Lưu trữ cho từ khóa: mát gan

Rễ cỏ tranh lợi tiểu, mát gan

Rễ cỏ tranh là bộ phận dùng làm thuốc từ cây cỏ tranh. Cây cỏ tranh là loại cỏ sống lâu năm. Lá mọc thẳng đứng, phiến lá xanh. Cụm hoa hình chùy, có nhiều bông nhỏ, phủ đầy lông mềm và dài màu trắng. Quả thóc nằm trong các mày như vỏ trấu. Cây mọc hoang khắp nơi trong cả nước. Rễ cỏ tranh mặt ngoài màu trắng ngà hay vàng nhạt, có nhiều nếp nhăn dọc và nhiều đốt mang các lá vẩy và rễ con. Khi làm thuốc, đào lấy thân rễ, cắt bỏ phần trên cổ rễ, rửa sạch đất cát, tuốt bỏ sạch bẹ, lá và rễ con, thái nhỏ.

Trong Đông y thuốc từ rễ cỏ tranh có tên gọi là mao căn. Tùy mục đích chữa bệnh, mao căn được bào chế và có tên gọi khác nhau, cụ thể: Bạch mao căn: (rửa sạch, tẩm nước cho hơi mềm rồi cắt thành đoạn, phơi khô, sàng bỏ chất vụn) mao căn thán: Lấy những đoạn bạch mao căn, cho vào nồi sao tới màu nâu đen, phơi khô; Sinh mao căn: rễ cỏ tranh tươi rửa sạch, thái nhỏ.

Rễ cỏ tranh có vị ngọt tính hàn, đi vào các kinh tâm, phế, tỳ, vị và bàng quang. Có công năng lương huyết, chỉ huyết, thanh nhiệt, tiêu ứ huyết, lợi tiểu tiện, thanh phế vị nhiệt. Chủ trị các chứng như chảy máu cam, tiểu ra máu, bí tiểu, hỗ trợ điều trị viêm thận cấp…

Cỏ tranh.

Bài thuốc chữa bệnh có sử dụng mao căn

Lợi tiểu: Bạch mao căn 30g, râu ngô 40g, xa tiền tử 25g, hoa cúc 5g, tất cả trộn đều, mỗi lần lấy 50g hãm với 0,75ml nước sôi và uống trong ngày. Dùng trong 10 ngày.

Hoặc: Sinh mao căn 50g, lá sen cạn 15g, râu ngô 10g, rau má 10g, rau diếp cá 8g. Sắc uống ngày 1 thang, chia làm 3 lần trong ngày. Dùng trong 3-5 ngày.

Hỗ trợ điều trị viêm thận cấp: Bạch mao căn 200g, nước 500ml, sắc nhỏ lửa còn lại 100 – 150ml, chia 2 – 3 lần uống, ngày 1 thang. Dùng liên tục trong 1 tháng.

Hoặc: Sinh mao căn, mã đề, kim ngân hoa, cam thảo nam, kim anh tử, đậu đen, hoàng đằng, kinh giới, cỏ mần trầu, mỗi vị 10g. Đổ 3 bát nước, sắc còn 1 bát, uống trong ngày sau bữa ăn. Dùng trong 15 ngày.

Hỗ trợ điều trị tiểu ra máu do nhiễm trùng đường tiết niệu: Mao căn thán, gừng (đã sao cháy). Sắc với 400ml nước còn 100ml, uống trong ngày và khi thuốc còn ấm, nên uống trước bữa ăn tối. Dùng trong 7-10 ngày.

Bạch mao căn.

Mát gan:

Sinh mao căn (cạo sạch vỏ) 150g, bạch anh tươi 50g, thịt lợn nạc (thái lát mỏng) 150g, gia vị vừa đủ. Các vị thuốc trên cho vào nồi đun nhừ, nêm gia vị vừa đủ, Ngày ăn 1 lần. Mỗi liệu trình điều trị 10-15 ngày.

Hoặc: Sinh mao căn 200g, sắc với 700ml nước, đun to lửa cho sôi sau đó đun nhỏ lửa 7-10 phút, lọc lấy nước uống thay chè, uống trong ngày. Mỗi liệu trình điều trị 10-15 ngày.

Ngoài là vị thuốc lợi tiểu, mát gan… mao căn còn chữa chảy máu cam, hen suyễn…

Chữa chảy máu cam: Bạch mao căn 36g, chi tử 18g. Sắc với 400ml nước còn 100ml, uống nóng sau ăn hoặc trước khi ngủ. Hoặc: Sinh mao căn 80g, sắc nước uống hàng ngày, uống khi nguội sau bữa ăn. Dùng trong 7-10 ngày.

Chữa hen suyễn: Sinh mao căn 20g. Sắc uống hàng ngày, uống khi thuốc còn ấm, sau bữa ăn tối. Dùng liên tục trong 8 ngày.

Lưu ý: Người hư hỏa, phụ nữ mang thai không nên dùng.

Theo suckhoedoisong

Trà râu ngô giúp mát gan

Râu ngô tên thuốc là ngọc mễ tu. Loại có sợi dài, dai, màu nâu hung, vị ngọt, khô mà mềm được coi là loại tốt.

Theo y học cổ truyền, râu ngô có vị ngọt, tính bình. Quy kinh thận, bàng quang, có công năng lợi tiểu, tiêu thũng, thông mật, lợi mật, thanh huyết nhiệt, bình can, thoái hoàng, chỉ huyết.


Trà râu ngô, bí đao: Râu ngô 300g, vỏ bí đao khô 150g, đậu đỏ sao thơm 300g, tất cả đem sấy khô, tán vụn, mỗi ngày lấy 50g hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng: Thanh nhiệt giải độc, mát gan lợi niệu.

Râu ngô - nhân trần: Râu ngô 300g, nhân trần 150g, bồ công anh 150g, tất cả sấy khô, tán vụn, mỗi ngày lấy 50g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng: Thanh nhiệt lợi thấp, mát gan lợi mật.  

Theo BS. Khánh Hiển

Meo.vn (Theo Khoahocdoisong)

Bồ công anh – Những công dụng bất ngờ

Bồ công anh (có tên gọi khác là rau bồ cóc, diếp dại, rau bao...) - theo y học cổ truyền, có vị đắng ngọt, tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng - có thể chữa các bệnh mụn nhọt, lở loét, viêm dạ dày-tá tràng, viêm gan, vú và các chứng viêm nhiễm khác.

Bồ công anh chứa nhiều  khoáng chất vi lượng như sodium, calcium, magne, potassium, đặc biệt là nguyên tố vi lượng sắt (cao hơn cả rau dền đỏ và rau muống). Trong lá và thân cây bồ công anh còn chứa các viatamin tốt cho mắt và da như vitamin A, hỗ trợ xương như vitamin B6, B1. So với rau ngót và cam, lượng vitamin C trong bồ công anh đạt tỷ lệ 49%/mg.

Trong Đông y dược cổ truyền, bồ công anh chữa trị hiệu quả một số bệnh như: chống loãng xương (người cao tuổi từ 50 trở lên, nhất là phụ nữ mãn kinh, hiếm muộn, vô sinh, cơ thể lao động quá sức bị suy nhược), chống rối loạn sự lọc máu của gan, xơ gan cổ trướng, tắc mật biến chứng thành u hoặc sỏi thận, điều trị thân nhiệt nóng do gan nhiễm mỡ sinh nám da... Dân gian thường trị bệnh nhiều mụn cóc ở tay, mặt, ngực bằng cách dùng bồ công anh cắt gốc, lấy nước dịch thoa lên các mụn cóc 3 lần/ngày, trong 3 ngày sẽ rụng mụn. Hái 100g lá, thêm 20g cà rốt, 10g bông cải xanh, nấu với 150ml nước, uống trong 5 ngày chữa tàn nhang, mụn nhọt, ghẻ lở, bệnh nấm da.

Khi mới sinh con, hầu hết các bà mẹ trẻ đều chưa có kinh nghiệm chăm sóc ngực khiến hiện tượng viêm tắc tia sữa xảy ra thường xuyên - không những em bé không được bú sữa mẹ mà chính các bà mẹ cũng phải chịu cảnh bầu vú sưng nóng, đau nhức khó chịu, thậm chí phát sốt... Dùng bồ công anh điều trị bệnh viêm, sưng vú, tắc tia sữa: lấy 100g lá  tươi, xay nhuyễn và nấu trong 150ml nước, chia 3 phần, uống  trong ngày như trà, liền 5 ngày sẽ hết đau, sữa nhiều.

Dưới đây là một số món ăn - bài thuốc có dùng bồ công anh:

Cháo bồ công anh: Gạo tẻ ngon 100g, bồ công anh 90g, đường trắng, nước đủ dùng. Gạo vo sạch. Bồ công anh rửa sạch, băm nhỏ cho vào nồi đổ nước sâm sấp đun chừng 30 phút, bắc ra bỏ bã lấy nước. Cho gạo vào nước bồ công anh hầm nhừ thành cháo rồi cho đường vào. Nên ăn nóng, ăn liên tục trong vòng 5 ngày, mỗi ngày 2 lần. Món ăn này có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, những người bị viêm tuyến vú giai đoạn hình thành áp-xe nên dùng.

Nước bồ công anh: Bồ công anh 50g, đường trắng 20g, nước đủ dùng. Bồ công anh rửa sạch, thái nhỏ, cho vào nồi, đổ nước đun chừng 30 phút, bắc ra lọc bỏ bã, cho đường trắng vào đun sôi là dùng được. Khi dùng, lấy bã đắp lên vú còn nước thì uống khi nóng. Bài thuốc này có công dụng thanh nhiệt, chữa đau nhức tuyến vú.

Bồ công anh nấu với thần khúc: Bồ công anh, thần khúc 50g, 900ml nước. Rửa sạch 2 vị trên rồi cho vào nồi, đổ nước vào đun, cô đặc còn khoảng 300ml nước cốt là được. Bài thuốc này có công dụng thanh nhiệt, giảm đau, chữa vú bị căng cứng, đau nhức.

Chữa uể oải , suy nhược, mất ngủ và làm mát gan bằng bài thuốc: 200g lá bồ công anh, 1 cái dựng (móng giò) heo, 100g rau ngót tươi, 250g đu đủ vừa chín hườm, nấu nhỏ lửa trong 250ml nước, còn 150ml là được, ăn trưa và chiều. Món ăn - bài thuốc này - theo nhiều người - là rất hiệu quả...

Meo.vn (Theo Thucphamvadoisong)

Bí quyết chế biến trà thanh nhiệt

Các loại trà dược có tác dụng thanh nhiệt, mát gan thường được người dân ưa dùng.

Xin giới thiệu một số công thức điển hình tự chế biến trà thanh nhiệt.

- Bài 1: Nguyên liệu gồm linh chi (60 g), cam thảo (50 g), nhân trần (150 g). Tất cả sấy khô, tán vụn, mỗi ngày lấy 20 g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được. Uống thay trà trong ngày. Công dụng: bổ trung ích khí, thanh nhiệt mát gan.

- Bài 2: Râu bắp (300 g), vỏ bí đao khô (150 g), đậu đỏ sao thơm (300 g). Tất cả đem sấy khô, tán vụn. Mỗi ngày lấy 50 g hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được. Uống thay trà trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt giải độc, mát gan lợi niệu.

- Bài 3: Râu bắp (300 g), nhân trần (150 g), bồ công anh (150 g). Tất cả sấy khô, tán vụn, mỗi ngày lấy 50 g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút thì dùng được. Uống thay trà trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt lợi thấp, mát gan lợi mật.

- Bài 4: Rau má (300 g), hoa hòe (150 g). Hai thứ sấy khô, tán vụn. Mỗi ngày lấy 30 g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được. Uống thay trà trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt lương huyết, mát gan giải độc.
- Bài 5: Nhân trần (150 g), hạ khô thảo (150 g), mạch môn (200 g). Tất cả sấy khô, tán vụn, mỗi ngày lấy 50 g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được. Uống thay trà trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt dưỡng âm, mát gan lợi niệu.
Theo NLĐ

Hỏng gan vì uống atiso, trà suốt ngày

Từ quan điểm “mát gan”, nhiều người đang dùng một số loại nước có pha dược thảo như nước uống suốt ngày.

Việc sử dụng như thế là không đúng cách nên chẳng những đã không mát gan mà có khi còn hại gan một cách oan uổng. Dưới đây là hai thí dụ cụ thể:

Gan chưa mát, bụng đã trướng

Không thiếu người uống nước atisô cả lít mỗi ngày vì nghe nói uống như thế vừa bổ gan vừa đẹp da vừa trị đau bao tử nhưng sau đó lại bị đầy hơi khó chịu, đến bữa ăn bụng đói cồn cào nhưng mới ăn vài miếng thì đã no, trong khi con mắt còn thèm.
Atisô đúng là vị thuốc rất tốt để nhuận gan, lợi mật và để phục hồi nhu mô gan nên được dùng để giải độc cho cơ thể, nhất là ở đối tượng hút thuốc, uống rượu, làm việc trong môi trường ô nhiễm, người bị tăng mỡ máu… Người bị viêm loét dạ dày, tá tràng cũng nên dùng atisô hỗ trợ chức năng biến dưỡng chất béo nhằm giảm bớt gánh nặng cho lá gan, trái thận và khung ruột. Nên nhớ là vết loét trên niêm mạc dạ dày, tá tràng sẽ rất lâu lành ở người cao mỡ máu, béo phì.

Nhưng không nên vì thế mà tự đầu độc bằng lượng atisô quá cao. Bởi cũng vì tác dụng tiết mật và co thắt túi mật để đẩy mật từ gan xuống ruột mà atisô nếu lạm dụng vì dùng quá thường xuyên hoặc mỗi lần dùng quá nhiều thì có thể gây co thắt toàn bộ cơ trơn của đường tiêu hóa. Cứ co vào giãn ra thì vết loét khó lành đồng thời nạn nhân sớm muộn cũng đầy hơi trướng bụng.

Táo bón như chơi

Nhiều người có thói quen chỉ uống trà thay nước trắng. Cũng như atisô, trà, dù là trà xanh hay trà đen, cũng là thuốc tốt vì hoạt chất kháng ôxy hóa trong trà (cụ thể là chất ECPG) có công năng phòng chống xơ vữa mạch máu, ngăn ngừa ung thư cho đối tượng phải tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, với hóa chất công nghiệp, nông nghiệp… Bằng chứng là các nhà nghiên cứu gần đây đã khuyên nên uống trà xanh khoảng 30 phút trước khi ra nắng để hoạt chất trong trà rải đều khắp cơ thể nhằm phong bế tác hại của tia tử ngoại trong ánh nắng gay gắt.

Nhưng bên cạnh đó, có hai điểm bất lợi thấy rõ khi chúng ta uống hơn 1 lít nước trà trong ngày. Đó là: Chất chát trong trà khiến khung ruột co thắt rồi đến lúc thành co cứng. Ẩm khách vì quá yêu trà sau đó sẽ trở thành nạn nhân của chứng táo bón; lượng sắt trong trà bao giờ cũng chiếm ưu thế khi tương tranh với các khoáng tố khác. Người yêu trà vì thế tuy thừa sắt nhưng lại thiếu nhiều khoáng tố vi lượng khác như kẽm, crôm, mangan… Đây lại là những nhân tố cần thiết cho hệ miễn dịch, biến dưỡng, thần kinh giao cảm. Lạm dụng nước trà vì thế có thể dẫn đến mệt mỏi, biếng ăn, buồn chán…

Tăng gánh nặng cho gan

Không chỉ riêng với atisô hay trà mà với cây thuốc nào cũng thế, người bệnh và ngay cả người chưa bệnh nhưng muốn phòng bệnh cũng không nên tự ý dùng thuốc theo lời đồn. Đừng quên là hoạt chất nào muốn nên thuốc cũng thế, phải được lá gan chuyển hóa mới triển khai được tác dụng như mong muốn. Gan thậm chí phải làm việc đến hai lần vì hoạt chất nào cũng vậy, dù là hóa chất tổng hợp hay dẫn xuất từ nguồn gốc thiên nhiên, sau khi tác dụng đều phải được gan biến thể lần nữa thành dạng không độc cho cơ thể trước khi theo đường bài tiết.

Mang hoạt chất vào cơ thể với liều lượng thái quá trong trường hợp không cần thiết thì chỉ tăng thêm gánh nặng giải độc cho lá gan. Tệ hơn nữa, nếu lá gan trước đó đã mệt nhoài vì gia chủ vướng một bệnh mãn tính nào đó.

Ngay cả khi dùng thuốc bổ cũng phải cân nhắc lợi hại. Không có thứ thuốc nào như thiên hạ thường đồn thổi là nếu không bổ chiều dọc cũng bổ chiều ngang. Vì đã là thuốc thì chỉ có thuốc tốt hay thuốc độc.
Theo BS Lương Lễ Hoàng
Người lao động

‘Thần dược’ Sâm Nhung Hoàn?

Sau hàng loạt vụ 'phốt' của các loại thực phẩm chức năng như: 'Trà mát gan bổ thận' của Công ty Hải Thượng (Bắc Giang), hay 'Rong biển', rồi sản phẩm KiHIV chữa HIV/AIDS, AntiK chữa ung thư... của Công ty cổ phần thiên nhiên VN...Nay thị trường Hà Nội lại 'nóng' với thứ thực phẩm mới: 'Sâm Nhung Hoàn'.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

'Thần dược' giá 70 nghìn, số lượng không hạn chế

Điều đáng nói về loại 'thần dược' này là ngoài lời giới thiệu khá trơn tru hấp dẫn như: 'Hàng nhập ngoại từ Malayxia, có công dụng tăng cường sức khoẻ…', thì chủ cửa hiệu cũng mù tịt về tên công ty nhập khẩu hay giấy phép đăng ký kinh doanh của nhà sản xuất(!?).

Tại cửa hàng số 49 phố Lãn Ông, Hà Nội, người phụ nữ ngoài 60 tuổi với khuôn mặt khá phúc hậu, đon đả lấy cho chúng tôi một hộp giấy hình bát giác, được 'kẻ vẽ' bằng chi chít những chữ Tàu, trông khá bắt mắt, giọng ân cần: 'Loại sâm nhung này dùng rất tốt cho người già, người bị suy nhược cơ thể, có tác dụng bổ máu, trị biếng ăn…'. Sau một hồi trình thuyết về công dụng cũng như uy tín thực tế về loại sản phẩm này, bà gọn lỏn: '70 ngàn'.

Mân mê vỏ hộp với những dòng chữ không thể đọc được (chữ Trung Quốc-PV) ngoài 2 dãy chữ số in ngày sản xuất và hạn sử dụng, bà chủ nhanh nhẹn mở toác nắp hộp lấy ra tờ hướng dẫn sử dụng được in song song 2 thứ tiếng: Trung Quốc và Việt Nam.

Đoạn in đậm trên tờ giới thiệu khá ấn tượng: 'Đề phòng giả mạo, kể từ tháng 6/2003, sản phẩm được áp dụng mẫu mã mới, có dán thêm hình tem phản quang của người sáng lập, các hình tem đều rõ ràng, vì lợi ích của đại chúng, nay xin thông báo đến người tiêu dùng'. Cùng với đó là những dòng giới thiệu như: '…là đặc sản của Đông Bắc Trung Quốc, có dinh dưỡng rất cao, được xem là vị thuốc bổ quý rất có ích cho con người' và những hướng dẫn cụ thể về công dụng, chủ trị, cách dùng…

Nhưng khi thắc mắc về nhà nhập khẩu số hiệu cấp phép của cơ quan quản lý Việt Nam, bà chủ cửa hiệu tỏ vẻ khó chịu: 'Chúng tôi mua lại của một công ty lớn ở trong Nam, bán rất chạy, anh không phải là người duy nhất tìm mua loại thuốc này…'.

Trả tiền, rồi tần ngần mang hộp 'thần dược' cùng những thắc mắc sang cửa hàng bên cạnh, chủ cửa hàng cười tủm tỉm: 'Ở đây chị chỉ bán có 50 ngàn thôi. Còn loại đóng bằng vỉ, đựng trong hộp sắt, được nhập về từ Malayxia mới có giá 150 ngàn đồng/ hộp…'. Để củng cố sự khẳng định của mình, chủ cửa hàng lấy đưa cho chúng tôi một hộp sắt mầu xanh, được bọc thêm lớp giấy bóng nhựa, cũng chi chít những hàng chữ TQ, với lời bật mí: 'Hộp em vừa mua là hàng 'trôi nổi', còn đây mới là hàng nhập xịn…'.

Chúng tôi gợi ý định mua số lượng nhiều để đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh lân cận, bà chủ tạp hóa niềm nở: 'Nhà chị là đầu mối ở đây, bao nhiêu cũng có, nếu em lấy nhiều thì chị để với giá 6.000 đồng/hộp'.

'Thần dược' hiệu quả đến đâu?

Qua tìm hiểu, hầu hết các cửa hàng tại đây đều bày bán công khai loại 'Sâm nhung hoàn' này với mức giá dao động từ 50- 70 ngàn đồng/hộp (vỏ hộp giấy, viên rời-PV) và 150 - 160 ngàn đồng/hộp(vỏ sắt, đóng vỉ).

Hộp giấy 'Sâm nhung hoàn' có 21 viên, được tán dưới dạng bột mầu vàng xỉn, có mùi ngai ngái, không vị, hình dáng giống viên thuốc tân dược con nhộng mầu đỏ với 2 loại chữ in: Anh và Trung Quốc, ghi rõ: ETMA. Trên bao hộp cũng như giấy hướng dẫn sử dụng của 'Sâm nhung hoàn' không hề có số hiệu cho phép nhập khẩu của cơ quan chức năng Việt Nam và công ty nhập khẩu…

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội khẳng định: 'Căn cứ vào các thành phần ghi trên giấy hướng dẫn như: Panax ginseng: 50mg; Corno Cerjipatetrichome: 20mg… thì đây là loại thực phẩm chức năng chứ không phải thuốc. Việc không đề nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm cũng như số hiệu cấp phép của cơ quan chức năng đủ cơ sở khẳng định đây là loại nhập lậu, hiện đang trôi nổi trên thị trường'. 'Nếu xét ở góc độ luật pháp thì chẳng có cơ sở để khẳng định Sâm nhung hoàn có tác dụng bổ béo gì', ông Cường khẳng định.

Theo một cán bộ Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, phố Lãn Ông có 57 hộ kinh doanh các mặt hàng như: Bốc thuốc theo đơn, kinh doanh dược liệu (thuốc phiến, thuốc sống)… Trong đó, có không ít những chủ cửa hàng là từ Ninh Hiệp, Bắc Ninh, về đây thuê cửa hiệu kinh doanh nên việc tồn tại lượng lớn hàng Trung Quốc không rõ nguồn gốc được lén lút tiêu thụ là điều khó tránh khỏi… Vị này cũng khuyến cáo 'không nên dùng loại thuốc này vì hầu hết đều có tác dụng phụ'.

Cách đây gần 10 năm TPCN vẫn còn xa lạ, nhưng vài năm gần đây TPCN đang ồ ạt ra thị trường. Hiện có tới gần 3.000 loại thực phẩm chức năng đang lưu hành trên thị trường. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2007, đã có trên 1.000 loại TPCN được đưa ra thị trường, nhiều sản phẩm trong số này được quảng cáo có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư, tiểu đường, chống lão hóa...

Theo nhận định của nhiều chuyên gia y tế, việc cấp phép (Cục VSATTP), cũng như quản lý các loại thực phẩm này hiện đang rất 'thoáng'. Và đằng sau cái sự 'thoáng' ấy đang có không ít người tiêu dùng phải chịu hậu quả.

Theo Trọng Hiếu

Vnmedia

Nha đam và ứng dụng làm đẹp thời hiện đại

Từ 3500 năm trước, nha đam (còn có tên Long Tu, Lưỡi Hổ, Lô Hội…) đã được biết đến như một dược liệu quý, đa công dụng. Theo truyền thuyết Ai Cập thì nữ hoàng Cléopâtre – huyền thoại sắc đẹp đã sử dụng nha đam để dưỡng cho làn da nuột nà, tươi tắn.

Cây thuốc làm đẹp

Ở Việt Nam, nha đam cũng đã được lưu truyền lâu nay như một liệu pháp dân gian hữu hiệu. Hải Thượng Lãn Ông – y tổ ngành y Việt Nam đã xem nha đam như một bài thuốc hiệu quả trong các bộ sách y khoa đồ sộ của ông. Theo sách đông y, nha đam có vị đắng, tính hàn nên có tác dụng mát huyết, giải nhiệt cho cơ thể, giúp mát gan và trị các chứng táo bón, trị vết thương bị bỏng… rất hữu hiệu.

Không chỉ là phương thuốc, phần thịt nha đam được dùng như một nguyên liệu để chế biến ra nhiều món ăn khác nhau như: nhúng bột chiên giòn, trộn gỏi, nấu canh, nấu chè đậu xanh, phơi khô nấu nước mát… vừa bổ dưỡng, ngon miệng lại tốt cho sức khỏe.

http://images.vietnamnet.vn/dataimages/200911/original/images1879805_nhadam.jpg

Các bà, các cô ngày xưa lại ưa chuộng nha đam vì công dụng đẹp da, mượt tóc. Phần thịt nha đam được cắt thành những lát mỏng rồi đắp lên mặt hoặc giã nhuyễn, vắt lấy nước cốt, pha thêm ít nước lọc rồi bôi đều lên mặt giúp da mềm mại, mịn màng, làm mờ những vết tàn nhang hoặc ủ lên tóc cho tóc mây thêm mượt mà. Đây có lẽ là bí quyết làm đẹp hiệu quả để mặc dù không có hàng trăm chủng loại, hàng ngàn nhãn hiệu mỹ phẩm, những cô gái thời xưa vẫn trắng da dài tóc, vẫn đẹp nghiêng nước nghiêng thành đủ để bao anh hùng phải liêu xiêu đấy thôi…

Nhưng với nhịp sống hiện đại đầy áp lực, bận rộn, không phải chị em nào cũng có điều kiện để chăm chút vẻ đẹp của mình với nha đam thiên nhiên. Áp lực công việc căng thẳng hay hậu quả sử dụng mỹ phẩm không phù hợp, môi trường ô nhiễm, chế độ dinh dưỡng mất cân đối… cũng tham gia tích cực vào việc phá hủy tế bào, làm da khô, nám, nhăn nheo. Làn da nhanh chóng bị tàn phá, trở nên cằn cỗi, không còn sức sống.

Và như một tất yếu, xu hướng tiêu dùng lại quay về với những gì mộc mạc, lành tính, thuần khiết từ thiên nhiên. Vì thế, giữa một 'rừng' các sản phẩm làm đẹp phong phú, đủ chủng loại, ngày nay nha đam vẫn không mất đi ưu thế của mình mà những lợi ích đa chức năng cho sức khỏe và sắc đẹp đó đã được chứng minh và khẳng định bởi khoa học.

Cuốn cẩm nang sử dụng các phương thuốc thiên nhiên, Nhà xuất bản Y học năm 2006 (do Enrique

Garza, thành viên trong Ban cố vấn của Trường Đại học quốc tế Clayton về sức khỏe tự nhiên ở Mỹ, biên soạn), dẫn chứng: "Cây nha đam có nhiều tính năng chữa bệnh như giảm đau, giảm viêm. Nó là một chất đông máu tuyệt hảo, làm liền sẹo, chất kích thích tái tạo tế bào, tiêu hóa, chất giảm độc, bù nước. Đặc biệt, nha đam chứa nhiều Vitamins A, B1, B2, B6, B12, C and E, Folic Acid , Niacin, selenium… và hơn 17 axít amin, khoáng chất là những dưỡng chất rất cần thiết cho cơ thể con người". Theo tác giả, nha đam có 19 đặc tính rất quan trọng như: Tác dụng làm lành vết thương; chống viêm và chống dị ứng; tái sinh tế bào; tái tạo năng lượng, tiếp nước cho da, giải độc; sử dụng nha đam trong dưỡng da, chăm sóc sắc đẹp...'.

Ý tưởng mới cho sản phẩm truyền thống

Làn da đẹp là làn da khỏe được nuôi dưỡng từ bên trong. Đó là ý tưởng chủ đạo cho ra đời nhãn hiệu sữa chua Vinamilk nha đam mới có chiết xuất tinh chất nha đam vào trong thành phần công thức sản phẩm. Sữa chua vốn tốt cho tiêu hóa và làn da nay kết hợp với nha đam nguyên chất tăng gấp đôi hiệu quả cho sức khỏe và sắc đẹp. Tinh chất nha đam với hơn 19 vitamins A, B1, B2, B6, B12, C, E, Folic Acid , Niacin, đa khoáng chất sẽ thẩm thấu vào da, nuôi dưỡng da khỏe khoắn, mịn màng đồng thời selenium ngăn ngừa quá trình lão hóa da, cho làn da tươi tắn, trẻ trung từ bên trong.

Với sản phẩm này, quan điểm của nhà sản xuất đưa ra là không nhất thiết phải chạy đua với những mỹ phẩm đắt tiền mà không phải ai cũng có đủ điều kiện, bạn có thể thử khám phá bí quyết làm đẹp mộc mạc cho chính mình. Với ba hũ sữa chua Vinamilk nha đam mỗi ngày, nữ giới vừa được hưởng vị giác thơm ngon, vừa có thể có một làn da khỏe đẹp …

Theo T.C (Vietnamnet)

Thuốc ngừa thai có trị được mụn trứng cá?

Em 25 tuổi, chưa có gia đình. Em bị mụn đã nhiều năm nay dù đã điều trị rất nhiều cách, từ uống thuốc của bác sĩ da liễu, uống thuốc bắc, đến thuốc mát gan mà vẫn không cải thiện chút nào.

Da mặt em rất nhờn, nhiều mụn đỏ, mụn đầu trắng, đôi khi có cả mụn bọc. Trước ngày hành kinh, mụn nổi nhiều hơn dù em uống nhiều nước (khoảng 2 lít/ngày). Vì chỉ nặng 39kg nên có thời gian em uống sữa tươi không đường để tăng cân, nhưng bác sĩ da liễu tư vấn uống sữa tươi sẽ làm gia tăng chất nhờn nhiều hơn. Do tính chất công việc phải tiếp xúc thường xuyên với khách hàng nên em rất mặc cảm với gương mặt của mình. Có cách nào để em tăng cân và da mặt hết mụn không? Em nghe nói uống thuốc ngừa thai để trị mụn nhưng không biết có đúng không? Nếu uống có ảnh hưởng đến chuyện sinh con sau này? (thanhhuyen1610)


- Trả lời:

Như chúng ta đã biết, mụn trứng cá được hình thành là do: da tăng tiết chất nhờn; tạo cồi sừng tại phễu lỗ chân lông; sự phát triển của vi trùng gây mụn (vi trùng này thường trú trên da); phản ứng viêm tại tổn thương. Trong đó yếu tố đầu tiên: tăng tiết chất nhờn, rất quan trọng, bởi vì khi các tuyến bã nhờn trong nang lông tăng tiết thì sự lưu thông chất nhờn lên trên bề mặt da sẽ bị trì trệ, gây ứ đọng hoặc tắc nghẽn chất nhờn bên trong. Đây là nguồn thức ăn dồi dào cho các vi trùng có điều kiện "sinh sôi nẩy nở", hậu quả sẽ kích hoạt phản ứng viêm tại tổn thương.

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc bài tiết chất nhờn tại nang lông. Yếu tố bên trong như nội tiết tố sinh dục, nội tiết tố thượng thận, chế độ sinh hoạt, chế độ ăn uống, một số bệnh lý... Yếu tố bên ngoài như môi trường, khí hậu, mỹ phẩm, các sản phẩm dùng ngoài...

Theo mô tả của bạn, "da rất nhờn" là yếu tố quan trọng dễ gây mụn nếu chúng ta không biết chăm sóc đúng cách. Thức ăn góp phần gây nhờn da là đồ ngọt, sữa tươi, thức ăn chứa nhiều muối. Trong sữa tươi có chứa thành phần kích thích da tăng tiết nhờn. Thuốc bắc, thuốc mát gan không có tác động nhiều trên bệnh mụn. Da mặt của bạn hiện tại có nhiều mụn đỏ, mụn đầu trắng, một ít mụn bọc tức là ở giai đoạn "mụn trứng cá nặng". Các yếu tố cần thiết cho da của bạn lúc này là:

- Giữ da sạch

- Chú ý chế độ ăn uống và chế độ sinh hoạt

- Lựa chọn các sản phẩm dùng bên ngoài thích hợp như sữa rửa mặt dành cho da nhờn (không chứa cát), thuốc bôi chứa hoạt chất tiêu sừng, kháng viêm, kháng sinh, có thể dùng mặt nạ có chứa các chất hút nhờn như resorcinol, chất tiêu sừng nhẹ như AHA...

- Cần tuân thủ chế độ điều trị thích hợp như: có thể uống kháng sinh, kháng viêm hay vitamin A acid. Tuy nhiên chế độ điều trị này phải được sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa da liễu

Việc thuốc uống ngừa thai để chữa mụn là lựa chọn đứng hàng thứ yếu trong các phương pháp dùng trị mụn. Những lời truyền tai mà bạn nghe được có thể là người bệnh được chỉ định dùng phối hợp thuốc uống ngừa thai trong điều trị mụn: da nhờn nhiều, chu kỳ kinh nguyệt không đều, rậm lông tay-chân, mụn nhiều lên trước ngày hành kinh, có nhu cầu ngừa thai. Tuy nhiên trước khi dùng cần thận trọng theo dõi về sinh hóa máu (mỡ máu), siêu âm vú và tử cung (để chắc chắn không tồn tại các u bướu) và chỉ nên dùng trong khoảng thời gian ngắn 3 - 6 tháng. Hiện nay có nhiều thuốc uống ngừa thai mới ra đời và nhóm thuốc thích hợp nhất trong trường hợp này là có chứa Progesterone thế hệ thứ tư.

Tóm lại, bạn nên đến khám và theo dõi điều trị tại cơ cở chuyên khoa da liễu có uy tín vì mụn trứng cá là bệnh da có thể điều trị khỏi hẳn. Vấn đề của mụn trứng cá là làm sao duy trì tình trạng da khỏe đẹp. Bạn không nên uống thuốc bắc, thuốc mát gan hoặc tự điều trị theo cách "nghe nói uống thuốc ngừa thai...".

ThS-BS Lê Thái Vân Thanh
Giảng viên Bộ môn Da liễu, ĐHYD TP.HCM

Uống nước sắc cây chó đẻ

TTO - Da em bị mụn bọc rất nhiều, nhất là khi gần đến chu kỳ kinh nguyệt. Em có nghe nói cây chó đẻ uống sẽ mát gan và giảm mụn bọc trên mặt, điều này có đúng không thưa bác sĩ? Nhưng em lại có thêm thông tin là uống cây chó đẻ có thể gây vô sinh. Bác sĩ tư vấn giúp em.

T.A.

- Trả lời của phòng mạch online:

Cây chó đẻ hay còn gọi là chó đẻ răng cưa, diệp hạ châu, tên khoa học là Phyllanthus amarus, có thành phần hoạt chất gồm alcaloit, flavonoit, vitamin C… Nguồn gốc tại sao có tên là "chó đẻ" có người giải thích con chó cái sau đẻ ăn lá của cây này để ra máu ít.

Cây chó đẻ. Ảnh minh họa

Vì tác dụng co cơ trơn và mạch máu ở tử cung nên có hãng bào chế khuyên "không dùng cho phụ nữ có thai". Các nghiên cứu chưa tác giả nào nói nước sắc cây chó đẻ gây vô sinh. Dân ta dùng cây chó đẻ vì thấy nó có tác dụng lợi gan mật, chữa mụn nhọt.

Trong kinh Vệ Đà của Ấn Độ đã ghi tác dụng chính của cây là giải độc và bảo vệ tế bào gan. Những năm sau này nhiều công trình của các nhà khoa học Trung Quốc, Nhật, châu Mỹ Latin, Philippines, Cuba, Nigeria, Guam, Bắc Phi và Tây Phi cũng đã công bố cây chó đẻ chữa bệnh vàng da và viêm gan siêu vi B.

Các nghiên cứu trên thực nghiệm của các nhà khoa học trong và ngoài nước đã chứng minh cơ chế tác dụng của cây chó đẻ chính là ức chế sự sao chép tế bào của virus viêm gan B (HBV), không cho virus sinh sản. Ở Ấn Độ người ta bào chế và xuất khẩu sản phẩm từ cây chó đẻ sang các nước, trong đó có cả nước ta.

Giáo sư S.Jayaram và các cộng sự của Đại học Madras (Ấn Độ) thử nghiệm trên 28 người tình nguyện đã nhiễm virus viêm gan B, uống liều 250mg chó đẻ từ 1-3 tháng, tỉ lệ người khỏi bệnh là 54,5%. Nếu trích ly hoạt chất và bào chế ở dạng viên nang 200mg, uống ba lần trong ngày, sau 15-20 ngày điều trị, tỉ lệ khỏi bệnh là 59%.

Cây chó đẻ được các nhà khoa học Nhật Bản và Paraguay liên kết nghiên cứu tác dụng hạ huyết áp. Bạn uống nước sắc cây chó đẻ thấy có tác dụng lợi tiểu, nước tiểu trong.

Nếu bạn dùng cây chó đẻ uống để chữa mụn cũng phải kiên trì theo đơn vị tháng chứ uống vài ngày rồi bỏ cũng không có hiệu quả. Những yếu tố như: ăn nhiều chất béo, đường, thức khuya, nguồn nước không sạch cũng thúc đẩy mụn phát triển. Vì thế muốn sử dụng cây chó đẻ chữa mụn thành công cần hạn chế những yếu tố sinh mụn nữa.

TS LÊ THÚY TƯƠI

(tuoitre)

Ngứa – Làm sao đây?

Tôi bị ngứa hết cả hai bên cẳng chân, nhất là lúc mồ hôi ra lại càng ngứa. Ngứa gãi làm hai cẳng chân của tôi chảy máu, nhưng nếu không gãi thì tôi không thể chịu đựng được. Xin hỏi tôi bị bệnh gì, có thuốc gì chữa khỏi không?

Lý Hoàng Phúc

(Hà Nam)

Theo như bạn hỏi thì rất có thể bạn mắc bệnh viêm da. Viêm da do rất nhiều yếu tố liên quan, bệnh có thể có nguyên nhân nào đó hoặc không rõ nguyên nhân. Bệnh phát ở bất cứ vùng da nào trên cơ thể. Vị trí thường gặp ở mặt trước hai cẳng chân. Da đỏ lên, có các mụn nước nhỏ li ti hoặc các vết sần đỏ. Bệnh nhân rất ngứa. Khi gãi nhiều thì gây chảy máu hoặc các vết xước. Đôi khi da bị khô và sần lên trông xù xì như vỏ cây. Hầu hết các trường hợp không do gan gây nên. Tuy nhiên nếu có điều kiện bạn nên đi làm xét nghiệm để đánh giá chức năng gan, thận.

Việc điều trị bệnh, bệnh nhân cần lưu ý:

Về chăm sóc da: tắm hoặc rửa nhẹ nhàng ngày 1 lần. Không gãi, không cạo trước khi bôi thuốc. Không xát chanh, xát muối, xà phòng vào chỗ da bị viêm.

Về điều trị: Bôi tại chỗ một trong các thuốc có chứa corticoid có hoạt phổ mạnh như: temproson, gentrison, caditrigel... Ngày bôi 2 lần trong 2-3 tuần. Sau đó phải giữ ẩm da và hạn chế mất nước qua da thì da sẽ đỡ bị viêm. Bôi các chế phẩm làm ẩm da như: kem vitamin E, kem physiogel, babycare.... Bôi sau tắm và bôi chồng lên lúc đi ngủ vào chỗ da bị viêm và da bị khô. Có thể bôi nhiều lần/ngày để giữ ẩm cho da nhất là về mùa đông.  

Nếu có nhiễm trùng bồi phụ thì phải uống một trong các kháng sinh sau: cephalexin, roxithromycin. Sử dụng kháng sinh một đợt trong 5-10 ngày tùy theo chỉ định của bác sĩ. Nếu ngứa nhiều thì phải uống một trong các thuốc kháng histamin như loratadin, fexofenadin, chlopheniramin một đợt từ 5-10 ngày.  Ngoài ra bạn có thể uống thêm thuốc mát gan cũng tốt.

TS. Nguyễn Thị Lai

(Bệnh viện Hữu Nghị)

Suckhoe&doisong