Lưu trữ cho từ khóa: lá táo

Những bài thuốc hay từ quả ớt

Theo y học cổ truyền, quả ớt còn có nhiều tên gọi khác nhau như lạt tiêu, lạt tử, ngưu giác tiêu, hải tiêu, nó thuộc họ cà. Ớt có vị cay, tính nóng, có tác dụng khoan trung, tán hàn, kiện vị, kiện tỳ, tiêu thực, kháng nham (chữa ung thư...) thông kinh lạc, giảm đau, sát trùng. Rễ ớt có tác dụng làm hoạt huyết, tán thũng. Lá ớt có vị đắng, tính mát có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu.

Quả ớt trị tỳ vị hư lạnh, tiêu chảy, nôn mửa, dạ dày ruột đầy trướng, mất trương lực, tích trệ, ăn không tiêu, đau nhức nửa đầu, đau lưng, đau khớp, thống phong, đau dây thần kinh, viêm thanh quản, viêm họng. Người đau dạ dày, tạng nhiệt, máu nóng không dùng ớt.

Trong kho tàng y học dân gian, trong số những bài thuốc hay, có bài thuốc chế biến từ ớt:

* Chữa viêm khớp mạn tính

Dùng 1-2 quả ớt, dây đau xương, thổ phục linh (củ khúc khắc) - mỗi vị 30g, đem nấu uống ngày 1 thang.

* Chữa sốt rét: lá ớt tươi 30g, giã nát, hòa với nước đun sôi để nguội, chắt nước cốt uống trước khi lên cơn sốt 2 giờ. Ngày 1 lần, dùng trong 5-7 ngày liền.

* Chữa trúng phong, răng cắn chặt

Lá ớt tươi (loại ớt chỉ thiên) 30-50 g, giã nát, thêm nước và ít muối, đổ nước vào miệng còn bã đắp vào răng, người bệnh sẽ tỉnh lại.

* Chữa bệnh chàm (eczema)

Dùng một nắm lá ớt còn tươi, mẻ chua 1 thìa. Hai thứ giã nhỏ, lấy vải sạch gói lại, đắp lên nơi bị chàm đã rửa sạch.

* Chữa đau lưng, đau khớp

Dùng 15 trái ớt chín, 3 lá đu đủ, rễ chỉ thiên 80g. Tất cả đem giã nhỏ rồi ngâm vào cồn với tỷ lệ 50/50, dùng để xoa bóp sẽ giảm cơn đau.

* Chữa mụn nhọt

Dùng một ít lá ớt giã nát với ít muối, rồi đắp vào nhọt đang mưng mủ sẽ bớt đau nhức, dễ vỡ mủ, mau lành.

* Chữa rụng tóc do hóa trị liệu trong ung thư

Lấy 100g ớt trái đem ngâm với rượu trắng trong độ 10-20 ngày. Dùng rượu ngâm này bôi lên da đầu để có tác dụng kích thích tóc mọc lại. Cũng trong bệnh ung thư, để giảm đau người ta ăn 5-10g ớt mỗi ngày. Và, để cải thiện tình trạng ăn uống lâu tiêu trong bệnh ung thư, người ta dùng 100g ớt, 100g hắc đậu xị đem tán bột để ăn hằng ngày.

* Chữa đau nhức

Dùng 100g ớt trái, 200ml rượu. Ớt phơi khô, cho vào rượu ngâm 1 tuần, sau đó lắc đều, lấy rượu ớt xoa bóp chỗ đau nhức vài lần trong ngày.

* Chữa rắn rết cắn, côn trùng đốt:
Ớt tươi 15 quả, lá đu đủ 3 lá, rễ ớt chỉ thiên 80g, tất cả giã nát, thêm nước, gạn nước uống, bã dùng đắp lên vết cắn. Nếu là rết và côn trùng đốt dùng lượng ít hơn. Có thể dùng riêng lá ớt tươi lượng vừa đủ giã nát, đắp vào vết cắn. Sau 15-30 phút nếu còn đau nhức làm thêm lần nữa.

* Chữa đau bụng kinh niên

Dùng rễ cây ớt, rễ chanh (mỗi thứ độ 10g) đem sao vàng, rồi sắc uống ngày 1 lượng như vậy.

* Chữa mụn nhọt, đinh độc, vết thương

Lá ớt, lá na, lá bồ công anh, lá tử vi, lá táo mỗi thứ 10-20 g, giã nát với một ít muối, đắp. Hoặc: Lá ớt, cành xương rồng bà có gai, lá mồng tơi mỗi thứ 5-10 g, giã nát nhuyễn, đắp.

 

Meo.vn (Theo Benh)

Cây táo ta làm thuốc

Táo là loại cây trồng phổ biến trong cả nước. Quả táo có thể ăn tươi, rất giòn và thơm ngon, hoặc chế thành mứt kẹo, nước uống… Các bộ phận của cây táo là nguồn thuốc quý, được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền.Trong quả táo chứa carbon hydrad, protein, chất béo. Ngoài ra còn chứa rất nhiều các vitamin A, C và các chất nguyên tố vi lượng Ca, P… đặc biệt thịt quả táo ta còn có anthranoid, làm nhu nhuận đại tràng.

Lá táo, chọn các lá bánh tẻ, khoảng 200 – 300g, sao vàng sắc uống, ngày hai lần trước bữa ăn một giờ, chữa các bệnh ho hen suyễn. Có thể uống nhiều ngày tới khi hết các triệu chứng.

Chữa ho gà hoặc ho lâu ngày: lá táo, lá chanh, lá dâu tằm mỗi vị 200g-300g, sắc uống 2-3 lần trong ngày. Uống nhiều ngày tới khi hết triệu chứng. Nước sắc lá táo cũng có thể dùng cho những trường hợp bị chứng tăng huyết áp.  Cao lá táo dán nhọt, để trừ mủ các nhọt độc, nhọt bọc, đặc biệt các nhọt có nhiều mủ, quánh đặc, khó nặn ra,  hoặc lá táo sắc lấy nước để rửa các vết thương nhiễm khuẩn có mủ…

Quả táo, giúp nhuận tràng rất tốt với những người cao tuổi. Thịt quả táo, sau khi đập bỏ hạt, đồ chín, thái mỏng, phơi khô hoặc sấy khô làm thuốc bổ thận âm hoặc kích thích tiêu hóa, thường  phối hơp với hoài sơn, bạch linh, mẫu đơn bì, trạch tả, thục địa.

Nhân hạt táo: Lấy hạch quả táo, rửa sạch phần thịt sót lại, phơi khô giòn, xay, sàng sẩy bỏ vỏ gỗ để lấy nhân, phơi khô, gọi là táo nhân, hay toan táo nhân. Vị thuốc này chỉ dùng dưới dạng sao đen. YHCT gọi tên vị thuốc này là “Hắc táo nhân”. Theo YHCT, hắc táo nhân, có vị chua, tính bình, quy vào các kinh tâm, can, đởm và tỳ, có  tác dụng tĩnh tâm, an thần, trị tâm huyết  bất túc, tâm thần bất an, tim đập hồi hộp, mất ngủ, chóng mặt. Hắc táo nhân có tác dụng an thần, gây ngủ,  giảm đau, chống co giật, hạ huyết áp. Liều dùng chung từ 4 – 12 g.

Mất ngủ, suy nhược thần kinh: hắc táo nhân, ngải tượng (củ bình vôi), mỗi thứ 8g, liên tâm 6g, phục linh 5g, cam thảo 4g, sắc uống, ngày một thang, uống 3 lần, sau bữa ăn, nên uống nước đầu vào bữa tối để dễ ngủ. Có thể uống liền 2-3 tuần.

Bổ can thận: táo nhân 8g, phối hợp với hà thủ ô đỏ (chế), thục địa, mạch môn, mỗi vị 12g. Sắc uống, ngày một thang. Uống 2-3 tuần lễ.

Tâm thần bất an, hay hoảng hốt, bồn chồn: hắc táo nhân 6g, thảo quyết minh (sao đen), long nhãn, thục địa, liên nhục, mạch môn, mỗi thứ 12g. Sắc uống, ngày một thang chia 3 lần,  uống ấm, uống liền 2-3 tuần.

Chữa mồ hôi trộm: hắc táo nhân, nhân sâm, phục linh (đồng lượng), tán thành bột mịn, mỗi lần uống 10g với nước cháo, ngày một lần. Uống nhiều ngày tới khi hết triệu chứng. Nếu người khó ngủ, nên uống buổi sáng.

Chú ý: Khi dùng táo nhân, nhất thiết phải sao đen, nếu dùng sống sẽ có tác dụng ngược lại, là gây mất ngủ. Không nên dùng táo nhân cho những trường hợp đang bị sốt, hoặc cảm nặng. Khi dùng táo nhân cho phụ nữ có thai, phải hết sức thận trọng,  vì vị thuốc này có tác dụng co bóp mạnh cơ tử cung.

Để tránh nhầm lẫn khi sử dụng, cũng cần phân biệt với một số cây thuốc:

Táo rừng: cây mọc hoang trong các rừng, núi phía Bắc nước ta… Về hình dáng, giống táo ta, song lá và quả nhỏ hơn. Quả ăn chua nhớt và chát. Vỏ rễ, thái lát, ngâm với rượu 40% để chữa đau răng, lá nấu nước tắm, chữa ngứa lở ngoài da.

Đại táo, còn gọi là táo tàu: chỉ mọc ở các tỉnh phía Bắc Trung Quốc, quả to, dài, khi chín ăn ngọt, để chế đại táo thường được dùng trong các thang thuốc Đông y. Hạt của đại táo có hình dài và nhân hầu như lép, không dùng được để  làm vị thuốc táo nhân, như trên.

Táo mèo còn có tên là cây sơn tra. Cây mọc hoang hoặc được trồng ở một số tỉnh phía Bắc nước ta: Lào Cai, Yên Bái… Quả táo mèo, chủ yếu dùng kích thích tiêu hóa và trị tăng huyết áp. Quả và lá táo ta.

Nhân hạt táo (toan táo nhân) sao đen cho vị thuốc hắc táo nhân.

Theo suckhoedoisong

Trị mụn nhọt, lở ngứa và dị ứng da

Nếu bị ngứa khô từng đám hay ngứa khắp mình, có khi thành cơn ngứa nóng bừng thì nên tắm nước pha muối; hoặc giã lá chàm (có thể thay bằng lá bỏng, xuyên tâm liên), chế nước nguội, lọc uống, bã xoa chỗ ngứa. Cũng có thể nhai vừng sống để xoa lên.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Các bệnh ngoài da có các triệu chứng chủ yếu như ngứa, đau, nóng rát, tê bì, ban chảy, chảy nước vàng, nốt phỏng ở da. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh như: nhiễm khuẩn, nhiễm nấm, dị ứng, suy giảm chức năng gan, rối loạn tuần hoàn nuôi dưỡng da, ứ huyết ở da...

Chữa nhọt độc sưng tấy, đau ở bắp tay, bắp chân, đùi

Đơn tướng quân, đơn đỏ, đơn gối hạc, cải rừng tía, bồ công anh, bọ mẩy, xuyên tâm liên, mỗi vị 30-40 g. Sắc uống ngày một thang.

Huyền sâm, huyết giác, tô mộc, hoàng đằng, vỏ núc nác, vỏ bàng, lá chàm, kim ngân hoa mỗi vị 20-30 g. Sắc uống ngày một thang.

Đại hoàng mài với giấm và bôi (hoặc dùng bột đại hoàng gói vải thưa, nhúng vào giấm mà xoa).

Chữa mụn nhọt

Sài đất, bồ công anh, kim ngân hoa, thổ phục linh, vỏ núc nác, mạch môn, huyền sâm, hà thủ ô mỗi vị 20-30 g, hoàng đằng 10 g, sắc uống. Nhọt bọc không vỡ mủ, thêm gai bồ kết 15 g. Nếu không khô mủ, thêm ý dĩ sao 20 g, thiên hoa phấn 10 g, bạch chỉ 5 g.

Lá chìa vôi, lá hoa vòi voi, tỏi, giã đắp khi mụn nhọt đang mưng mủ.

Lá mỏ quạ, lá táo chua, lá thanh táo, giã đắp khi mụn nhọt đã vỡ mủ.

Củ nghệ tươi giã vắt lấy nước bôi để kích thích tái tạo mô làm vết thương chóng liền miệng.

Chữa lở ngứa

Bài thuốc dùng chung cho các thể lở ngứa: Huyền sâm hay sinh địa 20 g; hà thủ ô, thổ phục linh, mạch môn, kim ngân hoa, vỏ núc nác, hoàng đằng mỗi vị 12 g, hoặc thêm liên kiều, ngưu bàng, thiên hoa phấn, cam thảo dây (hay sài đất) mỗi vị 10 g. Sắc uống ngày một thang.

Trị lở ngứa mạn tính: Ké đầu ngựa nấu cao đặc uống mỗi ngày 10 g và bôi ngoài.

Trị ngứa ở chỗ ẩm ướt, ở bẹn, háng, âm nang, quanh hậu môn: Không nên gãi, nên đắp nước nóng già cho đỡ ngứa, đắp nhiều lần trong ngày. Hoặc dùng kinh giới hay lá cây bông ổi nấu nước ngâm rửa lúc còn nóng.

Chữa viêm da

Chữa viêm da thần kinh (lúc đầu da đỏ, ngứa từng đám ở sau cổ, khuỷu tay, khoeo chân, bắp chân hay mông, sau lâu ngày da trở nên cứng dần, sù sì, hoặc da sần, có nếp nhăn): Ban đầu đắp nước nóng nhiều lần, sau đó dùng cây dầu giun, hoặc lá và rễ cây chút chít tươi xoa xát. Hoặc bôi đại hoàng mài với rượu (hoặc bọc bột đại hoàng trong vải thưa, nhúng vào rượu mà xoa). Nếu diện ngứa rộng thì sắc hoàng đằng dội hay bôi xoa.

Viêm da do tiếp xúc các chất gây dị ứng như sơn sống, nhựa thông, sâu róm, dầu ba đậu, bạch chỉ, nổi mẩn đỏ sưng ngứa lan rộng: Xoa xát với lá khế hay quả khế, chua me đất; có thể dùng quả chanh cắt đôi nhúng với nước vôi trong, hoặc rau giền. Cũng có thể nấu lá đại bì, hoặc lá bồ cu vẽ lấy nước tắm rửa.

Viêm da do tiếp xúc với nước bị ô nhiễm ở ao tù, cống rãnh sinh ngứa: Rửa nhiều lần với nước bồ kết, bồ hòn rồi xát với lá trầu không, hay hương nhu, kinh giới. Hoặc dùng lá cây nhội nấu lấy nước tắm rửa và lấy bã xát. Khi bị nước ăn chân thì rửa bằng nước phèn rồi xát lá dầu giun hoặc nấu hoa chổi xuể ngâm rượu.

Chữa mẩn ngứa da do dị ứng

Khi bị mày đay, dị ứng do ăn thức ăn tanh, lạnh như cua, cá, tôm, sò... thì dùng lá tía tô, kinh giới, hay húng giổi giã nhỏ chế nước nóng vào, vắt lấy nước cốt uống và lấy bã xoa đắp.

Gặp gió lạnh mà phát ngứa thì lấy mảnh vải hơ nóng, hay dùng ngải cứu khô sao nóng bọc vải xoa xát, rồi nhai vừng sống xoa. Hoặc dùng lá đơn nem và lá đại bì giã nhỏ chế nước sôi vào vắt lấy nước cốt uống, rồi lấy bã xoa xát.

Ở chỗ lạnh đột ngột gặp nóng sinh dị ứng nổi mẩn ngứa thì dùng sắn dây, rau sam hay thuốc bỏng, giã vắt lấy nước cốt uống rồi lấy bã xoa xát. Hoặc uống bột thạch cao và hoạt thạch với lượng bằng nhau, mỗi lần uống 8 g bột hỗn hợp, ngày uống 3-4 lần. Bên ngoài tắm nước pha muối, rồi xoa bột hoạt thạch.

Chữa lở do nấm: Thường phát triển ở kẽ ngón và kẽ móng chân, móng tay, ngứa chảy nước và lan ra. Dùng lá móng tay giã nhỏ với ít muối đắp (ban ngày có thể mở ra), làm nhiều lần thì khỏi.

Chữa tổ đỉa (ngứa lạ thường ở lòng bàn tay): Đắp củ ráy, hay lá đậu mèo giã với rượu. Đồng thời sắc thổ phục linh với vỏ núc nác, mỗi vị 40 g, uống hằng ngày liên tục cho đến khi khỏi.

Chữa hắc lào (ngứa, nổi mụn nhỏ từng vòng tròn, rồi gãi lan rộng ra): Nên đắp nước nóng già nhiều lần cho đỡ ngứa mà không nên rửa với xà phòng. Lúc đầu có thể hái quả chuối non, cắt ra, xoa chấm mặt cắt vào; hoặc bôi mủ quả đu đủ xanh mấy lần. Cũng có thể dùng lá muồng trâu, hay lá và củ chút chít xoa xát; bôi rượu ngâm rễ bạch hạc hay đại hoàng, hoặc gói bột đại hoàng trong vải thưa, tẩm rượu xát.

Theo GS Đoàn Thị Nhu

Sức Khỏe & Đời Sống

Chữa bệnh bằng vỏ trứng gà

Bệnh hôi miệng, viêm loét dạ dày - tá tràng có thể chữa khỏi bằng cách dùng vỏ trứng gà sống nghiền nát, rây bột mịn, uống ngày 3 lần với nước sôi để nguội, mỗi lần 2 g.

Sau đây là một số bài thuốc khác từ vỏ trứng gà:

- Chữa khí hư: Vỏ trứng sống 200 g, hạt bông (sao đen cho hết khói) 80 g. Tất cả tán nhỏ, trộn với rượu, làm thành viên bằng hạt ngô, uống cùng với nước cơm vào lúc đói, mỗi lần 20 viên.

- Chữa ho gà: Vỏ trứng sống 1 cái, rễ cỏ gà 20 g, lá chanh 20 g, lá táo 20 g, vỏ quýt 10 g, tất cả thái nhỏ, sao vàng, sắc với 400 ml nước đến khi còn 100 ml, uống 2 lần/ngày.

- Chữa sốt cao, sốt kéo dài: Vỏ trứng đã nở con 20 g, rửa sạch, nghiền nát, phơi khô, sao vàng, tán bột để uống.

- Chữa lở loét: Lấy vỏ trứng đã nở con sao vàng, tán bột mịn, hòa với dầu vừng, bôi lên chỗ lở loét hằng ngày.

- Chữa mắt sưng đỏ, chảy nước mắt, nhiều dử, sợ ánh sáng: Vỏ trứng đã nở con 50 g, sao vàng, tán bột mịn, uống mỗi lần 1-4 g với nước nóng.

DS Huyền Hoa, KH&ĐS

Những tin tức liên quan

Hoa vạn thọ chữa bệnh

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mớiVạn thọ hay còn gọi cúc vạn thọ là loài hoa có nhiều ở nước ta. Lá cúc vạn thọ giúp làm mát gan, phổi, giải nhiệt, chữa đau mắt, ho gà, viêm khí quản, viêm miệng, viêm hầu, đau răng, dùng đắp ngoài để trị viêm tuyến mang tai, viêm vú, viêm da có mủ. Liều dùng thông thường từ 10 - 15g cho dạng thuốc sắc.

Lương y Vũ Quốc Trung (TP.HCM) cho biết:

- Bị ho gà thì dùng 15g hoa cúc vạn thọ, 10g đường phèn, đem cả hai nấu lấy 150 ml nước chia làm 3 lần dùng trong ngày. Uống liền 3 - 5 ngày như vậy.

- Bị đau răng có thể dùng 5 bông hoa cúc vạn thọ và 5 chiếc lá nhãn, cùng 15 hạt muối ăn giã nhỏ, chia làm 3 phần đều nhau để dùng, mỗi lần đặt một phần như thế vào nơi răng bị đau.

- Đau mắt đỏ thì dùng 10 lá của hoa cúc vạn thọ, và 10 lá dâu non. Rửa sạch cả hai rồi cho vào ca đựng nước, cho nước sôi vào để xông hơi lên phía mắt bị đau (không để quá gần dễ làm bỏng mắt, hoặc sức nóng làm giãn mạch và các mao mạch căng vỡ). Ngày làm một lần, làm trong 2 - 3 ngày như vậy.

- Nổi mụn nhọt (chưa vỡ), dùng 10g lá cúc vạn thọ, 15g lá táo ta, 10 hạt muối ăn giã nhỏ, đắp vào nơi đau. Ngày thay một lần.

- Để chữa hen thì dùng hoa cúc vạn thọ, rau cần, nhân trần, củ tần sét, thài lài tía, rễ bạc đồng nữ, tinh tre mơ (mỗi loại 10g) đem thái nhỏ phơi khô sắc uống ngày 1 thang như thế.

- Bị kiết lỵ thì lấy 15g hoa cúc vạn thọ đem giã nát vắt lấy nước trộn với ít đường để uống...

Theo Thanh Niên

Thuốc chữa bệnh từ quả na

Ở nước ta, na là loại cây khá quen thuộc vì nhân dân thường trồng lấy quả ăn. Thịt quả na mềm, thơm, ngọt và rất nhiều dinh dưỡng. Theo nghiên cứu hiện đại, trong quả na có 72% glucose, 1,73% tinh bột, 2,7% protid và vitamin C... Lá na chứa 0,08% tinh dầu. Hạt chứa 40% tinh dầu, trong đó các axít béo chiếm tỷ lệ lớn. Vỏ và rễ chứa axít hydrocyanic... Theo Đông y, na có vị ngọt, hơi chua, tính ấm, có tác dụng hạ khí tiêu đờm, chữa lỵ... Quả na chín được dùng với tác dụng bổ dưỡng, rất tốt cho người cao tuổi, người mới ốm dậy và phụ nữ sau khi sinh. Quả na điếc (quả na đang lớn bị một loài nấm làm hỏng, khô xác, có màu nâu đỏ tím) dùng trị mụn nhọt ở vú, chữa ho, viêm họng... Ngoài ra, trong dân gian còn dùng hạt na để diệt côn trùng, trừ chấy rận. Lá na dùng trị sốt rét cơn lâu ngày, bong gân. Rễ và vỏ cây dùng tẩy giun...

Chữa ho, viêm họng: Quả na điếc 50g, sinh địa 50g, rễ xạ can 30g, nhân hạt gấc 20g, lá bạc hà 50g, cam thảo dây 25g, lá chanh 25g, lá táo 25g. Tất cả phơi khô, (riêng quả na điếc đốt tồn tính), giã nhỏ, tán bột, rây mịn, rồi trộn với 150g đường kính đã nấu thành sirô để làm viên, mỗi viên 0,5g. Người lớn ngày 6-8 viên, chia làm 2 lần; trẻ em tùy tuổi 3-6 viên. Dùng 3-5 ngày.

Chữa sốt rét: Quả na điếc 40g, giun đất loại khoang cổ 80g, phèn phi 20g. Quả na đập vỡ vụn, tẩm rượu, sao vàng. Giun đất lộn trái, rửa sạch, tẩy bằng rượu, phơi khô, sao vàng. Hai thứ trộn đều với phèn phi, tán bột mịn và luyện với nước tỏi làm viên bằng hạt đỗ xanh. Ngày uống hai lần, mỗi lần 10 viên. Hoặc lá na (20-30g), giã nhỏ, chế thêm nước sôi vào vắt lấy một bát nước cốt, lọc qua vải, phơi sương, sáng hôm sau thêm ít rượu quấy uống trước lúc lên cơn hai giờ. Mỗi ngày uống một lần, uống liền 5-7 ngày.

Mụn nhọt ở vú: Quả na điếc phơi thật khô, tán thành bột, hòa với giấm, đắp lên chỗ vú bị sưng, bôi nhiều lần trong ngày.

Trừ chấy, rận: Giã nhỏ hạt na trộn với rượu hoặc giấm để vò đầu, xát vào chân tóc, sau đó bịt khăn lại, ủ trong 15 phút rồi gội đầu để trừ chấy. (Lưu ý: khi gội đầu không để nước hạt na bắn vào mắt). Hoặc hạt na đem giã nhỏ lấy nước ngâm quần áo để diệt rận.

Mụn nhọt sưng tấy: Lá na, lá bồ công anh, đem giã nát đắp lên vùng có mụn nhọt. Ngày đắp 3 lần.

Chữa bong gân: Lá na 20g, quả đu đủ xanh 10g, vôi tôi 5g, muối ăn 5g, tất cả giã nát, hơ nóng, đắp vào vùng tổn thương. Ngày làm một lần.

Tẩy giun đũa: Rễ na 30 - 50g, thái nhỏ, rửa sạch, sao qua đem sắc với 300ml nước còn 100ml, uống vào buổi sáng hoặc buổi tối trước khi đi ngủ.

Bác sĩ  Minh Hằng (suckhoedoisong.vn)

Tác dụng của hoa dâm bụt

Với tác dụng tiêu sưng, giải độc, dâm bụt được dùng cải thiện các chứng quai bị, mụn nhọt. Loại cây này còn là thuốc chữa lỵ, kinh nguyệt không đều...

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Cây hoa dâm bụt còn được gọi là bông bụt, được y học cổ truyền dùng làm thuốc với tên gọi là mộc cận. Cả lá, hoa, vỏ thân và rễ cây đều được dùng làm thuốc, với tác dụng tiêu sưng, giải độc, thanh nhiệt, lợi tiểu, an thần…

Chữa kiết lỵ: Lấy 40 gr vỏ thân cây dâm bụt, 40 gr lá búp táo ta, 5 lát gừng tươi. Vỏ thân cây dâm bụt cạo bỏ vỏ ngoài, chỉ lấy lớp vỏ lụa thái nhỏ sao vàng hạ thổ, lá táo ta sao vàng. Sắc với 5 lát gừng lấy nước chia uống trong ngày.

Chữa chứng quai bị: Lấy 50 gr lá dâm bụt, 50 gr hành củ. Giã nát cả hai thứ, thêm một ít nước sôi để nguội, khuấy đều, gạn lấy nước uống, bã đắp vào chỗ bị quai bị.

Chữa chứng chàm mặt: Khi bị bệnh chàm mặt, lấy 50 gr vỏ thân cây dâm bụt, 20 gr gừng tươi, 10 quả bồ kết bỏ hạt. Mang tất cả thái nhỏ, sắc nước sau đó cô đặc sền sệt, để thuốc nguội, bôi ngày hai lần sẽ có kết quả.

Chữa chứng kinh nguyệt không đều: Lấy 30 gr vỏ rễ cây dâm bụt phơi khô, thái nhỏ, đổ 200 ml nước sắc còn 50 ml, uống trong ngày. Hoặc dùng rễ dâm bụt lá huyết dụ lượng bằng nhau sắc lấy nước uống chữa chứng rong kinh, kinh ra nhiều.

Chữa khí hư ở phụ nữ: Lấy 50 gr vỏ thân cây dâm bụt, cạo bỏ vỏ ngâm, thái nhỏ rồi sao vàng, sắc lấy nước uống trong ngày. Điều trị trong 5 ngày sẽ có hiệu quả.

Trị chứng nhức đầu, chóng mặt ở phụ nữ: Lấy 50 gr hoa dâm bụt, 50 gr gỗ vang, ba lát gừng tươi. Tất cả đem sắc lấy nước chia uống trong ngày.

Trị chứng hồi hộp, khó ngủ, nước tiểu đỏ: Dùng hoa dâm bụt phơi khô, hãm uống thay trà hằng ngày.

Trị mụn nhọt: Lấy hoa và lá dâm bụt tươi, rửa thật sạch, giã nát cùng một ít muối đắp lên chỗ có mụn nhọt đang mưng mủ, khi khô lại thay thuốc mới, có tác dụng đỡ đau nhức và chóng vỡ mủ.

Chú ý: Nên dùng cây hoa dâm bụt ta, không nên dùng cây hoa dâm bụt tây có màu đỏ tía.

(Theo Đất Việt)

Chữa mụn nhọt bằng cây lá quanh ta

Mùa hè nóng bức, thường sinh mụn nhọt. Sau đây là các bài thuốc chữa mụn nhọt lưu truyền lâu đời trong dân gian, rất hiệu nghiệm.

* Hút mụn nhọt đã vỡ bằng khoai lang: Lấy lá khoai lang non 50g, đậu xanh 12g, thêm chút muối giã nhuyễn bọc vào vải sạch đắp vào nơi mụn nhọt. Ngày thay 1 lần.

* Chữa mụn nhọt bằng cây mua bà: Lấy lá non, giã hơ nóng đắp vào chỗ có nhọt. Ngày thay 1 lần.

* Chữa mụn nhọt bằng bí ngô: Lấy cuống bí ngô đốt thành than, rồi đắp vào nơi có nhọt. Ngày thay 1 lần. Hoặc lấy cuống bí ngô đốt thành than, nghiền nát trộn với dầu mè hay dầu sở rồi đắp vào. Ngày thay 1 lần.

* Chữa mụn nhọt bằng lá sen: Dùng ngoài bằng lấy cuống lá sen sắc lấy nước đặc rửa nơi mụn nhọt. Mặt khác lấy lá sen rửa sạch giã nát cùng với cơm nếp rồi đắp vào nơi có nhọt. Ngày thay 1 lần.

* Chữa mụn nhọt bằng rau mồng tơi: Lấy rau mồng tơi tươi, giã nát đắp vào nơi mụn nhọt, ngày thay 2 – 3 lần.

Theo 'Thực liệu kỳ phương' thì cần chờ đúng giờ thìn (tức đúng 8 giờ sáng) hãy hái một nắm ngọn rau mồng tơi không non quá cũng không già (rau bánh tẻ) vào lúc đang có ánh nắng mặt trời chiếu rọi vào vườn rau, sau đó mang vào không rửa (nếu có bụi bẩn lấy khăn sạch lau) và cho vào cối giã nhuyễn cùng chút muối ăn đem đắp vào nơi mụn nhọt, rất hiệu nghiệm.

* Chữa mụn nhọt bằng hoa nhài: Hoa nhài 10g, bồ công anh 20g, kim ngân hoa 20g, cam thảo đất 16g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 – 3 lần.

* Chữa mụn nhọt bằng cây chua me đất: Lấy lá giã nhỏ hơ nóng đắp vào chỗ mụn nhọt. Ngày thay 1 lần thuốc.

* Chữa mụn nhọt, đinh độc, vết thương bằng lá ớt: Lấy lá ớt, lá na, lá bồ công anh, lá tử vi, lá táo, mỗi thứ từ 10 – 20g, đem rửa sạch, giã nát cùng ít muối ăn rồi đắp vào vết thương hay mụn nhọt, đầu đinh. Hoặc lấy lá ớt, cành xương rồng bà có gai, lá mồng tơi mỗi thứ 5 – 10g, giã nát đắp vào nơi mụn nhọt. Ngày thay thuốc 1 lần.

* Chữa mụn nhọt bằng lá lô hội (cây lưỡi hổ): Lấy lá lô hội tươi giã nát đắp vào chỗ mụn nhọt. Ngày thay thuốc 1 lần.

* Chữa mụn nhọt bằng quả vải: Lấy múi vải giã nát với ô mai tạo thành cao và đắp lên mụn. Ngày thay thuốc 1 lần. Hoặc lấy 5 – 7 múi quả vải giã nát cùng với ít hồ nếp dán trên giấy thành miếng cao đắp vào nơi mụn nhọt. Ngày thay 1 lần.

* Chữa mụn nhọt bằng cao nghệ tự chế: Lấy củ nghệ 60g, củ ráy 80g, dầu vừng 80g, nhựa thông 40g, sáp ong 40g. Củ ráy gọt bỏ vỏ cho vào cùng nghệ giã nhuyễn, sau nấu nhừ với nhựa thông, dầu vừng và sáp ong là thành. Lấy phết lên giấy thành miếng cao dán lên nơi có mụn nhọt. Ngày thay thuốc 1 lần.

* Chữa mụn nhọt sưng đỏ bằng rau diếp cá: Lấy rau diếp cá giã nát rịt vào nơi mụn nhọt vào lúc đi ngủ, sáng dậy thấy đỡ đau, rất mau khỏi.

* Chữa mụn nhọt lở loét bằng vừng đen (mè đen): Lấy mè đen rang lên, tán nhỏ. Rửa sạch mủ trên mụn, sau lấy bột mè đen đã tán đắp lên, chỉ vài lần sẽ khỏi.

* Chữa mụn nhọt sưng tấy bằng rau hồng trai và cây sống đời: Lấy rau hồng trai và lá cây sống đời mỗi thứ 25 – 30g, rửa sạch để ráo nước, giã nát tẩm chút nước rồi vắt nước cốt uống, còn bã đắp lên mụn nhọt. Ngày 1 lần, vài lần là khỏi.

* Chữa mụn nhọt bằng lá táo chua: Lấy một nắm con lá táo rửa sạch giã nát cùng ít muối ăn sau đem đắp vào nơi mụn nhọt đang sưng tấy rất hay. Vài lần sẽ khỏi.

Theo Báo Nông Nghiệp

Thuốc từ hoa cảnh

Để chữa mụn trứng cá, bạn lấy hoa bươm bướm 60 g, phèn phi 10 g cùng tán nhỏ, trộn với dầu vừng (mè) 30 ml. Lấy hỗn hợp này bôi ngày 2-3 lần vào mụn trứng cá.

Nhiều loại hoa cảnh không chỉ đẹp mà còn có tác dụng chữa bệnh, chẳng hạn như:

Hoa bươm bướm

Theo Đông y, cây bươm bướm có tác dụng lợi tiểu, lọc máu, làm tan máu tụ, chống xuất huyết, chữa thấp khớp, lở ngứa, eczema, trứng cá, vảy nến, nấm tóc, nấm loét, viêm tĩnh mạch, trĩ, mày đay, giảm niệu, tê mỏi đau nhức, xơ cứng động mạch, co giật thần kinh. Liều dùng trung bình 30-60 g.

Chữa chốc lở đầu: Hoa bươm bướm 30 g, bồ kết 25 g, mật lợn 100 ml. Tất cả đun lấy 10 ml nước thuốc đặc, sau cùng cho mật lợn vào khuấy đều. Hằng ngày gội sạch đầu, dùng hỗn hợp này bôi vào nơi chốc lở.

Chữa Eczema: Hoa bươm bướm 50 g, lá đào 60 g, vôi củ 10 g. Cả 3 thứ giã nhỏ, hằng ngày dùng hỗn hợp này bôi vào nơi bị bệnh.

Hoa mười giờ

Đông y cho rằng hoa mười giờ có tác dụng hoạt huyết, giảm đau, tiêu viêm, tiêu sưng, chữa mụn nhọt, viêm da, ghẻ, ngứa, bỏng, eczema, chữa đau họng…

Chữa viêm họng: Hoa mười giờ 100 g, lá cây rẻ quạt 10 g. Cả hai rửa sạch, giã nhỏ cho vào 100 ml nước nóng, chắt lấy nước ngậm. Ngày ngậm 2-3 lần. Cần ngậm 3-5 ngày.

Chữa eczema: Thân, lá cây hoa mười giờ 100 g, lá đào tươi 100 g, vôi tôi 10 g. Các lá rửa sạch giã nhỏ, trộn lẫn cùng vôi tôi. Hằng ngày lấy thuốc này bôi vào chỗ bệnh, ngày 2-3 lần. Bôi nhiều ngày.

Chữa ghẻ: Thân, lá hoa mười giờ 100 g, lá xoan tươi 100 g, lá rau sam 100 g. Các lá rửa sạch, giã vắt lấy nước bôi vào nơi bị ghẻ. Ngày bôi 2-3 lần. Bôi trong nhiều ngày.

Chữa mụn nhọt chưa vỡ mủ: Hoa mười giờ 50 g, lá táo 30 g, muối ăn 2 g. Các thứ rửa sạch, giã nhỏ cùng muối ăn đắp vào chỗ đau, ngày thay thuốc một lần.

Hoa hiên

Theo Đông y, rễ cây hoa hiên có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, làm mát huyết, chữa viêm bàng quang, thiểu niệu, tiểu ra máu, chảy máu cam, ho ra máu, viêm gan vàng da, viêm vú, viêm tuyến mang tai, viêm tai ngứa, đau răng. Liều dùng thông thường 5-15 g cho dạng thuốc sắc.

Lá và hoa hiên có tác dụng làm yên ngũ tạng, khoan khoái trong lòng, trừ thấp nhiệt, an thai, lợi tiểu, khỏi bốc nóng, ăn ngon ngủ yên, sáng mắt, nhẹ mình; chữa chảy máu cam, sưng vú, động thai.

Chữa sưng vú: Lá hoa hiên 10 g, giấm ăn 10 ml. Rửa sạch lá hoa hiên, giả nhỏ, trộn với giấm, đắp vào chỗ đau, ngày thay thuốc 1 lần. Đắp liền 3-5 ngày.

Chữa viêm tuyến mang tai: Rễ hoa hiên 30 g, đường đỏ 20 g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần. Dùng trong 2-3 ngày.

Chữa vàng da do uống quá nhiều rượu: Rễ hoa hiên 20 g rửa sạch, giã nhỏ, lọc lấy 50 ml nước, chia 3 lần uống trong ngày, uống liền 3 ngày.

Chữa tiểu ra máu: Củ hoa hiên 5 g, rau má 20 g, rễ cỏ tranh 15 g, rau diếp cá 10 g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần. Uống liền 3-5 ngày.

(Theo SK&ĐS)