Lưu trữ cho từ khóa: măng khô

Ăn nhiều măng khô có thể gây tắc ruột

 

Ông Nguyễn Văn K. (78 tuổi ở Hà Nội) có thói quen ăn nhiều chất xơ để tốt cho tiêu hóa, đặc biệt món khoái khẩu của ông là măng khô.

Một lần tự dưng ông bị đau bụng, nôn, bí trung đại tiện… đi cấp cứu bác sĩ chẩn đoán tắc ruột phải mổ khẩn cấp. Khi mổ các bác sĩ đã lấy ra được một lượng lớn chất xơ bị tắc lại, trong đó có nhiều miếng măng khô chưa được tiêu hóa.


Ảnh minh họa.

Lời bàn: Bổ sung chất xơ rất cần thiết không chỉ người già mà ngay cả người trẻ. Tuy nhiên, người già chức năng tiêu hóa kém, răng yếu nên cần lựa chọn những chất xơ dễ tiêu như rau quả.

Măng nhất là măng khô có nhiều đoạn già hóa gỗ rất khó tiêu hóa nên người già không nên ăn nhiều. Khi ăn người già nên lựa chọn các thực phẩm dễ tiêu hóa, cắt nhỏ hoặc nấu mềm, tránh ăn các chất xơ dai, già như măng kẻo dẫn tới rối loạn tiêu hóa, thậm chí tắc ruột như trường hợp của ông K.

(Theo Kiến Thức)

 

Bí quyết lựa chọn và chế biến măng khô

Không giống măng tươi, việc sử dụng măng khô để chế biến món ăn đòi hỏi bạn phải tốn nhiều thời gian hơn, nhưng bù lại, món ăn sẽ có mùi vị đặc trưng rất riêng.

Một vài bí quyết dưới đây sẽ giúp bạn chế biến măng khô dễ dàng.

Sự khác nhau giữa măng tươi và măng khô

Măng tươi có độ giòn còn măng khô lại hơi dai. Cả hai loại măng này đều có mùi hơi khó ngửi, nhưng sau khi đã được xử lý, mùi hôi trong măng sẽ biến mất. Măng khô không cứng nhưng rất dai. Nếu được luộc chín, măng khô trở nên mềm và có vị ngọt rất ngon miệng. Măng tươi và măng đóng hộp không thể có được vị ngọt giống như măng khô.

Chọn mua măng khô

Chọn loại măng khô có chất lượng tốt thường được bày bán trong các cửa hàng thực phẩm, chợ hoặc siêu thị. Tốt nhất, bạn nên mua măng khô ở những cửa hàng quen để tránh trường hợp mua phải loại măng đã được tẩm ướp hóa chất chống mốc, không an toàn cho sức khỏe. So với măng khô, măng tươi dễ sử dụng hơn nhưng vị của chúng lại đắng hơn nếu chưa được xử lý trước khi nấu. Thông thường, trước khi nấu, măng tươi cần phải được luộc chín để giảm vị đắng và chất độc trong măng. Trong khi đó, măng khô đã được xử lý bớt vị đắng trước khi phơi khô.

Khi mua măng khô, hãy chọn loại có màu nâu vàng, được cắt thành những mảnh nhỏ với kích thước khoảng 2,5cm x 10cm và chưa được tẩm ướp muối. Chọn mua những miếng măng có kích cỡ nhỏ sẽ giúp bạn hạn chế được thời gian luộc và làm mềm măng.

Bảo quản măng khô

Cho măng khô vào túi có khóa kéo và để ở những nơi tối, mát. Thời hạn sử dụng măng khô rất dài, bạn có thể bảo quản bao lâu tùy thích.

Cách luộc măng khô

- Rửa măng khô thật sạch để loại bỏ hết lớp chất bẩn và bụi bám trên măng. Sau đó, ngâm cho măng nở trong ít nhất là từ 5 đến 6 giờ. Bạn cũng có thể ngâm măng qua đêm để khi nấu mềm đều hơn. Trong quá trình ngâm, cần thường xuyên thay nước ngâm để giúp lọc sạch vị đắng còn lại trong măng.

- Sau khi ngâm xong, cho măng vào rổ, để măng ráo nước thì cho vào nồi nước và tiếp tục đun sôi cho đến khi măng mềm hoàn toàn. Nên để nồi măng sôi trong ít nhất là một giờ với lửa trung bình. Sau đó, tiếp tục gạn hết phần nước đã đun, cho thêm nước mới và đun trong khoảng 1 giờ nữa để măng mềm đều. Trong quá trình đun, nếu thấy nồi măng cạn nước, phải châm thêm nước vào sao cho măng luôn phải ngập trong nước.

- Khi măng đã chín mềm, vớt măng ra, cho vào rổ để ráo nước và đợi đến khi măng nguội hoàn toàn thì xé măng thành từng sợi mỏng, tiếp tục rửa lại bằng nước sạch. Lúc này, phần măng khô đã sẵn sàng cho việc chế biến các món ăn.

Một số bí quyết nhỏ

- Nếu không sử dụng hết lượng măng khô đã luộc chín, bạn có thể cho chúng vào túi có khóa kéo vào bảo quản trong tủ lạnh. Thời hạn sử dụng măng khô trong trường hợp này là một tuần nếu để ở ngăn mát và khoảng hơn một tháng nếu cho vào ngăn đá.

- Dùng nước vo gạo ngâm măng khô sẽ giúp chúng nhanh mềm và chín đều hơn khi luộc.

- Ngoài hình thức phơi khô, măng còn được muối chua.

(Theo Phụ nữ online)

Măng khô sấy lưu huỳnh có thể gây nhiễm độc máu

Lưu huỳnh nếu dùng số lượng lớn, sử dụng ở nồng độ cao sẽ phản ứng với hơi ẩm tạo ra axít sulfurơ có thể gây tổn thương cho phổi, thậm chí gây nhiễm độc máu.

Từ ngày 18-23/9, các lực lượng chức năng Thanh Hoá đã phát hiện và thu giữ hàng chục tấn măng khô có dùng bột lưu huỳnh (diêm sinh) để sấy và bảo quản. Theo các chuyên gia về hóa chất, nếu dùng quá mức chất này sẽ gây ngộ độc máu...

Măng tươi, măng khô đều có lưu huỳnh

Cơ quan quản lý thị trường Thanh Hóa đã thu giữ 530kg măng sợi khô đã hấp qua lưu huỳnh và 118kg lưu huỳnh dùng để sấy măng ở hai cơ sở chế biến măng khô của ông Phạm Ngọc Mạnh ở thôn 4 và cơ sở của ông Đỗ Mạnh Hiền ở thôn Minh Thành 1 (xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân). Trước đó, ngày 23.9, ngành chức năng cũng tạm giữ Hà Văn Liêm (trú tại xã Thiên Phú, huyện Quan Sơn) và thu giữ 25 tấn măng tươi có ướp lưu huỳnh.

Lực lượng QLTT phát hiện, thu giữ măng khô sấy lưu huỳnh ở xã Xuân Bái (Thọ Xuân, Thanh Hóa)

Hà Văn Liêm khai nhận: “Sau khi thu mua măng của bà con đồng bào các dân tộc ở các huyện miền núi, tôi đưa về sơ chế bằng hóa chất xong sẽ đem đi tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Nhờ xử lý bằng lưu huỳnh, nên măng luôn có màu tươi đẹp mắt, đặc biệt có thể để nhiều tháng vẫn không bị úng, hôi thối…”.

Thông tin “măng lưu huỳnh” khiến nhiều người dân hoang mang. Bà Hoàng Thị Hiền, ở phường Đông Sơn, TP. Thanh Hóa- là người hay đi chợ, mua măng khô về cho gia đình ăn, cho biết: “Khi con gái tôi đọc báo, xem ti vi thấy thông tin về măng khô bị sấy bằng bột lưu huỳnh, thì từ đó tôi không dám mua măng về cho gia đình ăn nữa”.

Tuy nhiên theo quan sát của chúng tôi, hiện nay ở các chợ trên địa bàn TP. Thanh Hóa và các chợ huyện, vẫn có rất nhiều người bán măng khô, với các loại, như: Măng khô miếng, măng khô sợi xé nhỏ. Còn thực chất ở trong măng có dùng lưu huỳnh, hoặc hóa chất khác để ngâm, sấy khô hay không thì chưa ai biết.

Cần có hướng dẫn

Trước thông tin măng khô, măng tươi có sử dụng lưu huỳnh để bảo quản, chống mốc, kỹ sư hóa Hà Văn Vợi - Giám đốc Trung tâm Hữu cơ, Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam khẳng định, lưu huỳnh (diêm sinh) có thể dùng để chống mốc trong thực phẩm.

Kỹ sư Vợi nói: “Lưu huỳnh có thể dùng làm chất bảo quản trong rượu vang và làm khô hoa quả. Thế nhưng, nó chỉ an toàn khi sử dụng một lượng rất nhỏ (tính theo phần nghìn mg), nếu dùng số lượng lớn, sử dụng ở nồng độ cao thì sẽ phản ứng với hơi ẩm để tạo ra axít sulfurơ có thể gây tổn thương cho phổi, mắt hay các cơ quan khác, cản trở sự hô hấp, thậm chí gây nhiễm độc máu”.

Kỹ sư Vợi lo ngại, khi sử dụng bột lưu huỳnh, bà con cho theo cảm tính nên có thể cho rất nhiều. Hiện tại chưa ai biết người sơ chế măng ở Thanh Hóa cho bao nhiêu lưu huỳnh vào măng nên rất cần xét nghiệm.

Tương tự, tiến sĩ Hóa học Nguyễn Thị Sơn (khoa Hóa, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng khẳng định:

“Lưu huỳnh dùng để chống ẩm mốc nếu sử dụng ít thì không độc nhưng nếu sử dụng quá nhiều hoặc rắc trực tiếp thì bản thân người sơ chế cũng có thể nhiễm độc đường hô hấp. Còn với người ăn, khi lưu huỳnh vào cơ thể kết hợp với kim loại nặng trong cơ thể tạo thành hợp chất sunfua gây độc, vào dạ dày kết hợp với axit tạo thành hợp chất tích tụ ở dây thần kinh gây đau đầu”.

Tuy nhiên, tới chiều 25/9, ông Nguyễn Văn Sang- Đội trưởng đội Quản lý thị trường số 9 (thuộc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa) cho biết, sau khi lập biên bản vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và tạm giữ tang vật là hàng tấn măng khô có tẩm lưu huỳnh, cơ quan QLTT đã gửi mẫu đi xét nghiệm và giám định để làm căn cứ xử phạt người vi phạm.

Đến thời điểm này chưa có kết quả giám định. Còn ông Đỗ Xuân Trường- Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng nông, lâm, thủy sản Thanh Hóa thì cho hay: “Vì không có máy móc nên ngay cả có mẫu chúng tôi vẫn phải gửi đi T.Ư để xét nghiệm. Trước mắt, chúng tôi khuyến cáo người tiêu dùng nên sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ...”.

(Theo Dân Việt)