Lưu trữ cho từ khóa: mù lòa

Nhắn tin ban đêm có thể gây bong võng mạc

Một người đàn ông Trung Quốc đã bị bong võng mạc sau khi nhắn tin gần như liên tục trong nhiều đêm. Các bác sĩ chẩn đoán người này phải phẫu thuật khẩn cấp nếu không có thể dẫn đến mù lòa.

nhan-tin-ban-dem-co-the-gay-bong-vong-mac

Ảnh minh họa – Internet

Võng mạc là nơi gửi tín hiệu đến não thông qua các dây thần kinh thị giác rất nhạy cảm ánh sáng. Bong võng mạc xảy ra khi lớp màng mỏng ở mặt sau của mắt bật ra khỏi các mạch máu, nơi được cung cấp oxy và chất dinh dưỡng. Theo các nhà khoa học Mỹ, tình trạng bong võng mạc thường xảy ra ở những người 50-70 tuổi nhưng hiện nay lại phổ biến ở những người trẻ tuổi do việc sử dụng điện thoại quá nhiều. Năm ngoái, một bác sĩ phẫu thuật mắt cảnh báo tỷ lệ cận thị trong giới trẻ tăng mạnh vì điện thoại thông minh.

Theo Anninhthudo.vn

Thuốc tránh thai làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp

Phụ nữ uống thuốc tránh thai trên 3 năm nhiều khả năng sẽ bị bệnh về mắt tăng gấp đôi bình thường và họ thường mắc bệnh tăng nhãn áp (Glaucoma), một căn bệnh có thể dẫn đến mù lòa.

Glaucoma là tình trạng tăng áp lực nội nhãn (thường gọi là tăng nhãn áp), gây tổn thương thần kinh thị giác có khả năng không hồi phục. Nếu không được phát hiện sớm, chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến mất thị trường, giảm thị lực và cuối cùng là mù.

Bệnh này xảy ra là do các ống thoát nước trong mắt bị tắc nghẽn, ngăn chặn dịch từ thoát ra và làm tăng áp lực, gây tổn hại đến thần kinh thị giác và thần kinh của võng mạc.

Chỉ tính riêng nước Anh đã có khoảng 480.000 người bị bệnh tăng nhãn áp và căn bệnh này cũng phổ biến ở người da trắng.

Các nhà khoa học đang thúc giục bác sĩ phụ khoa và bác sĩ nhãn khoa nói với phụ nữ nguy cơ mắc bệnh và khuyên họ nên đi khám để kiểm tra mắt thường xuyên.

Các bệnh về tổn thương mắt do tăng nhãn áp không thể chữa được nhưng điều trị kịp thời sẽ ngăn chặn sự tiến triển của tình trạng này.

thuoc-tranh-thai-lam-tang-nguy-co-mac-benh-tang-nhan-ap

Thuốc tránh thai làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp.

Tiến sĩ Shan Lin thuộc trường Đại học California ở San Francisco cho biết: “Nghiên cứu này là một động lực cho nghiên cứu trong tương lai để chứng minh nguyên nhân và sự ảnh hưởng của thuốc tránh thai và bệnh tăng nhãn áp. Tại thời điểm này, những người phụ nữ đã uống thuốc tránh thai trên 3 năm nên được bác sĩ nhãn khoa theo dõi chặt chẽ.”

Các nhà nghiên cứu thực hiện khảo sát với 3.406 phụ nữ tham gia trong độ tuổi từ 40 tuổi trở lên từ trên khắp nước Mỹ. Họ đã hoàn thành bản khảo sát tầm nhìn, các câu hỏi về sức khỏe sinh sản và được kiểm tra mắt .

Từ kết quả của bản khảo sát các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai trên ba năm gấp 2,05 lần khả năng mắc bệnh tăng nhãn áp và nhiều người trong số họ cũng đang chịu đựng căn bệnh này.

thuoc-tranh-thai-lam-tang-nguy-co-mac-benh-tang-nhan-ap

Bác sĩ nhãn khoa và bác sĩ phụ khoa nên khuyên phụ nữ tránh dùng thuốc tránh thai.

Mặc dù thuốc tránh thai không có ảnh hưởng trực tiếp gây bệnh nhưng sử dụng lâu dài thuốc tránh thai là một yếu tố tiềm năng gây nên bệnh tăng nhãn áp .

Hơn thế nữa, những nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng estrogen đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của bệnh tăng nhãn áp. Phát hiện này đã được trình bày tại Hội nghị thường niên thứ 117 của Học viện Nhãn khoa Mỹ ở New Orleans.

Căn bệnh tăng nhãn áp đang ngày càng trở nên phổ biến, thực tế khoảng một trong 50 người châu Âu da trắng trên 40 tuổi mắc bệnh.

Hình thức phổ biến nhất của bệnh tăng nhãn áp là Glaucoma góc mở, bệnh tiến triển rất chậm và thường không gây ra bất kỳ triệu chứng đáng chú ý. Tuy nhiên, theo thời gian bệnh nhân sẽ bắt đầu mất tầm nhìn từ rìa bên ngoài của mắt. Việc mất đi tầm nhìn từ từ sẽ di chuyển vào bên trong về phía trung tâm của mắt và dẫn đến mù lòa.

Theo Nguoiduatin.vn

Bệnh ở đáy mắt có thể gây mù lòa đột ngột

Bệnh ở đáy mắt như những cơn sóng ngầm có thể gây mù lòa đột ngột. Vì vậy, cần hiểu rõ bệnh để giữ gìn ‘tầm nhìn”, nhất là trong tình trạng có bệnh mãn tính không lây và có tuổi.

benh-o-day-mat-co-the-gay-mu-loa-dot-ngot

Bộ ba gây mù lòa

Đáy mắt hay còn gọi là võng mạc, là nơi có các tế bào thần kinh nhận hình ảnh để đưa lên não xử lý. Đáy mắt như tấm kính, thông qua đó não thu nhận hình ảnh bên ngoài. Có ba bệnh lý đáy mắt gây mù thường gặp là: thoái hóa hoàng điểm (THHĐ) ở người cao tuổi, phù hoàng điểm ở bệnh nhân đái tháo đường và tắc tĩnh mạch võng mạc trung tâm.
- THHĐ thường gặp ở người trên 50 tuổi, người bị tăng mỡ máu, cao huyết áp, tiểu đường. Càng lớn tuổi, tỷ lệ mắc bệnh càng cao, phụ nữ sống thọ hơn nên có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nam giới.
Triệu chứng: Nhìn thấy méo hình, có điểm đen ở chính giữa hoặc mất hình.
Bệnh có hai thể: THHĐ thể khô vàTHHĐ thể ướt.
THHĐ thể khô tiến triển từ từ, từ một điểm mờ ở vùng trung tâm của hình ảnh, điểm mờ này sẽ ngày càng lớn hơn và tối hơn. Thể ướt nguy hiểm hơn, phần lớn dẫn đến mù lòa với các triệu chứng đột ngột. Bệnh nhân có thể bị một mắt, sau đó vài năm mới bị mắt thứ hai hoặc có thể bị cả hai mắt cùng lúc. Bệnh vào giai đoạn cuối thì không thể điều trị.
- Phù hoàng điểm của bệnh đái tháo đường hay còn gọi là võng mạc tiểu đường là bệnh có biến chứng nguy hiểm. Bác sĩ khi điều trị bệnh đái tháo đường luôn cảnh báo với bệnh nhân, ngay cả những người bệnh tuổi đời còn rất trẻ.
Bệnh có nhiều giai đoạn: Giai đoạn sớm thành mạch máu yếu, phình to, dịch và máu như làn sóng thấm qua thành mạch, gây ra các đốm xuất huyết.
Giai đoạn nặng hơn, võng mạc sẽ bị thiếu máu do mạch máu nhỏ bị nghẽn. Các sợi thần kinh võng mạc bị phù nề, gây ra phù hoàng điểm.
Giai đoạn nặng, bên cạnh sự thiếu máu, có các mạch máu mới được tạo ra (mạch máu tân sinh) nhưng thành mạch yếu, dễ vỡ, tạo sẹo làm bong võng mạc. Võng mạc bong, phù hoàng điểm, hoặc tăng nhãn áp… Nếu không điều trị kịp thời sẽ bị mù vĩnh viễn.
Tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc cũng có thể gây mù. Những người có tuổi, tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu và bị các bệnh lý tim mạch dễ mắc bệnh do máu đặc. Bệnh làm giảm thị lực, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Bệnh xuất hiện đột ngột, tự dưng mắt kèm nhèm như một lớp sương mù trước mắt, hoặc vùng nhìn bị thu hẹp, sau đó hai-ba ngày sẽ nhận thấy mắt mờ. Điểm đáng ngại là các triệu chứng xuất hiện đột ngột, nhanh chóng, không đau, đỏ, chảy nước mắt nên người bệnh dễ xem thường. Soi đáy mắt, bác sĩ sẽ thấy hình ảnh tĩnh mạch võng mạc dãn không đều, động mạch thu hẹp… biến chứng nặng của bệnh là teo thần kinh thị giác gây mù.

Phòng bệnh

Để giữ “sức khỏe” đôi mắt đến cuối đời, cần có sự tập luyện, chẳng hạn đi bộ 150 phút mỗi tuần. Nếu bị bệnh cao huyết áp cần ăn uống theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc. Người bị tăng mỡ trong máu ngoài năng vận động cần ăn uống thanh đạm, bớt các món chiên, các loại nước xốt béo, các loại nội tạng, da gà vịt, da heo quay… Chế độ ăn nhiều rau quả, trái cây chứa sinh tố A, nhiều chất chống oxy hóa cũng giúp cho mắt tinh tường. Riêng người bị bệnh tiểu đường, các nhà khoa học nhận thấy sau 5 năm sẽ xuất hiện biến chứng ở mắt. Kiểm soát đường huyết tốt chỉ có giá trị kìm hãm bệnh, buộc nó “chậm dần đều” chứ không ngăn cản được. Điều cần biết là bệnh có thể tiến triển nhanh hơn khi mang thai, cao huyết áp, béo phì…
BS Trần Thị Phương Thu – BV Mắt Kỹ thuật cao Phương Nam TP.HCM khuyên: “Nên đi khám tổng quát và điều trị các bệnh dẫn tới bệnh đáy mắt như: cao huyết áp, mỡ trong máu, đái tháo đường… Để phát hiện bệnh đáy mắt có các kỹ thuật: chụp mạch huỳnh quang, chụp cắt lớp võng mạc… Khi đã bị bệnh, cần điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa”.
Theo Phunuonline.com.vn
The post Bệnh ở đáy mắt có thể gây mù lòa đột ngột appeared first on Tin Sức Khỏe.

4 bệnh ở mắt có thể gây ra mù

Nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời, một số bệnh ở mắt có thể ảnh hưởng trầm trọng tới thị lực, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa.

Nếu bất kì phần nào của mắt hoặc thần kinh thị giác bị tổn thương do chấn thương hoặc bị bệnh có thể dẫn đến mù một phần hoặc hoàn toàn. Có 4 bệnh ở mắt có thể gây ra mù hoàn toàn mà bạn cần biết.

1. Đục thủy tinh thể

Đục thủy tinh thể được gây ra do ống kính tinh thể bị mờ đi ở một hoặc cả hai mắt. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây mù trên thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, chủ yếu là do thiếu công nghệ y tế tiên tiến. Được biết, hơn 22 triệu người Mỹ bị đục thủy tinh thể ở một hoặc cả hai mắt. Bệnh này có nguy cơ tăng lên cùng với tuổi tác và thường gặp nhất ở những phụ nữ trên 60 tuổi.

Bệnh đục thủy tinh thể là hiện tượng đục mờ thủy tinh thể. Sự đục mờ này ngăn không cho tia sáng lọt qua, kết quả là võng mạc không thu được hình ảnh và thị lực bệnh nhân suy giảm dẫn đến mù lòa.

Nguyên nhân gây đục thủy tinh thể là thiếu oxy, tăng lượng nước, giảm protein. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh bao gồm: tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, ánh sáng nhân tạo (đèn pha sân khấu, trường quay phim, đèn cao áp…), tiếp xúc với virus, vi trùng, chất độc của môi trường, khói (thuốc lá, máy xe, nhà máy…). Sự tiếp xúc này sẽ làm tổn thương tiềm tàng thành phần protein của thủy tinh thể, làm mất dần protein và dẫn đến đục thủy tinh thể.

4-benh-o-mat-co-the-gay-ra-mu

Ảnh minh họa

Triệu chứng:

- Mờ mắt

- Khó nhìn thấy rõ trong ánh sáng mờ

- Nhìn một thành hai

- Màu sắc xuất hiện nhạt dần

- Nhạy cảm với ánh sáng hoặc ánh sáng chói

Điều trị:

Trong giai đoạn đầu, bệnh nhân nên sử dụng loại kính phù hợp. Ở giai đoạn bệnh đã phát triển thì có thể được điều trị bằng phẫu thuật đục thủy tinh thể. May mắn thay, phẫu thuật đục thủy tinh thường là một thủ tục có hiệu quả và an toàn.

2. Bệnh võng mạc tiểu đường

Võng mạc tiểu đường là biến chứng của bệnh tiểu đường lên mắt. Trong bệnh tiểu đường, lượng đường trong máu tăng chính là nguyên nhân gây tổn thương các cơ quan trong đó có mắt.

Nguy cơ mắc bệnh võng mạc tiểu đường phụ thuộc chủ yếu vào thời gian bị tiểu đường và mức độ kiểm soát bệnh của người bệnh. Sau nhiều năm bị tiểu đường, hầu hết bệnh nhân tiểu đường loại 1 và hơn 60% các trường hợp tiểu đường loại 2 bị mắc chứng bệnh võng mạc tiểu đường. Nếu không chữa trị đúng cách bệnh nhân có thể giảm thị lực, thậm chí mù lòa.

4-benh-o-mat-co-the-gay-ra-mu

Ảnh minh họa

Triệu chứng:

- Nhìn mờ

- Giảm thị lực

- Chỉ nhìn được xa (viễn thị)

Điều trị:

Võng mạc tiểu đường có thể được điều trị bằng phẫu thuật laser. Tuy nhiên, nó có thể được ngăn ngừa bằng cách đi khám mắt định kì và thường xuyên kiểm tra mức độ đường trong máu với chế độ ăn uống thích hợp và tập thể dục đều đặn.

3. Bệnh tăng nhãn áp

Bệnh tăng nhãn áp là một thuật ngữ được sử dụng cho một nhóm các bệnh về mắt, trong đó áp suất chất lỏng bên trong mắt tăng lên, gây thiệt hại cho thần kinh thị giác.  Đây là bệnh lý phức tạp, nguy hiểm, và là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến mù loà vĩnh viễn, đứng thứ hai sau bệnh đục thủy tinh thể.

Bệnh tăng nhãn áp thường xảy ra ở những người bị viễn thị, cơ địa và thần kinh dễ bị kích thích. Người có tiền sử gia đình mắc bệnh tăng nhãn áp cũng có nguy cơ cao hơn những người khác.

4-benh-o-mat-co-the-gay-ra-mu

Ảnh minh họa

Triệu chứng:

Bệnh tăng nhãn áp được đặc trưng bởi mất thị lực ngoại vi và có thể kèm theo các triệu chứng khác như:

- Mắt đau nặng

- Buồn nôn và nôn (đi kèm với đau mắt nặng)

- Đột ngột có sự xáo trộn thị giác, thường trong ánh sáng yếu

- Mờ mắt

- Có quầng quanh đèn

- Đỏ mắt.

Điều trị:

Bệnh có thể được điều trị bằng thuốc nhỏ mắt và phẫu thuật. Nếu được chẩn đoán kịp thời, bạn có thể kiểm tra sự phát triển của bệnh và ngăn ngừa được nguy cơ mất thị lực dẫn đến mù.

4. Bệnh thoái hóa điểm vàng (thoái hóa hoàng điểm)

Bệnh thoái hóa điểm vàng thường liên quan đến tuổi tác, nó xảy ra ở những người ở độ tuổi trên 60 là chủ yếu. Bệnh diễn tiến chậm và thầm lặng, tuy nhiên một khi tiến triển thì khó có khả năng điều trị và có thể dẫn đến mù lòa không hồi phục.

Ở người lớn tuổi thoái hóa điểm vàng như là một phần của quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Có hai loại thoái hóa điểm vàng là loại khô và loại ướt.

Nguyên nhân gây thoái hóa điểm vàng bao gồm sự hình thành và tích tụ của chất gọi là drusen dưới võng mạc gây ra viêm hoàng điểm và hoặc thoái hóa. Ngoài ra còn có sự phát triển bất thường của các mạch máu dưới võng mạc.

4-benh-o-mat-co-the-gay-ra-mu

Ảnh minh họa

Triệu chứng:

- Khó khăn trong việc nhận ra màu sắc

- Khó khăn để nhìn thấy trong ánh sáng

- Nhìn đường thẳng bị lệch

Điều trị:

Tình trạng này được điều trị bằng laser kết hợp bổ sung vitamin và dinh dưỡng phù hợp…

Các biện pháp giúp tránh thoái hóa điểm vàng bao gồm: Khám mắt thường xuyên; đề phòng các bệnh khác như bệnh tim mạch, đái tháo; ngưng hút thuốc lá; chọn một chế độ ăn uống giàu trái cây và rau quả; bổ sung cá trong chế độ ăn uống, bổ sung axit béo omega-3 cho cơ thể…

Theo Afamily.vn

Biện pháp phòng tránh mù lòa do glôcôm

Glôcôm là nguyên nhân gây mù lòa đứng hàng thứ 3 sau bệnh đục thủy tinh thể và các bệnh lý thuộc bán phần sau của nhãn cầu.

Bệnh gây đau nhức do tăng nhãn áp dẫn đến lõm, teo đĩa thị thần kinh và tổn hại thị trường đặc hiệu, có thể gây mù lòa nếu không được điều trị kịp thời.

Bình thường mắt chúng ta sản xuất ra thủy dịch có chức năng dinh dưỡng và giữ hình dáng cho nhãn cầu, chất thuỷ dịch này được lưu thông vào ra nhãn cầu liên tục duy trì áp suất nội nhãn ta gọi là nhãn áp. Trong bệnh glôcôm, lối ra của chất thủy dịch này bị cản trở hoặc tắc nghẽn làm cho áp suất nội nhãn gia tăng. Điều này làm tổn thương thần kinh thị giác và lớp sợi thần kinh ở võng mạc gây ra mất thị lực.

bien-phap-phong-tranh-mu-loa-do-glocom

Hậu quả của bệnh glôcôm.

Nguyên nhân gây bệnh đến nay chưa được xác định rõ ràng nên bệnh khó phòng ngừa. Tuy nhiên có thể phòng tránh được mù lòa do glôcôm bằng cách phát hiện sớm, điều trị sớm, điều trị đúng và theo dõi thường xuyên. Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh glôcôm, người bệnh phải tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định điều trị và tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ.

Tùy theo tình trạng bệnh, các bác sĩ chuyên khoa sẽ có phương pháp điều trị thích hợp như dùng thuốc hạ nhãn áp trong giai đoạn glôcôm sớm, laser hoặc phẫu thuật để kiểm soát nhãn áp, nhằm ngăn chặn bệnh không tiếp tục gây tổn thương dây thần kinh thị giác, phòng tránh mù lòa.

bien-phap-phong-tranh-mu-loa-do-glocom

Đo nhãn áp cho bệnh nhân tại BV Mắt Trung ương. Ảnh: TL

Đối với người bình thường khi có những biểu hiện như: Đau nhức mắt, đau lan lên đầu cùng bên, nhìn mờ, quầng xanh đỏ… cần đến ngay cơ sở chuyên khoa mắt để khám và điều trị đúng. Tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc nhỏ mắt khi không có chỉ định của bác sĩ. Những người có nguy cơ cao bị bệnh glôcôm như người ruột thịt của bệnh nhân, người bị bệnh tim mạch, đái tháo đường, cận thị, người bị chấn thương mắt hoặc đã một lần phẫu thuật các bệnh về mắt,… cần đi khám mắt định kỳ tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được phát hiện bệnh sớm.

Bệnh glôcôm được phân thành 2 loại:

Glôcôm góc đóng: Khởi phát đột ngột, đột nhiên bệnh nhân thấy đau nhức mắt, nhức hố xung quanh mắt, nhức lan lên nửa đầu cùng bên. Kèm theo, nhìn thấy mờ nhiều, nhìn đèn có quầng xanh đỏ, đôi khi thấy sợ ánh sáng, chảy nước mắt, nhưng không có nhử mắt,…

Glôcôm góc mở: Bệnh tiến triển thầm lặng, đôi khi bệnh nhân phát hiện được do tình cờ bịt một mắt và mắt kia không nhìn thấy gì. Người bệnh thỉnh thoảng có những cơn đau tức nhẹ ở mắt, nhức trên cung lông mày, nhìn mờ như qua màn sương, nhìn đèn có quầng xanh đỏ, có dấu hiệu nhìn mờ dần,…

BS Vũ Minh

Theo Suckhoedoisong.vn

Nước ở bể bơi có thể gây mù

Ít ai biết rằng, những làn nước xanh mát chính là tác nhân gây ra nhiều bệnh cho cơ thể, đặc biệt các bệnh về mắt.

Mùa hè là thời điểm các bậc phụ huynh thường xuyên cho con tới bể bơi nhằm tránh nóng và rèn luyện sức khỏe. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, những làn nước xanh mát chính là tác nhân gây ra nhiều bệnh cho cơ thể, đặc biệt các bệnh về mắt.

Những đôi mắt “hậu bể bơi”

“Tuần nào tôi cũng cho con trai tới bể bơi ít nhất ba lần, vào các buổi chiều trong tuần. Mấy tuần đầu, cháu khỏe mạnh, không sao, nhưng tuần vừa rồi, đi bơi được hai buổi về cháu bị đau mắt. Tôi sợ quá, phải cho cháu ở nhà để theo dõi, không tới bể bơi hay đi chơi đâu nữa”, chị Lan Anh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết.

Chị chia sẻ thêm, mắt con trai không chỉ đỏ lên mà còn thường xuyên có dỉ và bị chảy nước mắt rất khó chịu. Chưa kể, bé bị cận mấy năm nay, vì thế bây giờ nhìn mọi thứ khó hơn nhiều.

Ảnh minh họa

“Thỉnh thoảng, vì không nhìn rõ, cháu đưa tay lên dụi mắt theo phản xạ. Tôi phải ngăn ngay vì như thế càng làm tăng việc đau mắt. Nếu vài hôm nữa mắt cháu không khỏi, tôi sẽ đưa bé tới bác sĩ”, chị Lan Anh nói thêm.

Nói tới việc đưa con đi bể bơi, anh Bá Hưng (Hoàng Mai, Hà Nội) nhăn nhó: “Con gái tôi thích tới bể bơi lắm nhưng thời gian tới, tôi sẽ phải cân nhắc hơn trong việc cho bé tới bể nào. Đầu hè, mới bơi được vài buổi mà con tôi đã bị dị ứng, nổi mẩn trên da, nguy hiểm nhất là mắt cháu bị ngứa, lúc nào cũng kêu “có bụi trong mắt con”. Mấy ngày sau, mắt bé còn bị chảy mủ nữa. Nguyên nhân có lẽ do nước bể bơi bẩn quá”.

Không chỉ anh Bá Hưng và chị Lan Anh, rất nhiều phụ huynh khác từng phải “hết hồn” khi các “cục cưng” có vấn đề về mắt sau vài lần tới bể bơi.

Vì đâu nên nỗi?

Nước bể bơi dù thường xuyên được thay rửa, tiệt trùng nhưng vẫn rất bẩn bởi chính những người tới bơi mang theo vi khuẩn xuống bể. Chưa kể, một số người còn “hồn nhiên” khạc nhổ, xì mũi…

Để hạn chế tối đa việc làm bẩn bể, một số nơi đã đưa ra quy định “tắm trước khi xuống bể”, tuy nhiên, quy định này hầu hết được mọi người thực hiện một cách rất “đối phó”.

Hầu hết các bể bơi đều chứa chất làm sạch, chất tiệt trùng… Những chất này cùng với sự ô nhiễm của bể đã gây ra nhiều bệnh cho cơ thể như dị ứng, viêm nhiễm da, đi ngoài,… và các bệnh về mắt.

So với các bộ phận khác trên cơ thể, mắt nhạy cảm hơn rất nhiều, khi phải trực tiếp tiếp xúc với nước chứa hóa chất và vi khuẩn, mắt khó chống lại việc bị viêm nhiễm. Biểu hiện của việc này là mắt nhức nhối, khó chịu; cảm giác đau, rát, cộm như có vật gì trong mắt; vào giai đoạn cuối, mắt bị chảy mủ.

Bể bơi cũng là “nơi ở lý tưởng” của vi khuẩn Chlamydia Trachomatis – tác nhân gây bệnh Viêm kết mạc. Bệnh này nếu “ủ” lâu, không được chữa trị kịp thời dễ gây rối loại thị giác, dẫn đến mù lòa.

Bảo vệ đôi mắt trong “mùa bơi lội”

Biện pháp dễ dàng và đơn giản nhất các phụ huynh có thể làm nhằm bảo vệ đôi mắt cho “bé yêu” là trang bị cho con một chiếc kinh bơi đảm bảo chất lượng. Điều này sẽ hạn chế tối đa việc mắt bé bị tiếp xúc với vi khuẩn và hóa chất trong nước.

Sau khi bơi, bé cần được tắm rửa sạch sẽ, vệ sinh đôi mắt cẩn thận để phòng tránh các bệnh do nước bể bơi bẩn gây ra.

Hơn nữa, phụ huynh cũng nên chuẩn bị sẵn hoa quả, sữa tươi, đồ ăn nhẹ để giúp bé lấy lại sức và tăng khả năng đề kháng cho cơ thể.

(Theo Tiền phong)

Tiểu đường kết hợp cao huyết áp: Biến chứng trên mắt

Tiểu đường và cao huyết áp là hai loại bệnh không chỉ thường gặp ở người lớn tuổi mà còn xuất hiện ngày càng nhiều hơn ở người trẻ. Tiểu đường và cao huyết áp là những bệnh lý ảnh hưởng toàn thân, đe dọa sức khỏe mọi người, nhưng lại thường bị bỏ quên. Không những thế, hai bệnh này thường gây tổn thương âm thầm trên mắt, thậm chí dẫn đến mù lòa nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Đái tháo đường (ĐTĐ)

Bệnh ĐTĐ liên quan đến sự cố insulin – hormon kích thích tế bào của cơ thể hấp thu nguồn năng lượng glucose trong máu. Hiện nay chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra bệnh này. Tuy nhiên, người ta ghi nhận có yếu tố di truyền hoặc gia đình (tức là khi gia đình có người bị ĐTĐ thì những người còn lại có nguy cơ dễ bị bệnh hơn). Yếu tố xã hội cũng góp phần gây ra bệnh tiểu đường như mập phì, cách ăn uống, lối sống, ít hoạt động thể lực…

Có hai dạng:

- ĐTĐ loại 1 (phụ thuộc insulin): chiếm 10%, thường gặp ở người trẻ, có triệu chứng ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy đi nhanh chóng;

- ĐTĐ loại 2 (không phụ thuộc insulin): chiếm 90%, xuất hiện ở người trên 30 tuổi, béo phì, ít triệu chứng, diễn tiến âm thầm.

Biến chứng:

Đái tháo đường có thể gây ra những biến chứng ở mắt

Bệnh ĐTĐ có thể dẫn đến tổn thương thần kinh, bệnh tim và thận. Nhưng có một điều ít ai chú ý đến là căn bệnh này có thể gây ra những biến chứng ở mắt, mà nó là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở các nước phát triển hiện nay. Vì là bệnh liên quan đến các mạch máu nhỏ, ĐTĐ dễ gây nhiều tổn thương trên mắt, đặc biệt là võng mạc (màng thần kinh ở đáy mắt) qua nhiều giai đoạn từ những tổn thương rất nhỏ như vi phình mạch, nốt xuất huyết… đến những tổn thương nặng nề hơn như gây chảy máu trong mắt dẫn đến co kéo, bong võng mạc và mù lòa.

Ngoài ra, ĐTĐ còn có thể gây những biến chứng trên mạch máu võng mạc như tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc, tắc động mạch võng mạc, tổn thương vùng hoàng điểm. Những biến chứng này càng làm cho tình trạng mắt nặng nề hơn, có thể dẫn tới tân mạch và glaucoma. Ở những giai đoạn sớm, tổn thương nhỏ trên mắt, laser có thể giúp ích và ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng hơn. Trong những tổn thương nặng hơn, điều trị hiệu quả sẽ không cao và bệnh có thể tiếp tục tiến triển không ngăn ngừa được.

Vì vậy, kiểm tra mắt định kỳ là tối cần thiết đối với bệnh nhân ĐTĐ, dù cho người bệnh có thể không thấy bất kỳ triệu chứng gì bất thường ở mắt. Kiểm tra mắt có chụp huỳnh quang mạch máu võng mạc giúp phát hiện các giai đoạn bệnh tiểu đường trên mắt, từ đó có được hướng điều trị và theo dõi phù hợp.

Cao huyết áp

Huyết áp là áp lực của dòng máu tác động lên thành động mạch. Huyết áp tâm thu là áp lực động mạch đo được khi tim co. Huyết áp tâm trương là áp lực máu đo được khi tim giãn. Bệnh nhân được xem là tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu lớn hơn 140 mmHg, và/hoặc huyết áp tâm trương lớn hơn 90 mmHg.

Bệnh tăng huyết áp đang là mối đe dọa rất lớn đối với sức khỏe của mọi người và là nguyên nhân gây tàn phế, tử vong hàng đầu đối với những người lớn tuổi. Nguyên nhân của bệnh khá phức tạp và đang còn tiếp tục được nghiên cứu song có thể xác định được một số nguy cơ liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh này là: tuổi tác, chế độ ăn nhiều muối (natri chlorur), hút thuốc lá, uống rượu bia, béo phì, căng thẳng thần kinh, stress, di truyền…

Có hai loại tăng huyết áp:

- Thứ phát: thường gặp ở bệnh nhân trẻ, chiếm khoảng 10%, do bị thận, nội tiết hoặc dùng thuốc;

- Nguyên phát: chiếm từ 90 – 95%, thường gặp ở người lớn tuổi. Nếu không điều trị sẽ có nhiều biến chứng ở cơ quan khác như tim, não, thận, mạch máu…

Biến chứng:

Cao huyết áp có thể gây tổn thương trên những mạch máu nhỏ ở võng mạc cũng tương tự như những dấu hiệu do ĐTĐ, và đôi khi cũng cần điều trị bằng laser. Ngoài ra, cao huyết áp cũng có khả năng gây nghẽn tắc những mạch máu ở mắt, cũng như ở não, tim hay cơ quan khác. Vì vậy kiểm tra mắt sẽ giúp bác sĩ tổng quát chuyên về cao huyết áp theo dõi được mức độ nâng cao của huyết áp và có biện pháp phòng ngừa, điều trị.

Theo SK&DS

Khô mắt có thể dẫn đến mù lòa

Khô mắt không phải là bệnh cấp tính nhưng nếu kéo dài, không được điều trị đúng cách có thể gây loét giác mạc và dẫn đến mù lòa.

Th.S Hoàng Cương, Phó trưởng phòng Quản lý khoa học đào tạo, BV Mắt T.Ư cho biết khô mắt là một trong những bệnh lý ngày càng gia tăng hiện nay. Đây được xem là một rối loạn nghiêm trọng, có thể khiến giác mạc, kết mạc bị tổn thương vĩnh viễn.

Nhân viên văn phòng dễ bị khô mắt

Suốt ngày làm việc bên máy vi tính, chị Linh, 30 tuổi (ở Linh Đàm, Hà Nội) thường xuyên thấy mắt bị nhức, mỏi. Chị đã mua thuốc nhỏ mắt về nhà tra vì nghĩ rằng do làm việc căng thẳng nên mắt mỏi. Thế nhưng mấy ngày sau, mắt chị vẫn không thấy đỡ, thậm chí ngày càng đỏ. Chỉ đến khi thấy có cảm giác rát, đau nhói như bị kim châm ở cả hai mắt chị mới đến BV Mắt T.Ư khám. Tại đây, các bác sĩ cho biết chị bị bệnh khô mắt. Nguy hiểm hơn do chậm đi khám và nhỏ thuốc không đúng chỉ định dẫn đến loét giác mạc.

Môi trường làm việc ở phòng điều hòa, độ ẩm thấpkhiến nước mắt bị bay hơi nhiều gây hiện tượng khô mắt

Theo Th.S Hoàng Cương, khô mắt là tình trạng tổn thương lớp phim nước mắt do nước mắt tiết ra không đủ hoặc bốc hơi quá mức, gây tổn hại bề mặt nhãn cầu. Phim nước mắt có tác dụng làm ẩm bề mặt giác mạc, kết mạc, bôi trơn mi mắt, mắt người luôn trong suốt và ngăn không cho chất lạ bám vào mắt. Thông thường cứ 10 giây lớp phim nước mắt sẽ vỡ ra, bay hơi và mắt sẽ tái tạo một lớp phim nước mắt mới bao phủ trên nhãn cầu. Đối với người bị bệnh khô mắt, chưa đến 10 giây lớp phim này đã vỡ ra trong khi mắt chưa kịp tái tạo lớp phim mới.

Trong vòng 1 phút mắt người sẽ chớp từ 12-18 lần, mỗi lần chớp mắt, nước mắt được tiết ra phủ lên toàn bộ mắt. Tuy nhiên, nhân viên văn phòng-những người thường xuyên làm việc với máy vi tính do phải tập trung cao độ nên rất ít chớp mắt. Môi trường làm việc ở phòng điều hòa, độ ẩm thấp cũng khiến nước mắt bị bay hơi nhiều gây hiện tượng khô mắt.

Chính vì thế, nhân viên văn phòng thuộc nhóm có nguy cơ cao bị bệnh khô mắt. Ước tính có tới 50% người làm văn phòng mắc các bệnh lý về mắt, trong đó chủ yếu là bệnh khô mắt. Ngoài ra, những người bị bệnh lý thấp khớp, lupus, hội chứng teo tuyến tiết nước mắt, viêm bề mặt nhãn cầu, tiểu đường… cũng có thể mắc bệnh khô mắt.

Nên đi khám sớm

Người bị bệnh khô mắt sẽ có các triệu chứng như nhức mắt, khó chịu, khô mắt. Nặng hơn sẽ thấy cộm, ngứa, rát như có dị vật hoặc sạn trong mắt, nhìn mờ, sợ ánh sáng… Th.S Hoàng Cương cảnh báo, hầu hết người bị bệnh khô mắt chỉ đến BV khám khi bệnh đã nặng, giác mạc loét, kết mạc sừng hóa…

Việc tự ý mua thuốc về nhà điều trị còn là nguyên nhân gia tăng biến chứng như đỏ mắt mạn tính, đục thủy tinh thể… gây mù lòa vĩnh viễn. Thậm chí, có bệnh nhân tự điều trị bằng các phương pháp phản khoa học như đánh mắt bằng lá thài lài, bằng lưỡi làm loét, thủng giác mạc, viêm mủ nhãn cầu dẫn tới phải khoét bỏ mắt.

Hiện nay, điều trị bệnh khô mắt có nhiều phương pháp như vệ sinh bờ mi (chườm nóng mi, xoa mi mắt), đóng điểm lệ, đeo kính giữ ẩm hoặc dùng liệu pháp thay thế nước mắt nhân tạo. Bác sĩ có thể điều trị kết hợp nhiều phương pháp dựa trên chẩn đoán nguyên nhân gây khô mắt.

Để phòng tránh bệnh khô mắt, những người làm việc nhiều trên máy tính nên uống nhiều nước, tránh ngồi ngay luồng gió bay ra của máy điều hòa và quạt gió, nhắm mắt lại vài giây với tần suất 30 phút/lần để nước mắt tráng đều qua giác mạc. Khi thấy mắt có dấu hiệu nhức, mỏi, khô, rát nên đến khám sớm tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

BACSI.com (Theo Thanh niên)

Vì sao người bệnh đái tháo đường hay bị biến chứng ở mắt?

Biến chứng mắt, tuy không gây chết người nhưng lại cực kỳ nguy hiểm vì thường gây tàn phế và làm mất khả năng lao động.

Mắt người có cấu trúc như một quả cầu nhỏ (nên còn gọi là nhãn cầu) bao gồm các thành phần đi từ trước ra sau gồm giác mạc, tiền phòng (nhỏ chứa thủy dịch), thể thủy tinh, hậu phòng (lớn cũng chứa dịch trong suốt gọi là dịch kính) và đáy mắt.

Giác mạc là một lớp màng trong suốt có đường kính hơn 1cm chiếm hơn 1/5 trước của vỏ ngoài nhãn cầu có nhiệm vụ vừa thu nhận ánh sáng, hình ảnh nhưng lại vừa bảo vệ mắt. Sau khi ánh sáng đi xuyên qua giác mạc, nó sẽ tới một khoang gọi là tiền phòng rồi tiếp tục đi qua lần lượt thủy tinh thể, hậu phòng. Cuối cùng ánh sáng sẽ tập trung ở vùng võng mạc của đáy mắt là nơi có rất nhiều thần kinh.

Võng mạc, giống như một cái máy quay phim, có thể ghi nhận lại tất cả các hình ảnh, nhưng khác với máy quay phim là nó còn có khả năng chuyển các hình ảnh này thành các tín hiệu điện tử mà não có thể nhận biết và giải mã được.

Trong võng mạc có một vùng nhỏ có tác dụng ghi nhận những hình ảnh nhỏ, những chi tiết rất sắc nét gọi là hoàng điểm (macula). Võng mạc và hoàng điểm được nuôi dưỡng bởi nhiều mao mạch nằm ở trong và ở phía sau võng mạc.

Tăng đường máu trực tiếp gây tổn thương và phá hủy các mạch máu ở võng mạc, vì vậy bệnh võng mạc được coi là biến chứng đặc hiệu của ĐTĐ. Ngoài ra, các BN ĐTĐ cũng có nguy cơ cao bị các bệnh mắt khác như đục thủy tinh thể, glaucoma, tắc động mạch võng mạc...

Biến chứng mắt, tuy không gây chết người nhưng lại cực kỳ nguy hiểm vì thường gây tàn phế và làm mất khả năng lao động.

Ở các nước châu Âu và Mỹ, biến chứng mắt do bệnh ĐTĐ là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở những người trong độ tuổi lao động (20 - 65 tuổi). Ngay khi được phát hiện ĐTĐ đã có khoảng 20% số BN có biến chứng mắt rồi, còn sau khi bị bệnh từ 10 năm trở nên thì có tới 3/4 số BN sẽ bị biến chứng mắt.
Các yếu tố chính dự đoán bệnh võng mạc ở BN ĐTĐ là thời gian bị bệnh, kiểm soát đường máu kém, tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu. Các yếu tố khác là có thai, thiếu máu và có bệnh lý thận đi kèm.

Tổn thương đáy mắt do bệnh đái tháo đường

Chăm sóc mắt để tránh bị các biến chứng mắt do ĐTĐ:

Muốn bảo vệ mắt bạn cần thực hiện tốt các bước sau:

Bước 1 và quan trọng nhất là luôn luôn giữ đường máu của bạn trong vùng an toàn. Trong nghiên cứu điều trị ĐTĐ týp 1, tỉ lệ bị bệnh võng mạc ở các BN được điều trị kém tích cực (HbA1C khoảng 8%) cao gấp 4 lần so với các BN được điều trị tích cực (HbA1C khoảng 7%). Còn với những người đã có bệnh võng mạc thì kiểm soát đường máu tốt có thể làm tiến triển của bệnh chậm còn một nửa.

Bước 2: cần khống chế huyết áp của bạn thường xuyên ở mức < 130/80mmHg.

Bước 3: nếu bạn có hút thuốc lá thì phải bỏ ngay.

Bước 4: cần đi khám bác sĩ mắt thường xuyên, ít nhất là 1 lần mỗi năm. Chỉ có bác sĩ chuyên khoa mắt mới có khả năng phát hiện chính xác và điều trị hiệu quả các biến chứng mắt của bạn. Theo khuyến cáo thì:

Nếu bạn dưới 30 tuổi và đã bị ĐTĐ trên 5 năm thì cần đi khám mắt mỗi năm 1 lần.

Nếu bạn trên 30 tuổi thì cần đi khám mắt mỗi năm 1 lần, không cần biết bạn đã bị ĐTĐ bao lâu.

Nếu BN chỉ đo thị lực thôi thì không đủ vì thị lực chỉ bị ảnh hưởng khi bệnh võng mạc đã tiến triển đến giai đoạn nặng.

Bước 5:

Hãy đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt ngay nếu thấy có một hoặc nhiều các dấu hiệu sau: nhìn mờ, khó đọc sánh báo, nhìn đôi, đau một hoặc cả hai bên mắt, mắt đỏ hoặc căng tức, nhìn có hình ảnh ruồi bay, không nhìn rõ sang hai bên mà bình thường mình vẫn nhìn được và khi bạn có thai hoặc có kế hoạch sẽ có thai.      

Theo Các chương trình mục tiêu quốc gia Dự án ĐTĐ BV Nội tiết TW

Meo.vn (Theo Suckhoedoisong)

Khi trẻ “sợ ánh sáng”

Bị đục thủy tinh thể bẩm sinh, bé Chiến (5 tuổi, Phú Yên) rất sợ ánh sáng nên không thể chạy nhảy, nô đùa ngoài trời như bao bạn cùng trang lứa. Mỗi khi nhìn ánh sáng mặt trời, cậu bé lại đau mắt, kèm theo cơn buốt ở đầu.

Từ khi con mới lọt lòng mẹ, chị Hờ Chệt (mẹ Chiến) đã thấy mắt con không bình thường. Trong đôi mắt ấy chỉ thấy hai đốm trắng chứ không phải màu đen của đồng tử. Dù biết mắt con khác thường, nhưng vì không có điều kiện, chồng lại bỏ đi khi cậu bé mới được vài tháng tuổi nên chị không thể đưa con đi chữa trị. Cũng vì thế suốt 5 năm đầu, cậu bé phải sống chung với nỗi ám ảnh sợ ánh sáng.

“Nếu có thể làm bất cứ điều gì để con có cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác thì tôi sẽ làm. Chỉ mong con có thể đến trường, đi học, nếu không thì nó sẽ phải suốt đời sống trong cảnh đói nghèo như mình bây giờ. Đến chữa mắt cho con mà cũng không có tiền", chị Hờ Chệt chia sẻ.

Tuy nhiên, may mắn cuối cùng đã đến với cậu bé khi có một tổ chức từ thiện nhận mổ miễn phí. Cũng nhờ thế, bé đã có thể nhìn như bình thường và có thể đến trường đi học. Ước mơ của Chiến là sau này trở thành bác sĩ để giúp đỡ những đứa trẻ khác.

Bác sĩ Vũ Thị Thanh, Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội cho biết, nhiều người vẫn nghĩ chỉ những người bước vào tuổi 50, 60, cơ thể bắt đầu lão hóa thì mắt mới bị bệnh đục thủy tinh thể. Tuy nhiên, thực tế ngay cả trẻ sơ sinh cũng có thể là nạn nhân của căn bệnh gây mù lòa hàng đầu này.

Thông thường thấu kính của mắt là một cấu trúc trong suốt, tập trung ánh sáng nhận được từ mắt tới võng mạc. Còn với bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh đó là những đám mây trong thấu kính của mắt, có từ lúc trẻ chào đời. Bệnh có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên.

Sau khi mổ, cha mẹ cần đưa con đi tái khám đúng theo hẹn của bác sĩ để phát hiện sớm các biến chứng có thể xảy ra. Ảnh: P.N

 

Chứng bệnh khiến ánh sáng không vào đến được võng mạc, gây mờ mắt. Tùy mức độ đục thủy tinh thể mà thị lực bị giảm nhiều hoặc ít. Nếu trẻ bị đục thủy tinh thể ở cả 2 mắt từ lúc sinh thì sự suy giảm thị lực khiến trẻ gần như không ý thức được thế giới xung quanh mình, bác sĩ Thanh cho biết.

Cũng theo bác sĩ, với căn bệnh này, việc phát hiện và điều trị sớm rất quan trọng. Nếu không trẻ có thể bị mù vĩnh viễn, không thể phục hồi được.

Nếu để ý cha mẹ hoàn toàn có thể phát hiện ra bệnh ở trẻ ngay từ lúc sinh mà không cần một thiết bị quan sát đặc biệt. Biểu hiện rõ nhất của bệnh chính là đám mây trong thủy tinh thế giống như một đốm trắng, ngược với màu đen của đồng tử. Với trường hợp có kèm theo rung giật nhãn cầu thì cử động mắt nhanh không bình thường.

Khi đục thể tinh thể còn ít, chưa ảnh hưởng đến thị lực thì trẻ chưa cần điều trị, chỉ cần khám theo dõi định kỳ. Nếu đục thể tinh thể ảnh hưởng một phần thị lực, cần điều trị với kính hoặc điều trị nhược thị. Khi đục tinh thể nhiều gây mờ mắt, ảnh hưởng đến việc học của trẻ thì cần phải phẫu thuật.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, đa số các trường hợp bệnh không tìm được nguyên nhân cụ thể. Đó có thể do di truyền, nhiễm khuẩn, rối loạn chuyển hóa hay phối hợp với các bệnh lý toàn thân khác.

Để phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh ở trẻ, cha mẹ có thể căn cứ vào các dấu hiệu như mắt không có ánh hồng khi chiếu đèn vào, soi thấy có ánh trắng trong mắt. Khi thấy đồng tử của 1 hoặc 2 mắt trẻ xuất hiện đốm mây trắng, gia đình có người bị rối loạn di truyền, có thể gây đục thủy tinh thể thì nên cho trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt.

Điều quan trọng là sau khi mổ, trẻ vẫn cần được đi tái khám theo đúng hẹn của bác sĩ; đồng thời để phát hiện và điều trị các biến chứng có thể xảy ra làm mờ mắt như: đục bao sau, tăng áp, tật khúc xạ, nhược thị. Đặc biệt cần cho trẻ đi khám ngay khi mắt đau, nhức, đỏ, mờ đột ngột.

Meo.vn (Theo VnExpress)