Lưu trữ cho từ khóa: không ngủ được

Mất ngủ kéo dài là do bệnh gì?

Thưa bác sĩ,

Dạo này em không biết mình bị gì mà cứ mất ngủ hoài, trung bình mỗi ngày em ngủ được có 5 tiếng. Em thường có cảm giác buồn nôn, khó thở, luôn cảm thấy có gì đó rất lo lắng và cái bụng em không ăn tí đồ nào nhưng vẫn có cảm giác no. Em có bị bệnh gì không BS ơi?(Sương Sương – sk…@yahoo.com)

mat-ngu-keo-dai-la-do-benh-gi

BS-CK1 Nguyễn Thị Thu Thảo:

Chào em,

Bình thường lứa tuổi của em là tuổi ăn ngon, ngủ nhiều, ít khi mất ngủ ngoại trừ có bệnh lý, có một việc gì đó ảnh hưởng nhiều đến tâm lý khiến em mất ngủ hoặc do thay đổi hoóc môn, do kinh nguyệt gây ra là một phần nguyên nhân dẫn tới nguy cơ mất ngủ ở con gái. Bằng chứng là em bị mất ngủ do có những triệu chứng (buồn nôn, khó thở, luôn cảm thấy có gì đó rất lo lắng và cái bụng em không ăn tí đồ nào nhưng vẫn có cảm giác no).

Chúng tôi không rõ em có điều gì lo lắng không, căng thẳng trong cuộc sống, stress, có thói quen dùng cà phê, kinh nguyệt có đều không…

Bệnh của em cần được hỏi bệnh và khám trực tiếp, kết hợp làm thêm một số xét nghiệm (máu, siêu âm, đo điện tim…), có khi phải khám và xét nghiệm khám tổng quát mới kết luận được. Vì vậy, em cần đi khám tổng quát và điều trị sớm để có kết quả tốt. Ở người trẻ tuổi như em không nên để mất ngủ kéo dài sẽ gây ra tình trạng mệt mỏi kinh niên, làm việc và học tập kém hiệu quả.

Để có giấc ngủ tốt em nên sắp xếp sinh hoạt một cách khoa học, hợp lý, sống lành mạnh, tham gia các hoạt động thể thao, không sử dụng các chất kích thích (cà phê, trà, rượu) vào buổi chiều. Gần tới giờ đi ngủ phải tránh những thức ăn quá thịnh soạn hay khó tiêu. Phòng ngủ phải yên tĩnh, thoáng khí, ít ánh sáng, không quá nóng hay quá lạnh.

BS chúc em ngủ ngon nhé!

(Theo Alobacsi)

Vượt qua những rắc rối của giấc ngủ

Mót tiểu, ợ nóng, bồn chồn, đau vú… trong 6 tháng đầu có thể làm bạn khó ngủ.

Đau vú

Trong 3 tháng đầu, vú trở nên đau, do estrogen và lượng hCG tăng. Các kích thích tố giúp ngực chuẩn bị sản xuất sữa cũng khiến ngực nhạy cảm hơn nhiều.

“Khi vòng ngực phát triển, những phụ nữ có thói quen nằm sấp sẽ nhận ra rằng, tư thế này cực kỳ khó vì bộ ngực căng đau” – Barbara Dehn (tác giả cuốn Your personal guide to pregnancy – tạm dịch Hướng dẫn cá nhân cho phụ nữ mang thai) cho biết. Bạn có thể phải tìm ra những cách khác hoặc ngủ ở vị trí khác để ngon giấc hơn.

Giải pháp gợi ý: Tắm nước ấm trước khi đi ngủ giúp bạn dễ ngủ, lại giảm được đau nhức. Tránh ngủ sấp. Nếu ngủ ngửa không được thoải mái, bạn nên đặt lại vị trí gối đầu. Có thể sử dụng một chiếc gối dành cho phụ nữ mang thai, với thiết kế đặc biệt để thoải mái hơn.

Mót tiểu

Tử cung phát triển gây áp lực cho bàng quang khiến bạn buồn đi tiểu. Thêm vào đó, những nội tiết tố như progesterone gia tăng, làm giãn cơ trơn (chẳng hạn cơ bàng quang) cũng làm tăng số lần muốn đi tiểu.

Giải pháp gợi ý: Ngừng uống khoảng 2 tiếng trước giờ ngủ.

Đau nhức đầu

Một lần nữa, nguyên nhân có thể do thay đổi hormone, khiến progesterone tăng vọt trong 6 tháng đầu. Nó khiến các mạch máu giãn ra, dẫn tới đau đầu và mất ngủ.

Gợi ý giải pháp: Bạn có thể áp một chiếc khăn mát lên trán, điều này giúp cơ thư giãn, giảm đau đầu. Nghỉ ngơi nhiều lần trong ngày, khi có thể. Tránh mệt mỏi vì mệt mỏi khiến bạn đau đầu nhiều hơn.

Bồn chồn không yên

Sang 3 tháng giữa, khi bụng bầu to lên, nếu nằm ngửa thì trọng lượng tử cung có thể dồn lên các tĩnh mạch chủ dưới (tĩnh mạch vận chuyển máu từ phần dưới cơ thể lên tim). Để bù đắp, cơ thể phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu cho tim. Kết quả, máu tăng lên thì áp lực của dòng máu tới tử cung sẽ chậm lại.

Điều này là không tốt cho mẹ và bé. Đó là lý do vì sao các bác sĩ khuyên bạn nên ngủ nghiêng bên trái. Bởi khi bạn ngủ theo cách này, tử cung sẽ đẩy về phía trước; do đó, giảm bớt áp lực cho tim, đảm bảo thai nhi nhận được nhiều máu và oxy qua đêm.

Gợi ý: Nếu thích nằm ngửa, bạn có thể đặt một chiếc gối dưới hông bên phải. Khi đó, tử cung sẽ được nghiêng, còn ngực là lưng giữ thẳng. Điều này đảm bảo lưu lượng máu thích hợp và giúp bạn ngon giấc.

Ợ nóng

Do tử cung ngày một tăng, ép lên dạ dày nên khiến các chất có trong dạ dày bị đẩy ngược lên trên, gây ợ nóng.

Giải pháp: Kê gối dưới nửa thân trên giúp ngăn axit từ dạ dày di chuyển lên trên. Bạn cũng nên tránh đồ uống có ga, không ăn trước khi ngủ, không ăn quá no ngay cả khi bạn đang thèm ăn.

Nếu đã thử mọi kinh nghiệm mà vẫn còn ợ nóng, bạn nên hỏi bác sĩ về một sản phẩm chống dư axit để giảm bớt sự khó chịu.

(Theo Mevabe)

6 nguy cơ bệnh tật có liên quan đến mất ngủ

Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học trên thế giới có nhiều nghiên cứu về mất ngủ. Tạp chí sức khỏe Prevention đã tổng hợp 6 nguy cơ bệnh tật liên quan đến mất ngủ.

Bệnh tim

Trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí Sleep năm 2010, các nhà khoa học thuộc Đại học Y dược West Virginia (Mỹ) phân tích bệnh án của 30.397 bệnh nhân bị mất ngủ ở Mỹ. Họ phát hiện người ngủ ít hơn 7 giờ một đêm lâu ngày có nguy cơ bị mắc bệnh tim rất cao. Cụ thể, phụ nữ dưới 60 tuổi ngủ 5 giờ hoặc ít hơn một đêm sẽ tăng nguy cơ bệnh tim gấp đôi so với người ngủ đủ giấc.

Tiểu đường

Theo một nghiên cứu trên tạp chí Diabetes năm 2011, các nhà khoa học thuộc Đại học Chicago và Northwestern (Mỹ) phát hiện người bị tiểu đường type 2 thường xuyên bị mất ngủ, có lượng glucose và insulin trong máu tăng cao sau những đêm mất ngủ.

Ung thư vú

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Y dược Sendai (Nhật Bản) năm 2008 công bố nghiên cứu dựa trên số liệu của 24.000 phụ nữ ở độ tuổi 40-79. Kết quả nghiên cứu cho thấy phụ nữ ngủ ít hơn 6 giờ một đêm, lâu ngày có 62% nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, trong khi phụ nữ ngủ nhiều hơn 9 giờ chỉ có 28% nguy cơ bị mắc bệnh ung thư vú.

Chứng tiểu đêm

Theo một nghiên cứu trình bày tại hội thảo do Hiệp hội Niệu đạo Mỹ tổ chức năm 2011, các nhà nghiên cứu thuộc Học viện nghiên cứu New England (Mỹ) nghiên cứu số liệu của 4.145 phụ nữ và nam giới ở tuổi trung niên, phát hiện: 5 năm mất ngủ hoặc ngủ ít hơn 5 giờ một đêm tăng 80-90% nguy cơ bị mắc chứng tiểu đêm ở phụ nữ, nặng hơn là không thể kiểm soát việc đi tiểu về đêm.

Ung thư đại trực tràng

Trong một nghiên cứu trên 1.240 người được công bố năm 2011, các nhà khoa học thuộc Đại học Case Western phát hiện người ngủ ít hơn 6 giờ một đêm, lâu ngày có  nguy cơ phát triển khối u ở đại trực tràng, dẫn đến ung thư trực tràng, cao hơn 47% so với người ngủ ít nhất 7 giờ một đêm.

Nguy cơ tử vong

Nghiên cứu suốt 10 năm trên 16.000 người mới được công bố cuối năm 2011, các nhà khoa học thuộc Đại học Copenhagen (Đan Mạch) phát hiện mất ngủ cũng có nguy cơ tử vong. Kết quả sau 10 năm nghiên cứu cho thấy, nam giới dưới 45 tuổi, thường xuyên mất ngủ có nguy cơ tử vong cao gấp đối nam giới ngủ đủ giấc.

Bên cạnh đó, nam giới bị thức giấc ba hay nhiều lần trong khi ngủ có nguy cơ tự sát cao gấp năm lần so với nam giới ngủ đủ giấc. Mặc dù nghiên cứu này không phát hiện nguy cơ tử vong ở phụ nữ do mất ngủ, nhưng các nhà nghiên cứu phát hiện cả phụ nữ và nam giới bị mất ngủ có nguy cơ bị cao huyết áp và bệnh tiểu đường.

BACSI.com (Theo Tuổi trẻ)