Lưu trữ cho từ khóa: lưu ý

Cẩn thận khi sử dụng các loại lá xông

Thời tiết thay đổi, lúc nóng, lúc lạnh những ngày gần đây khiến cơ thể dễ mệt mỏi, cảm cúm. Vì thế, nhiều người đã chọn phương pháp xông để bảo vệ sức khỏe. Các loại lá xông chứa tinh dầu giúp giải cảm, tiêu độc rất tốt. Nhưng vì áp dụng không đúng nên thay vì chữa cảm thì lại tự gây ra những hiểm họa cho sức khỏe.

Xông chữa cảm không đơn giản chỉ là mua bó lá thuốc, đun sôi rồi trùm chăn cho mồ hôi túa ra là được. Thực ra, xông có tác dụng làm cho người bệnh nhanh khỏi cảm nhưng không phải lúc nào cũng xông được. Nếu người bị cảm đã bị nhiễm sâu (khoảng từ ngày thứ 3 trở lên), tuyệt đối không nên xông mà phải điều trị bằng các phương pháp khác.

Chỉ nên xông để điều trị cảm trong khoảng từ 1- 2 ngày đầu bị bệnh. Đặc biệt, trong lúc xông phải lưu ý không xông quá lâu và tránh nhiệt độ tăng đột ngột. Cần mở vung nồi xông từ từ và kiểm soát lượng mồ hôi để tránh tình trạng cơ thể bị mất nước đột ngột. Nếu không cơ thể sẽ mất nước rất nhanh thông qua mồ hôi, dẫn đến một loạt triệu chứng sốc khác mà cơ thể không thể kiểm soát được như trụy tim mạch, tụt huyết áp… Cơ thể cũng dễ rơi vào trường hợp khó thở, buồn nôn, chóng mặt, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

 laxong

Xông lá chứa nhiều tinh dầu giú nhanh khỏi cảm cúm , tuy nhiên không dùng cho người cao tuổi và phụ nữ có thai

Nếu xông ở các cơ sở massage, lưu ý là nơi xông thường được thực hiện trong phòng kín mà nhiệt độ có thể lên tới 70oC. Trong điều kiện này, nhiệt độ cơ thể sẽ tăng lên 38 – 40oC chỉ trong vài phút. Do đó, nhịp tim sẽ tăng khoảng 30% hoặc hơn so với bình thường khiến mức độ lưu thông máu cũng sẽ nhanh gấp nhiều lần nhưng tập trung chủ yếu ở da, khiến các bộ phận khác của cơ thể rơi vào tình trạng thiếu máu.

Chính vì vậy, những người mới ốm dậy hoặc tăng huyết áp, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh tim mạch, mắc bệnh ngoài da; những người hay ra mồ hôi, mất máu nhiều; trẻ em, người cao tuổi, người có biểu hiện tâm thần… không nên xông. Cũng không nên xông khi cơ thể không khỏe; sau khi tiệc tùng bụng đang no hoặc đang đói, đang mệt; không xông liên tục trong tuần; không ở trong phòng xông quá 15 – 20 phút; không uống rượu và các loại thuốc trước khi xông; sau khi xông nên làm mát nhiệt độ cơ thể dần dần và nên uống 1 – 2 cốc nước mát.

Trong quá trình xông, nếu thấy choáng váng, khó thở, tức ngực, bủn rủn… cần ngừng xông ngay. Phải rời phòng xông ngay lập tức khi đang xông mà thấy chóng mặt. Nếu sau đó thấy diễn biến sức khỏe không tốt hơn, cần tới bệnh viện để cấp cứu. Sau khi xông không được tắm ngay (ít nhất là 6 giờ) dù là nước ấm hay nước lạnh.

Lương y Nguyễn Hiệu

Theo Suckhoevadoisong.net

Những dấu hiệu đặc biệt bà bầu cần lưu ý

Mang thai là khoảng thời gian khó khăn, cả về thể chất lẫn tinh thần. Cơ thể bạn thay đổi bởi hàng loạt các triệu chứng khác nhau, trong đó, một số bứt rứt nhỏ có thể làm bạn hoảng sợ.

nhung-dau-hieu-dac-biet-ba-bau-can-luu-y

Dưới đây là những dấu hiệu cần lưu ý và đi khám ngay:

1. Nôn nặng

Hầu hết các trường hợp ốm nghén đều gây phiền nhiễu nhưng không có hại. Tuy nhiên, nếu bạn nôn liên tục đến mức bạn không thể đi tiểu thì bạn cần cho bác sĩ biết. Điều này có thể dẫn tới mất nước nghiêm trọng, không có lợi cho cả bạn và em bé của bạn.

Ngoài ra, nếu nôn suốt cả ngày thì có thể do bạn bị ngộ độc thức ăn; nôn kèm sốt cao cũng cần chú ý và bạn phải đi khám ngay.

2. Đau bụng dữ dội

Nếu bạn mang thai dưới 3 tháng, bạn cảm thấy bị co thắt mạnh một bên bụng (bạn chưa siêu âm lần nào) thì có thể bạn đang mang thai ngoài tử cung. Nếu là cơn đau dữ dội và tái phát trong thai kỳ, hãy đi khám ngay vì nó có thể là cơn co thắt liên quan tới viêm ruột thừa.

3. Ra nhiều dịch tiết hoặc co thắt nặng

Nếu bạn đang ở gần cuối thai kỳ, ra nhiều dịch có thể do vỡ ối sớm và bạn cần đi khám ngay lập tức. Nhưng nếu bạn đột nhiên bị chảy dịch tiết âm đạo rất nhiều trước tuần 37, bạn cũng nên đi bệnh viện ngay. Nó cũng có thể cảnh báo túi ối vỡ sớm và bạn sắp sinh non. Tuy nhiên, đừng vội nghĩ đến điều tồi tệ nhất. Nhiều phụ nữ nghĩ họ bị vỡ ối sớm trong khi, dịch tiết ra chỉ là nước tiểu.

Các cơn co thắt cũng là dấu hiệu tiềm năng của sinh non. Vì vậy, nếu bạn đột nhiên thấy co thắt từ tuần 24 tới tuần 36, bạn hãy đi khám. Chúng có thể là những cơn co chuyển dạ giả nhưng bạn vẫn cần trao đổi với bác sĩ.

4. Chảy máu

Bất cứ khi nào bị chảy máu âm đạo, bạn cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ. Trong quý II hoặc quý III, ra máu có thể cảnh báo trục trặc ở nhau thai hoặc một vấn đề cần siêu âm sớm. Tuy nhiên, bạn đừng vội hoảng sợ vì hầu hết các trường hợp ra máu khi mang thai không cảnh báo dấu hiệu bệnh nguy hiểm.

Nếu bạn đang ở 12 tuần đầu tiên, phần lớn phụ nữ đều bị ra máu nhẹ và ra máu không đồng nghĩa với sảy thai.

5. Nhức đầu dữ dội hoặc sưng khắp cơ thể

Nếu bạn nhức đầu (hoặc đau nửa đầu) trong 3 tháng đầu tiên thì đây có thể không phải triệu chứng cần điều trị. Tương tự, nếu bạn bị phù nhẹ thì có nghĩa là cơ thể bạn đang lưu giữ chất lỏng.

Tuy nhiên, nếu bạn đột nhiên bị đau đầu dữ dội trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba; nếu bàn tay và khuôn mặt bị phù nặng mà không có dấu hiệu giảm thì có thể là dấu hiệu cảnh báo tiền sản giật. Một dấu hiệu khác cảnh báo tiền sản giật mà bạn phải đi khám sớm là: tầm nhìn trở nên mờ.

6. Thiếu sự chuyển động của thai

Nếu bạn không cảm nhận được một cú đá nào từ bào thai trong vòng 1 tiếng, bạn không cần đi khám ngay lập tức. Thay vào đó, hãy thử uống một cốc nước quả (đường trong nước quả làm tăng lượng đường trong máu của bé, khiến bé bắt đầu muốn cử động). Sau đó, nằm nghiêng về bên trái trong một căn phòng yên tĩnh trong vòng nửa tiếng đồng hồ.

Nếu bạn vẫn không tính được 3-4 chuyển động của bé trong thời gian đó, bạn cần gọi điện hỏi bác sĩ. Thông thường, em bé vẫn khỏe mạnh nhưng bác sĩ có thể tiến hành siêu âm để đảm bảo không có bất kỳ vấn đề gì.

Theo me&be

Những điều lưu ý khi trẻ bị đau đầu

Đau đầu ở trẻ hiện đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt là ở lứa tuổi vị thành niên. Những cơn đau đầu có thể thoáng qua hoặc lặp đi lặp lại, có thể là đơn thuần nhưng có nhiều trường biểu hiện của một căn bệnh nguy hiểm?

Đó có thể là là dấu hiệu cảnh báo của nhiều căn bệnh nguy hiểm như u não, tăng áp lực sọ não, dị dạng mạch máu, thần kinh….

Nguyên nhân gây đau đầu ở trẻ

- Đau đầu khi bị sốt, do các bệnh viêm dây thần kinh, viêm màng não, viêm não, viêm xoang, viêm ở mắt, răng.
- Đau đầu do căn nguyên mạch máu (đau nửa đầu), do cao huyết áp, dị dạng động tĩnh mạch.
- Đau đầu do khối choán chỗ nội sọ, u não, chảy máu nội sọ, não úng thủy, tăng áp lực sọ não lành tính.
- Đau đầu do yếu tố tinh thần: lo âu, stress, học quá sức, căng thẳng thần kinh kéo dài. Hiện nay sức ép học tập, thi cử có thể là nguyên nhân gây ảnh hưởng nặng nề lên sức khỏe tinh thần của trẻ, vì ngoài học văn hóa, các em còn phải học thêm ngoại ngữ, vi tính… Có trẻ đau đầu vì trong gia đình có người thân bị mất; Do trẻ thấy bố đối xử bất công với mẹ nên buồn rồi mắc bệnh đau đầu.

nhung-dieu-luu-y-khi-tre-bi-dau-dau

Ảnh minh họa

Những điều cha mẹ cần lưu ý

Cha mẹ cần đặc biệt chú ý những cơn đau đầu có biểu hiện bất thường như: Đau đầu dữ dội, dai dẳng, đau đầu kèm buồn nôn, sốt cao, đau đầu kèm đau khối cơ vùng gáy, đau đầu kèm giảm hoặc mất thị lực, thính lực.

Khi trẻ kêu đau đầu, các bậc phụ huynh cần hết sức quan tâm và xem xét các biểu hiện kèm theo. Cần cặp nhiệt độ cho trẻ xem trẻ có bị sốt không, hỏi trẻ xem có đau ở đâu không: đau họng, đau răng, đau tai… Bên cạnh đó xem trẻ có hiện tượng chảy máu cam, chảy máu chân răng hoặc màu da của trẻ có thay đổi không (xuất huyết, sung huyết, nổi mẩn…).

Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng cần hỏi xem trẻ có buồn nôn và có bị nôn lần nào không. Cha mẹ cũng hỏi trẻ khi ngồi học trên lớp có thấy mỏi mắt, nhức đầu khi nhìn vào các chữ, số trên bảng và nhìn có rõ nét không. Khi đã biết được các thông tin nghi có liên quan đến chứng đau đầu của trẻ, nên cho trẻ đi khám bệnh càng sớm càng tốt.

Khi có biểu hiện đau đầu khác thường, nên đến bệnh viện để khám cụ thể, chứ không nên vội quy cho đau đầu do “thời tiết” hay do “hội chứng tiền đình”.

Các loại đau đầu ở trẻ: có 2 loại

- Đau đầu cấp tính: Đau đầu cấp tính thường xuất phát từ các bệnh mang tính chất cấp tính như viêm nhiễm do vi sinh vật gọi là bệnh nhiễm trùng, như viêm họng cấp, viêm amidan cấp, viêm tai cấp, viêm xoang cấp hoặc một số bệnh như sốt xuất huyết, viêm não, màng não.

Triệu chứng hay gặp nhất là sốt và đau đầu. Tùy theo tính chất và bản chất của từng bệnh nhiễm trùng mà còn nhiều triệu chứng kèm theo như bệnh u não, viêm màng não thì ngoài triệu chứng đau đầu có thể có buồn nôn, nôn vọt, sợ ánh sáng, sợ tiếng động hoặc bị mờ mắt hoặc liệt…

- Đau đầu tái diễn (tái phát): có thể gặp lặp đi lặp lại nhiều lần, điển hình nhất là hội chứng Migraine. Hội chứng Migraine ở trẻ là thường bị đau nửa đầu khá nhiều lần (cơn) trong 1-2 ngày (thường có từ 5 cơn trở lên). Ngoài ra người ta còn thấy đau đầu có khi chỉ âm ỉ và kéo dài suốt ngày đêm (đau đầu do bệnh tăng huyết áp, đau đầu do rối loạn tiền đình) hoặc đau từng cơn và cũng có loại đau đầu hay xảy ra vào lúc nửa đêm gần sáng.

Theo VnMedia.vn

Nguyên nhân gây ngứa khi mang thai

Ngứa ở bà bầu có nhiều nguyên nhân và các kiểu ngứa ở bà bầu cũng rất nhiều. Cần phải biết chính xác nguyên nhân từng bệnh để có cách chữa hợp lý.

Ngứa khi mang thai là vấn đề rất nhiều bà bầu gặp phải. Thông thường, điều đó không ảnh hưởng gì tới em bé cả, nó chỉ khiến người mẹ thấy khó chịu mà thôi.

Ngứa do ứ mật trong gan

Chị Vân Anh (Xuân Thủy) kể: “Mang thai cu Tũn được 5 tháng thì mình bị ngứa kinh khủng. Khắp người ngứa ngáy khó chịu khiến nhiều lúc mình như phát điên lên được. Mình muốn đi khám nhưng bà nội cu Tũn bảo mang thai ngứa là bình thường, thai lớn lên khiến da bị rạn gây ngứa, bà bầu nào chả vậy. Rồi bà nấu cho mình nước lá gửi mua của người Dao gì đó, bảo tắm là hết. Thế nhưng tắm mãi mà mình vẫn thấy ngứa dữ dội, có lúc mình gãi tới xước cả da.

Mà kể cũng lạ, rạn da thì ngứa vùng bụng với đùi thôi chứ đằng này cả người mình đều ngứa. Mình gọi điện cho mấy đứa bạn thắc mắc thì tụi nó nói khi mang thai hoocmon thay đổi cũng là nguyên nhân gây ngứa nữa, khó chịu một chút nhưng không có vấn đề gì nghiêm trọng cả. Vậy là mình yên tâm đôi chút và cắn răng chịu đựng. Nhưng mỗi lần “lên cơn ngứa” là da mình đỏ cả lên, đau nhức vì gãi nhiều. Thậm chí mình không còn muốn ăn uống gì, lúc nào cũng thấy mệt mỏi, khổ sở vì ngứa.

Cuối cùng mình đành nhờ ông xã đưa đi bác sĩ khám vì không thể chịu nổi nữa. Khám xong, cả hai vợ chồng cùng tá hỏa. Hóa ra chẳng phải mình bị ngứa thông thường như các bà bầu hay gặp phải, bác sĩ nói do mật kém lưu thông, ứ lại trong gan khiến da khô và ngứa, đồng thời kém ăn và mệt mỏi. Thậm chí mình hay thấy buồn nôn cũng là do bệnh này gây ra chứ không phải do bầu bí như mình lầm tưởng. May mà đi khám kịp chứ cứ nghe người này người kia nói thì không biết sẽ xảy ra chuyện gì nữa”.

nguyen-nhan-gay-ngua-khi-mang-thai

Ảnh minh họa

Ngứa vì nhiễm nấm vùng kín

Cũng bị ngứa khi mang thai, Phượng (Khương Thượng) thì cứ nghĩ rằng do độ pH âm đạo thay đổi nên gây khô và ngứa như thông thường. Vì thế Phượng cũng cứ chủ quan, chẳng mảy may để ý. Cho tới khi âm đạo càng ngày càng ngứa, chảy dịch và có mùi, cô mới vội vàng đi khám. Thì ra Phượng bị nhiễm nấm âm đạo, chứ không phải chứng ngứa do thay đổi pH âm đạo khi mang thai. Nghe bác sĩ nói nếu không điều trị kịp thời bệnh có thể gây nguy hiểm cho em bé khi sinh ra. Lúc ấy Phượng mới giật mình, đúng là khi mang thai, không được chủ quan với bất cứ vấn đề gì dù nhỏ hay lớn.

Bà bầu cần lưu ý với ngứa

Không ít người bị ngứa khi mang thai. Có thai phụ bị ngứa âm đạo, hậu môn, có người thì thấy lòng bàn tay, bàn chân bị ửng đỏ và ngứa ngáy, và có những bà bầu lại ngứa toàn thân kèm dấu hiệu phát ban, thậm chí bị sốt…

Thông thường, bạn không phải quá lo lắng vì khi mang thai, sự gia tăng hoocmon estrogen là nguyên nhân gây ra những cơn ngứa. Hơn nữa, khi thai nhi lớn lên và cơ thể tăng cân khiến da vùng bụng, đùi, ngực… bị rạn, gây ngứa ngáy khó chịu. Với những bà bầu có tiền sử da khô, nhất là mắc chứng chàm bội nhiễm hay dị ứng thức ăn thì tình trạng ngứa càng tồi tệ hơn. Ngoài ra bà bầu còn có thể mắc chứng ngứa hậu môn do ra mồ hôi nhiều hay bị bệnh trĩ, hoặc bị ngứa âm đạo do pH thay đổi…

Tuy nhiên, nếu bạn thấy ngứa trầm trọng trong giai đoạn thai kỳ thứ hai hoặc ba có thể là một dấu hiệu của bệnh ứ mật trong gan của thai kỳ. Khi mật không lưu thông bình thường trong các ống nhỏ của gan, muối mật tích tụ lại trong da và làm cho bạn bị ngứa khắp nơi. Cảm giác ngứa có thể rất dữ dội. Tình trạng này không gây phát ban, nhưng da có thể bị đỏ lên, đau nhức với những vết xước nhỏ ở vùng da bạn gãi rất nhiều vì ngứa. Có thể kèm theo một số triệu chứng khác như chán ăn, vàng da, nôn mửa, buồn nôn và phân màu nhạt. Ngoài ra, bà bầu cũng nên lưu ý với những dấu hiệu ngứa kèm phát ban, sốt vì rất có thể đó là triệu chứng của bệnh thủy đậu hay herpes…Nếu bạn bị ngứa và gặp phải những tổn thương ngoài ra thì nên nghĩ tới chứng chàm, vảy nến. Đặc biệt, khi âm đạo bị ngứa và thấy nóng rát là triệu chứng bị nhiễm nấm âm đạo hoặc bạn đã bị mắc các chứng bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.

Với những triệu chứng trên, bà bầu nên đi khám kịp thời để có hướng điều trị, tránh gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và em bé. Còn với những trường hợp khác, dưới đây là lời khuyên bổ ích giúp bạn hạn chế những cơn ngứa ngáy khó chịu khi mang thai:

- Luôn giữ cơ thể sạch sẽ, kết hợp mặc trang phục thông thoáng để tránh hiện tượng đổ mồ hôi; đồng thời không nên ở những nơi quá nóng bức.

- Hạn chế tối đa tắm nước nóng lâu dưới vòi hoa sen hoặc ngâm mình lâu trong bồn tắm. Vì da bạn sẽ nhanh bị khô và ngứa hơn. Cũng không nhất thiết phải sử dụng sữa tắm, vì sữa tắm không phù hợp có thể khiến da bạn bị khô và ngứa hơn; hoặc nếu dùng thì nên chọn loại có độ pH vừa phải, không kích ứng (phù hợp với cả làn da mẫn cảm).

- Thi thoảng tắm ấm bằng bột yến mạch là một gợi ý cho bà bầu để cải thiện tình trạng bị ngứa da khi mang thai.

- Lưu ý tránh cào, gãi vì da sẽ càng bị kích thích, không chỉ khiến bạn ngứa hơn mà có thể để lại di chứng về sau. Hãy dùng một chiếc khăn mát hoặc một chiếc khăn ấm để chườm vào vùng da bị ngứa để cảm thấy dễ chịu hơn.

- Để giảm ngứa do thay đổi độ pH âm đạo khi mang thai, nên giữ vùng kín luôn được khô thoáng, sạch sẽ. Chọn dung dịch vệ sinh phụ nữ phù hợp với bà bầu, nhưng cũng không nên lạm dụng các loại dung dịch vệ sinh vì chúng có thể làm thay đổi môi trường pH tự nhiên của âm đạo.

- Tăng cường các loại thức ăn giàu vitamin A (có trong cá, trứng, các loại rau, củ)… và uống nước đều đặn hàng ngày. Nên tránh những loại thức ăn dễ gây dị ứng.

- Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc và các loại kem bôi da nếu không có chỉ định của bác sĩ. Trước khi dùng sản phẩm gì, bạn cần đến bác sĩ để được tư vấn cẩn thận.

Đó là một số điều bà bầu cần lưu ý để có một thai kì khỏe mạnh, đồng thời giảm bớt sự khó chịu vì ngứa, nhất là trong mùa đông này.

Theo Kienthucgiadinh.com.vn

Mẹo nhận biết thực phẩm không an toàn cho sức khỏe

Để biết được thực phẩm nào không an toàn, có hại cho sức khỏe, chị em hãy lưu ý những thông tin dưới đây nhé.

Mất an toàn vệ sinh thực phẩm đang là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng và của toàn xã hội. Các loại thực phẩm thiết yếu không chỉ cung cấp dinh dưỡng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người về trước mắt cũng như lâu dài.

Trên thị trường hiện nay tràn ngập các loại thực phẩm không an toàn: Từ các loại rau quả tồn dư quá nhiều hóa chất độc hại đến các loại thịt, cá tồn dư chất kháng sinh và các chất tăng trọng mà các cơ quan chức năng không thể kiểm soát nổi.

Bằng trải nghiệm thực tế, chúng tôi xin giới thiệu một số kinh nghiệm nhằm giúp người tiêu dùng nhận biết bằng cảm quan những loại thực phẩm thông thường tồn dư các hóa chất độc hại.

- Đối với thịt lợn: Khi nhìn thấy thịt chủ yếu là nạc mà hầu như không có thịt mỡ, thịt có mầu đỏ sẫm như thịt bò là những loại thịt mà người chăn nuôi đã dùng chất tăng trọng chứa nhiều hóa chất corticoid. Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): Khi con người ăn phải thực phẩm có chứa chất corticoid sẽ gây rối loạn trao đổi chất và ung thư bàng quang.

meo 1

Khi nhìn thấy thịt chủ yếu là nạc mà hầu như không có thịt mỡ, thịt có mầu đỏ sẫm như thịt bò là những loại thịt mà người chăn nuôi đã dùng chất tăng trọng (Ảnh minh họa)

Khi nhìn thấy thịt chủ yếu là nạc mà hầu như không có thịt mỡ, thịt có mầu đỏ sẫm như thịt bò là những loại thịt mà người chăn nuôi đã dùng chất tăng trọng

- Đối với các loại rau ăn lá (rau muống, bắp cải, xà lách, mồng tơi…): Khi thấy lá rau non hơn bình thường, lá mầu xanh đen, giòn và hầu như không có vết sâu bệnh hại; đây là những loại rau mà người trồng đã bón quá nhiều phân đạm hoặc phân bón lá và phun các loại thuốc trừ sâu, bệnh nhưng không đảm bảo thời gian cách ly. Đối với những loại rau này, trong thành phần có chứa nhiều đạm nitorat (NO3) và các hóa chất bảo vệ thực vật gây hại tới sức khỏe con người.

- Một số loài quả (như cam, quýt, táo, lê, mận, đào…): Khi nhìn thấy bề mặt quả bóng, bảo quản được lâu không bị thối hỏng; đây chính là các loại quả mà thương lái đã dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật nhằm tiêu diệt nấm và vi khuẩn để bảo quản.

Riêng đối với quả mít và sầu riêng…: Khi quả chín nhưng múi lại không có vị thơm đặc trưng; đây là những quả đã được các thương lái thu mua khi còn xanh và đã dùng hóa chất kích thích để tiêm cho nhanh chín.

- Giá đỗ đậu xanh: Nếu thân giá trắng, to, mập, giòn và hầu như không có rễ là những loại giá đỗ đã dùng chất tích nước và diệt phần rễ khi ngâm ủ (điển hình trong các loại hóa chất độc hại này là thuốc SHS có nguồn gốc từ Trung Quốc). Những loại giá đỗ này, mặc dù chứa nhiều hóa chất độc hại nhưng lại rất hấp dẫn người tiêu dùng.

meo 2

Nếu thân giá trắng, to, mập, giòn và hầu như không có rễ là những loại giá đỗ đã dùng chất tích nước và diệt phần rễ khi ngâm ủ (Ảnh minh họa)

Nếu thân giá trắng, to, mập, giòn và hầu như không có rễ là những loại giá đỗ đã dùng chất tích nước và diệt phần rễ khi ngâm ủ

- Đối với miến, bún, bánh phở…: Khi nhìn các loại thực phẩm này có mầu trong hơn bình thường là do người sản xuất đã dùng một số hóa chất tẩy trắng trong quá trình chế biến. Nếu miến, bún, bánh phở để qua đêm ở nhiệt độ thường mà không bị ôi, thiu là do người sản xuất đã cho thêm chất bảo quản (chủ yếu là foocmol) khi chế biến. Khi ăn phải những loại thực phẩm này sẽ gây tổn thương màng nhầy của dạ dầy và thực quản.

- Các loại cá: Khi nuôi cá bằng thức ăn công nghiệp có chứa chất kháng sinh thì thịt cá kém săn chắc, để lâu dễ bị ươn và ôi thiu. Những loại cá này khi chế biến sẽ bị teo tóp, cá thường có vị tanh hơn bình thường và thịt có vị “nhạt”.

Khi nuôi cá bằng thức ăn công nghiệp có chứa chất kháng sinh thì thịt cá kém săn chắc, để lâu dễ bị ươn và ôi thiu

Trên đây là những kinh nghiệm nhận biết bằng cảm quan một số thực phẩm thông thường tồn dư hóa chất độc hại nhằm giúp người tiêu dùng khi chọn lựa.

Theo Afamily.vn

Tuyệt chiêu ‘cấp cứu’ làn da cháy nắng

Những ngày thời tiết nắng nóng kéo dài khiến da bạn bị đen sạm, thậm chí cháy nắng. Nếu ở hữu làn da dễ bắt nắng hoặc phải làm việc liên tục ngoài trời, bạn sẽ thấy thật khổ sở vì da đỏ rát. Để khắc phục và hạn chế tình trạng này, hãy tham khảo những bí quyết chữa cháy nắng an toàn từ những nguyên liệu tự nhiên dưới đây:

1. Để cứu cánh ngay lập tức làn da bị cháy nắng, bạn nên ngâm da trong nước lạnh khoảng 15 phút tại một thời điểm sớm nhất có thể. Nước lạnh ở nhiệt độ vừa phải có thể làm giảm sưng cho làn da cháy nắng. Lưu ý không chà xát da với nước đá, vì có thể gây tổn thương làn da.

chay-da-1369120860_500x0.jpg
Ảnh minh họa: Andyle.

2. Nếu bạn đang bị cháy nắng trên khắp tất cả cơ thể, hãy tắm trong một bồn tắm nước ấm, cho thêm một ít nước bột yến mạch hòa tan. Bột yến mạch sẽ giúp làm dịu bỏng rát và giữ ẩm cho da.
     
3. Pha một ấm trà xanh và để nguội ở nhiệt độ phòng. Ngâm một miếng vải sạch trong ấm trà xanh để tạo thành một miếng gạc và đặt nhẹ lên da bị cháy nắng ít nhất từ 10 đến 15 phút.
     
4. Dấm có tác dụng giảm đau, cải thiện tình trạng viêm và ngứa ngáy da. Bạn không cần phải áp dụng dấm trực tiếp lên da. Chỉ cần ngâm khăn giấy một vài giây trong chai dấm trắng hoặc dấm táo. Sau đó, chườm khăn nhẹ nhàng trên các khu vực bị cháy nắng.

5. Dùng vỏ dưa hấu ép ấy nước, sau đó cho mật ong vào trộn đều. Bạn chỉ cần đấp chúng lên da đều đặn mỗi ngày cho đến khi các vết cháy trên da nhạt dần. Trong mật ong có chứa các vitamin cần thiết để làm trắng da và phục hồi làn da bị tổn thương. Còn vỏ dưa hấu lại có tác dụng làm mát, bớt bỏng rát.

6. Dùng dưa chuột hoặc khoai tây cắt lát đắp lên vùng da bị cháy nắng sẽ đem lại cảm giác mát mẻ, dễ chịu.

7. Dùng bắp cải luộc nhừ và nghiền nhuyễn, đắp lên vùng da bị cháy nắng khoảng 15 phút rồi rửa lại bằng nước lạnh. Nên duy trì thực hiện thường xuyên trong vòng ít nhất một tuần để giúp tái tạo các tế bào da.

Lưu ý:

- Trong giai đoạn da bị cháy nắng, bạn nên uống nhiều nước, tăng cường các loại rau xanh, trái cây. Nên hạn chế ra nắng cho đến khi da hồi phục.

- Luôn mặc quần áo kín để bảo vệ làn da khỏi ánh nắng mặt trời, hạn chế tiếp xúc với tia UV.
     
- Ăn nhiều rau, củ, quả có màu cam (như cà rốt) cũng giúp bảo vệ chống lại làn da bị cháy nắng. Lưu ý chỉ cần ăn  2 hoặc 3 củ cà rốt mỗi ngày là đủ. Tiêu thụ quá nhiều cà rốt trong ngày có thể "nhuộm" vàng da.

Theo Webphunu

Làm món nướng thật ngon

Nghỉ lễ hay cuối tuần, bạn bè hay gia đình thường tổ chức những bữa tiệc nướng BBQ ngoài trời hay các buổi dã ngoại. Dưới đây là một số bí quyết giúp bạn có thực hiện món nướng ngon và hấp dẫn hơn.

nuong-bbq-1-jpg_1368669496[1332088530].j
BBQ có thể nướng trực tiếp trên vỉ điện hoặc than đều ngon miệng. Ảnh: Khánh Hòa.

Nướng BBQ là gì?

Tên đầy đủ của món nướng này là Barbecue. Đây là một hình thức nướng ngoài trời, nguyên liệu thường là thịt bò, cừu, lợn... hay rau củ được tẩm ướp gia vị cho lên vỉ nướng trên than hồng hoặc đưa vào lò nướng. 

Cách nướng

- Để an toàn trong khi nướng, người ta luôn đặt lò nướng trên một mặt phẳng vững chãi để lò không bị ngã, đổ.

- Món nướng ngon hay không một phần phụ thuộc vào nguyên liệu dùng để đốt nóng. Thông thường hay dùng than, một vài trường hợp như tổ chức tiệc nướng trong nhà nướng điện cũng được nhiều người lựa chọn.

- Nướng than cũng có hai loại: Nướng trực tiếp trên than hồng và nướng thông qua giấy bạc. Tuy nhiên, cách nướng truyền thống vẫn là nướng trực tiếp trên vỉ nướng với than hồng.

nuong-bbq-2-jpg[1332088530].jpg
Trong quá trình nướng, nhớ trở đều tay để món ăn không bị cháy. Ảnh: Khánh Hòa.

- Trước khi nướng bạn nên lọc kỹ phần thịt mỡ, đối với thịt băm nên cho thêm chút bột mì để ngăn cản sự phát sinh các chất gây hại. Nên chia các nguyên liệu thành từng phần nhỏ và có thể nấu trước một vài phút khi nướng. Cách này có thể giảm lượng HCA (chất gây ung thư) trong thực phẩm.

- Khi nướng hãy lật thực phẩm thật nhanh tay, thường xuyên giữ thực phẩm ở mức có thể giảm lượng HCA thấp nhất, và khéo léo đừng để cháy.

- Ngoài giấy thiếc gói thịt bạn có thể phủ thêm một lớp giấy bạc trên vỉ nướng, lưu ý đâm lỗ trên giấy bạc để lửa không bốc lên quá nhiều, đồng thời cách này sẽ giúp bạn hạn chế được lượng mỡ nhỏ giọt xuống than nóng, thực phẩm sẽ không bị cháy.

Làm sạch lò nướng

- Tất cả lò nướng đều phải làm sạch sau khi dùng. Các vỉ hoặc lò luôn bám một lớp dầu mỡ và nguyên liệu trong khi nướng. Vì thế, vệ sinh lò cũng là một trong những điều bạn cần lưu ý khi sử dụng lò nướng. Các đơn giản nhất là dùng nước ấm để vệ sinh vỉ nướng nhưng nhớ không dùng xà bông để chà rửa vỉ hoặc đĩa nướng. Bạn chỉ cần quét nhẹ lên vỉ với một lớp dầu trước khi cất nó để ngăn ngừa vỉ gỉ sét.

nuong-bbq-3-jpg[1332088530].jpg
Những bữa tiệc nướng BBQ luôn có sức hấp dẫn với mọi người. Ảnh: Khánh Hòa.

- Sau khi nướng, tro than hoặc củi cần phải làm nguội hoàn toàn để không xảy ra cháy nổ, sau đó cho tro ấy vào bao cát vứt đúng nơi quy định.

Những lưu ý khi dùng nguyên liệu

- Món nướng thường dùng lửa than, gas hoặc điện. Lưu ý, bạn đừng bao giờ nướng trên lửa củi vì chúng sẽ làm cháy thực phẩm không ngon.

- Bạn có thể dùng củi đốt thành than để nướng. Nhớ hãy để than thật hồng hãy cho thực phẩm lên vỉ nướng.

Khánh Hòa

Bệnh u máu có đáng lo ngại?

Bệnh u máu là tình trạng một khối dạng u do sự tăng sinh quá mức của mạch máu gây nên. Chúng có một đặc điểm đặc trưng là chứa đầy mạch máu và máu.

Bản chất của khối u là sự tăng sinh của mạch máu, chính xác là sự tăng sinh của các tế bào nội môi gây nên. Vì là khối u máu nên nếu như khối u máu vỡ đương nhiên mạch máu sẽ bị tổn thương và máu chảy ra.

Đặc hữu trẻ sơ sinh

Bệnh u máu là bệnh thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh. Có khoảng 30% số bệnh nhân là trẻ trong tháng đầu sau sinh. Còn lại đa phần xuất hiện ở giai đoạn 1 tuổi. Một phần nhỏ xuất hiện ở tuổi trưởng thành.

Bệnh u máu có đặc tính là mang đầy đủ các tính chất của một khối u ngoại trừ một tính chất, đó là khối u rất lành tính và đa phần tự teo đi trong các giai đoạn về sau. Khác với các khối u phần mềm khác, thường to lên và phát triển theo thời gian. Đến một giai đoạn nhất định chúng có thể chuyển thành ác tính. Còn u máu đa phần lành tính và tự khỏi.

U máu có ba dạng cơ bản là u mao mạch, u dạng hang và u hỗn hợp. Chúng có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu trong cơ thể miễn là tại vị trí đó có nhiều mạch máu. Nhưng thường thì u máu xuất hiện ở da là chủ yếu. Chỉ một phần nhỏ xuất hiện trong nội tạng.

Thường thường, người ta thấy u máu xuất hiện ở mặt, đầu, cổ, mông, đùi. Và thường là ở trẻ em. Chỉ một số ít xuất hiện ở gan, hầu họng, tim, cột sống. Những dạng này chiếm tỷ lệ vô cùng ít và thường gặp ở người trưởng thành. Đa phần u máu nội tạng xuất hiện ở gan.

Dấu hiệu nhận biết

U máu là một bệnh thường gặp ở da nên dấu hiệu nhận biết rất đơn giản. Chúng có biểu hiện ở 3 cấp độ. Cấp độ thứ nhất là dạng nhẹ. Dấu hiệu là những vết thay đổi màu sắc mà thường là đỏ, đỏ tím hoặc phớt xanh. Ở giai đoạn này chúng ít khi tạo thành u, cục hay khối. Đa phần chúng bằng phẳng như một cái “bớt trẻ em”.

Cấp độ thứ hai là dạng trung bình. Ở giai đoạn này, u máu phát triển thành một khối u thực sự. Nghĩa là chúng gồ lên, nổi lên hoặc đội da lên thành một khối có hình dạng, kích thước rõ ràng. Tất nhiên, chúng vẫn mang màu sắc như cũ. Đó là màu của máu trong khối u.

Cấp độ thứ ba giống dạng trung bình nhưng biểu hiện kèm theo khi khối u vỡ ra hay biến chứng. Thường là sự chảy máu nếu như khối u ngoài da, vỡ ra, loét nếu như khối u ở sâu trong phần mềm. Ngoài ra là những dấu hiệu đặc thù cơ quan mà tại đó khối u máu to lên, chèn ép vào tạng và cơ quan chủ đích.

U máu thường ít khi gây ra biến chứng. Vì chúng tự biến mất đi khi trưởng thành. Ít trường hợp tồn tại và phát triển to lên. Nhưng cũng có một số trường hợp không diễn ra như vậy. Khi đó chúng có thể gây ra biến chứng.

Biến chứng của u máu nói chung ít nguy hiểm và rất ít khi xảy ra. Thường thì người ta không đặt vấn đề biến chứng trong bệnh này. Trong một số trường hợp, xin lưu ý là rất hãn hữu, có thể gây nguy hiểm. Chẳng hạn như u máu ở hầu họng có thể gây ra khó thở khi chúng quá to, u máu ở tim có thể làm giảm lưu thông tuần hoàn qua tim do u máu chiếm chỗ, u máu trong cột sống có thể làm yếu xương, u máu ở mắt có thể làm suy yếu thị lực, u máu trong gan có thể làm tắc một vài vi quản mật.

Với những u máu ở ngoài da, không khó để phát hiện ra bệnh. Mặc dù thỉnh thoảng cũng hay bị chẩn đoán nhầm với những vết xước ngoài da hay những chấn thương phần mềm. Nhưng với u máu trong sâu nội tạng thì cần phải có những xét nghiệm chuyên biệt. Ba xét nghiệm hay được phối hợp thêm để chẩn đoán là siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp công hưởng từ (MRI).

Benh-u-mau-co-dang-lo
U máu thường xuất hiện ở mặt và cổ

Điều trị thế nào?

Như trên đã nói, u máu đa phần lành tính và không cần điều trị đặc biệt, tự khắc chúng sẽ teo và biến mất. Nhưng cũng có những u máu không nhỏ đi mà tồn tại như một khối u thực sự. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý và thẩm mỹ của người bệnh. Điều trị lúc này thực sự hữu ích.

Trong giai đoạn đầu, u máu sẽ nhỏ lại một cách đáng kể với các thuốc điều trị. Các thuốc có thể áp dụng là corticoid (có dạng uống, dạng bôi và dạng tiêm trực tiếp vào khối u), hóa chất chống ung thư, thuốc chẹn beta.

Khi việc dùng thuốc không có kết quả hoặc không thuyên giảm như kỳ vọng thì phẫu thuật được xem là một biện pháp triệt để. Có hai phương pháp cơ bản là phẫu thuật bằng lase và cắt bỏ. Áp dụng theo phương pháp nào là tùy vào chiến lược điều trị của từng người và tùy vào vị trí xuất hiện khối u máu. Thường thì lase ưu tiên sử dụng ở những trường hợp u máu ở nông, bề mặt và những vị trí thẩm mỹ nhạy cảm như mắt, môi, mũi, tai, mặt. Nói chung, các can thiệp trong những trường hợp này thường không quá phức tạp. Rất ít khi u máu nội tạng phải can thiệp điều trị bằng phẫu thuật.

BS Nguyễn Huyền Trang

(Theo SK&ĐS)

Lưu ý khi dùng thuốc glyceril

Khi dùng thuốc, phải tăng liều từ từ để tránh nguy cơ hạ huyết áp thế đứng và đau đầu ở một số bệnh nhân; nên ngồi hoặc nằm sau khi dùng thuốc...

Glyceryl là thuốc giãn mạch, vành tim có các dạng thuốc như viên đặt dưới lưỡi, viên nang giải phóng kéo dài, khí dung xịt lưỡi, thuốc mỡ, dung dịch tiêm, miếng thuốc dán. Thuốc được dùng để phòng và điều trị cơn đau thắt ngực; điều trị suy tim sung huyết (phối hợp với các thuốc khác)….

luu-y-khi-dung-thuoc-glycerin

Thuốc ít có hiệu lực khi uống do bị thủy phân ở dạ dày và bị thoái giáng mạnh khi qua gan. Để điều trị cơn đau thắt ngực, dùng dạng ngậm dưới lưỡi. Có thể dùng dạng khí dung xịt lưỡi, (xịt dưới lưỡi) ngậm miệng, không hít.

Nếu quá 20 phút không cắt được cơn đau thì phải xem lại chẩn đoán. Trong ngày có thể dùng lại nhiều lần nếu cơn đau lại tái diễn và người bệnh không bị đau đầu, hạ huyết áp. Phòng cơn đau thắt ngực, dùng dạng thuốc giải phóng chậm. Có thể dùng miếng thuốc dán ở da ngực trái hoặc bôi thuốc mỡ 2% ở da vùng ngực, đùi hoặc lưng, liều dùng do thầy thuốc chỉ định. Ðiều trị suy tim sung huyết phối hợp với các thuốc khác...

Khi dùng thuốc, phải tăng liều từ từ để tránh nguy cơ hạ huyết áp thế đứng và đau đầu ở một số bệnh nhân; nên ngồi hoặc nằm sau khi dùng thuốc. Khi dùng liều cao, không nên giảm thuốc đột ngột. Các tác dụng không mong muốn thường gặp là đau đầu, chóng mặt, tim đập nhanh, hạ huyết áp, đỏ ửng mặt, viêm da dị ứng...

Dùng rượu đồng thời với glyceryl trinitrat có thể gây hạ huyết áp nghiêm trọng. Những thuốc chống tăng huyết áp, giãn mạch, lợi tiểu đều có thể làm tăng tác dụng hạ huyết áp do glyceryl gây nên, đặc biệt ở người cao tuổi.

DS Hoàng Thu Thủy

(Theo Sức khỏe & Đời sống)

Hành trình 4 năm để điều trị cho bệnh rối loạn cơ mặt

Vui vẻ, buồn bã, sợ hãi, giận dữ, ngạc nhiên… những cảm xúc này thể hiện ra trên mặt nhờ vào cơ mặt.

Có khoảng 43 nhóm cơ trên mặt, kết hợp với các dây thần kinh trên mặt, biểu hiện cảm xúc, để giúp nhắm – mở mắt, nhăn mũi, há miệng… Cơ trên mặt rất khác với cơ ở các nơi khác, vì chúng không thành bó cơ, tách bạch rõ ràng, và gắn vào xương, mà chúng phẳng, có thể cuộn vào nhau và có khi gắn sát dưới da. Một khi các cơ mặt này bị rối loạn, có thể gây ra thật nhiều bất tiện và khổ sở cho người bệnh. Có nhiều rối loạn cơ mặt như co giật mi mắt, co giật nửa mặt, co giật toàn mặt, nghiến răng…

Chữa trị rối loạn cơ mặt có nhiều biện pháp như uống thuốc, châm cứu, thậm chí phẫu thuật. Song cũng giống như nguyên nhân gây bệnh, nhiều trường hợp không thể chẩn đoán rõ ràng, chữa lành bệnh rối loạn cơ mặt với nhiều người bệnh là cả một hành trình gian khổ. Chị Phạm Kiều Kiều Nga, ở phường Trung Mỹ Tây, TP. HCM, đã phải trải qua một quãng thời gian như thế để đi tìm lại vẻ đẹp gương mặt mình.

Bốn năm bôn ba, và khỏi trong 5 ngày

Cách đây 4 năm, một hôm chị cảm giác bị giật giật từ vùng mắt xuống gần miệng. Cảm giác khó chịu, khổ sở hơn nữa là người ngoài nhìn vào cũng thấy. “Tôi phải làm ăn buôn bán suốt ở ngoài. Bị ở tay chân còn che được, bị ở trên mặt, thật khổ sở. Mỏi thì cũng không mỏi lắm, cũng không phải bị giật liên tục. Nhưng đang làm việc, đang gặp người ta, mà nó bắt đầu giật thì tôi cảm giác khổ sở vô cùng.”

Đi khắp nơi kiếm thầy kiếm thuốc. Có bệnh viện chị uống thuốc suốt mấy tháng không khỏi. Có nơi, chị châm cứu hơn năm không đỡ. Có bác sĩ, sau khi chích thuốc xong vài ngày, một mắt chị bị sụp xuống, không mở ra được, chỉ nhìn được qua một con mắt. Không thể đi làm với tình trạng mắt nhắm mắt mở, rồi lo lắng khiến chị mất ngủ cả tháng trời. May mà sau hơn một tháng, mắt chị mở ra được. Quá lo sợ, chị phải đi tìm thầy thuốc khác.

Chị kể: “Không phải mình tôi đâu, đi các nơi tôi gặp nhiều người như mình. Cũng nhờ có người mách mà tôi biết đến bác sĩ Coulon. Không phải bác sĩ nước ngoài nào cũng giỏi, có ông bác sĩ Mỹ, chích cho tôi chỉ được một tháng tôi đã bị lại. Còn bác sĩ Coulon, ông chích một mũi ra thành 7, 8 lần. Không hề đau, tôi chỉ thấy tê tê như kiến cắn và có tác dụng liền, khoảng 5 ngày là tác dụng rõ rệt. Dù bác sĩ nói thuốc sẽ tác dụng khoảng 3 đến 6 tháng, nhưng nay đã 9 tháng rồi, tôi vẫn chưa bị lại. Tôi chỉ mong bác sĩ Coulon sẽ qua để khám và chữa trị thường xuyên. Tìm được thầy thuốc chữa trị và có hy vọng khỏi bệnh, cảm giác không gì vui sướng bằng!”

Phương pháp tiêm botox chữa co thắt cơ

Botox được biết đến nhiều trong ngành thẩm mỹ, với tác dụng làm giảm nếp nhăn. Tuy nhiên, chất này còn có tác dụng cho việc làm thư giãn các cơ hoạt động quá mức. Nhờ đó, giúp chữa các chứng co giật mặt, nháy mắt, đổ mồ hôi quá nhiều, đau kinh niên, đau đầu nhẹ… Sau khi tiêm, cần 2 – 4 ngày để cảm thấy tác dụng của botox, và hiệu quả kéo dài từ 4 đến 6 tháng.

Tác dụng của tiêm botox còn tùy thuộc vào độ đậm đặc của botox và sức mạnh – yếu của vùng cơ tác động, vào kinh nghiệm và kỹ năng của bác sĩ. Bệnh nhân cần phản hồi lại tác dụng của thuốc, phản ứng của cơ thể lại với bác sỹ để lần chữa trị sau có hiệu quả tốt. Càng về sau, hiệu quả của botox càng kéo dài hơn, do vùng cơ đã được tạo thói quen thư giãn.

Khi tiêm botox bạn cần lưu ý rằng, không phải “muốn chỉnh chỗ nào tiêm chỗ đó”, botox cần được tiêm vào cơ đích – nhóm cơ hoạt động quá mức – để đảm bảo an toàn và hiệu quả thẩm mỹ. Do cấu trúc khuôn mặt có rất nhiều nhóm cơ nên bác sỹ thực hiện cần có kiến thức chuyên môn sâu về cấu trúc giải phẫu vùng mặt và được đào tạo về kỹ thuật tiêm Botox. Đồng thời để tránh sự giả tạo, khô cứng, bạn cần tham khảo ý kiến người thân và bác sĩ thật cẩn thận, có những nét cơ bản, “nếp nhăn” duyên trên gương mặt cần được giữ để tạo vẻ tự nhiên, không phải “cứ nhăn là ủi”.

Với hơn 15 năm kinh nghiệm, bác sĩ Coulon là chuyên gia thực hiện các ca phẫu thuật lấy mỡ mắt bằng phương pháp mới không để lại sẹo, không cần đường may, thời gian hồi phục nhanh; tạo hình lại tình trạng mắt không đều nhau do bẩm sinh hoặc di chứng tai nạn.

Không chỉ trong lĩnh vực thẩm mỹ, ông còn áp dụng phương pháp tiêm botox trong trị rối loạn cơ mặt như co giật mi mắt, co giật nửa mặt, co giật toàn mặt, mặt do liệt dây thần kinh số 7, hội chứng Meige (giật mắt và vùng má)… rất hiệu quả. Phương pháp này không đau, thời gian tiêm nhanh và hiệu quả kéo dài đến sáu tháng.

Vào ngày 1/4/2013 đến 18/4/2013, bác sĩ Pierre Coulon một lần nữa quay lại bệnh viện FV, TP.HCM, thăm khám và làm việc định kỳ.

Để biết thêm thông tin chi tiết hoặc đặt hẹn với bác sĩ Pierre Coulon, vui lòng liên hệ: Khoa Thẩm mỹ và Chống lão hóa bệnh viện FV theo số: (08) 54 11 33 66 hoặc (08) 54 11 33 33, máy nhánh 7000. Với đẳng cấp năm sao, khoa thẩm mỹ và Chống lão hóa Bệnh viện FV luôn làm hài lòng bạn với dịch vụ hoàn hảo, bác sĩ chuyên môn cao, công nghệ tiên tiến và hệ thống quản lý hồ sơ bảo mật.

Trước khi vào gặp bác sĩ, bạn sẽ được chuyên viên tư vấn thẩm mỹ – cô Phạm Thị Thùy Trang tư vấn riêng cho bạn về các dịch vụ thẩm mỹ để có giải pháp làm đẹp tối ưu.