Lưu trữ cho từ khóa: lây lan

Bệnh lây từ động vật sang người ngày càng tăng

Các bệnh lây truyền từ động vật sang người có xu hướng gia tăng, chiếm khoảng 60% các bệnh ở người. Việt Nam là một trong những “điểm nóng” về tình trạng này.

Thông tin được Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đưa ra tại hội nghị triển khai công tác y tế dự phòng năm 2013 diễn ra tại Hà Nội ngày 25/3.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đã có hơn 200 bệnh ở người có nguồn gốc từ động vật được mô tả, gây quan ngại ngày càng tăng.Việt Nam là một trong những nước được coi là “điểm nóng” về các bệnh truyền nhiễm mới nổi có nguồn gốc từ động vật. Trong đó phải kể đến bệnh cúm gia cầm A(H5N1), đại dịch cúm A(H1N1), hội chứng viêm đường hô hấp cấp nặng (SARS)…

cum h1n1
Cúm đại dịch H1N1 năm 2009 cũng có nguồn gốc từ lợn.Ảnh minh họa: N.P

Riêng với cúm gia cầm trên người, từ năm đầu tiên được phát hiện là 2003 đến năm 2010, số ca mắc ở Việt Nam là 119, trong đó 59 người tử vong (chiếm 50%), đứng thứ hai trên thế giới. Sau đó, bệnh tạm lắng cho đến đầu năm 2012 đã có 4 ca mắc và hai người tử vong.

WHO khẳng định, sự xuất hiện của các bệnh lây truyền từ động vật sang người rất phức tạp và do nhiều yếu tố như: sự tiến hóa của hệ sinh thái, sự thích nghi của vi khuẩn, thực hành nông nghiệp, công nghệ và công nghiệp…

Giáo sư Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) cũng cho biết, dịch bệnh truyền nhiễm ở nước ta có nhiều diễn biến phức tạp. Các bệnh lây truyền từ động vật sang người như dại, than, liên cầu lợn… có xu hướng tăng. Nguyên nhân là do sự biến đổi của môi trường, sự phát triển của kinh tế toàn cầu đã dẫn tới sự thay đổi mô hình bệnh tật, sự kháng thuốc…

Theo các chuyên gia, để phòng chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người, điều quan trọng nhất là phải kiểm soát được các bệnh dịch trên động vật, chăn nuôi đúng khoa học, vệ sinh môi trường, chuồng trại, nếu phát hiện có trường hợp mắc bệnh phải thực hiện các biện pháp tiêu hủy theo quy định. Không được giết mổ bừa bãi, thực phẩm phải đảm bảo vệ sinh, không ăn thức ăn sống hoặc chưa được chế biến kỹ. Người dân sử dụng các phương tiện phòng hộ khi lao động, tiếp xúc với các động vật trong các trang trại hoặc trong thiên nhiên.

(Theo Vnexpress)

Công nghệ mới phát hiện cúm chỉ trong một giờ

 Các nhà hóa học Mỹ cho hay, công nghệ mới cho phép đẩy nhanh tốc độ phát hiện bệnh cúm, rút ngắn thời gian từ vài ngày xuống còn 60 phút.

Paul Schreckenberger, Giám đốc Phòng thí nghiệm Vi trùng học thuộc Hệ thống Y khoa Đại học Loyola (Mỹ) cho biết, Loyola là một trong hai bệnh viện tại Illinois sử dụng kỹ thuật nghiên cứu bệnh dịch mới, cho phép quét 17 dòng vi rút và 3 dòng vi khuẩn trong vòng 60 phút.

cum
Kỹ thuật xét nghiệm mới cho phép phát hiện sớm tình trạng bệnh tật -
Ảnh: filmarray.com

Theo công nghệ tiêu chuẩn hiện nay, cần phải mất vài ngày để phòng thí nghiệm có được kết quả chính xác về tình trạng bệnh.

Trong khi đó, hệ thống mới, gọi là FilmArray Respiratory Panel, cho phép thử một mẫu cho 20 tác nhân truyền nhiễm, thay vì cần đến vài mẫu thử như các biện pháp truyền thống.

Có kết quả nhanh chóng rất quan trọng trong việc cải thiện tình trạng sức khỏe bệnh nhân, giới hạn sự lây lan bệnh dịch và giảm tổng chi phí điều trị, theo chuyên gia Schreckenberger.

(Theo Thanhnien)

Ổ… vi khuẩn” nơi nhà bếp

 

Nhiều người nghĩ đồ dùng bẩn nhất trong nhà thường là thùng rác, bồn vệ sinh… nhưng thực tế toàn bộ nhà bếp lại là “một lò vi khuẩn”.

Đó là kết quả nghiên cứu của một nhóm chuyên gia y tế hàng đầu thế giới. Tiến sĩ Charles Gerba của trường Đại học Arizona cho biết, mặc dù hầu hết mọi người đều khẳng định thường xuyên lau chùi nhà bếp sáng loáng nhưng các vật dụng dưới đây sẽ làm bạn… choáng.

Bồn rửa bát

Hầu hết bồn rửa bát chỉ có một đường ống dẫn nước thải ra ngoài, đây chính là nguyên nhân khiến hàng triệu vi khuẩn bám tụ. Tất cả mọi thứ đều đổ hết vào bồn rửa bát từ thức ăn sống, đồ ăn thừa đến những bát đũa bẩn, trong khi môi trường hầu như lúc nào cũng ẩm ướt chính là nơi lý tưởng nhất để vi khuẩn phát triển. Cách tốt nhất bạn nên xịt nước tẩy và tháo sạch nước trong bồn rửa bát sau mỗi bữa tối.

Giẻ lau bếp, giẻ rửa bát

Thứ bẩn nhất trong nhà bếp là giẻ lau bếp và giẻ rửa bát. Có khoảng 10 triệu vi khuẩn trên mỗi 2,54cm2 nếu miếng giẻ bằng mút, và khoảng 1 triệu con vi khuẩn nếu là miếng giẻ vải. Nói cách khác, miếng mút rửa bát bẩn gấp 200.000 lần bệ xí, và miếng giẻ lau bát bẩn gấp 20.000 lần.

Thớt

Thông thường, mặt thớt có số vi khuẩn nhiều gấp 200 lần trên bệ xí. Bạn thường dùng thớt để chặt, thái các loại thịt sống, đó là lý do vì sao vi khuẩn bám tụ trên bề mặt thớt mà rất khó để lau sạch. Để ngăn ngừa vi khuẩn, bạn nên dùng thớt dành riêng cho gia cầm, thịt và hải sản, còn các thực phẩm khác bạn dùng thớt khác. Riêng với thớt gỗ cần phải được rửa sạch, sấy khô sau khi sử dụng.

Vòi nước

Sau khi cầm thịt sống, bạn thường bật vòi nước để rửa tay, vô hình trung vi khuẩn từ tay bạn lây truyền sang vòi nước, hơn nữa vòi nước thường để gần giẻ rửa bát, giẻ lau bếp… Vì vậy trong khi phun nước quanh khu vực bồn rửa, bạn cũng nên phun rửa lên cả vòi nước hoặc dùng một miếng vải nhúng chất kháng khuẩn lau lên vòi nước.

Tủ lạnh

Đây là nơi lưu giữ rất nhiều thực phẩm, cũng chính là những “bàn tay vô hình” lây lan mầm bệnh. Kệ dưới cùng của tủ lạnh là nơi nguy hiểm nhất bởi khi thực phẩm bị rò rỉ tất cả đều tụ dưới ngăn này. Hàng tuần bạn nên lau các kệ và ngăn kéo của tủ lạnh một lần trước khi đi siêu thị mua đồ và mỗi tháng bạn hãy dùng xà phòng và nước lau rửa tủ lạnh một lần, để khô hoàn toàn rồi mới tiếp tục sử dụng.

(Theo ANTD)

 

HCM: Tạm đóng cửa 3 trường mầm non vì dịch tay chân miệng

Một tuần qua, học sinh ở cơ sở 3 của Trường mầm non 15 (quận 11, TP.HCM) được cho nghỉ ở nhà vì trường tạm đóng cửa do dịch bệnh tay chân miệng.

Bác sĩ Lê Minh Hùng, Phó phòng Nghiệp vụ Sở Y tế TP.HCM cho biết do trường này chỉ có 3 lớp nhưng lớp nào cũng có học sinh mắc bệnh tay chân miệng nên phải cho tất cả các em nghỉ ở nhà để tránh lây lan.

Được biết, cơ sở 3 của Trường mầm non 15 có hơn 170 học sinh. Do có khoảng 7 – 8 học sinh mắc bệnh tay chân miệng nên ngày 18.9, toàn bộ học sinh của trường được thông báo nghỉ học. Ngày 27.9 học sinh ở sẽ đi học bình thường trở lại. Trường học hiện đang được khử khuẩn hằng ngày.


Cơ sở 3, Trường mầm non 15, quận 11 đã tạm đóng cửa 1 tuần nay để tránh lây lan

dịch bệnh cho học sinh khác – Ảnh: Hoàng Quyên

Bác sĩ Hùng cho biết do vừa vào năm học nên dịch tay chân miệng xảy ra ở một số trường mầm non. Có một vài trường chỉ có 1 – 2 ca mắc bệnh và được điều trị tại nhà, học sinh khác không phải nghỉ học.

Bác sĩ Hùng cho rằng khi trẻ bị sốt, phụ huynh không nên cho trẻ đến trường mà mang đến bệnh viện để theo dõi. Dấu hiệu của trẻ nhiễm tay chân miệng là sốt, mệt mỏi, xuất hiện bọng nước trong họng, tay hoặc chân…

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, từ tháng 8, tình hình dịch bệnh có xu hướng tăng lên, đặc biệt là thời điểm bắt đầu năm học mới. Số trường học có từ 2 ca bệnh trở lên tăng bình quân từ 40 trường (tháng 3 – 4) đến hơn 80 trường vào tháng 8.

Từ đầu năm đến nay, TP.HCM có hơn 7.400 ca mắc bệnh tay chân miệng và có 6 ca tử vong.

Đầu tháng 9, Sở Y tế đã ký kết liên tịch với Sở GD-ĐT đề nghị các trường tăng cường công tác truyền thông cho phụ huynh về dịch bệnh; giám sát để phát hiện trẻ bệnh ở trường, lớp; thực hiện các biện pháp chống dịch; vệ sinh hằng ngày, khử khuẩn mỗi tuần…

(Theo Thanhnien)