Trong mối quan hệ này cả hai người phụ nữ luôn cảm thấy mình bị đe dọa. Nàng dâu thì muốn thiết lập vị trí của mình trong gia đình còn các bà mẹ chồng thì lại muốn giữ vững “ngai vàng”.
Để tránh những căng thẳng có thể nảy sinh xung quanh vấn đề này trong gia đình, Womandays.com đã phỏng vấn các bà mẹ chồng và các nàng dâu về những lời nói hay nhận xét khiến họ khó chịu nhất và ý kiến của các chuyên gia giúp các nàng dâu giải quyết vấn đề trong hòa bình.
1. Chúng con luôn ở bên bố mẹ
Một chính sách cởi mở có thể lại phản tác dụng. Ví dụ, một bà mẹ chồng chia sẻ rằng, con dâu bà thường nói cô ấy sẵn sàng đáp ứng nếu bà cần bất kỳ điều gì. “Nhưng khi chồng tôi phát bệnh Alzheimer, con bé lại vắng mặt”, và điều đó khiến bà bị tổn thương.
“Khi bạn hứa hẹn điều gì đó nhưng lại không hề có ý định giữ lời hứa thì sẽ dễ dàng gây ra sự oán giận”, tiến sĩ Tina B. Tessina, chuyên gia tâm lý trị liệu (Mỹ) cho biết. Chính vì thế, thay vì đưa ra những lời hứa suông thì tốt nhất là bạn nên sắp xếp thời gian phù hợp để đến thăm bố mẹ chồng. Nếu bố mẹ chồng yêu cầu bạn phải đưa ra kế hoạch ngay lập tức thì hãy nói rằng bạn phải kiểm tra lại kế hoạch của mình hoặc bàn bạc với chồng trước khi nhận lời.
2. Con không hỏi ý kiến mẹ
“Khi tôi khuyên con dâu nên cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình thì nó tỏ vẻ tức giận” – một bà mẹ chồng chia sẻ. Theo lời khuyên của tiến sĩ Tessina, khi lời khuyên của mẹ chồng gây cho bạn cảm giác rằng bà đang chỉ trích bạn thì hãy “coi như bà có ý tốt và chỉ đơn giản nói “cảm ơn mẹ” và cứ làm việc của bạn.
Nếu bà vẫn tiếp tục đưa ra quan điểm của mình thì hãy đánh lạc hướng bà bằng cách trích dẫn lời của một ai đó có ảnh hưởng. Ví dụ: “Con cảm ơn mẹ. Tuy nhiên, chúng con quyết định nghe theo lời khuyên của bác sĩ nhi khoa”, tiến sĩ Tessina khuyên. Nếu điều đó không khiến bà im lặng thì hãy chia sẻ với chồng và cùng chồng giải thích cho mẹ chồng biết rằng bà làm thế khiến cả hai vợ chồng bạn không thoải mái.
3. Thật khó hiểu khi mẹ ủng hộ ông ấy
Chính trị, tôn giáo và các chủ đề nóng khác có thể biến bữa ăn tối của gia đình trở thành một chiến trường. “Trong một cuộc trò chuyện về chính trị, con dâu tôi cứ kiên quyết cho rằng quan điểm của vợ chồng tôi là sai. Điều đó khiến tôi ngạc nhiên đến sững sờ” – một bà mẹ chồng chia sẻ.
Theo lời khuyên của tiến sĩ Deanna Brann, chuyên gia tâm lý trị liệu (Mỹ), nếu bạn không thể giữ bình tĩnh trong những tình huống như thế thì hãy tránh tham dự vào những cuộc trò chuyện kiểu này bằng cách nói: “Con không hứng thú lắm với chính trị nên tốt hơn là không tham gia ý kiến”.
4. Sao mẹ không dạy con trai mẹ
Rất nhiều nàng dâu đổ lỗi cho mẹ chồng về những khuyết điểm của chồng mình. “Tôi bóng gió với mẹ chồng rằng tôi ước gì bà đã dạy chồng tôi kỹ năng sắp xếp và tổ chức mọi việc”, một nàng dâu chia sẻ. “Thế mà bà lại cho rằng tôi xúc phạm bà”.
Thực tế, phản ứng này của mẹ chồng không hề đáng ngạc nhiên. “Mẹ chồng bạn có thể làm gì được ngoài việc phòng thủ trong tình huống này?”, tiến sĩ Brann chia sẻ. Ngoài ra, bạn làm thế là lại lôi mẹ chồng vào việc riêng của vợ chồng bạn – và điều này chỉ khiến mọi việc trở nên lộn xộn hơn. Và điều đó càng khiến chồng bạn không có ý thức tự chịu trách nhiệm về hành động của chính anh ấy. “Mặc dù có vẻ khá dễ dàng nếu đổ hết lỗi cho mẹ chồng nhưng tốt hơn thì hai vợ chồng bạn nên tự giải quyết việc riêng của mình”, tiến sĩ Brann chia sẻ.
5. Con thấy thoải mái hơn khi ở nhà bố mẹ con
Theo tiến sĩ Brann thì một phàn nàn khá phổ biến của các bà mẹ chồng đó là con dâu họ luôn thiên vị bố mẹ đẻ của mình. “Con dâu tôi luôn kỷ niệm các ngày lễ với bố mẹ đẻ của nó. Ảnh của bố mẹ đẻ nó treo đầy nhà trong khi chẳng có cái nào của tôi và chồng tôi” – một bà mẹ chồng chia sẻ.
Mặc dù việc bạn cảm thấy thoái mái khi ở bên bố mẹ đẻ của mình là điều rất dễ hiểu nhưng “các nàng dâu cũng nên chấp nhận rằng họ đã ‘gia nhập’ một gia đình mới và cần phải tìm ra cách để hòa nhập với gia đình mới của mình”, tiến sĩ Brann chia sẻ.
Vì thế, với những vấn đề như thế này, bạn nên bàn bạc kỹ với chồng, ví dụ như mỗi kỳ nghỉ sẽ đi đâu. Sau đó, cùng các thành viên khác của gia đình lên kế hoạch cho những hoạt động đó. Nếu chồng bạn muốn dành nhiều thời gian hơn bên gia đình anh ấy thì “hãy để anh ấy có thời gian riêng với gia đình của anh ấy và đôi khi bạn cũng nên để con cái tới chơi cùng bố mẹ chồng”, tiến sĩ Tessina chia sẻ.
6. Con hy vọng được thừa kế cái tủ đựng quần áo của mẹ
“Con dâu tôi nói rằng nó mua một chiếc tủ đựng quần áo mới vì, như nó nói, ‘con đã hy vọng rằng con sẽ được thừa kế chiếc tủ của mẹ, nhưng con không đợi được lâu đến thế’. Nó nói cứ như nó mong tôi chết sớm đi cho rồi”, một bà mẹ chồng chia sẻ.
Bạn không nên tham dự và nói về chuyện thừa kế. Đó nên là chủ đề riêng giữa chồng bạn, anh chị em ruột của anh ấy và bố mẹ của anh ấy. “Bạn không có quyền gì đối với tài sản của mẹ chồng. Nếu bà để lại tài sản gì cho bạn thì điều đó thật tuyệt vời. Tuy nhiên, một nàng dâu thì không bao giờ nên khơi ra những chuyện như thế”, tiến sĩ Tessina chia sẻ.
7. Chúng con quá bận nên không đến thăm bố mẹ được
“Mẹ chồng tôi muốn gặp chúng tôi nhiều hơn là chúng tôi muốn, và bà có vẻ không hài lòng khi chúng tôi nói rằng chúng tôi còn nhiều việc khác phải làm”, một nàng dâu chia sẻ.
Với tình huống này, một lần nữa, hãy kéo chồng bạn vào cuộc để giải thích cho mẹ chồng bạn hiều. “Hãy nói với mẹ chồng bạn một cách ân cần và chân thành về thời gian bạn có thể về thăm bà để bà không kỳ vọng quá nhiều và cũng không bị bất ngờ”, tiến sĩ Tessina chia sẻ. Bạn có thể nói: “Chúng con rất muốn về chơi với mẹ, nhưng chúng con cũng cần theo kịp bạn bè và có thời gian dành cho riêng mình”. Nếu mẹ chồng “phục kích” bạn với một kế hoạch đã lên trước thì hãy nói: “Hôm ấy chúng con không sắp xếp được. Nhưng mình có thể làm việc đó vào lần tới khi chúng con tới thăm bố mẹ”.
8. Mẹ nói với con gái mẹ giúp con
Những tranh cãi và xung đột giữa anh chị em luôn cần tới cách xử sự khéo léo và tinh tế. Tuy nhiên, bạn không nên kêu gọi sự giúp đỡ của mẹ chồng trong những tình huống này. “Chúng tôi thuê chị chồng trông con khi tôi làm việc, nhưng chị ấy toàn làm sai yêu cầu. Vì thế, tôi nhờ mẹ chồng nói giúp với chị ấy”, một nàng dâu chia sẻ. Tuy nhiên, mẹ chồng cô lại bênh vực con gái và nổi giận với con dâu.
“Nhờ mẹ chồng can thiệp có nghĩa là bạn yêu cầu bà chọn đứng về phe nào”, tiến sĩ Brann chia sẻ. Trừ khi bạn đang phải đối phó với một vấn đề nghiêm trọng, ví dụ như nghiện rượu, còn không thì những tranh cãi và mâu thuẫn giữa anh chị em thì chỉ nên giải quyết giữa các anh chị em với nhau.
9. Mẹ không nên gặp các cháu quá nhiều
“Nếu con dâu tôi được quyền quyết định thì nó sẽ không cho chúng tôi gặp các cháu”, một bà mẹ chồng chia sẻ. Theo tiến sĩ Tessina thì điều này thực sự rất đáng tiếc bởi việc “nhìn thấy sự khác biệt về tính cách sẽ giúp trẻ học được cách đàm phán và thương lượng trong các tình huống khác nhau”.
Nếu bạn sợ rằng bố mẹ chồng sẽ ảnh hưởng không tốt lên con mình, ví dụ như ông hút thuốc khi đang ở cùng các con bạn – thì bạn và chồng nên nói rõ cho bố mẹ hiểu tác hại của điều đó để ông bà không tiếp tục làm thế nữa. “Nếu bạn chỉ rõ hậu quả của hành động và thì bố mẹ chồng bạn sẽ sẵn sàng có thái độ hợp tác”, tiến sĩ Brann chia sẻ.
10. Nên để chồng con nói với bố mẹ
“Luôn là con trai tôi trao đổi mọi việc với chúng tôi”, một bà mẹ chồng chia sẻ. “Tôi thậm chí còn không thấy con dâu nói gì khi chồng tôi nằm viện. Thông điệp mà chúng tôi nhận được đó là ‘tránh cho xa’”.
Mặc dù chồng bạn nên là người nói chuyện với gia đình anh ấy trong những vấn đề lớn nhưng bản thân bạn với vai trò con dâu cũng không nên nấp sau anh ấy để tránh tiếp xúc với mẹ chồng. “Bạn cần tạo dựng quan hệ với bố mẹ chồng và như thế, chồng bạn sẽ không có cảm giác bực bội khi luôn phải là người đứng giữa”, tiến sĩ Tessina chia sẻ. Ngoài ra, việc thấy bạn chuyện trò và trao đổi qua lại với bố mẹ chồng sẽ giúp con bạn cảm thấy thoải mái và vui vẻ với ông bà của chúng.
(Theo VnExpress)