Lưu trữ cho từ khóa: kỷ luật

Những điều cần dạy con trước khi quá muộn

Bỏ bảng cửu chương hay tiếng Tây tiếng Tàu xuống, những bài học từ cuộc sống mới là điều mẹ cần dạy con.

Là một người mẹ, nghĩa là ta phải luôn biết cân bằng trong mọi thứ. Giữa việc nuôi và việc dạy, không được trọng béo tốt, khinh tập đi. Giữa việc dạy “lễ” và dạy “văn”, cũng không được trọng văn toán, khinh lễ nghĩa. Tối biết, rất nhiều bà mẹ dạy con tập đọc từ tuổi lên hai, dạy con tiếng anh từ thủa lên ba, dạy con cả bảng cửu chương ngay từ khi bé bước chân vào lớp 1. Mong muốn có con giỏi giang hơn người, điều này không sai. Tuy nhiên, hãy tạm thời bỏ qua chúng một bên, vì theo tôi, những bài học cuộc sống mới là điều ta cần giải quyết ngay bây giờ. Hãy dạy con những điều sau trước khi là quá muộn:

1. Người lạ không phải ai cũng tốt

Bài học muôn thủa nhưng không bao giờ là thừa với trẻ con, những cô bé cậu bé mà “ai cho kẹo là yêu”. Trẻ con ở mọi lứa tuổi cần được dạy cách nhận thức được môi trường xung quanh và hiểu rằng người lạ cần phải được tránh.Việc giảng dạy cho trẻ về người lạ nguy hiểm nên bao gồm cảnh báo về những người lạ yêu cầu bé giúp đỡ, xin tiền, nhờ dẫn đường hoặc cho kẹo, bánh. Tôi thưởng thủ thỉ với con “Nếu có ai cho Bi bánh mà mẹ không có ở đấy thì Bi có nhận không?” hay “Nếu Bi bị lạc mẹ mà có người nhờ dắt Bi đi thì Bi có đi cùng không hay đứng yên đợi mẹ?”. Những lúc đấy, con trai tôi luôn trả lời dõng dạc “Con chỉ theo mẹ thôi”.

2. Biết nói “cám ơn” và “xin lỗi”

Hai từ đơn giản nhưng lại vô cùng quan trọng đối với trẻ. Dạy bé biết nói “cám ơn” và “xin lỗi” không chỉ là dạy con cách cư xử thông thường. Chính từ những phép tắc lịch sự này, trẻ sẽ phát triển thành sự kính trọng đối với người hơn tuổi và sẽ giúp mẹ thiết lập cho bé một thái độ kỹ luật tốt khi lớn lên. Trẻ biết nói “cám ơn” và “xin lỗi” thường sau này cũng sẽ là những đứa trẻ điềm đạm, biết suy trước nghĩ sau trước mỗi vấn đề, mỗi tình huống trong cuộc sống. Tôi luôn dặn con, phải biết “cám ơn” khi một ai đó giúp đỡ mình, thể hiện sự quan tâm, lòng tốt của họ với mình. Và từ “xin lỗi”, nó không có nghĩa là con có lỗi. Nó có nghĩa là con tôn trọng mỗi quan hệ của con với người đó.

nhung-dieu-can-day-con-truoc-khi-qua-muon

Cha mẹ đừng nghĩ trẻ chỉ cần ăn ngoan, ngủ kỹ, học giỏi đã là đủ là tốt (ảnh minh họa)

3. Làm việc nhà và trách nhiệm

Làm việc nhà là một vô cùng quan trọng trong việc giáo dục trẻ nhỏ mà ngày này, vì quá yêu chiều con cái, các bậc cha mẹ thường hiếm khi để trẻ phải đụng tay vào việc gì. Một đứa bé 5 tuổi chưa biết tự lau nhà, lau bàn ghế, bọn bàn ăn giúp mẹ, gấp quần áo giúp bố…thì không hề là một việc đáng tự hào. Trẻ nhỏ học được nhiều thứ qua những việc nhà vụn vặt như vậy. Làm việc nhà không chỉ giúp bé có thêm kỹ năng sống, tránh thành những chú “gà công nghiệp” mà qua đó, tôi còn dạy được con về trách nhiệm – một thứ vô hình nhưng ai cũng cần phải có.

4. Khi bị bắt nạt phải làm thế nào?

Làm gì có bậc cha mẹ nào không xót xa khi nhìn thấy cô bé, cậu bé đáng yêu của mình trở về nhà với vài vết bầm tím trên tay hay giọt nước mắt còn chưa khô trên má vì bị bạn giật mất đồ chơi, sách vở, bút thước. Bắt nạt bạn bè, dù là trực tiếp (đánh đập, cấu xé..) hay gián tiếp (sỉ nhục, trêu đùa, cô lập)… đều là hành vi không thể chấp nhận được. Tuy nhiên ngày nay, nó lại dường như càng trở nên phổ biến trong lứa tuổi học sinh 9x, 10x. Hành xử thế nào khi con bị bắt nạt là một câu hỏi mà rất nhiều bậc phụ huynh đặt ra. Nhiều phụ huynh khuyên con “tẩn” lại cho bạn một trận, thậm chí họ còn nóng lòng muốn ra mặt giùm con, song theo tôi, cách làm này chưa thực sự hoàn hảo.

Tôi luôn chú ý tới biểu hiện của con khi đến trường và từ nhà về. Tâm sự với con để giúp con ứng phó, biết cách cư xử với những đứa bạn hay bắt nạt bé sao cho phù hợp với hoàn cảnh.

5. Sự tự tin

Thế hệ tôi, thế hệ chúng ta đã nhút nhát, đã cúi đầu đủ rồi. Bây giờ, điêu tôi muốn dạy con, chính là sự tự tin. Tôi luôn đưa con đến những lớp học, những khu vui chơi, những nơi có đông người và khuyến khích bé tự tin giao tiếp, tự tin phát biểu suy nghĩ, ý kiến và tự tin vào chính bản thân mình. Một trong những cách tốt nhất để xây dựng sự tự tin ở trẻ, đó là người mẹ phải cho con thấy được bản thân bé là người có ích, có tài năng và khả năng.

6. Giá trị của đồng tiền

Không bao giờ là quá sớm để dạy con về chuyện tiền bạc – những thứ sẽ tiếp xúc với trẻ ngay từ khi mới 3,4 tuổi. Thay vì để con cầm tiền lì xì, cầm tiền của người lớn cho đi mua bán lung tung và vô tư đòi hỏi suốt ngày. Tôi lên kế hoạch dạy con biết giá trị của đồng tiền bằng cách chỉ cho con tiền tiêu vặt khi bé lao động và tự kiếm ra được nó. Bé cũng cần phải học cách tiết kiệm, cách chi tiêu sao cho hợp lý và biết phân biệt giữa cái mình CẦN và cái mình MUỐN. Ngoài ra, muốn trẻ hiểu rõ giá trị của đồng tiền, không gì thiết thực hơn người lớn phải là tấm gương sáng cho con.

7. Tầm quan trọng của vận động và thể dục thể thao

Trẻ em ngày nay béo phì ngày càng nhiều. Điềm toán thì 10 mà điểm thể dục thì 1. Tôi biết rõ điều đó. Để tránh đi vào “vết xe đổ” của những bậc phụ huynh đi trước, tôi luôn cố ý rủ rê con mình bỏ bàn học, bỏ tivi đứng dậy để ra ngoài trời và tham gia vận động, bất kể chỉ là đi bộ loanh quanh hay tham gia hẳn một lớp học bơi. Vận động cũng sẽ giúp bé cao lớn, thêm tự tin và nhanh nhẹn.

8. Không phán xét sự khác biệt

Phân biệt giàu nghèo, phân biệt giới tính, phân biệt vẻ bề ngoài…đều là những thứ trẻ không bao giờ hiểu lý do vì sao nhưng lại vô tình bị ảnh hưởng bởi những người lớn xấu xí. Tôi luôn dạy con không bao giờ được phán xét người khác chỉ vì họ không giống mình. Một bạn nhỏ ở lớp thích ngồi học hơn chạy nhảy vào giờ ra chơi không phải là người “quái dị”. Một cô bé lớp 1 nhưng 40kg cũng không phải là kẻ “tham ăn” hay đáng xấu hổ. Mỗi người có một cá tính riêng, sở thích riêng và con phải tôn trọng điều đó.

9. Được là chính mình là điều quan trọng

Có thể bé thích ca hát hơn thích học toán, thích làm cầu thù bóng đá hơn là doanh nhân kiếm tiền …đó là sở thích thuần túy tự nhiên của trẻ. Tôi không bao giờ gượng ép con phải sống như những gì bố mẹ mong muốn. Bố mẹ cần dạy trẻ hiểu được rằng sở thích, đam mê của bé chính là năng khiếu, là điều khiến trẻ trở nên đặc biệt, khuyến khích trẻ để bé được hoạt động, được nói lên bản thân và sáng tạo. Nhưng trên hết, điều tôi muốn dạy nhất, đó là truyền cho con lòng can đảm để theo đuổi những lựa chọn của riêng mình.

Theo Khampha.vn

Quảng Ngãi: Thu hồi giấy phép hành nghề tư nhân 2 bác sĩ sản khoa

Sở Y tế Quảng Ngãi quyết định thu hồi giấy phép hành nghề y tư nhân 2 bác sĩ Võ Thị Bích Vân, nguyên phó khoa Sản và bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Xuân, Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, liên quan đến những vụ tai biến sản khoa.

Theo quyết định này, 2 bác sĩ bị thu hồi giấy phép hành nghề y tư nhân vì có liên quan cả về chuyên môn lẫn công tác quản lý dẫn đến một số trường hợp tai biến sản khoa tại Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi.

Bác sĩ Vân được xác định là đã không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành; chưa thực hiện đúng quy chế chuyên môn bệnh viện trong phiên trực, dẫn đến tử vong mẹ con sản phụ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh và con của sản phụ Trần Thị Vân Anh. Theo quyết định, từ ngày 31/8, bà Vân sẽ không được thực hiện các dịch vụ khám, chữa bệnh hành nghề y tư nhân; đồng thời có trách nhiệm nộp chứng chỉ hành nghề y và giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y tư nhân cho Sở Y tế Quảng Ngãi trước ngày 31/8.

Trước đó, ngày 24/8, Sở Y tế Quảng Ngãi cũng đã điều động bà Vân nhận công tác mới tại Trung tâm sức khỏe sinh sản của tỉnh.

Sở Y tế cũng quyết định thu hồi giấy phép hành nghề tư nhân đối với bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Xuân do chưa thực hiện đúng quy chế chuyên môn trong phiên trực, làm chết mẹ con sản phụ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh. Bà Xuân cũng có trách nhiệm nộp chứng chỉ hành nghề về Sở Y tế trước ngày 31/8.

Bác sĩ Vân cho rằng kỷ luật cách chức và thu hồi giấy phép hành nghề y tư nhân đối với bà là quá nặng trong khi cơ quan điều tra vẫn chưa kết luận rõ ràng ai là người sửa hồ bệnh án của sản phụ Hạnh. Bà Vân cũng cho rằng trường hợp con của sản phụ Anh tử vong là do Trưởng khoa Huỳnh Ngọc Thanh phẫu thuật không áp dụng đúng các biện pháp hô hấp nên gây hậu quả đáng tiếc. Xét về quy chế chuyên môn, bà chỉ là người liên đới gián tiếp trong các vụ tai biến sản khoa nói trên, chưa đến mức phải kỷ luật cách chức.

"Sở Y tế Quảng Ngãi xử lý kỷ luật cách chức và thu hồi giấy phép hành nghề y tư nhân đối với tôi là thiếu công bằng. Trong khi đó, bác sĩ Thanh trưởng khoa Sản có liên quan trực tiếp đến một số vụ tai biến thì kỷ luật khiển trách là quá nhẹ", bác sĩ Vân nói.

(Theo VNE)

8 sai lầm bố mẹ thường mắc phải khi dạy con – Phần cuối

(Webtretho) Thỉnh thoảng bạn lại thấy các nỗ lực gìn giữ kỉ luật của mình phản tác dụng, vì sao lại như vậy? Bạn là bố mẹ kia mà, vì sao con lại cứ lờ lời nói của bạn đi? Bạn mang máng nhận ra rằng mình đã làm sai rồi, nhưng sai chuyện gì thì bạn vẫn chưa xác định được? Hãy thử cùng chúng tôi điểm qua một vài sai lầm thường gặp của các bậc phụ huynh, xem có bạn trong đó hay không nhé!

>> Phần 1 | Phần 2

Sai lầm số 7: Đợi quá lâu mới áp dụng hình phạt

Một bà mẹ kể lại kinh nghiệm mới xảy ra gần đây: chị bị kẹt xe trên đường đón con đi học về. Con gái nhỏ của chị tỏ ra buồn chán, bé bắt đầu dấm dứt không yên và cố gắng nhoài ra khỏi chỗ ngồi của mình. Đã bực vì kẹt xe thì chớ, lại thêm con quấy, chị nói với con rằng nếu bé không chịu ngồi lại cho đàng hoàng thì sẽ không được nghe truyện cổ tích trước khi đi ngủ nữa – đây là một cách thức đối phó hữu hiệu mỗi khi con gái chị trì hoãn không chịu thay đồ ngủ hoặc đánh răng trước khi đi ngủ. Nhưng lần này giờ đi ngủ còn lâu mới đến, thế là lời đe dọa chẳng xi nhê gì. Cô bé con vẫn tiếp tục nghịch, và nhiều giờ sau, đến lúc bé chuẩn bị vào giường thì nhắc lại chuyện lúc chiều có vẻ là việc vô ích

webtretho_8 sai lầm khi dạy con

Vì sao mẹ lại phạt con chứ? (Ảnh: Inmagine)

Cách tốt hơn: “Chỉ cần một tiếng đồng hồ sau là trẻ con đã không còn nhớ chúng đã làm sai những gì rồi, đừng nói đến ngày hôm sau,” Barnes nói. “Vậy nên bạn nên cho trẻ thấy hậu quả hành động của chúng càng sớm sau khi hành vi xấu diễn ra càng tốt. Nếu con đánh bạn bằng một chiếc xe đồ chơi, đừng hủy bỏ buổi đi chơi ngày mai làm gì, chỉ cần tịch thu chiếc xe kia là được.”

Sai lầm số 8: Nói dài, nói dai

Một phụ nữ tâm sự là chồng cô có xu hướng hay giải thích dông dài với con gái, chẳng hạn như đi ngủ là chuyện tốt bởi vì đi ngủ sẽ giúp con bé sẽ cảm thấy khỏe hơn và sẵn sàng cho một ngày bận rộn sắp tới tại nhà trẻ. Tuy bạn luôn có thôi thúc nói lý với một đứa trẻ nhưng kết quả, bạn cũng thấy đấy, chẳng khác gì nước đổ lá môn.

Cách tốt hơn: “Trẻ con không phải là những người lớn thu nhỏ,” Barnes nói. “Những lời giải thích hoặc hướng dẫn dông dài rốt cuộc sẽ đi từ tai nọ qua tai kia của chúng.” Với con còn nhỏ, chỉ cần nói “Không ăn bánh trước khi ăn tối” là đã đủ truyền tải thông điệp rồi, bạn không cần giảng giải về việc đồ ngọt sẽ làm con hết thèm ăn như thế nào. Bạn cũng cần chọn từ ngữ phù hợp với lứa tuổi nữa. “Có lần tôi gặp một bậc phụ huynh, ông này quá mệt mỏi vì phải luôn mồm bảo con trai đừng mè nheo nữa,” Barnes kể. “Sau đó, một ngày kia thằng bé mới hỏi, ‘Mè nheo nghĩa là sao hả ba?’” Dùng những từ như “mè nheo” thì cũng không sao, miễn là bạn giải thích rõ bạn muốn nói gì: “Ba không thể hiểu được con muốn gì khi con mè nheo như thế. Con nói lại rõ ràng cho ba nghe xem nào.”

webtretho_cả nhà sửa sai

Cả nhà mình cùng sửa sai nhé (Ảnh: Inmagine)

Trở lại đúng đường

Bạn đưa ra lời cảnh cáo, sau đó nhượng bộ. Hoặc bạn la hét với con vì nó dám la hét bạn. Dưới đây là những lời khuyên làm thế nào để khắc phục những thói quen chưa tốt của chính bạn, từ Nancy Schulman, đồng tác giả cuốn sách Practical Wisdom for Parents – Kiến thức thực tiễn dành cho phụ huynh.

Quá khứ là quá khứ

“Tất cả chúng ta đều phạm sai lầm,” Schulman nói. “Có dằn vặt hay ân hận mãi thì cũng chẳng được gì. Thay vào đó, hãy nói rằng: ‘Bố/ mẹ biết mình đã nói hoặc làm điều không nên làm, từ bây giờ cả nhà mình hãy cùng cố gắng để làm theo những quy tắc nhé.’”

Cứ từ từ thôi

Ngay cả khi bạn cảm thấy các biện pháp kỷ luật của mình cần được đại tu hoàn toàn, hãy chỉ chọn hai vấn đề bức thiết nhất và bắt đầu từ đó, đừng làm con choáng ngợp với cả chục quy tắc mới. Bạn cũng thừa hiểu là cố gắng có quá nhiều thay đổi cùng một lúc thì 99% khả năng sẽ là mọi thứ sẽ y như cũ. “Hãy ngồi xuống bàn bạc khi tất cả mọi người đang bình tĩnh và thông qua các quy tắc để con biết bạn mong muốn gì ở chúng,” Schulman nói.

Khôn khéo

Bạn vẫn là người nắm quyền lực trong nhà, nhưng hãy tinh quái hơn một chút. Giả sử con bạn luôn làm trận làm thượng về chuyện ăn gì vào bữa sáng. Thay vì đánh vật với con mỗi buổi sáng, bạn hãy cho con quyền lựa chọn, nhưng chỉ hai lựa chọn thôi – chẳng hạn như ăn ngũ cốc hay bánh mỳ với trứng – để bé có cảm giác mình vẫn kiểm soát tình hình.

Chuyện gì cũng cần có thời gian

“Cần phải có thời gian để thay đổi một chuỗi hành vi xấu,” Schulman lưu ý. “Nếu bạn bắt đầu xử sự cương quyết, nhất quán thì kỷ luật rồi cũng sẽ ngấm. Có thể sẽ phải mất mười hoặc hai mươi lần, nhưng cuối cùng bọn trẻ sẽ hiểu vấn đề.”

8 sai lầm bố mẹ thường mắc phải khi dạy con – Phần 1

(Webtretho) Thỉnh thoảng bạn lại thấy các nỗ lực gìn giữ kỉ luật của mình phản tác dụng, vì sao lại như vậy? Bạn là bố mẹ kia mà, vì sao con lại cứ lờ lời nói của bạn đi? Bạn mang máng nhận ra rằng mình đã làm sai rồi, nhưng sai chuyện gì thì bạn vẫn chưa xác định được? Hãy thử cùng chúng tôi điểm qua một vài sai lầm thường gặp của các bậc phụ huynh, xem có bạn trong đó hay không nhé!

Dưới đây là chia sẻ của một số bậc phụ huynh về sai lầm mình đã mắc phải khi dạy con:

Sai lầm số 1: Nói dối

“Chloe, con gái hai tuổi của tôi, không chịu đến nhà của người giữ trẻ vào mỗi thứ Hai,” Gina Kane ở New Jersey kể. “Một buổi sáng nọ, tôi chỉ bừa vào một nhà hàng xóm và nói rằng đó là nhà trẻ của người tiền sử trong quảng cáo Geico đấy. Chloe sợ lắm. Thế rồi tôi bảo con bé chọn đi, đến nhà của người giữ trẻ hay vào nhà trẻ của người tiền sử.” Nhiệm vụ hoàn thành nhanh chóng: Chloe lập tức chạy ngay về phía nhà người giữ trẻ.

Một tuần sau, người giữ trẻ tình cờ hỏi Kane xem cô có biết gì về nhà trẻ trong khu phố đó không, vì con gái của cô cứ nói mãi về nó. “Tôi không dám giải thích, nên bây giờ Chloe nghĩ rằng tất cả các nhà trẻ đều được điều hành bởi người tiền sử,” Kane thừa nhận, “tới lúc phải gửi con đi nhà trẻ thì chắc chắn tôi sẽ gặp rắc rối to.”

webtretho_hãy cẩn thận những lời bạn nói với con

"Mẹ nói nhà trẻ là nơi rất đáng sợ đó nhe!" (Ảnh: Corbis)

Có cách nào tốt hơn? Những lời nói dối nho nhỏ vô hại có vẻ rất hấp dẫn, bạn có thể an toàn thoát hiểm mà không bị phát hiện. Nhiều bố mẹ cảm thấy phương pháp lấy ai đó ra dọa là khá hiệu quả, và thế là bất cứ khi nào đứa con nhỏ của mình từ chối hợp tác là nào chú công an, nào chú bảo vệ, nào ông ba bị… lại được vời ra. Nhưng như chị Kane đã phát hiện ra, chiến thuật gây sợ hãi có thể khiến chính bạn khó xử, nên tốt nhất là hãy trung thực. Trong trường hợp đó, thay vì dọa nạt con, bạn hãy thử cách khác để dụ dỗ xem sao, chẳng hạn như: “Mẹ biết thỉnh thoảng con không muốn đến nhà cô giữ trẻ, thỉnh thoảng mẹ cũng không muốn đi làm mà.” Sự đồng cảm có thể sẽ khiến quá trình chuyển giao vào sáng thứ Hai trở nên dễ dàng hơn.

Sai lầm số 2: Nhượng bộ

Bạn muốn đảm bảo con sẽ không bao giờ nghe lời bạn? Thế thì hãy cứ đe dọa nhưng đừng làm gì! Khi tôi và con gái Ella đến nhà một người bạn chơi, cô bé nhà đó cứ giật phắt đi bất cứ thứ đồ chơi nào mà Ella chọn. Mẹ nó đe, “Con trả lại đồ chơi cho Ella, không là mẹ tịch thu hết bây giờ,” rồi quay lại trò chuyện với tôi như thường. Và tất nhiên, ngay khi Ella chuyển sang món đồ chơi khác, con bé kia lại tiếp tục lập tức muốn có nó.

Có cách nào tốt hơn? Chẳng sung sướng gì chuyện làm kẻ ác cả, nhưng nếu một đứa trẻ cư xử không đúng, nhất thiết đứa trẻ đó phải chịu hậu quả. “Lặp đi lặp lại rằng ’Nếu con còn ném cát là mẹ bắt con rời khỏi hố cát bây giờ đấy,’ sẽ không ngăn chặn được hành vi xấu,” chuyên gia Bridget Barnes khuyên. “Con bạn sẽ hiểu thành: ‘Mình có thể tiếp tục làm thêm vài lần nữa trước khi bị mẹ bắt dừng lại.’”

Thay vào đó, bạn hãy đưa ra cảnh báo, và nếu con vẫn tiếp tục hư thì bạn cần đưa ra hình thức phạt ngay lập tức, ví dụ như cho bé tạm ngưng chơi. Nếu con vẫn còn lì lợm tái phạm, hãy đưa bé về nhà. Bạn cứ thử nghiêm khắc, giữ trọng lượng cho tiếng nói của mình thì lần sau, một lời nhắc nhở nhẹ nhàng thôi cũng sẽ có tác dụng to lớn hơn hẳn: “Có nhớ lần chúng ta về nhà sớm vì con cứ ném cát lung tung không? Mẹ hy vọng hôm nay chúng ta không phải về nhà sớm một lần nữa.”

webtretho_thống nhất trong phương pháp dạy con

Bố mẹ không thống nhất trong phương pháp dạy con, đừng hỏi vì sao lại không thấy hiệu quả (Ảnh: Corbis)

 

Sai lầm số 3: Bố (hoặc mẹ) quá nuông chiều

Khi Polly Lugosi và chồng mình, Jim, dắt 2 con – Zoe 5 tuổi và Miles 2 tuổi – đi ăn kem, cặp vợ chồng này đã hẹn trước các con rằng chúng phải ngoan, không thì khỏi ăn. “Nhưng khổ thay, chồng tôi lại là một người nuông con và vẫn chiều chuộng ngay cả khi chúng phá phách,” Polly nói.

Có cách nào tốt hơn? Mặc dù Jim không cố tình coi thường những nỗ lực của vợ mình, nhưng đó lại chính xác là những gì anh ấy đang làm. Thể hiện quan điểm thống nhất không chỉ giúp con bạn cư xử tốt hơn, mà còn khiến bạn không cảm thấy như mình lúc nào cũng là kẻ ác. Chuyên gia Nancy Schulman cho biết: “Nếu bạn và chồng muốn áp dụng những hình phạt khác nhau thì cũng không sao, miễn là cả hai đều có hình phạt cho cùng những hành động nhất định.” Vậy nên hãy ngồi lại và cùng tạo ra một danh sách các quy tắc và thảo luận về các lựa chọn khác nhau khi không có con bạn ở bên cạnh đi nhé.

(Còn tiếp)

Có nên dạy trẻ bằng đòn roi?

Tuổi thơ của tôi gắn liền với những trò nghịch ngợm và quậy phá. Vì vậy, tôi từng nhận nhiều trận đòn thừa sống thiếu chết, những cái véo tai đến méo mặt từ bố. Bố tôi rất khó tính và nghiêm khắc. Anh chị em tôi, ai cũng sợ ông.

Đến giờ tôi vẫn còn nhớ ba trận đòn kinh khủng nhất. Lần một, trốn học năm lớp 7; lần hai, ăn cắp tiền của mẹ để mua máy chơi điện tử; lần ba, bỏ nhà đi bụi năm ngày liền. Không như mẹ thường nhẹ nhàng khuyên bảo và tha thứ cho tôi, bố luôn cho “ăn” roi mây trước rồi mới từ từ phân tích sai, đúng. Quả thật, khi cái mông bầm tím vì bị đòn thì những lời dạy của bố “thấm thía” vô cùng.

Sau mỗi lần bị phạt, bố luôn là người đầu tiên bắt chuyện với tôi. Ông không vuốt ve dỗ dành như mẹ, nhưng cách ông gợi chuyện khiến tôi thấy ấm áp vì được quan tâm. Và tận đáy lòng, tôi yêu bố sâu sắc và cảm ơn những trận đòn của bố đã giúp tôi trưởng thành.

 

Ảnh: P.Huy

Hiện tại tôi đã có vợ và ba đứa con. Đứa lớn nhất tám tuổi, đứa thứ nhì sáu tuổi, đứa út ba tuổi. Khác với cách dạy của bố, tôi chưa bao giờ sử dụng roi vào việc kỷ luật các con vì vợ tôi không đồng ý. Quan điểm của cô ấy là bạo lực không giải quyết được gốc của vấn đề mà chỉ làm mọi chuyện tệ hại thêm. Do đó, hằng ngày chúng tôi luôn mệt mỏi để hòa giải, phân xử ai đúng ai sai trong những cuộc cãi vã, những trò trêu chọc, những “cuộc chiến” của bọn trẻ. Tôi từng kể với vợ rằng, nhờ đòn roi đúng lúc của bố mà giờ đây tôi không hư đốn, anh chị em trong nhà luôn hòa thuận, con cái biết hiếu thảo với cha mẹ, nhưng vợ tôi luôn gạt đi và cho rằng thời đó đã xưa rồi. Ngày nay, trẻ em thông minh hơn xưa nên chỉ cần khuyên bảo là chúng đã “thấm”.

Nói thì nói vậy nhưng tôi biết vợ tôi rất đau khổ và bế tắc khi các con sai quấy. Cuối cùng, vợ tôi vẫn là người nhượng bộ và ôm ấp, an ủi khi chúng khóc lóc, hứa sẽ không dám tái phạm. Dù vậy, tụi trẻ vẫn tiếp tục vi phạm, chỉ khác là với hành vi khéo léo hơn.

Mỗi ngày đi làm về là tôi lại mệt mỏi vì tiếng con la mẹ hét. Tôi luôn cố gắng kềm chế cảm xúc để không quát tháo, nạt nộ con, nhưng thỉnh thoảng vẫn la mắng chỉ để… dằn mặt vợ.

Tôi biết mình có phần lo lắng thái quá, nhưng không lo sao được khi những lời dạy bảo của vợ chồng tôi ít được con cái ghi nhớ.

 

Meo.vn (Theo PNO)

 

Dạy con thế nào khi ông nói gà, bà nói vịt – Phần cuối

(Webtretho) Bạn cảm thấy vui và biết ơn khi con mình được nhiều người quan tâm, lo lắng, đúng không nào. Nhưng như thế cũng có nghĩa là rất nhiều quan niệm khác nhau, kéo theo rất nhiều mâu thuẫn từ lớn đến nhỏ. Hãy làm theo kế hoạch gìn giữ hoà bình của chúng tôi và chấm dứt những xung đột ấy nhé.

>> Phần 1

Hãy chấp nhận bất đồng

Không cách chi tránh khỏi việc mỗi người có cách thực thi quân pháp khác nhau. Vậy nên hãy làm rõ điều gì quan trọng với bạn, đặc biệt là những vấn đề nhạy cảm như phạt con, đánh đòn... còn thì hãy cho qua những chuyện nhỏ nhặt. Thật đấy!

webtretho_chấp nhận bất đồng

Có những khi bạn nên mắt nhắm mắt mở thì hơn (Ảnh: Inmagine)

Có thể bạn không đồng tình với chuyện ông nội thỉnh thoảng lại “hối lộ” cháu vài que kẹo, hay chính sách dọn đồ chơi khắt khe của người trông trẻ, nhưng con bạn sẽ không đến nỗi bị tổn hại gì lắm với thỉnh thoảng một chút kẹo hay một chút thời gian sắp xếp đồ chơi vào thùng dán mã màu. Dĩ nhiên, chỉ bạn mới quyết định được chuyện gì là “nhỏ nhặt” chuyện gì là “lớn lao”, nhưng quá bắt bẻ luật lệ của người khác chỉ tổ tạo ra những mâu thuẫn không đáng có mà thôi.

“Vợ cũ của tôi khá dễ trong một số chuyện, ví dụ như bọn trẻ được phép xem gì trên TV,” Mike Eyer - một người cha đã ly hôn và đang chia sẻ quyền nuôi hai đứa con tuổi đi học - cho biết. “Chúng tôi đã thảo luận nhiều nhưng chẳng có gì thay đổi cả. Đôi khi cũng bực mình lắm, nhưng chuyện xảy ra bên đó nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi. Tôi chỉ có thể làm theo những chuẩn mực của mình khi lũ trẻ sống ở nhà tôi.”

Thật ra, đó chính xác là điều mà các chuyên gia khuyên bạn nên làm. Nếu có chuyện gì  “người kia” làm khiến bạn nổi cáu, hãy tự hỏi bạn sẽ phản ứng ra sao nếu một người bạn nào đó làm điều tương tự. Có khả năng là bạn sẽ bỏ qua. Còn nếu không cho qua được? Hãy nêu vấn đề đó bằng sự tế nhị như với bạn bè, và nhớ đưa ra những đề nghị tích cực về cách giải quyết tình huống mà bạn mong muốn trong lần sau.

Tiến hành ngăn chặn

Hãy làm những gì có thể để chặn đứng từ trong trứng nước những vấn đề xử sự; chẳng hạn như luôn nhớ cập nhật cho nhau những sự cố thường ngày nhỏ nhặt nhất, chuyện con có khuynh hướng đói bụng, mệt mỏi, hay khó chịu đặc biệt về điều gì đó (đã xảy ra). Tuy bạn sẽ phải liên hệ với người kia nhiều hơn mức mong muốn, nhưng giữ liên lạc với nhau (kể cả thỉnh thoảng e-mail) là điều tốt cho con của bạn.

Trao đổi và cập nhật thường xuyên giúp bạn có thể điều chỉnh sinh hoạt của con theo hướng tốt nhất cho bé. Giả sử nếu biết cháu phải tập thể dục sau khi ở nhà mình về, bà nội sẽ giới hạn thời gian chơi ngoài trời lại để bọn trẻ không quá mất sức, mệt mỏi. Bạn cũng có thể giúp con điều chỉnh những tiêu chí ưu tiên bằng cách cho bé ôn lại những gì sắp làm vào thời điểm “chuyển giao quyền lực”; đưa ra một lời nhắc ngắn gọn như: “Sau khi từ nhà trẻ về, mẹ con mình sẽ cùng đọc sách, sau đó con có thể chơi đồ chơi trong lúc mẹ nấu bữa tối.” Nêu rõ những luật lệ và tiêu chuẩn của bạn, dán hẳn lên tường nếu cần thiết, để không khúc mắc gì nữa.

Đảm bảo tính nhất quán

webtretho_tìm cách thỏa hiệp

Tìm cách thỏa hiệp để cùng nuôi dạy con (Ảnh: Inmagine)

Nếu các luật lệ kể trên bao gồm cả hình phạt thì người lớn sẽ phải nhượng bộ để hợp tác thi hành một "sắc lệnh" do nhà kia ban ra (ví dụ như tước bỏ quyền chơi điện tử). Chuyện này đặc biệt quan trọng nếu các vấn đề về xử sự xảy ra trong thời điểm chuyển giao và hình phạt không thể thi hành ngay tức thì. Trong trường hợp bên kia tỏ ra thiếu hợp tác, bạn phải lường trước tình thế và lên kế hoạch dự phòng. Cũng có thể tất cả những gì bạn làm được lúc này là nói rõ: cách cư xử của con không thể chấp nhận được và tìm cách loại bỏ vấn đề tương tự xảy ra trong tương lai.

Nếu cảm thấy hình phạt của "phía kia" hơi quá lố, bạn có thể điều chỉnh – nhưng chỉ sau khi đã trao đổi giữa những người lớn với nhau để có thể nói với con đại loại như “Bố mẹ đã quyết định là...”

Mặt khác, những chế độ khen thưởng khi ngoan cũng nên được cả hai bên cùng làm theo. Tiến sĩ Charlotte Reznick, chuyên gia giáo dục trị liệu trẻ em, nêu ý tưởng dùng hai lọ bi giống nhau để quản đám con hay chành chọe. “Ý tưởng chung là lúc nào thấy lũ trẻ hoà bình hay đối xử tốt với nhau thì cho một viên bi vào lọ. Khi lọ đầy lên thì trẻ sẽ được thưởng,” bà giải thích. Mang những lọ bi từ chỗ này qua chỗ khác là việc không khả thi, đơn giản nhất là ở mỗi nơi đều có một lọ bi cùng chức năng. Cách này đã được áp dụng và tỏ ra hiệu quả, cuối cùng tất cả mọi người đều được hưởng chút bình yên.

Dạy con thế nào khi ông nói gà, bà nói vịt – Phần 1

Bạn cảm thấy vui và biết ơn khi con mình được nhiều người quan tâm, lo lắng, đúng không nào. Nhưng như thế cũng có nghĩa là rất nhiều quan niệm khác nhau, kéo theo rất nhiều mâu thuẫn từ lớn đến nhỏ. Hãy làm theo kế hoạch gìn giữ hoà bình của chúng tôi và chấm dứt những xung đột ấy nhé.

webtretho_mâu thuẫn của người lớn làm khó trẻ con

Chính mâu thuẫn của người lớn là điều làm trẻ con bối rối (Ảnh: Inmagine)

Dù cùng yêu thương và chỉ muốn điều tốt nhất cho con nhưng mỗi người mỗi tính, mỗi phương pháp – điều này có thể dẫn tới một thảm họa về kỷ luật, đặc biệt với những cặp bố mẹ đã li dị, những người cách biệt nhau về tuổi tác, thế hệ hay triết lý sống. Các chuyên gia cho rằng trẻ nhỏ có thể thích nghi được với những môi trường kỷ luật khác nhau – vấn đề nằm ở chỗ những người lớn trông coi chúng dàn xếp với nhau như thế nào, chính mâu thuẫn nảy sinh tại khâu này mới khiến bọn trẻ bối rối vì chúng phải “nghe ai, bỏ ai”?.

Nếu bạn không đồng tình với người trông trẻ về một vấn đề nào đó, đương nhiên bạn có thể tìm người khác. Nhưng biện pháp này lại không khả thi khi đó là ông bà của nhóc tì nhà bạn. Rồi còn vợ/ chồng cũ nữa, những bậc cha mẹ đã ly hôn hay ly thân có lẽ còn chẳng nói chuyện với nhau chứ đừng nói đến chuyện đồng thuận quan điểm về một việc gì đó. Nhưng tốt xấu gì thì bạn cũng chẳng có cách nào khác, ngoài việc chia sẻ quyền nuôi dạy con và phải tìm cách để đối thoại.

Cho phép những ý kiến khác biệt

Ngay cả trong trường hợp khả quan nhất thì cũng rất khó để đạt được môi trường kỷ luật ổn định như các chuyên gia khuyên. Nhưng dù có xung đột thế nào thì bạn cũng hãy cố gắng cho con thấy một mối quan hệ hợp tác nhất có thể. Hãy thừa nhận và chấp nhận những người khác nhau có những luật lệ khác nhau, nhưng cũng phải kiên quyết bám trụ với nguyên tắc rằng: “Đó là luật ở nhà bố, nhưng ở nhà mẹ thì khác”. Tránh thêm vào những bình luận chê bai (“Ông bà cổ hủ lắm” hay “Bố con không coi trọng bài tập về nhà bằng mẹ”). Làm như vậy là bạn đã truyền cho con thông điệp rằng chúng không cần tôn trọng người mà bạn nhắc đến, và con cuối cùng có thể sẽ áp dụng chính logic đó với bạn.

webtretho_tôn trọng con

Hãy cho con biết bạn tôn trọng việc chúng nghe lời "người kia" (Ảnh: Inmagine)

Hãy cho con biết rằng bạn tôn trọng việc chúng nghe lời người lớn ở “nhà kia”. Ví dụ, nếu bạn gặp rắc rối khi anh chị em chành chọe nhau, bạn có thể nói, “Nếu con đánh em thì ở nhà bà con cũng sẽ bị phạt như ở đây thôi.”

Hãy trao đổi về chuyện đó

Đừng đợi đến khi thiên thần ngoan ngoãn của bạn biến thành đứa trẻ chuyên làm nư, khó bảo – hãy trao đổi giữa những người lớn với nhau về phương châm kỷ luật của bạn. Như vậy mọi người sẽ có thể “ra tay” một cách thống nhất và kịp thời.

Tuỳ thuộc vào mối quan hệ của bạn với “người lớn kia”, cuộc đối thoại về kỷ luật này có thể sẽ không dễ dàng – đặc biệt nếu bất đồng của hai bên là về một chuyện đã rồi. Vì vậy, luôn thu xếp bàn luận lúc nào con không ở gần đó và vô tình nghe được. Tiến sĩ Giáo dục Jane Nelsen nói: “Đừng bao giờ tìm cách giải quyết một vấn đề lớn trước mặt con trẻ. Thật không công bằng khi bắt trẻ em làm người đứng giữa. Chúng có thể nghĩ mình sẽ phải chọn một phe, hoặc có thể dùng mâu thuẫn này để điều khiển người lớn”. Đặc biệt, tránh thảo luận lúc gửi con hoặc đón con về, thời khắc đó thường rất hỗn loạn và tràn đầy bức xúc.

Tuy email có vẻ như một cách tốt để giải quyết bất đồng mà không cho con biết, hãy cẩn thận: Nếu mối quan hệ của bạn nhuốm màu giận dữ, người nhận có thể đọc được điều đó trong email của bạn. Trước khi gửi bất cứ email gì đi, hãy lưu lại dạng Thư nháp và để qua đêm. Hôm sau hãy đọc lại và loại bỏ những yếu tố hằn học, hay những điều không trực tiếp liên quan đến đứa trẻ trước khi gửi thư đi.

Cho dù đó là mẹ bạn, vợ/chồng cũ của bạn, hay người trông trẻ, nên nhớ rằng cả hai phía đều có một mục tiêu chung: Nuôi dạy những đứa trẻ ngoan. “Thay vì tập trung vào những điều bạn không vừa lòng, hãy bắt đầu bằng những điều bạn làm,” tác giả McGhee nói. “Có thể các bên không đồng thuận trong chuyện xử phạt hành động không ngoan như thế nào, nhưng có thể cố xác định những giá trị mình cùng chia sẻ, ví dụ như muốn trẻ lễ phép hay có giáo dục. Sau đó hãy nói về những chuyện từng người có thể làm để củng cố giá trị đó.”

webtretho_vì con

Dù gì thì cũng hãy nhớ mục tiêu chung: nuôi dạy một đứa trẻ ngoan (Ảnh: Inmagine)

Bạn cũng có thể hoá giải cuộc tranh cãi bằng cách đề nghị người kia cùng tham dự một khoá học nuôi dạy con cái – học chung với nhau hoặc học riêng – cùng chia sẻ các sách báo dạy nuôi con (như bài báo này chẳng hạn). Không chỉ cung cấp ý tưởng cụ thể để thảo luận, lời khuyên từ một bên thứ ba trung lập cũng ít có nguy cơ bị bác bỏ một cách cảm tính, hồ đồ. Tương tự, ông bà của đứa trẻ cũng dễ dàng nới lỏng điều luật ăn-cho-hết-đồ-ăn, nếu như lời khuyên can đó được một người hàng xóm thân thiết, một người họ hàng, hay cô giáo của nhóc tì nhà bạn chứ không phải được đưa ra bởi chính đứa con ngày xưa từng ra sức chống đối món bí đỏ – chính là bạn.

(Còn tiếp)

Bé “lắm chiêu” khi đến giờ đi ngủ!

Khi con bạn lớn hơn, bắt đầu hiểu được sự độc lập của bản thân, bé sẽ rất muốn khẳng định cái tôi của mình. Con bạn lúc này có thể trở thành “em bé lắm chiêu” nhăm nhăm phá vỡ các quy tắc thông thường của mẹ, và việc từ chối vào giường mỗi đêm có thể sẽ là một trong những cách khẳng định “quyền tự chủ”. Vậy phải làm thế nào để lập lại khuôn khổ?

Dạy con tự ngủ một mình. Nếu con bạn đã được ngủ giường riêng, bạn không nên cứ quanh quẩn bên cạnh để dỗ dành vì điều đó sẽ càng tạo cho bé thói quen ỷ lại, phải có mẹ mới chịu ngủ. Tốt nhất hãy dạy bé cách để tự dỗ mình ngủ, chẳng hạn như: thay đồ ngủ sạch sẽ, nhắm mắt và nằm yên… Bạn cũng có thể giao hẹn sẽ quay lại giường bé để kiểm tra sau 10 phút.

Không dây dưa với con. Trẻ con rất hay mè nheo, đến giờ đi ngủ cũng không khá gì hơn. Trẻ  con còn rất thích chơi cùng với mẹ nên chúng có thể sẽ kéo dài thời gian bằng những trò như đòi tới đòi lui một ly nước, nài nỉ bạn đến phòng vì hết lý do này đến lý do kia… Nếu ngờ rằng đó chỉ là “chiêu” của con thì bạn đừng làm theo. Bạn có thể nói cứng rằng “con phải lên giường đi ngủ ngay” và “con mà cứ làm trò thì bạn thỏ (mèo, cún…) sẽ cười đấy!” Bạn có thể tránh tình huống này bằng cách “đi trước đón đầu”, rót một ly nước và đặt lên bàn đầu giường con. Bạn cũng có thể cho phép con có thêm một yêu cầu, nhưng phải đặt ra giới hạn một cách cương quyết. Bé sẽ thích thú khi cảm thấy mình được chiều chuộng nhưng đồng thời cũng biết rằng không được yêu sách gì thêm nữa.

Cho con quyền chọn lựa. Lúc này bé con của bạn đã bắt đầu tập tành tính độc lập, vậy hãy tạo cho bé cảm giác là bé “có quyền”: quyền lựa chọn câu chuyện kể trước lúc ngủ, bộ đồ ngủ yêu thích hay con thú ôm nào đó. Nhưng chỉ nên có 2-3 lựa chọn để không quá tốn thời gian. Không nên hỏi: “Con có muốn đi ngủ bây giờ không?” thay vào đó, hãy hỏi: “Con muốn đi ngủ bây giờ hay 5 phút nữa?” Dù chưa muốn ngủ nhưng bé vẫn sẽ phải chọn một.

webtretho_giúp bé ngủ ngon

Hãy dạy con cách tự dỗ mình vào giấc ngủ ngon (Ảnh: Inmagine)

Nhẹ nhàng nhưng cương quyết. Bé có thể khóc lóc hay nài nỉ xin một ngoại lệ để trì hoãn việc đi ngủ. Bạn sẽ xiêu lòng nhưng cố gắng không thỏa hiệp nhé! Hãy nói nhẹ nhàng nhưng nhấn mạnh rằng “đã đến lúc con phải ngủ rồi!” Nếu bạn gật đầu một lần cho yêu cầu: “Cho con 5 phút nữa thôi,” thì bạn sẽ lại phải nghe câu đó nhiều lần nữa. Nếu bé lăn ra nằm vạ, hãy lờ đi và làm như bạn đã nổi giận thực sự rồi. Bạn càng tỏ ra e ngại, bé sẽ càng lấn tới đấy.

Cho con sang ngủ giường. Khi con được khoảng từ 2 tuổi rưỡi đến 4 tuổi, chiếc cũi đã không còn phù hợp nữa, và bố mẹ nên cho bé chuyển sang chiếc giường đơn riêng. Bạn có thể giải thích với con lý do: “con đã lớn và cao hơn,” “con sẽ trở thành 1 chàng trai lớn” “con sắp cao lớn bằng mẹ rồi”… Và nhân tiện dạy cho bé vài thứ như làm thế nào để tự ngủ một mình hoặc khi mắc tiểu giữa đêm bé phải tự đi toilet như thế nào… Chuyển qua giường cũng là “thời điểm quan trọng” với bé, vì thế bạn nên tranh thủ tạo ra vài quy tắc mới cho việc đi ngủ, như là mấy giờ thì phải vào giường, mỗi khi ngủ thì chỉ nghe mấy câu chuyện kể…

Sau thời gian dài ngủ trong cũi, có thể bé sẽ không chịu nằm trên chiếc giường lớn mới. Nếu con không chịu nằm giường hoặc thức dậy phản ứng giữa đêm, hãy dỗ dành dịu dàng. Bạn cứ kiên nhẫn vài lần sẽ thành công thôi!

webtretho_giúp bé ngủ ngon

Tuyệt vời tuổi lên 4

(Webtretho) Chào mừng bạn đến với thế giới của trẻ lên 4! Trong suốt năm thứ tư này, bé sẽ tiếp tục hoàn thiện các kỹ năng cũ đồng thời phát triển các kỹ năng mới. Mọi điều mới lạ đều làm con hứng thú. Có thể nói thiên thần nhỏ của bạn bây giờ đang "dư thừa" trí tò mò và năng lượng.

Các trò chơi ngoài trời làm cho bé cảm thấy thích thú nhất; để giúp bé không bị chán dẫn đến những hành vi bộc phát, bạn hãy bày thật nhiều trò vận động cho bé chơi. Bé 4 tuổi hầu như không còn nhút nhát với người lạ như trước nữa, bạn có thể nhận thấy ở con sự háo hức muốn dự các buổi tiệc và đến nhà người khác chơi. Ở độ tuổi này, thường bé trai thích chơi với bé trai và bé gái chơi với bé gái, chúng thích hóa trang rồi đóng vai người này, người nọ - bé học hỏi được nhiều nhất thông qua trò chơi này. Đóng giả làm lính cứu hỏa, cô giáo, cảnh sát, hay phi hành gia… đều mang lại cho các bé cơ hội giải tỏa những nỗi sợ hãi và những tưởng tượng trong đầu.

Bé con 4 tuổi của bạn đang trải qua rất nhiều thay đổi trong suốt giai đoạn phát triển này. Hãy cùng khám phá một vài cột mốc phát triển của bé nhé!

Phát triển thể chất

webtretho_khả năng vận động của bé 4 tuổi

Khả năng vận động của bé bây giờ đã phát triển hơn nhiều (Ảnh: Inmagine)

Bé lên 4 có thể tự mình làm được ngày càng nhiều việc hơn. Khả năng sử dụng các cơ (cả lớn và nhỏ) của bé vẫn tiếp tục phát triển suốt năm qua. Nếu bé 3 tuổi còn gặp phải một số khó khăn khi tự mặc áo quần và tự đút ăn thì khi lên 4, hầu như tất cả các bé đều đã có thể cơ bản mặc, cởi quần áo mà không cần giúp đỡ. Bé cũng có thể sử dụng nĩa để tự đút ăn một cách thuần thục, sự giúp đỡ duy nhất mà bé cần trong giờ ăn là mẹ cắt nhỏ thức ăn ra thôi.

Bé 4 tuổi cũng có thể sử dụng kéo khá tốt rồi, bé thích cắt giấy theo đường thẳng cũng như cắt theo hình thù. Khả năng vẽ và tô màu của bé cũng ngày càng tiến bộ - tuy nhiên, vì những ngón tay của bé ngắn và mũm mĩm nên yêu cầu vẽ hay tô màu không lem ra ngoài các đường viền vẫn là một thách thức lớn. Bé cũng có thể đạp và điều khiển được xe đạp có gắn hai bánh phụ.

Phát triển trí tuệ

Bé 4 tuổi có những bước tiến lớn về trí tuệ. Bé đã hiểu rõ về từ ngữ, câu cú dùng đã tương đối gần “chuẩn” nên người ngoài gia đình có thể hiểu được bé nói gì. Lúc này, bé có thể bắt đầu tỏ ra thích đọc sách. Điều quan trọng là bạn khuyến khích con phát triển trí tuệ nhưng đừng thúc ép có thể dẫn đến tác dụng ngược, đừng yêu cầu con phải học đọc hay hoàn thành những nhiệm vụ đòi hỏi phải ngồi yên một chỗ và tập trung trong một khoảng thời gian dài. Bé sẽ học đọc chữ khi đến thời điểm thích hợp, còn ở giai đoạn này, hãy chỉ khuyến khích tình yêu sách ở con bằng cách đọc sách cho bé nghe mỗi tối. Việc này giúp ngôn ngữ của bé phát triển và cho bé thêm các “chất liệu” để suy nghĩ, tưởng tượng.

Phát triển cảm xúc

Bé 4 tuổi tính khí thất thường lắm, vừa mới vui đây mà lại có thể buồn ngay được. Lúc bé buồn, hãy an ủi bé được chừng nào tốt chừng ấy, nhưng đừng quá băn khoăn về điều đó. Thường bé nhanh buồn thì cũng nhanh vui lại thôi. Mặc dù có những lúc con xoay bạn như chong chóng thế nhưng hãy kiên nhẫn, con bạn sẽ sớm trưởng thành về cảm xúc thôi.

Bé đang phát triển khả năng nhận diện cảm xúc. Bé có thể hiểu và tôn trọng cảm xúc của người khác, bắt đầu biết diễn tả cảm xúc của mình và biết cố gắng an ủi người khác. Bé bắt đầu có thể lý giải nguyên do dẫn đến một số cảm xúc cơ bản như vui, buồn, giận dữ. Ví dụ bé có thể nói: “Bạn đó buồn tại vì bạn bị mất đồ chơi đó mẹ.”

Phát triển xã hội

Lên 4 tuổi, con bạn bắt đầu hiểu khái niệm tình bạn. Bé học cách hợp tác hơn khi chơi với bạn bè, bé thích nghe kể chuyện cũng như tự mình kể chuyện, bé thích thì thầm và kể cho bạn nghe các bí mật, bạn sẽ thường thấy bé vòng tay ôm một người bạn và biết được khi nào bạn của bé đang buồn... Tuy nhiên bé vẫn thiếu ý thức “chung thủy” với các bạn. Ví dụ bé có thể nói Gia Hân là bạn thân nhất của bé, thế nhưng khi Gia Hân trèo lên xích đu nhanh hơn thì bé lại tuyên bố “không thích Gia Hân nữa và không làm bạn với Gia Hân nữa.”

Con bạn đang phát triển các kỹ năng xã hội, vì vậy việc bạn khuyến khích các mối quan hệ của con đồng thời với công nhận những cảm xúc của con là rất quan trọng. Chẳng hạn bạn có thể nói “Gia Hân giành được xích đu trước con nên con buồn đúng không? Không sao cả, rồi mai mốt con và Gia Hân sẽ lại làm lành với nhau thôi.”

webtretho_bé vận động và khám phá

Bé đang ở tuổi thừa trí tò mò và năng lượng nên rất thích khám phá (Ảnh: Inmagine)

Con bạn rất thích khám phá những điều mới lạ. Bé thích làm quen với những người mới, đến những nơi mới, chơi đồ chơi mới và tham gia vào các hoạt động mới - những điều giúp bé thỏa mãn được bản tính hay thắc mắc của mình. Vì vậy khi có dịp, bạn nên bày ra nhiều hoạt động khác nhau để bé vui chơi.

Kỷ luật

Cách nuôi dạy con hiệu quả nhất khi này là gì? Các nghiên cứu cho thấy phụ huynh nào quan tâm, kiên định và nhất quán đối với con sẽ gặt hái được những kết quả tích cực. Quan trọng là bạn hãy cố gắng không sử dụng những hình thức kỷ luật quá hà khắc. Cha mẹ phải cố gắng tránh việc đối xử không tốt với con trẻ khi dạy chúng. Cách kỷ luật dùng bạo lực có thể làm cho một đứa trẻ sợ cha mẹ mình, làm giảm tác dụng của những tương tác tích cực giữa cha mẹ đối với con trẻ và có thể khiến đứa trẻ lớn lên với tính cách hung hăng. Tránh đánh đập, la hét và sử dụng những từ ngữ tàn nhẫn khi dạy con. Nếu bạn cảm thấy sắp sửa mất bình tĩnh thì hãy để con trong phòng rồi ra ngoài 5 phút cho bình tĩnh lại trước khi giải quyết tình huống - 5 phút này có thể giúp cả bạn và con tránh được nhiều tổn thương về sau.

Những nguyên tắc hướng dẫn tích cực dạy con cách cư xử:

- Khen ngợi và nhắc lại những hành vi tốt của con; bỏ qua những hành vi chưa tốt của con bất cứ lúc nào có thể.

- Khi con chưa ngoan, hãy cố gắng giữ bình tĩnh, hướng sự chú ý của con sang những hành động khác có thể chấp nhận được.

- Đặt ra giới hạn và nguyên tắc rõ ràng; thực hiện những điều này ở mức độ phù hợp với con.

- Hãy nhất quán.

- Không sử dụng những từ ngữ không hay với con.

<!]]>