Lưu trữ cho từ khóa: kiến thức sức khỏe

Hiện tượng bóng đè là gì?

Đó là chứng bệnh gì vậy nhỉ???

Vài tháng nay, thỉnh thoảng trong giấc ngủ vào ban đêm, em có cảm giác bị cứng đờ hết người, khó thở đến mức toàn thân không thể cử động được như kiểu có ai đó đè lên người mình. Những lúc như vậy, em phải nằm im, thở nhẹ khoảng tầm 10 – 15 phút thì cơ thể mới trở lại bình thường được. Tuy nhiên, kể từ đó nhịp tim của em đập rất nhanh và gấp. Tình trạng này khiến em vô cùng lo lắng không biết có phải mình đã mắc bệnh gì về tim mạch không? Mong bác sĩ giải đáp giùm thắc mắc này của em với ạ! Em xin cảm ơn!

(goodgir…@yahoo.com)

Chào em,

Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em đang mắc phải chứng bóng đè. Đây thực ra là một hiện tượng mộng mị mà thôi. Cụ thể, khi bị bóng đè, người ta sợ toát mồ hôi, muốn kêu cứu, cựa quậy mà đành chịu. Dòng điện não ghi được trong giấc mơ cho thấy, hoạt động vỏ não nhanh, các tế bào thần kinh kích động mạnh, nhiệt độ trong sọ tăng do tăng chuyển hóa. Điều này khiến chúng ta cảm giác như mình vẫn đang thức nhưng thực tế, con ngươi của mắt tít lại như đang ngủ, các giác quan không tiếp xúc với bên ngoài, các bắp thịt không căng vì luồng thần kinh vận động bị chặn, các trung khu thần kinh chỉ huy lời nói và cử động bị ức chế.

Trong giai đoạn ngủ chập chờn và hay mộng, những kích thích yếu lại gây ra đáp ứng mạnh. Vì vậy, chỉ cần một bàn tay đặt lên ngực khi nằm ngửa, một cái cúc áo chật, hoặc không khí nhiều CO2 trong một buồng ngủ, thậm chí chỉ cần nằm nghiêng bên trái cũng có thể gây bóng đè với mê hoảng dữ dội.

Thường “bóng” chỉ đè những người “yếu bóng vía”, hay ám ảnh vì những điều vu vơ mà thiếu suy xét khoa học hoặc người khỏe nhưng một lúc nào đó còn một điểm yếu trong tinh thần.

Hướng điều trị cho triệu chứng này đơn giản chỉ là thay đổi lối sống, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý; tích cực tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, hoạt động ngoại khóa như đi dã ngoại, pic-nic…

Ngoài ra, để đề phòng bóng đè, em cũng nên chú ý những điều sau:

- Không đọc các loại truyện ma quỷ, kiếm hiệp, đánh đấm bạo lực gây kích thích thần kinh.

- Tư thế nằm ngủ phải thoải mái: Nằm nghiêng phải, chân hơi co, tay duỗi làm cho toàn bộ cơ bắp chùng giãn, đầu không vẹo lệch.

- Mặc quần áo rộng rãi, giữ gìn buồng ngủ thoáng khí.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

(Theo kenh14)

Bướu máu và cách điều trị

Năm nay em 16 tuổi và là nữ. Từ lúc mới sinh, trên cánh tay em đã có một vết bầm tím khá lớn và đậm màu. Qua thời gian thì nó có mờ đi ít nhiều nhưng lại bị lan rộng hơn và phồng lên so với bề mặt da. Em đã đi khám rồi được chẩn đoán là bị bướu máu và chỉ định 1 loại thuốc bôi. Em kiên trì sử dụng thuốc đến nay đã được gần 1 năm nhưng tình hình bệnh vẫn không tiến triển gì nhiều, vết bầm vẫn mãi không hết. Mong bác sĩ giải đáp cho em muốn chữa khỏi hoàn toàn bệnh này thì phải mất bao lâu và liệu em có nên tái khám không ạ? Em xin cảm ơn!

(bitex…@yahoo.com.vn)

Chào em,

Bướu máu là một loại bướu lành tính (không phải ung thư) được tạo nên bởi các tế bào lót trong các mạch máu (gọi là các tế bào nội mô) khi chúng sinh sản nhanh chóng một cách bất thường. Bệnh thường gặp nhất ở lứa tuổi nhũ nhi (dưới 1 tuổi) với tỉ lệ 4 – 10% các bé này có ít nhất 1 bướu máu trong người. Phần lớn bướu máu (60%) xuất hiện ở vùng đầu – mặt – cổ, 25% ở thân mình, 15% ở tay chân. Đa số các trường hợp (80%) bướu máu chỉ xuất hiện ở 1 điểm, 20% có ở nhiều nơi. Tuy nhiên, hầu hết bướu máu chỉ xuất hiện ngoài da hoặc mô mỡ dưới da.

Diễn biến của bệnh được chia làm 2 giai đoạn cụ thể như sau:

- Từ khi xuất hiện, bướu máu có thể không phát triển, chỉ to ra theo tỉ lệ lớn lên của đứa trẻ (bướu máu phẳng). Trong các dạng thường gặp hơn thì bướu phát triển to dần rồi đột ngột to nhanh lúc trẻ được 2,5 – 9 tháng tuổi. Trong giai đoạn này, bướu máu có màu đỏ tươi, bề mặt căng và có nhiệt độ “nóng” khi sờ vào.

- Sau đó, bướu phát triển chậm dần và bắt đầu đi vào thời kỳ thoái hóa, diễn ra rất chậm. Nó sẽ chuyển dần thành bướu sợi – mỡ hoặc hòa lẫn vào mô mỡ bình thường. Ở giai đoạn này, bướu máu chuyển màu sậm hơn, bề mặt xuất hiện những đường nhăn nheo do khối lượng bướu giảm xuống.

Hiện nay có 3 phương pháp điều trị bướu máu:

1. Phá hủy bướu: dùng nhiệt (đốt điện), lạnh (đốt lạnh), tia xạ (dán phóng xạ), ánh sáng (laser) để đốt các tế bào bướu, hoặc dùng dao mổ cắt bỏ bướu và khâu lại.

2. Kìm hãm sự phát triển của bướu: dùng thuốc (corticoid thoa, chích hay uống), hóa trị.

3. Không can thiệp vào diễn tiến của bướu máu: chờ bướu thoái triển và xử lý di chứng.

Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo thấy rằng bướu máu của em xuất hiện đã lâu năm vì vậy điều trị theo phương pháp thứ 2 là không hề thích hợp. Bác sĩ khuyên em nên đi tái khám tại bệnh viện chuyên khoa để nhận được chỉ định điều trị mới, chính xác hơn cho trường hợp của mình. Tuy nhiên, đây là bướu lành nên phải chú ý mục tiêu của điều trị thiên về thẩm mỹ hơn là chỉ phá bỏ bướu không thôi.

Trong quá trình chữa bệnh, nếu xảy ra bất kỳ vấn đề gì, em cần trao đổi trực tiếp với bác sĩ điều trị của mình. Đặc biệt tuyệt đối không nên tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc gì.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

(Theo kenh14)

Mối nguy hiểm tiềm tàng do ngạt mũi thường xuyên

Nó có thể là dấu hiệu của chứng bệnh gì nhỉ?

Dạo gần đây không hiểu sao em bị ho nhiều, thành từng cơn không dứt kèm theo triệu chứng khó thở. Em thường bị ngạt mũi, thậm chí có lúc không thở được khi trời về chiều hoặc gặp thời tiết lạnh hay mưa. Em có mua thuốc về để uống và xịt mũi theo sự chỉ dẫn của bạn bè nhưng hiện nay tình hình vẫn không có gì cải thiện.Mong bác sĩ giải đáp giúp liệu em đang mắc bệnh gì và làm sao để chữa khỏi bệnh nhanh chóng ạ? Em xin cảm ơn!

(nguyens…@yahoo.com)

Chào em,

Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em đã bị viêm mũi do lệch vách ngăn.

Vách ngăn là bộ phận nằm trong hốc mũi và chia đôi hốc mũi. Nó được cấu tạo gồm phần sụn, xương có chiều dài khoảng 8cm, đi từ tiền đình mũi đến vòm mũi họng.Vẹo vách ngăn có thể gây nên viêm mũi, viêm xoang nhưng ngược lại, viêm mũi, viêm xoang lại không gây nên vẹo vách ngăn.

Thông thường nhiều trường hợp vách ngăn bị vẹo không có biểu hiện gì nhiều. Chỉ sau khi mắc phải một đợt cảm cúm kéo dài, dai dẳng không dứt, người bệnh đến bác sĩ chuyên khoa khám hoặc qua kiểm tra sức khỏe tổng quát thì mới được phát hiện. Cụ thể:

- Vẹo vách ngăn một bên thường làm cho người bệnh bị nghẹt mũi cùng với bên vẹo (vẹo hình chữ C). Tình trạng này thường xuyên diễn ra nhưng do họ đã “quen” dần nên không để ý, tuy nhiên chỉ cần lấy ngón tay bịt một bên mũi để còn lại bên mũi phía vách ngăn vẹo thì mới thấy rõ mũi không thông.

- Vẹo vách ngăn cả hai bên (vẹo hình chữ S), sẽ gây nghẹt mũi cả hai bên, biểu hiện bệnh cũng không rõ lắm trong giai đoạn mũi bình thường, không bị viêm nhiễm.

Nếu để tình trạng nghẹt mũi do vẹo vách ngăn kéo dài thì nó sẽ ảnh hưởng lên tim mạch, đến trí nhớ và năng suất làm việc (do đường thở không thông thoáng, lượng ôxy hấp thu không đủ). Ngoài ra còn có thể tạo ra điểm kích thích trong hốc mũi, gây gia tăng tình trạng viêm mũi dị ứng và nặng thêm bệnh lý hen suyễn (nếu có) trên người bệnh…

Tùy theo từng trường hợp mà hướng điều trị sẽ khác nhau chứ không phải hễ cứ vẹo vách ngăn là phẫu thuật.

- Nếu bị vẹo ở mức độ nhẹ, ít gây ra những triệu chứng tiêu cực thì bác sĩ chuyên khoa chỉ cần chỉnh, nắn vách ngăn lại tí xíu.

- Nếu vẹo nhiều gây ra những triệu chứng nặng, kéo dài, khi đó mới cần thiết phẫu thuật (theo phương pháp cổ điển hoặc theo phương pháp nội soi) để chỉnh hình vách ngăn. Khi chỉnh hình vách ngăn có thể bác sĩ sẽ cắt, gọt một phần nhưng cũng có thể cắt toàn bộ vách ngăn.

Bác sĩ Mèo khuyên em tốt nhất nên đến bệnh viện chuyên khoa khám để nhận được chẩn đoán chính xác, từ đó có chỉ dẫn điều trị tích cực, hiệu quả nhất cho trường hợp bệnh của em.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

BACSI.com (Theo Kenh14)

Khi bàn chân đột ngột xuất hiện lỗ

Đó là dấu hiệu của căn bệnh nguy hiểm gì nhỉ?

Khoảng hơn 1 năm nay, em bỗng mắc phải một chứng bệnh lạ. Đó là lúc nào 2 bàn chân của em cũng bị đau nhói bên trong. Ngoài ra, phần lòng bàn chân của em còn xuất hiện những “lỗ thủng” tròn, bên trong có nhiều sợi nhỏ, khô và cứng. Hiện giờ em rất hoang mang, lo lắng vì tình trạng này khiến em luôn cảm thấy khó chịu, bứt rứt. Mong bác sĩ giải đáp liệu em đang mắc phải bệnh gì và cách chữa trị ra sao ạ? Em xin cảm ơn!

(haimin…@yahoo.com)

Chào em,

Bàn chân có dạng hình vòm gồm có xương gót, xương sên, xương thuyền, xương hộp liên kết với nhau bằng các cơ và dây chằng. Dưới lòng bàn chân là 1 lớp đệm có tính chất đàn hồi. Cùng với cấu tạo vòm của lòng bàn chân, chúng sẽ giúp giảm sự chấn động lên toàn bộ cơ thể khi di chuyển. Triệu chứng đau bàn chân như em mô tả trong thư có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân cơ bản như:

- Viêm hoặc giãn gân a-sin (là gân nằm phía sau gót chân).

- Viêm các dây chằng ở lòng bàn chân.

- Gai xương gót chân: là sự mọc ra của xương ở bờ rìa của khớp (tuy nhiên một số ít trường hợp bị gai gót chân nhưng lại không có cảm giác đau gì cả).

Ngoài ra, các yếu tố sau cũng góp phần khiến cho tình trạng đau bàn chân tăng lên:

- Sự thoái hóa xương khớp tự nhiên.

- Vận động thể chất, tập luyện không đúng tư thế.

- Cấu tạo của bàn chân quá khum hoặc quá bằng phẳng.

Liệu trình điều trị phổ biến cho chứng bệnh này là sự kết hợp giữa các biện pháp sau:

- Sử dụng giày, dép bệt, có đế mềm hoặc có miếng lót êm.

- Tập vật lý trị liệu bàn chân.

- Uống thuốc giảm đau, kháng viêm.

- Nếu đau quá có thể chích thuốc tại chỗ nhưng không nên lạm dụng vì có thể có nhiều biến chứng như nhiễm khuẩn khớp, rách gân gót…

Sau khi đã thực hiện đầy đủ các phương pháp trên mà bệnh vẫn không thuyên giảm thì có thể áp dụng phương pháp phẫu thuật cắt gai xương hoặc cắt ½ gân gót tùy nguyên nhân gây đau.

Thời gian lành bệnh sau phẫu thuật từ 6 – 12 tuần.

Hiện giờ, bác sĩ Mèo khuyên em tốt nhất nên tới bệnh viện chụp X quang trực tiếp phần bàn chân để nhận được chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị kịp thời cho trường hợp của mình, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

BACSI.com (Theo Kenh14)

Hẹp bao quy đầu có làm vô sinh?

Từ ngày bé, em đã bị hẹp bao quy đầu. Gần đây, khi em bước vào tuổi dậy, tình trạng này gây ra rất nhiều rắc rối trong cuộc sống hàng ngày của em. Cụ thể là mỗi lần đi tiểu em lại thấy khó khăn và ngứa ngáy. Không những thế, đôi khi “cậu bé” của em còn bị sưng to và khó chịu mỗi lần gặp “giấc mơ ướt”. Hiện em rất lo lắng về triệu chứng này vì các bạn bảo nếu không cẩn thận sẽ bị vô sinh. Mong bác sĩ giải đáp liệu em có nguy cơ bị như vậy thật không và phải làm sao để chấm dứt triệu chứng này ạ? Em xin cảm ơn!

(star_a…@yahoo.com)

Chào em,

Bao quy đầu là phần da chụp lên đầu của dương vật. Bình thường phe XY sinh ra ai cũng có bộ phận này nếu không thì đó là biểu hiện của một số bệnh như lỗ tiểu đóng thấp hay bao quy đầu không che kín quy đầu.

Bệnh hẹp bao quy đầu (tiếng Anh là phimosis) chỉ trường hợp bao da quy đầu không tuột hoàn toàn khỏi quy đầu được.

Cụ thể là bình thường, khi đến tuổi trưởng thành thì lớp da bao ngoài dương vật (gọi là da quy đầu) sẽ tuột xuống ít hoặc nhiều khi dương vật cương cứng để lộ quy đầu. Tuy nhiên, ở một số XY, lớp da này vẫn bao lấy toàn bộ phần đầu dương vật và chỉ chừa lại một lỗ nhỏ để tháo nước tiểu. Do đó, nước tiểu thường còn sót lại bên trong bọc da, đóng cặn, gây khó khăn cho việc giữ gìn vệ sinh. Nếu không chữa thì nó có thể làm viêm quy đầu hoặc gây ung thư dương vật.

Hẹp bao quy đầu nếu chít hẳn thì gây bí tiểu, nếu chít khá chặt thì gây tiểu khó. XY nào không may mắc phải chứng bệnh này sẽ dễ bị nhiễm trùng đường tiểu hơn gấp 20 lần người bình thường. Ngoài ra, lỗ tiểu cũng dễ bị hẹp và nguy cơ ung thư dương vật cũng cao hơn. Tất cả là do chất bợn dơ hôi hám đọng lại bên dưới bao.

Do đó, nếu phát hiện bị bệnh thì nên điều trị sớm để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của chúng ta sau này.

Cắt da quy đầu là một phẫu thuật đơn giản, chỉ cần gây tê tại chỗ đối với người lớn (trẻ em thì phải gây mê) và mất khoảng 15 – 20 phút để thực hiện và chỉ 3 – 4 ngày sau thì vết thương sẽ lành. Trước đây, ở những quốc gia mà bao quy đầu được cắt hầu hết ở trẻ em thì đôi khi có trường hợp cắt phạm phải quy đầu. Trường hợp này cực hiếm nên em không cần phải quá lo lắng. Nếu có cắt phạm quy đầu thì phải khâu lại, quy đầu sẽ méo mó một chút nhưng chức năng vẫn bình thường. Tai biến thứ hai là chảy máu tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng cần mổ lại ngay để cầm máu. Thời gian lành vết thương sẽ lâu hơn vài ba ngày, tuy nhiên sẽ không để lại di chứng gì khác.

Vì vậy, bác sĩ Mèo khuyên em tốt nhất nên đến bệnh viện chuyên khoa để khám bệnh trực tiếp và nhận được chỉ định điều trị cụ thể cho trường hợp của em.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

BACSI.com (Theo Kenh14)

Bệnh viêm mao mạch dị ứng

Nó thường tấn công khi tiết trời chuyển sang xuân đấy!

Cách đây hơn 1 tuần, em có bị sốt cao 2 ngày liền kèm theo triệu chứng chân bị viêm và nổi nhiều mẩn đỏ. Tuy giờ em đã khỏi ốm nhưng không hiểu sao mỗi khi tắm là da toàn thân của em lại bị sưng đỏ, nóng và phải mất một lúc lâu sau nó mới trở lại bình thường được. Mong bác sĩ giải đáp liệu có phải em đã mắc chứng bệnh gì không và cần chữa trị ra sao ạ? Em xin cảm ơn!

(cloud…@yahoo.com)

Chào em,

Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em đã bị viêm mao mạch dị ứng. Bệnh còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như: hội chứng viêm mạch Schonlein-Henoch, ban xuất huyết dạng thấp, ban xuất huyết dạng phản vệ.

Đây là một bệnh tự dị ứng không rõ căn nguyên, có tổn thương lan tỏa theo hệ thống vi mạch ở nhiều cơ quan mà chủ yếu liên quan đến da, thận, ruột và khớp.

Bệnh thường gặp ở những người trẻ tuổi với 75% các trường hợp xảy ra trước 16 tuổi. Ngoài ra, tỉ lệ mắc bệnh ở nam cũng nhiều gấp 2 lần so với nữ.

Mặc dù nguyên nhân gây bệnh chính thức còn chưa được xác định nhưng đa số các trường hợp bệnh xảy ra sau khi cơ thể nhiễm một số chủng vi khuẩn hoặc virut như liên cầu nhóm A, Mycoplasma, Varicella virus, Cytomegalovirus, Epstein-Barr virus, Parvovirus B19, Campylobacter…

Về đặc điểm lâm sàng, bệnh thường xuất hiện hoặc nặng lên về mùa xuân. Các biểu hiện hay gặp nhất là nổi ban xuất huyết dạng chấm và nốt ở mặt gấp của cẳng tay, cẳng chân, mông, đùi. Triệu chứng còn kèm theo sưng đau khớp, đau bụng, buồn nôn, xuất huyết tiêu hóa, viêm cầu thận, đi tiểu ra máu. Một số biểu hiện hiếm gặp có thể xảy ra khác như viêm cơ tim, viêm tinh hoàn, hôn mê, co giật.

Hiện nay vẫn chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh viêm mao mạch dị ứng. Tuy nhiên, liệu trình trong giai đoạn cấp thường được tiến hành như sau: tất cả các bệnh nhân phải nằm nghỉ ngơi tại giường, để cao chân kết hợp dùng vitamin C liều cao, uống nhiều nước và bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý. Kết quả của việc điều trị đối với những người chỉ có ban xuất huyết đơn thuần khá tốt vì vậy họ ít khi phải dùng các loại thuốc điều trị khác.

Thêm vào đó, phương pháp điều trị như dùng thuốc chống viêm, giảm đau cho các trường hợp có sưng đau khớp; thuốc lợi niệu nếu bệnh nhân có suy thận; hạ huyết áp nếu có tăng huyết áp cũng rất cần thiết trong điều trị bệnh. Những loại thuốc được sử dụng là: thuốc ức chế miễn dịch như cyclophosphamide, cyclosporin, azathioprin (dùng phối hợp với glucocorticoid ở những bệnh nhân có tổn thương thận không đáp ứng với glucocorticoid đơn thuần).

Ngoài ra, các phương pháp điều trị khác như dapsone, immunoglobulin truyền tĩnh mạch, gạn huyết tương cũng được chứng minh là có hiệu quả làm chậm sự tiến triển của tổn thương thận trong viêm mao mạch dị ứng.

Vì thế, bác sĩ Mèo khuyên em nên đi khám chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

(Theo kenh14)

Mẹo vặt chữa ngứa khi bị muỗi đốt

Chúng thật đáng ghét phải không nào?

Thời tiết ẩm ướt, mưa nhiều và nóng dần lên chính là “thời điểm vàng” cho lũ muỗi thi nhau tấn công các ấy khiến teen nào cũng bị đốt đến sưng chân, sưng tay rất khó chịu. Những lúc như vậy, chúng mình hoàn toàn có thể xử lý được chúng bằng các cách tự nhiên sau nhé!

Anh bạn xà phòng đa-zi-năng

Khi bị muỗi đốt, các ấy chỉ cần bôi nước xà phòng lên vết bị đốt là có thể giảm ngứa được rất nhiều. Lý do là nhờ chất sodium (muối natri) kết hợp với nước sẽ tạo ra chất có tính kiềm giúp trung hòa chất độc gây ngứa có tính axit của muỗi.

Cách thực thi thì chả còn gì dễ hơn nữa. Sau khi bị muỗi đốt, các bạn có thể hòa xà phòng thơm với nước. Chú ý chọn loại nào có tính kiềm cao một chút và thử trước một nốt nhỏ để xem có bị dị ứng không nhá! Sau đó, ấy xoa vào vết muỗi đốt và cứ làm như vậy khoảng 2-3 phút rồi xả bằng nước mát là xong rồi.

Nước muối đơn giản

Mẹo vặt đơn giản này mà ít ấy biết lắm nhá! Hóa ra, khi bị muỗi đốt, chúng mình chỉ cần dùng nước muối 0,9% bôi lên chỗ ngứa hoặc dùng gạc đã thấm nước muối đắp vào đó là có thể làm cho vết sưng tấy giảm sưng đồng thời nó còn có tác dụng trị ngứa hữu hiệu lắm!

Đá lạnh cũng góp mặt

Lúc vừa bị muỗi đốt xong, các bạn cũng có thể dùng ngay một viên đá lạnh để chườm vào nốt muỗi đốt. Nhớ thoa đều vào vết ngứa trong một thời gian ngắn để giảm thiểu sự khó chịu và sưng tấy tức thì nhá!

Nước cốt chanh “thần kỳ”

Chanh có tính sát trùng rất tốt nên khi thoa anh bạn này lên vùng bị muỗi cắn, nó có thể giúp chúng mình giảm sự phát ban do ức chế độc của muỗi đồng thời cảm giác ngứa ngáy cũng được loại bỏ khá nhiều đấy! Lúc này, các bạn cắt một lát chanh nhỏ, chỉ cần dùng vài giọt nước cốt chanh, nhỏ lên vết muỗi cắn, sau đó thoa đều lên vùng bị ngứa, cách này cũng rất hữu hiệu đó!

Nước bọt cũng có công dụng bí mật

Điều này thì chắc hẳn nhiều bạn đã “nghe đồn” từ lâu rồi phải không? Thực tế, nước bọt của chúng mình có tính kiềm nên nó giúp trung hòa chất gây ngứa hiệu quả. Nhờ vậy mà các vết muỗi cắn của chúng ta sẽ giảm bớt độ ngứa ngáy, khó chịu rất nhiều đấy mà.

Hơn nữa các teen nhớ phải xua đuổi lũ muỗi đáng ghét bằng cách vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, dùng hương muỗi hoặc thuốc xịt muỗi đều đặn để căn phòng của chúng ta không bị lũ muỗi vo ve quấy rầy nhé!

(Theo Kenh14)

Mụn nước ở gót chân

Trong gần 1 năm nay em bỗng mắc phải một chứng bệnh lạ vô cùng khó chịu. Đấy là ở phần gần gót chân và các đốt ngón chân của em bị nổi nhiều chùm mụn nước rất ngứa. Khi nặn ra hết nước thì nó sẽ để lại 1 lỗ tròn nhỏ, lõm trên bề mặt da. Nhiều lúc ngứa quá không chịu được em đã dùng dao cạo vết thương ra để kiểm tra xem có nấm không nhưng kết quả là không có bất kỳ dấu hiệu nhiễm khuẩn gì khác. Mong bác sĩ giải đáp giúp liệu em đã mắc phải bệnh gì và bệnh này có chữa khỏi được không ạ? Em xin cảm ơn!

(famil…@yahoo.com.vn)

Chào em,

Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em đã mắc phải bệnh chàm đầu chi. Đây là loại bệnh ngoài da phổ biến và thường gặp ở những vùng khí hậu nhiệt đới.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh rất đa dạng nhưng nó thường có đặc điểm chung như: ngứa ngáy, khó chịu, mụn nước mọc thành từng mảng, giới hạn không rõ, tiến triển theo từng đợt, dai dẳng và hay tái phát.

Bệnh thường phát triển theo từng giai đoạn như sau:

- Lúc đầu, mụn nước mọc rải rác hoặc tập trung ở rìa các ngón chân, tay hoặc kẽ chân với kích thước nhỏ như đầu đinh ghim, đôi khi to rõ như bọng nước, gây ngứa ngáy trên da. Mỗi đợt có thể kéo dài từ một vài ngày đến một vài tuần.

- Những nốt mụn nước có thể vỡ đi do bệnh nhân gãi hoặc vỡ tự nhiên. Đến giai đoạn này, mảng da bị tổn thương sẽ lỗ chỗ nhiều vết trợt hình tròn còn gọi là giếng chàm (giai đoạn này dễ bị bội nhiễm).

- Dần dần, sự xuất tiết giảm, vảy tiết khô đọng rồi bong ra để lộ lớp da nhẵn bóng mỏng. Lớp da vừa tái tạo sẽ tự rạn nứt, bong thành mảng dày hoặc vụn như cám, cũng có thể da dày lên, tăng sắc tố, có kẻ ô gọi là liken hóa.

- Sau một thời gian khá lâu nếu không có mụn nước tái phát, da sẽ trở lại bình thường không có sẹo do tổn thương chỉ dừng ở lớp thượng bì.

Với bệnh chàm này, bác sĩ Mèo khuyên em tốt nhất hãy đến bệnh viện chuyên khoa da liễu để được chỉ định dùng thuốc bôi, uống. Tuyệt đối không nên tự mua thuốc về dùng vì có thể sẽ khiến bệnh càng nặng thêm.

Bên cạnh đó, em cũng nên chú ý những điều sau:

- Tránh tiếp xúc vùng da bị bệnh với các loại chất tẩy rửa như xà phòng, nước rửa bát.

- Hạn chế sử dụng những loại giày dép có màu và cứng gây chà sát lên vùng da bị chàm.

- Không được tự ý bóc da hay kỳ cọ vết thương vì sẽ dễ gây bội nhiễm.

- Kiên trì điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

(Theo Kenh14)

Viêm tủy răng – Căn bệnh rình rập những teen “hảo ngọt”

Năm nay em 17 tuổi. Ngày nhỏ em rất hay ăn kẹo trước khi đi ngủ cho đến bây giờ em đã bị đau răng, đặc biệt là mỗi khi uống nước lạnh hoặc ăn đồ nóng. Em có đi khám nha khoa và được xác định là bị sâu răng kèm theo viêm tủy. Thế nhưng, bác sĩ không kê thuốc mà chỉ bơm một loại dung dịch gì đó vào bên trong răng rồi cho em ra về. Lúc đầu em thấy không sao nhưng bây giờ em cảm thấy răng còn ê buốt, đau nhức hơn lúc trước rất nhiều. Mong bác sĩ hãy giải đáp cho em liệu bệnh của em có khỏi được không? Em xin cảm ơn!

(thylin…@yahoo.com)

Khoảng gần 3 tháng nay, em bỗng mắc phải chứng đau răng. Đặc biệt cứ mỗi khi em uống nước hoặc nhai thức ăn thì lại càng cảm thấy đau buốt vô cùng. Em có đi khám nha khoa và được xác định là bị viêm tủy. Sau đó, bác sĩ kê cho em 1 loại thuốc uống gì đó rồi cho về nhà theo dõi để vài ngày sau đến lấy tủy. Tuy nhiên, em mới dùng thuốc được 2 ngày mà đã thấy các cơn đau biến mất hoàn toàn. Mong bác sĩ tư vấn liệu em có cần phải đi lấy tủy nữa không hay chỉ cần tiếp tục ở nhà uống thuốc thôi ạ? Em xin cảm ơn!

(thuyl…@yahoo.com)

Chào em,

Tủy răng là một tổ chức đặc biệt gồm mạch máu và các dây thần kinh nằm trong hốc ở giữa ngà răng (hốc tủy răng). Các tổ chức tủy răng thông với cơ thể qua các lỗ rất nhỏ ở cuống răng.

Viêm tủy răng chủ yếu là do các loại vi khuẩn tồn tại ở trong miệng xâm nhập vào tủy răng qua các lỗ sâu và cuống răng. Ngoài ra viêm tủy có thể còn do hóa chất (nhiễm độc chì, thủy ngân…), do yếu tố vật lý (sang chấn, thay đổi áp suất môi trường…). Một số trường hợp không tìm thấy nguyên nhân.

Viêm tủy răng là một phản ứng bảo vệ của tủy răng đối với các tác nhân gây bệnh, bệnh có thể diễn biến qua nhiều giai đoạn, nhiều dạng thương tổn khác nhau như sau:

- Viêm tủy răng có hồi phục (tiền tủy viêm): Nguyên nhân gây tiền tủy viêm thường do sâu răng. Người bệnh tự nhiên thấy xuất hiện cơn đau thoáng qua. Ban đêm dễ cảm nhận thấy cơn đau hơn, dễ nhầm với cảm giác ê buốt của sâu răng. Nếu có nguồn kích thích: cơ học, nóng, lạnh có thể gia tăng cường độ đau. Giai đoạn này tồn tại không lâu, nếu không được điều trị sẽ chuyển sang các thể viêm tủy khác.

- Viêm tủy răng cấp: Người bệnh tự nhiên đau từng cơn dữ dội, đau đến chảy nước mắt, nước mũi, khi thức ăn lọt vào lỗ sâu, khi uống nước lạnh càng làm cơn đau tăng lên, đau lan ra các răng kế cận. Hết cơn đau, người bệnh lại bình thường. Trường hợp viêm tủy răng cấp tính có mủ, người bệnh đau dữ dội hơn, đau giật như mạch đập, như gõ trống trong tai, răng có cảm giác lung lay nhẹ và trồi cao hơn các răng khác.

- Viêm tủy mãn tính: Người bệnh thường đau tự nhiên từng cơn âm ỉ, đau liên tục hàng giờ, khoảng cách giữa các cơn đau rất ngắn, đau nhiều hơn về đêm. Các kích thích cơ học có thể làm gia tăng cơn đau. Khi đau ít lây lan sang các răng khác nên người bệnh dễ nhận biết đâu là răng đau.

- Tủy răng hoại tử: Tủy răng bị viêm không được điều trị sẽ dẫn đến hoại tử. Trường hợp này thường bệnh nhân không còn thấy đau nữa.

Vì căn bệnh này khá nguy hiểm và có diễn biến phức tạp như đã nêu ở trên nên bác sĩ Mèo khuyên em tốt nhất hãy thực hiện đúng theo liệu trình điều trị mà nha sĩ đã chỉ định. Ngoài ra, em cũng nên chú ý:

- Giữ gìn vệ sinh răng miệng hàng ngày bằng cách chăm chỉ đánh răng sau mỗi bữa ăn và súc miệng bằng nước muối ấm ngay khi tỉnh dậy vào buổi sáng.

- Tuyệt đối không ăn bánh kẹo có nhiều đường và đồ ăn quá nóng hay quá lạnh.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

BACIS.com (Theo Kenh14)