Lưu trữ cho từ khóa: Mối nguy hiểm

Những mối nguy hiểm từ mặt nạ đồ chơi

Chính là những chiếc mặt nạ không có nguồn gốc rõ ràng mà chúng ta sử dụng trong các dịp lễ hội, tiệc tùng đấy!

Dị ứng, kích ứng

Hầu hết các loại mặt nạ đồ chơi không đảm bảo đều được làm từ các chất liệu như nhựa dẻo, cao su, sơn phun màu… với xuất xứ không rõ ràng và chưa qua kiểm định. Các hóa chất có trong đó chính là nguyên nhân gây dị ứng, kích ứng khi chúng ta đeo mặt nạ. Việc tiếp xúc trực tiếp với da, đặc biệt là vùng da nhạy cảm như da mặt sẽ dẫn đến tình trạng nổi mẩn, tấy đỏ, ngứa ngáy khó chịu, đau rát…

nhung-moi-nguy-hiem-tu-mat-na-do-choi

Gây bệnh cho hệ hô hấp

Các hóa chất được sử dụng trong việc sản xuất mặt nạ đồ chơi chất lượng kém vô cùng nguy hiểm đối với hệ hô hấp. Khi chúng ta đeo mặt nạ, hoạt động của hệ hô hấp đều có liên quan và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ loại đồ chơi này.

Các bạn không chỉ bị tác động bởi các loại hóa chất có trong nhựa, cao su, sơn phun màu mà chúng ta còn có thể hít phải các hạt kim tuyến, các loại phụ kiện khác dùng để trang trí trên mặt nạ. Điều này gây nên mối nguy hại khôn lường cho sức khỏe của hệ hô hấp. Nó có thể dẫn đến nhiều triệu chứng như khó thở, dị ứng mũi, gây nên các căn bệnh như viêm mũi, viêm xoang…

Dẫn đến các bệnh về mắt

Cũng giống như hệ hô hấp, đôi mắt của chúng ta cũng là “nạn nhân” trực tiếp của những chiếc mặt nạ đồ chơi độc hại. Điều này có thể gây nên tình trạng đau rát, đỏ mắt, ngứa, chảy nước mắt… Nguy hiểm hơn, khi các chất độc hại rơi trực tiếp vào mắt, nó có thể dẫn đến các căn bệnh về mắt như viêm giác mạc, viêm tuyến lệ…

Ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản của XX

Trong những chiếc mặt nạ đồ chơi, nhất là mặt nạ là từ nhựa dẻo có chứa chất phthalate – là một loại hóa chất làm tăng độ dẻo, độ bền của nhựa. Nó có khả năng gây biến đổi hormone trong cơ thể, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của các cơ quan. Không những thế, nó còn gây ảnh hưởng xấu đến hệ sinh sản của XX, thậm chí còn có thể dẫn đến vô sinh.

nhung-moi-nguy-hiem-tu-mat-na-do-choi

Tác động đến toàn bộ cơ thể

Theo ý kiến của các chuyên gia, các hóa chất và chất độc hại có trong các loại mặt nạ nhựa, mặt nạ cao su đồ chơi chất lượng kém không chỉ gây hại cho chúng ta trước mắt mà còn làm ảnh hưởng đến lâu dài.

Việc tiếp xúc trực tiếp với những chiếc mặt nạ như vậy sẽ tạo điều kiện cho các chất độc hại xâm nhập vào bên trong cơ thể và gây bệnh cho các cơ quan. Nó có thể gây nên nhiều căn bệnh nguy hiểm, làm giảm sức đề kháng, thậm chí còn có thể dẫn đến ung thư nữa đấy!

Vì vậy, các bạn chú ý chọn mua loại mặt nạ đồ chơi đảm bảo, có nguồn gốc, nhà sản xuất rõ ràng trên bao bì nhé!

Theo Kenh14.vn

Cách xử trí khi trẻ bị tiêu chảy cấp

Người dân vùng lũ đang phải chống đỡ những dịch bệnh có thể phát sinh sau lũ như tả, thương hàn, tiêu chảy cấp, đau mắt đỏ…

Trong điều kiện mưa lũ ngập lụt, đi lại khó khăn, khi trẻ mắc tiêu chảy cấp cần xử trí tại nhà thế nào?

Rotavirut - Mối nguy hiểm cho trẻ em

Sau mưa lũ, nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy do rotavirut ở trẻ em là rất lớn.

Khi bị lây nhiễm virut khoảng 12 giờ đến 4 ngày, trẻ bắt đầu xuất hiện triệu chứng nôn mửa và tiêu chảy. Nôn xuất hiện trước tiêu chảy 6 - 12 giờ và có thể kéo dài khoảng 2-3 ngày. Trẻ nôn rất nhiều vào ngày đầu và giảm bớt khi bắt đầu đi tiêu chảy.

Phân lỏng toàn nước, có lúc màu xanh dưa cải, có thể có đờm, nhớt nhưng không có máu. Tiêu chảy ngày càng tăng trong vài ngày, sau đó giảm dần. Trong giai đoạn này trẻ sẽ bị mất nước nếu bị kéo dài sẽ dẫn tới nguy cơ tử vong.


Phải cho uống oresol nếu trẻ đang bú mẹ bị tiêu chảy cấp. Ảnh: N.Đ

Chăm sóc tại nhà thế nào?

Ở thể nhẹ, không có biến chứng, bệnh thường tự khỏi sau 3 - 8 ngày. Việc điều trị bệnh chủ yếu là đề phòng biến chứng mất nước, ưu tiên hàng đầu là dung dịch muối đường để bổ sung nước và cả chất điện giải (còn gọi là muối khoáng như Na, kali, chlor…) bị mất qua phân và chất nôn mửa, dung dịch uống thường sử dụng là dung dịch oresol

Tuyệt đối không dùng thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ vì các thuốc này làm giảm nhu động ruột, làm liệt ruột khiến phân không được thải ra ngoài gây ứ đọng, chướng ruột.

Cần cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng, chia nhỏ làm nhiều bữa, tránh kiêng khem quá mức. Nếu trẻ còn bú mẹ, cho trẻ bú nhiều và lâu hơn, nếu trẻ bú mẹ hoàn toàn cho trẻ uống thêm oresol sau bú mẹ.

Nếu trẻ không bú mẹ hoàn toàn, cho trẻ uống một hoặc nhiều loại dịch như oresol, thức ăn lỏng (nước xúp, nước cơm, nước cháo) hoặc nước sạch. Nếu bú bình thì vệ sinh bình sạch sẽ, không đổi loại sữa.

Cách pha oresol

Trẻ < 2 tuổi: uống 50-100ml nước oresol sau mỗi lần đi  ngoài và giữa mỗi lần. Trẻ ≥ 2 tuổi: 100-200ml sau mỗi lần đi ngoài và giữa mỗi lần. Nếu trẻ nôn, ngừng 10 phút sau đó tiếp tục cho uống nhưng chậm hơn, tiếp tục cho trẻ uống cho tới khi ngừng tiêu chảy.

Cần đưa trẻ đến khám ngay tại cơ sở y tế  khi trẻ có một trong những biểu hiện sau: Đi ngoài rất nhiều lần phân lỏng (đi liên tục), nôn tái diễn, trẻ rất khát, ăn uống kém hoặc bỏ bú, tình trạng không được cải thiện sau 2 ngày điều trị, sốt cao hơn, có máu trong phân.

Giữ vệ sinh để phòng bệnh

Đối với tiêu chảy cấp do rota virut, giữ vệ sinh tay sạch sẽ là biện pháp cơ bản để phòng bệnh.

Nên tập cho trẻ có thói quen rửa tay trước khi cầm nắm thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.

Sau mưa lũ, cần vệ sinh nhà cửa, lau rửa sàn nhà và các vật dụng, bàn ghế, đồ chơi bằng dung dịch khử khuẩn cloramin B. Nguồn nước cũng phải đảm bảo vệ sinh, khử trùng theo hướng dẫn của ngành y tế.

BACSSI.com (Theo Suckhoedoisong)

Nhiễm rotavirus: Mối nguy hiểm cho trẻ nhỏ

Rotavirus là loại virút đường ruột phổ biến nhất, thường gây tiêu chảy nặng ở trẻ nhỏ trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, cứ 2 trẻ nhập viện vì tiêu chảy cấp, có một trường hợp là do nhiễm rotavirus.

Rotavirus rất dễ lây nhiễm và lây rất nhanh

Nhiễm rotavirus ở trẻ em chủ yếu qua con đường phân – miệng và tay – miệng. Rotavirus thường được thải ra ngoài theo phân của người bệnh và tồn tại rất lâu ngoài môi trường, virút có thể bám dính ở bàn tay, trên sàn nhà, các đồ vật, vật dụng trong gia đình, đồ chơi của trẻ… nếu phụ huynh không chú ý vệ sinh sạch sẽ có thể là nguồn lây nhiễm bệnh cho trẻ.
Trẻ cũng dễ dàng bị nhiễm bệnh do uống hoặc ăn phải thức ăn bị nhiễm bẩn trong quá trình chế biến, nấu nướng không đảm bảo vệ sinh vì bàn tay người làm bếp bị nhiễm virút do sờ chạm vào các bề mặt, các đồ vật (bàn ghế, đồ chơi, sàn nhà…) bị nhiễm bẩn trước đó.

Gần đây, một số nhà khoa học nghi ngờ rotavirus cũng có thể truyền qua không khí vì virút được tìm thấy nhiều trong dịch tiết đường hô hấp của những trẻ bị nhiễm bệnh.

Trẻ nhỏ dễ mắc bệnh

Tiêu chảy cấp do rotavirus là bệnh nhiễm khuẩn dạ dày ruột cấp do virút rota gây nên. Bệnh rất thường gặp ở trẻ em và trẻ nhỏ, đặc biệt là lứa tuổi từ 3 tháng đến 2 tuổi. Trẻ càng nhỏ tuổi thì nguy cơ nhiễm bệnh nặng và phải nhập viện càng cao. Trong 5 năm đầu đời, hầu như không trẻ nào tránh khỏi tiêu chảy cấp do rotavirus.

Tại Việt Nam, tiêu chảy do rotavirus thường gặp nhất ở trẻ từ 3 – 17 tháng tuổi; 46% số trường hợp xảy ra ở trẻ nhũ nhi dưới 5 tháng tuổi và 59% ở trẻ 6 – 11 tháng tuổi. Trẻ càng nhỏ tuổi, nguy cơ nhiễm rotavirus càng cao và mắc bệnh càng nặng. Nhiều trường hợp không được điều trị kịp thời đã dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như suy dinh dưỡng, thậm chí tử vong.

Khi trẻ nhiễm rotavirus sẽ đào thải ra ngoài một lượng siêu vi rất lớn đến 10 ngàn tỷ, nhưng chỉ cần một lượng rất nhỏ khoảng 10 siêu vi là có thể lây nhiễm, gây bệnh cho người. Siêu vi có thể truyền đi một cách dễ dàng qua tay bị nhiễm bẩn.

Dấu hiệu trẻ bị nhiễm rotavirus

Sau khi bị lây nhiễm khoảng 12 giờ đến 4 ngày, trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng.

Triệu chứng điển hình sau khi trẻ bị nhiễm rotavirus là nôn ói và tiêu chảy: ói xuất hiện trước tiêu chảy 6 – 12 giờ và có thể kéo dài khoảng 2 – 3 ngày. Trẻ ói rất nhiều vào ngày đầu và giảm bớt khi bắt đầu đi tiêu chảy. Trẻ thường đi tiêu phân lỏng toàn nước, có lúc màu xanh dưa cải, có thể có đàm, nhớt nhưng không có máu. Tiêu chảy ngày càng tăng trong vài ngày, sau đó giảm dần. Tiêu chảy và nôn ói có thể lên đến hơn 20 lần/ngày. Đa số các trẻ sẽ hết tiêu chảy sau 4 – 8 ngày. Tuy nhiên có thể có trẻ vẫn còn tiêu chảy đến 2 tuần dù trẻ đã khỏe, bắt đầu chơi đùa và đòi ăn trở lại.

Một số triệu chứng khác có thể xuất hiện ở trẻ như: sốt vừa phải, đau bụng, có thể có ho và chảy mũi nước.

Vì vừa bị nôn ói và tiêu chảy với số lần nhiều như vậy, trẻ bị nhiễm rotavirus rất dễ bị mất nước, nếu không được chăm sóc thích hợp có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng của trẻ.

Nguyên tắc chăm sóc và biện pháp phòng ngừa

Việc bù nước cho trẻ là nguyên tắc hàng đầu trong điều trị tiêu chảy do rotavirus, ưu tiên hàng đầu là dung dịch muối đường để bổ sung nước và cả chất điện giải (còn gọi là muối khoáng như Na, kali, chlor…) bị mất qua phân và chất nôn ói, dung dịch uống thường sử dụng là dung dịch oresol (nước biển khô). 95% các trường hợp tiêu chảy ở trẻ em được điều trị thành công chỉ bằng bù dịch bằng đường uống và cho ăn. Phụ huynh có thể cho trẻ uống các loại dịch uống khác nếu thấy trẻ khó khăn khi uống oresol, các dịch thay thế khác như nước sôi nguội, nước cơm, nước cháo, nước ép trái cây, nước dừa tươi…

Trẻ còn bú mẹ nên cho bú mẹ càng nhiều càng tốt vì sữa mẹ ngoài việc cung cấp đủ lượng nước cho trẻ, sữa mẹ còn là nguồn dinh dưỡng quý giá giúp trẻ chống chọi với bệnh tật và mau lành bệnh.

Rotavirus lây lan nhanh và tồn tại ở xung quanh chúng ta. Đây là loại siêu vi kháng với các chất tẩy rửa thông thường như xà bông, nước javen… Ngoài ra, bệnh tiêu chảy cấp này do siêu vi trùng gây ra, vì vậy kháng sinh không có tác dụng đối với bệnh. Các biện pháp thông thường như rửa tay, bú mẹ, cải thiện vệ sinh môi trường là các biện pháp làm giảm lây truyền các tác nhân gây bệnh tiêu chảy khác nhưng có vẻ không hữu hiệu để phòng ngừa tiêu chảy do rotavirus. Những nghiên cứu cho thấy cách tốt nhất để bảo vệ trẻ nhỏ khỏi tiêu chảy do rotavirus là chủng ngừa bằng vắc-xin. Tổ chức y tế thế giới đã khuyến cáo nên chủng ngừa cho tất cả trẻ nhỏ để phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.

ThS.BS. ĐINH THẠC

Đồ chơi Trung Quốc: Cực… độc!

Hầu hết trẻ em VN đang chơi đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc (TQ) nhưng chẳng ai biết được những món đồ chơi đó được sản xuất bằng chất liệu gì. Còn các chuyên gia thì cảnh báo nhiều đồ chơi TQ không an toàn cho trẻ em.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Độc hại đồ chơi nhựa

Một doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ chơi trẻ em trong nước cho biết điều cấm kỵ nhất là không được dùng nhựa PVC để sản xuất đồ chơi cho trẻ em, nhưng hàng TQ lại 'ưa' sử dụng loại nhựa này. Nhựa PVC làm cho sản phẩm mềm, dẻo, độ sáng bắt mắt, màu sắc rực rỡ nhưng nếu trẻ em cầm nắm, thậm chí đưa vào miệng ngậm sẽ rất nguy hiểm - doanh nghiệp này nói.

Không chỉ thế, nhà sản xuất đồ chơi TQ còn sử dụng cả màu công nghiệp, vốn có thành phần kim loại nặng rất cao. Khi trẻ cho đồ chơi vào miệng, chất độc này sẽ dễ dàng xâm nhập cơ thể. Công bố mới đây của Liên minh châu Âu (EU) cho thấy gần 50% mặt hàng tiêu dùng nguy hiểm được EU liệt kê trong báo cáo hàng năm là do Trung Quốc sản xuất. Trong đó, đồ chơi trẻ em đứng đầu danh sách nguy hiểm với 85% các loại sản phẩm. Mối nguy hiểm từ các món đồ chơi Trung Quốc đã được cảnh báo là có thể gây tình trạng nghẽn mạch máu và tổn thương não, gan, thận do ngộ độc chì từ hàm lượng chì có trong các món đồ chơi này.

Theo BS Võ Công Đồng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2: Ở trẻ em khả năng hấp thu chì tới 40% - 55%. Những trẻ bị suy dinh dưỡng, khả năng hấp thu chì cũng như độc tính của chì khi nhiễm sẽ tăng cao hơn những trẻ bình thường. Trẻ em có thể bị ngộ độc chì qua 3 đường: tiêu hóa, hô hấp và da. Ngộ độc chì thường diễn ra từ từ, sau nhiều tháng.

Không chỉ thế, có những món khá nguy hiểm cho trẻ nhỏ, đó là bộ đồ câu cá. Ở đầu các con cá, cua, ốc đều được gắn nam châm để có thể dính vào cần câu khi trẻ chơi. Nhưng các bác sĩ cảnh báo sẽ rất nguy hiểm nếu em bé cắn phải miếng nam châm và chẳng may nuốt vào. Theo TS Đào Minh Tuấn - phó trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi TƯ, hậu quả của loại tai nạn bất ngờ này rất khó lường. Không được cấp cứu kịp thời, trẻ có thể tử vong ngay do bị ngạt khí. Trường hợp may mắn thoát khỏi tình trạng chết ngạt thì để lại di chứng nặng nề. Trẻ bị ngừng thở kéo dài sẽ gây tình trạng thiếu oxy não dẫn đến di chứng não, sống đời sống thực vật.

Cũng theo TS Đào Minh Tuấn, hơn 100 mẫu dị vật đường thở đang được bảo lưu trong khoa thì có đến gần một nửa là sản phẩm của đồ chơi trẻ em. Phổ biến nhất là chuyện trẻ nhỏ cho vào miệng ngậm rồi nuốt luôn những miếng ghép đồ chơi lắp ráp, một số loại tiền giả hình tròn nhỏ bằng nhựa màu... Lục lạc có hai viên bi tròn hai bên, trống lắc ra âm được làm bằng những thanh nhôm có độ cứng và bén, dễ gây tai nạn cho trẻ em vì nếu kéo mạnh có thể làm sướt tay đến chảy máu...

Với một số loại đồ chơi khác như xe đạp ba bánh, ôtô điện thì các mối hàn ở khung xe thường rất sơ sài, phần lớn hàn chiếu lệ cho có. Đã có không ít trường hợp một số cháu bé ngồi lên quá mạnh, hoặc nhảy phóc vào xe thì xe 'sụm' lăn quay! Chưa kể các loại xe này đa số không được gọt 'ba vớ' (nhựa thừa) có thể gây tổn thương cho trẻ từ các cạnh sắc, nhọn. Riêng một số loại xe mô hình, có nhiều trẻ lúc chơi đã nuốt phải những mẩu lắp ghép nhỏ do mối nối không chắc. Một số loại đồ chơi phát ra tiếng như súng điện tử, xe tăng, máy bay..., các nghiên cứu khoa học về âm thanh cũng cho thấy nếu được phát ra với cường độ và mật độ cao thì khả năng tổn thương cho thính giác của trẻ hoàn toàn khó tránh khỏi.

Hiểm họa từ... những con búp bê

Trong khi đó, những con búp bê TQ thân mềm xinh xắn có giá chỉ 15.000-30.000 đồng đang được tiêu thụ khá mạnh cũng ẩn chứa những nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Một số nhà khoa học cảnh báo những người bạn thân thiết này có thể ẩn chứa mối nguy hiểm gây ung thư từ áo quần, vải của búp bê.

Riêng bộ nail (móng tay) giả dành cho bé gái cũng đang được các chuyên gia khuyến cáo về mức độ nguy hiểm. Bộ nail này được làm bằng nhựa, nhưng kèm theo đó là keo để dính nó vào móng tay, lại được làm từ một loại hóa chất sền sệt mà ngay cả giới chuyên môn cũng 'không biết nó là chất gì!'. Loại keo này có đủ các màu rất bắt mắt, không mùi, nhưng theo khuyến cáo của các chuyên gia ngành hóa phẩm, nếu dùng lâu sẽ dẫn đến móng bị vàng úa, thậm chí có thể bị thối móng!

Không chỉ thế, những 'đồ nghề' của trẻ sơ sinh như bình sữa, núm ti, chuông lắc bằng nhựa... có nguồn gốc từ TQ đang được bày bán dưới dạng rời, không nhãn mác, không tên tuổi cũng ẩn chứa nguy cơ gây độc hại vì không rõ được làm bằng chất liệu gì. Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng trẻ em, đừng vì rẻ hơn một vài nghìn mà mua các sản phẩm không tên tuổi cho bé sử dụng, đặc biệt là núm ti và bình sữa.

Theo bác sĩ Trần Anh Tuấn, phẫu thuật viên chuyên Khoa Mắt của Đại học Y Dược TPHCM, khi để mắt tiếp xúc với những loại ánh sáng có cường độ lớn như tia laser sẽ dễ dẫn đến tình trạng bị bỏng võng mạc, thị lực giảm nghiêm trọng và có thể dẫn đến mù lòa. Được biết, gần đây trên thị trường xuất hiện nhiều loại đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc mang đậm chất bạo lực như: Súng 'bắn máu', các loại súng bắn bằng tia laser, đạn nhựa.

Theo Tuổi trẻ & Người lao động

Mối nguy hiểm do viêm đa động mạch

Bệnh viêm đa động mạch có đặc trưng là tổn thương từng đoạn của các mạch máu, nhất là các động mạch nhỏ và trung bình, với các triệu chứng tùy thuộc vào vị trí của mạch máu bị tổn thương. Tổn thương có thể ở mọi cơ quan nhưng hay gặp nhất là tổn thương ở thận, tim, gan, ống tiêu hóa, cơ và tinh hoàn.

Biểu hiện lâm sàng

Bệnh khởi phát từ từ với một vài dấu hiệu như sốt, mệt mỏi, sút cân. Những triệu chứng khác xuất hiện sau vài tuần đến hằng tháng. Khi bệnh tiến triển đến đợt cấp tính  trong vòng vài ngày, gây tổn thương nhiều cơ quan với biểu hiện điển hình gồm: hội chứng sốc nhiễm độc, nhiễm khuẩn, xuất huyết giảm tiểu cầu có huyết khối... Đau  khớp, đau cơ nhất là các cơ cẳng chân, tổn thương thần kinh. Nếu có sự phối hợp giữa bệnh viêm một dây thần kinh (mononeuritis multiplex), gây các tổn thương trong đó có biểu hiện bàn chân thõng và một triệu chứng toàn thân như sốt hoặc sút cân thì đó là biểu hiện đặc hiệu và sớm nhất chứng tỏ bệnh nhân bị viêm đa động mạch. Tổn thương ở da hay gặp là những đám tím xanh hình lưới, và ít gặp hơn là tổn thương mạch máu gây loét da. Ở mắt có thể thấy những chấm bông - len do bị tắc các mạch máu võng mạc gây ra. Tổn thương thận thấy ở trên 80% bệnh nhân với sự thay đổi của các xét nghiệm thăm dò chức năng thận và biểu hiện tăng huyết áp. Thực tế có tới 50% bệnh nhân viêm đa động mạch có tăng huyết áp. Tổn thương ở thận là viêm cầu thận hoại tử từng đoạn kèm theo tăng sinh ngoài mao mạch và thường phối hợp với đông máu cục bộ trong lòng mạch. Đau khắp vùng bụng sau khi ăn khoảng 30 phút, có khi bệnh nhân buồn nôn và nôn. Nhồi máu do viêm động mạch có thể gây ra viêm túi mật hoặc viêm ruột thừa. Có thể gặp hội chứng bệnh cấp tính và tụt huyết áp do vỡ đột ngột các vi phình mạch ở gan, thận hay mạc treo ở một số ít bệnh nhân. Tổn thương tim xuất hiện muộn, gồm viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim, loạn nhịp tim, có thể có nhồi máu cơ tim sau viêm động mạch vành để chẩn đoán bệnh cần dựa vào các triệu chứng chính như: có các dấu hiệu lâm sàng của động mạch bị tổn thương; các triệu chứng tổn thương thận, cơ, khớp, tim, hệ thống tuần hoàn gặp ở hầu hết bệnh nhân; ít gặp tổn thương da, phổi; các triệu chứng sốt, tăng huyết áp, đau bụng, những mảng tím xanh hình lưới trên da, viêm một dây thần kinh, thiếu máu, đái ra máu, tăng tốc độ máu lắng; khẳng định chẩn đoán bằng sinh thiết hoặc chụp mạch.

Điều trị và tiên lượng

Để điều trị viêm nút đa động mạch phải dùng corticosteroid liều cao, có khi tới 60mg prednison/ngày mới có thể khống chế được sốt và những triệu chứng cơ bản của bệnh, đồng thời hồi phục các tổn thương mạch máu. Những thuốc ức chế miễn dịch, đặc biệt là cyclophosphamid, khi dùng phối hợp với corticosteroid có thể cải thiện tỷ lệ sống sót của bệnh nhân. Các thuốc này đòi hỏi phải dùng kéo dài, khi ngừng thuốc bệnh ít khả năng tái phát. Đối với các bệnh nhân viêm đa động mạch phối hợp với viêm gan B, biểu hiện là HbeAg(+), cần phối hợp giữa prednison ngắn ngày, sau đó dùng các thuốc chống virut, thuốc hỗ trợ nâng cao chức năng gan.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Nếu bệnh nhân không được điều trị, tỷ lệ sống 5 năm chỉ là 20%. Khi điều trị đơn thuần bằng corticosteroid, tỷ lệ bệnh nhân sống 5 năm tăng lên tới 50%. Còn trường hợp phối hợp corticosteroid với thuốc ức chế miễn dịch, tỷ lệ sống sót 5 năm đạt tới 80 - 90%.

Nguyên nhân gây bệnh viêm đa động mạch

Đến nay, nguyên nhân của viêm đa động mạch còn chưa rõ. Người ta nghĩ nhiều đến ảnh hưởng của viêm gan B và C vì có tới 30-50% bệnh nhân bị bệnh có bằng chứng huyết thanh của nhiễm các virut này. Mặt khác, người ta còn tìm thấy trong huyết thanh hoặc ở các mạch máu bị viêm của một số bệnh nhân các phức hợp miễn dịch gắn trên các kháng nguyên của virut viêm gan B. Bệnh viêm nút đa động mạch thường gặp hơn ở những người nghiện ma túy, chích tĩnh mạch và ở những nhóm người có tỷ lệ nhiễm viêm gan B và C cao. Mặc dù vậy vẫn có khoảng 50% số bệnh nhân viêm đa động mạch không bị viêm gan mới mắc hoặc trong tiền sử. Viêm đa động mạch có thể xuất hiện ở bệnh nhân sốt không rõ nguyên nhân. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng hay gặp ở người trẻ tuổi, tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới cao gấp 3 lần so với nữ.

ThS. Trần Quốc An (Suckhoe&Doisong)

Mối nguy hiểm của nhiễm khuẩn bệnh viện

Gần đây, các chuyên gia về y tế đã cảnh báo các bệnh viện cần phải theo dõi chặt chẽ một loại vi khuẩn kháng thuốc, đó là vi khuẩn Acinebacter baumannii. Loại vi khuẩn này là một trong những vi khuẩn hay gặp nhất trong các bệnh nhiễm khuẩn bệnh viện nặng và nguy hiểm hơn chúng có khả năng kháng lại nhiều thuốc kháng sinh (gọi là đa đề kháng kháng sinh).

Tại Việt Nam vào những năm cuối của thế kỷ trước, một số tác giả đã nghiên cứu tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy vi khuẩn Acinebacter baumannii đã bắt đầu kháng lại một số thuốc kháng sinh với tỷ lệ khá cao.

Mối nguy hiểm của vi khuẩn Acinebacter baumannii

Sau sự kiện vi khuẩn New Dehli metallo - beta-lactamase (NDM-1) xuất hiện ở một số nước như Anh, Hoa Kỳ, Australia, Hà Lan rồi lan sang Ấn Độ - đây là loại vi khuẩn kháng lại hầu hết các loại kháng sinh, kể cả kháng sinh thế hệ mới nhất và đặc biệt hơn là loại kháng sinh mạnh như Cacbapenem dùng để điều trị các bệnh nặng do vi khuẩn gram âm gây ra thì chúng cũng có khả năng đề kháng. Theo thông báo của Đại học Teikyo (Nhật Bản) thì trong vòng 10 tháng kể từ tháng 8/2009 - tháng 9/2010 đã có 46 người mắc bệnh do vi khuẩn Acinebacter baumannii, trong số đó đã có tới 27 bệnh nhân tử vong. Vi khuẩn Acinebacter baumannii là loại vi khuẩn gram âm, có thể sống ký sinh trên cơ thể của một số người khoẻ mạnh (họng, da, dịch tiết) nhưng khi gặp điều kiện thuận lợi (sức đề kháng của cơ thể người bị suy giảm) thì chúng trở nên gây bệnh. Acinebacter baumannii lại có khả năng sống rất lâu ở môi trường bên ngoài và đặc biệt hơn là chúng có khả năng chống lại với các thuốc dùng để tẩy uế giống như một số vi khuẩn tụ cầu vàng kháng methicilin (MRSA) và C.dificin. Những tính chất này của vi khuẩn Acinebacter baumannii càng làm cho việc tẩy uế trong bệnh viện gặp khó khăn hơn và chính vì lẽ đó mà chúng có thể dễ lây lan trong bệnh viện hơn. Các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo rằng với tính chất dễ sống sót trong môi trường bệnh viện nên vi khuẩn này cũng rất có khả năng lây lan ra môi trường  ngoài bệnh viện. Việc vi khuẩn Acinebacter baumannii kháng lại nhiều loại kháng sinh cũng là một điều khá đặc biệt vì chúng có mang gien kháng thuốc kháng sinh, gien kháng thuốc của vi khuẩn này lại rất đa dạng. Loại gien kháng thuốc của chúng rất dễ phát tán và dễ trao đổi từ vi khuẩn này sang vi khuẩn khác nhờ một hệ thống đặc biệt (intergrons). Hệ thống này chứa các loại gien có cấu trúc mang tính chất sao chép và gắn (dán) các gien. Ngoài ra, người ta thấy tùy theo từng loại kháng sinh mà vi khuẩn Acinebacter baumannii có cơ  chế kháng lại kháng sinh khác nhau, ví dụ như men bêtalactamase của chúng có tác dụng kháng lại kháng sinh họ bêta lactam hoặc men làm thay đổi các aminoglycoside hoặc đột biến gien gyrA hoặc parC làm tăng hoạt động của hệ thống bơm ngược AdeABC và AbeM trong việc chúng kháng lại kháng sinh họ Fluoroquinolon… Người ta cũng đã nghiên cứu cho thấy các loại men của vi khuẩn này được sản xuất ra sẽ kết hợp với các gien kháng thuốc làm gia tăng sự kháng thuốc của chúng. Tuy vậy các nhà nghiên cứu cũng cho biết rằng vấn đề kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn Acinebacter baumannii cũng còn nhiều điều bí ẩn đang cần được khám phá trong tương lai và các tác giả cũng nhấn mạnh rằng chúng ta đủ khả năng để ngăn chặn việc mắc các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Acinebacter baumannii và đủ khả năng để ngăn chặn sự kháng thuốc của chúng. Việc làm cũng tương tự như đối với các vi khuẩn gây bệnh nhiễm trùng và đề kháng kháng sinh khác.

vi khuẩn Acinebacter baumannii

Một số biện pháp nhằm ngăn chặn nhiễm trùng bởi vi khuẩn Acinebacter và sự kháng thuốc của chúng

Điều quan trọng hàng đầu là cần tìm mọi cách tiêu diệt mầm bệnh vi sinh vật nói chung, trong đó có vi khuẩn Acinebacter baumannii như xây dựng cơ sở hạ tầng của bệnh viện cho tốt. Trong mỗi bệnh viện cần có khu cách ly bệnh nhiễm khuẩn. Hàng ngày cần vệ sinh khoa, phòng sạch sẽ, đặc biệt là những khoa có nguy cơ cao cho vi sinh vật phát triển như phòng mổ, phòng hậu phẫu càng cần được chú ý vệ sinh, tẩy uế thường xuyên. Cần xử lý chất thải y tế đúng quy định, đúng phương pháp để phòng tránh vi sinh vật lây lan ra môi trường xung quanh. Cần vô trùng tuyệt đối từ môi trường xung quanh cho đến dụng cụ y tế. Thực hiện rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi bắt tay vào công việc và sau khi kết thúc một loại công việc. Việc sử dụng kháng sinh đúng và hợp lý cũng đóng vai trò rất quan trọng trong  việc ngăn ngừa vi khuẩn kháng thuốc, ví dụ như chỉ dùng kháng sinh để điều trị bệnh do vi khuẩn, không dùng kháng sinh để điều trị bệnh do virut gây ra (trừ khi có bội nhiễm vi khuẩn). Cần sử dụng kháng sinh từ phổ hẹp đến kháng sinh phổ rộng, không dùng kháng sinh có phổ rộng ngay từ đầu. Cần dùng kháng sinh đủ liều lượng, đủ ngày, sẵn có, hợp với kinh tế của từng đối tượng người bệnh. Những cơ sở y tế có khoa xét nghiệm vi sinh thì nên phân lập, xác định đúng loại vi khuẩn gây bệnh, trên cơ sở đó cần tiến hành làm kháng sinh đồ để có điều kiện lựa chọn kháng sinh cho phù hợp.     PGS.TS.TTƯT. Bùi Khắc Hậu

Mối nguy hiểm do viêm gan A

Bệnh viêm gan A do virut, gọi tắt là viêm gan A (VGA) là bệnh có tỷ lệ mắc cao ở những nước có điều kiện kinh tế còn kém phát triển. Con đường lây lan của bệnh qua đường ăn uống từ người bệnh sang người lành càng làm cho nguy cơ mắc bệnh tăng lên nếu không được kiểm soát một cách đúng đắn.

Bệnh lây truyền trực tiếp từ người sang người

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Virut viêm gan A.

VGA được xác định là bệnh lây trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua thức ăn và nước uống bị nhiễm virut viêm gan A (HAV). HAV đào thải qua phân ở cuối thời kỳ ủ bệnh kéo dài hàng tuần (cho tới khi lui bệnh). Bởi vậy, ăn uống mất vệ sinh là điều kiện thuận lợi cho mắc bệnh. Nhân viên y tế, khách du lịch, cô bảo mẫu... là những đối tượng có nguy cơ cao, dễ mắc phải căn bệnh này. Nhiễm khuẩn thức ăn, nguồn nước là nguy cơ gây ra những vụ dịch lớn nhỏ hiện nay. VGA có thể lây truyền qua truyền máu, tuy nhiên khả năng lây theo phương thức này là rất hy hữu.

Bệnh VGA được biết đến từ rất sớm, ngay từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, Hyppocrate đã mô tả lâm sàng bệnh này với tên gọi là 'bệnh vàng da truyền nhiễm'. Đến năm 1947, bệnh được đặt tên là VGA để phân biệt với bệnh viêm gan B - một bệnh viêm gan virut lây bằng đường máu.

VGA là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lưu hành khắp trên thế giới, tuy nhiên tính phổ biến khác nhau ở từng vùng. Ở các nước nghèo, các nước đang phát triển với điều kiện vệ sinh kém, bệnh VGA rất phổ biến. Ở Đông Nam Á, VGA thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên. Một nghiên cứu tiến hành ở Indonesia cho biết, có những vùng tỷ lệ nhiễm HAV ở trẻ em dưới 4 tuổi lên đến 90-100%. Việt Nam cũng là nước có mức độ lưu hành rộng rãi căn bệnh này. Một nghiên cứu của các nhà khoa học cho biết tại huyện Tân Châu (An Giang) tỷ lệ nhiễm HAV ở trẻ em là 97%. Tại các bệnh viện, HAV là nguyên nhân của khoảng 30-50% số trường hợp viêm gan cấp. Ngược lại, tại các nước phát triển, như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... nhờ điều kiện sống đầy đủ và vệ sinh cộng với chương trình tiêm chủng vaccin viêm gan A sớm được triển khai nên tỷ lệ nhiễm HAV liên tục giảm.

Có thể tử vong vì viêm gan A

Người ta chia bệnh làm các dạng khác nhau đó là:

Viêm gan cấp tính: Sau một thời gian ủ bệnh, trung bình là 30 ngày, bệnh nhân khởi phát đột ngột các dấu hiệu bệnh giống như cảm cúm: sốt, ho, đau mỏi cơ, nhức đầu, mệt mỏi, chán ăn, đi tiểu ít, nước tiểu sẫm màu. Chính vì dấu hiệu này mà nhiều người chủ quan, cho rằng chỉ bị cảm cúm thông thường, nếu không được phát hiện sớm bệnh sẽ nặng lên, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Sau 5-7 ngày với những triệu chứng trên, bệnh nhân hết sốt nhưng vẫn tiếp tục mệt mỏi và chán ăn. Dấu hiệu vàng mắt, vàng da xuất hiện tăng dần và thường kéo dài từ 2-4 tuần. Bệnh VGA cấp tính thường tự khỏi, người bệnh đi tiểu nhiều và hết vàng da, vàng mắt nhưng có khoảng 2% số trường hợp diễn biến nặng, có thể dẫn đến suy gan, hôn mê gan, làm cho người bệnh tử vong.

Viêm gan tối cấp: Bệnh diễn biến nhanh chóng trong một tuần với sốt cao, vàng mắt, mệt lả, gan teo nhỏ và hôn mê gan thường là biểu hiện cuối cùng trước khi tử vong.

Viêm gan kéo dài: Hiện tượng này rất ít gặp nhưng hiện tượng ứ mật kéo dài, đôi khi xảy ra có thể là từ 2-3 tháng, nhưng ít khi để lại hậu quả nặng nề. Không ghi nhận thể viêm gan mạn tính hoặc tình trạng mang HAV suốt đời.

Vaccin là biện pháp phòng bệnh tốt nhất

Hầu hết các trường hợp VGA cấp tính thường diễn biến nhẹ. Phương pháp điều trị chủ yếu là nằm nghỉ ngơi trong thời gian mắc bệnh. Đồng thời các bác sĩ sẽ điều chỉnh những rối loạn chức năng: truyền dịch, lợi mật, lợi tiểu... Tuy nhiên không vì thế mà người bệnh tự điều trị tại nhà mà cần đến bệnh viện để khám, xét nghiệm (men gan, các chức năng gan và Anti- HAV lớp IgM...) để xác định bệnh và tiên lượng chính xác xem người bệnh mắc VGA ở thể nào, cấp tính, tối cấp hay viêm gan kéo dài, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Đa số các bệnh nhân cần được nằm điều trị nội trú tại bệnh viện. Khi mắc bệnh, người bệnh cần được chăm sóc tốt, ăn những thức ăn dễ tiêu hóa, không nên ăn những thứ nhiều mỡ, đường... tránh cho gan phải làm việc mệt nhọc.

Trước đây khi chưa có vaccin phòng bệnh đặc hiệu, người ta sử dụng liệu pháp tiêm dự phòng bằng globulin miễn dịch - Ig, song hiệu quả thấp và thời gian miễn dịch ngắn (khoảng 1 tuần). Cách ly người bệnh, ăn uống vệ sinh cũng là biện pháp phòng bệnh nhưng không thật sự đặc hiệu, không ngừa được đại dịch xảy ra. Hiện nay, vaccin viêm gan A (vaccin sống bất hoạt, giảm độc lực) đã được sử dụng trên toàn thế giới và Việt Nam, có tính miễn dịch và độ an toàn cao. Với lịch tiêm chủng là 0; 1; 6 tháng, chúng ta có thể yên tâm không bị mắc bệnh viêm gan A, một căn bệnh gây dịch, ảnh hưởng tới sức khỏe cá nhân và xã hội. Vaccin viêm gan A đã và đang được triển khai tới tận cơ sở.

ThS. Nguyễn Văn Dũng

(suckhoe&doisong)