Lưu trữ cho từ khóa: mổ lấy thai

Quảng Bình: Mổ lấy thai thành công một bé sơ sinh nặng 5,3kg

Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba (Đồng Hới, Quảng Bình) vừa mổ lấy thai thành công một cháu bé sơ sinh nặng 5,3kg, là trường hợp nặng cân nhất từ trước đến nay tại bệnh viện này.

Sự việc xảy ra sáng 3/8. Sau khi được mổ đẻ, vì quá khổ nên cháu bé có dấu hiệu hạ đường huyết, các bác sĩ đã phải chuyển sang khu vực chăm sóc đặc biệt và truyền đường cho cháu.

Em bé nặng 5,3 kg đang được chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba (Đồng Hới, Quảng Bình). Chưa đầy 1 tháng trước, cơ sở này cũng có trường hợp bé nặng 5,2 kg. Ảnh: Long Nhật.

Thạc sỹ Phạm Thị Ngọc Hân, bác sĩ điều trị khoa sơ sinh bệnh lý, cho biết "những cháu bé nặng cân thế này thường có nguy cơ rối loạn các chức năng tim mạch, hô hấp, hạ đường huyết vì vậy chúng tôi phải theo dõi và chăm sóc đặc biệt".

Sản phụ là Hoàng Thị Nguyệt, 35 tuổi, trú tại phường Đồng Sơn, thành phố Đồng Hới cho biết trong quá trình mang thai chị ăn uống bình thường, tăng cân ít, và không mắc bệnh lý gì. Đây là đứa con thứ 2 của chị, cháu trước sinh bình thường.

Cách đây gần 1 tháng tại bệnh viện này cũng có trường hợp bé sơ sinh nặng 5,2 kg.

(Theo VNE)

Mổ lấy thai: “Lợi bất cập hại”

Do quá lo lắng cho quá trình vượt cạn, không ít sản phụ đề nghị được sinh mổ. Trao đổi với PV xung quanh vấn đề mổ lấy thai, PGS.TS Vũ Thị Nhung chủ tịch Hội Phụ sản TP.HCM - nói:

Sinh đẻ là hiện tượng sinh lý bình thường. Trong đa số trường hợp, việc sinh nở sẽ được thực hiện qua ngả âm đạo. Tuy nhiên, khi có những trở ngại trong lúc chuyển dạ, để bảo đảm an toàn cho mẹ và con, bác sĩ mới phải dùng đến phương pháp mổ lấy thai.

* Thưa PGS, nhiều người nghĩ mổ lấy thai an toàn hơn sinh thường, điều này có đúng không?

Người ta thường lầm tưởng mổ lấy thai là an toàn tuyệt đối. Thực tế cho thấy tỉ lệ tử vong mẹ và tử vong chu sinh (trẻ tử vong từ lúc sinh ra cho đến 28 ngày sau sinh) ở các ca mổ lấy thai cao hơn so với các ca sinh thường. Tỉ lệ tử vong mẹ cũng tăng gấp bốn lần nếu mổ lấy thai so với sinh thường, ngay cả mổ chủ động, tỉ lệ tử vong mẹ cũng tăng 2,84 lần so với sinh thường.


Ảnh: L.TH.H.

Vì sức khỏe của bà mẹ và thai nhi, thái độ tốt nhất của người thầy thuốc và của cả sản phụ là không nên lạm dụng mổ lấy thai. Chỉ nên sử dụng khi cuộc sinh ngả âm đạo có nguy cơ ảnh hưởng đến mẹ hoặc con hoặc cả hai mẹ con

PGS.TS Vũ Thị Nhung

* Vì sao tử vong mẹ khi mổ lấy thai lại cao hơn sinh thường?

Nguyên nhân những nguy cơ của mổ lấy thai là do tai biến gây tê, gây mê, do chảy máu, nhiễm trùng, tổn thương đường tiết niệu, thuyên tắc mạch. Ngoài ra, sẹo mổ trên tử cung có thể bị nứt trong những thai kỳ sau, nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn đến tử vong cả mẹ lẫn con - nhất là nếu thời gian giữa hai lần mang thai quá gần. Mổ lấy thai còn có thể để lại những tai biến xa hơn như bệnh lạc nội mạc tử cung, dính ruột, tắc ruột.

Gần đây do tỉ lệ mổ sinh cao, đã xuất hiện khá nhiều trường hợp thai ở vết mổ cũ, nhau tiền đạo cài răng lược trong lần có thai sau. Những bệnh lý này rất nguy hiểm vì gây chảy máu rất nặng mà có khi phải cắt tử cung mới cứu được mẹ.

Ngoài ra, khi sinh mổ, thời gian nằm viện của sản phụ sẽ dài hơn, tốn kém nhiều hơn, đau đớn hơn, sự chăm sóc và cho con bú cũng bị ảnh hưởng nhiều hơn so với sinh thường. Vì vậy, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng khi có chỉ định mổ lấy thai để tạo sự an toàn tối đa cho mẹ và con.

* Về phía thai nhi, bé ra đời bằng cách mổ lấy thai có nguy cơ gì không?

Mổ lấy thai nếu đúng chỉ định sẽ giúp giảm tỉ lệ tai biến cho thai nhi. Tuy nhiên, mổ lấy thai cũng là nguyên nhân của những tai biến khác đối với trẻ như hội chứng suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh.

Mổ lấy thai chủ động không qua chuyển dạ thì nguy cơ hội chứng suy hô hấp cấp cao gấp 2,6 lần, có chuyển dạ rồi mới mổ lấy thai nguy cơ này cao gấp 1,9 lần so với sinh thường. Trong khi hội chứng suy hô hấp cấp và sinh non là nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ sơ sinh.

Ngoài ra, trẻ sinh mổ còn bị suy giảm khả năng miễn dịch hơn trẻ sinh thường. Nguyên nhân là khi sinh mổ, trẻ giảm tiếp xúc với vi khuẩn trong những ngày đầu tiên sau sinh vì điều kiện vệ sinh vô trùng chặt chẽ khi mổ, trẻ không có nhiều cơ hội tiếp xúc với vi khuẩn cơ thể mẹ và vi khuẩn chủ yếu từ môi trường bệnh viện (khi bé nằm trong bệnh viện).

Trong khi đó, nếu sinh thường thì trẻ có nhiều cơ hội tiếp xúc với vi khuẩn cơ thể người mẹ khi đi qua đường âm đạo (vi khuẩn có sẵn ở âm đạo, phân) và môi trường xung quanh.

Trước khi ra đời, đường tiêu hóa của trẻ vô khuẩn. Đối với trẻ sinh thường, chỉ vài giờ sau khi sinh, loại vi khuẩn mà trẻ tiếp xúc khi đi qua âm đạo thường gặp là Bifidobacteria đã đến bám vào thành bộ máy tiêu hóa của trẻ sơ sinh, tạo nên một hàng rào bảo vệ không để những vi khuẩn gây bệnh đến sau có thể bám vào những chỗ này. Sự có mặt của các vi khuẩn “thân thiện” này giúp thành lập hệ thống miễn dịch, tạo đề kháng tốt cho trẻ và rất cần thiết cho sự phát triển cũng như điều hòa hệ thống miễn dịch của trẻ. Trong khi trẻ sinh mổ phải mất sáu tháng mới có được hệ vi khuẩn đường ruột giống như trẻ sinh thường. Sự chậm trễ này khiến trẻ sinh mổ dễ mắc một số bệnh như tiêu chảy, dị ứng (trong đó có hen suyễn).

* Như vậy, trường hợp nào mới phải mổ lấy thai?

Thông thường có ba chỉ định mổ lấy thai. Về phía mẹ: có khung chậu hẹp hay lệch, dị dạng đường sinh dục, bất thường cơn co tử cung, sinh khó do cổ tử cung nhỏ, có vết mổ cũ mà không có điều kiện sinh ngả âm đạo, chuyển dạ kéo dài, dọa vỡ tử cung...

Về phía thai nhi: do thai to, ngôi thai bất thường, thai suy, mạng sống thai nhi trong tử cung bị đe dọa (vô ối, thai chậm tăng trưởng trong tử cung, thai quá ngày...). Hoặc phần phụ của thai có bất thường: sa dây rốn, nhau tiền đạo, nhau bong non.

Bé sơ sinh tử vong do không được chuyển viện?

Khoảng 1g sáng 1-11, thấy vợ là chị Nguyễn Thị Xuân có biểu hiện chuyển dạ, anh Trương Văn Hồi đưa vợ đến Bệnh viện Đa khoa Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Đến 12g30 chị Xuân được đưa vào phòng sinh.

Anh Hồi kể: “Đợi lâu quá, tôi tìm gặp nữ hộ sinh trực tiếp đỡ đẻ cho vợ và đề nghị nếu thấy khó sinh thì cho chuyển lên bệnh viện đa khoa tỉnh. Tuy nhiên, nữ hộ sinh nói sinh được. Đến khoảng 3g chiều cùng ngày vợ tôi sinh nhưng chỉ nghe một tiếng khóc của con, nhìn qua khe cửa thấy các bác sĩ, hộ lý đang hô hấp nhân tạo cho cháu bằng... tay. Nhưng cháu đã không qua khỏi”.

Theo lời anh Hồi, sau khi sinh chị Xuân đau bụng dữ dội, được đưa đi siêu âm nhưng thiết bị y tế nơi đây không đáp ứng, phải chuyển chị Xuân lên tuyến trên. Tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, các bác sĩ đã phẫu thuật cắt bỏ tử cung của chị Xuân bởi “nếu không phẫu thuật kịp thời, chị Xuân khó qua khỏi” - một bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi cho biết.

Trong khi đó, theo ông Đặng Tuấn Lộc - giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sơn Tịnh, sau khi sự việc xảy ra, bệnh viện đã họp kíp trực hôm đó, rà lại tất cả các tình tiết liên quan.

“Chúng tôi khẳng định không có chuyện người nhà của chị Xuân xin chuyển lên bệnh viện tuyến trên để sinh. Về trường hợp chị Xuân, chúng tôi rất lấy làm tiếc. Tuy nhiên, thời điểm tử vong của cháu bé rơi vào khoảng 15 phút cuối (khi bé chuẩn bị rời khỏi bụng mẹ) và rất có thể do hai nguyên nhân: bị mất tuần hoàn giữa mẹ - con do dây rốn quấn cổ, dị tật bẩm sinh hệ hô hấp và tim mạch khiến cháu bé bị ngạt”, ông Lộc nhận định.

Meo.vn (Theo TTO)

Độ tuổi lý tưởng nhất để mang thai

Theo nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học, độ tuổi lý tưởng nhất với chị em phụ nữ để sinh nở là 20-35.

Đây được coi là độ tuổi tối ưu cho một phụ nữ để dễ dàng thụ thai, sinh nở và có những đữa con phát triển toàn diện nhất – nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học thuộc trường Đại học Sản phụ khoa Hoàng gia (Anh).


Các nhà khoa học đã tiến hành nhiều nghiên cứu khác nhau và nhận ra rằng nguy cơ thai chết lưu, sảy thai, mổ lấy thai và các biến chứng khi sinh nở tăng cao khi phụ nữ mang thai ngoài tuổi 35. Thêm vào đó, kết quả nghiên cứu này cũng cho thấy, phụ nữ dưới tuổi 35 có cơ hội thành công khi thụ tinh trong ống nghiệm là 31%, trong khi những chị em trên tuổi 42, thì cơ hội này chỉ còn dưới 5%.

Động lực để các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu này là  vì họ nhận thấy xu hướng chị em ngày nay kết hôn ngày càng muộn và sinh con khi đã bước vào tuổi 35-45 – khi họ đã hoàn thành sự nghiệp của mình.

Các bác sĩ khoa sản cũng khuyến cáo chị em không nên quá mải mê với sự nghiệp mà quên đi thiên chức làm mẹ và sinh con trước tuổi 35.

Meo.vn (Theo Eva)

Thai nhi quá ngày cần xử trí thế nào?

Nếu ngày dự sinh của bạn đã đến mà em bé vẫn chưa có dấu hiệu chào đời, bạn cần xem xét một số yếu tố liên quan và thông báo sớm cho bác sĩ chuyên khoa sản.

Những vấn đề có thể xảy ra với thai nhi quá ngày dự sinh (chửa trâu)

Khi đã quá ngày dự sinh mà em bé vấn chưa có dấu hiệu chào đời, lúc này kích thước của bé trong bụng mẹ vẫn tiếp tục tăng lên. Tuy vậy, chất dinh dưỡng để nuôi thai nhi lại không còn nên rất có thể gây tổn thương đến bé  đồng thời gây áp lực lên dây rốn. Điều này cũng làm tăng nguy cơ ngộ độc phân với em bé.

Tại sao em bé lại chào đời muộn?

Thời gian thai nhi quá hạn dự sinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng vấn đề đầu tiên bạn cần xem xét là cách dự đoán ngày sinh của bác sĩ có chính xác hay không. Bạn nên nhờ đến sự can thiệp của bác sĩ để khám lại thai và tính toán lại ngày dự sinh. Nếu không có vấn đề gì bạn mới nên cân nhắc tới các nguyên nhân khác.

Thai nhi quá ngày cần xử trí thế nào?, Bà bầu, thai nhi qua ngay, thai nhi qua ngay du sinh, ba bau, thai nhi, sinh no, chua trau,

Không nên quá lo lắng với thai nhi quá ngày dự sinh. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, thai nhi quá ngày dự sinh còn xuất phát từ một số nguyên nhân sau:

- Người mẹ béo phì cũng làm tăng nguy cơ thai nhi sinh không đúng ngày.

- Gia đình bà bầu có tiền sử mang thai quá hạn.

- Bầu thai có một số vấn đề như nhau thai hoặc em bé gặp bất cứ vấn đề gì bất thường cũng là nguyên nhân làm việc sinh nở chậm lại.

- Việc mang thai lần đầu hoặc mang thai bé trai cũng là nguyên nhân khiến việc lâm bồn chậm trễ hơn.

Phải làm gì với thai nhi quá ngày dự sinh?

Khi thai nhi quá ngày dự sinh, bạn cần thông báo với bác sĩ chuyên khoa sản để được kiểm tra cẩn trọng và theo dõi chi tiết. Việc theo dõi sát sao huyết áp, dấu hiệu tiền sản giật, dấu hiệu ở cổ tử cung, nhịp tim em bé, chuyển động của thai nhi và kiểm tra nước ối là rất cần thiết.

Thai nhi quá ngày cần xử trí thế nào?, Bà bầu, thai nhi qua ngay, thai nhi qua ngay du sinh, ba bau, thai nhi, sinh no, chua trau,

Kích thích chuyển dạ có thể giúp thai nhi quá ngày dự sinh chào đời. (Ảnh minh họa)

Xử trí với thai nhi quá ngày

Mổ lấy thai

Đối với những thai nhi quá hạn từ 1 tuần trở lên, bạn cần ở lại bệnh viện để được theo dõi về sức khỏe của thai nhi và  mẹ bầu. Nếu có bất cứ dấu hiệu gì nghiệm trọng, rất có thể bạn sẽ phải mổ lấy thai ngay lập tức để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

Kích thích chuyển dạ

Thai phụ sẽ được kích thích, tạo cơn co tử cung giống như chuyển dạ. Nếu thai nhi chịu đựng được, coi như thử nghiệm âm tính, thai phụ tiếp tục theo dõi chờ chuyển dạ và làm thử nghiệm này sau 24 - 48 giờ. Các thai phụ này vẫn có thể sinh theo đường tự nhiên.

Bên cạnh đó, trong thời gian này mẹ bầu nên tích cực ăn những loại thực phẩm có tác dụng kích thích sinh nở hoặc học cách thúc đẩy những cơn co thắt chuyển dạ. Dù vậy, trong bất cứ tình huống nào, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện để được an toàn nhất.

Meo.vn (Theo PZ)

Đừng coi thường suy thai!

Suy thai là tình trạng bất ổn của thai nhi bởi một số nguyên nhân như giảm oxy, tăng ion hydro trong máu, nhiễm toan, thay đổi nhịp tim…

Hiện tượng này dẫn tới nhiều nguy cơ cho trẻ khi sinh ra như động kinh, đần độn, nói ngọng… và nặng hơn, có thể dẫn tới thai chết lưu. Để giúp các bà mẹ hiểu rõ và phòng tránh suy thai, chúng tôi đã tham khảo ý kiến của bác sĩ Thu Thuỷ, BV Từ Dũ-Tp.HCM.

- Dấu hiệu nhận biết

Trước tiên, đó là những cảm nhận về sự thay đổi cử động của thai nhi. Bình thường, thai cử động mạnh và nhiều. Nếu có hiện tượng bị suy, thai sẽ đạp chậm, yếu. Trường hợp nặng, thai có thể ngừng cử động hoặc nhiều khả năng bị chết. Vì vậy, thai phụ phải đặc biệt chú ý đến cử động của thai nhi để nhận ra những dấu hiệu bất thương và báo ngay cho bác sĩ. Bên cạnh, siêu âm để nhận biết sự chuyển biến mày sắc của nước ối cũng là phương pháp đơn giản nhằm phát hiện bệnh. Nếu nước ối lúc đầu trong hay trắng đục rồi chuyển thành màu vàng hay sẫm, chứng tỏ thai suy và cần được xử trí sớm. Nước ối màu xanh biểu hiện trước đây thai có suy và tạm thời, tiên lượng gần như ối trong (khoảng 5% trong số này gây ra hộ chứng suy hô hấp sơ sinh). Nước ối có dải phân su (tình trạng bài tiết phân su của thai nhi) là biểu hiện của suy thai trong chuyển dạ.

- Sản phụ nào dễ có nguy cơ?

Trước mang thai, chị em mắc các bệnh mãn tính như thiếu máu, suy tim, huyết áp, suy thận, suy hô hấp… đều có nguy cơ bị suy thai. Khi mang thai và sinh nở, thai phụ có các biểu hiện như rau tiền đạo, thiểu ối, bánh rau vôi hoá, vỡ ối non, ngôi thai bất thường chuyển dạ kéo dài, nhiễm độc thai chịu ảnh hưởng bởi bệnh lý của mẹ. Mẹ có các bệnh về thận, cao huyết áp, đái tháo đường…. thường gây suy thai mãn tính. Nếu thai có những sự cố (dây nhau quấn cổ) thì dễ bị suy cấp tính hoặc có thể mất tim thai. Sự giảm tuần hoàn ngoại vi ở mẹ gây ra tình trạng giảm lưu lượng máu đến tử cung, rau thai, làm tổn hại đến thai nhi. Các tư thế nằm của thai phụ cũng ảnh hưởng đến suy thai. Chẳng hạn, sản phụ nằm ngửa khiến tử cung chèn vào động mạch chủ, giảm lưu thông máu để tử cung. Ngược lại, tử cung có thể đè lên tĩnh mạch chủ làm giảm lượng máu trở về tim,  gây tụt huyết áp dẫn đến suy thai. Do vậy, chọn tư thế nằm cũng khá quan trọng. Bạn cần hạn chế nằm ngửa và nên nằm nghiêng bên trái để thai nhi nhận được tốt nhất máu cùng dưỡng chất.

-  Hai loại suy thai và các xử trí

Bác sĩ Thu Thuỷ cho biết, hiện tượng suy thai được chia làm hai  loại: suy thai mãn và suy thai cấp.

• Suy thai mãn: Xảy ra từ từ trong quá trình mang thai, các triệu chứng thường không rầm rộ nhưng có thể nhanh chóng chuyển thành suy thai cấp khi chuyển dạ. Vì thế, việc đánh giá tình trạng sức khoẻ thai nhi trong thai kỳ và lúc chuyển dạ  có ý nghĩa quan trọng nhằm đảm bảo cuộc vượt cạn an toàn cho cả mẹ và con. Trước tiên, cần điều trị ổn định bệnh lý bằng cách cho thai phụ nghỉ ngơi và tăng cường dinh dưỡng. Nếu suy nặng và tuổi thai đã từ 28-30 tuần, phải chuyển mẹ đến những cơ sở đầy đủ điều kiện để chăm sóc. Thai trên 36 tuần, cần chấm dứt thai kỳ bằng việc mổ lấy thai sớm. Việc phẩu thuật rất bất lợi nên phải đúng lúc, tránh can thiệp quá sớm gây ra biến chứng cho thai nhi.

Suy thai có thể dẫn tới nhiều nguy cơ cho trẻ khi sinh ra như động kinh, đần độn, nói ngọng…


• Suy thai cấp tính: Xảy ra đột ngột trong quá trình chuyển dạ, đe doạ tính mạng của thai, ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần, thể chất của em bé về sau. Đây là trường hợp nghiêm trọng hơn so với suy thai mãn nên  đòi hỏi việc xử trí phải kịp thời và nhanh chóng. Ban đầu, hướng dẫn thai phụ nằm nghiêng trái để hạn chế việc tử cung chèn ép vào các mạch máu lớn. Sau đó, là cung cấp oxy và truyền dịch. Với những trường hợp đặc biệt, việc mổ lấy thai sẽ là lựa chọn tốt nhất.

- Lời khuyên chuyên gia

Theo bác sĩ Thu Thuỷ, chị em cần điều trị hết những bệnh mãn tính dễ gây suy thai rồi mới mang thai. Người mẹ cần chuẩn bị đầy đủ kiến thức, sức khoẻ cùng tâm lý tốt nhất để có thai kỳ khoẻ mạnh và an toàn. Khi mang thai, nên khám thường xuyên để phát hiện thai suy và hạn chế các biến cố. Thai phụ phải chăm sóc tốt nhất về chế độ dinh dưỡng, bổ sung protein, vitamin và nguyên tố vi lượng, tránh không để bị phù, cao huyết áp… và đặc biệt, không nên hút thuốc lá, uống rượu hay tự mình sử dụng thuốc. Khi có những dấu hiệu bất thường như thai cử động ít, không cử động, ra máu, có cơn co tử cung… cần thông báo ngay cho bác sĩ. Khi sản phụ chuyển dạ, cần có sự hỗ trợ, động viên từ người thân, tránh để họ có những ảnh hưởng không tốt tới tâm lý, khiến quá trình chuyển dạ kéo dài dẫn đến nguy cơ suy thai cao hơn.


Meo.vn (Theo Bầu)

Xương chậu lệch không ảnh hưởng đến việc mang thai

Em 27 tuổi. Năm 12 tuổi, em bị tai nạn gãy xương đùi phải nên đã phẫu thuật xếp xương.

Đến nay, dù chân em bình thường nhưng phát triển không đều, chân phải ngắn hơn chân trái khoảng 5 cm. Việc này kéo theo xương chậu của em bị lệch, nghiêng về bên phải. Em đã "sống chung" với tình trạng này gần 15 năm nay. Em nghĩ chắc có lẽ cả cột sống của em cũng bị vẹo theo! Hiện tại, em đã có gia đình, 2 lần có thai đều bị lưu. Em đã làm các xét nghiệm để tìm nguyên nhân, nhưng tất cả đều bình thường. Nghe nói xương chậu bị dị dạng  rất ảnh hưởng đến việc mang thai nhưng em không biết ảnh hưởng như thế nào, mong bác sĩ tư vấn cho em rõ hơn. Ngoài ra, xương chậu lệch như thế có phải là nguyên nhân gây thai lưu hay không vì thai của em cứ đến 6-7 tuần là ngừng phát triển. Xin cám ơn bác sĩ. (shirozinzin)

Trả lời:

Shirozinzin thân mến,

Trước hết, xin chia sẻ cùng bạn những khó khăn bạn gặp phải trong cuộc sống. Xương chậu bạn lệch là do mắc phải sau tai nạn chứ không phải do bẩm sinh. Vì vậy, đây không phải là bệnh lý xương do di truyền.

Với xương chậu lệch, người phụ nữ vẫn có thể mang thai bình thường. Khi thai lớn, đi lại sẽ khó khăn và dễ đau lưng hơn. Ở người có khung chậu bị lệch, nếu sinh đường âm đạo sẽ khó khăn do đường ra của thai nhi bị hạn chế, vì vậy hầu hết là mổ lấy thai trừ trường hợp thai quá nhỏ.

Nguyên nhân thai lưu sớm (< 12 tuần) không phải do khung chậu lệch. Thông thường, những nguyên nhân có thể gây thai lưu là: sai lệch nhiễm sắc thể, nhiễm trùng, nhiễm siêu vi giai đoạn sớm, bệnh nội tiết, những bất thường về yếu tố miễn dịch, yếu tố môi trường… Và khoảng 25% vẫn chưa rõ nguyên nhân.

Chúc thai kỳ lần sau của bạn tốt đẹp.

TS – BS Lê Thị Thu Hà
Trưởng Khoa Khám thai, BV Từ Dũ TP.HCM

(PNO)

Những bệnh thường lây từ mẹ sang con

Thưa bác sĩ, có thể cho tôi biết những bệnh nào thường lây lan từ mẹ sang con không ạ? Và làm thế nào để có thể ngăn ngừa việc lây lan này? (Vũ Thu Hương - Hải Phòng)

Bạn Hương thân mến!

Có rất nhiều những bệnh như mụn rộp, nấm hay bệnh chlamydia gây viêm mắt, phổi, ống tai... là những bệnh dễ lây truyền từ mẹ sang con. Trẻ có thể mắc bệnh khi còn trong tử cung, ngay lúc sinh hoặc sau khi chào đời.

Bệnh mụn rộp: Nếu trẻ sơ sinh bị nhiễm virus herpes ở thể nhẹ thì chỉ bị tổn thương một phần cơ thể. Nếu nặng, bệnh sẽ biểu hiện toàn thân với những nốt phỏng nhỏ. Virus có thể xâm nhập vào bên trong cơ thể, gây tổn thương các bộ phận như mắt, gan, lách, thậm chí cả não bộ. Những triệu chứng điển hình là trẻ ngủ lơ mơ suốt ngày, bú kém, hay quấy khóc, tiêu chảy, khó thở và có thể lên cơn giật. Những em bị nhiễm virus toàn thân có thể tử vong hoặc tàn phế vì di chứng não và mắt. Nếu qua khỏi, bệnh cũng có thể tái phát ở tuổi thiếu niên, nhưng chỉ gây tổn thương khu trú nếu được điều trị.

Bệnh u sùi ở cơ quan sinh dục: vì sự lây nhiễm virus gây u sùi có thể xảy ra ngay khi trẻ còn trong tử cung, nên việc mổ lấy thai cũng khó tránh nhiễm bệnh. Bệnh gặp nhiều nhất ở trẻ 2-5 tuổi, gây u sùi ở thanh quản, đôi khi ở khí quản và phổi. Đa số trường hợp mắc u sùi đều tự khỏi, song đôi khi bệnh tái phát, kể cả khi đã cắt bỏ phần cơ thể nhiễm bệnh. Có thể điều trị bệnh bằng tia xạ nhưng nguy cơ phát triển thành ung thư rất cao.

Bệnh nấm ở cơ quan sinh dục: Trẻ có thể nhiễm nấm từ mẹ trong khi sinh. Tuy bệnh không nghiêm trọng song làm cho trẻ khó chịu, quấy khóc. Nấm thường phát triển ở lưỡi và mặt trong má, thành từng đám trắng. Phương pháp điều trị hiện nay là dùng thuốc nystatin hoặc bôi ngoài da thuốc kem chống nấm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu.

Bệnh trùng doi - trichomonas: Trẻ bị xuất huyết ở âm đạo hoặc ngứa âm hộ. Cần điều trị bằng metronidazole theo chỉ định của thầy thuốc.

Còn rất nhiều các bệnh lây qua đường mẹ truyền sang con, tuy nhiên trên đây chúng tôi chỉ nêu ra những bệnh thường gặp nhất.

Bạn có thể đến các trung tâm tư vấn sức khoẻ hoặc gặp bác sĩ để được tư vấn kỹ hơn về vấn đề này.

Theo VTV

Nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị và dự phòng vỡ tử cung

Vỡ tử cung là một tai biến rất nặng trong sản khoa và hay xảy ra sau một thời gian thai còn sống trong tử cung. Tỷ lệ tử vong hiện nay còn rất cao 25-50%, tính chung trên thế giới khoảng 43% chủ yếu ở các nước đang phát triển (90%). Ở nước ta, có khoảng trên 10 ca tử vong mẹ trong tổng số sinh hàng năm 1,5 triệu trẻ và như vậy, có khoảng 5 người tử vong do vỡ tử cung mà ta có thể hạn chế được.

Nguyên nhân thường gặp

Biến chứng vỡ tử cung có thể xảy ra bất kỳ lúc nào nhất là có mổ sinh cũ, vết mổ bị

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Đỡ em bé khi mổ sinh

nứt ra và đó là điều khó tránh khỏi. Hiện nay tình hình mổ sinh ở nước ta từ các thành phố đến các bệnh viện tỉnh khá cao từ 10 - 40% so với số sinh.

Nứt vết mổ cũ có thể xảy ra từ rất sớm hay lúc gần chuyển dạ, chuyển dạ vì sẹo mổ là chủ yếu của tử cung. Rất nhiều trường hợp kể cả lúc đã mổ bụng không nhìn thấy sẹo mổ cũ. Nó chỉ được phát hiện bằng cách nhuộm đặc biệt (gieson) và qua kính hiển vi mới thấy vết sẹo co dúm lại, ở đó có sự tăng sinh tổ chức liên kết (connective tissue) thay các thớ cơ tử cung nên mất độ chun dãn.

Nói tóm lại, vết mổ mỏng đi so với trước mổ và tổ chức quanh vết mổ là tổ chức liên kết xơ hóa, không co dãn được là 2 yếu tố đưa đến nứt vết mổ (vỡ tử cung) khi tử cung co bóp. Có lẽ vì vậy mổ lấy thai bằng cách rạch ở đoạn dưới tử cung thay vì rạch dọc thân tử cung như cổ điển sẽ hạn chế được vỡ tử cung ở bệnh nhân mổ sinh cũ. Hiện nay ở các bệnh viện lớn, kỹ thuật mổ thân tử cung để lấy thai ra rất hạn chế, song trừ một số trường hợp phải mổ thân tử cung để lấy thai: thai non tháng mổ nhanh, mổ bóc nhân cổ tử cung, mổ sinh khi điều kiện bên ngoài bị hạn chế (ánh sáng, máy hút, tay nghề chưa quen…) nên có một số bệnh nhân vẫn được mổ thân tử cung theo cổ điển.

Dấu hiệu lâm sàng

Sau một thời gian chờ đợi, khám âm đạo thấy ngôi thai (thường là đầu) bị đẩy lên cao, tiểu khung rỗng, nắn ngoài thành bụng sờ thấy thai nhi dễ dàng qua thành bụng, chứng tỏ thai đã đi vào trong ổ bụng. Sờ lên cao trong tử cung thấy vết rách và còn có thể thấy quai ruột non song có thể không thấy gì, điều này không có nghĩa là tử cung không bị vỡ. Bệnh nhân rơi vào trụy tim mạch: mạch nhanh nhỏ, khó bắt, tiếng tim thai mờ nhanh rồi mất hẳn nếu thai chết. Máu trong ổ bụng và ra ngoài âm đạo nhiều, người lạnh tím tái.

Triệu chứng này không nhất thiết phải xảy ra vì đứa trẻ có thể một phần còn nằm trong tử cung do vỡ không hoàn toàn. Có thể tử cung giảm co cứng, mẹ chưa rơi vào shock nên thông tiểu để giúp thêm chẩn đoán.

Vỡ tử cung không hoàn toàn nhiều khi dấu hiệu lâm sàng rất mờ nhạt nên dễ bị bỏ qua và có thể dẫn đến tử vong của bệnh nhân. Có khi sự việc xảy ra lúc bệnh nhân ngủ do gây mê nên các triệu chứng như đau bụng, shock không rõ như vỡ hoàn toàn và bệnh nhân rơi vào trụy tim mạch, nhìn mờ không rõ và mất tri giác.

Nguy cơ cho mẹ và cho thai nhi rất cao do mất máu, thai nhi chết do thiếu oxy huyết. Mặc dù có phương tiện đầy đủ, máu, hồi sức gây mê theo Delfs và Eastman trong số 43 ca nứt vết mổ cũ mẹ tử vong 53%, con tử vong 83%.

Điều trị và dự phòng

Tốt nhất ở các cơ sở sản khoa nên theo dõi (theo quy ước) thai bằng một sản đồ (fartogiaphe). Tùy giai đoạn lúc nào phải mổ, lúc nào phải chuyển bệnh nhân về tuyến cao hơn kèm theo hồ sơ theo dõi chuyển dạ. Nói chung nên chú ý:

Cánh giác cao với bệnh nhân có tiền sử sinh phải can thiệp. Người mẹ lớn tuổi (>35 tuổi) sinh nhiều lần (>3 lần) hay nghi thai to toàn phần hay từng phần. Nếu có điều kiện chụp một phim X-quang để xác định.

Cách xử trí: tùy thuộc vào tổn thương ở tử cung. Nếu rách phức tạp, đã lâu nên cắt tử cung. Chỉ khâu lại vết rách khi tổn thương gọn rõ ràng, nhất là người mẹ còn muốn sinh tiếp. Có trường hợp sản phụ bị shock nặng, kéo dài vẫn nên mổ bụng để cầm máu, truyền máu tươi, dịch truyền khác. Đây là điều kiện mà nhiều bệnh viện có thể thực hiện được ở ta hiện nay.

(Nguồn Sức khỏe & Đời sống)

Vợ chồng nhiễm HIV: Vẫn có thể có con khỏe mạnh

Lọc rửa tinh trùng có thể giảm được 99% HIV trong tinh dịch... Điều này có thể giúp các cặp vợ chồng nhiễm HIV vẫn có thể có con bình thường. Phương pháp này vừa được giới thiệu tại BV Từ Dũ.

Những biện pháp hỗ trợ sinh sản trên đã được BS. Adriana Cristine Arent, thuộc trường ĐH PUC (Pontifícia Universidade Católica) - Braxin, trình bày trong hội nghị Sản phụ khoa Việt - Pháp Châu Á - Thái Bình Dương do BV Từ Dũ kết hợp với Hội Nội tiết Sinh sản TP.HCM tổ chức vào ngày 17/5.

Trước đây, những người nhiễm HIV thường tránh hoặc khuyên không nên sinh con vì sợ có thể lây nhiễm từ mẹ sang con. Hiện nay, những tiến bộ trong trị liệu, đặc biệt là các phương pháp hỗ trợ sinh sản làm tăng triển vọng có con khoẻ mạnh ở những người nhiễm HIV/AIDS.

Theo BS. Adriana Cristine Arent, trước khi sử dụng thuốc trị liệu, tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con là khoảng 25%.

Việc sử dụng một số loại thuốc kháng vi-rút trong thai kỳ hoặc ít nhất là trong lúc sinh cho thấy giảm tỉ lệ lây nhiễm khoảng 5%. Nếu mổ lấy thai chủ động, tỉ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con có thể giảm được đến 2%.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng  vi-rút có trong tinh dịch là những vi-rút tự do và những vi-rút ở dạng kết hợp với các tế bào khác không phải là tinh trùng.

Do đó, các bác sĩ có thể hạn chế nguy cơ lây truyền cho người phụ nữ không bị nhiễm HIV bằng phương pháp lọc rửa  tinh trùng trước khi bơm cho người mẹ lúc rụng trứng.

Phương pháp này cho thấy đến 99% HIV trong tinh dịch được loại bỏ. Nhiều trung tâm thụ tinh nhân tạo trên thế giới đã thực hiện thường quy việc lọc rửa tinh trùng để loại trừ HIV.

Nếu người phụ nữ bị nhiễm HIV, thì việc lọc rửa tinh trùng và thụ tinh nhân tạo có thể ngăn ngừa được sự lây nhiễm cho người đàn ông.

Hương Cát (Theo VietNamNet)

Sinh khó

Danh từ sinh khó dùng để mô tả những cuộc chuyển dạ bất thường hoặc khó khăn, là một chẩn đoán bao trùm lên những hoàn cảnh khác nhau về những nguyên nhân ảnh hưởng đến quá trình chuyển dạ.

Không thể đánh giá chính xác tỷ lệ sinh khó trong chuyển dạ được, bởi vì sự chẩn đoán phụ thuộc vào kết quả của cuộc sinh nhưng sinh khó chiếm 80% những chỉ định mổ lấy thai. Nguyên nhân sinh khó có thể do mẹ, động lực của cơn co tử cung, do thai nhi. Thực tế khi xác định sinh khó tùy thuộc vào nguyên nhân gây sinh khó, khả năng tay nghề của thầy thuốc và kinh nghiệm lâm sàng mà có hướng xử trí hợp lý cho sản phụ sinh ngả âm đạo hay sinh mổ.

Sinh khó do cơn gò tử cung tăng

Cơn gò tử cung trong chuyển dạ không do sản phụ điều khiển, bình thường cơn gò tử cung diễn tiến nhịp nhàng, lúc co, lúc nghỉ. Nhịp độ của những cơn gò cũng thay đổi qua từng giai đoạn của chuyển dạ. Hiệu quả của cơn gò đưa đến sự xóa mở cổ tử cung mà cuối cùng là sự tống xuất thai nhi.

Khi cơn gò tăng do chướng ngại vật cản lối ra của thai nhi, thai to, chuyển dạ kéo dài, dùng thuốc tăng gò không đúng kỹ thuật, làm ảnh hưởng đến chuyển dạ; khi cơn gò dồn dập làm thai xổ quá nhanh, đưa đến rách cổ tử cung, rách âm đạo, có thể vỡ tử cung. Thai nhi dễ bị suy, tổn thương não. Sau sinh dễ băng huyết.

Vấn đề chẩn đoán nguyên nhân rất quan trọng, phải xác định do nguyên nhân cơ học hay không, như khung chậu hẹp, u tiền đạo, ngôi bất thường, nếu có phải mổ lấy thai. Sau khi loại bỏ nguyên nhân cơ học sẽ điều trị bằng thuốc giảm gò tử cung. Nếu điều trị thuốc không kết quả thì mổ lấy thai để tránh suy thai.

Ảnh minh họa

Sinh khó do cơn gò tử cung giảm

Biểu hiện cơn gò thưa và cường độ các cơn gò yếu, trương lực cơ tử cung giảm. Nguyên nhân ở sản phụ cơ địa yếu, suy nhược, thiếu máu, suy tim, lao hay sử dụng thuốc an thần, mất nước, mệt, đói. Nguyên nhân thứ phát gặp như: đa thai, đa ối, có kèm u xơ tử cung, chuyển dạ kéo dài.

Khi cơn gò tử cung giảm làm cho sự xóa mở cổ tử cung chậm, suy thai, nhiễm trùng ối.

Điều trị tùy theo nguyên nhân, nếu cơn gò giảm do đa ối, nên tia ối cho ra bớt ối. Sau khi tử cung trở về dung tích bình thường, tử cung sẽ co bóp đều và hiệu quả. Trường hợp do suy nhược, thể trạng sản phụ kém, cần hồi sức và cho thuốc oxytocin tăng cường co bóp tử cung. Tùy hoàn cảnh và nguyên nhân mà chúng ta có cách xử trí hiệu quả, một khi không kết quả nên mổ lấy thai, để tránh suy thai và băng huyết sau sinh.

Sinh khó do khung chậu

Khung chậu là một bộ phận đóng vai trò quan trọng trong sản khoa, vì ngôi thai từ trong tử cung muốn sinh ra được theo ngả âm đạo phải chui lọt qua được lòng khung chậu. Một khung chậu có đường kính giới hạn, hẹp hay khung chậu biến dạng là nguyên nhân của sinh khó, nhiều khi phải xử trí bằng mổ lấy thai. Vì vậy, đánh giá khung chậu bằng cách đo đạc, ước lượng kích thước của khung chậu là sự cần thiết để tiên lượng cuộc sinh.

Khung chậu ở sản phụ được cấu tạo bởi 4 xương và chia làm hai phần đại khung ở trên và tiểu khung ở dưới, trong sản khoa phần tiểu khung đóng vai trò quan trọng hơn vì thai nhi chui qua phần tiểu khung. Do vậy, sinh khó do khung chậu thường đề cập đến phần tiểu khung. Trong sinh khó gây ra bởi khung chậu, có thể là nguyên nhân một phần của khung chậu hẹp hay toàn bộ khung chậu hẹp.

Nguyên nhân khung chậu hẹp hay biến dạng có thể do bẩm sinh hoặc do hậu quả của một quá trình phát triển bị rối loạn do yếu tố dinh dưỡng, còi xương, nhuyễn xương, bệnh ở cột sống, bệnh ở xương chậu, trật khớp háng. Ảnh hưởng của khung chậu hẹp lên thai kỳ như: thay đổi vị thế tử cung, làm ngôi thai bất thường vào giai đoạn chuyển dạ gây chuyển dạ kéo dài, cơn gò bất thường, vỡ tử cung và suy thai.

Tùy theo mối tương quan trọng lượng thai, đường kính khung chậu của người mẹ và ngôi thai mà bác sĩ chuyên khoa đánh giá, tiên lượng để quyết định cho sinh ngả âm đạo hay phải mổ lấy thai, với kết quả sau cùng an toàn mẹ và con.

Sinh khó do phần mềm của mẹ

Các phần mềm của mẹ có thể gây sinh khó gồm: âm hộ và tầng sinh môn, âm đạo, cổ tử cung, tử cung.

Âm hộ và tầng sinh môn gây ra sinh khó là do đề kháng bất thường của màng trinh, tầng sinh môn quá rắn chắc ở sản phụ con so lớn tuổi. Trong trường hợp này không có chỉ định mổ lấy thai, mà khi giai đoạn xổ thai ta có thể cắt rộng tầng sinh môn cả hai, bên trái và bên phải. Âm hộ có khối u, nếu là u sùi mồng gà bắt buộc chỉ định mổ lấy thai, còn các loại u khác có thể sinh ngả âm đạo.

Sinh khó do âm đạo thường gặp âm đạo có sẹo vách ngăn, u âm đạo hay âm đạo hẹp do sẹo hay bẩm sinh. Tùy từng nguyên nhân mà bác sĩ chuyên khoa có hướng xử trí thích hợp sinh ngả âm đạo trong các trường hợp sẹo vách ngăn, cắt vách ngăn, u nhỏ có thể bóc u. Chỉ định mổ lấy thai đối với trường hợp âm đạo hẹp, u lớn.

Sinh khó do cổ tử cung rất thường gặp trong sản khoa, xuất hiện sau các bất thường của các cơn gò tử cung, cổ tử cung cứng phù nề, ngoài ra cổ tử cung có sẹo, dính hay u cổ tử cung, tùy thuộc vào nguyên nhân mà chúng ta có cách giải quyết tốt.

Sinh khó do tử cung, gặp trong tử cung đôi, tử cung có sẹo mổ bóc nhân xơ, sẹo mổ lấy thai cũ. Trong các nguyên nhân tùy thuộc vào tình trạng thai kỳ này, ước lượng cân thai, ngôi thai mà bác sĩ chuyên khoa đánh giá cần phải mổ hay là cho sinh ngả âm đạo.

Sinh khó do thai to

Sự sinh một thai to thường khó khăn và nguy hiểm cho cả thai nhi lẫn người mẹ trong lúc chuyển dạ và xổ thai. Sinh khó do thai to có thể do thai to toàn phần hoặc to từng phần của cơ thể như trong trường hợp não úng thủy, bụng to, bụng cóc, thai phù toàn thân. Thai to toàn phần khi thai nhi cân nặng từ 4kg trở lên khi tới ngày sinh, sự to lớn này bao gồm toàn thể thai nhi. Sinh khó trong thai to có tính cách tương đối vì tùy mức độ mất cân xứng giữa thai nhi to và khung chậu của mẹ. Thai nhi to thường đường kính mỏm vai lớn hơn 12cm và sự sinh khó thường do vai thai nhi.

Xử trí, trong những trường hợp biết chắc chắn thai to, hoặc trường hợp ngôi thai bất thường như: ngôi mặt, ngôi trán hay ngôi ngang thì có chỉ định mổ lấy thai, không nên để suy thai, nhiễm trùng ối rồi mới mổ. Những trường hợp thai nhi to từng phần, tùy thuộc vào điều kiện, khả năng sống được của thai nhi, tương xứng thai mà bác sĩ chuyên khoa có cách xử trí thích hợp.

Tóm lại: sinh khó là một chương trong bệnh lý sản thường gặp nhất. Quá trình chuyển dạ sinh là giai đoạn sau cùng của sự mang thai sau 9 tháng 10 ngày ở người mẹ. Việc đánh giá của từng trường hợp, đòi hỏi bác sĩ sản khoa có sự quyết đoán chính xác và xử trí kịp thời để có kết quả mong muốn mẹ khỏe con khỏe.

BS.CKII. NGUYỄN HỮU THUẬN