Lưu trữ cho từ khóa: kiến thức y học

Thường xuyên buồn nôn sau khi ăn?

Khoảng vài tuần nay, em rất hay bị đầy hơi, trướng bụng và đau ở vùng trên rốn, nhất là sau khi ăn, thậm chí thỉnh thoảng còn bị nôn ra thức ăn vừa mới ăn. Ngoài ra, bụng em thường xuyên sôi ùng ục hoặc phát ra những tiếng kêu róc rách mỗi khi em nằm hay ngồi gập đầu gối lên. Tình trạng này khiến em trở nên gầy gò, xanh xao, mệt mỏi, thèm ăn nhưng không dám ăn vì ăn vào là đau nhiều hơn. Mong bác sĩ giải đáp liệu em có bị bệnh gì nghiêm trọng không và cách chữa trị ra sao ạ? Em xin cảm ơn!

(wing_an…@yahoo.com).

buon-non

Chào em,

Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em đã mắc phải chứng hẹp môn vị.

Đây là hiện tượng thức ăn bị ứ đọng lại trong dạ dày không xuống ruột được hoặc xuống rất hạn chế. Bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân lành tính nhưng cũng có trường hợp ác tính gây nguy hiểm cho người bệnh.

Dạ dày của người bình thường gồm tâm vị, bờ cong nhỏ, bờ cong lớn, hang vị, môn vị. Môn vị nằm ở cuối dạ dày chỗ tiếp nối với hành tá tràng, đóng vai trò quan trọng trong tiêu hóa thức ăn và liên quan mật thiết với các bộ phận khác của dạ dày. Vì vậy mỗi khi một bộ phận nào đó của dạ dày bị tổn thương (viêm, loét, ung thư) đều có ảnh hưởng đến môn vị, và ngược lại.

Hẹp môn vị thường xảy ra cấp tính nhưng cũng có thể diễn biến trong thời gian dài. Một số trường hợp do dạ dày hoặc tá tràng bị viêm cấp kéo theo làm hẹp môn vị nhưng qua đợt cấp này thì môn vị lại trở về trạng thái ban đầu.

Bên cạnh những nguyên nhân gây hẹp môn vị lành tính thì có không ít nguyên nhân ác tính như do ung thư hang vị hoặc ung thư môn vị. Chính các khối u này làm chít hẹp lòng của môn vị kèm theo sự viêm nhiễm làm cho thức ăn và dịch vị rất khó hoặc không thể đi qua để xuống ruột. Khối u càng lớn thì sự chít hẹp môn vị càng nhiều và tỉ lệ ung thư vùng hang vị, môn vị dạ dày chiếm khá cao, có khi lên tới 60% các trường hợp ung thư khác của dạ dày (bờ cong nhỏ, tâm vị,…).

Ngoài ra, cũng có thể gặp hẹp môn vị trong trường hợp polýp môn vị, sẹo môn vị do bỏng hoặc hẹp môn vị bẩm sinh (biểu hiện hẹp môn vị ngay sau khi trẻ sinh ra) hoặc hẹp môn vị do nguyên nhân ngoài dạ dày, ví dụ như u hoặc ung thư đầu tụy.

Mọi trường hợp khi xác định bị bệnh về dạ dày – tá tràng cần được điều trị tích cực, đúng phác đồ và kiêng khem đúng mực để bệnh chóng bình phục, tránh xảy ra hiện tượng viêm mãn tính hoặc loét dẫn đến hẹp môn vị.

Hiện nay, để xác định bệnh của dạ dày thì ngoài khám lâm sàng, chụp X-quang thì nội soi dạ dày (gây mê hoặc không gây mê) đang là một bước tiến mới trong chẩn đoán bệnh. Chụp dạ dày sẽ được thể hiện tình trạng của dạ dày, môn vị và tá tràng. Khi hẹp môn vị thường dạ dày giãn to, sa dạ dày và thức ăn còn tồn đọng nhiều trong dạ dày.

Vì vậy bác sĩ Mèo khuyên em nên đến bệnh viện chuyên khoa khám trực tiếp để nhận được chỉ định điều trị thích hợp cho tình trạng của mình.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

 (Theo Kenh14)

Những trường hợp dị ứng với thuốc

 

Năm nay em 17 tuổi và là nữ. Khoảng 2 tháng nay, em bị viêm họng nặng nên phải uống rất nhiều loại kháng sinh. Gần đây, khi mới đổi từ thuốc uống sang viên ngậm thì em thấy cơ thể mình có biểu hiện lạ. Cụ thể là sau khi dùng thuốc tầm 15 – 30′ thì cổ họng em có vẻ bị sưng phù, tim đập nhanh, khó thở và da mặt hơi bị mẩn đỏ lên. Các triệu chứng này tồn tại khoảng vài tiếng rồi tự hết. Mong bác sĩ giải đáp giúp liệu em có bị bệnh gì nghiêm trọng không ạ? Em xin cảm ơn!

(khanh_l…@yahoo.com)

Chào em,

Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng em đã bị dị ứng với loại thuốc mà em đang sử dụng.

Đây là hiện tượng cơ thể không dung nạp được với thuốc uống, chích, thoa, làm dẫn đến các biểu hiện gây hại cho sức khỏe bệnh nhân.

Sự xuất hiện của tình trạng dị ứng thuốc do: Histamine là một chất có sẵn trong cơ thể như máu, các mô dưới dạng liên kết tĩnh điện histamine-héparine không có hoạt tính.

Khi có chất lạ vào cơ thể người dễ bị dị ứng thì nối tĩnh điện bị cắt đứt làm histamine được phóng thích tạo nên tác dụng dược lực tác động lên hệ tuần hoàn làm giãn mạch gây tụt huyết áp, vào tim làm tim đập nhanh, lên não gây nhức đầu do bị tăng áp lực nội sọ, lên hô hấp làm co thắt khí phế quản gây nghẹt thở, lên hệ tiêu hóa làm co thắt cơ trơn…

Tùy theo cơ địa mà người dùng thuốc bị dị ứng với bất cứ thuốc nào kể cả những thuốc được xem là lành tính như vitamin B1. Trường hợp dị ứng thuốc nặng (hay sốc thuốc) gọi là choáng phản vệ, có thể dẫn đến tử vong. Cụ thể:

1. Dị ứng thuốc nhẹ:

- Mẩn ngứa, phát ban, nổi mề đay, mắt ngứa, đỏ, tụt huyết áp do mao mạch bị giãn nở.

- Khó thở do khí phế quản bị co thắt.

- Kích thích cơ trơn đường tiêu hóa gây co thắt, nôn mửa.

2. Dị ứng thuốc trầm trọng : bao gồm:

- Hội chứng Lyell: Da loét, tạo nhiều mảng lớn như bị bỏng, có thể dẫn đến tử vong.

- Hội chứng Steven-Johnson: Với những người nhạy cảm sulfamid, thuốc sẽ gây phản ứng dị ứng trầm trọng ở da và máu, gây phát ban đỏ, loét niêm mạc, nóng lạnh, đôi khi viêm cơ tim, viêm thận, viêm phế nang.

3. Dị ứng thuốc nặng: sốc thuốc (còn gọi là choáng phản vệ):

Xảy ra rất nhanh sau khi tiêm hoặc uống thuốc, người khó thở, trụy tim mạch. Đây là trường hợp dễ dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Thường gặp khi tiêm chích thuốc nhất là các thuốc kháng sinh như Penicillin, Streptomycin…, cho nên trước khi tiêm các thuốc trên cho bệnh nhân, nhân viên y tế cần phải thử phản ứng.

Điều quan trọng của điều trị dị ứng là tìm ra nguyên nhân và tránh tiếp xúc với nó, như không dùng các loại thuốc đã từng gây ra dị ứng… Ngoài ra, việc dùng thuốc chống dị ứng chỉ mang tính chất tạm thời để giải trừ tác động của Histamin trong cơ thể, làm mất hậu quả của dị ứng do đó không nên lạm dụng thuốc chống dị ứng.

Vì vậy, bác sĩ Mèo khuyên em cần lập tức ngưng dùng thuốc đó ngay và đến bệnh viện chuyên khoa khám trực tiếp để nhận được chỉ định điều trị thích hợp cho tình trạng của mình.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

(Theo Kenh14)

 

Những mối “nguy hiểm” rình rập quanh phòng tắm

Đó là những đồ dùng vô cùng quen thuộc luôn nhá!

Giấy vệ sinh

Nhiều bạn nữ sử dụng giấy để lau "vùng kín" sau khi đi vệ sinh mà không hề biết đến mối nguy cơ có thể xảy ra từ việc ấy.

Giấy vệ sinh thường là giấy tái chế và để làm trắng, nó được thêm vào cả bột talc và chất tẩy. Những phụ gia này chứa nhiều hợp chất có hại cho sức khỏe. Theo một nghiên cứu về độ an toàn của giấy vệ sinh thì nếu bạn sử dụng chúng trong thời gian dài thì có thể dẫn đến bệnh bạch cầu và ung thư.

Vì thế, sau mỗi lần đi vệ sinh, tốt hơn là chúng ta nên rửa bằng nước sạch. Tuy nhiên, các ấy cũng không nên dùng vòi nước xối thằng vào âm đạo vì điều này sẽ gây tổn thương cho cô bé đấy nhé!

Kem đánh răng

“Tử thần” cũng không bỏ qua kem đánh răng đâu nhé! Trong rất nhiều loại kem đánh răng có một hóa chất là lauryl sulfate có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa và nhiễm độc gan. Ngoài ra, hóa chất này còn có thể mài mòn răng, làm tổn thương nướu, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập. Do đó, các bạn không nên đánh răng quá nhiều, tốt nhất là chúng ta chỉ nên đánh răng 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi tối thôi.

Khăn lau, khăn tắm

Chúng ta có thói quen thường đặt khăn tắm, khăn lau trong nhà vệ sinh mà không chú ý rằng phòng tắm là môi trường "tuyệt vời" cho sự gia tăng vi khuẩn. Đây là một không gian công cộng cho tất cả các thành viên gia đình và bạn bè sử dụng, do đó các loại khăn rất dễ bị lây nhiễm. Khi vệ sinh bằng khăn lau bị ô nhiễm thì các bệnh khác cũng có cơ hội xảy ra trong đó bao gồm cả bệnh phụ khoa nữa đấy!

Do đó, chúng na nên thường xuyên làm sạch, vô trùng khăn tắm, khăn lau để tránh nhiễm khuẩn và các căn bệnh nguy hiểm khác, đặt khăn lau, khăn tắm ở nơi khô ráo và thoáng mát.

Nước chà rửa bồn cầu

Nước chà rửa bồn cầu luôn được xem như là "bạn đồng hành" của nhà vệ sinh. Tuy nhiên, việc đặt "người bạn" này ngay trong nhà vệ sinh thì hoàn toàn không tốt cho sức khỏe tí nào!

Nguyên nhân là vì loại dung dịch tẩy rửa này chứa nhiều hóa chất tổng hợp có thể gây ra những hiểm họa sức khỏe cho cơ thể chúng ta. Một trong số đó có axit hy-drocloric – loại hóa chất gây ho và khó thở cho người dùng. Vì thế, đã đến lúc bạn nên "cách ly" anh chàng này khỏi nhà vệ sinh rồi đấy nhé!

Dầu gội đầu

Cho dù đắt hay rẻ thì dầu gội đầu nào cũng là một hỗn hợp hóa học với các thành phần không hoàn toàn vô hại cho sức khỏe. Cụ thể, dầu gội đầu có chứa các thành phần nhũ tương dễ phản ứng hóa học với các chất khác tạo ra một chất gây ung thư gọi là "N-nitroso-Diethanolamine".

Vì vậy, khi mua dầu gội đầu, các bạn phải đọc kỹ các thành phần ghi trên nhãn của nó, chỉ nên sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên. Đồng thời, chúng ta không nên gội đầu quá nhiều, khiến da đầu thường xuyên tiếp xúc với chất tẩy rửa, làm giảm độ ẩm và sự an toàn của sức khỏe chúng ta nhé!

(Theo Kenh14)

Chuyện của cậu bé hẹp thực quản

9 năm gặp lại, vẻ hạnh phúc vẫn hiện trên gương mặt Phong và cha mẹ cậu khi chúng tôi nhắc đến ca mổ năm xưa của Phong. Ba Phong chia sẻ: “Ngày đó nghĩ đến cảnh con mình lớn lên với việc ăn uống khó khăn, đeo ống bên hông mà đau cả lòng. Lúc đó chúng tôi đã đi nhiều bệnh viện nhưng ai cũng từ chối. May mắn thay gặp bác sỹ Dumas và các bác sỹ bệnh viện FV. Phải nói là các bác sỹ đã trả lại cho con chúng tôi hương vị của cuộc đời.”

Sau ca mổ, Phong đã có thể thưởng thức các món ăn mà mình yêu thích (Ảnh được cung cấp bởi Bệnh viện FV)

Cậu bé Phong chào đời trong niềm hy vọng và hạnh phúc của cha mẹ. Anh chị Lai chăm sóc con trai thật cẩn thận, nhưng cậu bé vẫn làm biếng ăn và hay bị ói sữa ngay sau khi vừa ăn xong. Đến khi Phong ăn dặm, cậu ăn rất chậm mới hết bát bột và thường xuyên mắc nghẹn. Thấy con không bình thường, anh chị đưa con đến bệnh viện Nhi Đồng 1 kiểm tra thì biết được con trai mình bị chứng hẹp thực quản bẩm sinh. Chính vì chứng bệnh trên mà Phong thường khó ăn và nôn ói sau khi ăn.

Hoang mang vì lần đầu tiên nghe căn bệnh này, cha mẹ Phong năn nỉ bác sỹ chữa cho con mình dù tốn bao nhiêu tiền cũng chấp nhận, nhưng bác sỹ từ chối vì vào thời điểm đó, các cơ quan y tế chưa có kỹ thuật để chữa căn bệnh của Phong. Các bác sỹ hẹn cha mẹ Phong khi nào có đoàn bác sỹ nước ngoài sang sẽ hỗ trợ chữa bệnh cho Phong. Trong thời gian chờ đợi, Phong phải ăn bằng cách đặt ống thông vào dạ dày. Ba mẹ đành nấu chín thức ăn, chắt thành nước bơm vào ống cho Phong để cậu đủ dinh dưỡng. Cậu bé lớn dần với ống thức ăn bên hông.

Năm Phong 8 tuổi, một lần vô tình đi ngang bệnh viện FV khi ấy vừa khánh thành, cha mẹ cậu ghé vào tìm hiểu thông tin. Được sự hướng dẫn tận tình của nhân viên bệnh viện, anh chị khấp khởi trong lòng. Hôm sau họ lập tức đưa con quay lại.

Thật may mắn vì thời điểm đó Tiến sĩ – bác sĩ Pierre – Joseph Dumas, chuyên gia phẫu thuật hàng đầu của Pháp đến thăm khám và làm việc tại bệnh viện. Sau khi kiểm tra cho Phong, bác sỹ Dumas hội chẩn với kíp mổ và quyết định: “Hẹp thực quản là một bệnh lý bẩm sinh cần được can thiệp ngoại khoa càng sớm càng tốt. Việc chậm điều trị có thể dẫn đến biến chứng viêm thực quản, viêm thanh quản, viêm phế quản phổi, hen suyễn, viêm tai, viêm xoang. Biến chứng muộn nguy hiểm hơn là hẹp thực quản, thậm chí ung thư thực quản…”

Với kinh nghiệm và kỹ thuật y khoa, bác sỹ Dumas đã đưa ra những quyết định khiến mọi đồng nghiệp vô cùng yên tâm. Kết quả ca mổ đã tiến hành vô cùng tốt đẹp.

Sau ca mổ, lần đầu tiên được ăn trọn vẹn một viên kẹo dẻo mà không phải nhả ra, Phong đã reo lên mừng rỡ: “Con ăn được rồi nè mẹ! Ba thấy không ba!” Cha mẹ cậu chỉ biết rưng rưng nước mắt mà bắt tay các bác sỹ cám ơn không ngừng. Cậu bé háo hức nếm và ăn tất cả những món mình ưa thích mà trước đến giờ không được ăn. Vẻ hạnh phúc hiện rõ trên gương mặt trẻ thơ của cậu.

Bây giờ Phong đã trở thành một cậu thiếu niên khỏe mạnh, cao to và mang nhiều hoài bão được làm việc cống hiến cho xã hội. Cậu chia sẻ: “Em cảm thấy cuộc đời mình đã lật sang trang mới từ sau ca mổ đó. Phép màu đó đến từ các bác sỹ.”

Sắp tới đây, từ ngày 12 đến 30 tháng 11 năm 2012 Tiến sĩ – bác sĩ Pierre – Joseph Dumas sẽ đến làm việc tại Bệnh viện FV. Một cơ hội cho các bệnh nhân tiếp cận kỹ thuật y khoa và kinh nghiệm chữa bệnh dày dạn của vị bác sỹ này.

Tiến sĩ – bác sĩ Dumas tốt nghiệp đại học Y khoa tại Pháp từ năm 1972. Với gần 40 năm kinh nghiệm và kiến thức y học uyên thâm, Tiến sĩ – bác sĩ Dumas được các đồng nghiệp nể trọng như một bậc thầy trong lĩnh vực phẫu thuật lồng ngực, mạch máu và tiêu hóa. Ngoài ra, ông còn là một trong những thành viên sáng lập Bệnh viện FV ngay từ những ngày đầu mới thành lập.

Lĩnh vực phẫu thuật chuyên sâu của Tiến sĩ – bác sĩ Dumas bao gồm:

  • Phẫu thuật tuyến giáp và cận giáp (đã thực hiện hơn 2.800 ca phẫu thuật)
  • Phẫu thuật nội tạng ít xâm lấn vùng ngực và bụng (nội soi lồng ngực, ổ bụng hoặc phẫu thuật nội soi hỗ trợ) ở các vị trí như thành bụng, thoát vị thành bụng, phổi, thực quản, dạ dày (trào ngược dạ dày thực quản do thoát vị hoành, loét, ung thư), đại tràng, trực tràng (cắt khối u, túi thừa), đường mật, túi mật, sỏi túi mật
  • Tái tạo thực quản, tạo hình thực quản dạ dày hoặc đại tràng (hẹp đường tiêu hóa, ung thư).

Trong suốt quãng thời gian công tác của mình, Tiến sĩ – bác sĩ đã đảm trách các chức vụ quan trọng tại các bệnh viện hàng đầu của Pháp như Trưởng bộ phận phẫu thuật cổ – lồng ngực và mạch máu, Trưởng bộ phận phẫu thuật tiêu hóa và nội tiết của Bệnh viện Đại học CHU, Bordeaux, Pháp từ năm 1977 – 1980. Ngoài ra, ông còn phụ trách giảng dạy về lâm sàng tại các bệnh viện ở Bordeaux về ngoại tổng quát và tiêu hóa trong năm 1980 – 1981 và làm Trưởng khoa tại Bệnh viện Đại học Riom từ tháng 10/1981. Năm 1993, ông được chính phủ Pháp giao nhiệm vụ ngoại giao tại Ả-rập Xê-út và làm trưởng khoa Ngoại của KFFMC tại Dahran.

Với kinh nghiệm dày dạn, ban giám đốc Bệnh viện FV đã tin tưởng giao trọng trách cho Tiến sĩ – bác sĩ Dumas khi đề cử ông đảm nhiệm chức vụ trưởng khoa Ngoại từ tháng 1/2003 đến tháng 4/ 2004. Sau đó, bác sĩ Dumas tiếp tục công tác tại Bệnh viện FV trong vai trò là bác sĩ làm việc định kỳ đến nay. Suốt thời gian công tác tại Bệnh viện FV. Ngoài tạo hình thực quản, một phẫu thuật phức tạp đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, bác sĩ Dumas còn phẫu thuật thành công cho nhiều ca bệnh bướu máu, bướu bạch huyết, phình động mạch, dãn tĩnh mạch chi dưới, u bao tử, u phổi và các trường hợp bệnh nhân biến chứng sau phẫu thuật cơ quan tiêu hóa như gan, mật, ống tiêu hóa, dạ dày, trực tràng, hậu môn… Tất cả bệnh nhân đều rất hài lòng với kết quả điều trị.

Để biết thêm chi tiết hoặc đặt hẹn với bác sĩ Pierre – Joseph Dumas, mời bạn liên hệ với khoa Ngoại, Bệnh viện FV qua số điện thoại: (08) 5411 3333 (ext: 1250) hoặc đặt hẹn trực tuyến bằng cách bấm vào đây.

Lệch nửa mặt vì tắm nửa đêm?

 

 Phải làm sao để lấy lại gương mặt cân đối như trước nhỉ?

Cách đây gần 1 tuần, vì mải chơi nên mãi đến tận khuya em mới đi tắm. Ngay khi vừa bước chân ra khỏi phòng tắm, em bỗng thấy người choáng váng và em đã trượt chân ngã xuống sàn. Mất 1 lúc sau ngồi im định thần lại thì cơ thể em mới trở lại trạng thái thăng bằng như trước. Tuy nhiên, đến sáng hôm sau, khi đánh răng, em phát hiện ra mặt em bị mất cân xứng, nhân trung lệch và môi miệng hơi bị nhếch về phía bên trái. Mong bác sĩ giải đáp giúp liệu em đã mắc phải bệnh gì và làm thế nào để mặt mũi trở lại cân đối, bình thường ạ? Em xin cảm ơn!

(thutra…@yahoo.com)

Chào em,

Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng em đã bị chứng liệt nửa mặt (hay trong dân gian thường gọi là “méo mặt”).

Đây là bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, với nhiều biển hiện khác nhau như: Người bệnh không nhắm kín được mắt ở bên liệt, không huýt sáo, không thổi, không chúm môi được. Có thể có một số chứng khác, cụ thể: ù tai, nghe kém và mỏi chân tay bên đối diện với nửa mặt bị liệt.

Những nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng liệt nửa mặt:

- Do u não: bao gồm u ở cầu não, u góc cầu tiểu não, u nền sọ (chú ý tới u màng não ở nền sọ), u vòm họng.

- Do sang chấn: sang chấn, ngã, đụng dập gãy rạn nứt xương đá.

- Do viêm nhiễm: bao gồm viêm màng não (nhất là viêm màng não do lao); viêm nhiễm rễ dây thần kinh (liệt dây VII hai bên – thể thân não của bệnh bại liệt); biến chứng của viêm tai cấp tính, mãn tính, viêm tuyến mang tai, viêm xương đá.

- Do “lạnh” (dân gian gọi là “trúng gió”): Thường gặp với bệnh cảnh đột ngột, sau khi tiếp xúc với trời lạnh, ngáp và bị liệt có thể đó là do nhiễm khuẩn tiềm tàng, chỉ biểu hiện ra khi nhiễm lạnh.

- Do bệnh Zona hạch gối: Zona là bệnh cấp tính do virus hướng thần kinh phạm vào hạch gối gây liệt mặt đột ngột. Đặc điểm là phát ban: ban đỏ, mụn nước ở quanh vành tai, vùng viền ống tai ngoài; có thể phạm cả vùng dây VII nên có thể có ban đỏ, mụn nước mọc ở 2/3 trước lưỡi.

Đối với liệt nửa mặt chưa rõ nguyên nhân hoặc “do lạnh” cần tiến hành những biện pháp điều trị nội khoa và ngoại khoa như sau:

- Giữ mặt cho ấm (quấn khăn len nếu trời lạnh).

- Sử dụng vitamin B1 liều cao: 0,025g – 10 ống/ngày, kết hợp với kháng sinh Ampicilin 1 – 2 g/ngày và kháng viêm Prednisolone, Hydrocortancyl theo chỉ định của bác sĩ.

- Thường xuyên nhỏ mắt bằng dung dịch Chloramphenicol trong trường hợp nặng. Không được dùng Strychnine vì dễ chuyển sang co cứng.

- Vật lý trị liệu: Cho người bệnh chạy điện nóng và làm sóng ngắn ngay ngày đầu.Có thể cho chạy điện dẫn Iod hoặc Ca.

- Thường xuyên tập các động tác ở mặt, ở trán, ở môi miệng.

- Châm cứu bên liệt các huyệt giáp xa, địa thương, thảo đường, có thể châm thêm các huyệt ấn đường, nghinh hương, hợp cốc. Trong quá trình châm cứu, cần định kỳ theo dõi, khám lại.

- Có thể phẫu thuật, nhất là những trường hợp nhanh chóng chuyển sang liệt co cứng nửa mặt.

Vì vậy, bác sĩ Mèo khuyên em nên đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thần kinh khám trực tiếp, từ đó phát hiện ra nguyên nhân gây bệnh và có chỉ định điều trị thích hợp, kịp thời.
Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

(Theo Kenh14)

 

Hỏi – Đáp về amip ăn não người

Cùng tìm hiểu nhanh những thông tin cần biết để phòng tránh ngay nhé!

- Hỏi: Amip ăn não người thường xuất hiện ở đâu?

Đáp: Loại amip này phát triển mạnh ở những vùng nước ngọt ấm áp như: ao, hồ, sông, suối… Ở một số hồ bơi không đảm bảo vệ sinh, amip vẫn có thể tồn tại.

- Hỏi: Nó xâm nhập vào cơ thể bằng cách nào?

Đáp: Chúng tấn công chúng ta qua đường mũi, di chuyển theo các sợi thần kinh khứu giác thông qua sàn sọ để lên não.

- Hỏi: Amip tấn công sẽ gây ra nguy hiểm gì?

Đáp: Khi nhiễm vào não, số lượng amip sẽ tăng lên nhanh chóng và bắt đầu ăn tế bào não để tồn tại. Nếu bị nhiễm, nạn nhân chắc chắn sẽ bị viêm màng não.

- Hỏi: Biểu hiện đầu tiên nhất khi bị amip tấn công là gì?

Đáp: Sốt là dấu hiệu đầu tiên hay gặp nhất, có thể sốt cao 39 - 40 độ C hoặc sốt nhẹ 37 - 38 độ C. Sốt khoảng 5 - 7 ngày, có khi lại kéo dài hàng tháng.

- Hỏi: Ngoài ra còn dấu hiệu gì nữa?

Đáp: Bên cạnh sốt, người nhiễm bệnh còn mắc những chứng thần kinh bất ổn, đau hạ sườn phải, rối loạn tiêu hóa, chán ăn, phù chân, bụng có dịch…

- Hỏi: Có thể sử dụng nước muối pha loãng để chống lại amip?

Đáp: Thực tế, amip tồn tại trong cả nước máy bình thường. Do đó, việc tự pha nước muối để rửa mũi không những không chống lại được vi khuẩn mà còn làm amip dễ xâm nhập vào cơ thể hơn.

- Hỏi: Phòng tránh amip bằng cách nào?

Đáp: Trước hết, hãy tập cho mình những thói quen tốt như: thường xuyên rửa tay với xà phòng diệt khuẩn, tắm rửa thường xuyên, chọn hồ bơi an toàn, sử dụng máy lọc nước trong sinh hoạt hằng ngày.

- Hỏi: Có khả năng chữa trị được khi bị amip tấn công không?

Đáp: Nếu được phát hiện kịp thời, hoàn toàn có thể sử dụng thuốc để điều trị.

(Theo Kenh14)

 

Bệnh “giời leo” lên tận mắt

Cách đây khoảng 2 ngày, em bỗng nhiên thấy mắt phải của mình hơi ngứa. Đến ngày hôm sau, khi ngủ dậy thì hai mí mắt của em đã sưng to và đỏ. Chỉ một ngày sau đó, vùng da đỏ đã nhanh chóng lan rộng hơn kèm theo sự xuất hiện của những mụn nước nhỏ mọc thành từng dải quanh mí mắt, sờ vào thấy đau rát như kiểu bị bỏng vậy. Mong bác sĩ giải đáp giúp liệu có phải em đã mắc bệnh giời leo biểu hiện ở mắt không? Bệnh này có nguy hiểm không và cách chữa trị ra sao ạ? Em xin cảm ơn!

(thuhie…@yahoo.com)

Chào em,

Zona (giời leo) do một dạng vi khuẩn herpes gây ra. Người mắc bệnh Zona sẽ phải chịu đựng cảm giác đau rát ở vùng phát ban.

Nếu đã từng có tiền sử bị bệnh thủy đậu thì đây là điều kiện thuận lợi cho bệnh Zona hình thành và phát triển. Bởi lẽ khi mắc thủy đậu (mặc dù đã được điều trị), cơ thể vẫn sẽ tồn tại một loại virus “ẩn nấp” trong các tế bào thần kinh. Khi hệ thống miễn dịch bị suy yếu cũng chính là lúc loại virus này “ lộ diện” và gây nên căn bệnh Zona.

Bệnh thường gây cảm giác đau rát vài ngày trước khi chứng phát ban xuất hiện với những vết sưng, mẩn đỏ. Sau đó chúng sẽ trở nên phồng rộp, có thể bao trùm khắp lưng, ngực hoặc có thể mọc ở một bên mặt. Các vết này thường có vảy cứng và mất đi sau 7 – 10 ngày. Tuy nhiên cũng có những trường hợp lớp vảy sau vài tuần mới chịu bong, điều này đồng nghĩa với việc cảm giác đau đớn sẽ kéo dài hơn so với thông thường (từ 1 – 3 tháng).

Nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách, bệnh có thể ảnh hưởng đến mắt, làm sưng phồng mí mắt, đỏ và đau. Lâu dần có thể dẫn đến sẹo giác mạc ở mắt, ảnh hưởng lớn đến thị lực. Nặng hơn, nó có thể gây ra tăng nhãn áp (glaucome) – căn bệnh có khả năng dẫn đến mù lòa trong cả quãng đời về sau.

Căn bệnh này tuy không lây lan nhưng mọi người xung quanh sẽ có nguy cơ cao mắc thủy đậu (nếu họ chưa bao giờ bị hoặc chưa tiêm phòng) khi tiếp xúc với người nhiễm Zona. Bởi virus thủy đậu có thể sống trong những chỗ phồng rộp và lan rộng cho đến khi chỗ phồng rộp hoàn toàn lành lại.

Rất đáng tiếc vì những gì em mô tả trong thư còn quá chung chung, không rõ ràng nên bác sĩ Mèo chưa thể chẩn đoán chính xác trường hợp bệnh của em được. Bác sĩ khuyên em tốt nhất nên đi khám tại Viện Da liễu Trung ương để biết đích xác mình có mắc bệnh Zona không, từ đó có chỉ định điều trị kịp thời.

Ngoài ra, cũng nên lưu ý rằng nếu đúng là em mắc bệnh Zona thì hãy cố gắng không tiếp xúc với trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi và phụ nữ mang thai để tránh lây bệnh cho họ nhé!

Chúc em luôn vui vẻ và khỏe mạnh!

(Theo kenh14)

Bướu máu và cách điều trị

Năm nay em 16 tuổi và là nữ. Từ lúc mới sinh, trên cánh tay em đã có một vết bầm tím khá lớn và đậm màu. Qua thời gian thì nó có mờ đi ít nhiều nhưng lại bị lan rộng hơn và phồng lên so với bề mặt da. Em đã đi khám rồi được chẩn đoán là bị bướu máu và chỉ định 1 loại thuốc bôi. Em kiên trì sử dụng thuốc đến nay đã được gần 1 năm nhưng tình hình bệnh vẫn không tiến triển gì nhiều, vết bầm vẫn mãi không hết. Mong bác sĩ giải đáp cho em muốn chữa khỏi hoàn toàn bệnh này thì phải mất bao lâu và liệu em có nên tái khám không ạ? Em xin cảm ơn!

(bitex…@yahoo.com.vn)

Chào em,

Bướu máu là một loại bướu lành tính (không phải ung thư) được tạo nên bởi các tế bào lót trong các mạch máu (gọi là các tế bào nội mô) khi chúng sinh sản nhanh chóng một cách bất thường. Bệnh thường gặp nhất ở lứa tuổi nhũ nhi (dưới 1 tuổi) với tỉ lệ 4 – 10% các bé này có ít nhất 1 bướu máu trong người. Phần lớn bướu máu (60%) xuất hiện ở vùng đầu – mặt – cổ, 25% ở thân mình, 15% ở tay chân. Đa số các trường hợp (80%) bướu máu chỉ xuất hiện ở 1 điểm, 20% có ở nhiều nơi. Tuy nhiên, hầu hết bướu máu chỉ xuất hiện ngoài da hoặc mô mỡ dưới da.

Diễn biến của bệnh được chia làm 2 giai đoạn cụ thể như sau:

- Từ khi xuất hiện, bướu máu có thể không phát triển, chỉ to ra theo tỉ lệ lớn lên của đứa trẻ (bướu máu phẳng). Trong các dạng thường gặp hơn thì bướu phát triển to dần rồi đột ngột to nhanh lúc trẻ được 2,5 – 9 tháng tuổi. Trong giai đoạn này, bướu máu có màu đỏ tươi, bề mặt căng và có nhiệt độ “nóng” khi sờ vào.

- Sau đó, bướu phát triển chậm dần và bắt đầu đi vào thời kỳ thoái hóa, diễn ra rất chậm. Nó sẽ chuyển dần thành bướu sợi – mỡ hoặc hòa lẫn vào mô mỡ bình thường. Ở giai đoạn này, bướu máu chuyển màu sậm hơn, bề mặt xuất hiện những đường nhăn nheo do khối lượng bướu giảm xuống.

Hiện nay có 3 phương pháp điều trị bướu máu:

1. Phá hủy bướu: dùng nhiệt (đốt điện), lạnh (đốt lạnh), tia xạ (dán phóng xạ), ánh sáng (laser) để đốt các tế bào bướu, hoặc dùng dao mổ cắt bỏ bướu và khâu lại.

2. Kìm hãm sự phát triển của bướu: dùng thuốc (corticoid thoa, chích hay uống), hóa trị.

3. Không can thiệp vào diễn tiến của bướu máu: chờ bướu thoái triển và xử lý di chứng.

Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo thấy rằng bướu máu của em xuất hiện đã lâu năm vì vậy điều trị theo phương pháp thứ 2 là không hề thích hợp. Bác sĩ khuyên em nên đi tái khám tại bệnh viện chuyên khoa để nhận được chỉ định điều trị mới, chính xác hơn cho trường hợp của mình. Tuy nhiên, đây là bướu lành nên phải chú ý mục tiêu của điều trị thiên về thẩm mỹ hơn là chỉ phá bỏ bướu không thôi.

Trong quá trình chữa bệnh, nếu xảy ra bất kỳ vấn đề gì, em cần trao đổi trực tiếp với bác sĩ điều trị của mình. Đặc biệt tuyệt đối không nên tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc gì.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

(Theo kenh14)

Mối nguy hiểm tiềm tàng do ngạt mũi thường xuyên

Nó có thể là dấu hiệu của chứng bệnh gì nhỉ?

Dạo gần đây không hiểu sao em bị ho nhiều, thành từng cơn không dứt kèm theo triệu chứng khó thở. Em thường bị ngạt mũi, thậm chí có lúc không thở được khi trời về chiều hoặc gặp thời tiết lạnh hay mưa. Em có mua thuốc về để uống và xịt mũi theo sự chỉ dẫn của bạn bè nhưng hiện nay tình hình vẫn không có gì cải thiện.Mong bác sĩ giải đáp giúp liệu em đang mắc bệnh gì và làm sao để chữa khỏi bệnh nhanh chóng ạ? Em xin cảm ơn!

(nguyens…@yahoo.com)

Chào em,

Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em đã bị viêm mũi do lệch vách ngăn.

Vách ngăn là bộ phận nằm trong hốc mũi và chia đôi hốc mũi. Nó được cấu tạo gồm phần sụn, xương có chiều dài khoảng 8cm, đi từ tiền đình mũi đến vòm mũi họng.Vẹo vách ngăn có thể gây nên viêm mũi, viêm xoang nhưng ngược lại, viêm mũi, viêm xoang lại không gây nên vẹo vách ngăn.

Thông thường nhiều trường hợp vách ngăn bị vẹo không có biểu hiện gì nhiều. Chỉ sau khi mắc phải một đợt cảm cúm kéo dài, dai dẳng không dứt, người bệnh đến bác sĩ chuyên khoa khám hoặc qua kiểm tra sức khỏe tổng quát thì mới được phát hiện. Cụ thể:

- Vẹo vách ngăn một bên thường làm cho người bệnh bị nghẹt mũi cùng với bên vẹo (vẹo hình chữ C). Tình trạng này thường xuyên diễn ra nhưng do họ đã “quen” dần nên không để ý, tuy nhiên chỉ cần lấy ngón tay bịt một bên mũi để còn lại bên mũi phía vách ngăn vẹo thì mới thấy rõ mũi không thông.

- Vẹo vách ngăn cả hai bên (vẹo hình chữ S), sẽ gây nghẹt mũi cả hai bên, biểu hiện bệnh cũng không rõ lắm trong giai đoạn mũi bình thường, không bị viêm nhiễm.

Nếu để tình trạng nghẹt mũi do vẹo vách ngăn kéo dài thì nó sẽ ảnh hưởng lên tim mạch, đến trí nhớ và năng suất làm việc (do đường thở không thông thoáng, lượng ôxy hấp thu không đủ). Ngoài ra còn có thể tạo ra điểm kích thích trong hốc mũi, gây gia tăng tình trạng viêm mũi dị ứng và nặng thêm bệnh lý hen suyễn (nếu có) trên người bệnh…

Tùy theo từng trường hợp mà hướng điều trị sẽ khác nhau chứ không phải hễ cứ vẹo vách ngăn là phẫu thuật.

- Nếu bị vẹo ở mức độ nhẹ, ít gây ra những triệu chứng tiêu cực thì bác sĩ chuyên khoa chỉ cần chỉnh, nắn vách ngăn lại tí xíu.

- Nếu vẹo nhiều gây ra những triệu chứng nặng, kéo dài, khi đó mới cần thiết phẫu thuật (theo phương pháp cổ điển hoặc theo phương pháp nội soi) để chỉnh hình vách ngăn. Khi chỉnh hình vách ngăn có thể bác sĩ sẽ cắt, gọt một phần nhưng cũng có thể cắt toàn bộ vách ngăn.

Bác sĩ Mèo khuyên em tốt nhất nên đến bệnh viện chuyên khoa khám để nhận được chẩn đoán chính xác, từ đó có chỉ dẫn điều trị tích cực, hiệu quả nhất cho trường hợp bệnh của em.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

BACSI.com (Theo Kenh14)

Khi bàn chân đột ngột xuất hiện lỗ

Đó là dấu hiệu của căn bệnh nguy hiểm gì nhỉ?

Khoảng hơn 1 năm nay, em bỗng mắc phải một chứng bệnh lạ. Đó là lúc nào 2 bàn chân của em cũng bị đau nhói bên trong. Ngoài ra, phần lòng bàn chân của em còn xuất hiện những “lỗ thủng” tròn, bên trong có nhiều sợi nhỏ, khô và cứng. Hiện giờ em rất hoang mang, lo lắng vì tình trạng này khiến em luôn cảm thấy khó chịu, bứt rứt. Mong bác sĩ giải đáp liệu em đang mắc phải bệnh gì và cách chữa trị ra sao ạ? Em xin cảm ơn!

(haimin…@yahoo.com)

Chào em,

Bàn chân có dạng hình vòm gồm có xương gót, xương sên, xương thuyền, xương hộp liên kết với nhau bằng các cơ và dây chằng. Dưới lòng bàn chân là 1 lớp đệm có tính chất đàn hồi. Cùng với cấu tạo vòm của lòng bàn chân, chúng sẽ giúp giảm sự chấn động lên toàn bộ cơ thể khi di chuyển. Triệu chứng đau bàn chân như em mô tả trong thư có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân cơ bản như:

- Viêm hoặc giãn gân a-sin (là gân nằm phía sau gót chân).

- Viêm các dây chằng ở lòng bàn chân.

- Gai xương gót chân: là sự mọc ra của xương ở bờ rìa của khớp (tuy nhiên một số ít trường hợp bị gai gót chân nhưng lại không có cảm giác đau gì cả).

Ngoài ra, các yếu tố sau cũng góp phần khiến cho tình trạng đau bàn chân tăng lên:

- Sự thoái hóa xương khớp tự nhiên.

- Vận động thể chất, tập luyện không đúng tư thế.

- Cấu tạo của bàn chân quá khum hoặc quá bằng phẳng.

Liệu trình điều trị phổ biến cho chứng bệnh này là sự kết hợp giữa các biện pháp sau:

- Sử dụng giày, dép bệt, có đế mềm hoặc có miếng lót êm.

- Tập vật lý trị liệu bàn chân.

- Uống thuốc giảm đau, kháng viêm.

- Nếu đau quá có thể chích thuốc tại chỗ nhưng không nên lạm dụng vì có thể có nhiều biến chứng như nhiễm khuẩn khớp, rách gân gót…

Sau khi đã thực hiện đầy đủ các phương pháp trên mà bệnh vẫn không thuyên giảm thì có thể áp dụng phương pháp phẫu thuật cắt gai xương hoặc cắt ½ gân gót tùy nguyên nhân gây đau.

Thời gian lành bệnh sau phẫu thuật từ 6 – 12 tuần.

Hiện giờ, bác sĩ Mèo khuyên em tốt nhất nên tới bệnh viện chụp X quang trực tiếp phần bàn chân để nhận được chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị kịp thời cho trường hợp của mình, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

BACSI.com (Theo Kenh14)