Lưu trữ cho từ khóa: mốc phát triển

Những mốc phát triển của trẻ từ 0-5 tuổi

Ở độ tuổi nào con có thể làm được những gì là điều cha mẹ nào cũng quan tâm. Cùng điểm qua những cột mốc phát triển của bé từ 0-5 tuổi nhé!

Những năm tháng đầu đời của trẻ luôn mang đến nhiều bất ngờ và vui sướng cho những người làm cha mẹ. Do đó, việc hiểu biết về các cột mốc phát triển quan trọng của trẻ sẽ giúp cho các ông bố bà mẹ giảm bớt lo âu và thêm tự tin trong việc nuôi dưỡng và chăm sóc con. Và nếu bạn cũng đồng ý với ý kiến này thì đừng do dự, hãy đọc ngay những thông tin về cột mốc quan trọng cần quan tâm trong quá trình phát triển của trẻ.

nhung-moc-phat-trien-cua-tre-tu-0-5-tuoi

Theo Afamily.vn

Đánh giá trí thông minh của bé: cần phải khoa học

Mang thai đã là một quá trình vất vả cho các bà mẹ, nhưng nuôi dạy con mới là quá trình cần nhiều tâm sức hơn nếu như người mẹ muốn con được lớn lên trong những điều kiện tốt nhất. Không kém phần quan trọng, bên cạnh việc “nuôi con lớn”, việc “chăm con khôn” cũng luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhiều bà mẹ.

Làm cách nào để theo dõi biểu hiện trí thông minh hàng ngày của bé?

Chị Hân (quận 6, TP. HCM) chia sẻ: “Tôi tìm hiểu trên internet và báo chí để tìm hiểu sự phát triển của con. Chẳng hạn như khi bé 12 tháng tuổi phải biết gọi ba, mẹ, khi bé được 36 tháng phải biết hát những bài hát thiếu nhi cơ bản, hoặc phân biệt các màu sắc với nhau”. Còn với chị Trang (Bến Tre) thì có những phương pháp “thủ công” hơn: “Tôi tập cho con nói hằng ngày bằng cách nhắc lại cho bé nhiều lần và sau đó hỏi bé để kiểm tra. Trí não trẻ con như tờ giấy trắng, phải luyện tập thì bé mới có trí khôn được.”

Hai trường hợp trên đều cho thấy bà mẹ nào cũng ý thức được việc phát huy trí não cho con, nhưng lại với những mức nhận thức và phương pháp khác nhau. Theo tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn (thư ký chi hội Tiêu hoá Gan mật Nhi Việt Nam): “Mẹ cần nắm rõ các cột mốc vàng đánh dấu sự phát triển trí não của trẻ, đặc biệt là từ những năm tháng đầu đời, để hiểu rõ và có phương pháp nuôi dạy phù hợp, giúp bé phát huy tối đa trí thông minh.”

Nhận biết các mốc phát triển bằng những công cụ khoa học

Không giống như việc kiểm tra trí thông minh của người trưởng thành và trẻ lớn, với trẻ từ giai đoạn sơ sinh đến dưới 6 tuổi, đặc biệt là dưới 3 tuổi, có một số trắc nghiệm để đo chỉ số phát triển của bé như Fagan, Bayley, Denver…Điển hình với bài Test Fagan, chúng ta có thể đo chỉ số phát triển (developmental quotient-DQ) bằng phương pháp: trẻ sẽ được nhìn một số cặp hình ảnh gương mặt người quen thuộc xen lẫn với ảnh mới. Nguyên tắc của trắc nghiệm này được dựa trên giả thuyết trẻ có khả năng ghi nhớ những ảnh đã được xem trong một thời gian là 20 giây và sẽ thích nhìn những ảnh mới được giới thiệu trong 5 giây. Kết quả < 53% xác định các trẻ có nguy cơ chậm phát triển tâm thần về sau. Tỉ lệ này sẽ được máy vi tính tính từ tỉ lệ thời gian trẻ nhìn các ảnh mới so với tổng thời gian trẻ nhìn các ảnh mới và cũ, theo lý thuyết là hầu hết trẻ thường bị kích thích và nhìn vào những hình ảnh mới lâu hơn các ảnh đã trông thấy trước đó.

Mẹ cần theo dõi các cột mốc phát triển vàng của trẻ (Ảnh do nhãn hàng Gain Plus EyeQ cung cấp)

Các mốc phát triển trí não vàng của trẻ có thể được đánh dấu tại tháng thứ 6, 12, 24, và 36 và mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng, vì qua từng thời kì, não trẻ có những biến chuyển lớn mà nếu không nắm rõ và để ý, mẹ sẽ bỏ lỡ và không có những tác động kịp thời. Chẳng hạn như 6 tháng đầu đời, trẻ phát triển rất mạnh khả năng thị giác (từ việc chỉ nhìn mọi vật bằng màu trắng và đen, đến dần dần thấy các màu khác), bước sang tháng thứ 7, khả năng nhận thức của bé bắt đầu khởi động và đánh dấu bước phát triển cao hơn của trí não, cho đến tháng 36 là lúc khả năng tiếp thu và diễn đạt của trẻ lên cao trào nhất.

Bé phát triển nhanh đòi hỏi nhu cầu dinh dưỡng cao

Khi đã hiểu rõ các cột mốc phát triển trí não của trẻ, mẹ cần có những tác động tích cực để giúp trí não phát triển hiệu quả nhất, đặc biệt là chế độ dinh dưỡng. Quan trọng hơn là việc mẹ tìm hiểu chế độ dinh dưỡng được chứng minh lâm sàng để giúp bé đạt chuẩn tại từng cột mốc vàng. Phát triển trí não cho trẻ, mẹ cần nhiều hơn một dưỡng chất đơn lẻ giúp tối ưu cấu trúc và chức năng của não bộ bao gồm: phát triển tế bào não, chức năng học hỏi, ghi nhớ. Chính vì vậy, mẹ cần cung cấp một hệ dưỡng chất toàn diện, có sự tham gia đầy đủ và cân bằng và kết hợp khoa học của tất cả các dưỡng chất thiết yếu giúp bé hoàn thành tốt các cột mốc phát triển dựa trên các nghiên cứu khoa học (chứng minh lâm sàng).

Cần cung cấp một hệ dưỡng chất toàn diện cho trẻ để đảm bảo trí não phát triển đầy đủ (Ảnh do nhãn hàng Gain Plus EyeQ cung cấp)

Chế độ dinh dưỡng thông thường từ thức ăn không thể cung cấp đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cao của não bộ. Ngoài DHA, bé còn được cung cấp AA, Omega3, Omega6, Lutein, Taurin, Choline… và các vi, khoáng chất thiết yếu. Với nhu cầu này, ngoài những bữa ăn hàng ngày từ rau, thịt, cá, trứng, thì việc mẹ lựa chọn loại sữa công thức phù hợp, được tổng hợp tất cả các dưỡng chất một cách khoa học cũng đóng vai trò tính cực trong việc hỗ trợ và thúc đẩy cấu trúc và chức năng não bộ của bé phát triển hoàn chỉnh, là nền tảng cho sự phát triển trí tuệ.

 

Khi nào bé cưng biết lật?

(Webtretho) Các cụ vẫn dạy là "3 tháng biết lẫy, 6 tháng biết bò, 9 tháng lò lò tập đi" để điểm qua các mốc vận động quan trọng của bé trong năm đầu đời. Hầu hết các bé phát triển theo đúng mốc này, nhưng cũng nhiều bé nhanh hơn hoặc chậm hơn một chút.

Chúng ta hãy nghe các mẹ Webtretho tiết lộ thời điểm "cục cưng" của mình biết vặn mình lật úp lại nhé, và ngắm những bức ảnh "sâu đo" kinh điển của các bé nhé!

Tuổi thơ và những thời cơ “có một không hai” – Bé 3-7 tuổi

(Webtretho) Khi nuôi dạy trẻ, điều cần nhất là phải biết làm mọi chuyện vào đúng thời điểm của nó. Các hướng dẫn dưới đây sẽ giúp bố mẹ nhận ra những “cánh cửa thần kỳ” để giúp con chuyển tiếp qua những giai đoạn phát triển thuận lợi hơn.

>> Phần 1 - Dưới 1 tuổi

>> Phần 2 - Bé 1-3 tuổi

Thời cơ #8 - Từ 3 đến 5 tuổi

Chấm dứt những giấc ngủ ngày

Những giấc ngủ ban ngày rất khó lường, nên hãy chú ý thật kỹ đến những biểu hiện của con bạn. Tuy đến 93% trẻ em dưới 3 tuổi ngủ ngắn trong ngày, chỉ chưa đầy một nửa số trẻ 4 tuổi làm điều này – và hầu như tất cả mọi trẻ em đều từ bỏ thói quen này khi vào nhà trẻ. Nếu con bạn ngủ thiếp đi ngay khi bạn đặt bé nằm xuống vào trong ngày, bé vẫn cần giấc ngủ này, nhưng nếu ngủ xong mà bé chơi đến tận 9 rưỡi tối thì đã đến lúc nói lời tạm biệt thói quen này.

Webtretho - Giấc ngủ ngày
Từ 3 tuổi, mẹ nên tập cho bé bỏ dần những giấc ngủ ngắn ban ngày - Ảnh: Gettyimage

Chiến thuật khôn ngoan: Khi con bạn mới cai ngủ ngày, hãy cho bé đi ngủ sớm hơn từ 30 đến 60 phút. Đồng thời duy trì một thời gian yên tĩnh cho bé vào buổi trưa (hoặc yêu cầu nhà trẻ / trường mẫu giáo của con làm tương tự), điều này sẽ cho cả bạn và bé một thời gian giải lao cần thiết cũng như cho phép bé tự do gà gật trong những ngày mệt mỏi.

Thời cơ #9 - 5 đến 7 tuổi

Tháo bánh xe phụ ra

Đa số trẻ em có thể đạp được xe 2 bánh ở tuổi mẫu giáo. Hãy mua cho con một chiếc xe đạp với bánh phụ sơ cua, và để con tập luyện cho đến khi bé có thể lượn lờ quanh sân như một tay đua chuyên nghiệp.

Chiến thuật khôn ngoan: Hãy tháo bánh phụ và bàn đạp ra (nhưng phải đảm bảo con bạn có thể chống chân vững vàng xuống đất khi ngồi trên yên.) Bảo con đẩy xe về phía trước bằng chân và nhấc bổng chân lên khỏi mặt đất. Khi bé đã thành thạo việc giữ thăng bằng, hãy gắn bàn đạp trở lại và xem bé chạy.

Thời cơ #10 - 6 đến 7 tuổi

Tự tắm một mình

Trẻ nhỏ hơn độ tuổi này cần được giám sát, vì chúng có thể trượt chân té ngã. Trước khi để con tắm một mình, hãy xem bé làm một vài lần để đảm bảo bé có thể kì cọ mình mẩy và xoa dầu gội đầu cẩn thận, xả sạch xà bông, vặn tắt vòi sen mà không làm ngập lụt nhà tắm.

Webtretho - Bé tự tắm

Trẻ tiểu học đã có thể tự tắm cho mình - Ảnh: Gettyimage

Chiến thuật khôn ngoan: Hãy tập cho con làm quen tự tắm từ khi học mẫu giáo. Dùng vòi sen để xả tóc cho bé và để bé làm thử. Bị nước dội lên đầu có thể hơi đáng sợ đối với trẻ emnhưng nếu bạn bắt đầu sớm thì bé sẽ quen thôi.

Không bao giờ là quá trễ!

Nếu bỏ lỡ “thời cơ chín muồi” cho một bước tiến nào đó thì có phải đã hết hy vọng không? Tất nhiên là không. Với những chiến thuật này, bạn có thể giúp con đạt đến trình độ mới.

+ Hãy thư giãn: Khi bạn bực dọc tức tối, con sẽ cảm nhận được và tình hình chỉ thêm căng thẳng mà thôi. Vì vậy nếu bé không chịu học một kỹ năng mới, hãy hít một hơi thật sâu và bỏ qua chuyện đó. Bạn có thể bắt đầu lại trong khoảng một tháng.

+ Để cho con được quyền quyết định: Hãy cho con lựa chọn bất cứ khi nào có thể (“Con muốn ngồi bô nhỏ hay bô lớn nào?”) để khuyến khích sự hợp tác.

+ Hãy kiên định: Khi đã cất núm vú cao su đi thì đừng mang nó trở lại – dù cho bạn có xấu hổ đến đâu vì con khóc nhèo nhẹo nơi công cộng đi chăng nữa. Đi ngược lại lời mình nói sau khi đã đề ra giới hạn sẽ làm sụt giảm uy quyền của bạn.

+ Hãy nêu gương: Nhìn thấy bạn mình làm gì đó sẽ khiến bé mong muốn làm theo. Khi bạn của bé chuyển sang ngủ giường cho trẻ em, hãy nói rằng người bạn nọ mới người lớn làm sao.

Tuổi thơ và những thời cơ “có một không hai” – Bé 1-3 tuổi

(Webtretho) Khi nuôi dạy trẻ, điều cần nhất là phải biết làm mọi chuyện vào đúng thời điểm của nó. Các hướng dẫn dưới đây sẽ giúp bố mẹ nhận ra những “cánh cửa thần kỳ” để giúp con chuyển tiếp qua những giai đoạn phát triển thuận lợi hơn.

>> Phần 1 – Dưới 1 tuổi

Thời cơ #5 – 12 đến 18 tháng tuổi

Làm quen với “đồ chơi ghiền”

Webtretho - Đồ chơi ghiền của bé

"Chăn yêu" có thể giúp bé khuây khỏa khi mẹ không kề bên - Ảnh: Gettyimage

Ở tuổi này, rất nhiều em bé bị thu hút một cách tự nhiên đối với một tấm chăn mềm, thú nhồi bông hay búp bê. Bạn có thể giúp biến một đồ vật thành “món nghiền” bằng cách cho con ôm nó khi hai mẹ con đọc sách hoặc khi con bạn đang ngủ. Sự căng thẳng khi xa mẹ thường dâng cao ở đầu năm tuổi thứ hai, và việc sở hữu một đồ vật dễ chịu để ôm ấp sẽ giúp bé vững tâm hơn khi không có bạn bên cạnh. (Khoảng 40% trẻ em không bao giờ trở nên gắn bó với một đồ vật ôm ấp nào, nên đừng lo lắng nếu con bạn cũng vậy.)

Chiến thuật khôn ngoan: Mất đi “vật cưng” có thể là điều rất khủng khiếp với một đứa trẻ. Vì vậy, bạn nên tìm một vài thứ sơ cua giống hệt nhau và thay đổi khi bé chọn lựa để tất cả chúng đều mang đến cảm giác quen thuộc.

Thời cơ #6 – 12 đến 23 tháng

Giã từ núm vú giả

Chiếc núm vú cao su thân yêu của con giúp làm thoả mãn thôi thúc được bú của bé và làm giảm thiểu nguy cơ đột tử không rõ nguyên do ở trẻ em. Nhưng khi con đang chơi đùa, nó sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng tương tác với những người chung quanh và cản trở quá trình phát triển ngôn ngữ. Hãy bắt đầu bằng cách giới hạn lại khi bé được 1 tuổi, chỉ cho bé ngậm khi ngủ hoặc những thời điểm căng thẳng (ví dụ như khi bạn để bé lại với người trông trẻ), và chấm dứt hoàn toàn khi bé 2 tuổi. Sau thời điểm đó, núm vú cao su trở thành một thói quen rất khó bỏ.

Chiến thuật khôn ngoan: Cũng như câu chuyện về “bà tiên răng” bạn kể khi bé thay chiếc răng đầu tiên sau này, bạn có thể kể câu chuyện tương tự về “bà tiên núm vú”, người sẽ mang chúng đi và để lại đồ chơi thế vào chỗ đó; hoặc tổ chức một buổi tiệc tiễn-chân-núm-vú – cho tất cả vào trong hộp và giúp bé trang trí, hát vài bài ca tạm biệt, rồi quẳng chúng đi vĩnh viễn.

Thời cơ #7 – 2 tuổi rưỡi đến 3 tuổi

Huấn luyện cách đi vệ sinh

Webtretho - Bé ngồi bô

"Mẹ xem này, con đã ngồi bô được rồi này!" - Ảnh: Gettyimage

Dĩ nhiên, một số trẻ biết cách sử dụng toilet sớm hơn. Nhưng một nghiên cứu được đăng trên tờ Nhi Khoa phát hiện ra rằng: những vị phụ huynh bắt đầu tiến trình này trước khi con họ đủ 27 tháng tuổi sẽ phải đối phó tình trạng “tè dầm” lâu hơn những bé đợi cho đến đúng giai đoạn. Nếu tiến hành sớm quá, bạn sẽ mất đến vài tháng trong việc huấn luyện trẻ. Nhưng nếu biết chờ đợi, bạn chỉ cần hai ngày cuối tuần là đủ.

Chiến thuật khôn ngoan: Mua bô cho con để khiến bé hứng thú cũng là một ý hay. Tuy nhiên hãy ghi nhớ rằng, con bạn thỉnh thoảng tè vào bô không có nghĩa là bé đã sẵn sàng để được huấn luyện. Trước tiên, bé cần có khả năng giữ khô ráo liên tục trong vài giờ, biết dùng từ để diễn tả mỗi hành động (ví dụ như “tè” hay “ị”), và có khả năng kéo quần lên xuống cũng như tự đứng lên, ngồi xuống bô. Bạn cũng cần phải xem xét mức độ hợp tác của bé nữa. Nếu bạn bảo con làm gì đó mà bé bỏ chạy thì nên đợi một thời gian hẵng huấn luyện cho bé ngồi bô.

Tuổi thơ và những thời cơ “có một không hai” – Dưới 1 tuổi

(Webtretho) Khi nuôi dạy trẻ, điều cần nhất là phải biết làm mọi chuyện vào đúng thời điểm của nó. Các hướng dẫn dưới đây sẽ giúp bố mẹ nhận ra những “cánh cửa thần kỳ” để giúp con chuyển tiếp qua những giai đoạn phát triển thuận lợi hơn.

Tìm ra những “cánh cửa thần kỳ” cho sự chuyển tiếp giai đoạn của từng đứa trẻ, từ việc tạm biệt núm vú cao su cho đến chuyện bỏ bánh sơ cua của xe đạp ra là thực sự quan trọng nhưng lại rất hay bị bố mẹ “bỏ quên” và rồi sau này lại tiếc nuối vì cơ hội đã qua. Vì vậy hãy đánh dấu ngay vào lịch của bạn đi – chúng tôi đã tham vấn các chuyên gia về thời điểm lí tưởng để thực hiện gần như mọi thứ rồi đây.

Thời cơ #1 –  2 đến 4 tuần tuổi

Cho bé tập bú bình

Webtretho - Bố tập cho bé bú bình
Để bố tập cho con bú bình hóa ra lại là cách rất hay mẹ ạ! – Ảnh: Inmagine

Tập cho em bé nhỏ xíu mới sinh của bạn bú bình khi bé mới vừa quen bú mẹ có thể khiến bé bối rối, thậm chí khiến bé từ chối núm vú của bạn. Thực tế, đây là tình huống khiến nhiều bà mẹ rối trí nhất khi con họ hoặc bỏ sữa mẹ, hoặc không chịu bú bình dẫn đến những vất vả khôn lường về sau cho mẹ khi cho bé ăn. Hầu hết các bác sĩ nhi đồng ý rằng bạn nên cho bé làm quen với việc bú bình trước khi tròn 1 tháng tuổi. Nếu bạn để qua thời điểm đó, con bạn có thể sẽ không chịu hợp tác nữa. Và bạn có biết rằng sẽ rất tốt nếu bạn để bố bé giúp bạn tập bú bình cho bé?

Chiến thuật khôn ngoan: Nếu có ý định hút sữa thường xuyên, bạn nên mua một chiếc máy hút sữa bằng điện có khả năng hút hai bên cùng 1 lúc để tiết kiệm thời gian. Hãy sử dụng máy sau khi cho con bú vào buổi sáng, khi lượng sữa của bạn đang ở đỉnh điểm. Và hãy nhớ rời khỏi phòng khi bố hoặc bà của bé cho bé bú bình lần đầu tiên, vì con bạn có thể không chịu bú bình nếu thấy có bạn gần đó.

Thời cơ #2 – 4 đến 6 tháng tuổi

Tập cho bé ngủ suốt đêm

Khi đến tuổi này, đa số các bé không cần cho bú lúc nửa đêm nữa và có thể tự ngủ lại được. Con bạn cũng có thể như thế nếu bạn duy trì một thời khoá biểu thông thường mỗi chiều. Còn nếu không, đây là thời điểm huấn luyện cho con về thói quen ngủ, cho dù bằng cách để yên cho bé khóc, hay dỗ dành bé mỗi năm phút và kéo giãn thời gian giữa những đợt thăm chừng ra. Nếu bạn đợi đến khoảng 8 tháng tuổi, con bạn sẽ nhớ được là bạn hay đến mỗi khi bé vòi, như vậy bé sẽ trở nên nhõng nhẽo hơn và bạn sẽ khó mà cải thiện được tình hình.

Chiến thuật khôn ngoan: Nếu con bạn không thể tự ngủ được, hãy cho con vào giường sớm trước khi bé mệt mỏi quấy khóc. Bạn cũng có thể mua một chiếc máy tạo âm thanh êm dịu hay rèm tối treo trong phòng để chặn các âm thanh và ánh sáng có thể gây khó khăn cho việc ngủ của bé.

Thời cơ #3 – 7 đến 9 tháng tuổi

Uống bằng ly có vòi

Con bạn có thể chưa uống được ngay, nhưng bạn cũng nên đặt một chiếc ly có hai quai cầm bên cạnh ghế ăn của bé trong mỗi bữa ăn. Bằng cách tập luyện cộng với sự động viên, bé sẽ tìm ra cách uống nước từ ly có vòi, và điều đó sẽ khiến bé cai bú bình dễ dàng hơn nhiều.

Webtretho - Uống nước bằng ly có vòi

Tập cho bé uống nước bằng ly có vòi đúng thời điểm sẽ giúp dễ cai bú bình cho bé về sau - Ảnh: Inmagine

Chiến thuật khôn ngoan: Nếu con bạn gặp khó khăn khi uống ly có vòi, hãy thử bỏ van chống tràn ra. Có thể hơi bừa bộn một tí, nhưng cách đó sẽ khiến bé uống dễ dàng hơn nhiều, và sau này chuyển sang uống ly thường cũng dễ nữa. Ngoài nước, hãy cho sữa bột hoặc sữa mẹ vào trong ly có vòi để con bạn cảm thấy thoải mái hơn khi uống sữa từ ly một khi bé đã cai bú.

Thời cơ #4 – Khoảng 6 tháng tuổi

Bắt đầu ăn dặm

Dù cho mẹ bạn có cho bạn ăn sữa pha nước cơm hay ngũ cốc trong bình từ lúc mới sinh đi nữa thì con bạn có thể bị nghẹn vì những thức ăn đặc và có nhiều nguy cơ bị dị ứng thức ăn hơn nếu tiếp xúc với thức ăn đặc quá sớm. Hãy đợi cho đến khi bé gần 6 tháng tuổi, và tìm những dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng để ăn dặm: Bé có khả năng ngồi thẳng dậy nếu được giúp đỡ, kiểm soát đầu tốt, cho đồ vào miệng, và tỏ ra hứng thú với những thứ mà bạn ăn. Đừng đợi lâu hơn 6 tháng tuổi, vì con bạn cần có chất sắt trong ngũ cốc dành cho trẻ em cũng như lượng calories cộng thêm từ thức ăn.

Chiến thuật khôn ngoan: Hãy cho bé ăn thức ăn thô vào cuối ngày, khi lượng sữa của bạn ít đi. Hãy tìm thời điểm con bạn đã bú xong nhưng vẫn nhìn quanh quất đòi ăn thêm.

(Còn tiếp)

Học mà chơi – bé từ 12 tháng tuổi

(Webtretho) Khi đã làm mẹ, bạn có một lý do tuyệt vời để vui chơi thêm một chút! Xét cho cùng, đó là cách bạn giúp bé học tốt nhất. Hãy tận dụng càng nhiều thời gian chơi cùng bé càng tốt và đừng quên tối đa hóa khả năng học mà chơi của bé nhé.

>> Học mà chơi - bé từ 0-3 tháng tuổi

>> Học mà chơi - bé từ 3-6 tháng tuổi

>> Học mà chơi - bé từ 6-12 tháng tuổi

Từ 12 tháng tuổi

Kích thích giác quan

Hình ảnh

Bé đang học cách nhận diện những khuôn mặt quen thuộc trong các bức ảnh. Đây là một hoạt động tốt để rèn luyện trí nhớ và giúp bé nhận diện những người thân, họ hàng khi gặp lại họ: “Bà đâu con nhỉ?”, “Chú Bảo đâu con?”. Bé cũng có thể học âm thanh phát ra từ các con vật trong bức tranh và lắng nghe âm thanh của các con vật này ở bên ngoài.

Âm thanh

Các loại nhạc cụ đồ chơi sẽ giúp bé tìm được giai điệu cho riêng mình. Các loại trống đồ chơi, đàn phiến gỗ, nhạc cụ Maraca và đàn piano chính là những trò chơi âm nhạc thú vị để bé học hỏi. Bạn dạy bé hát bài hát “Bảng chữ cái” hoặc những bài hát mà gia đình bạn yêu thích.

Webtretho - Nhạc cụ đồ chơi

Ảnh: Inmagine

Xúc giác

Vào độ tuổi này, bé thích cảm nhận mọi thứ xung quanh bằng tay nhiều hơn là bằng miệng. Những quyển sách có hình ảnh nổi lên, các bức tranh dựng hình hoặc những hình ảnh được minh họa bằng các chất liệu khác nhau chính là bài học về hình ảnh thú vị cho bé và giúp bé phát triển kỹ năng xúc giác cũng như kỹ năng vận động.

Kỹ năng vận động tinh

Vào khoảng 15 tháng tuổi, em bé đã có thể điều khiển chuyển động cổ tay của mình mà không cần phải di chuyển toàn bộ cánh tay, điều này cho phép bé thực hiện các trò chơi bằng nhiều hành động đa dạng và chính xác hơn. Bé có thể thực hiện các động tác như múc nước đổ vào bồn, múc cát đổ vào hố cát; bé sẽ phát hiện ra trọng lực. Đồng thời, em bé của bạn cũng có thể tạo ra những “tác phẩm nghệ thuật” bằng các loại bút chì không độc hại và dùng ngón tay để sơn mọi thứ. Các trò chơi nhận dạng hình khối và xếp hình cũng sẽ giúp ích cho bé học tập kỹ năng xác định vị trí và hình khối của một vật.

Cột mốc vận động thô

Webtretho - Bé chơi đồ chơi

Đồ chơi cũng giúp rất nhiều trong việc phát triển kỹ năng vận động thô ở trẻ - Ảnh: Inmagine

Một số kiểu đồ chơi tập đi mới thay thế xe tập đi kiểu cũ - được cho là không an toàn cho bé – có thể giúp phát triển kỹ năng đi đứng cho bé trong giai đoạn tập đi. Những kiểu trò chơi kéo và đẩy cũng có tác dụng giúp các bé trong độ tuổi này học cách giữ thăng bằng. Khi em bé của bạn lớn hơn và biết cách phối hợp hơn thì sân chơi của khu phố chính là không gian tuyệt vời để bé tự tin học hỏi và chủ động tiếp thu những kỹ năng mới như leo trèo, giữ thăng bằng và nhảy. Đến khi được 18 tháng tuổi, bé có thể ném được một quả bóng.

Tăng cường trí tuệ

Bé luôn mong muốn được như bố mẹ. Hãy khuyến khích bé tham gia vào các trò chơi nhận thức xã hội , chẳng hạn như trò chơi “ngôi nhà tí hon” với đầy đủ vật dụng nhà bếp, máy cắt cỏ, các đồ dùng, thiết bị đồ chơi, trang sức. Tạo điều kiện cho bé phát huy trí tưởng tượng của mình bằng những bộ trang phục phù hợp cùng với những con rối, những cô cậu búp bê có thể cùng bé đóng vai một gia đình. Hãy để bé tự do phát triển trí tưởng tượng phong phú của mình trong một môi trường an toàn. Khi bạn và bé cùng đọc sách, hãy để bé tự “đọc” giúp bạn bằng cách nhìn vào hình ảnh và kể ra những câu chuyện dựa trên những hình ảnh đó, cho dù bé chỉ bi bô hoặc có thể nói ra thành từng câu, từng chữ. Thường xuyên đáp lại và hưởng ứng để bé biết rằng bạn vẫn đang lắng nghe.

Học mà chơi – bé từ 6-12 tháng tuổi

(Webtretho) Khi đã làm mẹ, bạn có một lý do tuyệt vời để vui chơi thêm một chút! Xét cho cùng, đó là cách bạn giúp bé học tốt nhất. Hãy tận dụng càng nhiều thời gian chơi cùng bé càng tốt và đừng quên tối đa hóa khả năng học mà chơi của bé nhé.

>> Học mà chơi – bé từ 0-3 tháng tuổi

>> Học mà chơi – bé từ 3-6 tháng tuổi

Từ 6-12 tháng tuổi

Kích thích giác quan

Hình ảnh

Cuối cùng thì bé của bạn cũng đã có thị lực hoàn chỉnh để có thể cảm nhận được chiều sâu. Bé đã biết thích thú với đủ loại màu sắc khác nhau, tất nhiên là những món đồ chơi có màu sắc tươi sáng bao giờ cũng thu hút bé hơn.

Webtretho - Bé và đồ chơi

Bé thích những đồ chơi có màu tươi sáng - Ảnh: Inmagine

Âm thanh

Hãy thử cho bé nghe nhiều loại nhạc khác nhau và cùng nhún nhảy với bé. Bé đã đủ lớn để thích thú tự mình điều khiển các đồ chơi phát nhạc. Ca hát và trò chuyện với bé như những người bạn sẽ khiến bé hứng thú và giúp bé rèn luyện những kỹ năng xã hội rất tốt về sau này.

Xúc giác / vị giác

Vào thời điểm này, bé đã có thể nắm lấy bất cứ thứ gì trên đường đi của mình. Bé muốn khám phá những đồ vật lạ mắt bằng cách chạm bàn tay mình vào chúng và thậm chí là bằng cách thử cho chúng vào miệng. Đây chính là thời điểm để bé bắt đầu khám phá thế giới xung quanh. Hãy để các món đồ chơi an toàn, không độc hại xung quanh bé và nhờ đó, bé có thể khám phá được nhiều hình dạng, kích thước và cấu trúc khác nhau.

Kỹ năng vận động tinh

Webtretho - Đồ chơi

Ảnh: Inmagine

Ở độ tuổi này, bé rất thích thú các món đồ chơi, bé sẽ làm mọi cách để có được món đồ chơi mà mình thích và sẽ khóc khi bị người khác lấy mất món đồ chơi của mình. Bé sẽ bắt đầu thực hiện các thao tác mới với những món đồ chơi quen thuộc. Bé cũng có thể chuyền món đồ chơi từ tay này sang tay kia và có thể lật được các trang sách của mình.

Những bộ đồ chơi hình khối hoặc kiểu đồ chơi tác động- kết quả bắt đầu phù hợp với bé và bé sẽ học cách sử dụng các món đồ chơi hướng đến một mục đích nào đó. Những trò chơi kiểu như đưa cái này, lấy cái kia sẽ chiếm hết cả thời giờ của bé. Một em bé khoảng 9 tháng tuổi bỗng dưng hứng thú với việc khám phá và lục tung mọi thứ trong chiếc hộp, ngăn kéo hay kệ đựng đồ thì không có gì đáng bất ngờ. Khoảng 1 tháng sau đó, bé lại quan tâm nhiều hơn đến việc sắp xếp các món đồ chơi của bé vào thùng đồ chơi (nơi mà trước kia bé thích lục tung lên).

Cột mốc kỹ năng vận động thô

Cách tốt nhất bạn có thể làm để giúp con bạn tiến đến những cột mốc quan trọng về thể chất là cho bé nhiều cơ hội để phát triển và khám phá. Các bé thường xuyên được bế bồng hoặc cho ngồi một chỗ sẽ không có cơ hội để khám phá ngay cả khi bé đã sẵn sàng và hoàn toàn có thể làm được. Khi được khoảng 1 tuổi, em bé đã có thể chơi trò lăn bóng qua lại cùng bạn.

Tăng cường trí tuệ

Vào thời điểm này, bé đã có thể nhận thức được lời nói và cử chỉ. Ngay cả trước khi bé biết nói, bạn cũng có thể giao tiếp và truyền đạt những ý tưởng đơn giản thông qua các dấu hiệu hoặc cử chỉ. Trong vòng hai năm đầu đời, chính những dấu hiệu và cử chỉ này được xem là một cách để bé giải tỏa được những nỗi thất vọng, tức giận hoặc bày tỏ sự đòi hỏi của mình. Nếu em bé của bạn học được cách vẫy tay, vỗ tay hoặc “mi gió” có nghĩa là bé đã sẵn sàng để học những ký hiệu giao tiếp cơ bản.

>> Học mà chơi – bé từ 12 tháng tuổi trở lên

Đặc điểm phát triển chung của lứa tuổi 3, 4, 5

(Webtretho) Lên 3, thế giới của con đã mở rộng ra rất nhiều, và cùng với đó, con cũng "trưởng thành" hơn rất nhiều. Bố mẹ cần biết gì về sự phát triển của con để chuẩn bị cho con thật tốt bước ra thế giới? Bạn chưa tự tin ư, hãy cùng Webtretho tìm hiểu nhé.


Trẻ 3 tuổi

Trẻ 3 tuổi có cái nhìn về thế giới rộng mở hơn, các khái niệm về thời gian và không gian bắt đầu có những biến đổi thú vị. Các bé bắt đầu hiểu được sự phức tạp của thế giới xung quanh và nhận ra sự khác nhau giữa thực và giả. Chúng thường hỏi những câu kiểu như “Buổi tối chim có đi ngủ không mẹ?”, “Hồi ba còn nhỏ thì có con khủng long không?” và “Mấy cô chú trong TV đó là người thiệt hay giả bộ vậy mẹ?”

Trẻ 3 tuổi

"Buổi tối chim có đi ngủ không mẹ?" (Ảnh: Inmagine)

Với chúng, quá khứ được phân thành: hồi nãy, hôm qua, tuần trước, tháng trước, hồi xưa, hồi ba mẹ nhỏ xíu... Tương lai thì được chia thành: ngày mai, sắp… rồi, hay mai mốt con lớn. Mặc dù có thể không biết tên của các mùa trong năm nhưng trẻ 3 tuổi đã bắt đầu tìm ra các mối tương quan, chúng có thể liên tưởng mùa hè với tiết trời oi bức, cả nhà đi du lịch tắm biển, mùa thu với lá vàng và Tết Trung Thu…

Giống như thời gian, không gian được chia thành nhiều loại: Có những nơi gần và ta có thể đi bộ đến; có những nơi xa không thể đi bộ được; và cũng có những nơi rất rất xa, như châu Phi, mặt trăng. Các bé cũng chia mọi người xung quanh theo mức độ già trẻ, chẳng hạn như con nít, người lớn đi làm, người già ở nhà. Các sự vật có thể sống hoặc không, người và loài vật có thể sống hoặc chết, và mọi thứ có thể thật hoặc giả.

Tới 3 tuổi, các triệu trứng “bướng bỉnh trẻ lên 2” sẽ dần hết và trẻ sẽ đằm tính hơn. Trẻ 3 tuổi có khả năng tập trung tới vài phút để làm một việc gì đó và thích chơi đùa với các trẻ khác hơn. Tới thời điểm này, trẻ cũng biết biểu lộ nhiều dạng cảm xúc hơn. Chúng có thể buồn hoặc tỏ ra đăm chiêu, có thể ganh tị, cảnh giác, sợ hãi hoặc hài lòng, vui vẻ, khoái chí. Các bé cũng nắm bắt được nhiều hơn cảm xúc của người khác. Chúng biết nên làm cho người lớn hài lòng, với một động lực hết sức mạnh mẽ là được người khác khen ngợi và yêu thương. Mặc dù trẻ 3 tuổi có khuynh hướng ít giận dữ hơn trẻ lên 2, nhưng khi mệt hoặc đói thì chúng cũng không ngoan được đâu.


Trẻ 4 tuổi

Trẻ 4 tuổi ngày càng ý thức mình là một thành viên trong một tập thể. Chúng dành phần lớn thời gian để tạo dựng và giữ vững vị trí với các trẻ đồng trang lứa. Chúng cũng dễ dàng sử dụng vốn từ vựng của mình để khen, chê và “chỉnh” những đứa trẻ khác nhằm hướng sự chú ý vào khả năng của chúng và thuyết phục các bạn cùng chơi chấp nhận ý tưởng mà chúng đưa ra.

Trẻ 4 tuổi thích chơi với trẻ khác, có thể dọa dẫm hoặc hứa hẹn để giành lấy một đứa bạn hoặc để được “kết nạp” vào một nhóm bạn. Vậy nên ở trường mẫu giáo, bạn có thể rất hay nghe thấy những câu như “Mình làm bạn của nhau nhé” và “Mình không chơi với bạn đâu.”

Trẻ 4 tuổi cần nhiều không gian để chơi, vì trò nào chúng cũng có thể chơi được cả, đặc biệt là thích trò “siêu nhân” và “quái vật”. Mặc dù đã biết chia sẻ đồ chơi với nhau và thay phiên chơi chung một món đồ nhưng chuyện giành đồ chơi giữa các bé 4 tuổi vẫn xảy ra như cơm bữa. “Chiến tranh” thường bắt đầu bằng việc cãi nhau rồi kết thúc bằng xô đẩy, đấm, đá. Thường thì các bé cũng không thể làm nhau đau lắm đâu, nhưng người lớn vẫn phải canh chừng.

Lên 4 tuổi, bé thích khám phá những điều mới lạ như đu xích đu, nhớ tên các loại khủng long, đếm từ 1 tới 20, và chơi game trên máy tính. Chúng tin vào những gì chúng nhìn thấy, nghe thấy và chạm tay vào. Nếu một đứa trẻ 4 tuổi nghĩ rằng ly nước trái cây của nó ít hơn của bạn thì có nghĩa là ly của bạn thật sự nhiều hơn, dù cả 2 ly đều được rót từ 2 hộp như nhau. Nếu một đứa trẻ 4 tuổi nghe thấy tiếng một con quái vật đang gầm gừ dưới giường thì có nghĩa là thật sự có một con quái vật ở dưới giường, mặc cho bố mẹ có giải thích đến đâu chăng nữa..

Ở tuổi này, bé cũng rất tò mò và rất thích hỏi “Tại sao?”

Trẻ 5 tuổi

Trẻ lên 5 có thể kiên trì vẽ cho đến khi được bức tranh như mong muốn. (Ảnh: Inmagine)


Trẻ 5 tuổi

Trẻ 5 tuổi dường như lớn hẳn lên trên nhiều phương diện. Giống như khi 4 tuổi, trẻ 5 tuổi thích khám phá những điều mới lạ, nhưng chúng có thể kiên trì luyện tập để thành thục hơn. Ví dụ khi vẽ một cái cầu vồng, một ngôi nhà hay tự họa chân dung, chúng có thể cố gắng vẽ đến khi nhìn được bức tranh như chúng muốn.

Trẻ 5 tuổi cũng thích chơi trò đóng vai các nhân vật khác, nhưng ở mức độ công phu hơn. Trước khi chơi, trẻ thường chuẩn bị các đạo cụ để đảm bảo câu chuyện được diễn ra theo một trình tự hợp lý. Nếu mở “show trình diễn”, chúng sẽ làm sân khấu, bán vé và thay đổi phục trang trước khi trình diễn. Mở màn, chúng có thể sẽ bước lên sân khấu giới thiệu nội dung của buổi diễn, sau đó diễn một vài cảnh, rồi kết thúc bằng việc cúi đầu chào kiểu cách kèm theo những tràng pháo tay rộ lên.

Trẻ 5 tuổi thích dùng và diễn giải các ký hiệu, biểu tượng. Hầu hết trẻ ở độ tuổi này rất nghiêm túc muốn học hỏi, và một số có thể học các cơ chế đọc viết nhanh hơn những đứa khác. Chúng thích tự mình đọc menu và gọi món, diễn giải các biển báo giao thông, tự viết danh sách các món đồ cần mua, và tự viết tên lên nhãn tập hoặc các bức tranh do chúng vẽ. Chúng có thể hình dung ra trong đầu những vấn đề đơn giản và có thể nắm bắt khái niệm cộng trừ, dù có thể chúng phải xòe tay ra đếm trước khi trả lời.

Những đứa trẻ 5 tuổi có cơ hội sử dụng máy tính thường thích các chương trình tương tác. Chúng có thể hiểu, áp dụng các luật chơi và nếu như mỗi lần trả lời đúng các câu hỏi liên quan đến kỹ năng đọc, viết và tính toán và được máy tính hiện ra câu chúc mừng hoặc khen ngợi chúng thì chúng rất thích thú. Trẻ 5 tuổi thích những chương trình cho phép chúng tự giải quyết vấn đề, để chúng tự sắp xếp các nhân vật trên màn hình rồi tạo ra một chuyện tưởng tượng riêng của chúng, và các chương trình hướng dẫn chúng vẽ, tô màu, làm thiệp sinh nhật và thiệp mời.

Trẻ ở độ tuổi này rất có thể tự lập kế hoạch vui chơi trước. Chúng chọn bạn bè tham gia trò chơi dựa trên tiêu chí cùng chung sở thích. Những đứa trẻ thích các trò chơi năng động sẽ chọn chơi các trò leo trèo, chạy và đuổi bắt, chơi bóng hoặc đua xe. Những đứa trẻ thích các trò chơi tĩnh hơn thì sẽ chơi cát, tìm côn trùng hoặc thằn lằn, chơi đóng kịch hoặc tụm lại trò chuyện với một đứa bạn khác.

Học mà chơi – bé từ 3-6 tháng tuổi


(Webtretho)
Khi đã làm mẹ, bạn có một lý do tuyệt vời để vui chơi thêm một chút! Xét cho cùng, đó là cách bạn giúp bé học tốt nhất. Hãy tận dụng càng nhiều thời gian chơi cùng bé càng tốt và đừng quên tối đa hóa khả năng học mà chơi của bé nhé.

>> Học mà chơi – bé từ 0-3 tháng tuổi

Trong bài này:

Sự kích thích các giác quan
- Hình ảnh
- Âm thanh
- Xúc giác / Vị giác

Sự phát triển kỹ năng vận động tinh

Cột mốc kỹ năng vận động thô

Tăng cường trí tuệ

Sự kích thích các giác quan

Hình ảnh

Khi được 3 tháng tuổi, cảm nhận màu sắc của bé đang mở rộng từ đen trắng sang các màu sắc đậm rồi cuối cùng là nhạt, với độ tương phản thấp. Tầm nhìn của bé cũng dần dần mở rộng. Khi tầm nhìn của bé phát triển, bé sẽ bắt đầu chú ý vào những chi tiết cụ thể hơn, thậm chí là một hạt bụi bẩn trên thảm bé cũng thấy! Chơi trên đệm và “phòng tập” trong nôi trở nên thú vị hơn khi bé học cách dựa vào nhận thức thị giác của mình.

Âm thanh

Những từ đầu tiên của bé bắt đầu hình thành qua sự bắt chước. Bạn hãy khuyến khích sự bắt chước bằng cách bắt chước các âm thanh bé tạo ra để bé lần lượt bắt chước âm thanh của bạn. Sử dụng điệp khúc lặp đi lặp lại trong các bài bạn hát để phát triển bộ nhớ và nhận thức của bé.

Xúc giác / Vị giác

Trẻ đang trải nghiệm “xúc giác” qua miệng cũng như bàn tay của mình. Những chiếc vòng có kết cấu rõ ràng và đồ chơi dành cho bé mọc răng giúp bé khám phá qua tay và lưỡi của mình.

Sự phát triển về kỹ năng vận động tinh

Đặt bé nằm ngửa trên thảm chơi của mình để với các món đồ chơi treo ở trên, hoặc đặt bé nằm úp xuống để lấy đồ chơi trên mặt thảm. Bé đã sẵn sàng để điều khiển các đồ vật với nhiều kích cỡ, hình dạng và chất liệu khác nhau. Đây là thời điểm tốt để giới thiệu bé các khối gỗ hay nhựa, bóng và các vật dụng gia đình như điện thoại không dây, các khóa nhựa và muỗng lớn. Đối với trò chơi ngón tay như “Một ngón tay nhúc nhích nè” hay “Vỗ tay vỗ tay bà cho ăn bánh”, bé sẽ không tham gia trong một thời gian, nhưng các trò chơi này sẽ hình thành khéo léo khi bé phản ứng lại.

bé chơi

Ảnh: Inmagine

Cột mốc kỹ năng vận động thô

Bố mẹ hãy giúp con cân bằng bằng cách nhẹ nhàng và liên tục giữ bé trong tư thế ngồi hoặc đứng. Hãy khuyến khích và nghỉ ngơi nếu bạn cảm thấy thất vọng, bé có thể nhận ra sự thất vọng cũng như sự ủng hộ. Nếu bạn không thấy vui, rất có thể là bé cũng cảm thấy như bạn!

Tăng cường trí tuệ

Khi được 6 tháng tuổi, bé tiếp cận với khái niệm về sự tồn tại: một món đồ chơi được giấu dưới một tấm chăn không có nghĩa là nó mất đi mà nó chỉ là “trốn” tạm thời mà thôi! Bé sẽ thả một quả bóng rơi nhiều lần chỉ để nhìn thấy nơi mà nó rơi trước khi mẹ nhặt lên và trả lại bé. Ú òa sẽ là một trò chơi mà bé rất thích. Ban đầu bé sẽ không muốn, nhưng một ngày nào đó bé sẽ tham gia, giấu mặt dưới bàn tay của mình hoặc tấm chăn và cười phá lên trước sự thông minh của mình. Và vấn đề phát triển ngôn ngữ thì sao? Bố mẹ chỉ cần tiếp tục trò chuyện với bé!

(*) Cảm ơn thành viên Mijeloved đã cung cấp cho chúng tôi những hình ảnh rất đáng yêu của bé Gia Lạc để sử dụng làm hình ảnh minh họa trong bài.