Lưu trữ cho từ khóa: mần tưới

Chữa viêm tai chảy mủ bằng đông y

Viêm tai chảy mủ thường gặp là viêm tai giữa. Đông y gọi bệnh này là 'nùng nhĩ'. Bệnh được chia ra hai thể: cấp tính và mạn tính. Ở thể cấp tính bệnh nhân thường có sốt trong tai sưng đau, phù nề, thậm chí có mủ, chất mủ trắng hoặc xanh, vàng, có thể đặc, dính hoặc loãng, người bứt rứt khó chịu. Thể mạn tính thường do bệnh điều trị không dứt điểm để kéo dài, tai luôn trong tình trạng ẩm ướt, chảy mủ, có mùi hôi, sức nghe giảm, người bệnh cảm thấy đau tai, ù tai, chóng mặt. Đông y cho rằng nguyên nhân sinh bệnh là do can, đởm hỏa nhiệt hoặc phong quấy rối gây nên. Điều trị bệnh này có thể sử dụng một số bài thuốc sau:

Đối với thể cấp tính

- Tai sưng đau, chảy mủ nhiều, miệng đắng, họng khô, hoa mắt, tiểu tiện vàng sẻn. Phải sơ giải uất nhiệt ở thiếu dương kiêm thẩm thấp.

Bài 1: Bán hạ 10g, cam thảo 8g, phục linh 12g, mộc thông 8g, bạch truật 12g, đẳng sâm 12g, sinh khương 8g, sa tiền tử 8g, trạch tả 12g. Sắc uống ngày một thang chia 2-3 lần.

Bài 2: Sài hồ 12g, ngưu hoàng 10g, bồ công anh 30g, kim ngân hoa 30g, sơn chi tử 12g, long đởm thảo 15g, hoàng cầm 12g, bạc hà 10g. Sắc uống ngày một thang.

- Trường hợp tâm phiền, mủ chảy ra khó khăn phải thanh can tả hỏa, tán phong trừ thấp, thác lý bài nùng.

Bài 1: Hương phụ 10g, bạch thược 10g, địa cốt bì 10g, hoàng kỳ 15g, bạch chỉ 10g, hoàng cầm 10g, cam thảo 8g, đương quy 10g, sài hồ 10g, long đởm thảo 6g. Sắc uống.

Bài 2: Sài hồ 12g, bán hạ 8g, sinh khương 10g, hoàng cầm 12g, sơn chi tử 12g, cam thảo 8g, long đởm thảo 12g, hạ khô thảo 12g, kim ngân hoa 12g, bồ công anh 12g, liên kiều 12g, cúc hoa 12g. Sắc uống ngày một thang.

Đối với thể mạn tính

- Tai chảy mủ, tái phát nhiều lần, sắc mủ trắng hoặc vàng hoặc sẫm màu, đầu nặng tai ù, khó chịu. Phải dùng pháp thanh nhiệt, liễm thấp, thông hòa huyết mạch.

Bài thuốc: Huyết kiệt 15g, nhi trà 15g, ngũ bội tử 20g, lô cam thạch nung 250g, ô tặc cốt bỏ vỏ cứng 100g, băng phiến 2g, nghiền mịn, trộn bột kép, đóng gói 6g. Ngày uống 2-3 lần mỗi lần một gói.

- Trường hợp tai chảy mủ trong loãng lâu ngày không khỏi, kèm theo hay tắc mũi, chảy nước mũi phải thanh lý phế khí, hóa trọc thông khiếu.

Bài thuốc: Hoàng cầm 10g, tử tô 10g, tân di hoa 10g, rễ lau 15g, thạch xương bồ 8g, ké đầu ngựa 10g, bạch chỉ 10g, sinh thảo 10g, kim ngân hoa 15g. Sắc uống ngày một thang.

- Nếu tai chảy mủ kéo dài, chất mủ đặc dính, tai ù, sức nghe giảm, sườn trướng khó chịu, rêu lưỡi nhớt nhiều đờm do đàm ứ lấp khiếu, khí cơ không thông phải trừ đàm, khử ứ, hành khí, thông khiếu.

Bài thuốc: Sài hồ 10g, xuyên khung 12g, đương quy 15g, mần tưới 10g, bạch linh 12g, hương phụ 10g, thạch xương bồ 12g, hồng hoa 10g, bán hạ 10g. Sắc uống ngày một thang.

- Trường hợp tai chảy mủ lâu ngày lúc chảy lúc không, mủ loãng, đầu choáng tai ù, tâm phiền, lưng đùi yếu mỏi, sắc mặt đỏ bừng, có lúc tai rỉ mủ ra vàng dính đó là do thận âm bất túc hư hỏa ở trong bốc lên, nhiệt độc chưa thải trừ hết phải tư âm bổ thận, thoái nhiệt, giải độc thẩm thấp lợi khiếu.

Bài thuốc: Thục địa 32g, hoài sơn 16g, sơn thù 16g, mẫu đơn 12g, phục linh 12g, trạch tả 12g, tri mẫu 12g, hoàng bá 12g, bồ công anh 12g, kim ngân hoa 12g, khổ sâm 12g. Sắc uống ngày một thang chia 2-3 lần.

Ngoài việc dùng thuốc uống trong có thể dùng thuốc rửa tại chỗ

Bài 1: Hoàng liên 10g, băng phiến 4g, nghiền thật mịn, trộn đều thành thuốc bột. Rửa tai bằng nước ôxy già 10 thể tích cho sạch, lau khô, rồi rắc một lượng thuốc vừa đủ 3-4 lần trong ngày, liên tục trong vài ngày.

Bài 2: Ngũ bội tử 10g, băng phiến 3g, hoàng liên 5g, rượu trắng 40g. Ngũ bội tử sấy khô, nghiền vụn, hoàng liên thái nhỏ, 3 vị đem ngâm vào rượu 2-3 tuần. Rửa sạch tai bằng nước ôxy già rồi dùng rượu thuốc trên nhỏ vài ba giot vào ống tai ngày 3 lần.

Theo Sức khoẻ và đời sống

8 bài thuốc chữa chứng say nắng

Về mùa hè, nhiệt độ cao, thời tiết oi bức, cơ thể con người phải tự điều tiết để thích nghi với điều kiện môi trường, tuy nhiên sự thích ứng của cơ thể chưa đáp ứng kịp thời hoặc gặp nhiều trở ngại vì thế mà gây nên bệnh nhất là khi đi lại hoặc làm việc trong môi trường nắng, nóng. Khi bị say nắng thường có các triệu chứng: sốt, mồ hôi vã ra, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, buồn nôn, lợm giọng, mặt đỏ, da khô, miệng khát, mạch nhanh, nhịp thở yếu, nếu bị nặng có thể ngất xỉu. Trường hợp mồ hôi ra nhiều, mất nước và chất điện giải có thể gây co giật. Đông y gọi chứng này là 'trúng thử'.

Nguyên nhân sinh bệnh phần nhiều do thận thủy vốn suy bị thử tà kích động biến thành đàm vít tắc tâm bào, hoặc do lao động nặng nhọc trong môi trường nắng, nóng, thử tà xâm phạm làm trở ngại khí cơ, mồ hôi ra nhiều hoặc do ăn đồ lạnh mà gây thổ, gây tả tân dịch khô háo làm người bệnh bất tỉnh. Nếu không cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Khi gặp bệnh nhân trúng thử, tiến hành sơ cứu ban đầu bằng cách nhanh chóng đưa bệnh nhân vào chỗ thoáng mát, nới lỏng quần áo, dùng khăn xấp nước mát đắp lên mặt, ngực, bụng, xoa khắp toàn thân. Có thể bấm huyệt bách hội, nhân trung, hợp cốc, thập tuyên hoặc châm các huyệt thiếu thương, thập tuyên và cạo gió...

Sau đó có thể sử dụng một số bài thuốc sau đây

Bài 1: Trường hợp say nắng mùa hè do nhiệt độ ngoài trời cao dùng thanh cao 10g, liên kiều 10g, bạch biển đậu 10g, phục linh 10g, hoạt thạch 5g, sinh thảo 5g. Có thể dùng bài thuốc đơn giản thanh cao tươi 15g, mã đề tươi 15g, hoặc lá sen tươi, rễ lau tươi mỗi thứ 40g, hoa đậu ván trắng 8g. Sắc uống.

Bài 2: Nếu trúng thử vừa nôn vừa bị tiêu chảy dùng lá sen tươi giã nát thêm nước sôi để nguội, vắt lấy nước cho uống.

Hoặc dùng nhân sâm 12g, bạch truật 12g, can khương 10g, chích thảo 6g, mạch nha 10g, sa nhân 4g. Sắc uống.

Bài 3: Trường hợp sốt cao dùng địa du, đậu đen, uất kim, hoắc hương, ý dĩ, hạnh nhân, trúc diệp, bán hạ, hoạt thạch mỗi thứ 16g. Sắc uống.

Bài 4: Khi bị cảm nắng sốt cao, không có mồ hôi dùng thanh cao 12g, kim ngân hoa 12g, liên kiều 10g, hậu phác 10g. Sắc uống.

Bài 5: Chữa cảm nắng bị đau đầu, buồn nôn, tức ngực dùng hoắc hương, mần tưới mỗi thứ 10g, hoặc lá hoắc hương tươi 20g. Sắc uống.

Bài 6: Trường hợp cảm nắng đau đầu, ớn lạnh, không ra mồ hôi, tức ngực dùng hương nhu tía 12g, hậu phác 8g, đậu ván trắng 12g, bạch linh 10g, cam thảo 6g. Sắc đặc, uống nóng.

Bài 7: Nếu kèm theo nôn mửa, tiêu chảy, tim hồi hộp khát nước dùng hương nhu tía 10g, cát căn 10g, diếp cá 10g, cây ban 10g, hoàng liên ô rô 10g, thạch xương bồ 6g, mộc hương 3g.

Hoặc dùng nhân sâm 8g, trạch tả 8, cát căn 10g, thăng ma 12g, hoàng kỳ 10g, ngũ vị tử giã dập 6g, bạch truật 10g, thần khúc 10g, thương truật 10g, cam thảo 5g. Sắc uống ấm ngày một thang chia 2-3 lần.

Bài 8: Trường hợp say nắng ở mức độ nhẹ dùng bí đao 60g, lá sen 1 lá, gạo tẻ 80g nấu cháo thêm chút đường, ăn lúc còn ấm ngày 2 lần.

Hoặc dùng bột cúc hoa 15g, gạo tẻ 50g, đường kính vừa đủ. Hòa bột cúc hoa và đường vào nồi cháo, đun sôi thêm một lúc cho bệnh nhân ăn lúc còn nóng.    

Theo Sức khoẻ và đời sống

Trị chứng kinh trồi

Kinh nguyệt đến sớm hơn bình thường 7 ngày trở lên, hoặc khoảng 20 ngày lại thấy kinh một lần, kéo dài 2-3 tháng trở lên là hiện tượng kinh nguyệt đến sớm, dân gian gọi là kinh trồi. Đây là một dạng rối loạn kinh nguyệt cần căn cứ vào chứng trạng cụ thể để có những bài thuốc chữa trị phù hợp.

Những chứng trạng cụ thể

Lương y Huyên Thảo (Hà Nội) cho biết: theo Đông y, kinh trồi chủ yếu do huyết nhiệt, khiến kinh huyết vọng hành, hoặc do khí hư không điều tiết gây nên và căn cứ vào chứng trạng người bệnh để có bài thuốc điều trị phù hợp. Cụ thể:

Bài thuốc

Nếu bệnh nhân thuộc chứng trạng Thực nhiệt dùng một trong các bài thuốc sau:

+ Sinh địa 15g, đương quy 10g, bạch thược 10g, đẳng sâm 12g, hoàng kỳ 12g, bạch đồng nữ 10g, hòe hoa 10g. Sắc nước uống mỗi ngày một thang. Hằng tháng sau khi sạch kinh 3-4 ngày, uống liên tục 10 ngày.

+ Củ gấu (tẩm giấm sao) 20g, cỏ nhọ nồi (sao) 40g, rau má tươi 40g, sinh địa 20g, ích mẫu 16g, chỉ xác (sao đen) 16g, sắc và uống như bài thuốc trên...

Có thể dùng món ăn – bài thuốc hỗ trợ:

+ Rau cần cạn (toàn cây, kèm theo cả rễ) 100 - 120g, gạo tẻ 30 - 50g, nấu cháo ăn.

+ Cỏ nhọ nồi, rau má, mỗi thứ 15-20g, cam thảo 5g, nấu nước uống trong ngày.

Có thể sử dụng món ăn – bài thuốc hỗ trợ:

+ Gà ác 1 con làm sạch bỏ nội tạng. Sinh địa 20g, đương quy 12g, bạch thược 12g, cam thảo 5g. Nhồi các vị thuốc trên vào bụng gà, hầm chín ăn.

+ Sinh địa 30g, kỷ tử 30g, gạo tẻ 30-50g nấu cháo ăn.

Nếu bệnh nhân thuộc chứng trạng Nhiệt uất kết ở kinh can dùng một trong các bài thuốc sau:  

+ Đan bì 10g, dành dành 10g, sài hồ 12g, bạch truật 10g, thổ phục linh 10g, bạch thược 10g, đương quy 12g, bạc hà 3g, gừng tươi 3 lát. Thêm ích mẫu thảo 15g, mần tưới 12g  nếu thấy kinh huyết ít, có vón cục. Sắc nước uống mỗi ngày 1 thang. Hằng tháng sau khi sạch kinh 3-4 ngày, uống liên tục 10 ngày.

+ Hương phụ (củ gấu tẩm giấm sao) 40g, ô dược 20g, thanh bì 30g, dái nghệ vàng (sao) 20g  sắc và uống như bài thuốc trên.

Món ăn

+ Cành và lá cây mần tưới 10g, trà xanh 10g nấu nước uống trong ngày.

+ Ích mẫu thảo 30g, trứng gà 2 quả, luộc trứng với ích mẫu thảo. Khi trứng chín bóc bỏ vỏ, cho vào nồi luộc thêm để thuốc ngấm vào trứng, chia 2 lần ăn trong ngày.

Nếu bệnh nhân thuộc chứng trạng Khí hư dùng một trong những bài thuốc sau:

+ Bố chính sâm (tẩm gừng sao) 40g, củ mài 30g, liên nhục (bỏ tâm) 30g, củ gấu (tẩm đồng tiện sao) 20g, ngải cứu sao đen 20g, gừng nướng 9g. Sắc nước uống mỗi ngày 1 thang. Hằng tháng sau khi sạch kinh 3-4 ngày, uống liên tục 10 ngày.

Có thể  sử dụng món ăn - bài thuốc hỗ trợ:

+ Gà ác 1 con, làm sạch bỏ nội tạng. Đẳng sâm 20g, hoàng kỳ 12g, đương quy12g, cam thảo 5g. Các vị thuốc trên nhồi vào bụng gà rồi hầm lên ăn.

+ Hồ đào nhục 60g, hạt sen 3g, gạo tẻ 30-50g nấu cháo ăn.

Nếu bệnh nhân thuộc chứng trạng Hư nhiệt dùng một trong các bài thuốc sau:

+ Hà thủ ô đỏ 40g, củ gấu (tẩm đồng tiện sao) 40g, lá sung (sao) 40g, ích mẫu 20g, ngải cứu 16g, củ gai (sao) 20g. Sắc uống mỗi ngày một thang. Hằng tháng sau khi sạch kinh 3-4 ngày, uống liên tục 10 ngày.

+ Sinh địa 10g, đương quy 10g, địa cốt bì 15g, đan bì 10g, đẳng sâm 12g, mạch môn đông 12g, bạch thược 10g, lá huyết dụ 15g, cam thảo 10g. Sắc uống như bài thuốc trên.

Theo Thanh Niên

Đào nhân – Hoạt huyết tiêu viêm

Trong Đông y, các bộ phận của cây đào như nhân quả, hoa, lá đều có tác dụng chữa bệnh, đặc biệt đào nhân là một vị thuốc được sử  dụng rất phổ biến trong chữa các chứng bế kinh, ứ huyết, phong thấp, táo bón, chấn thương đụng dập... Sau đây là một số bài thuốc chữa bệnh có đào nhân:

Hoạt huyết thông kinh:

+ Đào nhân 12g, hồng hoa 6g, tam lăng 8g, đương quy 12g. Sắc uống. Trị ứ huyết tắc kinh.

+ Đào nhân 8g, hồng hoa 8g, ngưu tất 8g, tô mộc 8g, mần tưới 8g, nghệ vàng 8g. Sắc uống. Dùng chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh.

+ Đào nhân 12g, xuyên khung 6g, gừng thán 6g, đương quy 12g, cam thảo 4g. Sắc nước, hoà với nước tiểu trẻ em hoặc đun nóng với ruợu để uống. Trị sau khi đẻ ứ huyết, đau bụng.

Trừ ứ, giảm đau: Đào nhân 12g, miết trùng 6g, kinh giới 12g, đại hoàng 12g, xuyên khung 6g, đương quy 12g, quế tâm 6g, cam thảo 4g, bồ hoàng 8g. Sắc nước, chiêu uống với nước tiểu trẻ em. Trị chấn thương do ngã, bị đánh.

Nhuận tràng thông tiện: Hạnh nhân 12g, đào nhân 12g, hoả ma nhân 12g, đương quy 12g, sinh địa 16g, chỉ xác 12g. Nghiền thành bột mịn, làm mật hoàn. Mỗi lần uống 8g, ngày uống 2 lần hoặc sắc nước uống. Dùng khi đại tiện khó khăn.

Thoát mủ, tiêu nhọt: Đại hoàng 12g, mẫu đơn bì 16g, đào nhân 12g, đông qua tử 12g, mang tiêu 12g. Sắc uống. Trị ruột bị ung nhọt, đau bụng, đại tiện táo.

+ Đào nhân 12g, hồng hoa 12g, đương quy 12g, đan sâm 12g, xuyên khung 12g, xích thược 12g, ngưu tất 12g, kim ngân hoa 12g, huyền sâm 12g, địa miết trùng 8g, tam lăng 8g, nga truật 12g, thủy điệt 4g, địa long 4g, manh trùng 4g, cam thảo sống 4g. Sắc uống.

Một số món ăn - bài thuốc có đào nhân:

Xi rô đào: Đào chín 2 quả gọt vỏ ngoài, tách bỏ hạt, nhân hạt đào 9g, xi rô 30g, thêm nước chưng cách thuỷ cho chín nhừ. Ăn mỗi ngày 1 lần. Dùng cho các trường hợp bế kinh, kinh ít, thông kinh.

Cháo đào nhân: Đào nhân 50g, gạo tẻ 60g; nấu cháo cho ăn phụ vào bữa sáng và bữa tối. Chữa mất ngủ hay quên lẫn, đau lưng, sỏi đường tiết niệu. Người bình thường ăn hằng ngày có tác dụng tăng cường trí não, bảo vệ sức khoẻ, phòng trị tăng huyết áp, bệnh mạch vành, cơn đau tim.

Nước đào nhân: Đào nhân 30g, hạnh nhân 15g nghiền nát trộn với nước gừng và mật ong lượng thích hợp cho ăn. Dùng cho các trường hợp suy hô hấp thở gấp, hen suyễn mạn tính.

Kiêng kỵ: Khi uống thuốc hay ăn đào không ăn thịt ba ba, rùa, hoặc kết hợp thương truật, bạch truật; không ăn quả nhiều sinh nhiệt lở ngứa.

TS. Nguyễn Đức Quang