Lưu trữ cho từ khóa: mâu thuẫn

Ép con ăn nhiều chưa chắc đã tốt

Không ít bà mẹ đã cố thúc ép bé ăn cho bằng hết những gì mình muốn. Việc này có nên không? Tiến sĩ Irene Chatoor sẽ cùng các bà mẹ sẻ chia những băn khoăn, lo lắng này.

Ép trẻ ăn hết khẩu phẩn sẽ làm trẻ sợ hãi mỗi khi đến bữa ăn (Ảnh: Shutterstock)

Nhiều ông bố, bà mẹ luôn sợ con mình đói bụng và vì thế luôn cố ép con ăn hết khẩu phần trong mỗi bữa cơm. Các bậc phụ huynh không tin rằng con mình có khả năng biết bụng đã no. Khi thấy trẻ ăn gần hết phần cơm, họ cứ thế thúc ép bé ăn hết những muỗng cuối cùng: “Một muỗng nữa cho mẹ nào!”, “Ráng một muỗng là hết rồi con”… Một số bố mẹ lại cứ khăng khăng con phải ăn những gì mình đã đặt vào đĩa, và họ ép bé ngồi yên ở bàn cho tới khi ăn hết sạch những gì có trong đĩa. Đôi khi họ còn dọa bé nếu không ăn sẽ bị ông kẹ bắt đi. Tệ hơn, trong một vài trường hợp, bố mẹ thậm chí còn dùng hình phạt kiểu đánh đập để bắt trẻ con ăn trọn bữa. Những việc xoay quanh vấn đề thúc ép trẻ nhỏ ăn như thế này thường sẽ trở thành khởi đầu cho một xung đột trầm trọng giữa bố mẹ và con cái. Trẻ sẽ cảm thấy ngao ngán và sợ hãi mỗi khi đến bữa ăn. Ngoài ra, hình ảnh của bố mẹ có thể trở nên xấu hơn trong mắt trẻ, vì bố mẹ luôn nói trẻ chỉ cần ăn một muỗng nữa là đủ nhưng sau đó vẫn tiếp tục ép trẻ ăn thêm nhiều muỗng nữa.

Tiến sĩ Irene Chatoor (giáo sư tâm lý học và nhi khoa, giám đốc chương trình “Y tế tâm lý trẻ sơ sinh và trẻ từ 1-3 tuổi”, trung tâm y tế quốc gia của trẻ em tại Washington, Mỹ) khuyên rằng “Không được ép trẻ ăn. Làm thế sẽ tạo mâu thuẫn và can thiệp vào khả năng nhận biết đói, no của trẻ. Mẹ hãy lên một thời khóa biểu các bữa ăn cho trẻ, gồm ba bữa chính và một bữa xế (chiều). Các bữa chính và bữa xế hằng ngày phải cách nhau 3 – 4 tiếng. Trẻ cần được ngồi ăn tại bàn và đúng giờ. Dọn ra những phần nhỏ, đợi trẻ ăn hết rồi mới múc thêm tiếp. Làm thế sẽ giúp trẻ ngon miệng, khoái ăn, và không bị quá nhiều thức ăn làm cho ngợp. Phương pháp này sẽ hiệu quả hơn trong việc cho trẻ ăn thay vì cứ phải ép trẻ ăn hết một khẩu phần vượt quá khả năng hấp thụ và tiêu hóa của trẻ.”

Thực hiện theo những hướng dẫn trên đòi hỏi bố mẹ phải cùng phối hợp và điều chỉnh thói quen cho trẻ ăn của chính mình. Tuy nhiên, một khi cả nhà đã vào quy củ đâu đó rồi, trẻ sẽ ăn tốt hơn, bữa ăn sẽ thong thả và thú vị hơn cho tất cả mọi người.

Chương trình tư vấn đặc biệt “Bé yêu học ăn” với sự tham gia của giáo sư nhi khoa Irene Chartoor và chuyên gia dinh dưỡng Kim Milano đến từ Hoa Kỳ sẽ giúp mẹ tích lũy thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm để mỗi bữa ăn của bé là niềm vui của cả nhà.

  • Thời gian: 15h, ngày 20/04/2013
  • Địa điểm: White Palace, 194 Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Đăng ký tham gia chương trình tại website www.biengan.com.vn hoặc gọi đến tổng đài 19001519

 
 

Khi sao Hỏa và sao Kim sống chung một mái nhà

(Webtretho) Cô bạn gái của tôi đi lấy chồng. Tháng đầu tiên cô vui như hội, tháng thứ hai có vài ba chuyện buồn buồn, rồi tháng thứ ba lại vui như hội… Nói chung là cứ luân phiên như thế.

Sống chung – chuyện tưởng dễ mà không dễ

Chuyện vui hay buồn của cô bạn tôi thì có nhiều lý do, nhưng chỉ xin kể một câu chuyện nho nhỏ dẫn chứng cho cái tâm trạng thay đổi thời vụ ấy thế này: Cô lãng mạn, yêu hoa cỏ, thích đọc những sách tình yêu thơ mộng, thế nhưng từ ngày yêu rồi đến ngày cưới, anh chồng chẳng mấy khi tặng hoa. Thi thoảng vài lần được cô gợi ý sát sàn sạt, anh mới làm, mà làm đầy gượng ép. Thậm chí có lần, cô kể, anh ta đến nhà, mang theo một bó hoa mà vì xấu hổ, anh ta đã giấu nó trong… cốp xe cho nên đến khi lôi ra thì nó te tua như bó rau chiều. Cả hai đứng nhìn bó hoa không nói nên lời.

webtretho_hoa héo

Vì ngượng ngùng và miễn cưỡng, anh ấy tặng vợ hoa như... rau héo (Ảnh: Inmagine)

Thế nhưng cô là người ham hiểu biết, nên cô thường đọc sách báo về tình yêu hôn nhân gia đình, trong đó các chuyên gia tâm lý khuyên cô: “Hãy thay đổi anh ấy.” Vì thế cô nhủ mình: “Hãy kiên nhẫn và phải cởi mở cho anh ấy biết mình muốn gì, đừng ngồi chờ anh ấy tự đoán.” Nhưng cưới rồi, cô động viên lắm rồi, vẫn chẳng thấy tác dụng ở đâu. Thế nên cô buồn, buồn mỗi chuyện anh không bao giờ tặng hoa, dù cô đã tìm mọi cách.

Rồi một lần, cô hớn hở khoe tôi: “Tình cờ nói chuyện, mình mới nghe anh ấy nói: ‘Sau này có nhà rộng, anh sẽ trồng cho em một vườn hoa.’ Hóa ra là anh ấy có để ý đến sở thích của mình và anh ấy muốn chiều lòng mình theo cách của anh ấy mà thôi. Cho nên đàn ông khác mình thật, mình cứ muốn họ biểu hiện tình cảm như mình sao được…” Lúc ấy trông cô bạn tôi hạnh phúc rạng ngời. Nhưng niềm vui đó cũng chẳng được bao lâu, vài tuần sau, tôi lại thấy cô đang buồn chuyện gì đó….

Khoảng cách sao Hỏa – sao Kim…

Kể lể dài dòng như thế để dẫn vào bài quả thực là có vẻ mông lung, khó hiểu? Nhưng thực ra tôi chỉ muốn đưa ra một điều rất rõ ràng, đơn giản trong đời sống tình yêu cũng như đời sống vợ chồng: khi yêu nhau, lấy nhau, nhiều người thường có ảo tưởng hai người là một, họ đã biết hết về nhau, đã thuộc tính nhau, đã đi guốc trong bụng nhau… Và vì thế, lâu lâu họ lại ngỡ ngàng, buồn rầu khi nhận ra một điều gì không như ý; rồi họ lại hạnh phúc tột cùng khi nhận ra điều gì tuyệt vời mà họ chưa nhận ra; rồi lại thất vọng vô cùng khi phát hiện một điều gì đó cực kỳ xa lạ ở phía “đối tác” cùng chung sống… Tất cả những phát hiện ấy cứ làm thay đổi luân phiên tâm trạng của những người vợ, người chồng. Ở người này cái chu kỳ thay đổi buồn vui ấy là tháng này qua tháng khác, người kia có khi là ngày nay, ngày mai cũng đã khác rồi. Chung quy chỉ vì họ cứ áp đặt tình cảm, suy nghĩ, hành động của mình lên người khác mà quên rằng dù đã là của mình đi nữa thì người chồng/ vợ đó vẫn khác mình, khác vô cùng.

Thanh Thi, một nữ nhân viên văn phòng thường than thở sau ngày cưới: “Sao kỳ thế nhỉ? Hồi chưa cưới, mình thấy anh ấy hoàn toàn khác. Nói chung là thấy gì cũng hợp, mình làm gì anh ấy cũng gật, mặc gì anh ấy cũng khen… Thế mà tự dưng cưới xong anh ấy chả còn ga lăng như trước nữa. Có một tiếng ‘yêu’ mà có khi mình phải ép mới nói, lại còn bảo nói ra ngượng miệng, có phải diễn viên đâu. Chẳng hóa ra từ trước tới giờ, anh ấy toàn… diễn với mình à?”

Việt Phương, một cô gái cũng mới chỉ có thời gian hôn nhân chưa tới một năm thì bực tức: “Cái gì em cũng phải lo lắng chu đáo, ngày lễ ngày Tết em lo đủ quà cáp cho bên gia đình anh ấy, thế mà chỉ có mỗi việc mỗi tuần chạy về thăm ba má em, anh ấy cũng miễn cưỡng. Anh ấy bảo qua nhà em rồi không biết nói chuyện gì với ba mẹ em. Em thì tung tăng ăn chơi rồi ngủ, còn anh ấy cứ ngồi đồng ở phòng khách. Em bảo anh ấy thì cứ coi nhà ba mẹ em là nhà mình không được sao, anh ấy bảo không được.”

Có đến hàng trăm nỗi ấm ức của các bà vợ trẻ vì những chuyện khác nhau như thế. Và điều khổ sở lớn nhất là tất cả mọi nguyên nhân, họ đều quy về một mối: chồng không yêu mình nữa; trong khi đó đàn ông khi bực bội, tức giận vì “nửa kia” làm khác ý mình thì cũng ít quy kết tất cả về một nguyên nhân to lớn và nghiêm trọng như thế. Và điều này cũng chính là một trong những điểm khác biệt lớn nhất giữa đàn ông và phụ nữ.

webtretho_buồn bã

Có rất nhiều điều lạ lùng làm buồn lòng người vợ trẻ (Ảnh: Inmagine)

“Đàn ông đến từ sao Hỏa đàn bà đến từ sao Kim” – cuốn sách này không còn mấy xa lạ với khá nhiều người Việt Nam, thậm chí trở thành câu nói quen thuộc. Nhưng biết nó, hiểu nó mà thực hành thu ngắn cái khoảng cách giữa sao Hỏa, sao Kim ấy hình như vẫn không mấy dễ dàng.

… có dễ dàng kéo lại gần nhau

Sau nhiều lần cãi nhau và nhiều lần được nghe chồng thanh minh: “Thôi em, đừng bắt anh mua hoa mua quà, anh gồng suốt mấy năm yêu nhau là đủ rồi. Bây giờ lương anh, anh đưa hết cho em, em muốn gì cứ tự mua…” Thanh Thi cũng đành phải… tự đặt mình vào vị trí của chồng. “Ừ, anh ấy vốn dân con nhà ruộng rẫy. Mình về nhà anh ấy bao lần, biết nếp sống giản dị của gia đình, biết ba má, các anh chị anh ấy, có mấy ai có ngày sinh nhật đâu. Ngay cả ngày sinh anh ấy cũng là đặt ra vì lỡ quên làm khai sinh thì bắt anh ấy sống theo nếp khác đi làm gì. Biết anh ấy có trách nhiệm và yêu thương mình là đủ.”

Còn Việt Phương thì chẳng thể nào dung hòa được mọi chuyện. Cô không thể nào hiểu nổi vì sao chồng không thể hy sinh một chút cho niềm vui của cô, của gia đình cô, là Chủ nhật nào cũng phải đoàn tụ quây quần với nhau. Cô chẳng thể nào hiểu nổi vì sao chồng cô, người xuất thân từ tầng lớp thương nhân buôn bán, lại không thể hòa nhập được với một gia đình trí thức với gần chục người là giáo viên như gia đình cô. Cho nên, khi anh năn nỉ cô cho anh tháng tháng về thăm ba má một lần còn cô cứ tự do về nhà, cô không thể chấp nhận được. Không thấu hiểu chồng mình, cô đâm ra mặc cảm với gia đình, không biết bào chữa ra sao cho chồng trước những người thân. Vết rạn nứt giữa hai vợ chồng, giữa chồng và gia đình vợ ngày càng lớn…

Bạn có thể đã vài lần được nghe lời khuyên: hãy đặt mình vào vị trí của người khác. Nghe thì có vẻ… dễ, như là mình tự đặt ra một giả thuyết vậy thôi, nhưng thực hành quả không dễ dàng gì. “Đặt vào”, có nghĩa là bạn phải xem người ta của mình đang nghĩ thế nào, cảm ra sao, để có thể hành động như thế. Điều ấy đòi hỏi không chỉ một lý trí sáng suốt, rành mạch mà còn là cả một tình cảm yêu thương, gắn bó, chia sẻ hết mình.

Có thể thay đổi người khác theo ý mình được hay không? Có thể thay đổi chồng vợ được hay không? Rõ ràng là không thể. Khi hai bạn đến với nhau, “người ta” đã kịp hình thành tính cách cho cả một đời người rồi, vì thế chuyện thay đổi “người ta” theo ý bạn có lẽ là điều không tưởng. Nếu bạn đánh giá đơn giản “Không làm theo ý mình có nghĩa là không yêu mình” thì có lẽ cả đời bạn cũng sẽ không thể nào tìm được một người yêu mình theo nghĩa đó đâu, bởi nhu cầu mạnh nhất của con người ta trong cuộc sống hôm nay chính là được sống theo ý mình. Vậy thì chỉ còn một cách duy nhất: hãy hiểu và bỏ qua những điều trái ý mình nếu nó không nghiêm trọng và không làm tổn hại đến cuộc sống chung.

webtretho_kết nối

Sao Hỏa và sao Kim được kéo lại gần nhau, nối với nhau... chính là bằng tình cảm và sự cảm thông (Ảnh: Inmagine)

Chính với lựa chọn ấy mà Thanh Nhi đã giải quyết được sự khác biệt của hai vợ chồng: Chấp nhận kết hôn với người bước ra từ một cuộc sống khác, có những thói quen sống khác, cô cũng chấp nhận sự thiếu đi một chút lãng mạn, thiếu đi một chút “hoa hòe hoa sói” và không trách móc nữa. Và cũng từ đó, thỉnh thoảng cô nhận được những niềm vui bất ngờ giống như chuyện vườn hoa: anh ấy có những cách khác để chứng tỏ tình yêu của mình.

Còn nếu không phải chỉ là chuyện thể hiện tình cảm, mà là những khác biệt trong lối sống như chuyện của vợ chồng Việt Phương thì giải pháp gần như vô vọng. Bởi cô không thể nào đặt mình vào vị trí của chồng, cũng không thuyết phục được chồng hiểu cho sự khó xử của mình; không giãi bày hay thuyết phục, chỉ cằn nhằn, trách móc, rồi tức giận, họ ngày càng xa nhau hơn là chuyện tất nhiên…

Cách giải quyết những xung đột trong hôn nhân

Bất đồng hay xung đột là một phần của bất kỳ cuộc hôn nhân nào nhưng không có nghĩa là cuộc hôn nhân đó sẽ kết thúc. Biết cách giải quyết những mâu thuẫn trong hôn nhân có thể giúp bạn tránh được những vấn đề nghiêm trọng trong hôn nhân như ly hôn hoặc ly thân.

Bất đồng hay xung đột là một phần của bất kỳ cuộc hôn nhân nào nhưng không có nghĩa là cuộc hôn nhân đó sẽ kết thúc. Biết cách giải quyết những mâu thuẫn trong hôn nhân có thể giúp bạn tránh được những vấn đề nghiêm trọng trong hôn nhân như ly hôn hoặc ly thân.

Có nhiều cách khác nhau và cách tiếp cận để giải quyết các xung đột trong hôn nhân, nhưng điều quan trọng là tìm ra cách phù hợp với tình trạng hiện tại của bạn. Dưới đây là một số lời khuyên cho bạn:

Đừng để cơn giận làm bạn đánh mất lý trí

Hãy nhớ rằng bạn đang tranh cãi với người bạn đời và không phải với một kẻ thù. Việc tranh luận không phải lúc nào cũng xấu bởi vì đây là thời gian để nói lên cảm xúc của bạn, nhưng bạn phải nhớ là bạn đang tranh cãi với người bạn yêu, hãy cẩn thận để không làm tổn thương người bạn đời của bạn. Bởi vì những lời nói xấu có thể làm tổn thương người khác mà không thể rút lại lời nói hay xem như không có chuyện gì xảy ra. Các xung đột có thể được giải quyết trong một cuộc tranh luận “lành mạnh” mà không cần phải nói xấu hay tố cáo không hợp lý.

cach-giai-quyet-nhung-xung-dot-trong-hon-nhan

Kiểm soát sự tức giận

Việc này nói thì dễ nhưng để thực hiện được thì không hề đơn giản, nhưng không phải là điều không thể. Đừng để sự tức giận điều khiển bạn. Hãy ngừng lại một thời gian để cơn nóng giận dịu xuống và suy nghĩ những điều nên nói trước khi nói chuyện với người bạn đời của bạn về các cuộc xung đột và cách để giải quyết. Nóng giận không phải là một khởi đầu tốt nếu bạn muốn giải quyết xung đột trong hôn nhân.

Thỏa hiệp

Để giải quyết các xung đột trong hôn nhân, bạn phải tìm một vấn đề chung để thỏa hiệp. Nếu một người không sẵn sàng thỏa hiệp, thì vấn đề sẽ không được giải quyết. Bạn có thể chấp nhận một điều kiện nào đó mà cả bạn và đối phương đều đạt được một nửa yêu cầu.

Phải biết thừa nhận khi bạn làm sai

Để một số người thừa nhận những sai lầm của họ là rất khó, nhưng không có gì tốt hơn trong việc thừa nhận bạn là sai nếu điều này giúp xung đột của hai bạn được giải quyết. Nó sẽ có lợi cho hôn nhân của bạn nếu bạn đủ trưởng thành để thừa nhận những sai lầm của mình.

Quà tặng

Đây cũng là một cách để giải quyết các xung đột trong hôn nhân. Tặng quà cho đối phương để đề nghị hòa bình sẽ làm cho tình hình căng thẳng được giảm nhẹ hơn một chút. Điều này sẽ làm “mềm” trái tim của đối phương và sẽ cho bạn cơ hội để nói chuyện nhằm giải quyết những vấn đề của hai ban một cách tốt đẹp.

Hãy tha thứ cho nhau

Không ai hoàn hảo cả, người bạn đời của bạn cũng sẽ có những khuyết điểm. Bạn phải học cách chấp nhận người bạn đời của bạn cùng với các sai sót của họ. Học cách tha thứ và quên đi lỗi lầm của anh/cô ta thì cuộc hôn nhân của bạn sẽ trở nên bền vững.

(Theo Khoemoingay)

Hôn nhân bế tắc: Lấy chồng vì thích

Thỉnh thoảng, nhớ con, chồng Quỳnh gọi điện, được câu trước câu sau là hai vợ chồng cãi nhau gọi mày, xưng tao loạn xạ. Cuộc hôn nhân vì thế mà bế tắc, chẳng biết bao giờ mới có lối thoát.

Hôn nhân bế tắc

Là những người thuộc thế hệ 8X, Hằng và Lâm (Gia Lâm – Hà Nội) có công việc ổn định, cuộc sống vật chất dư thừa, mối quan hệ xã hội rộng... Những tưởng tất cả điều đó sẽ khiến tình cảm vợ chồng giữa họ vì thế có thêm điều kiện được vun đắp và ngày càng mặn nồng. Tuy nhiên không ai ngờ rằng, bên trong ngôi nhà to đẹp, lộng lẫy nhất khu phố ấy là sự lạnh lùng, hờ hững. Hàng ngày, hai vợ chồng Hằng, Lâm chung giường chiếu, ngồi cùng mâm cơm nhưng không một cử chỉ âu yếm, vuốt ve, không ai nói với ai một lời nào. Cuộc hôn nhân của họ đang đứng trước nguy cơ tan vỡ.

Thông thường, hoa thơm thì có nhiều ong, bướm vây quanh. Vì thế, cũng giống như các cô gái có chút nhan sắc khác, thời con gái, Hằng được rất nhiều chàng trai theo đuổi. Yêu sớm, rồi quyết định “theo chàng về rinh” cũng sớm ngay sau khi vừa tốt nghiệp thời phổ thông. Bước vào năm thứ nhất đại học, Hằng tới trường với chiếc bụng bầu to lùm xùm “giấu” sau tấm áo rộng thùng thình. Lâm – chồng Hằng cũng trẻ măng, vì hai vợ chồng cùng một tuổi. Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, họ lấy nhau vì cảm thấy... thích, chứ không phải vì yêu. Thế nên, trước khi cưới họ “dính nhau” bao nhiêu thì sau khi cưới, họ lạnh lùng với nhau chẳng khác gì mặt trăng, mặt trời.

Phương (Thanh Xuân – Hà Nội) hiện tại đang “bỏ nhà về ngoại ở cho sướng thân” cũng là một trường hợp phải lĩnh hậu quả chua chát vì đã quyết tâm cưới gấp do thích “người ta”. Hai vợ chồng Phương vốn học cùng lớp phổ thông với nhau. Tuổi học trò bồng bột, cả hai nhầm tưởng thứ tình cảm non nớt đó là tình yêu, lại gặp phải sự phản đối quyết liệt của hai bên gia đình nên vừa thoát ghế trường trung học là Phương và Tuấn (chồng Phương) “quyết cưới bằng được để cả nhà trắng mắt”. Cưới xong, không công ăn việc làm, Tuấn vẫn “ăn bám” hoàn toàn vào cha mẹ. Do gia đình bên ngoại có điều kiện nên mỗi tháng Phương tranh thủ về thăm nhà nhưng chủ yếu là để lấy khoản tiền trợ cấp vài triệu đồng từ bố mẹ đẻ để chi tiêu.

Tưởng “có được uy” vì dù sao cũng không “dựa hơi” bố mẹ chồng để sống, lại hết mình cung phụng, chiều chồng, thế nhưng cưới nhau chưa đầy nửa năm, ngoài việc bố mẹ chồng buông lời “mát mẻ”, chồng Phương cũng bắt đầu tỏ thái độ phớt lờ vợ. Phụ thuộc vào bố mẹ, không muốn khoản tiền trợ cấp bị cắt, nên mỗi lần bố mẹ mình lên tiếng mắng chửi Phương, Tuấn không những không bênh vực mà còn vào hùa “dạy cho nó một bài học”. Mâu thuẫn dồn mâu thuẫn, Phương tức chí, bỏ mặc chồng, dọn về nhà ngoại ở để: “Gã ăn bám đó thích làm gì thì làm”. Nhìn Phương giữa cái nắng hè chang chang, oi bức bụng bầu vượt mặt có mỗi một thân một mình, chồng không ngó ngàng để ý, bố mẹ Phương chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán.

Hay như Quỳnh (Tân Mai – Hà Nội), vốn lấy chồng khi còn chưa đủ mười tám tuổi, tính khí vẫn còn trẻ con, vừa bị mẹ chồng “dạy bảo” cô đã đùng đùng ôm con, tuyên bố bỏ chồng. Vừa được bố chồng xin cho công việc hành chính nhẹ nhàng, Quỳnh cũng bỏ việc  luôn sẵng giọng: “Từ giờ không dính dáng gì đến cái nhà ‘thằng’ ấy”. Quỳnh vẫn quen với kiểu, mỗi lần có điều gì không hài lòng là oang oang miệng gọi chồng bằng “thằng”. Chán cảnh trẻ con khó chiều, chồng Quỳnh cũng bất cần, bỏ mặc vợ và con luôn. Thỉnh thoảng, nhớ con, chồng Quỳnh gọi điện, được câu trước câu sau là hai vợ chồng cãi nhau gọi mày, xưng tao loạn xạ. Cuộc hôn nhân vì thế mà bế tắc, chẳng biết bao giờ mới có lối thoát.

Bi kịch không thể vớt vát

Ngày nay, ở các thành phố lớn, có rất nhiều cặp vợ chồng bước vào cuộc sống hôn nhân chỉ vì “thích cưới” hoặc do... “bác sỹ bảo cưới”. Bởi vậy, dù đã mang tiếng trưởng thành vì có đám cưới nhưng sự non nớt, thiếu kinh nghiệm, hời hợt trong quan điểm sống, đặc biệt là bản tính “cả thèm chóng chán” không thể khiến cho những cặp vợ chồng “cưới vì thích” đó luôn nặng nề và gặp trắc trở.

Vợ chồng Chiến và Vy (Hoàng Mai, Hà Nội) là một ví dụ. Lấy nhau sau vài buổi “cưa cẩm”. Cưới nhau xong, được hai bên bố mẹ tạo điều kiện để phát triển kinh tế, thế nhưng tiền vừa vào tay, Chiến gom toàn bộ mang đi cá độ bóng đá và kết quả là thua không còn đồng nào. Không những thế, Chiến còn để lại một khoản nợ kếch xù của giới vay nặng lãi. Không ngày nào, Vy không phải chứng kiến những tay “anh chị”, mặt hầm hổ tới nhà đòi nợ. “Muối mặt” năn nỉ bố mẹ cứu giúp, trả nợ xong, những mong chồng tu chí thì Chiến vẫn chứng nào tật ấy. Ngày nào cũng vậy, hàng xóm không chứng kiến cảnh vợ chồng Chiến, Vy đập phá đồ thì cũng đánh chửi nhau ầm ĩ.

Cũng trong tình trạng bi đát như vợ chồng Chiến, Vy; Tùng và Chi cho đến ngày đưa nhau ra tòa vẫn không ngớt dành cho nhau những lời chì chiết, cay nghiệt. Ở cái tuổi chỉ lo ăn, lo chơi thì Chi đã phải làm vợ, làm dâu, làm mẹ, trong khi Tùng không mảy may chăm lo cho gia đình. Điều đó khiến cho cuộc sống của cả hai đầy khó khăn, Vy lúc nào cũng vất vả. Vy, chia sẻ: “Mình hối hận vì mình đã kết hôn quá vội vàng, thiếu suy nghĩ. Nếu thời gian quay trở lại, mình sẽ không lập gia đình sớm, chắc chắn lúc đó sẽ có một tương lai khác, cuộc sống của mình chắc chắn sẽ không khổ như bây giờ. Giờ đây nhìn thấy chồng là mình như... phát điên”.

Theo các chuyên gia tâm lý, việc các cặp vợ chồng kết hôn theo kiểu “tùy hứng” thường gặp ở những người còn quá trẻ. Do không hiểu hết ý nghĩa về cuộc sống hôn nhân mà các cặp đôi này thường xảy ra những mâu thuẫn, cãi vã... và có thể dẫn tới bạo hành, ly hôn. Để hạn chế tình trạng này, các cặp đôi cần phải xác định rõ mục tiêu tìm kiếm người bạn đời của mình cũng như tìm hiểu về cuộc sống chung giữa hai người, sống chung với gia đình nhà chồng và các vấn đề liên quan đến đời sống vợ chồng như tình dục, nuôi dạy con, học cách làm kinh tế, giữ gìn sức khỏe và ứng xử khi sự cố xảy ra...

(Theo AF)

5 Giai đoạn cơ bản từ tình yêu đến hôn nhân

Bất cứ ai khi yêu và tiến tới đươc với hôn nhân đều nhất thiết phải trải qua 5 giai đoạn thăng trầm dưới đây.

1. Tán tỉnh và mê đắm

Giai đoạn này là bước khởi đầu cho chuyện tình yêu của mỗi một cặp đôi. Chủ yếu trong thời gian này, mọi thứ sẽ vô cùng lung linh và tuyệt vời trong mắt mỗi người. Hai người sẽ cố gắng làm cho đối phương của mình vui vẻ và hứng thú để có được ấn tượng thú vị, tốt đẹp về bản thân mình.

Hầu hết các chuyên gia tư vấn đều đồng ý rằng giai đoạn này thường kéo dài từ hai tháng đến hai năm, và là quãng thời gian tạm thời của bất kể mối quan hệ tình cảm nào. Một tiến sỹ tâm lý học đã chia sẻ: “Giai đoạn tán tỉnh, lãng mạn là cần thiết, nhưng đó chỉ là giai đoạn tạm thời…. Trong giai đoạn này, mỗi người sẽ có những hy vọng trải nghiệm tình cảm và được thăng hoa trong tình yêu. Cảm giác hạnh phúc luôn ngập tràn. Tuy nhiên nó sẽ không thể và không nên kéo dài mãi mãi”.

Ở giai đoạn này, mỗi người sẽ thu thập được cho mình những vốn kinh nghiệm nhất định về tình yêu, nó cũng sẽ là cơ sở để các cặp đôi bước sang một giai đoạn khác hoặc cũng có thể sẽ là sự khép lại của một cuộc tình.

2. Nảy sinh mâu thuẫn

Sau một khoảng thời gian dài đắm chìm với sự tán tỉnh và mê đắm, theo lẽ tự nhiên thì cảm giác của con người sẽ dần rơi vào bão hòa và đây cũng chính là lúc bạn sẽ nhìn thấy thiếu sót của người mình yêu. Bạn nhận thấy rằng anh ấy không hoàn hảo như ban đầu bạn tưởng và những hưng phấn ban đầu sẽ dần được điều chỉnh để phù hợp hơn với hoàn cảnh và cảm xúc thực tế của bạn. Chính sự xuất hiện của những điều không hoàn hảo sẽ khiến bạn có cảm giác vỡ mộng và tất yếu sẽ nảy sinh mâu thuẫn – xung đột.

Bạn có thể sẽ la hét, càu nhàu về những tật xấu của người mình yêu. Sự tranh cãi, mâu thuẫn từ những điều nhỏ nhặt sẽ bắt đầu diễn ra, thậm chí đôi khi nó sẽ khiến bạn tức tối, vô cùng ức chế, chán nản. Cả hai đều muốn người khác thay đổi, trong khi họ vẫn như cũ. Bạn cũng có thể đưa ra những lời buộc tội hoặc khiến cho người mình yêu bị tổn thương bởi những lời nói trong cơn tức giân. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, những cuộc xung đột này là cần thiết để hai bạn giành vị trí trong lòng nhau trong một hiện trạng, giai đoạn mới. Điều này cũng sẽ giúp hai bạn thêm hiểu về nhau và có sự kết nối với nhau hơn.

3. Đánh giá lại và hình thành bản sắc

Giai đoạn này bắt đầu với một ngã ba đường, khi hai bạn cùng ngồi lại và bắt đầu đánh giá dựa trên cơ sở muốn hay không muốn duy trì mối quan hệ. Để có được những sự phản ánh đúng và đánh giá thực sự chuẩn thì có thể bạn sẽ có xu hướng chuyển sang giai đoạn cần phải “cách ly” với người mình yêu. Khi bạn đã có sự suy nghĩ chín chắn hoặc bạn sẽ tiếp tục hoặc bạn sẽ đưa ra quyết định dừng mọi chuyện lại ở đây. Có thể bạn sẽ có cảm giác thất vọng nhiều hơn là hạnh phúc…

Lúc này biểu đồ tình cảm của bạn sẽ có sự không cân đối, sự hài lòng bắ đầu giảm xuống và suy nghĩ đấu tranh vì bản thân bạn thậm chí sẽ nhiều hơn là bạn nghĩ cho nửa kia.

4. Nâng cao nhận thức, chuyển đổi, điều phối mối quan hệ

Nếu mối quan hệ của bạn vượt qua giai đoạn thứ 3 và sống sót cho đến thời điểm này, thì bạn sẽ có một sự quan tâm đặc biệt để kết nối lại tất cả những gì tốt đẹp bạn đã để vuột qua. Bạn sẽ có một nỗi lo của riêng mình đó là làm thế nào để anh ấy chịu sự tác động, ảnh hưởng từ tình cảm của bạn và sẽ yêu bạn hơn. Bạn lo sợ mối quan hệ của bạn sẽ chịu tác động của những người thân trong gia đình anh ấy.

Bạn có thể bắt đầu nhìn thấy những dự báo về sự thay đổi của mình và của cả anh ấy. Bạn mong muốn có thể bắt đầu xây dựng các kế hoạch để hoàn toàn hiểu về con người của anh ấy, sẵn sàng làm mọi thứ để chấm dứt mọi mâu thuẫn. Đây là thời gian bạn thiết lập ranh giới an toàn cho mối quan hệ của mình: duy trì độ sự kết nối, hiểu biết về nhau.

Lúc này cả hai bạn sẽ nhận ra mối quan hệ của mình có tương lai và đây chính là động lực, sức mạnh để cả hai bạn phấn đấu thay đổi. Bạn sẵn sàng để đạt sự hiểu biết mới về đối tác tình yêu của mình và mối quan hệ với người đó, ngay cả khi bạn phải chịu sự đau khổ để giải quyết triệt để gốc rễ của mọi vấn đề thì bạn vẫn làm.

5. Hòa giải, chấp nhận và tiến tới hôn nhân

Đây là bước cuối cùng hoàn thành “quy trình” yêu đương của mỗi một cặp đôi. Giai đoạn này bản thân mỗi người sẽ phải tự chịu trách nhiệm cho các nhu cầu của họ cùng với sự hỗ trợ của nửa kia. Tự bản thân mỗi người sẽ dung hòa bản thân để nửa kia của mình cảm nhận thấy sự ấm áp, tôn trọng và sự cân bằng giữa quyền cá nhân và việc chung. Các cặp đôi sẽ tìm ra cách giải quyết những xung đột nhanh chóng. Sẽ cùng nhau chia sẻ mọi thứ và ít oán giận nhau. Lúc này cả hai sẽ hài lòng với nửa kia của mình vì đó là người mình lựa chọn: cả khuyếm khuyết và tốt đẹp.

BACSI.com (Theo AF)

Những điều nên suy nghĩ trước khi kết hôn

Có những vấn đề mà bạn cần phải suy nghĩ thật chín chắn trước khi đi đến quyết định sẽ kết hôn với anh ấy.

Xác định rõ mối quan hệ của hai bạn

Một trong những điều quan trọng nhất bạn nên suy nghĩ và thảo luận kỹ trước khi kết hôn đó là cho dù bạn và anh chàng của bạn có chung một mục đích là sẽ kết hôn thế nhưng cho dù đã có sự tuyên bố chính thức thì cả bạn và anh ấy cần phải xác định rõ lại một lần nữa mối quan hệ của mình. Theo các chuyên gia tâm lý thì nếu bạn không biết chính xác về mối quan hệ của bạn có nghĩa là cả hai bạn có nguy cơ lặp đi lặp lại những sai lầm trong quá khứ, và hai bạn sẽ bị mắc kẹt vì sự lấp lửng của mối quan hệ đó. Do vậy, trước khi kết hôn, bạn cần phải nói chuyện với anh ấy rõ ràng về mối quan hệ, tình yêu và lòng chung thuỷ… dành cho nhau.

Có sự suy nghĩ chi tiết về tài chính

Trong cuộc sống hôn nhân, bên cạnh đời sống tình dục thì tiền bạc là “máy phát điện công suất nhất” giải quyết tất cả các vấn đề trong cuộc sống của các bạn. Tiền bạc sẽ chi phối đời sống vật chất cũng như tinh thần và nó đảm bảo cho sự thỏa mãn của một mối mối quan hệ lâu dài. Các cặp vợ chồng thường giả định rằng tiền bạc của cả hai nên gộp lại, nhưng điều đó không phải lúc nào cũng dễ dàng. Sự chênh lệch về thu nhập có thể dẫn tới mâu thuẫn trong cuộc sống của hai bạn do mức thu nhập là yếu tố góp phần xác định lối sống của bạn. Thói quen sử dụng tài chính cũng vì thế mà khác nhau (một trong hai bạn sẽ có xu hướng thích tiết kiệm, dành dụm nhiều hơn, người kia lại có thói quen tiêu xài thoải mái) có thể trở thành một sự xung đột lớn giữa hai bạn.

Do vậy với nhiều cặp vợ chồng, tách bạch tiền bạc của mỗi người lại khiến cho mọi vấn đề trong cuộc sống đều thuận buồm, xuôi gió và khi đó tự bản thân mỗi người nên ý thức không cố tình tranh cãi để kiểm soát. Hai bạn có thể lên chi tiết những khoản chi phí nhỏ cần trang trải trong cuộc sống và phần nào là để dành để lo cho con cái, tương lai…

Trách nhiệm gia đình

Khi các bạn quyết định gắn bó cả cuộc đời mình với nhau, điều đó có nghĩa là bạn không còn được tự do tùy ý làm những gì mình thích. Lúc này, cuộc sống và những trách nhiệm với gia đình nhỏ của mình sẽ chi phối bạn. Bạn phải làm những công việc nhà, làm mẹ, đảm nhận trách nhiệm làm con dâu… Bạn sẽ phải khéo léo chấn an tâm lý để phân chia công việc nhà một cách hợp lý với người chồng của mình và rất có thể bạn sẽ gặp phải những vướng mắc do không có sự tương đồng trong suy nghĩ, phong cách, lối sống… với những người trong gia đình nhà chồng hoặc với chính người chồng của minh. Bởi vậy để đảm bảo cho cuộc sống hôn nhân được “đầu xuôi, đuôi lọt” đòi hỏi bạn phải có nhiều sự  sáng tạo và đàm phán để cả hai thực sự thoải mái.

Sự gần gũi với gia đình và bạn bè

Quan điểm khác nhau của gia đình và tầm quan trọng của những mối quan hệ có thể có  tác động lớn đến việc bạn và người đàn ông của bạn đã sẵn sàng cho hôn nhân hay chưa.  Nếu một trong hai bạn có rất nhiều mối quan tâm đến gia đình hoặc bạn bè, và không tìm ra được những điểm chung cho những mối quan hệ có nghĩa là hai bạn chưa sẵn sàng cho cuộc sống hôn nhân. Vì thế hãy thảo luận chi tiết với anh ấy về nơi mà hai bạn sẽ về vào ngày lễ hoặc bên cha mẹ nào hai bạn sẽ thường xuyên đến thăm, hoặc có một người thân nào đó có vấn đề về bệnh tật thì điều đó có ảnh hưởng đến mối quan hệ của hai bạn hay không!?…

Làm thế nào bạn xử lý được sự tức giận và các cảm xúc khác

Mọi người đều có những lúc rơi vào trạng thái căng thẳng khác nhau và tất cả chúng ta đều cảm thấy buồn bất kể thời gian nào. Nhưng làm thế nào để bạn có thể đối phó được với tất cả những trạng thái cảm xúc đó!? Nếu hai bạn thường xuyên tức giận với nhau và khuếch tán sự đau buồn, phiền muộn thì mâu thuẫn tình cảm của hai bạn càng bị đẩy lên đỉnh điểm theo thời gian. Nếu thực sự bạn có xu hướng thường xuyên phản ứng và làm cho tình hình căng thẳng giữa hai bạn trở bên biến động theo chiều hướng xấu thì bạn cần phải sửa chữa vấn đề đó trước khi kết hôn.

Làm thế nào để thể hiện tình yêu với nhau

Khi kết hôn không có nghĩa là bạn được phép lơ là việc thể hiện tình yêu của mình với người đàn ông giờ đã là chồng của bạn. Lúc này bạn càng cần phải chia sẻ tất cả những suy nghĩ, cảm xúc của bạn dành cho anh ấy. Nếu như khi yêu, bạn thể hiện tình yêu của mình với anh ấy bằng cách nói thẳng cho anh ấy nghe thì cuộc sống sau khi kết hôn bạn có thể thay bằng những hành động chăm sóc cụ thể cho anh ấy, tạo hứng thú và cảm giác vui mừng cho anh ấy bằng sự ngạc nhiên nào đó. Ngay cả khi giữa hai bạn có một cuộc thảo luận hoặc tranh cãi thì bạn cũng phải thể hiện quan điểm của mình đó là bạn muốn cải thiện cho mối quan hệ của hai bạn. Làm sao để anh ấy sẽ hiểu và cảm thấy được yêu.

BACSI.com (Theo AF)

 

Những điều ‘giết chết’ hôn nhân

Có rất nhiều lí do khác nhau dẫn đến sự đổ vỡ của một cuộc hôn nhân, đôi khi ngay cả những người trong cuộc cũng không kịp nhận ra nó.

Cuộc sống bận rộn với quá nhiều lo toan khiến chúng ta không còn đủ tỉnh táo cũng như sự nhạy cảm để cảm nhận thấy những vết nứt nho nhỏ trong đời sống hôn nhân. Chỉ khi những vết nứt ấy lớn dần, lớn dần rồi vỡ tung ra thì lúc ấy chúng ta mới hét lên “Tại sao mọi chuyện lại ra nông nỗi này?” và lao vào đổ lỗi cho nhau. Tại sao chúng ta không "vạch trần" trước những nguyên nhân tiềm ẩn này để phòng tránh nhỉ?

Bạn có biết rằng chỉ cần một vấn đề hết sức đơn giản như không trò chuyện với nhau thường xuyên cũng khiến hạnh phúc gia đình của bạn dễ bị rạn nứt? Và ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác mà chúng ta không thể ngờ tới.

Công việc bận rộn

Để rơi vào tình trạng bận bịu suốt ngày với công việc là một điều chẳng khó khăn gì, nhưng làm thế nào để thoát ra khỏi “mê cung công việc” đó mới là vấn đề nan giải. Nếu bạn là mẫu người chỉ biết đến công việc, làm việc cật lực 24/24, và có rất ít thời gian dành cho vợ/ chồng thì bạn hãy cẩn thận, hôn nhân của bạn sớm muộn gì cũng đứng trên bờ vực đổ vỡ mà thôi. Do đó, mỗi người cần phải biết cách cân bằng thời gian giữa công việc bên ngoài và cuộc sống gia đình (cả nam giới và phụ nữ). Chỉ cần một chút thời gian bên cạnh người bạn đời cũng đáng giá bằng cả một ngày làm việc của bạn đấy.

Những cuộc tranh luận cần phải dựa trên nguyên tắc công bằng và hợp tác

Cái tôi quá lớn

Cuộc sống hôn nhân của hai bạn có thường xuyên xuất hiện những xung đột theo kiểu ai cũng đề cao cái tôi của mình và cho mình là đúng không? Nếu có thì các bạn hãy coi chừng bởi ngày nay rất nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ là do xung đột bản ngã. Khi đã kết hôn, bạn phải nhận thức được một điều rằng, cuộc sống của bạn bắt đầu thay đổi, bạn bắt đầu chung sống với một người khác có nghĩa là phải hạn chế bớt cái tôi cá nhân để chung sống hòa thuận. Không phải lúc nào bạn cũng đúng, còn người khác thì luôn luôn sai.

Vấn đề tài chính

Tiền bạc cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hôn nhân đổ vỡ bởi nó là một vấn đề khá nhạy cảm, cần có sự đồng thuận giữa hai người với nhau. Vấn đề không nằm ở chỗ ai là người kiếm nhiều tiền hơn mà là phải biết cách chi tiêu thế nào cho hợp lý. Điều quan trọng là hai bạn phải nói chuyện thẳng thắn với nhau về tình hình tài chính cũng như kế hoạch chi tiêu của mình cho đối tác hiểu để tránh những hiểu lầm đáng tiếc.

Xung đột với bố mẹ chồng

Mối quan hệ giữa bố mẹ chồng với nàng dâu (nhất là mẹ chồng-nàng dâu) thường không được êm đẹp, thuận hòa như chúng ta mong ước. Những xích mích nhỏ dần dần sẽ phát triển thành những mâu thuẫn lớn, và rồi bùng phát lúc nào không hay. Đôi khi chỉ những hiểu lầm rất nhỏ cũng có thể làm lung lay hạnh phúc gia đình của bạn. Và trong những lúc này, sự tin tưởng từ chồng bạn là điều rất cần thiết, do đó bạn cần phải gây dựng được niềm tin với chồng ngay từ ban đầu.

Thiếu giao tiếp

Vợ chồng thiếu sự giao tiếp, trao đổi, tâm sự là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến hôn nhân gia đình tan vỡ. Đừng cho rằng, mỗi khi vợ chồng cãi cọ, chỉ cần bạn im lặng, chịu đựng là mọi chuyện sẽ êm xuôi, cũng có những lúc bạn cần phải lên tiếng bởi chỉ khi chuyện trò hai người mới thật sự hiểu nhau.

Không trung thực

Trong mọi mối quan hệ (tình bạn, tình yêu, cha mẹ-cái, anh chị em..), sự trung thực luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu và hôn nhân cũng không phải ngoại lệ. Nếu bạn đang cố gắng che giấu người bạn đời của mình một điều gì đó mà không có lí do chính đáng, có nghĩa là bạn đang không trung thực. Bạn cần phải hiểu rõ một điều rằng, hôn nhân muốn tồn tại vững bền phải dựa trên hai nguyên tắc - thật thà và không lừa dối.

Vợ chồng cần phải thường xuyên chuyện trò để hiểu nhau hơn

Đời sống tình dục trục trặc

Tình dục không hòa hợp là nguyên nhân chia rẽ của rất nhiều cặp đôi. Quá nhiều mệt mỏi, căng thẳng trong cuộc sống cũng khiến bạn không hứng thú với đời sống chăn gối (nhất là nữ giới), vì thế bạn cần đi gặp chuyên gia tâm lý ngay lập tức khi thấy đời sống tình dục của hai người bắt đầu có dấu hiệu nhạt nhẽo.

Hay đổ lỗi cho người khác

Những cuộc cãi vã, khẩu chiến là không thể tránh khỏi trong cuộc sống vợ chồng, nhưng một nguyên tắc quan trọng để duy trì hôn nhân bền vững là nên tranh luận trên tinh thần xây dựng. Thay vì đổ lỗi cho nhau, hai người hãy cùng nhau phân tích, giải quyết vấn đề, và đặc biệt phải biết nhận lỗi về mình. Làm tổn thương lòng tự trọng của đối phương sẽ khiến hai người dễ chia cắt hơn.

Không coi chồng/ vợ như một người bạn

Có lẽ không cần phải giải thích nhiều thì tất cả chúng ta cũng đều hiểu vì sao chồng / vợ lại được gọi bằng một cụm từ khá trìu mến “người bạn đời”. Niềm tin của bạn dành cho người bạn đời của mình, cũng như lòng tin của hai người với nhau sẽ đưa cuộc hôn nhân của hai bạn lên một “cấp độ” hoàn toàn mới. Hãy đối xử với nhau như những người bạn thực sự, khi đó bản thân bạn sẽ tự tìm ra câu trả lời cho mình.

Meo.vn (Theo Zing)

Đàn ông thường giấu nhẹm vợ điều gì?

Với tính cách mạnh mẽ và thẳng thắn, nam giới luôn được coi là “một nửa” thật thà của thế giới, trái ngược hoàn toàn với phụ nữ.

Tuy nhiên, không phải lúc nào các đấng mày râu cũng “thẳng ruột ngựa” và nói hết những gì mình nghĩ. Đôi khi họ cũng có những bí mật “không thể tiết lộ”. Dưới đây là 9 bí mật mà đàn ông không bao giờ muốn tiết lộ:

1. Tiền lương

Có lẽ câu hỏi mà các đấng mày râu thường xuyên gặp phải nhất là câu “Lương tháng này của anh được bao nhiêu vậy?”. Nhưng đây cũng là câu hỏi “hóc búa” và khó trả lời nhất đối với họ.

Thường thì đàn ông không xét nét nhiều đến chuyện tiền nong, nhưng họ lại luôn trốn tránh câu trả lời về mức lương. Họ có thể kể thao thao bất tuyệt với bạn về việc được tăng lương hay thăng chức nhưng họ sẽ không bao giờ liệt kê chi tiết các khoản tiền lương của mình.

Ông Dipti Sahu- một chuyên gia nghiên cứu cho biết “Nam giới thường mạnh mẽ và tham vọng. Họ phải cạnh tranh rất quyết liệt để có được chỗ đứng trong công ty. Họ muốn mọi người nhìn nhận mình thông qua chức vụ và thành tích đã đạt được, chứ không phải qua mức lương. Đó là lí do tại sao các bà vợ luôn nhận được những câu trả lời vòng vo và mơ hồ về mức lương của chồng”.


Anh ấy sẽ không nói cụ thể cho bạn nghe về lương bổng (Ảnh minh họa)

2. “Tại sao anh không thể kiếm nhiều tiền hơn em?”

Theo quan niệm của chúng ta từ trước đến nay, nam giới luôn giữ vai trò trụ cột trong gia đình- “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Tuy nhiên hiện nay, nhiều phụ nữ giỏi giang và tham vọng đã vươn lên giành được những vị trí rất cao và kiếm được nhiều tiền hơn chồng. Điều này có thể “giáng” một đòn mạnh vào lòng tự ái của nam giới.

Nhà báo Dilasha Seth cho biết “Ngoài mặt, có thể họ vẫn rất vui vẻ chúc mừng cho thành công của bạn. Nhưng chắc chắn trong lòng họ cảm thấy tự ái và vô cùng khó chịu. Họ sẽ luôn luôn dằn vặt bản thân rằng “Tại sao mình không thể kiếm nhiều tiền hơn? Tại sao mình không thể là trụ cột gia đình?”

3. Đố kị

Nam giới luôn đố kị với những gì mà phụ nữ “tôn thờ”: một nam diễn viên đẹp trai, một doanh nhân thành đạt, một nhà văn có tâm hồn nhân ái… Bởi đàn ông luôn có tâm lý làm chủ và muốn chiếm hữu. Vì thế, họ không muốn người phụ nữ của mình “tôn thờ” những người khác.

4. Nghĩ đến cô gái khác

Ngay cả giây phút hai bạn đang trao cho nhau nụ hôn nồng nàn hay đang làm “chuyện ấy”, đàn ông đều có thể nghĩ đến hình ảnh một người phụ nữ khác. Nhưng họ sẽ chẳng dại gì mà tiết lộ điều này ra với bạn. Theo ông Rosy Xess- một nhà thơ tự do chia sẻ “Ý chí sở hữu và thích khám phá khiến đàn ông không bao giờ hài lòng với những gì mình đang có.

Vì thế, ngay cả khi tình cảm mặn nồng nhất, họ vẫn có thể nghĩ đến người thứ 3. Điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên cả.”

5. Thích chiếm hữu

Khi đi với vợ hoặc bạn gái ở đường, nam giới sẵn sàng đấm vào mặt bất cứ kẻ nào dám nhìn chằm chằm vào người phụ nữ đi bên cạnh mình. Đơn giản bởi họ muốn chứng tỏ rằng bạn là người phụ nữ của họ.

Anh Saurav Mishra - một chuyên gia tài chính ở Bombay cho biết “Tôi không muốn bị coi như một cảnh sát điều tra cứ kè kè bên vợ. Nhưng tôi không thể để cô ấy đi ra ngoài hay làm việc gì đó 1 mình”.


Quá khứ cũng là điều anh ấy che giấu (Ảnh minh họa)

6. Ghét bị kiểm soát

Đàn ông có thể giám sát mọi hoạt động và các mối quan hệ của phụ nữ. Nhưng họ lại giận điên lên khi người yêu của mình cứ 5 phút lại gọi điện hoặc nhắn tin “hỏi thăm” một lần. Họ có cảm giác như mình là tội phạm đang bị kiểm soát 24/24. Họ cảm thấy vô cùng ngột ngạt và khó chịu trong khi phụ nữ lại cho rằng đó là cách tốt nhất để “vun đắp” tình cảm.

7. Quá khứ

Một sai lầm nghiêm trọng mà hầu hết phụ nữ đều thường xuyên mắc phải, đó là hay gợi lại chuyện cũ. Khi có mâu thuẫn xảy ra, phụ nữ thường nhắc lại chuyện cũ như một cách để “lấn áp” đối phương. Đôi khi họ còn lôi người yêu cũ ra như một tấm gương để đàn ông học tập. Những hành động vô tình ấy có thể khiến nam giới phát điên lên và họ có cảm giác như mình đang bị xúc phạm.

8. Khó khăn

Nam giới sẵn sàng lao vào giải quyết hậu quả, nhưng họ sẽ không bao giờ đứng đó và thú nhận sai lầm của mình. Họ luôn biết việc mình phải làm nhưng không bao giờ nói ra và cũng không bao giờ nhờ đến sự giúp đỡ của người khác. Nam giới coi khó khăn là cách để mình trưởng thành và “lớn” hơn. Vì thế họ sẽ không bao giờ tiết lộ những khó khăn của mình vì họ không muốn trở thành người “thất bại”.

9. Bạn bè

Đàn ông thường ít khi tâm sự hay kể chuyện cho phụ nữ về bạn bè của mình. Đơn giản bởi họ nghĩ rằng đó là những mối quan hệ hoàn toàn tách biệt nhau. Tuy nhiên, phụ nữ lại coi đây là hành động lừa dối và không thẳng thắn. Cũng chính vì thế mà nhiều đôi đã cãi nhau gay gắt chỉ vì vô tình người phụ nữ phát hiện ra anh bạn mới quen lại là bạn thân của chồng mình.

Meo.vn (Theo 24h)

5 bài học để trở thành người cha tốt

Có phải một trong những mong ước lớn lao nhất của cuộc đời bạn là trở thành người cha tốt, thấu hiểu tâm tư, tình cảm của con? Nhưng bạn luôn lúng túng không biết làm thế nào? Đó là khó khăn chung của hầu hết những bậc làm cha.

Cùng tham gia lớp học làm cha cấp tốc với 5 bài tập dưới đây:

Bài 1: Hãy nói "Bố xin lỗi con"

Tựa đề một bài hát được nhiều người yêu thích của Sir Elton John có tên Sorry seems to be the hardest word (Xin lỗi dường như là từ khó nói nhất). Điều này hoàn toàn chính xác. Nhưng bạn có biết rằng "xin lỗi" không chỉ là từ khó nói mà còn là một từ có nhiều sức nặng với trẻ? Bởi một khi ông bố lên tiếng về lỗi lầm của mình, đứa trẻ cảm nhận được đối xử công bằng, được tôn trọng. Từ đó, chúng cũng sẽ tự tin hơn trong mỗi quyết định, lời nói định đưa ra với bố.

Có thể là khó tin nhưng một trong những món quà "giá trị" nhất mà bạn nên tặng cho con trẻ là hãy để chúng nhìn thấy lỗi lầm của bạn, đừng cố che giấu. Xây dựng sự tự tin cho chúng và giúp chúng cảm thấy thoải mái hơn với các khiếm khuyết của chính bạn. Thay vì lờ đi những sai lầm, hãy sử dụng như một cơ hội để chỉ cho con thấy sai phạm đó không tốt như thế nào, gây ảnh hưởng xấu ra sao. Từ đó cùng con đưa ra cách sửa chữa để không lặp lại. Không có cách học tập nào tốt hơn bằng việc học từ người thực, việc thực.

Bài 2: Đối xử tốt với mẹ của những đứa con bạn

Ngay cả khi bạn đã ly hôn thì việc đối xử tốt với vợ cũ - mẹ của lũ trẻ cũng là một điều vô cùng quan trọng để bạn trở thành người cha tốt. Bởi đối với mỗi đứa trẻ, mẹ là người gắn bó và có ý nghĩa quan trọng nhất. Bạn đừng buồn khi nghe thấy điều này mà hãy chấp nhận đó là sự thật. Vì vậy, hãy ân cần, tôn trọng và yêu thương người phụ nữ này nhiều hơn.


Bài 3: Tắt điện thoại và các thiết bị công nghệ

Chẳng ai phủ nhận được vai trò của chiếc điện thoại di động và các thiết bị công nghệ khác trong cuộc sống. Chúng giúp ta giải quyết công việc và nhiều vấn đề một cách dễ dàng. Ngược lại, chúng tạo ra nhiều hệ quả không mong muốn và chính các con bạn đang là nạn nhân gián tiếp phải chịu đựng điều đó.

Nhiều phụ huynh bây giờ do quá bận rộn với công việc hoặc lười biếng trong việc chăm sóc con nên chỉ cho con ở trong nhà chơi trò chơi điện tử thay vì đi dã ngoại bên ngoài. Hay cả buổi tối, điện thoại reo liên tục và bạn dành hết thời gian để xử lý công việc. Trong khi con đang ngồi chờ dài cổ để được hướng dẫn làm bài tập về nhà. Đến khi xong việc thì con đã đi ngủ từ lâu.

Đây là chỉ những ví dụ điển hình cho thấy công nghệ đang kéo dài khoảng cách giữa cha mẹ với con cái mà bạn vẫn lặp đi lặp lại chúng trong cuộc sống hằng ngày. Vì vậy, hãy tắt điện thoại, máy tính và các thiết bị công nghệ dùng cho công việc khi trở về nhà để dành thời gian nhiều hơn cho gia đình, cho con.


Bài 4: Xây dựng mối quan hệ tốt với từng đứa trẻ

Thật tuyệt làm sao khi bạn có nhiều con. Nhưng cũng rất khó khăn để hiểu thấu tâm tư, tình cảm của từng đứa trẻ. "Cha mẹ sinh voi, trời sinh tính", mỗi đứa con lại có một cá tính, nhu cầu và quan điểm riêng. Đôi khi giữa chúng có sự xung đột lẫn nhau và với vai trò của người làm cha mẹ, bạn phải đứng ra làm người giải quyết mâu thuẫn đó. Cái khó nhất là phải xử lý làm sao để các con đều hài lòng và đừng bao giờ để chúng nghĩ bạn đang thiên vị đứa nào.

Trong trường hợp này, để hiểu được trẻ, các ông bố hãy làm như sau:

- Dành thời gian nhiều hơn để nói chuyện với từng đứa trẻ
- Đưa ra lời khen ngợi độc đáo
- Biết được những gì đang xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của trẻ. Ví dụ như ở lớp, chúng chơi thân với bạn nào, xung khắc với bạn nào, những yêu cầu và mong muốn của trẻ là gì...

Bài 5: Sử dụng hợp lý các nguồn lực hỗ trợ

Có nhiều nguồn lực có thể hỗ trợ bạn trong việc hoàn thiện bản thân, trở thành người cha tốt. Điều quan trọng là bạn có biết sử dụng chúng hợp lý hay không. Hãy tìm đến các trung tâm tư vấn, cha của bạn, bạn bè xung quanh để xin lời khuyên, kinh nghiệm. Nhưng trước tiên, hãy trao đổi với vợ để tháo gỡ khúc mắc. Cô ấy chính là đồng minh thân cận nhất của bạn trong quá trình "tác chiến" với trẻ.

Meo.vn (Theo Ngoisao)

Anh – Em và chuyện cái ‘underwear’

Em chưa bao giờ thực tâm để ý đến quần áo lót của mình cho đến khi chúng ta gặp một số trục trặc trong đời sống vợ chồng…

Em thấy đàn ông thường bỏ qua “tiểu tiết”, nhưng không hiểu tại sao anh lại hay chú ý đến những thứ nhỏ nhặt đến vậy. Em mua hoa về, cắt phựt gốc một đoạn khoảng 3cm, cho vào lọ, đổ nước, rồi đặt lên bàn, thế là xong. Nhưng một lát sau anh đi làm về, thể nào anh cũng ngồi ngay xuống bàn, tỉa bớt lá và chỉnh chỉnh, sửa sửa một lúc cho ưng ý chứ không bao giờ chịu để nguyên “hiện trạng” ban đầu. Em thắc mắc, anh lại bảo: “Thì cái gì cũng có kiểu của nó mà em”.

Ăn uống cũng vậy, cái tật “chém to kho mặn” của em chẳng bao giờ khiến anh vừa ý. Cứ đến bữa cơm, hễ thấy anh hơi nhăn trán là em biết ngay món ăn không hợp khẩu vị. Nhưng em bướng, em chẳng thích cái sự “lắm chuyện” của anh. Đàn ông gì mà cứ để ý hết chuyện này đến chuyện khác rồi chê bai như đàn bà ấy.

Thế mà bạn em ai cũng khen anh “tinh tế”, “đàn ông”. Em thì lại nghĩ: “Ai ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Em chẳng thích cái tính cầu kỳ của anh chút nào. Anh làm cái gì cũng có bài bản, thứ nào ra thứ ấy, còn em, em làm mọi việc theo phương châm: nhanh – tiện – lợi. Mọi thứ trong nhà, từ hoa hòe, tranh ảnh, đồ trang trí, tất tần tật đều do anh chọn, bố trí, chứ em chẳng mấy khi động tay, động chân vào mấy thứ đó, bởi em biết, mình có động vào rồi kiểu gì cũng bị anh sửa tùm lum.

Khác nhau là thế nhưng vợ chồng mình lại ít khi cãi nhau. Sống với nhau gần 3 năm, cũng không hài lòng về nhau nhiều thứ, nhưng em không muốn cãi cọ và anh cũng thế. Có chuyện gì bất đồng, anh và em cũng chọn dịp nào đó ngồi nói chuyện thẳng thắn với nhau. Mọi mâu thuẫn của cuộc sống vợ chồng nhờ đó cũng được giải quyết ổn thỏa.


Underwear không chỉ là đồ lót (Ảnh minh họa)

Nhưng em luôn cảm thấy có một khoảng cách vô hình giữa hai chúng ta. Em không cắt nghĩa được đó là cái gì, chỉ cảm thấy mơ hồ rằng, có thể do chúng mình quá khác nhau về sở thích. Nhưng càng ngày, em càng nhận ra khoảng cách đó quá rộng, đến mức em không làm sao kiểm soát được. Em gặng hỏi nhưng anh chỉ im lặng và cười: “Em là phụ nữ mà, anh biết là em sẽ đủ tinh tế để nhận ra”.

Ấy vậy mà em chịu cứng. Em tự thấy mình là người vợ tốt, chẳng phải loại “một dạ hai lòng”, em chăm lo cho chồng chu đáo, chẳng có mâu thuẫn gì với nhà chồng. Em cũng thuộc dạng xinh xắn chứ đâu có kém cỏi ai. Vậy mà anh cứ tỏ ra buồn bã khó hiểu.

Hôm rồi anh mới mua cho em một bồ đồ lót có ren rất đẹp, nhưng em lại gói kỹ, cất vào ngăn kéo với lý do: “Mặc đồ này đã hỏng đâu mà thay đồ mới”. Hình như anh tỏ vẻ không hài lòng, nhưng ánh đèn ngủ tối quá nên em cũng chẳng nhìn rõ nét mặt của anh lúc ấy. Vả lại, từ xưa đến giờ em vẫn mặc đồ lót như thế đấy thôi, chả có vấn đề gì cả.

Nhưng ngày hôm sau, em tìm mãi vẫn không thấy những bộ đồ lót cũ của mình đâu. Anh cười cười bảo: “Anh vứt rồi. Nó cũ quá em à. Có cái còn bị mốc nữa. Em mặc bộ mới chẳng phải sẽ đẹp hơn sao?”. Máu giận trong người em sôi lên. Với em, hành động đó của anh chẳng khác gì một sự xúc phạm. Em lao đến anh như một con hổ cái bị thương, và lần đầu tiên trong suốt quãng thời gian sống chung, chúng ta đã cãi nhau một trận tơi bời.

Trong phòng ngủ, em nằm gặm nhấm nỗi buồn của một người vợ bị chồng xúc phạm. Em không hiểu tại sao anh lại làm vậy. Những bộ đồ đó quả thực quá xấu xí hay sao? Hay do từ trước đến giờ những gì em làm đều khiến anh không vừa mắt, kể cả áo quần em mặc trên người? Ý nghĩ đó khiến em hoàn toàn thất vọng về anh. Em không muốn nghe anh giải thích bất kỳ điều gì. Em lấy bộ đồ lót mới vứt ra giữa ghế sô pha ngay trước mặt anh. Em không muốn mặc thứ đó. Bởi với em, trước khi là vợ anh thì em phải là chính mình cái đã.


Dù sao thì sau lần ấy, em cũng đã biết chăm sóc cho cuộc sống gối chăn của vợ chồng mình hơn. (Ảnh minh họa)

Nhiều ngày sau đó, em không muốn nhìn mặt anh. Em cảm thấy anh giống như một người xa lạ chứ không phải là người đã từng đầu gối tay ấp với em. Ý nghĩ anh buồn rầu vì cảm thấy em “xấu xí” trong những bộ đồ đó khiến trái tim em bị bóp nghẹt. Chẳng lẽ anh chỉ yêu em đến chừng đó thôi sao?

Anh nói xin lỗi và đòi giải thích nhiều lần nhưng em vẫn không muốn tha thứ. Em đã nghĩ đến chuyện ly dị. Cho đến một hôm, em vô tình đọc được một bài viết về underwear, em mới thấy chạnh lòng. Phải chăng em đã quá thiếu tinh tế? Bởi những bộ đồ lót anh vứt vào sọt rác đều có “tuổi thọ” trên 2 năm và chẳng có kiểu dáng hấp dẫn như hình ảnh đăng trong bài viết, lại còn mốc thếch nữa chứ. Có lẽ đã rất nhiều lần anh phải “chịu đựng” em khi em khóac lên mình những bộ đồ lót thiếu gợi cảm đến thế! Có lẽ anh cũng đã giảm đi rất nhiều ham muốn khi “gần gũi” em như thế?

Hôm rồi anh vắng nhà, em đã lặng lẽ lôi bộ underwear mà em biết anh đã để lại vào ngăn kéo cũ ra ngắm nghía và ướm thử. Em thật sự bất ngờ khi thấy mình trong gương. Những đường cong mà em đã “bỏ quên” trong nhiều năm giờ đây dường như hiện ra rõ ràng hơn bao giờ hết. Và giây phút ấy, em cũng nhận ra một điều rằng, mình rất đẹp.

Lần đầu tiên sau nhiều ngày làm mặt lạnh với anh, em đã ngồi lại nghe anh nói chuyện như trước kia. Tiếng anh nhỏ nhẹ: “Anh biết mình đã hành động sai. Lúc đó, anh chỉ nghĩ nếu mình vứt đi, em sẽ mặc bộ đồ mới, em sẽ đẹp và gợi cảm hơn mà thôi. Nhưng dù sao thì anh cũng đã hành động thiếu suy nghĩ”. Sự tự ái trong em bây giờ đã hết, bởi em thấy mình mới là người thiếu sự nhạy cảm trong chuyện này.

Bây giờ ngồi nghĩ lại, em vẫn thấy mình là một người vợ may mắn. Nếu như lần đó, anh không vứt mấy bộ đồ ấy, thì không biết đến bao giờ em mới tự tay bỏ nó? Nếu như lần đó anh cứ im lặng mãi và đi mua đồ lót tặng cho người phụ nữ khác, không biết em sẽ như thế nào? Dù sao thì sau lần ấy, em cũng đã biết chăm sóc cho cuộc sống gối chăn của vợ chồng mình hơn. “Underwear luôn có một “quyền lực vô hình” trong đời sống lứa đôi” –  giờ thì em tin và sẽ không bao giờ quên điều này.

Meo.vn (Theo Eva)