Lưu trữ cho từ khóa: kỹ năng sống

Kỹ năng sống cần dạy cho trẻ trước khi vào tiểu học

Nhận biết tên mình, biết đề nghị giúp đỡ, biết cởi áo khoác và mang giày… là những kỹ năng sống nằm trong danh sách “phải biết” của trẻ trước khi vào tiểu học.

Dưới đây là danh sách 10 kỹ năng sống cần phải dạy cho trẻ trước khi vào tiểu học Văn phòng Tiêu chuẩn Giáo dục, Dịch vụ và Kỹ năng trẻ em (Ofsted) ở Anh vừa đưa ra, nhằm giúp bé hoà nhập tốt hơn những ngày đầu bỡ ngỡ vào bậc tiểu học.

Kỹ năng sống cần dạy cho trẻ trước khi vào tiểu học

10 kỹ năng sống cần trang bị cho trẻ trước khi vào tiểu học

1. Ngồi yên và giữ yên lặng

2. Tôn trọng các bạn khác

3. Hiểu được từ “không được phép” và những giới hạn trong hành vi của mình

4. Hiểu được từ “dừng lại” và những nhóm từ được sử dụng để ngăn ngừa nguy hiểm

5. Được dạy những kỹ năng thông thường và có khả năng tự đi toilet

6. Nhận biết tên mình

7. Biết yêu cầu người lớn giúp đỡ

8. Biết cởi áo khoác và mang giầy

9. Biết nói nguyên câu

10. Biết mở và xem sách

Ông Michael Wilshaw, đại diện của Ofsted cảnh báo, có quá nhiều bé khi đi học không biết sử dụng nhà vệ sinh, làm theo những chỉ dẫn đơn giản hoặc thậm chí không hiểu mình biết gì. Trong khi nhiều phụ huynh đã dạy cho các em các kỹ năng quan trọng, những có những bậc phụ huynh lại chẳng quan tâm gì đến việc này khiến các em phải vật lộn vất vả những ngày mới đến trường, nhất là những gia đình nghèo khó.

“Đến 5 tuổi , nhiều em đã bắt đầu đọc được những từ đơn giản, nói thành câu và có thể cộng những phép tính đơn giản, nhưng rất ít trẻ nghèo làm được điều này” – Wilsaw nhấn mạnh.

Tuy nhiên có những phản đối việc bắt buộc các em mẫu giáo phải có đầy đủ các kỹ năng này, cho rằng trẻ nhỏ phải được tự do phát triển bản thân mà không cần phải học hỏi, rằng làm như vậy sẽ khiến các em có một “tuổi thơ bị đánh cắp”. Nancy Stewart, một tư vấn viên trẻ em cho rằng: “Có rất nhiều bằng chứng cho thấy thành công của trẻ sau này không phụ thuộc vào những kỹ năng cần thiết khi vào toilet mà nó phụ thuộc vào những yếu tố như sự tự tin, tính tò mò và động lực trong học tập”.

Theo Vietgiaitri.com

Hãy khôn khéo như các bà mẹ!

Nếu có một “tạo vật” nào đó là biểu tượng cho sự khôn khéo, hẳn phải là phụ nữ – những người mẹ đang đứng trước nhiều quyết định mua sắm lớn bé trong nhà. Từ sự va chạm với đủ loại hàng hóa qua các kênh truyền thông đến việc thực tế lựa chọn các mặt hàng nhu yếu phẩm trong gia đình và quan trọng nhất là sữa cho con, đã cho các chị em quá nhiều kinh nghiệm mua sắm. PGS.TS tâm lý học Huỳnh Văn Sơn cho rằng: “Không có khóa đào tạo kỹ năng sống nào thực tiễn như ‘tháp tùng’ một bà mẹ khôn khéo đi chợ!”.

Các bà mẹ ngày càng khó tính trong việc lựa chọn sản phẩm dinh dưỡng cho con (Ảnh Trần Huy)

Sức hấp dẫn từ những thông điệp “lung linh”

Sự cởi mở trong tiêu dùng đã mở ra nhiều cơ hội cho những thương hiệu mới, nhất là với mặt hàng thực phẩm dinh dưỡng cho trẻ. Với hơn 30 công ty cung cấp gần 50 nhãn hàng dinh dưỡng khác nhau đã cho người tiêu dùng thêm nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, việc một số nhà sản xuất tự “thổi” chất lượng sản phẩm của mình thành “nhất thị trường”, với các chiêu thức trình bày sản phẩm, cung cấp thông tin không chính xác trên nhãn mác, dẫn đến chất lượng hàng hóa không đúng với thực tế đã gây nhiều bức xúc cho người tiêu dùng. Chưa bao giờ sự sáng suốt khi chọn lựa hàng hóa của người tiêu dùng lại cần thiết như hiện nay, bởi đứng trước rất nhiều sản phẩm được thiết kế đẹp, được nhà sản xuất tự tung hô “hoành tráng”, người tiêu dùng rất dễ bị lung lạc, chọn lựa sai lầm.

Đặc biệt, sản phẩm sữa mới thường tự công nhân là đảm báo chất lượng và quy trình sản xuất an toàn thực phầm, sử dụng nhiều mỹ từ với mục đích đánh vào mong muốn của các bậc làm cha mẹ đối với sức khỏe của con. Cứ thế, những thông điệp này đi vào lòng người trong khi chất lượng một nơi, thông tin về sản phẩm một nẻo.

Chính sự tự công nhận và tự giới thiệu quá sự thật của nhà sản xuất “đi sau nhưng muốn về trước” đã đưa người tiêu dùng lạc vào “mê hồn trận” – không biết sữa nào là sữa đúng chất lượng. Trong khi nhu cầu sử dụng thì luôn luôn cấp bách vì hầu như bà mẹ nào cũng muốn con được bổ sung thêm chất dinh dưỡng, cho con cao hơn, thông minh, khỏe mạnh hơn đúng như lợi ích của sữa mang lại. Là người bảo vệ gia đình, chăm lo cho con cái, các bà mẹ luôn muốn chọn những sản phẩm tốt nhất cho con, nên họ ngày càng chọn lựa kỹ hơn.

Khi các bà mẹ lên tiếng

“Làm mẹ, mình rất mừng khi thấy nhiều vụ chất lượng sữa không đảm bảo được phanh phui. Điều này giúp mình và các bà mẹ cẩn trọng hơn khi chọn lựa thực phẩm dinh dưỡng, nhất là sữa cho con. Không việc gì phải đưa ra quyết định vội vàng, mình rất cảnh giác với những ‘kẻ lạ mặt’ mới xuất hiện. Tham khảo ý kiến các bà mẹ khác, hỏi thăm hàng xóm là việc đầu tiên, nhưng cũng để tham khảo, sau đó mình sẽ tìm thông tin trên mạng về thương hiệu này, rồi mới quyết định mua”, chị Hương, quận 3, TP.HCM, chia sẻ kinh nghiệm mua sữa cho con.

Bà mẹ trẻ Uyên Phi ở quận 10 thì luôn theo tiêu chí “Không đem con ra làm chuột bạch để thử nghiệm các loại sữa mới ra”. Chị vẫn trung thành với loại sữa con đang uống tốt. Chị cho rằng sản phẩm sữa mới với những thông điệp đi kèm nghe thấy cũng tò mò muốn thử, nhưng không dám mạo hiểm với sức khỏe của con. Do đó, có chọn sản phẩm mới, chị cũng chỉ chọn sản phẩm của cùng một nhà sản xuất uy tín để an tầm về chất lượng.

Khôn khéo như các bà mẹ hiện đại

Theo PGS.TS tâm lý học Huỳnh Văn Sơn, đa số các bà mẹ có tâm lý trung thành với các hãng lớn, có tên tuổi lâu năm vì họ có quy trình quản lý chất lượng rõ ràng, minh bạch. Để đảm bảo sự tự tin khi chọn mua thực phẩm dinh dưỡng cho con, các bà mẹ không chỉ dựa vào kinh nghiệm, cảm tính mà nên nhìn vào bằng chứng khoa học. Các chuẩn chất lượng nghiêm ngặt được quốc tế công nhận của sản phẩm sẽ là một sự bảo đảm để các bà mẹ yên tâm mua sữa cho con.

Bên cạnh sự uy tín lâu năm của các thương hiệu thì yếu tố quan trọng khi lựa chọn các sản phẩm dinh dưỡng chăm sóc trẻ em chính là thành phần an toàn. Những sản phẩm được công nhận về lợi ích đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ thông qua các nghiên cứu lâm sàng luôn dược ưu tiên lựa chọn. Vì thế việc lựa chọn những sản phẩm có kiểm chứng khoa học, đạt các tiêu chuẩn của các tổ chức y tế, dinh dưỡng, thực phẩm có uy tín như CODEX (Uỷ ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế), EFSA (Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu) là hoàn toàn cần thiết.

Chị Minh, giáo viên trường mẫu giáo Hoa , q.11 chia sẻ: “Đúng là có kiến thức vẫn hơn, với kinh nghiệm nuôi dạy trẻ bao nhiêu năm, tôi nhận thấy việc lựa chọn sữa hay thực phẩm cho trẻ không khó. Chỉ cần hiểu con mình cần gì, trong giai đoạn nào rồi lựa chọn ở những nhãn hàng uy tín lâu năm trên thị trường là có thể thoát khỏi những ‘lời mời’ có cánh của những sản phẩm kém chất lượng. Khôn khéo khi chọn sữa cũng là một phần của bí quyết nuôi dạy con cái!”.

 
 

7 kỹ năng nên dạy trẻ dưới 5 tuổi

Sớm được trang bị đầy đủ kỹ năng sống, bé sẽ được phát triển toàn diện về thể lực lẫn trí lực.

Dạy con biết tiết kiệm

Một kỹ năng sống quan trọng cần dạy cho trẻ đó là tính tiết kiệm, quản lý đồ dùng cá nhân, đồ ăn uống của mình, của gia đình một cách hợp lý.

Bố mẹ cần giúp bé hiểu rõ tầm quan trọng của việc đòi hỏi đúng đắn, biết quý trọng sức lao động của bố mẹ và những đồ vật con đang sở hữu (đồ chơi, đồ ăn).

Tầm tuổi này rất thích hợp để bạn có thể dạy con về mối liên hệ giữa sức lao động – công việc – tiền bạc – tiết kiệm.

Hãy làm gương cho con trẻ trước, bé sẽ rất nhanh để nhận biết sự tiết kiệm của cha mẹ trong việc chúng nhìn thấy cha mẹ ăn hết sạch thức ăn trong bát, không đổ thừa mứa đồ ăn, nâng niu quý trọng đồ vật trong nhà.

Những điều này sẽ là tín hiệu để bạn dạy cho con về tính tiết kiệm, trân trọng những gì đang có. Phân tích cho con hiểu: nên hay không nên và bao giờ thì thích hợp để mua đồ chơi mà con thích.

tiet-kiem

Bảo vệ bản thân

Thế giới quanh bé rộng lớn, nói không đâu xa chỉ riêng căn phòng bé ngồi cũng đã có biết bao đồ vật sẵn sàng trở nên "hung tợn" và nguy hiểm với bé nhất là khi bố mẹ không ở cạnh.

2 tuổi, bé đã hiểu hết những thông điệp “không” của cha mẹ rồi. Tuy nhiên, thay vì nói không, cha mẹ nên phân tích cho con hiểu lý do tại sao, hoặc hướng con tới những hành động an toàn khác.

Bạn nên phân tích tại sao con không nên sờ vào ổ điện, phích nước, ngăn kéo tủ, bình nước,… thay vì “không được, không được” nhé.

Một điều vô cùng quan trọng đó là bậc phụ huynh nên dạy con tuyệt đối không nói chuyện, nhận quà, đi theo người lạ trong bất cứ tình huống nào. Bạn hãy đảm bảo rằng chuyện con nên biết tìm sự hỗ trợ từ những người an toàn như: chú cảnh sát, giáo viên,…

Thuộc lòng địa chỉ nhà, số điện thoại của cha mẹ cũng là một kỹ năng rất nên có ở bé.

Biết chia sẻ

Từ khi 3 tuổi, bé đã nhận biết rõ mối quan hệ xung quanh mình. Hạn chế tính ích kỷ và dạy bé biết chia sẻ là điều quan trọng vào lúc này.

Bố mẹ có thể khuyến khích bé biết chia sẻ, giải thích với bé rằng, khi cho bạn chơi đồ chơi cùng với mình thì ai ai cũng vui, chơi một mình sẽ chẳng vui chút nào.

Có chính kiến

Có chính kiến nhưng không phải là sự đòi hỏi quá đà, bạn nên cho bé đưa ra quyết định cho riêng mình. Điều này vô cùng quan trọng, sẽ khiến bé tự lập hơn, có trách nhiệm hơn với lời nói, ý kiến của mình.

Tuy có quyền quyết định cao nhất nhưng cha mẹ cũng nên tạo điều kiện cho bé lựa chọn sở thích của mình.

Cha mẹ có thể bắt đầu cho bé từ những điều rất đơn giản như: “Hôm nay con thích ăn món gì?”, “Con thích mang đồ chơi nào vào bồn tắm”, “con thích ăn váng sữa hay sữa chua, cam hay táo”, “Con thích nhặt rau giúp mẹ hay cùng bố đi lau cửa sổ nhỉ”…

Có trách nhiệm

Bạn nên dạy cho con trẻ về trách nhiệm, nhiệm vụ của mình bằng một công việc cụ thể như gấp chăn màn của con, đặt quần áo vào đúng nơi quy định…

Cách dạy dễ nhất và tốt nhất vẫn là sự mẫu mực của cha mẹ. Mỗi khi bé thực hiện xong nghĩa vụ và trách nhiệm của mình một cách xuất sắc, bạn hãy khuyến khích con trẻ bằng lời khen ngợi hoặc một món quà nho nhỏ.

Tự ăn

Có nhiều bé mãi tới 5 tuổi, cha mẹ vẫn phải hì hục xúc cơm cho. Thế là một điều không nên chút nào. Ở độ tuổi này, bé đã có thể tự mình xúc cơm một cách “điêu luyện” không chỉ bằng thìa mà bằng đũa.

Bạn hãy cho bé tự lập trong chuyện này. Có thể lần đầu bạn sẽ phải dọn kha khá “bãi chiến trường” bàn ăn của con nhưng bạn hãy cố gắng kiên trì, và đặt hoàn toàn niềm tin bé sẽ làm tốt được việc này.

Vệ sinh cá nhân

Đây là một việc làm không hề dễ nhưng bạn sẽ phải trang bị cho con kiến thức này ở độ tuổi này. Từ chải đầu tóc, đánh răng, xúc miệng, rửa mặt, rửa tay chân, rửa vùng kín…

(Theo Afamily)

Dành thời gian để sống chất lượng hơn… trước Ngày tận thế!

(Webtretho) Nếu người Maya nói đúng về Ngày tận thế, chúng ta không có quá nhiều thời gian để phung phí nữa. Bạn đã sử dụng thời gian của mình thế nào? Hãy xem thời gian như một nguồn vốn, hãy đầu tư nó vào những việc chính đáng để không lãng phí một phút giây nào cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Bạn đã sử dụng tốt thời gian của mình?

Chúng ta đều đồng ý rằng thời gian giá trị hơn là tiền bạc, ít ra thì đó là điều chúng ta nói. Rồi thì ta dành hàng giờ để xem các chương trình truyền hình nhảm nhí mà ta thậm chí còn chẳng để tâm, hoặc dành cả nửa tiếng hơn để cò kè vài đồng với người bán hàng hoặc với khách hàng, hoặc hàng năm trời cho mối quan hệ yêu đương hoặc bạn bè mà ta đã chẳng còn hài lòng từ lâu. Điều này hẳn không phải vì ta quá rảnh rỗi và lười biếng, chẳng qua ta nghĩ rằng mình có rất nhiều thời gian cơ mà, hoặc không nghĩ rằng có những việc khác cần đầu tư thời gian hơn. Tất cả những điều này đã đủ để bạn tự ngẫm lại việc mình đã thực sự đã tiêu tốn từng ngày, từng giờ và từng khoảnh khắc của mình như thế nào chưa?

Xem thời gian như một tài sản vô hình (miễn phí nhưng không vĩnh viễn) mà ta có thể đem đầu tư để thu lợi cho bản thân, bạn sẽ có một cuộc sống hạnh phúc và thành công hơn với nhiều khoảnh khắc vui vẻ, nhiều giờ hữu ích và nhiều phút dành cho bản thân hơn là để nó trôi vô ích. Hãy xem bạn có thể đầu tư thời gian của mình cho những việc gì để có thể sống viên mãn hơn nhé!

Bạn có nghĩ rằng thời gian quan trọng hơn tiền bạc? Ảnh: Inmagine.

Đầu tư vào việc “kéo dài thời gian sống”

Dành thời gian chăm sóc cho sức khỏe của bạn chính là cách hữu hiệu để bạn làm giàu thêm cho quỹ thời gian của đời bạn với những năm tháng mà bạn có thể sống thêm trên đời. Hãy chủ động dành thời gian của mình cho việc ăn uống từ tốn và lành mạnh, ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên cũng như giữ tinh thần thanh thản, bớt đố kỵ, tự giải thoát khỏi âu lo và tin vào những điều tốt đẹp. Bạn cũng có thể dành thời gian để tham khảo cách sống cũng những người lớn tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh để rút cho mình những kinh nghiệm sống khỏe và dẻo dai.

Đầu tư cho “Quỹ Phát triển… bản thân”

Chúng ta thường tiêu tốn thời gian cho 4 loại hoạt động dưới đây (hãy thành thật với việc thừa nhận bạn đã mất thời gian cho những loại nào!):

  1. Khẩn cấp và quan trọng (khủng hoảng, thời hạn phải hoàn thành, ứng phó khẩn cấp).
  2. Không khẩn cấp nhưng quan trọng (xây dựng các mối quan hệ, nhận định thời cơ, lên kế hoạch, dự phòng).
  3. Khẩn cấp nhưng không quan trọng (việc đột xuất, cuộc họp, điện thoại).
  4. Không khẩn cấp và cũng không quan trọng (xem truyền hình, đọc email ngoài công việc, tán gẫu, chơi trò chơi giết thời gian).

Dù bạn có thành thật hay không thì đa số chúng ta đang tiêu tốn thời gian của mình chủ yếu cho những việc thuộc loại thứ (1) và (4), trong khi loại việc thứ (2) mới giúp bạn phát triển cá nhân của mình. Nếu bạn bỏ thời gian cho những việc “râu ria” và “chữa cháy” nhiều hơn là những việc thực sự hữu ích và có tính xây dựng, bạn sẽ chẳng bao giờ xong việc trong khi vẫn bận bù đầu bù cổ.

Đầu tư cho việc… không làm gì cả

Trong xã hội khắc nghiệt của sự cạnh tranh, việc thảnh thơi hưởng thụ mà không làm gì cả được coi là xa xỉ và thậm chí bị cho là lười biếng rảnh rỗi. Chúng ta bị đóng khung vào suy nghĩ phải làm ra cái gì đó hoặc tiêu thụ thì mới là sử dụng thời gian có ích, đó cũng chính là lý do khiến chúng ta luôn rất căng thẳng và mệt mỏi.

Nhiều dân tộc trên thế giới lại xem việc dành thời gian buông lỏng toàn bộ cơ thể, không làm gì cả, không nghĩ gì cả là một nghệ thuật sống. Dành thời gian để không-làm-gì giúp ta sống chậm lại và trải nghiệm những tốc độ khác nhau của cuộc sống, mà khi ấy giá trị của thời gian không được đo lường bởi năng suất lao động.

Đầu tư cho việc “thiết lập trật tự”

Những cải tiến nhỏ trong cuộc sống có thể mang lại hạnh phúc theo cấp số nhân. Lý thuyết này cũng đúng trong việc dành thời gian để sắp xếp ngăn nắp cuộc sống của bạn sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian về sau; chẳng hạn làm một chiếc móc treo chìa khóa nhà ở một vị trí dễ nhớ sẽ giúp bạn không mất cả chục phút mỗi sáng để lục tung phòng khách tìm chìa khóa, hay xếp lại tủ quần áo sao cho nhìn vào tủ là bạn có thể thấy tất cả quần áo của mình sẽ giúp bạn tiết kiệm đáng kể thời gian cho việc chần chừ đứng trước tủ quần áo mà không biết nên mặc gì.

Sự ngăn nắp là một cách giúp bạn tiết kiệm thời gian cho những việc không đâu. Ảnh: Corbis.

Đầu tư cho “thời gian đệm”

Vì đâu mà bạn luôn phải ba chân bốn cẳng chạy đến công ty hàng ngày cho kịp giờ? Vì sao mọi người xem “giờ cao su” là một chuyện thường tình? Phải chăng chúng ta quá bận rộn để có thể đúng giờ hay lý tưởng hơn là có thể thong thả làm mọi việc? Thực sự là chúng ta luôn có thời gian, không ai bắt bạn phải theo một lịch trình bất khả thi, vấn đề là bạn quản lý và sắp đặt thời gian như thế nào. Thay vì xếp sít sao các khung giờ liên tiếp trong thời gian biểu của mình, hãy thêm vào đó những khoảng đệm thời gian để bạn có thể kịp hít thở không khí và rảo bước sang việc tiếp theo mà không phải nháo nhào chạy ngược chạy xuôi để rồi quên đầu quên đuôi.

Và bạn biết không, các nhà nghiên cứu xã hội cho rằng xã hội của chúng ta sẽ tốt đẹp hơn nhiều nếu mọi người không luôn quá vội vàng để có thể dành thời gian giúp đỡ người xung quanh.

Đầu tư cho việc “thưởng thức”

Theo nghiên cứu được công bố trên ấn bản của Hiệp hội Khoa học Tâm lý, những người giàu có thường ít hạnh phúc hơn vì họ có “khả năng thưởng thức” (khả năng tăng cường và kéo dài thời gian trải nghiệm những cảm xúc tích cực) thấp hơn, chẳng hạn như việc dành thời gian để ngắm hoàng hôn hay uống một cốc bia mát lạnh. Rõ ràng, việc thừa điều kiện để có được những thứ tốt nhất lại làm suy yếu khả năng cảm nhận những thú vui nho nhỏ trong cuộc sống. Tận hưởng cuộc sống không phải là việc có thể hời hợt, bạn cần dành thêm vài giây để thấy được màu sắc hòa quyện trong một cảnh thiên nhiên tươi đẹp hay cảm nhận được hương vị của thức ăn ngon trong miệng mình. Tất cả đều cần thời gian!

Đầu tư cho việc “đánh giá thời gian”

Dù là một người bình thường hay một doanh nhân, hẳn bạn cũng đã có lúc nhìn lại và đánh giá hiệu quả chi tiêu của mình để cân đối lại tài chính trong tương lai. Hãy làm điều đó với quỹ thời gian của bạn, tất nhiên tần suất của việc này phụ thuộc vào ý chí của bạn nhưng càng thực hiện thường xuyên bao nhiêu, bạn sẽ càng sử dụng thời gian của mình hiệu quả bấy nhiêu. Lý tưởng nhất là hãy dành 5 phút mỗi ngày, 1 giờ mỗi tháng và 1 ngày mỗi năm để đánh giá thời gian đã trôi qua và có những kế hoạch cho thời gian sắp tới.

Một khi đã tập được kỹ năng sử dụng thời gian hiệu quả cho công việc, cuộc sống xã hội cũng như đời sống cá nhân, bạn sẽ không bao giờ phải tiếc một giây phút nào trong đời dù là Ngày Tận thế có xảy ra hay không. Hãy sống thật chất lượng mỗi giây phút mà chúng ta đang tồn tại!

Bí quyết cho ‘phi công trẻ’

Bạn phải lòng một cô gái và bạn tin rằng mình sẽ tìm thấy hạnh phúc đích thực khi ở bên người ấy. Nhưng lúc này trong bạn có cảm giác như đang đứng trên một đôi giày cao gót bởi lý do duy nhất: nàng hơn tuổi bạn!

Tình yêu đến một cách rất tự nhiên và đôi khi chẳng vì lý do gì cả. Bởi vậy cho nên, nếu trái tim của bạn đã hướng về người ấy rồi thì hãy tự tin chinh phục nàng với những gợi ý dưới đây:

1. Hành động như một người trưởng thành

Bạn đang đứng nói chuyện với một người bạn thân, bỗng nàng đi ngang qua chỗ bạn, hãy ngừng thao thao bất tuyệt trong vài phút. Nếu bạn và nàng đang ở giai đoạn đầu của quá trình tìm hiểu, hãy ý nhị trao cho nàng một ánh mắt ân cần và một cười trìu mến. Còn nếu đã thân thiết hơn một chút, bạn có thể giới thiệu nàng với người bạn của mình và bắt đầu trò chuyện về một chủ đề thú vị như: đội bóng đá của bạn, một cuốn sách bạn mới đọc hoặc một nhân vật nào đó khiến nàng thích thú (tất nhiên bạn cần sưu tầm càng nhiều càng tốt thông tin về nàng).

2. Ý thức về mùi cơ thể

Đây là một điều tế nhị nhưng khá quan trọng, ảnh hưởng tới cách nhìn của nàng về bạn. Luôn giữ cơ thể sạch sẽ, quần áo gọn gàng và nếu có thể, hãy dùng thêm một chút nước hoa (đừng quá nhiều). Bạn có thể nhờ bạn gái thân hoặc người phụ nữ nào đó mà bạn tin tưởng chọn giúp mùi nước hoa nếu bạn chẳng biết chút gì về loại sản phẩm này.

Bạn đừng cho rằng chăm chút bản thân là việc của mấy người đàn ông thiếu nam tính. Điều này hoàn toàn sai lầm. Xuất hiện với diện mạo thanh lịch cho thấy bạn yêu quý bản thân và tôn trọng người đối diện. Hơn nữa, các nàng chỉ yên tâm "trao thân gửi phận" cho một người tự lập, có thể chăm sóc cho nàng.


3. Tham gia một hoạt động chung với nàng

Nếu nàng là thành viên tích cực của một câu lạc bộ tình nguyện, một nhóm nghiên cứu..., bạn hãy nộp đơn tham gia ngay và tìm cách thu hút sự chú ý của nàng. Môi trường sinh hoạt tập thể giúp bạn thể hiện bản thân dễ dàng hơn.

4. Đừng xấu hổ khi mời nàng đi chơi

Đây là một cách chắc chắn để chứng minh bạn đang trưởng thành hơn vẻ ngoài của bạn và là một điều tốt, nên làm. Bên cạnh đó, hẹn hò cũng là một mốc quan trọng, ghi nhận thành tích của bạn trên con đường chinh phục nàng.

5. Kết bạn với một số bạn bè của nàng

Bằng cách này, bạn sẽ rút ngắn khoảng cách với nàng nhanh hơn. Trước sau gì khi bạn và nàng yêu nhau, chắc chắn bạn sẽ phải qua lại nhiều hơn với nhóm bạn này. Vì vậy, tìm cách tiếp cận trước là một việc làm khôn ngoan. "Bắn tỉa" an toàn và hiệu quả hơn "tấn công trực diện".


6. Trau dồi kỹ năng

Dù không muốn nhưng bạn phải thừa nhận một thực tế rằng nàng nhiều tuổi hơn bạn cũng có thể đồng nghĩa với việc nàng nhiều kinh nghiệm và kỹ năng sống hơn bạn. Thậm chí là cả những vấn đề liên quan đến tình dục, kiến thức giới tính nữa. Vì vậy, hãy luôn có ý thức trau dồi kỹ năng, thu nạp kiến thức cho mình và tỏ thái độ lắng nghe trước nàng. Nàng thích một người điềm tĩnh hơn một "chú trống choai" thích khoe mẽ.

8. Sự khác biệt tuổi tác không có ý nghĩa nhiều

Cuối cùng, hãy thư giãn và tìm cho mình một cô nàng trong mơ, đừng bận tâm đến những lời ì xèo xung quanh. Tuổi tác không phải là vấn đề quá quan trọng trong tình yêu mà điều cần nhất là sự cảm thông và cách hành xử với nhau. Nếu nghiêm túc và chăm chỉ rèn luyện kỹ năng cho cuộc sống, bạn hoàn toàn có thể trưởng thành hơn so với tuổi của mình.

Meo.vn (Theo Ngoisao)

Trẻ biếng ăn, đừng quá lo!

Trẻ có thể bận lo khám phá khả năng của cơ thể và luyện tập những bài học mới này nên sao nhãng việc ăn uống.

Nếu đã từng nuôi trẻ, hẳn bạn nhận ra ngay không phải trẻ cứ lớn một cách đều đặn mà có những giai đoạn ăn, bú rất giỏi, cân nặng và chiều cao liên tục tăng cùng với lượng thức ăn tăng dần đều, nhưng cũng có lúc chững hẳn lại. Lúc này, trẻ sẽ không ăn nhiều như trước, không thể tăng cân, thậm chí còn giảm hơn trước mà chẳng có dấu hiệu gì của bệnh lý như ho, sốt, sổ mũi… và vẫn chơi đùa bình thường. Khoảng 1 – 2 tuần rồi đâu lại vào đó, trẻ lại ăn uống giỏi trở lại.

Nếu tinh ý, người mẹ sẽ thấy lúc này là lúc trẻ học những kỹ năng sống mới: lật, bò, đi, nói… Trẻ bận lo khám phá khả năng của cơ thể và luyện tập những bài học mới này nên sao nhãng việc ăn uống. Những giai đoạn này gọi là biếng ăn sinh lý, thường gặp ở trẻ từ 3 –4  tháng, 9 – 12 tháng, 16 – 18 tháng…

Vào những giai đoạn này, bạn cứ bình tĩnh theo dõi xem trẻ có phải biếng ăn sinh lý hay không (không bệnh, vẫn chơi dù ăn ít). Lúc này, có thể cho trẻ ăn từng chút một với nhiều món trong mỗi bữa. Ví dụ, ăn vài muỗng bột rồi một ít sữa chua, một chút trái cây rồi vài chục mililít sữa. Nếu trẻ ăn ít trong mỗi bữa thì cho ăn thành nhiều bữa trong ngày, các bữa gần nhau hơn. Lựa chọn những thức ăn trẻ yêu thích, dễ nuốt, lạ miệng… là cần thiết trong lúc này.

Dù có nhiều cố gắng, bạn vẫn phải chấp nhận chuyện có lúc trẻ khó ăn, ăn ít hơn mọi ngày. Và do đây là điều tất yếu nên không nên ép trẻ ăn quá mức vì có thể gây sợ hãi và trở thành biếng ăn tâm lý, rất có hại sau này. Tuy nhiên, nếu sau 2 – 3 tuần mà tình trạng biếng ăn không hồi phục, trẻ sụt cân hoặc đứng cân trong một tháng thì nên đưa đến khám ở chuyên khoa dinh dưỡng nhi để được tư vấn.

 

Meo.vn (Theo Người Lao động Chủ nhật)

Làm gì khi con giỏi ăn vạ?

Mỗi gia đình đều có cách dạy con riêng, có gia đình thành công, có gia đình bất lực, nhưng việc nuôi dạy con nói chung rất cần sự nghiêm khắc, rõ ràng và cũng có cả tình yêu thương của cha mẹ. Vậy bạn sẽ đối phó như thế nào nếu con rất giỏi “ăn vạ”?


Làm gì khi con giỏi ăn vạ?

Con trai chúng tôi vốn ốm yếu từ nhỏ, chồng tôi lại làm việc xa nhà biền biệt, nên bao nhiêu tình thương, tôi đều dành hết cho con. Suốt những năm đầu đời của con, tháng nào tôi cũng dắt con tới lui bệnh viện để điều trị viêm họng. Mỗi đợt bệnh, con tôi đều sốt cao, co giật khiến tôi thật sự hãi hùng. Cháu hay khóc la với âm lượng lớn nên tôi rất sợ nghe con khóc và cố gắng hạn chế tối đa việc đó. Chưa đầy ba tuổi, con tôi đã hiểu nếu nó muốn gì mà chưa được đáp ứng, chỉ cần khóc rống lên là xong.

Đến năm con bốn tuổi, chồng tôi đổi việc để có nhiều thời gian cho gia đình hơn. Anh đã sững sờ chứng kiến cảnh con đòi xem hết bộ phim hoạt hình trên tivi rồi mới đi tắm. Tôi không đồng ý bèn tắt tivi, con tôi khóc rống lên, lăn ra đất ăn vạ. Tôi không biết xử lý sao, đành vuốt giận cho yên cửa yên nhà. Còn con hả hê vì được như ý. Cảnh tượng đó tái diễn ngay ngày hôm sau, khi con đòi đi mua đồ chơi trong khi ngoài trời mưa gió. Chồng tôi đã nổi nóng chen vào và thế là… đại chiến. Tất nhiên, “phe tôi” đông hơn nên chiến thắng, dù chẳng vẻ vang gì. Tối đó, khi thằng bé đã ngủ say, chúng tôi nói chuyện nghiêm túc với nhau. Chồng tôi xin lỗi bấy lâu đã bỏ mặc hai mẹ con và bày tỏ mối lo con sẽ hư nếu tôi cứ nuông chiều như thế. Tôi cũng thừa nhận đã tạo cho con thói quen “cứ khóc là được”, nhưng giờ chẳng biết phải làm cách nào.

Lần thứ ba, rồi lần thứ tư. Không kiềm được nóng giận, chồng tôi vung tay tát con, khiến tôi hoảng hốt nhảy vào… ứng chiến. Thằng bé thấy được mẹ bênh, lại ra sức gào khóc và càng vênh váo trong những lần sau. Chuyện con cái khiến vợ chồng mặt nặng mày nhẹ, còn con trai chỉ ngoan khi được mẹ đáp ứng mọi yêu cầu, kể cả những yêu cầu vô cùng trái khoáy.

Khi tôi than thở với người thân, bè bạn về chuyện này, người thì góp ý nên nhỏ nhẹ khuyên nhủ, người lại bảo đánh cho một trận nên thân là cháu sẽ chừa. Tôi đã khuyên nhủ con, nhưng khi không vừa ý, cu cậu lại quên hết lời mẹ, có khi la khóc tới mức gồng cứng người, mặt mũi tím tái, tay chân co quắp. Mỗi lần thấy con như thế, nhớ những lúc con bệnh rồi có những triệu chứng tương tự, tôi lại hồn xiêu phách lạc và thế là… vuốt con. Chồng tôi vốn nóng nảy, cũng vài lần đánh con thẳng tay, dặn tôi bỏ mặc cho nó khóc, khóc mãi rồi sẽ nín. Nhưng thằng bé mới bốn tuổi đã biết “thi gan” cùng bố mẹ. Lần đó, sau một tiếng đồng hồ gào khóc dưới đất, thằng bé khản tiếng, mũi sụt sịt rồi viêm họng luôn…

Xót con, nhưng tôi cũng đồng tình với chồng là không thể kéo dài tình trạng ấy. Chúng tôi nhận thấy phải sửa sai từ chính bản thân mình trước. Bước đầu, tôi tạo điều kiện cho cha con gần gũi, để con bớt dần sự yếu đuối, ảnh hưởng từ mẹ. Chồng tôi đã khéo léo hướng dẫn con một số kỹ năng sống để tự đáp ứng nhu cầu của bản thân, từ đó chẳng những con tự lập hơn mà còn hạn chế xung đột với mẹ. Tôi cũng cố dứt ra khỏi những ám ảnh bệnh tật của con, dạy con biết phòng tránh bệnh và chấp nhận chuyện đau ốm của bản thân. Đặc biệt, mỗi lần biết con sắp sửa lên gân lên cốt, tím tái mặt mũi để phản đối mẹ, chồng tôi lại cười đùa, trêu chọc con theo kiểu “đàn ông đâu có vậy”, tôi thì tìm cách lảng chuyện, xem như không có gì nghiêm trọng, thậm chí không quan tâm, để hóa giải cơn giận của con. Từ từ, cảnh “chiến tranh” trong gia đình giảm hẳn.

Việc “điều trị” một đứa con khó bảo là cả một quá trình dài và nhiêu khê, mà đôi khi cha mẹ phải khéo léo “diễn xuất” và tung hứng ăn ý như nghệ sĩ trên sân khấu. May sao chúng tôi đã làm được việc này.

Meo.vn (Theo Meyeucon)

Ăn hay đừng?

Có nhiều món ăn tốt cho người này lại hại cho người khác. Vì vậy, chọn lựa những thức ăn phù hợp cho cơ thể là một kỹ năng sống quan trọng.

1. Bơ đậu phộng. Nhiều calorie. Không nên xuất hiện trong thực đơn của những chị em muốn duy trì vóc dáng lý tưởng. Nhưng bơ đậu phộng lại rất ngon và giàu dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin B folate giúp phát triển tế bào. Mỗi ngày, một lát sandwich phết bơ đậu phộng là vừa đủ.

2. Trứng. Lòng đỏ trứng gà giàu cholesterol, thường chống chỉ định đối với tuổi trung niên dễ mắc bệnh tim mạch. Mặc dù vậy, các chuyên gia y tế khẳng định, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa là thủ phạm tăng cholesterol xấu trong máu hơn là cholesterol trong thực phẩm.


Bên cạnh đó, ăn bánh mì trứng buổi sáng sẽ tạo cảm giác hứng khởi. Lòng đỏ trứng gà còn có hoàng thể tố lutein và zeaxanthin, ngăn ngừa bệnh thoái hóa điểm vàng tuổi già AMD, bệnh gây mù ở người trên 50 tuổi.

3. Thịt bò. Thịt bò nạc giàu protein và chất sắt, thiết yếu để vận chuyển oxy từ phổi đến các tế bào khắp cơ thể.

4. Chocolate. Nhiều chất béo, đường, tuyệt đối cấm sử dụng đối với người ăn kiêng. Tuy nhiên, chocolate đen (70% cacao) chứa flavanol, chất chống oxy hóa, có lợi cho tim mạch. Hơn nữa, nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Thụy Sĩ cho thấy: ăn 40 gram chocolate đen/ngày trong hai tuần có thể giảm hóc-môn gây stress (calorie của 40 gram chocolate đen chỉ là 235, không ảnh hưởng nhiều đến thực đơn giảm cân).

5. Khoai tây. Làm tăng lượng đường trong máu, liên quan đến bệnh đái tháo đường. Nhưng dùng khoai tây kèm với dầu olive sẽ làm điều hòa chất có hại. Ngoài ra, khoai tây giàu chất xơ, kali và vitamin C.

Meo.vn (Theo Doanhnhansaigon)

Ép con thành “thần đồng”

Phụ huynh chạy theo phong trào “thần đồng”, "ép hoa nở sớm" khiến nhiều trẻ tưởng “thần đồng” đã hóa thần kinh!

Ba tuổi viết chữ, làm Toán

Có con mới 5 tuổi, nhưng gần 1 năm nay, chị Nguyễn Thị Th. (36 tuổi, trú đường Hải Phòng, Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho cháu nghỉ học tại trường mầm non công lập trên địa bàn để gửi tại một cơ sở luyện chữ, học toán của cô L. gần nhà. Gặp chị Th. đón con buổi trưa, chị cười vui, khoe đứa con gái Ngô Thị H. đã đọc, viết thành thạo các số từ 1 đến 10. Bé H. khá dè dặt đọc số, đánh vần các chữ hai âm tiết, như: bé, to, có… dưới sự yêu cầu của mẹ.

“Cháu mới học từ tháng 11 năm ngoái, giờ đã đọc, viết khá thành thạo rồi. Cả nhà tiếp tục cho cháu rèn luyện thêm từ nay đến lúc vào lớp 1. Nghe cô giáo nói đến khi đó cháu sẽ đọc, viết được số 100, các từ ghép, làm nhiều phép toán cơ bản. Anh có con thì mang đến đây để học luôn” - chị Th. nói.

Gọi là “lò” vì cơ sở dạy học tự phát của cô L. nằm khá sâu phía sau đường Hải Phòng. Căn phòng nhỏ, tối, được kê bằng những dãy bàn cũ. Có khoảng gần 20 trẻ, phần lớn 3 - 5 tuổi đang trong giờ học. Em viết chữ, em tô màu, có bé đang nhẩm các phép tính chương trình lớp 1.

Phụ huynh chạy theo phong trào “thần đồng”, "ép hoa nở sớm" khiến nhiều trẻ tưởng “thần đồng” đã hóa thần kinh!

Cùng cô L., cô H. phụ trách lớp luyện chữ, từng là những giáo viên dạy tiểu học trên địa bàn về hưu. Trong vai người gửi trẻ 4 tuổi, cô L. vui vẻ nhận lời chúng tôi. Theo cô L, mỗi ngày chia làm 2 lớp: Suất ngày và tối. Các bé còn học ở trường mầm non tham gia suất tối (17 đến 19 giờ). Hoặc phụ huynh đăng ký gửi trẻ cả ngày tại đây, ngoài học được ăn 2 bữa trưa, bữa lỡ. Giá mỗi tháng 500 - 850.000 đồng/1 em.

Đảm bảo trước khi vào lớp 1, bé đọc, viết thành thạo chữ cái, từ ghép, tính toán các con số đến hàng trăm. Dễ nhận thấy các lớp học này chỉ thiên về dạy chữ, làm toán mà thiếu các bài học kỹ năng, múa hát, kể chuyện...

Tại trường mầm non tư thục Đ.Tr (đường Phan Chu Trinh, Hải Châu), nhiều phụ huynh cho hay, lý do gửi trẻ vì cơ sở này dạy viết chữ, làm Toán và cả Anh văn. Nhiều trường mầm non M.Đ trên đường Phan Thanh, trường chất lượng cao trên đường Trần Phú… cũng đưa vào hàng loạt chương trình dạy trẻ: Tập vẽ, múa hát đến luyện chữ, học đếm, làm toán, và cả chương trình học ngoại ngữ tiếng Anh để thu hút phụ huynh đăng ký gửi trẻ.

Một hiệu trường trường mầm non tư thục lý giải: Bản thân phụ huynh có nhu cầu dạy con trước tuổi nên nếu không “xé rào” sẽ khó cạnh tranh với các trường khác.

Hệ lụy ép con thành “thần đồng”

Đầu năm học 2011-2012, em Nguyễn Phúc Trường, học sinh lớp 1 trường tiểu học Núi Thành (Đà Nẵng) được gia đình xin học vượt lớp vì khả năng làm Toán, Văn lớp 2-3 thành thạo khiến cả trường, ngành giáo dục bất ngờ.

Tuy nhiên, sau cuộc khảo sát vừa được phòng giáo dục, ngành chức năng quận Hải Châu tiến hành, phát hiện: Trường có kỹ năng tính toán về số học, đọc tốt văn bản, nhưng kỹ năng trả lời câu hỏi, phân biệt âm, vần, viết câu chưa đảm bảo, đặc biệt các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống còn giới hạn…

Theo ông Nguyễn Đăng Ngưng, Trưởng phòng Giáo dục quận Hải Châu: Qua tìm hiểu, khả năng đọc Toán, làm Văn của Trường được gia đình rèn luyện và học thêm tại các nhóm trẻ gia đình.

Chị Phan Thị Tư (phường Hòa Cường Bắc, Hải Châu), mẹ Trường cũng bộc bạch: Chúng tôi cho cháu tập đọc, viết trước lớp 1, và cháu có khả năng tiếp thu nhanh, hoàn thành sớm chương trình. Gia đình sợ nếu tiếp tục để cháu học lại chương trình sẽ tạo sự nhàm chán nên mới làm đơn xin vượt lớp.

Ngay trường tiểu học Núi Thành, nhiều học sinh trước khi vào lớp 1 đã biết viết chữ, làm toán. Khảo sát của trường cho thấy, có đến hơn nửa số học sinh lớp 1 tỏ ra viết thông thạo chữ cái trước khi vào lớp 1.

Thầy Phan Chánh, Hiệu trưởng trường tiểu học Trần Cao Vân lo ngại: Đợt khảo sát chất lượng đầu năm nay có đến 20 - 30% số học sinh mới vào lớp 1 đã có khả năng đọc viết thành thạo. Tỷ lệ này gia tăng nhanh mỗi năm, chứng tỏ xu hướng trẻ em đang bị ép học trước tuổi.

Theo ông Nguyễn Đăng Ngưng, tình trạng dạy con trước tuổi khá phổ biến. Cái khó là phụ huynh hay gửi con cho các nhóm trẻ gia đình, cơ sở tự phát của các thầy cô giáo về hưu, thậm chí bản thân gia đình cố tình nhồi nhét kiến thức trước quy định nên khó kiểm tra, xử lý hết.

Tay trẻ 3-5 tuổi còn yếu, bộ não chỉ tiếp thu ở dạng kiến thức nhất định, như tô màu, nghe kể chuyện… nên nếu bị ép viết, làm toán chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc xương tay, hệ thần kinh làm trẻ phát triển không toàn diện. Ngay đến thời gian vui chơi cơ hữu của trẻ bị giới hạn khiến các kỹ năng giao tiếp, xã hội của trẻ bị hạn chế.

Ban giám hiệu trường tiểu học Núi Thành cho hay: Cháu Trường ban đầu có biểu hiện phát triển sôi nổi, hăng hái nhưng càng về sau, em hay bị chán nản, lười phát biểu, nhác học bài.

Meo.vn (Theo afamily)

Dạy con tự lập

Con bạn mới bắt đầu cứng cáp, thậm chí có thể còn chưa đi học buổi nào… những ngày tháng thành niên của con còn xa xôi lắm; dẫu vậy, bây giờ vẫn không phải là quá sớm để dạy bé cách tự đứng trên đôi chân của chính mình. Vấn đề là dạy con thế nào cho đúng, cho hiệu quả? Hãy cùng Webtretho tham khảo ý kiến của Linda DiProperzio – chuyên gia của Parents nhé.

Dành thời gian dạy dỗ
Tạo môi trường thân thiện
Cho con lựa chọn
Khen ngợi cố gắng của con
Hạn chế trợ giúp
Chỉ dẫn khi cần thiết
Tìm điểm tích cực trong tiêu cực
Không kỳ vọng sự hoàn hảo

Dành thời gian dạy dỗ.

Theo Amy McCready, người sáng lập tổ chức Positive Parenting Solutions, thì việc dành thời gian luyện cho con làm việc “như người lớn” sẽ xây dựng ở con ý thức tự lập. “Mỗi tuần hãy xác định một công việc mới cho con làm quen. Ban đầu hãy tách công việc này thành nhiều bước nhỏ, dạy con cách thực hiện – và sau đó khiến nó trở thành ‘nhiệm vụ’ của con. Những việc này đối với chúng ta chẳng là gì nhưng lại có thể giúp con cảm thấy tự tin hơn.” Ví dụ, nếu con còn nhỏ, bạn có thể dạy bé dọn đồ chơi hay cho quần áo bẩn vào sọt đựng; nếu con đã lớn hơn một chút, bé có thể tự dọn giường hay giúp bố mẹ lau dọn bàn ăn.

Tạo môi trường thân thiện

Tạo cơ hội cho con thể hiện sự tự lập bằng cách sắp xếp đồ vật trong tầm với của bé. Chẳng hạn, bạn hãy xếp vài gói bánh, ly, chén nhựa của con ở ngăn kệ thấp nhất để con có thể tự lấy được mà không cần trợ giúp; hoặc đổ sữa vào những bình nhựa nhỏ để bé có thể tự rót. Amy McCready khuyên bạn “hãy quan sát thói quen hằng ngày của con và tự hỏi: ‘Mình nên thay đổi những gì để con có thể tự làm việc này (hay việc kia) mà không cần giúp đỡ nhỉ?’”

webtretho_tạo điều kiện cho con tự lập

Bố mẹ hãy nghĩ xem cần thay đổi những gì để con không phải nhờ đến mình nữa? (Ảnh: Inmagine)

Cho con lựa chọn.

Một yếu tố tạo nên tính tự lập là có thể ra quyết định cho bản thân, do đó mỗi ngày hãy cho nhóc của bạn đưa ra vài lựa chọn. “Chỉ cần không hỏi những câu bỏ ngỏ có thể khiến bạn gặp rắc rối,” Laura Olson, phó chủ tịch Viện Giáo dục Trẻ em, nói: “Đầu tiên là thu hẹp phạm vi lựa chọn: ‘Trưa nay con thích ăn cơm với thịt hay ăn mì ống và phô-mai?’ Như vậy, con là người đưa ra quyết định nhưng bạn vẫn có thể kiểm soát được tình hình.”

Khen ngợi nỗ lực của con.

Tiến sỹ Frances Walfish, bác sĩ tâm lý cho trẻ em cũng như cho các bậc cha mẹ, khuyên rằng ngay cả khi kết quả không thật sự xuất sắc, bạn vẫn nên cho con thấy bạn đánh giá cao nỗ lực của bé như thế nào và khuyến khích bé tiếp tục cố gắng. Thời kỳ chập chững là khoảng thời gian cốt lõi và tiền đề cho giai đoạn vị thành niên, do đó khi này bố mẹ nên khen con dù chỉ là việc nhỏ nhặt nhất như tự mang vớ, tự rót nước uống – nhằm nâng cao sự tự lực của bé.

Hạn chế trợ giúp

“Đừng bao giờ làm cho con những việc mà trẻ có thể tự làm,” Michelle La Rowe, tác giả cuốn A Mom’s Ultimate Book of Lists, cho biết. Hãy để con tự thắt dây giày, tự lấy ngũ cốc ăn sáng, tự mặc áo khoác (nếu con không kéo khóa được thì hãy gài khóa giúp con và để bé tự hoàn tất nốt phần còn lại). Bạn nói không có đủ thời gian ư? Vậy hãy vặn đồng hồ sớm hơn 15 phút để con có thêm thời gian để hoàn thành.

Chỉ dẫn khi cần thiết.

“Một số bậc phụ huynh có khuynh hướng nói liên tục, trong khi đã đến lúc cần lắng nghe phản hồi của con hoặc đã đến lúc con đưa ra quyết định của mình,” chuyên gia trị liệu gia đình Tricia Ferrara nói. “Điều này có thể cản trở cơ hội phát triển các kỹ năng định hướng quan trọng dựa trên ngôn ngữ của trẻ.” Do đó, thay vì nói con phải làm gì, hãy để bé tự nói chúng sẽ làm gì – điều này giúp con bạn có cảm giác làm chủ được thử thách. Tất nhiên nếu con cần vài gợi ý hay vài sự trợ giúp để hoàn thành một nhiệm vụ nào đó, bạn vẫn có thể ra tay.

Tìm điều tích cực trong tiêu cực

Tiến sỹ Sam Goldstein, đồng tác giả cuốn Raising a Self-Disciplined Child, cho rằng: “Thay vì nhìn nhận lỗi lầm là sự thất bại, bạn hãy coi đó là cơ hội để con học thêm nhiều điều mới. Đừng nên để con sợ mắc lỗi – chúng cần nhận ra được đó là một phần của cuộc sống. Khi nói về một việc chưa thành công của con, hãy nói về nó theo hướng tích cực, tìm cách giải quyết vấn đề. Thay vì ‘Mẹ đã nói con rồi,’ hãy thử ‘Xem nào, làm lại từ đoạn này xem có được không nhé.’”

webtretho_khéo léo dạy con tự lập

Bố mẹ cần khéo léo để dạy con tự tin và tự lập (Ảnh: Inmagine)

Không kỳ vọng vào sự hoàn hảo

Việc bạn cứ muốn sửa và sửa những việc con đã làm sẽ có nguy cơ làm tổn thương lòng tự trọng của bé, và gần như sẽ là trở ngại cho bé khi làm những dạng việc đó về sau. “Nếu bạn thật sự không thể để yên như vậy, hãy thử bằng cách: “Mẹ lại không nghĩ là làm thế đâu. Con có muốn xem mẹ sẽ làm thế nào không?’” đó là đề nghị của tiến sĩ, bác sĩ nhi khoa Lynne Milliner. “Trong trường hợp con không đồng ý, bạn luôn có thể quay lại và sửa lại sau đó mà.”