Lưu trữ cho từ khóa: kính mắt

Phương pháp chọn kính phù hợp với khuôn mặt

Kính cũng là một phụ kiện thời trang quan trọng nên việc lựa chọn màu sắc, kiểu dáng cho phù hợp khuôn mặt và trang phục sẽ giúp bạn ghi điểm.

Gọng kính và hình dáng gương mặt

Mặt tròn nên đeo những loại kính vuông hoặc có dáng hơi thuôn nhọn như kính mắt mèo để khuôn mặt hài hòa hơn. Tránh những loại kính quá bé hoặc tròn sẽ càng làm tăng thêm nhược điểm của bạn.

Mặt vuông, góc cạnh nên chọn gọng kính tròn to bản hoặc hình chữ nhật để gương mặt bạn trông dài ra. Tuyệt đối không nên dùng kính gọng vuông, kính quá chật hoặc ôm sát, nó làm lộ ra đường nét vuông vức trên khuôn mặt. Mặt hình chữ nhật khá dài và có góc cạnh hai bên nên khi mua kính, bạn nên chọn gọng tròn to bản, chúng giúp khuôn mặt bạn trông nhỏ gọn hơn. Tránh những gọng kính vuông nhỏ, nó tạo cảm giác trái ngược, mặt bạn sẽ trông to và dài hơn.

Mặt trái xoan là phù hợp với hầu hết các loại kính nhưng chúng ta cũng nên lưu ý để mặt trông hoàn hảo nhất khi đeo kính. Đừng đeo kính đen với gọng quá nhỏ và mảnh, nó làm mất đi sự cân đối giữa các đường nét trên gương mặt.

phuong-phap-chon-kinh-phu-hop-voi-khuon-mat

Màu da và kính

Nếu bạn có màu da trắng hồng, thật tuyệt vời, bất kỳ màu gọng kính nào cũng đều phù hợp, bạn có thể chọn kính có màu sáng, sặc sỡ hoặc những màu trầm để làm phong phú hơn cho BST phụ kiện của mình.

Nhưng nếu bạn có màu da trắng xanh, lúc này cần phải lựa chọn cẩn thận, gọng và tròng kính màu đen tuyền rất tương phản với làn da xanh xao, nó khiến bạn nhợt nhạt hơn rất nhiều, hãy chọn những chiếc kính có gọng và tròng (nếu là kính mát) với màu sắc ấm áp để gương mặt bạn trông sinh động hơn. Những tông màu lạnh như xanh, xám, bạc cần phải cân nhắc khi lựa chọn. Với làn da nâu bánh mật, những chiếc kính đồi mồi, hoặc tông vàng, đỏ, đen hoặc các màu sậm giúp tôn lên nét cá tính và thời trang cho bạn. Màu nhạt và sáng như cam, hồng, xanh điện quang bạn cũng có thể sử dụng nhưng còn tùy thuộc vào việc bạn có phải là một tín đồ thời trang sành điệu trong cách kết hợp với trang phục hay không, vì những màu sắc này khá kén trang phục.

Kính và mục đích sử dụng

Những chiếc kính thuốc thông thường dành cho công sở, vì thế chỉ cần để ý đến kiểu dáng gọng kính phù hợp với khuôn mặt là được. Nhưng riêng với kính mát, bạn sẽ dùng nó trong nhiều dịp khác nhau, ở những nơi khác nhau, vì vậy trang bị hơn một kiểu kính không phải là quá xa xỉ.

Nếu chọn kính râm để dùng thường ngày, bạn nên chú ý tới khả năng chống tia cực tím, nhỏ gọn, kính phải nhẹ để không tạo cảm giác khó chịu khi mang trong thời gian dài. Hình dáng kính có thể thời trang nhưng không nên quá hầm hố, màu sắc nhã nhặn, vì bạn có thể sẽ phải dùng chúng để đi gặp đối tác.

Nhưng nếu muốn có một chiếc kính cho kỳ nghỉ trên bãi biển, bạn nên chọn kính râm màu sẫm, to bản và thời trang, vì đó là phụ kiện hoàn hảo cho bạn để khoe vẻ đẹp và độ sành điệu của mình.

Kính áp tròng

Người Việt Nam đa số có nước da hơi vàng, màu áp tròng tông nâu như nâu vàng, nâu đỏ, nâu ánh tím sẽ phù hợp nhất bởi chúng làm cho ánh mắt trông tự nhiên.

Một số người có làn da trắng có thể sử dụng thêm màu xám, xanh dương hoặc xanh lá cây, chúng làm bạn trông Tây hơn. Những màu mắt sặc sỡ như tím, đỏ, vàng mật ong hay xanh ngọc ánh dạ quang rất khó phù hợp với người châu Á, nó làm đôi mắt bạn trông không thật và khiến người đối diện có cảm giác dè chừng… bạn nên cân nhắc khi đeo kính áp tròng màu này.

(Theo Đẹp Online)

Khi nào nên đeo kính mát?

Nghiên cứu của Hội Hàn lâm nhãn khoa Mỹ AAO cho thấy, khi mắt nhìn ra ngoài nắng một thời gian dài mà không được che chở thì có thể gây thương tổn cho các cấu trúc của mắt.

Các loại bệnh như: cườm, đục thủy tinh thể, thoái hóa hoàng điểm và sự tăng trưởng bất thường ở trong mắt như ung thư… rất dễ xảy ra khi chúng ta lơ đễnh không bảo vệ mắt. Vì thế, các bác sĩ nhãn khoa có lời khuyên rằng, bất cứ khi nào ra ngoài nắng lâu, bạn hãy đeo kính mát lọc được tia UV và đội mũ có vành.

Kính mát nên đeo bất cứ khi nào ra ngoài trời, đặc biệt ở những trường hợp sau: vào mùa hè nắng có tia UV gấp 3 lần mùa đông; ngoài bãi biển hay nơi có nước; khi chơi thể thao vào mùa đông, nhất là nơi có tuyết; khi dùng những thuốc gây phản ứng nhạy cảm với ánh sáng.

Ảnh minh họa.

Hầu hết các kính mát đều lọc được các tia sáng độc hại vào mắt. Các loại kính mát chất lượng cao đều lọc được tia cực tím (UV) và các loại tia độc hại khác. Cả hai loại tròng kính bằng thủy tinh và nhựa đều hấp thụ được một phần tia UV, nhưng độ lọc tia UV sẽ cao hơn khi hãng chế tạo kính có thêm hóa chất lọc tia UV vào chất liệu làm kính hoặc tráng kính bằng hóa chất đặc biệt. Khi nói kính ngăn chặn được 99-100% tia UV hay tia UV được hấp thụ đến 400 mm có nghĩa là kính đã lọc được 100% tia UV.

Các loại kính mát thường được chế tạo từ phôi kính và đánh bóng để tăng cường chất lượng của kính và không gây hại cho mắt. Khi mua kính mát, bạn cần biết kính có được chế tạo đúng tiêu chuẩn không. Để kiểm tra về chất lượng của kính, bạn nhìn một vật nào đó có hình vuông hay chữ nhật qua kính, ví dụ như viên gạch lát sàn. Để kính trước mặt ở một khoảng cách thích hợp và che một mắt, đưa kính nhẹ từ trái sang phải và lên xuống. Nếu những đường thẳng vẫn thẳng thì kính được coi là tốt. Nếu những đường thẳng lay động – nhất là ở trung tâm kính – thì chất lượng của kính chưa đạt.

Tất cả các loại kính mát đều có độ bền tốt. Kính nào cũng có thể bị vỡ, kính bằng nhựa thì ít vỡ hơn kính bằng thủy tinh, nhưng lại bị trầy nhiều hơn. Vì vậy bạn hãy tìm loại kính nào có tráng chất chống trầy.

Những trường hợp nào kính mát không có tác dụng?

Kính mát không thể che chở cho mắt khi tiếp cận với ánh sáng quá mạnh, khi nhìn vào đèn đang hàn xì hay nhìn trực tiếp vào mặt trời – nhất là ngày bị nhật thực… Khi nhìn vào những nguồn sáng này mà mắt không được bảo vệ cẩn thận sẽ khiến giác mạc bị thương tổn, gây đau nhức, được gọi là viêm giác mạc do quang sáng hoặc gây thương tổn võng mạc làm giảm thị lực vĩnh viễn.

BS Nguyễn Cường Nam

(Theo Khoemoingay)

Đục thủy tinh thể

Đục thủy tinh thể thường là một đám mây đen che thủy tinh thể. Từ Latinh cataracta có nghĩa là “thác nước” – hình ảnh cố nhìn mảng thác nước hoặc cửa sổ bị sương giá hoặc khói mù che phủ. Tầm nhìn bị che phủ có thể gây khó khăn cho việc đọc, lái xe hay quan sát biểu lộ nét mặt của bạn bè. Đục thủy tinh thể thường ảnh hưởng đến khả năng nhìn xa và gây chói. Bệnh nhân thường không đau, nhìn đôi cả hai mắt hoặc chảy nước mắt bất thường.

Loại đục thủy tinh thể hay gặp nhất có liên quan đến sự lão hóa. Đám mây của thủy tinh thể là một vùng bình thường khi về già, giống như bạc tóc hoặc nếp nhăn. Gần như toàn bộ người Mỹ ở tuổi ³ 65 đều bị đục thủy tinh thể với các mức độ khác nhau. Phần lớn đục thủy tinh thể tiến triển chậm và lúc đầu không ảnh hưởng đến thị lực. Nhưng khi đám mây tiến triển, cuối cùng đục thủy tinh thể gây cản trở khả năng nhìn rõ của bạn.

Bí quyết để sống chung với bệnh đục thủy tinh thể là biết được thời điểm không phải chịu đựng bệnh thêm nữa. Trong các giai đoạn đầu, ánh sáng mạnh và kính mắt có thể giúp bạn giải quyết vấn đề thị lực. Nhưng vào một thời điểm nhất định, nếu lối sống thường ngày của bạn bị nguy hiểm do thị lực giảm, bạn có thể cần phẫu thuật. Nhờ có những tiến bộ to lớn trong điều trị bệnh này, loại bỏ đục thủy tinh thể là thủ thuật ngoại khoa an toàn nhất, hiệu quả nhất và thông dụng nhất – là thủ thuật khôi phục thị lực cho hàng triệu người Mỹ.

Dấu hiệu và triệu chứng

Đục thủy tinh thể thường tiến triển chậm và không gây đau. Trước tiên, đám mây có thể chỉ ảnh hưởng đến một phần nhỏ của thủy tinh thể, và bạn có thể không thấy giảm thị lực. Tuy nhiên, khi đục thủy tinh thể tiến triển rộng ra, nó che phủ thủy tinh thể nhiều hơn. Khi ánh sáng tới võng mạc ít hơn rõ rệt, thị lực của bạn đã bị suy giảm.

Các triệu chứng đục thủy tinh thể bao gồm:

  • Tầm nhìn bị che phủ, che mờ, không rõ ràng
  • Khó nhìn vào ban đêm
  • Nhạy cảm với ánh sáng chói và những quầng sáng xung quanh nguồn ánh sang.
  • Cần ánh sáng mạnh hơn để đọc và thực hiện các hoạt động khác.
  • Thường xuyên thay kính mắt hoặc kính áp tròng.
  • Nhạt mầu và nhuốm mầu vàng
  • Song thị hoặc đa thị ở một mắt

Nếu bị đục thủy tinh thể, ánh sáng từ mặt trời, đèn hoặc từ đèn pha có thể là quá sáng. Ánh sáng chói và các quầng sáng xung quanh nguồn ánh sáng có thể bất tiện cho việc lái xe và rất nguy hiểm. Bạn có thể bị mỏi mắt hoặc tự thấy rằng nháy mắt nhiều hơn để nhìn rõ hơn.

Đục thủy tinh thể thường không gây ra bất kì sự thay đổi nào về vẻ ngoài của mắt  hoặc quá trình sản sinh nước mắt. Đau, đỏ, ngứa, rát, đau trong mắt hoặc rử mắt có thể là dấu hiệu và triệu chứng của các bệnh mắt khác.

Đục thủy tinh thể không gây nguy hiểm cho sức khoẻ của mắt trừ phi đục thủy tinh thể trở nên trắng hoàn toàn, một tình trạng được biết là đục thủy tinh thể đã chín. Bệnh này có thể gây viêm, đau và đau đầu. Đục thủy tinh thể đã chín rất hiếm gặp, và bạn cần nhanh chóng loại bỏ nó.

Nguyên nhân

Đục thủy tinh thể có thể tiến triển ở một hoặc cả hai mắt, và bệnh có hoặc không ảnh hưởng tới toàn bộ thủy tinh thể. Thủy tinh thể được định vị ở sau mống mắt và đồng tử. Thủy tinh thể có hình dạng giống như kính lúp – dày ở giữa và mỏng ở cạnh. Các dây chằng nhỏ, là những dải mô dai, giữ nó đúng vị trí.

Khi đôi mắt hoạt động hoàn hảo, ánh sáng xuyên qua giác mạc và đồng tử tới thủy tinh thể. Thủy tinh thể tập trung ánh sáng này, tạo ra những hình ảnh rõ, sắc nét trên võng mạc, một màng nhạy cảm với ánh sáng ở thành sau trong của nhãn cầu hoạt động như màn ảnh của máy quay phim. Đám mây trên thủy tinh thể, hay đục thủy tinh thể, phân ánh sáng và cản trở hình ảnh rõ nét tới võng mạc. Thị lực của bạn bị che mờ.

Thủy tinh thể gồm 3 lớp. Lớp ngoài cùng (bao) là một màng mỏng. Bên trong, nó bao quanh một thể mềm, trong (vỏ). Trung tâm cứng của thủy tinh thể là nhân. Nếu bạn ví thủy tinh thể như một loại quả thì bao là da, vỏ là thịt quả và hạt nhân là hột. Đục thủy tinh thể có thể hình thành ở bất cứ phần nào của thủy tinh thể.

Đục thủy tinh thể có 3 thể:

  • Nhân. Đục thủy tinh thể nhân là loại đục thủy tinh thể hay gặp nhất và chủ yếu là do lão hoá. Bệnh xuất hiện ở trung tâm của thủy tinh thể. Ở các giai đoạn đầu, do thủy tinh thể thay đổi theo cách tập trung vào ánh sáng, nên bạn có thể cận thị nặng hơn hoặc thậm chí cải thiện tạm thời thị lực khi đọc. Một số người thật sự không cần đeo kính mắt. Đáng tiếc cái gọi là điều đó biến mất khi thủy tinh thể dần dần chuyển sang màu vàng hoặc hơi xanh và bắt đầu che khuất thị trường. Khi đục thủy tinh thể tiến triển, thậm chí thủy tinh thể còn chuyển sang màu nâu. Bạn có thể có những rối loạn đặc biệt khi nhìn với ánh sáng mờ hoặc gặp rắc rối khi lái xe vào ban đêm.
  • Vỏ. Đục thủy tinh thể vỏ bắt đầu với các đường hơi trắng, hình chữ V rìa ngoài vỏ thủy tinh thể. Vì bệnh tiến triển chậm, các đường này mở rộng vào trung tâm và gây cản trở việc truyền ánh sáng qua nhân. Cả nhìn xa và nhìn gần đều bị suy giảm. Những rối loạn tiêu điểm và và méo hình là hay gặp. Bạn cũng có thể gặp những rối loạn với ánh sáng chói và mất độ tương phản. Nhiều người bị bệnh tiểu đường tiến triển đục thủy tinh thể vỏ. Đục thủy tinh thể vỏ là loại đục thủy tinh thể duy nhất liên quan tới việc tiếp xúc với ánh sáng cực tím.
  • Dưới bao. Đục thủy tinh thể dưới bao bắt đầu ở một vùng nhỏ, mờ đục dưới vỏ bao. Bệnh thường hình thành ở sau thủy tinh thể, theo đường dẫn ánh sáng tới võng mạc. Kiểu đục thủy tinh thể này có thể xuất hiện ở cả hai mắt nhưng thường một mắt tiến triển chậm hơn mắt kia. Đục thủy tinh thế dưới bao thường cản trở thị lực khi đọc, làm giảm thị lực với ánh sáng mạnh và gây chói hoặc những quầng xung quanh ánh sáng vào ban đêm. Bạn dễ bị đục thủy tinh thể dưới bao nếu bạn bị bệnh tiểu đường, cận thị, dùng các thuốc corticosteroid hoặc bị tổn thương mắt hoặc phẫu thuật mắt.
  • Khi về già, thủy tinh thể trở nên kém linh hoạt, kém trong và dày hơn. Thủy tinh thể được cấu tạo chủ yếu từ nước và sợi protein. Các sợi protein được sắp xếp một cách chính xác khiến thủy tinh thể trong và cho phép ánh sáng xuyên qua mà không bị cản trở. Do lão hoá, thành phần của thủy tinh thể bị thay đổi và cấu trúc các sợi protein bị phá vỡ. Một vài sợi bắt đầu kết thành khối với nhau, che phủ một vùng nhỏ của thủy tinh thể. Khi đục thủy tinh thể tiếp tục phát triển, đám mây trở nên đặc hơn và cuộn vào vùng thủy tinh thể lớn hơn.
  • Các nhà khoa học không biết tại sao thủy tinh thể lại thay đổi theo tuổi. Một khả năng là tổn hại do những phân tử không ổn định được biết là các gốc tự do. Hút thuốc lá và tiếp xúc với ánh sáng UV là hai nguồn gốc tự do. Tổn hại nói chung và rách thủy tinh thể trong nhiều năm cũng có thể gây biến đổi các sợi protein.
  • Những thay đổi thủy tinh thể do tuổi tác không phải là nguyên nhân duy nhất gây đục thủy tinh thể. Một số người sinh ra đã bị đục thủy tinh thể hoặc bị bệnh khi còn thơ ấu. Các trường hợp đục thủy tinh thể này có thể là kết quả của việc người mẹ bị bệnh sởi Đức khi mang thai. Cũng có thể là do mất cân bằng hóa học hoặc rối loạn phát triển tâm thần. Đục thủy tinh thể bẩm sinh, không phải luôn luôn ảnh hưởng đến thị lực, nhưng nếu bị bệnh thì thường được lấy bỏ sớm sau khi phát hiện bệnh.

Yếu tố nguy cơ

Bất cứ ai cũng đều có nguy cơ bị đục thủy tinh thể đơn giản là vì tuổi là một yếu tố nguy cơ đơn thuần lớn nhất. Và ở tuổi 65, mọi người sẽ bị mờ thủy tinh thể ở mức độ nào đó, mặc dù không làm giảm thị lực. Đục thủy tinh thể thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới, và gặp ở người da đen nhiều hơn người da trắng.

Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể bao gồm:

  • Bệnh tiểu đường
  • Tiền sử gia đình bị đục thủy tinh thể.
  • Trước đây đã bị tổn thương mắt hoặc viêm mắt.
  • Đã từng phẫu thuật mắt.
  • Dùng corticosteroid kéo dài.
  • Uống quá nhiều rượu.
  • Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều.
  • Tiếp xúc với tia xạ ở nồng độ cao, như do điều trị ung thư.
  • Hút thuốc lá

Khi nào cần đến khám bác sĩ

Bác sĩ chuyên khoa mắt có thể phát hiện và theo dõi sự tiến triển đục thủy tinh thể trong các lần khám mắt định kỳ. Mắt được khám:

  • 2-4 năm/1 lần ở tuổi 40-64
  • 1-2 năm/1 lần bắt đầu từ tuổi 65

Bất cứ lúc nào bạn xuất hiện các triệu chứng về mắt mới, không rõ nguyên nhân

Nếu bạn tự “chống lại” đôi mắt của mình – chớp mắt nhiều hơn để nhìn rõ những gì bạn cảm thấy như một lớp màng mỏng che phủ trên mắt – hoặc bạn có các triệu chứng khác của đục thủy tinh thể, hãy đến khám bác sĩ. Bác sĩ chuyên khoa mắt có thể chẩn đoán đục thủy tinh thể nhờ khám mắt kĩ.

Sàng lọc và chẩn đoán

Một cách duy nhất để biết được bạn có bị đục thủy tinh thể hay không đó là khám mắt gồm một số bước sau:

  • Kiểm tra độ nhanh nhạy của thị giác. Độ nhanh nhạy có liên quan đến sự rõ nét của thị lực hoặc bạn nhìn mọi vật rõ như thế nào. Trong xét nghiệm này, bác sĩ chuyên khoa mắt kiểm tra khả năng đọc chữ cái của bạn khi đặt ngang trong phòng. Mắt của bạn được kiểm tra từng bên, trong khi mắt kia bị che lại. Dùng bảng chữ  cái nhỏ dần từ trên xuống dưới (Bảng Snellen chuẩn), bác sĩ xác định nếu bạn đạt thị lực 20/20 hoặc kém hơn.
  • Khám bằng đèn có khe. Đèn có khe cho phép bác sĩ nhìn được cấu tạo vùng trước của mắt bạn dưới kính phóng đại. Kính hiển vi được gọi là đèn khe vì nó dùng một đường ánh sáng mạnh – khe hở – để chiếu chéo vào giác mạc, mống mắt, thủy tinh thể và khoảng trống giữa mống mắt và giác mạc. Khe hở cho phép bác sĩ quan sát cấu trúc cắt ngang và phát hiện bất cứ bất thường nhỏ nào.
  • Khám võng mạc. Trong thủ thuật này, bác sĩ nhỏ thuốc giãn đồng tử vào mắt để đồng tử giãn và tạo ra 1 cửa sổ lớn hơn vào phía sau mắt bạn. Dùng một đèn khe hoặc kính soi đáy mắt, bác sĩ có thể kiểm tra thủy tinh thể xem có dấu hiệu của đục thủy tinh thể hay không và, nếu cần, xác định độ dày của đám mây che phủ. Họ cũng kiểm tra xem có bị tăng nhãn áp (bệnh glôcôm) hay không và, nếu bạn nhìn mờ hoặc khó chịu, với các rối loạn khác bao gồm võng mạc và thần kinh thị giác. Thuốc giãn đồng tử thường giữ đồng tử giãn trong vài giờ trước khi tác dụng của thuốc giảm dần. Đến lúc ấy, bạn sẽ rất khó tập trung vào những đồ vật ở gần, nhưng nhìn xa không bị ảnh hưởng. Khi đồng tử giãn rộng, bạn sẽ cần đeo kính khi trở về nhà, nhất là những ngày trời nắng. Sẽ an toàn hơn nếu để người khác lái xe cho bạn.

Nếu bị đục thủy tinh thể, bạn cần thảo luận phương pháp điều trị với bác sĩ chuyên khoa mắt. Ngoài việc bị đục thủy tinh thể – nếu bạn bị tăng nhãn áp nặng hoặc bị bệnh về mắt nặng khác, lấy bỏ thủy tinh thể bị đục có thể không cải thiện được thị lực.

Điều trị

Cách duy nhất điều trị đục thủy tinh thể hiệu quả là phẫu thuật lấy bỏ thủy tinh thể bị đục và thay bằng thủy tinh thể nhân tạo trong. Đục thủy tinh thể không thể chữa khỏi bằng thuốc, bổ sung trong chế độ ăn, tập luyện hoặc đeo kính. Ở giai đoạn đầu, khi các triệu chứng đục thủy tinh thể còn nhẹ, hiểu rõ về bệnh tự nguyện thay đổi lối sống có thể có lợi. Bạn có thể thử một vài cách đơn giản để đối phó với các triệu chứng:

  • Nếu bạn đeo kính hoặc kính áp tròng, phải đảm bảo rằng chúng chính xác nhất theo đơn của bác sĩ.
  • Dùng kính lúp để đọc
  • Cải thiện hệ thống đèn trong nhà bạn với nhiều đèn và đèn sáng hơn, ví dụ, có thể dùng đèn halogen từ 100-150 W. Khi bạn ở ngoài trời, hãy đeo kính râm để đỡ chói.
  • Hạn chế lái xe vào ban đêm.

Các cách này có thể giúp ích một thời gian, nhưng vì đục thủy tinh thể vẫn tiến triển, thị lực của bạn có thể ngày càng giảm. Khi giảm thị lực bắt đầu ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của bạn, bạn cần cân nhắc phẫu thuật đục thủy tinh thể.

Phẫu thuật đục thủy tinh thể là phẫu thuật phổ biến nhất được thực hiện ở những người Mỹ ≥ 65 tuổi. Mỗi năm có hơn 1,5 triệu ca phẫu thuật thủy tinh thể được thực hiện. Phẫu thuật này rất thành công trong việc hồi phục thị lực – hơn 95% số người được lấy bỏ thủy tinh thể đục cuối cùng có thị lực tốt hơn. Nhiều người cho rằng không chỉ thị lực tốt hơn mà còn giảm khả năng cần kê đơn cho thủy tinh thể và cải thiện chất lượng sống nói chung của bệnh nhân sau phẫu thuật.

Lúc nào là thời điểm thích hợp để lấy bỏ thủy tinh thể đục?

Quyết định phẫu thuật đục thủy tinh thể là việc mà bạn và bác sĩ cùng thảo luận. Bạn có thể có nhiều thời gian để cân nhắc và thảo luận kỹ về những lựa chọn của bạn. Phần lớn các trường hợp đợi cho đến khi bạn sẵn sàng phẫu thuật mà không gây tổn hại cho mắt. Bạn có thể không cần phẫu thuật trong nhiều năm nếu tất cả đều ổn. Tuy nhiên, ở người trẻ hoặc những người bị tiểu đường, đục thủy tinh thể có thể tiến triển rất nhanh.

Quyết định của bạn dựa vào mức độ giảm thị lực và khả năng thực hiện chức năng trong cuộc sống hàng ngày. Nói chung, khuyên phẫu thuật khi kết quả xét nghiệm thị lực là ≤ 20/50, thậm chí có đeo kính, nhưng con số này không cố định. Hãy nghĩ xem đục thủy tinh thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bạn như thế nào. Bạn có thể nhìn để làm việc và lái xe an toàn không? Bạn có thể đọc sách báo hoặc xem ti vi một cách thoải mái không? Bạn có khó khăn khi nấu ăn, mua sắm, làm công việc ở kho, leo cầu thang hay uống thuốc không? Giảm thị lực có ảnh hưởng tới mức độ tự lập của bạn không? Bạn có sợ rằng bạn sẽ vấp, ngã hoặc đâm vào vật gì không?

Trả lời cho những câu hỏi này là khác nhau đối với từng người. Người già ít hoạt động thì có thể ít cần thị lực rõ nét hơn so với người trẻ cần lái xe và kiếm sống. Một số người chỉ giảm thị lực rất ít do đục thủy tinh thể có thể muốn phẫu thuật do nhìn chói hoặc nhìn đôi. Đôi khi nên lấy bỏ đục thủy tinh thể ngay cả khi không gây những rối loạn quan trọng về thị lực, ví dụ, nếu nó ngăn ngừa được việc điều trị các bệnh mắt khác, như thoái hóa hoàng điểm do tuổi già, bệnh võng mạc do tiểu đường hoặc bong võng mạc.

Nếu bạn bị đục thủy tinh thể cả 2 mắt và quyết định phẫu thuật, mỗi lần bác sĩ chuyên khoa mắt chỉ lấy bỏ thủy tinh thể đục ở 1 mắt. Điều này cho phép có đủ thời gian để mắt thứ nhất lành bệnh trước khi tiến hành phẫu thuật mắt thứ hai.

Điều gì xảy ra trong quá trình phẫu thuật đục thủy tinh thể?

Những tiến bộ quan trọng trong kĩ thuật mổ và công nghệ tinh vi hơn giúp cho phẫu thuật là cách điều trị an toàn và hiệu quả đối với đục thủy tinh thể. Hai việc xảy ra trong phẫu thuật thủy tinh thể – thủy tinh thể đục được lấy bỏ, và thay thế bằng thủy tinh thể nhân tạo trong.

Trước mổ, bác sĩ chuyên khoa mắt đo kích cỡ và hình dạng mắt bạn để xác định thủy tinh thể nhân tạo thích hợp. Việc đo này được thực hiện với xét nghiệm siêu âm không đau. Phẫu thuật đục thủy tinh thể là một thủ thuật điều trị ngoại trú mất < 1 giờ. Phần lớn mọi người tỉnh, thư giãn và thoải mái trong thời gian phẫu thuật, chỉ cần gây mê tại chỗ. Rất ít trường hợp cần gây mê toàn thân.

Các phương pháp phẫu thuật lấy bỏ thủy tinh thể đục bao gồm:

  • Tán nhuyễn thủy tinh thể. Đây là thủ thuật được dùng nhiều nhất để lấy bỏ thủy tinh thể đục. Phẫu thuật viên lấy bỏ thủy tinh thể đục trong khi để lại hầu hết lớp ngoài (bao thủy tinh thể) tại vị trí của nó. Bao này giúp giữ thủy tinh thể nhân tạo khi nó được cấy vào.

Trong tán nhuyễn thủy tinh thể, viết tắt là phaco, phẫu thuật viên rạch một đường nhỏ, khoảng 3 mm, ở vị trí giác mạc gặp kết mạc và luồn 1 đầu dò có kim nhỏ. Sau đó bác sĩ dùng que thăm, chuyển động nhờ sóng siêu âm để làm vỡ (nhuyễn) thủy tinh thể đục và hút các mảnh vỡ. Bao thủy tinh thể được đặt đúng vị trí để giữ thủy tinh thể nhân tạo.

  • Lấy thủy tinh thể ngoài bao. Nếu bệnh đục thủy tinh thể của bạn ở giai đoạn muộn hơn thời điểm mà tán nhuyễn thủy tinh thể có thể tán thủy tinh thể một cách hiệu quả, bác sĩ có thể lấy thủy tinh thể ngoài bao. Thủ thuật này cần đường rạch lớn, khoảng 10 mm, ở vị trí giác mạc và kết mạc gặp nhau. Qua đường rạch này, bác sĩ mở bao thủy tinh thể, lấy bỏ nhân thành từng phần và làm sạch phía ngoài vỏ thủy tinh thể mềm, đặt vỏ bao đúng vị trí.

Khi đục thủy tinh thể được lấy bỏ nhờ phương pháp tán nhuyễn thủy tinh thể hoặc ngoài bao, thủy tinh thể nhân tạo được đưa vào bao thủy tinh thể rỗng để đặt vào vị trí của thủy tinh thể đục ban đầu. Thủy tinh thể nhân tạo này, cũng được gọi là thủy tinh thể trong mắt (IOL), được làm bằng chất dẻo, acrylic hoặc silicon. Nó không cần phải chăm sóc và trở thành một phần vĩnh cửu của mắt. Bất kể trước mổ bạn có đeo kính hay không, sau mổ bạn cần đeo kính đọc sách.

Một số IOL là chất dẻo cứng và được cấy qua một đường rạch cần một vài mũi khâu để đóng lại. Tuy nhiên, nhiều IOL rất mềm, cho phép một đường rạch nhỏ hơn mà không cần khâu. Bác sĩ có thể gập loại thủy tinh thể này và luồn vào bao trống ở vị trí của thủy tinh thể ban đầu. Khi ở đúng vị trí, thủy tinh thể mở ra khoảng 6 mm.

Sau mổ thủy tinh thể

Với phẫu thuật phaco và thủy tinh thể nhân tạo có thể gấp lại được, đường rạch là rất nhỏ, và không cần khâu. Nếu tất cả đều ổn và liền vết mổ nhanh, thị lực của bạn sẽ bắt đầu cải thiện trong vài ngày. Nếu ca phẫu thuật cần đường rạch lớn và phải khâu, thời gian liền hoàn toàn khoảng 4 tuần.

Bình thường bạn có thể về nhà ngay trong ngày mổ, nhưng bạn không thể lái xe, vì vậy phải đảm bảo có người đưa về nhà. Bạn sẽ phải đến bác sĩ chuyên khoa mắt vào ngày sau mổ và trong 4-6 tuần sau đó để bác sĩ kiểm tra quá trình lành vết mổ.

Bình thường có thể thấy hơi khó chịu trong 2 ngày sau mổ. Tránh chà xát hoặc ấn vào mắt. Làm sạch mí mắt bằng khăn giấy hoặc bông để lấy bỏ rử mắt. Bạn có thể đắp miếng che mắt hoặc lưới chắn bảo vệ trong ngày mổ. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc phòng tránh nhiễm trùng và kiểm soát nhãn áp. Sau 2 ngày, tất cả những khó chịu sẽ hết.

Hãy đến khám bác sĩ ngay nếu bạn có những dấu hiệu và triệu chứng dưới đây sau phẫu thuật thủy tinh thể:

  • Giảm thị lực
  • Đau kéo dài mặc dù đã dùng thuốc giảm đau không cần đơn
  • Đỏ mắt tăng rõ rệt
  • Ánh sáng chói hoặc nhiều chấm (mây trôi) trước mắt
  • Buồn nôn, nôn hoặc ho nhiều

Phần lớn mọi người cần đeo kính sau phẫu thuật thủy tinh thể. Loạn thị rất phổ biến nhưng ít gặp khi phẫu thuật với đường rạch nhỏ. Bạn thường cần dùng kính mắt theo đơn trong 3-6 tuần sau mổ.

Biến chứng sau phẫu thuật thủy tinh thể tương đối hiếm gặp, và phần lớn có thể điều trị được. Các biến chứng bao gồm viêm, nhiễm trùng, xuất huyết, sưng nề, bong võng mạc và tăng nhãn áp. Các nguy cơ này gặp nhiều nhất ở những người có các bệnh mắt khác hoặc bệnh trầm trọng. Đôi khi, phẫu thuật thủy tinh thể không cải thiện được thị lực do các bệnh như tăng nhãn áp và thoái hóa hoàng điểm. Điều quan trọng là đánh giá và điều trị các bệnh mắt khác, nếu có thể, trước khi quyết định phẫu thuật đục thủy tinh thể.

Đục thủy tinh thể thứ phát

Bạn có thể đã từng nghe đến đục thủy tinh thể thứ phát. Bệnh xuất hiện khi phía sau bao thủy tinh thể – phần thủy tinh thể không được lấy bỏ khi phẫu thuật và hiện vẫn giữ thủy tinh thể nhân tạo – cuối cùng bị đục và giảm thị lực. Thuật ngữ khác dùng cho bệnh này là đục bao sau (POC). POC có thể tiến triển trong nhiều tháng hoặc nhiều năm sau phẫu thuật đục thủy tinh thể. Bệnh xảy ra ở khoảng 15-20% thời gian. Đục từ từ là kết quả của sự phát triển tế bào phía sau bao.

Điều trị POC rất đơn giản và nhanh. Nó gồm một kỹ thuật được gọi là cắt bao bằng laser YAG, trong đó dùng một chùm tia laser để mở một đường nhỏ trong bao bị đục để ánh sáng đi qua.

Cắt bao bằng laser là một thủ thuật ngoại trú không đau thường mất < 5 phút. Sau thủ thuật, bạn cần nằm tại phòng khám khoảng 1 giờ để đảm bảo nhãn áp không tăng. Ở một số bệnh nhân, nhất là những người bị tăng nhãn áp hoặc cận thị nặng, phẫu thuật bằng laser YAG có thể làm tăng nhãn áp. Các biến chứng khác rất hiếm gặp nhưng có thể xảy ra, bao gồm nề hoàng điểm và bong võng mạc.

Phòng tránh

Nhìn chung, phần lớn các trường hợp đục thủy tinh thể xuất hiện khi về già và không thể tránh được. Khám mắt thường xuyên vẫn là chìa khóa để phát hiện bệnh sớm. Bạn có thể thực hiện các bước sau để giúp làm chậm hoặc ngăn ngừa sự tiến triển của đục thủy tinh thể:

  • Không hút thuốc lá. Khói thuốc lá sản sinh các gốc tự do, làm tăng nguy cơ bị đục thủy tinh thể.
  • Ăn chế độ ăn cân xứng có nhiều hoa quả và rau.
  • Hạn chế uống rượu. Uống quá nhiều rượu có thể làm tăng nguy cơ bị đục thủy tinh thể.
  • Bảo vệ bản thân khỏi ánh nắng mặt trời. Tia cực tím có thể góp phần gây bệnh đục thủy tinh thể. Tốt nhất là đeo kính râm khi ở ngoài trời.
  • Tuân thủ kế hoạch điều trị nếu bạn bị tiểu đường hoặc bị các bệnh khác.

Các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục tìm ra những cách mới để ngăn ngừa và điều trị đục thủy tinh thể. Nếu bị đục thủy tinh thể, cơ hội bạn có thể hồi phục hoàn toàn thị lực sau phẫu thuật đục thủy tinh thể là rất tốt nếu bạn không bị các bệnh về mắt khác.

Kính ‘dởm’ – Sát thủ của mắt

'Tiếc tiền, mua kính kém chất lượng 'kính dởm', nhiều người đã vô tình tự 'mua' bệnh cho mắt mà không hề biết. Bởi khi đeo loại kính này, những tác động của nó đến mắt tuy chậm nhưng lại khá nặng nề', PGS.TS Đỗ Như Hơn, Quyền Giám đốc BV Mắt Trung ương khuyến cáo.

Mắt tốt thành tật

PGS.TS Đỗ Như Hơn khẳng định, kính không đảm bảo chất lượng có thể gây những tác hại nặng nề cho mắt. Đang có một đôi mắt khoẻ đẹp, nếu đeo kính không đúng (kể cả kính thuốc và kính râm), nguy cơ bị tật khúc xạ ở mắt là rất cao, còn người đã có tật khúc xạ thì bệnh sẽ trở nên nặng hơn.

Ngoài những tác động đến mắt, đeo kính kém chất lượng cũng có thể gây ra nhiều triệu chứng toàn thân khác như chóng mặt, nhức đầu... PGS Hơn cho biết, kính chuẩn phải đảm bảo lọc được một số tia hồng ngoại, tử ngoại có thể gây hại đến mắt. Thế nhưng kính kém chất lượng thường làm bằng vật liệu rẻ tiền, không có chức năng cản tia hồng ngoại, tử ngoại, làm cho mắt dễ bị tổn thương hơn.

Ngoài ra, cấu tạo mắt kính cũng là một yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến mắt. Nếu mắt kính có cấu tạo lồi, lõm hơn so với yêu cầu chuẩn sẽ gây nên biến dạng hình ảnh. Người sử dụng nếu đeo lâu dài những loại kính này, mắt sẽ buộc phải tự điều tiết để thích nghi với sự biến dạng hình ảnh do kính gây ra. Và đây chính là nguyên nhân dẫn đến mắc các bệnh lý về mắt.

Có cả trường hợp dị ứng với gọng kính kém chất lượng, bị đỏ da, mẩn ngứa, nổi mụn nước trên da mặt  vùng tiếp xúc của kính với da.

Thế nhưng những ảnh hưởng của kính sai tiêu chuẩn lên mắt thường không xảy ra ngay lập tức mà theo dạng tích lũy dần. Do vậy, người sử dụng không thể nhận biết được hậu quả ngay nên vẫn vô tư xài hàng kém chất lượng mà không lường được những nguy cơ cho mắt. Tại Viện Mắt Trung ương, không ít bệnh nhân đau mắt, giảm thị lực, khi bác sĩ thăm khám tiền sử bệnh thì phát hiện có yếu tố... kính vỉa hè.

Đáng nói, nhiều người khi mới đeo kính thấy hơi nhức, mỏi mắt... thì chủ quan cho rằng mới đeo kính nên chưa quen mắt. Thực ra, đây là những phản ứng sớm của mắt với kính kém chất lượng, lâu dần, nó tác động rất nhiều lên mắt, khiến thị lực bị giảm, rối loạn thị giá...

Vẫn 'vô tư' dùng

Dù đã được cảnh báo kính kém chất lượng sẽ gây những tác hại nặng nề cho mắt, nhưng trên thực tế, các điểm bán kính mắt trên vỉa hè Hà Nội như đường Láng, phố Lê Duẩn, đường Trần Duy Hưng, Tôn Thất Tùng... vẫn luôn đắt khách. Người mua không biết rằng những chiếc kính này có thể làm hại mắt. Tuy nhiên, TS Hơn cũng khẳng định, tại một số cửa hàng kính thuốc nếu khảo sát thì cũng không ít những kính kém phẩm chất, và người bán kính chỉ thuần có 'chuyên môn' của thợ mài, lắp. Tai hại nhất đối với người mua kính là gặp phải người bán thiếu hiểu biết về nhãn khoa và chất lượng kính.

Nếu đeo kính không đúng, nhiều trường hợp mắt bình thường trở thành mắt có tật khúc xạ, tật nhẹ thành nặng. 'Trường hợp này đã xảy ra khá nhiều với các em học sinh, sinh viên. Các em hay mua kính trắng không số đeo để chống bụi. Nhưng vì kính kém chất lượng, lâu ngày, mắt các e bị giảm thị lực...', PGS Hơn cho biết.

PGS.TS Hơn đưa ra lời khuyên, khi mắt bị tật khúc xạ phải đeo kính, hoặc định 'tậu' cho mình một đôi kính mắt thời trang, mọi người nên đến các cửa hàng kính mắt lớn, có uy tín để đảm bảo mua hàng đúng tiêu chuẩn để giảm nguy cơ bị các bệnh về mắt do kính.

Khi mới đeo kính, dù mắt chưa có phản ứng gì nhưng nếu xuất hiện các triệu chứng như có cảm giác khó chịu, khó nhìn, nhìn không bình thường, loá mắt, đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, nhức đầu... thì không nên tiếp tục đeo kính. Hãy đến bác sĩ chuyên khoa mắt khám để được tư vấn mua loại kính phù hợp nhất.

Hồng Sam (Theo TuoiTre)

Đông vừa sang đã gãi như bị ghẻ

Vừa chớm vào mùa đông, làn da khô sần khiến nhiều người khó chịu. Không chỉ có vậy, nhiều trường hợp còn đối mặt với những cơn ngứa rách da, rách thịt.

Thức trắng đêm để... gãi

Gặp chị Lê Thị H. (Trần Khát Chân, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang ngồi chờ vào khám bệnh tại Bệnh viện Da liễu Hà Nội. Chị H. cho biết đã hơn một tuần nay, vừa vào rét đậm cũng là lúc người chị ngứa như điên lên.

“Đêm không tài nào ngủ mà chỉ nằm gãi xoành xoạch, làm cho chồng cũng sốt ruột thêm, nhà có hai mẹ con bị ngứa, đứa con trai còn phát cước cả chân tay cứ chạm vào nước, nổi mẩn đỏ lên”.

 

Chờ xếp hàng vào khám bệnh tại Viện Da liễu Quốc gia

 

Chị H. cho biết mấy năm trước cũng có ngứa nhưng chưa năm nào ngứa gay gắt như năm nay. Hai mặt ngoài chân và tay của chị thâm tím vì những nốt gãi bị sứt da đang liền sẹo.

Cũng giống với hoàn cảnh của chị H., Nguyễn Thu Lan - trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội vén chân tay lên khoe “chiến tích” là những nốt sẹo đỏ - di chứng để lại của mấy đêm gãi ngứa ròng. “Da mặt bong vẩy, da chân tay mốc meo còn ngứa như bị ghẻ nữa, chưa khi nào thấy thảm hại như vậy. Nếu cả mùa đông cứ như thế này mãi thì chắc mùa đông trở thành điều đáng sợ đối với con gái”.

Những chị em ở nhà nội trợ thì việc gãi ngứa cũng còn đỡ. Nếu đang làm việc hoặc ở chỗ đông người, điều đó thật khốn khổ. Lan kể ngồi trong lớp mà người cứ ngứa ran, ngọ ngoậy như sâu đo mà không dám gãi.

Bùi Thị Trâm A., nhân viên kinh doanh Bibica cho biết về nỗi khổ mỗi khi cơn ngứa ập đến. “Những lúc ngồi một mình thì tha hồ gãi đến chảy máu ra, sướng thì thôi. Thỉnh thoảng đi giao dịch ngồi với khách hàng, người ngứa không chịu nổi phải chạy vào... toilet để gãi”.

Một tuần 5 lần mua thuốc nẻ

Khô da, nẻ da, ngứa da khi vừa vào mùa đông không chỉ mất thẩm mỹ mà còn gây nhiều phiền toái lớn. Chính vì lẽ đó công cuộc chống chọi với ngứa da cũng diễn ra rầm rộ. Các cửa hàng mỹ phẩm khách hàng ra vào tấp nập hẳn lên.

 

Sản phẩm chống nẻ được nhiều người hỏi mua, nhất tại các cửa hàng mỹ phẩm
 

Tại cửa hàng mỹ phẩm Tiến Thời trên phố Lê Trọng Tấn, Hà Nội, nhân viên ở đây cho biết lượng hàng kem dưỡng ẩm chống nẻ bán chạy nhất. Khách hàng vẫn ưa chuộng các sản phẩm chứa các tinh chất từ lô hội, thảo dược giá từ hơn 20 nghìn đồng đến tiền trăm ngàn cũng có.

Nhưng việc dùng các sản phẩm mỹ phẩm để trị khô da, nẻ da, đặc biệt là ngứa da dường như không mang lại hiệu quả như lời quảng cáo, tư vấn của nhân viên bán hàng.

Vũ Thu Giang, sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội đã phải 5 lần đi mua kem chống nẻ trong mấy ngày rét. “Mỗi lần đi mua về dùng không hợp, quay lại thì chị bán hàng lại bảo phải dùng loại kia tốt hơn. Nhưng khi mua về, chẳng thấy hiệu quả gì, lại phải thay loại khác”- Giang kể. Giang dùng nhiều đến mức da chân, da tay thô bì vì vaselin khô bó lại, rửa cũng không sạch được.

Theo tư vấn của nhân viên bán hàng, mỗi khi tắm xong, Giang lại cõng theo một lượng lớn kem dưỡng da trên lưng để phòng ngứa nhưng càng ngày ngứa càng đeo bám chặt hơn.

Anh Lưu Việt Tuấn (bán hàng kính mắt trên phố Đê La Thành) không ngần ngại giơ cánh tay thô sần vì sẹo ngứa và cho biết: “Mình bó tay và chấp nhận sống chung với ngứa, đồ vật còn khô héo vì hanh huống chi da người. Mùa đông người cứ như bị ghẻ”. Mấy hôm trước, anh Tuấn có dùng một số loại sáp trị nẻ và ngứa nhưng chẳng ăn thua.

Nghe mọi người nói tắm nước lá cho bớt ngứa, chị Ngần (số nhà 68, ngõ 243, Hoàng Mai, Hà Nội) không ngần ngại mua một nắm lá về nấu nước để tắm, thậm chí còn chặt cả vỏ cây xà cừ về nấu nước tắm nhưng vẫn ngứa rách da rách thịt. Chị Ngần cho biết nếu tình trạng này kéo dài hơn nữa, sẽ phải vào viện khám.

(Theo Bee)

Top 5 xu hướng mùa thu không thể bỏ qua

Những xu hướng thời trang đang hot nhất sẽ giúp bạn tự tin bước xuống phố và khiến mọi chàng trai đều phải dừng bước ngắm nhìn. Mùa thu với tiết trời dịu mát và hơi se lạnh là mùa lí tưởng để diện mọi bộ cánh mà mình yêu thích và thoải mái dạo phố mà không lo nắng gắt hay gió mùa. Hãy cùng xem những mẫu quần áo, giày dép và cả kiểu trang điểm đang làm mưa làm gió ở các kinh đô thời trang hiện nay (và dự đoán sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng ở Việt Nam trong thời gian tới) để trở thành một cô nàng thật sành điệu 'từ đầu đến chân' nhé.

1.    Legging màu trắng

Màu trắng từ trước đến nay vẫn luôn là môt gam màu cơ bản và dễ kết hợp, đặc biệt là với những cô nàng sở hữu phong cách hơi nữ tính, tiểu thư. Chính vì thế, legging màu trắng sẽ là một phụ kiện không thể thiếu nếu bạn thường xuyên mặc váy hay short ngắn. Kiểu legging này không những giúp bạn giữ ấm khá tốt mà còn khiến bộ trang phục trở nên đặc biệt hơn rất nhiều.


Legging màu trắng rất đẹp nhưng chỉ hợp với những bạn
gái có chân thon gầy một chút thôi nhé!

2.    Kính mắt mèo

Nếu bạn đã quá chán với những kiểu mắt kính quen thuộc như aviator hay kính Nobita, thì cat-eye glasses (kính mắt mèo) sẽ là một gợi ý thú vị cho bạn. Kiểu mắt kính này đặc biệt hợp với những cô nàng sở hữu phong cách cá tính, bụi phủi hay theo xu hướng retro.


Mẫu kính của Giles Deakon


Kính mắt mèo cá tính trong bộ sưu tập của Jeremy Scott


Hãng thời trang Prada cũng giới thiệu những mẫu kính mắt mèo theo
phong cách retro trong bộ sưu tập mùa thu 2010. Vì riêng phần gọng kính
đã khá đặc biệt nên bạn chỉ cần ăn mặc thật đơn giản và ít phụ kiện là
đã có một bộ trang phục 'đúng chuẩn'.

3.    Váy dài quá gối

Trào lưu retro vẫn chưa hạ nhiệt và được dự đoán sẽ vẫn còn được giới trẻ khắp nơi yêu thích trong mùa thu đông năm nay. Chính vì thế các nhà thiết kế vẫn tiếp tục giới thiệu những mẫu áo váy theo phong cách này trong bộ sưu tập mới nhất của mình. Những chiếc váy chữ A dài quá gối là một trong số đó. Kiểu váy này đặc biệt hợp với những cô nàng cao ráo và thon thả, giúp bạn có một vẻ ngoài vừa sang trọng vừa có phần cổ điển hơn rất nhiều.


Những chiếc váy dài cực đẹp của Louis Vuitton


Mẫu váy của Dries Van Noten

4.    Giày guốc

Mặc dù đã được giới thiệu từ mùa hè nhưng đến mùa thu năm nay, trào lưu giày guốc (clog) mới thực sự bùng nổ, đặc biệt là khi có sự 'hậu thuẫn' rất phong cách của các loại legging. Kiểu giày này không hề kén người đi, bên cạnh đó lại còn có tác dụng gia tăng chiều cao khá đáng kể, nên sẽ là một phụ kiện không thể thiếu của những cô nàng hơi 'nấm lùn'.


Những kiểu giày guốc quen thuộc của Chanel


Mẫu giày guốc rất sáng tạo của Louis Vuitton


Hãy thử kết hợp kiểu giày này với những bộ trang phục theo phong cách retro
hoặc những bộ váy hơi cổ điển một chút bạn nhé

5.    Mắt màu xám khói

Tông mắt màu xám khói sẽ bạn có một đôi mắt sâu và một ánh nhìn ấm áp hơn trong mùa thu se lạnh. Vào buổi ngày, bạn có thể đánh mắt màu xám và kẻ một viền mắt màu đen mảnh, còn vào buổi tối, bạn có thể nhấn thêm đuôi mắt một chút màu đen và nhũ bạc để trở nên nổi bật hơn. Hãy tham khảo kiểu trang điểm mắt theo tông màu xám khói đẹp tuyệt của những ngôi sao Hollywood:

Vì màu mắt này đã khá nổi bật, nên má và môi bạn chỉ nên trang điểm thật nhẹ theo tông màu nude hoặc hồng cam bạn nhé, nếu không sẽ rất phản cảm đấy.

Bạn có thích những xu hướng mới nhất này không? Và sẽ chọn cho mình một phong cách phù hợp nhất để diện ra đường trong mùa thu này chứ?

(Theo 2sao)

Bị mù, đục thủy tinh thể vì kính vỉa hè

Chỉ vì ham mua các loại kính rẻ, không rõ nguồn gốc trên thị trường, nên rất nhiều người bị nhiễm các bệnh về mắt. Nếu nhẹ thì mắt thường có cảm giác lóa, mỏi, còn nếu bị nặng thì thị lực bị giảm và gây rối loạn mắt.

[b]"Ma trận" kính rởm, kính nhái[/b]

Trên nhiều đường phố ở Hà Nội, người đi đường rất dễ bắt gặp các “đại lý” kính vỉa hè bày bán vô vàn các kiểu kính với nhiều kiểu dáng, màu sắc. Tại một điểm bán kính trên vỉa hè đường Láng, chúng tôi hỏi mua một chiếc kính râm hiệu Rayban mà người bán quảng cáo là “xịn nhất cửa hàng em” với giá chỉ 120.000đ/chiếc. Khi đeo thử kính, cảm giác đầu tiên là khoảng cách, không gian không thật, mọi thứ đều có cảm giác bị võng ra. Theo người bán hàng, các mặt hàng ở đây chủ yếu bán cho học sinh – sinh viên, những người có thu nhập thấp với giá từ 15.000đ cho đến hơn 100.000đ một chiếc. Thậm chí, tại đây còn có dịch vụ đo mắt cận bằng phương pháp thủ công, rất thiếu khoa học. Người mua chỉ cần nhìn vào tấm bảng thị lực và người bán cứ thế áng chừng khoảng cách để suy ra độ cận của khách hàng.

Qua tìm hiểu, các loại kính bày bán ở vỉa hè đều có nguồn gốc chủ yếu của Trung Quốc với giá nhập từ 5.000 – 50.000đ/chiếc và những sản phẩm này đều gắn mác những sản phẩm nổi tiếng như Rayban, Police, Armani, Versace... Ngay cả mua kính trong các cửa hiệu sang trọng, người mua nếu không có những hiểu biết nhất định, thì rất dễ mua phải kính nhái với giá tiền kính hàng xịn. Với những sản phẩm nhái cao cấp này, từ những chi tiết nhỏ nhất cho tới phụ kiện đi kèm như khăn lau, hộp đựng cho tới sách hướng dẫn, sổ chứng nhận đều được làm nhái một cách tinh vi, rất khó nhận biết.

Chúng tôi có gặp chị Nguyễn Phương Anh (phố Hồng Mai, quận Hai Bà Trưng) đang khám mắt tại Viện Mắt Trung ương. Theo chị Phương Anh, chỉ vì ham rẻ mà chị có mua một chiếc kính trắng không độ tại một cửa hàng bán kính trên vỉa hè đường Hoàng Hoa Thám. Sau một thời gian đeo kính, thấy mắt có dấu hiệu mỏi, mệt, hay chảy nước mắt, nên chị đã đến khám tại Viện Mắt. Tại đây, chị mới ngớ người khi mắt mình từ không độ thành cận gần 2 điốp với nguyên nhân được bác sĩ cho biết là đeo mắt kính chất lượng kém, làm giảm thị lực mắt.

[b]Nên khám mắt trước khi mua kính[/b]

Theo các bác sĩ chuyên khoa mắt, việc cần làm đầu tiên khi thấy thị lực giảm là phải đến các chuyên khoa, bệnh viện mắt để khám, chứ không nên mua và đeo kính một cách tùy tiện. Việc đo kính cũng cần phải tuân thủ nghiêm những quy trình như kính phải đúng chất lượng theo yêu cầu như độ cận, viễn và loạn thị, đảm bảo sự trong suốt, không có những gợn sóng bề mặt và có nguồn gốc rõ ràng..., tuyệt đối không được đo mắt bằng phương pháp thủ công, hay tại các cơ sở có trang thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, bởi kết quả đo thường không chính xác, dẫn tới những tác hại lâu dài về sau.

Theo khuyến cáo của bác sĩ chuyên khoa mắt, nếu người dùng mua kính vỉa hè với chất lượng kém sẽ có nguy cơ gây ra những biến chứng của mắt rất phức tạp, gây nên những tác động xấu cho mắt. Nếu nhẹ thì giảm thị lực, rối loạn thị giác còn nặng thì có thể dẫn đến mù lòa do thủy tinh thể bị đục. Đặc biệt, đối với kính râm, khi sử dụng sẽ làm giảm cường độ ánh sáng đi vào mắt, lúc này đồng tử mắt sẽ dãn hơn so với bình thường làm đôi mắt trở nên yếu đi rõ rệt.

Theo Viện Đo lường VN, 90% sản phẩm mắt kính thuốc được lấy mẫu trên thị trường chuyển về để kiểm tra đều không đạt chuẩn với các lỗi vi phạm như: Không ghi nhà sản xuất; không có tem của nhà nhập khẩu hay phân phối; phần lớn mắt kính thuốc có nguồn gốc từ Trung Quốc... Về chất lượng các máy đo kính thuốc, khoảng 95% số máy đo khúc xạ, máy đo kính mắt có sai số vượt quá tiêu chuẩn, thậm chí có những máy đo sai số gấp 3 lần quy định, trong khi theo quy định của các tổ chức đo lường thì máy đo kính mắt được khuyến cáo cần đưa vào danh mục bắt buộc phải kiểm định, đo lường thường xuyên.

Bạn đọc có bức xúc về chất lượng, giá cả hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ, hay có thông tin về quyền lợi NTD bị xâm phạm, xin liên hệ với chuyên mục Bảo vệ người tiêu dùng (trang Hà Nội - Báo Lao Động). ĐT: 3.5330305 (máy lẻ 125, 126). Hotline: 090.414.6678. Email: bvntd.laodong@gmail.com.

Phi Long
(laodong)