Lưu trữ cho từ khóa: mộc qua

Thái hóa đốt sống cổ

Y học cổ truyền quan niệm rằng, bệnh này do tình trạng phong hàn thấp bên ngoài xâm nhập vào làm cho khí huyết trong kinh lạc cơ thể bị bế tắc gây nên.


Ảnh minh họa.

Các thể bệnh

Bệnh hay gặp ở người cơ thể yếu, người có tuổi… gây nên đau, cử động khó khăn. Tùy theo thể bệnh sẽ có những biểu hiện khác nhau. Chẳng hạn, do phong hàn, thì triệu chứng gồm: đầu, gáy, vai và phần lưng bên trên đau, gáy cứng, có nhiều điểm đau ở cổ, có cảm giác như nhịp đập ở cổ, cử động khó khăn, tay chân tê, đau, mỏi, chi trên có cảm giác nặng, không có sức, thích ấm, sợ lạnh, lưỡi trắng nhạt… Thể can thận âm hư thì có những triệu chứng: gáy, vai, vai-lưng đau, có khi đau lan lên đầu, tay chân tê, mất cảm giác, thắt lưng đau, đầu gối mỏi, chóng mặt, hoa mắt, hai gò má đỏ, ra mồ hôi trộm, họng khô, lưỡi đỏ… Thể khí trệ huyết ứ thì có các biểu hiện: đầu, gáy, vai, vai-lưng bị đau, tê, đau ê ẩm, đau vùng nhất định, ban ngày đau ít, ban đêm đau nhiều hơn, ấn vào thấy đau, chân tay tê mỏi, co rút (ban đêm bị nhiều hơn ban ngày), miệng khô, lưỡi đỏ tím hoặc có điểm ứ huyết… Với thể khí huyết đều hư, biểu hiện gồm: đầu, gáy khó cử động, yếu, tay chân yếu, nhất ở các đầu ngón tay, vai và tay tê, mệt mỏi, mất ngủ, ra mồ hôi trộm, chóng mặt, hồi hộp, nhịp thở ngắn, da mặt xanh, lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng…

Còn thể đờm thấp ngăn trở kinh mạch, thì triệu chứng xuất hiện là, đầu, gáy, vai, lưng đều đau, chóng mặt, đầu nặng, cơ thể nặng, không có sức, nôn ói, ngực và hông sườn đầy tức, lưỡi trắng nhạt…

Các phép chữa

Với trường hợp do phong hàn y học cổ truyền dùng phép trị "khứ phong, tán hàn, thông kinh hoạt lạc", dùng bài thuốc "Quế chi gia cát căn thang gia giảm", gồm các vị: 15g cát căn; quế chi, bạch thược, đương quy, xuyên khung, thương truật, mộc qua (cùng 9g), 6g cam thảo, 3g tam thất, 3 lát gừng tươi, và 3 quả đại táo. Nếu trường hợp cử động khó, đau nhiều thì gia thêm nhũ hương, một dược (đều 6g). Nếu có biểu hiện phong nhiều, đau nhiều chỗ, sợ gió, thì thay bài "Quế chi gia cát căn thang gia giảm" bằng bài "Phòng phong thang gia giảm", gồm các vị thuốc: phòng phong, cát căn (cùng 12g), tần giao, uy linh tiên, khương hoạt (đều 9g), phục linh, đương quy, quế chi (đồng 6g), và 3g ma hoàng.


Ảnh minh họa.

Thể can thận âm hư thì phép trị là "tư bổ can thận, hoạt huyết, thông kinh hoạt lạc", dùng bài "hổ tiềm hoàn gia giảm", gồm các vị thuốc: ngưu tất, thục địa, đan sâm (đều 12g), đương quy, bạch thược, tỏa dương, tri mẫu, hoàng bá, quy bản, thố ty tử, kê huyết đằng (cùng 9g).

Với thể khí huyết đều hư, huyết ứ thì phép trị là "bổ khí, dưỡng huyết, thông kinh hoạt lạc", dùng bài thuốc "Hoàng kỳ quế chi ngũ thang gia vị", gồm: quế chi, cát căn (cùng 9g), xích thược, bạch thược (cùng 12g), hoàng kỳ 18g, kê huyết đằng 15g, sinh khương 6g, và 4 trái đại táo.

Còn thể đờm thấp ngăn trở kinh mạch thì phép trị là "hóa đờm, trừ thấp, hoạt huyết, thông kinh hoạt lạc", dùng bài "phục linh hoàn gia giảm", gồm các vị: phục linh, trần bì, địa long (cùng 12g), đởm nam tinh, bán hạ, bạch giới tử, ngũ vị tử (cùng 10g), cát cánh 6g, và 3g tam thất.

Lương y Như Tá

Meo.vn (Theo Khoemoingay)

Bài thuốc chữa suy nhược

Y học cổ truyền thường dựa trên 4 yếu tố cơ bản là âm, dương, khí và huyết trong cơ thể để chia làm 4 loại suy nhược: khí hư, huyết hư, dương hư, âm hư.

Dưới đây là những phép trị liệu theo hướng dẫn của lương y Như Tá tùy vào từng thể bệnh. Lưu ý nên tham khảo ý kiến người có chuyên môn trước khi nấu và dùng.

Thể phế khí hư: Triệu chứng thường mệt, hơi thở ngắn, người lúc nóng lúc lạnh, dễ ra mồ hôi, ho khan thì dùng phương thuốc gồm các vị: nhân sâm, huỳnh kỳ (chích mật) - mỗi loại cùng 12g, tang bì (chích mật), tử uyển - cùng 10g, thục địa 16g, ngũ vị 4g.

Thể tỳ khí hư: Triệu chứng thường là mệt mỏi, ăn ít, đi tiêu lỏng, sắc mặt vàng nhạt. Dùng bài gồm các vị: bạch truật, liên nhục, hoài sơn, ý dĩ, biển đậu (cùng 12g), đảng sâm 16g, sa nhân, trần bì, cát cánh, bạch linh (cùng 8g), cam thảo 6g.

Thể tâm huyết hư: Triệu chứng thường có là người hồi hộp, mau quên, mất ngủ, mộng nhiều, sắc mặt tái nhợt kém tươi nhuận, môi lưỡi nhợt. Dùng bài thuốc gồm các vị: đảng sâm 16g, huỳnh kỳ (chích mật), đương quy, bạch truật, nhãn nhục - cùng 12g, phục thần, viễn chí, táo nhơn (cùng 8g), mộc hương 6g, cam thảo 4g, thục địa 20g, 3 lát gừng, 3 quả táo.

Thể can huyết hư: Triệu chứng hay gặp là váng đầu, hoa mắt, ù tai, sườn đau, người bứt rứt, tính nóng nảy, phụ nữ kinh nguyệt không đều, sắc mặt tái sạm, môi lưỡi nhợt. Dùng bài gồm các vị: thục địa 20g, bạch thược, qui đầu (cùng 12g), xuyên khung 8g.

Thể tỳ dương hư: Triệu chứng thường có là sợ lạnh, chân tay lạnh, người hay mệt mỏi, lúc gặp lạnh dễ đau bụng, tiêu chảy, sắc mặt vàng sạm hoặc tái nhợt. Dùng bài gồm các vị: phụ tử, can khương (cùng 6g), nhân sâm 12g, bạch truật 10g, chích thảo 4g.

Thể thận dương hư: Triệu chứng biểu hiện gồm chân tay lạnh, lưng gối nhức mỏi (trời lạnh nhức nhiều), di tinh, tiểu nhiều, sắc mặt tái nhợt, giọng nói yếu, hay hụt hơi. Dùng bài gồm các vị: qui đầu 12g, lộc giác, kỷ tử, thố ty tử, đỗ trọng (cùng 16g), nhục quế, phụ tử (cùng 8g), thục địa 20g, hoài sơn, sơn thù (cùng 15g).


Bên trái từ trên xuống, Huỳnh kỳ (chích mật) - Thiên ma - Kỷ tử - Thố ty tử / Ảnh: H.Mai

Thể phế âm hư: Triệu chứng gặp phải là ho khan,  họng khô, miệng khô, có khi khàn giọng, người gầy, da nóng, hay sốt về chiều hay đêm, ra mồ hôi trộm, lưỡi đỏ. Dùng bài gồm các vị: sa sâm 20g, ngọc trúc, tang diệp, biển đậu, thiên hoa phấn (cùng 12g), cam thảo 4g.

Thể tâm âm hư: Triệu chứng gặp thường là người hồi hộp, khó ngủ, hay quên, bứt rứt, ra mồ hôi trộm, miệng lở, gò má đỏ, sốt về chiều, lưỡi đỏ. Dùng bài gồm các vị: huyền sâm, đơn sâm, đảng sâm, phục thần, thiên ma, qui đầu, bá tử nhân, táo nhân (sao đen), mạch môn - cùng 12g, sinh địa 16g, viễn chí 8g, cát cánh, ngũ vị (cùng 6g).

Thể tỳ vị âm hư: Triệu chứng thường gặp là miệng khô, môi khô, chán ăn, táo bón nặng, có thể nôn khan, mặt đỏ. Dùng bài gồm các vị: sa sâm, ngọc trúc (cùng 12g), mạch môn 10g, sinh địa 16g, đường phèn 20g.

Thể can âm hư: Triệu chứng hay gặp phải là đau đầu, chóng mặt, ù tai, mắt khô, sợ ánh sáng, người nóng nảy, dễ giận, lưỡi khô đỏ tía. Dùng bài gồm các vị: thục địa 20g, bạch thược, mạch môn (cùng 12g), xuyên khung, táo nhân, mộc qua (cùng 10g), qui đầu 16g, cam thảo 6g.

Thể thận âm hư: Triệu chứng hay gặp là đau lưng, mỏi gối, chân yếu, má đỏ, ù tai, dễ rụng tóc, lưỡi đỏ thẫm. Dùng bài gồm các vị: huỳnh bá, tri mẫu, kim anh tử (cùng 12g), thục địa 20g, qui bản 16g, long cốt, mẫu lệ (cùng 10g), liên tu 8g.

Cách sắc (nấu) các bài thuốc trên như sau: nước thứ nhất cho các vị thuốc vào nồi cùng 4 chén nước, nấu còn lại 1 chén, chắt nước thuốc ra; nước hai tiếp tục cho 3 chén nước vào nấu còn nửa chén. Hòa hai nước lại chia làm 3 lần dùng trong ngày.

Meo.vn (Theo TNO)

Bài thuốc chữa bệnh trĩ

Trĩ là một bệnh mạn tính thường gặp. Bệnh do các tĩnh mạch trực tràng, hậu mô bị sa giãn và sung huyết tạo thành búi hoặc nhiều búi trĩ. Tùy theo vị trí tĩnh mạch trực tràng và hậu môn mà phân ra trĩ nội hay trĩ ngoại. Người bệnh trĩ thường có cảm giác bứt rứt khó chịu, trường hợp nặng, mắc bệnh lâu ngày người mệt mỏi, sức khỏe giảm sút.

Nguyên nhân cơ chế bệnh sinh theo Đông y là do tạng phế và đại trường thông nhau mà hậu môn thuộc về đại trường, tạng phế mạnh thì khí đầy đủ, nếu hư yếu thì hàn khí không thu liễm lại được làm cho trực tràng lòi ra, đại trường nóng cũng có thể thoát ra. Một nguyên nhân nữa là do ăn uống không điều độ, dùng rượu quá mức, ăn nhiều thức ăn béo, ngồi lâu, ít vận động làm cho thấp tụ lại, mót đi tiêu mà không đi ngay, hoặc táo bón, rặn nhiều, dương minh phủ không điều hòa, quan lạc bị bế tắc, phong nhiệt không lưu thông mà gây nên bệnh.

Tùy theo thể bệnh và mức độ bệnh tật mà có phương pháp điều trị thích hợp kể cả việc can thiệp ngoại khoa để loại bỏ búi trĩ. Xin giới thiệu một số bài thuốc Đông y để điều trị bệnh này.

Thuốc xông, rửa tại chỗ

Hoa thiên lý.

Theo kinh nghiệm dân gian dùng một trong những phương sau:

- Nhân hạt gấc (mộc miết tử) 40g, giã nát trộn với một ít giấm thanh rồi bọc vào vải đắp vào nơi búi trĩ.

- Lá muống biển, lá dây đau xương, thêm củ sả, một ít vỏ dừa đốt lên lấy khói xông vào nơi trĩ.

- Lá thiên lý non hoặc loại bánh tẻ 100g, đem rửa sạch giã nhỏ trộn với 10g muối, thêm 300ml nước cất, lọc qua vải gạc, rồi tẩm bông băng vào vết trĩ sau khi đã rửa sạch bằng thuốc tím, ngày 1-2 lần, làm trong vài ba ngày.

- Diếp cá 50g sắc đặc uống ngày 2 lần, bã còn lại dùng đắp vào búi trĩ.

- Xà sàng tử 40g, cam thảo 40g, tán thành bột trộn đều, ngày uống 9g chia làm 3 lần. Đồng thời nấu nước xà sàng tử xông và rửa.

Rau diếp cá.

Hoặc dùng một trong các bài thuốc sau:

Bài 1: Hòe hoa 20g, kinh giới 40g, chỉ xác 20g, ngải cứu 40g, phèn chua 12g. Cho vào nồi dùng lá chuối bọc kín, đem đun sôi độ 10 phút, chọc một lỗ thủng xông trực tiếp vào chỗ trĩ. Khi nguội dùng nước đó ngâm rửa, ngày hai lần.

Bài 2: Bạch chỉ 12g, mộc qua 18g, sinh bạch phàn 9g, rau sam 60g, ngũ bội tử 30g, xuyên tiêu 12g, hòe hoa 30g, cam thảo 12g. Sắc lấy nước dùng xông rồi rửa nơi đau.

Bài 3: Nếu trĩ thoát ra bên ngoài, sưng đau dùng minh phàn 30g, đại hoàng 20g, huyền minh phấn 30g, sắc lấy nước ngâm rửa trong 15 phút, ngày 2 lần liên tục trong 3-4 ngày búi trĩ sẽ tiêu.

Thuốc uống

- Trường hợp trĩ nội xuất huyết có khi thành giọt, màu đỏ sắc tươi, họng khô, miệng khát do nhiệt ủng, huyết ứ phải hành huyết, tán ứ, lương huyết, chỉ huyết.

Bài 1: Nụ hòe 50g, tam lăng 40g, chỉ thực 40g, tam thất 10g, thiến thảo 40g. Sắc uống ngày một thang chia làm 3 lần.

Bài 2: Sinh địa 20g, đương quy 12g, xích thược 12g, hoàng cầm 12g, địa du 12g, hòe hoa 12g, kinh giới 12g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 3: Sinh địa 12g, bạch thược 12g, trắc bá diệp 12g, hắc chi ma 12g, đương quy 8g, xuyên khung 8g, hòe hoa 8g, đào nhân 8g, chỉ xác 9g, đại hoàng 4g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 4: Nếu thiên về huyết nhiệt phải lương huyết, chỉ huyết, tán ứ và lý khí. Dùng khổ sâm 10g, hòe hoa 10g, tiểu kế 10g, sa nhân 10g, ô tặc cốt 10g, cam thảo 10g, địa du 10g, bồ công anh 20g, bạch đậu khấu 10g, bối mẫu 10g, lá sen 10g, tam thất bột 3g. Sắc uống ngày một thang.

- Trường hợp trĩ ngoại bị viêm nhiễm do thấp nhiệt, hậu môn sưng đỏ, đau, táo bón, nước tiểu đỏ, phải thanh nhiệt, lợi thấp, hoạt huyết, giảm đau.

Bài 1: Hoàng liên 12g, hoàng bá 12g, xích thược 12g, trạch tả 12g, sinh địa 16g, đào nhân 8g, đương quy 8g, đại hoàng 8g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 2: Hòe hoa 12g, trắc bá diệp 12g, địa du 12g, chi tử sao đen 12g, kinh giới sao đen 16g, kim ngân hoa 16g, chỉ xác 8g, xích thược 8g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày một thang chia 2 lần.

- Trường hợp người lớn tuổi, trĩ ra máu lâu ngày gây thiếu máu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, sắc mặt trắng, rêu lưỡi trắng, mỏng, người mệt mỏi, hơi thở ngắn, tự ra mồ hôi, thuộc thể khí huyết lưỡng hư, phải bổ khí huyết, thăng đề, chỉ huyết. Dùng phương “Bổ trung ích khí”: Nhân sâm 12g, đương quy 10g, bạch truật 12g, cam thảo 10g, hoàng kỳ 24g, trần bì 12g, sài hồ 12g, thăng ma 12g. Sắc uống ngày một thang.

Tùy theo tình trạng bệnh tật và sức khỏe người bệnh, có thể kết hợp vừa dùng thuốc uống tác động toàn thân vừa điều trị tại chỗ sẽ cho kết quả tốt hơn.

DSCKI. Phạm Hinh

Chứng đau đầu thống

Đau đầu thống, hay còn gọi là đau đầu đông. Dưới đây là một số phương cách chữa theo phương diện cổ truyền.

Theo lương y Phạm Như Tá, y học cổ truyền cho rằng, nguyên nhân gây đau đầu thống là do ngoại tà xâm nhập vào kinh lạc của cơ thể, đưa lên đầu, khí thanh dương bị ngăn trở, hoặc do công năng của các tạng phủ bị mất điều hòa, khí huyết hư tổn làm cho não bị hư yếu, thường liên quan đến can, tỳ, thận. Cũng có thể do té ngã, chấn thương hoặc bệnh lâu ngày làm cho khí trệ, huyết ứ gây nên.

Lương y Tá cho biết, nếu đau đầu thống bên trái thì dùng bài thuốc gồm các vị: xuyên khung 10g, phòng phong (mỗi vị 10g), đương quy 12g, khương hoạt 8g.

Nếu đau bên phải thì dùng bài thuốc gồm các vị: bạch chỉ, mạn kinh tử, huỳnh cầm (mỗi thứ 10g), độc hoạt 12g.

Nếu đau hai bên chân mày thì dùng bài thuốc gồm các vị: tửu cầm (sao), khương hoạt - mỗi vị 10g, bạc hà 8g.

Nếu đau chính giữa vùng đầu thì dùng bài thuốc với các vị: xuyên khung, cảo bán, mộc qua (mỗi vị 10g), huỳnh bá (tửu sao) 8g, hồng hoa 6g.

Phòng phong và  Hương phụ - Ảnh: K.Vy

Nếu đau lâu năm thể can hư huyết kém thì dùng bài thuốc gồm các vị: phòng phong, xuyên khung, bạch cương tằm, nam tinh (mỗi vị 12g), kinh giới, khương hoạt, bạch chỉ, thạch cao, toàn yết, hương phụ, thiên ma, địa long, xuyên ô, thảo ô (mỗi loại 6g), mộc dược, chích thảo, hùng hoàng, nhủ hương (mỗi thứ 2g). Hoặc dùng bài gồm các vị: đương quy, xuyên khung, tri mẫu, chi tử (sao), huỳnh bá (sao), mạn kinh tử, huỳnh cầm - mỗi loại 10g, sinh địa 16g, huỳnh liên 6g.

Nếu đau lâu năm, thường đau bên phải kèm theo khí huyết hư, thì dùng bài thuốc gồm các vị: cao thảo chích, thăng ma, tế tân, mạn kinh tử, huỳnh bá (sao), trần bì - mỗi loại 6g, thương truật (sao), sài hồ, xuyên khung - mỗi vị 10g, đương quy, huỳnh kỳ (mỗi loại 12g), đảng sâm 14g.

Cách sắc (nấu) các bài thuốc trên như sau: cho các vị thuốc vào nồi cùng 4 chén nước, sắc còn lại 1 chén, lấy nước thuốc ra; nước thứ nhì tiếp tục cho 3 chén nước vào, nấu còn lại nửa chén. Hiệp hai nước lại, chia làm 3 lần uống trong ngày.

Đó là những phương thuốc kinh nghiệm chữa đau đầu thống theo y học cổ truyền. Tuy nhiên, trên thực tế, tùy từng trường hợp, biểu hiện, thể trạng của mỗi bệnh nhân, cũng như các chứng bệnh đi kèm, mà thầy thuốc có những gia giảm, điều chỉnh phù hợp. Do vậy, cần tham khảo hay nhờ thầy thuốc có chuyên môn hướng dẫn để có hiệu quả.

Chứng can huyết hư trong Đông y

Chứng can huyết hư trước hết là do mất huyết quá nhiều, hoặc nguồn sinh hóa ra huyết kém, hoặc do ốm đau lâu ngày can huyết bị hao thương, khi can huyết bất túc, cân mạch mất đi sự nuôi dưỡng, dẫn đến cân mạch co rút, mắt kém, móng tay, móng chân giòn dễ gãy, chất lưỡi nhợt, mạch huyền tế... Chứng can huyết hư thường gặp trong các bệnh như: hư lao, bất mị (ngủ kém), huyễn vựng, tước manh, ma mộc, đối với phụ nữ thì thống kinh, kinh nguyệt không đều...

http://www.xaluan.com/images/news/Image/2009/08/07/1249633385.img.jpg

Triệu chứng lâm sàng

Đối với chứng can huyết hư sắc mặt thường xanh bợt, hoặc vàng bủng, cơ thể gầy còm, hai mắt khô, hay quáng gà, hoặc nhìn lờ mờ không thấy rõ, hoa mắt, ù tai, tay chân tê dại, cân mạch co rút, móng tay, móng chân không tươi nhuận. Đối với phụ nữ thì kinh nguyệt lượng ít, huyết nhạt, bế kinh, miệng môi, chất lưỡi trắng nhợt, mạch tế hoặc huyền tế...

Chứng can huyết hư thường gặp trong nhiều loại bệnh chứng, trên lâm sàng triệu chứng cũng không giống nhau.

Chứng can huyết hư là nói đến sự bất túc vì can chứa huyết, chủ về xơ tiết, can lấy huyết làm gốc, thể âm mà dụng dương, nếu huyết đầy đủ thì can có chỗ chứa, chức năng xơ tiết của can mới được bình thường, nếu can huyết bất túc, can mất đi sự nuôi dưỡng, sự xơ tiết của can kém đi từ đó xuất hiện các chứng như: ngực sườn trướng đầy hay xuất hiện ấm ức, không vui, có khi rầu rĩ, tự nhiên muốn khóc, đó là do can khí uất kết. Do huyết hư dương không đứng vững, hư nhiệt từ trong sinh ra, dẫn đến can dương thượng cang, tính tình nóng nảy, hay giận dữ, thường xuyên mất ngủ, khi ngủ hay mê, hoa mắt chóng mặt, đầu trướng đau.

Mặt khác can tàng huyết, thận chứa tinh, tinh và huyết sinh ra cùng một nguồn. Do chứng can huyết hư lâu ngày thường dẫn đến thận tinh hư suy xuất hiện các chứng như: lưng gối mềm yếu, chóng mặt ù tai, rụng tóc, răng lồi lên. Nam giới thì sinh dục kém, nữ giới thì không thụ thai, đó là chứng can thận hư tổn.

Khi can huyết hư, khí cơ không thông sướng, huyết đi sáp trệ dẫn đến khí trệ huyết ứ mà xuất hiện các triệu chứng như: mạng sườn đau nhói cố định, da nổi vảy, ria lưỡi ứ huyết, làm cho bệnh kéo dài khó điều trị.

Phương pháp điều trị

Chứng can huyết hư trong bệnh kinh nguyệt không đều của phụ nữ

Nguyên nhân: Do can huyết bất túc, huyết hải trống không, huyết không đầy đủ để ra đúng kỳ kinh.

Triệu chứng lâm sàng: Kỳ kinh ra muộn, lượng kinh ít, chất loãng, có trường hợp bế kinh.

Phương pháp điều trị: Bổ can, dưỡng huyết, điều kinh.

Bài thuốc: Đương quy 10g, bạch thược 8g, hoài sơn 12g, câu kỷ tử 8g, thục địa 12g, chích thảo 4g.

Tùy chứng trạng và thể trạng của bệnh nhân mà gia giảm cho thích hợp. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần, uống trước khi ăn, khi thuốc còn ấm.

Do can huyết hư sinh ra chứng thống kinh

Nguyên nhân bệnh: Do can huyết bất túc làm tổn thương thận tinh, hai mạch xung nhâm đều hư, bào mạch mất đi sự nuôi dưỡng mà sinh ra bệnh.

Triệu chứng lâm sàng: Trong khi hành kinh hoặc sau kỳ kinh bụng dưới đau âm ỉ, thích xoa bóp, chóng mặt, ù tai, lưng gối đau mỏi, mạch trầm huyền mà tế.

Phương pháp điều trị: Điều bổ can thận.

Bài thuốc: Đương quy 12g, a giao 12g, bạch thược 12g, sơn thù 8g, ba kích 6g, chích thảo 4g, hoài sơn (sơn dược) 16g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần, uống trước khi ăn, khi thuốc còn ấm.

Do can huyết hư sinh ra chứng hư lao

Nguyên nhân bệnh: Do can huyết bất túc, cân mạch không được nuôi dưỡng mà sinh ra bệnh.

Triệu chứng lâm sàng: Thể trạng gầy còm, sắc mặt không tươi tỉnh, tay chân mình mẩy tê dại, gân mạch co rút, móng tay, móng chân khô giòn, biến dạng.

Phương pháp điều trị: Bổ huyết dưỡng can.

Bài thuốc: Đương quy 12g, xuyên khung 8g, bạch thược 12g, thục địa 16g, táo nhân 16g, mạch môn 8g, mộc qua (quả chín phơi khô của cây mộc qua) 12g, chích thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần, uống lúc đói khi thuốc còn ấm.

Do can huyết hư mà sinh ra chứng tước manh (quáng gà)

Sách Bút hoa y kinh viết: Can bị hư là do thận thủy không hàm được mộc dẫn đến thiếu huyết, mạch ở tả quan tất phải mạch nhược, hoặc đại mà rỗng không, xuất hiện chứng hiếp thống, chóng mặt, mắt khô, đau vùng xương quầng mắt.

Nguyên nhân bệnh: Do can huyết bất túc, thanh khiếu không được nuôi dưỡng mà sinh ra bệnh.

Triệu chứng lâm sàng: Khi nhìn vào mắt thường tối sầm lại, chập tối bị quáng gà, hai tròng mắt bị khô sáp mà đau lan toả đến xương quầng mắt.

Phương pháp điều trị: Tư can dưỡng huyết.

Bài thuốc: Thục địa 12g, xuyên khung 6g, đương quy 8g, bạch thược 8g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần, uống lúc đói.

Do can huyết hư sinh ra chứng bất mỵ

Nguyên nhân bệnh: Do can huyết bất túc, thần thức không được nuôi dưỡng, hồn không có chỗ ẩn náu mà sinh ra bệnh.

Triệu chứng lâm sàng: Mất ngủ, hay mê, dễ sợ hãi, chóng mặt, hoa mắt, mạch huyền tế.

Phương pháp điều trị: Dưỡng huyết, bổ can, an thần.

Bài thuốc: Hắc táo nhân 20g, phục linh 12g, tri mẫu 12g, cam thảo 4g, xuyên khung 8g. Sắc uống như bài trên.

Chú ý: Các bài thuốc trên tùy chứng và sức khỏe bệnh nhân mà gia giảm các vị cho phù hợp.

TTND.BS. Nguyễn Xuân Hướng

Theo baodatviet.vn

Kinh nghiệm dân gian chữa bệnh Goute

Goute là bệnh khớp do rối loạn chuyển hóa thường gặp. Bệnh có liên quan đến rối loạn chuyển hóa chất purin và tăng nồng độ acid uric máu.

Tổn thương ngón chân cái trong bệnh goute

Đông y mô tả bệnh goute trong phạm trù thống phong, chứng tý. Y học cổ truyền có nhiều bài thuốc điều trị bệnh rất khả quan tùy từng thể bệnh.

Thể phong hàn thấp tý

Tổn thương ngón chân cái trong bệnh goute.

Phương pháp điều trị: khu phong tán hàn, trừ thấp thông kinh lạc.

Bài 1: Khương hoạt, đương quy, khương hoàng, chích hoàng kỳ, xích thược, phòng phong đều 9g; chích cam thảo, gừng tươi đều 3g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

- Nếu khớp co duỗi không được gia tế tân 3g, phụ tử 6g.

- Nếu chân tay nặng nề tê dại gia thương truật 9g, phòng kỷ 8g, ý dĩ nhân 12g.

- Nếu các khớp sưng đỏ gia thạch cao 10g, tri mẫu 10g, quế chi 6g, phòng kỷ 9g.

- Nếu đau ở chi trên gia tang chi 9g, uy linh tiên 12g.

- Nếu đau chi dưới nhiều gia ngưu tất 15g, tục đoạn 15g.

Bài 2: Khương hoạt 6g, cảo bản 3g, chích cam thảo 3g, mạn kinh tử 2g, độc hoạt 6g, phòng phong 3g, xuyên khung 3g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

- Nếu hàn nhiều gia xuyên thảo ô 10g, tế tân 1,5 - 3g.

- Nếu thấp tà nhiều, các khớp sưng đau gia phòng kỷ 15g, thương truật 10g, ý dĩ nhân 15g, phục linh 15 - 30g, mộc qua 10g.

Thể phong thấp nhiệt tý

Phương pháp điều trị: Sơ phong thanh nhiệt.

Bài thuốc: Thạch cao 30g, tri mẫu 9g, ngạnh mễ 9g, chích cam thảo 3g hợp với quế chi thang (gồm quế chi 9g, chích thảo 6g, thược dược 9g, sinh khương 9g, đại táo 5g). Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Thể thấp trọc ứ

Phương pháp điều trị: Lợi thấp tiết trọc, hóa đàm khứ ứ thông lạc.

Bài thuốc: Đào nhân 8g, bạch thược 12g, hồng hoa 6g, xuyên khung 8g, đương quy 8g, trần bì 8g, bán hạ chế 12g, phục linh 12g, trúc nhự 12g, bạch giới tử 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Thể tỳ hư ứ trọc:

Phương pháp điều trị: Kiện tỳ, tiết trọc, khứ ứ thông lạc.

Bài thuốc: Phòng kỷ 12g, hoàng kỳ 15g, bạch truật 12g, cam thảo 6g, gia độc hoạt 12g, ý dĩ nhân 12g, thương truật 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

- Nếu sưng phù chân thì gia quế chi 8g, phục linh 12g.

Ngoài thuốc sắc, dân gian còn nhiều cách chữa bệnh goute như sau:

Thuốc uống trong

Bài 1: Cành dâu 1kg, đường phèn 500g. Trước hết đem cành dâu sắc lấy nước, bỏ bã, thêm đường phèn vào làm thành cao, mỗi buổi sáng uống nửa thìa, hòa vào nước sôi, uống ấm.

Bài 2: Lá vừng tươi 60g. Lá vừng rửa sạch, băm nhỏ, sắc nước uống, mỗi ngày 2 - 3 lần.

Lưu ý: Về mùa đông không có lá vừng có thể thay bằng thân cây vừng. Đơn thuốc này có thể đề phòng viêm khớp tái phát.

Bài 3: Cỏ hy thiêm 12g. Sắc nước uống, mỗi ngày 2-3 lần.

Bài 4: Cỏ hy thiêm 90g, cam thảo 10g. Nghiền cả hai vị thành bột, mỗi lần uống 6g với nước sôi để ấm, ngày uống 3 lần.

Bài 5: Kê huyết đằng (còn gọi là dây máu người) 10-15g. Sắc nước uống, mỗi ngày 2 - 3 lần.

Bài 6: Đậu tương 50g, lá ngô 30g, đào nhân 15g. Sắc nước uống, mỗi ngày 2 - 3 lần. Đây là một nghiệm phương bí truyền trong dân gian, hiệu quả điều trị rất tốt.

Bài 7: Lá vừng 30g, mộc qua 15g, bạch quả (còn gọi ngân hạnh, công tôn phụ Ginkgo biloba) 12g. Sắc nước uống, mỗi ngày 1 - 2 lần.

Bài 8: Vỏ mướp 30g, ý dĩ nhân 30g, gừng khô 3g. Sắc nước uống, mỗi ngày 2 - 3 lần.

Thuốc đắp ngoài

Bài 1: Lá cây phù dung lượng vừa, phơi khô, nghiền thành bột, trộn với nước chè nguội, đắp vào chỗ đau, mỗi ngày thay thuốc 1 lần.

Bài 2: Bạch giới tử nghiền thành bột, trộn vào lòng trắng trứng gà, đắp vào chỗ đau, khoảng 3 giờ thì rửa đi.

Bài 3: Xương bồ 120g, cốt toái bổ tươi 250g. Tất cả giã nát, sao nóng, đắp vào chỗ đau, lấy vải băng lại, mỗi ngày thay thuốc 1 lần.

Bài 4: Xuyên ô, thảo ô, thương truật mỗi vị 30g. Tất cả nghiền thành bột, trộn vào rượu đun nóng lên, đem đắp vào chỗ đau. Mỗi ngày thay thuốc 1 lần.

Bài 5: Củ hành ta 10g, lá ngải cứu sống 60g, cốt toái bổ tươi 15g, nửa chén nước gừng tươi. Tất cả giã nát, đắp vào chỗ đau, mỗi ngày thay thuốc 1 lần.

Bài 6: Bột đại hoàng tẩm nước ấm đắp ở vùng khớp xương đau.

Lưu ý: Người bệnh gout nên hạn chế ăn những loại thức ăn giàu purin như phủ tạng động vật (gan, thận, óc...), các loại đậu, thịt tươi đỏ.  Bỏ hẳn đồ uống có cồn như rượu, bia, nước trái cây lên men... vì cồn làm giảm bài tiết acid uric qua thận, không nên uống nước ngọt có gas, trà, cà phê...

Trong cơn đau tuyệt đối để khớp nghỉ ngơi vì sự vận động làm phóng thích nhiều hơn các tinh thể muối urat vào trong khớp. Không nên chườm nóng vì sẽ làm cơn đau tăng lên.

BSCKII. Trần Lập Công

Theo Sức khỏe&Đời sống