Lưu trữ cho từ khóa: liệt nửa người

Nhũn não: nhân quả và bù trừ

Đột ngột liệt nửa người, mù một mắt, lơ mơ không tỉnh táo... là dấu hiệu của đột quỵ thiếu máu não, nếu không can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến nhũn não.


Đột quỵ “bắt cầu” tới nhũn não

Nhũn não (cerebral malacia) nghĩa là một phần của não bị bệnh và “mềm nhũn” hơn phần não bình thường. Ngày nay giới chuyên môn ít còn dùng tới thuật ngữ này, nhưng đôi chỗ và đôi nơi vẫn được nhắc tới. Nhũn não là hậu quả của tình trạng tắc mạch máu nuôi vùng não đó, gây nhồi máu não (cerebral infarct). Mạch máu bị tắc có thể do một cục tắc trôi theo dòng máu tới chỗ mạch máu nhỏ hơn thì bị tắc lại. Hoặc do chính bản thân mạch máu tại chỗ đó hẹp dần gây tắc. Nếu nguồn gây tắc nghẽn dòng chảy của máu là từ nơi khác tới, người ta gọi là tắc mạch hay lấp mạch. Nếu nguồn tắc do ngay tại chỗ bị hẹp và tạo thành một cục máu, ta gọi là huyết khối. Cả hai tình trạng đó được gọi chung là đột quỵ thiếu máu não, hay tai biến mạch não gây thiếu máu não.

Nói tóm tắt, đột quỵ thiếu máu não gây ra nhồi máu (ứ nghẽn mạch máu), nhồi máu gây chết phần não được mạch máu đó nuôi dưỡng và hậu quả là “nhũn não”. Đột quỵ thiếu máu não gây ra các triệu chứng thần kinh rất đột ngột. Người bị bệnh đột ngột liệt nửa người (phải hoặc trái), nói đớ hoặc không nói được, có thể lơ mơ, hoặc đột ngột mù một bên mắt. Nhiều người sẽ bị tàn phế.

Nhập viện càng sớm, cơ hội sống càng cao

Khi bị đột quỵ (đột ngột liệt nửa người, tê bì nửa người, mù một mắt, lơ mơ không tỉnh táo...), lập tức nhập viện ngay, đừng đánh gió, giác lể, bấm huyệt hay châm cứu. Nếu có thể, nhập viện vào các khoa thần kinh ở các bệnh viện lớn. Hiện nay có một số bệnh viện lớn của TP.HCM đã thực hiện phương pháp điều trị cấp cứu làm tái lưu thông mạch máu não, có thể giúp khỏi hẳn các triệu chứng do đột quỵ gây nên. Nhưng những phương pháp này chỉ có hiệu quả nếu nhập viện thật sớm.

Sau khi bị đột quỵ, người bệnh có thể liệt nửa người, tê hoặc đau nửa người, nói khó nghe hoặc không hiểu lời người khác... Đừng thất vọng, hãy dùng thuốc theo toa bác sĩ, và tham gia tập vật lý trị liệu – phục hồi chức năng, có thể tình trạng sẽ cải thiện dần. Dù một bộ phận của não đã bị “nhũn”, nhưng phần còn lại có thể hoạt động bù trừ, giúp cơ thể phục hồi thêm. Vấn đề lớn nhất là phải tiếp tục phòng chống đột quỵ lần hai hay lần ba... bằng các biện pháp đã nêu trên.

Nên làm gì để phòng ngừa?

Nếu có bệnh tăng huyết áp hoặc bệnh tiểu đường, thì phải điều trị hai bệnh này cho thật tốt, đừng bao giờ bỏ thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ. Nếu có rối loạn mỡ máu thì phải dùng thuốc hạ mỡ máu. Ngừng hút thuốc lá ngay, đừng uống nhiều rượu quá. Hãy tập thể dục đều đặn, mỗi ngày nên đi bộ ít nhất 30 phút, trừ trường hợp bị đau lưng và đau khớp gối. Đừng ăn mỡ động vật, nên ăn nhiều rau. Đừng ăn mặn quá. Tránh béo bụng, hãy nhớ vòng bụng càng dài thì vòng đời càng ngắn!

Hình ảnh mạch máu nuôi não


Vòng tròn phía trên là phóng đại mạch máu bên trong não, mạch máu này bị một cục máu đông từ phía dưới theo dòng máu trôi lên và tắc lại (lấp mạch – embolus).

Vòng tròn phía dưới là phóng đại của mạch máu nuôi não. Ở đây lòng mạch máu bị hẹp dần lại (do mảng vữa xơ mạch máu), tạo điều kiện hình thành cục máu gây nghẽn mạch (huyết khối – thrombus)

Cả hai trường hợp này đều gây thiếu máu não, ta gọi chung là đột quỵ thiếu máu, hậu quả là phần não không được máu nuôi dưỡng sẽ bị “nhũn não”.

PGS.TS.BS NGUYỄN HỮU CÔNG

Meo.vn (Theo SGTT)

Bài thuốc chữa bệnh bằng đậu đen

Theo dược thư cổ, đậu đen có vị ngọt, tính bình, có công dụng hoạt huyết giải độc, khứ phong lợi thủy, bổ thận tư âm, điều trung hạ khí, thanh nhiệt giải biểu, kiện tỳ chỉ hãn, dưỡng can minh mục, thường được dùng để chữa các chứng thủy thũng trướng mãn, cước khí do phong độc, hoàng đản phù thũng, các bệnh lý hậu sản, lở loét ngoài da, di niệu tự hãn, tiêu khát, tai ù, tai điếc và mờ mắt do thận hư...

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Đậu đen, còn gọi là hắc đại đậu, ô đậu, đông đậu tử..., là một trong những loại ngũ cốc rất thông dụng trong đời sống hằng ngày.

Theo dược thư cổ, đậu đen có vị ngọt, tính bình, có công dụng hoạt huyết giải độc, khứ phong lợi thủy, bổ thận tư âm, điều trung hạ khí, thanh nhiệt giải biểu, kiện tỳ chỉ hãn, dưỡng can minh mục, thường được dùng để chữa các chứng thủy thũng trướng mãn, cước khí do phong độc, hoàng đản phù thũng, các bệnh lý hậu sản, lở loét ngoài da, di niệu tự hãn, tiêu khát, tai ù, tai điếc và mờ mắt do thận hư...

Ngoài ra, loại đậu này còn có tác dụng làm tăng sức đề kháng và kéo dài tuổi thọ, rất có lợi cho người già, trẻ em và phụ nữ sau khi sinh. Một số cách dùng cụ thể như sau:

- Ra mồ hôi nhiều do thể trạng suy nhược: đậu đen 30g, phù tiểu mạch 30g, đại táo 15g, sắc uống. Hoặc đậu đen 60g, hoàng kỳ 30g, sắc uống.

- Liệt dương, giảm khả năng tình dục, tai ù, tai điếc do thận hư: đậu đen 60g, thịt chó 500g, ninh nhừ làm thức ăn hằng ngày.

- Các chứng bệnh hậu sản: Đậu đen 1.500g sao cháy ngâm với 1.000ml rượu trắng trong một tháng. Uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 10ml.

- Thủy thũng do thận hư: Đậu đen 150g, ý dĩ 30g, đãi sạch, ninh bằng nồi đất trong 60 phút, chia ăn vài lần trong ngày.

- Viêm da lở loét do nhiệt độc hoặc ngộ độc thuốc và thực phẩm: Đậu đen 30g, cam thảo sống 9g, sắc uống.

- Kinh nguyệt không đều: Đậu đen 50g sao cháy, tô mộc 12g, sắc uống.

- Động thai đau bụng: Đậu đen 50g sắc lấy nước pha thêm một chút rượu vang uống.

- Tăng huyết áp: Đậu đen 50g, hạ khô thảo 30g, đường trắng 20g. Đem sắc hạ khô thảo lấy nước ninh với đậu đen cho nhừ, chia ăn vài lần trong ngày.

- Bại liệt nửa người do di chứng tai biến mạch não: Đậu đen 100g, độc hoạt 15g, một ít rượu gạo. Cho hai vị vào nồi sắc với 2.000ml nước còn 500ml, hòa với rượu chia uống vài lần trong ngày.

- Sỏi đường tiết niệu: Đậu đen 50g, vỏ bí đao 50g, sinh khương 10g, sắc uống.

- Tiểu ra máu: Đậu đen 30g, đậu xanh 30g, rễ cỏ tranh 30g, sắc uống.

- Di tinh: Đậu đen 30g, thanh hao 30g, sắc uống.

- Rối loạn tiền đình: Đậu đen 30g, ngải cứu 45g, trứng gà 1 quả. Luộc 3 vị cho tới khi trứng chín, ăn trứng, uống nước sắc.

- Đái tháo đường: Đậu đen 30g, hoàng tinh 30g, mật o­ng 10g, ninh nhừ ăn hằng ngày.

- Đau lưng: Đậu đen 80g, tang ký sinh 80g, tục đoạn 40g, rượu 60ml. Các vị thuốc sao thơm rồi đem ngâm với rượu, sau 7 ngày là dùng được. Uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 15ml.

- Giải rượu: Uống nước sắc đậu đen càng nhiều càng tốt.

- Làm đen tóc, mọc tóc: Đậu đen 50g, nhục quế 15g, đại táo 50g, ninh nhừ ăn trong ngày.

- Tăng tuổi thọ: Đậu đen 50g, đậu xanh 50g, đậu đỏ 50g, ninh thành cháo, chế thêm đường, chia ăn vài lần trong ngày.

- Giải khát, làm hết khô miệng ban đêm: Đậu đen 80g, lê 1 quả, đường phèn 30g, sắc lấy nước uống hằng ngày.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống

Chữa phong thấp bằng cách lấy độc trị độc

Hiếm ai trong đời không vài lần bị tê mỏi chân tay hay nhức đau xương khớp (dân gian gọi là phong tê thấp). Bệnh được cải thiện rất hiệu quả bằng phương thuốc cổ nổi tiếng có mã tiền - một vị thuốc độc - làm chủ đạo.

Phong tê thấp là bệnh khá phổ biến, với những biến chứng tai hại, ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đông y đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý chữa bệnh này, trong đó có việc dùng hạt mã tiền theo nguyên tắc 'lấy độc trị độc'.

Mã tiền giúp thúc đẩy sự vận hành của huyết dịch, trừ khử ứ trệ, thông kinh hoạt lạc, chống tê mỏi và cắt cơn đau. Do đó hầu hết các bài thuốc chữa phong tê thấp đều có nó. Các nghiên cứu hiện đại cho thấy, vị thuốc này khi sử dụng với liều nhỏ sẽ kích thích thần kinh trung ương, làm mạnh tim, giảm đau, chống ho, trừ đờm và tăng tiết dịch vị.

Mã tiền sống là thuốc rất độc (bảng A), sau khi bào chế theo phương pháp truyền thống thì độ độc giảm bớt (bảng B), nhưng vẫn chỉ được sử dụng với liều lượng rất nhỏ. Trong Đông y truyền thống, mã tiền chế chủ yếu được dùng chữa trị tê liệt, đau nhức kinh niên do phong thấp hoặc ngoại thương. Trên lâm sàng hiện đại, nó được sử dụng để chữa trị tổn thương phần mềm, viêm khớp xương trong bệnh phong thấp, đau do ung thư, nhược cơ nặng, liệt nửa người do tai biến mạch máu não, bại liệt do ngoại thương.

Trong phương 'Thuốc phong bà Giằng' nổi tiếng, mã tiền được sử dụng cùng các vị thuốc khác theo cấu trúc 'quân - thần -tá -sứ' kinh điển:

- Mã tiền là 'quân' (vua, tức vị thuốc chủ đạo).

- Thương truật là 'thần' - vị tể tướng hỗ trợ trực tiếp cho quân vương. Nó tăng cường tác dụng giảm đau của mã tiền.

- Hương phụ, mộc hương, thương truật là 'tá', tức phụ tá để hạn chế tác dụng phụ của vị thuốc chính. Các vị này giúp tăng tác dụng giảm đau, hạn chế các tác dụng phụ của thuốc.

- Địa liền, quế chi là 'sứ', tức có tác dụng dẫn đường, đưa thuốc tới vị trí bệnh và điều hòa phương thuốc.

Phương thuốc trên phối hợp các vị nóng và lạnh nên có tính bình, thích hợp cho cả người tạng hàn lẫn tạng nhiệt. Sự phối hợp trên lại phát huy được sở trường và hạn chế sự độc hại của mã tiền nên an toàn, ít tác dụng phụ. Nó giúp chữa trị các chứng tê mỏi chân tay, đau xương khớp, đau thần kinh tọa, đau thần kinh liên sườn... do phong tê thấp, đau do gút. Những người bị tiểu đường, tăng mỡ máu, tăng huyết áp và một số chứng bệnh tiêu hóa mạn tính cũng có thể dùng.

Bài thuốc phong bà Giằng hiện cũng được bào chế dưới dạng viên nén bao phim để tiện sử dụng và dễ xác định liều lượng hơn. Đó là thuốc Vimatine do Đại học Dược Hà Nội bào chế. Thay vì phải uống hàng chục viên hoàn, bệnh nhân chỉ cần dùng 2-3 viên nén mỗi lần.

Lương y Huyên Thảo, Sức Khỏe & Đời Sống

Những tin tức liên quan

Liệt nửa người vì viêm tai giữa

 

Ngày 15/2, BV Nguyễn Tri Phương cho biết đã cứu thành công một trường hợp bệnh viêm tai xương chủm bị biến chứng nặng và phức tạp sau hơn 1 tháng điều trị với 2 lần phẫu thuật và một lần can thiệp nội mạch bằng kỹ thuật chụp xóa nền nội mạch (DSA).

Được biết bệnh nhân L.N.Đ.P, 30 tuổi, ngụ TPHCM, nhập viện ngày 7/1 với tình trạng đau đầu nhiều, sốt cao và có tiền sử bệnh viêm tai xương chủm ở cả 2 tai. Bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị hướng bị viêm màng não mủ.

BS Phạm Anh Tuấn thăm hỏi bệnh nhân P.Đ

BS Phạm Anh Tuấn, Khoa Phẫu thuật Thần Kinh (PTTK) cho biết ngày đầu bệnh nhân ổn định tốt nhưng sang ngày thứ 2 đột nhiên bị hôn mê nhanh rồi liệt nửa người cùng với áp lực ở nội sọ tăng cao dẫn đến xuất huyết não.

Qua chụp MRI cùng tiến hành các cuộc khám kỹ, các bác sĩ xác định nguồn gốc là từ việc bị nhiễm trùng nặng ở viêm tai xương chủm dẫn đến có huyết khối tụ ở xoan tĩnh mạch trên não làm cho xuất huyết não. Ngay sau đó, các BS Khoa Tai mũi họng (TMH) cùng Khoa PTTK đã phối hợp cùng đơn vị DSA của trường ĐH Y Dược TPHCM tiến hành mở hộp sọ để lấy ra cục máu đông ở não giúp cho máu được lưu thông trở lại.

BS Phạm Anh Tuấn trình bày kết quả chụp MRI sau cùng cho thấy máu đã lưu thông

Sau 2 tuần hồi sức, bệnh nhân hết sốt, tỉnh táo, hồi phục trí nhớ nhận biết cùng nói chuyện với người thân bình thường nhưng vẫn còn bị liệt nửa người, được tập vật lý trị liệu và ngồi xe lăn. Dự kiến sẽ xuất viện trong 2 tuần nữa.

Theo BS Nguyễn Chánh Đức, Trưởng Khoa TMH, bệnh lý Viêm tai xương chủm hiện nay cũng thường gặp với khoảng 10% bị biến chứng nguy hiểm. Đáng chú ý, khởi phát của bệnh này là từ bệnh viêm tai thường với tỷ lệ cao, do điều trị không hiệu quả dễ bị tái phát dẫn đến nhiễm trùng và gây biến chứng, có thể dẫn đến nguy cơ tử vong. Do đó, cần khám bệnh TMH thường niên và điều trị triệt để nếu có bệnh.

Cứu sống bệnh nhân hôn mê 3 tuần do… viêm tai

Một bệnh nhân đã từng hôn mê suốt 3 tuần và trải qua 2 lần cấp cứu, 1 lần can thiệp nội mạch với sự kết hợp điều trị của nhiều khoa Ngoại Thần kinh, Hồi sức, Tai Mũi Họng, Can thiệp Mạch máu não vì... viêm tai.

Bệnh nhân Lê Nguyễn Đông Ph. (30 tuổi, quận 7, TP.HCM) nhập Bệnh viện Nguyễn Tri Phương hôm 7/1 với triệu chứng sốt, đau đầu dữ dội, được chẩn đoán viêm màng não mủ.

PGS.TS Phạm Văn Bùi – Phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM hôm 15/2 cho biết, ngày đầu tiên điều trị tình trạng bệnh nhân ổn định, đến ngày thứ 2 tình trạng chuyển biến nặng rất nhanh, yếu liệt nửa người bên trái và đi vào hôn mê sâu, bị xuất huyết não và phù não.

Các bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật cấp cứu mở họp sọ lấy máu tụ để giải áp lực cho não. Sau phẫu thuật, tình trạng bệnh nhân có khá hơn nhưng ngay sau đó, huyết khối ở tĩnh mạch não tiếp tục xuất hiện và tình trạng bệnh nhân xấu trở lại.

ThS.BS Phạm Anh Tuấn, Phó Khoa Ngoại Thần kinh Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM đang khám cho bệnh nhân Lê Nguyễn Đông Ph.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị tắc nghẽn hoàn toàn dòng máu lưu thông trở về tim. Nguyên nhân cuối cùng được xác định là do biến chứng của viêm tai giữa (bệnh nhân có tiền sử bị viêm tai giữa, đã phẫu thuật bên tai trái cách đầy 10 năm), nay các bác sĩ tiếp tục phát hiện  tai phải của bệnh nhân có nhiều mủ bít cả màng nhĩ và nằm sát màng não gây nhiễm trùng nặng.

Sau khi lấy sạch mủ và cho bệnh nhân dùng kháng sinh, tình trạng bệnh vẫn xấu. Các bác sĩ của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tiếp tục hội chẩn với BS bên Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM để chuyển bệnh nhân qua bệnh viện này, và quyết định dùng kỹ thuật dùng dụng cụ lấy huyết khối tĩnh mạch não (xoang tĩnh mạch dọc trên) trong suốt 4 tiếng đồng hồ. Đây là kỹ thuật lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam.

Hiện nay, bệnh nhân đã tỉnh, hồi phục trí nhớ, tiếp xúc tốt, nhưng vẫn còn yếu liệt nửa người và tiếp tục được tập vật lý trị liệu, dùng thuốc phục hồi não. Sau 2 – 3 tuần nữa bệnh nhân có thể xuất viện.

Tránh hiểm họa trúng gió

 

Trúng gió hay trúng phong là thuật ngữ dân gian và y học cổ truyền dùng chỉ những trường hợp bệnh lý xảy ra thình lình do thời tiết, môi trường… tác động cơ thể qua đường thở hoặc lỗ chân lông.

Trong những thời điểm giao mùa, khi thời tiết thay đổi đột ngột, lúc có áp thấp, mưa bão hoặc nhiều khí lạnh, những người có sức đề kháng kém rất dễ bị trúng gió.

Trúng gió nhẹ thường là các chứng cảm cúm với các triệu chứng như ớn lạnh, hắt hơi, sổ mũi, chóng mặt, nhức đầu, nôn mửa... Nặng có thể dẫn đến yếu, liệt nửa người hoặc nói khó, miệng và nhân trung méo lệch, thậm chí đột quỵ.

Giảm thiểu bất lợi của thời tiết

Những người tạng hàn hay sợ gió, sợ lạnh, thích áo ấm… nên quan tâm đến mặc đủ ấm vào mùa lạnh, khi đi mưa hoặc khi làm việc trong phòng máy lạnh. Khi ngủ hay tắm nên tránh nơi có gió lùa. Người già cẩn thận với những thay đổi nhiệt độ đột ngột từ xe hơi có gắn máy lạnh; hoặc từ phòng lạnh ra ngoài trời nóng; hoặc khi đi vệ sinh ban đêm từ trong nhà ra ngoài. Thay đổi thời tiết đột ngột, nóng quá hoặc lạnh quá, đều có thể kích hoạt thần kinh giao cảm và xuất tiết những hormon stress như cathecholamine dẫn đến tai biến do tăng huyết áp. Trời lạnh còn làm tăng hiệu ứng trên do tác động se da và co mạch ngoại biên. Mạch máu co lại vừa trực tiếp làm tăng áp lực lên thành mạch vừa tác động kích hoạt hệ giao cảm, khiến độ tăng huyết áp của nhiệt độ lạnh lớn hơn so với trời nóng.

Đặc biệt, cần quan tâm đến “ba cái nửa phút” để tránh tai biến do thay đổi tư thế đột ngột, có thể gây tai biến do thiếu máu não: khi tỉnh giấc không nên vội bước xuống giường ngay mà nằm trên giường nửa phút cho tỉnh hẳn; ngồi dậy và chờ khoảng nửa phút sau hãy đặt hai chân xuống giường. Sau khi đặt chân xuống nền nhà, chờ nửa phút sau hãy bắt đầu đứng dậy bước đi.

Vận động, nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý

Theo một hướng dẫn về rèn luyện thân thể được phổ biến gần đây, các nhà khoa học Mỹ khuyên người lớn nên vận động khoảng hai giờ rưỡi mỗi tuần, chia làm nhiều lần, tuỳ điều kiện riêng. Với người già, chỉ nên vận động trung bình hoặc đi bộ nhanh sao cho nhịp tim vẫn nằm trong giới hạn từ 60 đến 80% nhịp tim tối đa. Nhịp tim tối đa được tính theo công thức 220 trừ với số tuổi, chẳng hạn độ tuổi 50, nhịp tim tối đa sẽ là 220 – 50 = 170.

Như vậy, nên giới hạn cường độ vận động sao cho nhịp tim không vượt quá 170 x 80% = 136 nhịp đập mỗi phút. Một nghiên cứu khác của các nhà khoa học trường đại học Colorado cho thấy vận động đều đặn và hợp lý không chỉ tăng sức đề kháng, mà còn giúp cải thiện độ mỡ trong máu, làm tăng sản xuất ra chất TPA (Tisue Plasminogen Activator), một loại protein làm tan cục máu đông, chống lại các chứng đột quỵ do nghẽn mạch máu não, dạng trúng phong nguy hiểm nhất.

Ăn đủ chất, tăng cường cá, ngũ cốc thô và rau quả, hạn chế các loại thịt đỏ, thức ăn nhanh, đồ ngọt, rượu, thuốc lá. Tránh ăn quá no, cũng không nên bỏ bữa. Ngoài ra, nên ăn nhiều thực phẩm góp phần tăng sức miễn dịch cơ thể như xúp gà, tỏi, gừng, hành, hải sản, các loại rau quả sậm màu, màu đỏ, vàng, tím. Ăn uống lành mạnh vừa tăng sức miễn dịch vừa có giá trị tích cực trong phòng bệnh, kể cả các chứng trúng gió.

Lương y Võ Hà