bệnh nhân có tiền sử gia đình có thành viên bị nám da.
Ngoài ba yếu tố trên, nám da còn có thể do một dạng viêm da tiếp xúc ánh sáng. Các dị ứng nguyên có thể là các thành phần trong mỹ phẩm. Một số mỹ phẩm có thể làm tăng sắc tố da, đặc biệt là các mỹ phẩm có các chất tạo mùi, nước hoa. Một số loại thuốc cũng có thể làm tăng nhạy cảm ánh sáng và tăng sắc tố da.
Trị nám cần kiên nhẫn
Để điều trị nám da hiệu quả, cần loại bỏ các nguyên nhân gây nám da: nội tiết, stress, mỹ phẩm, thuốc, thói quen phơi nắng… Bên cạnh đó, hiện nay có nhiều phương pháp vật lý được sử dụng để loại bỏ nám da bao gồm lột da bằng hóa chất, mài da và laser.
– Phương pháp lột da bằng hóa chất giúp làm tăng bong tróc da, tẩy các tế bào sừng chứa sắc tố, thúc đẩy chu kỳ tế bào da từ lớp đáy đến lớp sừng. Phương pháp này hiệu quả cho tình trạng nám mức độ trung bình – nhẹ, phối hợp với thuốc thoa tại chỗ. Nhưng, phương pháp này có thể gây một số tác dụng phụ như: hồng ban, tăng sắc tố sau viêm, nhiễm trùng, nám đậm hơn.
– Mài da là kỹ thuật tái tạo bề mặt xói mòn lớp thượng bì với oxid nhôm hoặc các muối kim loại. Tác dụng phụ: sẹo, tăng sắc tố sau viêm, giảm sắc tố. Trước kia, phương pháp này được áp dụng nhiều, nhưng do các tác dụng phụ nêu trên nên hiện nay ít được sử dụng hơn, nhất là từ khi có các phương pháp điều trị bằng laser cho hiệu quả cao hơn và ít tác dụng phụ hơn.
– Trong các loại laser thì Nd: YAG Q-switched 1064 nm được sử dụng rộng rãi nhất trong điều trị nám da với hiệu quả cao và an toàn nếu được bác sĩ có nhiều kinh nghiệm điều trị và đúng kỹ thuật. Tuy nhiên, cũng cần thận trọng để tránh biến chứng tăng sắc tố sau viêm dẫn đến làm da sạm nhiều hơn. Nguyên nhân: laser gây tăng sắc tố sau viêm có thể do gây kích thích nhiều hơn, gây tổn thương hắc tố bào dẫn đến tăng tổng hợp melanin. Pulsed-dye laser có thể dẫn tới xuất huyết và tăng sắc tố sau viêm nên không sử dụng ở người có làn da sậm màu. Yellow laser sử dụng trong nám da cũng tương đối an toàn nhưng hiệu quả điều trị chậm.
– Phương pháp xung ánh sáng cường độ cao IPL có phổ rộng bước sóng là 500-1200 nm. Bước sóng thường sử dụng trong điều trị nám da là 570. Bước sóng 590-615 dùng để điều trị các tổn thương sâu hơn. Phương pháp IPL rất phổ biến do không xâm lấn, tốn ít thời gian, ít tác dụng phụ, tuy nhiên có hiệu quả đối với nám ở thượng bì hơn so với nám ở bì.
– Fractional CO2 hay còn gọi là Laser CO2 vi điểm và Erbium laser là lựa chọn mới trong điều trị nám da với cơ chế làm bốc bay tế bào thượng bì, nhưng có nguy cơ tăng sắc tố sau viêm sau điều trị là do sử dụng năng lượng cao và thể nám hỗn hợp.
Để điều trị nám da hiệu quả, trước hết cần điều trị nám da bằng thuốc thoa tại chỗ, phối hợp với lột da bằng hóa chất nhẹ nếu cần. Chỉ sử dụng laser trong trường hợp nám kháng trị. Tránh nắng là việc làm cần thiết nhất. Điều trị nám không thể nóng vội, mà cần từ từ, lâu dài và kiên trì. Một điều quan trọng khác chúng ta cần ghi nhớ: nám rất dễ tái phát.
TS-BS LÊ NGỌC DIỆP
(Trưởng phòng khám Da liễu, cơ sở II – BV Đại học Y Dược TP.HCM)
Theo Phunuonline.com.vn