Lưu trữ cho từ khóa: khổ sâm

Trị ngứa da đầu bằng những bài thuốc cổ truyền

Tôi 46 tuổi, bị bệnh ngứa da đầu đã 5 năm. Bệnh viện da liễu chẩn đoán: viêm chân tóc, chàm tiết bã, viêm da nhờn. Điều trị theo toa của bác sĩ, hết bệnh được 2 tháng, sau đó cứ lặp lại: đụng tay vào là gãi đến rướm máu, chảy dịch, tóc bết lại nơi bị viêm xước. Mồ hôi ra lại càng ngứa. Cách đây 4 tháng dùng thuốc liên tục 5 tuần, nhưng còn tệ hơn, ngưng thuốc là bệnh tái phát. Bệnh ngứa này làm tôi khó chịu quá. Rất mong bác sĩ tư vấn giúp. (Nguyễn Thị Hoa, Đà Nẵng)

- Trả lời:

Viêm chân tóc là bệnh ngoài da thường gặp, ban đầu là viêm cấp tính, sau đó rất dễ chuyển sang mạn tính, với những đợt bùng phát cấp tính, gây ngứa, xuất tiết, nổi sẩn... rất khó chịu cho người bệnh. Đối với trường hợp của bạn, chẩn đoán đã rõ ràng, điều trị có hiệu quả, tuy nhiên vì sau đó không có những đợt trị liệu củng cố nên bệnh đã chuyển sang giai đoạn mạn tính. Bệnh thường do tụ cầu gây nên mà tỷ lệ kháng thuốc của loại vi khuẩn này lại rất cao nên việc điều trị trở nên khó khăn.

Bạn nên tiếp tục trở lại bệnh viện da liễu để các thầy thuốc tái khám, và dùng thuốc phù hợp với tình trạng bệnh lý hiện tại. Bạn phải điều trị kiên trì, đúng phác đồ, đủ ngày và không được tự ý ngừng thuốc khi chưa có ý kiến của thầy thuốc.

Ngoài ra, bạn có thể sử dụng một số biện pháp chữa trị theo y học cổ truyền như: thuốc uống - dùng bài thuốc gồm các vị kim ngân hoa 20g, xuyên tâm liên 12g, hoàng cầm 10g, cúc hoa 12g, chi tử 10g, liên kiều 10g, xích thược 8g, thổ phục linh 12g, vỏ hạt đậu xanh 19g, cam thảo sống 6g, sắc uống mỗi ngày 1 thang, chia 2 lần sáng và chiều. Nếu có sốt, môi khô, miệng khát, nóng vùng đầu gia thêm sinh địa 12g, thiên hoa phấn 10g; nếu ngứa quá nhiều gia thêm bạch tiên bì 12g, khổ sâm 12g, tỳ giải 12g; nếu tổn thương sinh mủ kèm theo sốt gia thêm long đởm thảo 12g, bồ công anh 16g. Dùng thuốc gội đầu: dùng cúc hoa, bạch tiên bì, bồ công anh (mỗi vị 30g), kim ngân hoa 20g, phèn chua 20g, ké đầu ngựa 60g, hùng hoàng 10g, đại hoàng 16g, sắc lấy nước gội đầu 2 lần trong ngày, mỗi lần gội trong 15 phút. Thuốc bôi - dùng đại hoàng, hoàng bá, hùng hoàng, lưu hoàng (mỗi loại 15g), tất cả sấy khô, tán thành bột mịn, trộn với dầu vừng, đựng trong lọ kín dùng dần. Mỗi ngày bôi 2 lần vào các vùng tổn thương sau khi gội đầu.

Ths.Hoàng Khánh Toàn

(Bệnh viện 108, Hà Nội)

Chữa bệnh “ngược dòng”

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mớiBệnh 'ngược dòng' là cách gọi chỉ hiện tượng phóng tinh ngược, một trong những nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới. Xin giới thiệu một số bài thuốc Đông y của lương y Huyên Thảo (Hà Nội) được bệnh nhân điều trị bước đầu có hiệu quả.

Theo lương y Huyên Thảo, mặc dù bệnh nhân có chung một triệu chứng phóng tinh ngược chiều nhưng biểu hiện lâm sàng lại không giống nhau. Đông y chia ra từng loại hình để có những bài thuốc phù hợp.

Thận khí bất túc

Triệu chứng: Nước tiểu trong lần tiểu tiện đầu tiên sau khi giao hợp màu trắng đục, kèm theo ham muốn tình dục giảm, người mệt mỏi, sợ lạnh, lưng gối đau mỏi, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng, mạch trầm tế vô lực; dương vật tuy có thể bột khởi nhưng không thật cứng. Phép chữa: Điền tinh, ích thận, trợ dương.

Bài thuốc tiêu biểu là Kim quỹ thận khí hoàn gia giảm: Phụ tử chế 10g, nhục quế 10g, thục địa 10g, sơn dược 20g, sơn thù nhục 10g, đan bì 10g, phục linh 10g, trạch tả 10g, ngô công 10g, xạ hương 0,03g. Sắc với nước, chia làm 2 phần uống trong ngày (buổi sáng và buổi tối). Cần chú ý: Phụ tử cần sắc ít nhất 1 giờ, sau đó mới cho các vị thuốc khác vào cùng sắc. Uống theo từng liệu trình 15 ngày.

Thận âm bất túc

Triệu chứng: Miệng khô, họng háo, lòng bàn tay, bàn chân nóng, mất ngủ, tim đập dồn, loạn nhịp từng cơn, ham muốn tình dục tăng nhưng dương vật chỉ bột khởi trong thời gian ngắn, lưng gối tê đau, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít, mạch tế xác (nhỏ, nhanh). Phép chữa: Tư âm, điền tinh, tiết nhiệt.

Bài thuốc tiêu biểu là Quy bá địa hoàng thang gia giảm: Quy bản 15g, hoàng bá 10g, thục địa 30g, sinh địa 20g, phục linh 10g, trạch tả 10g, mạch môn đông 10g, thiên môn đông 10g, đẳng sâm 15g, thái tử sâm 15g, huyền sâm 15g, sơn dược 30g, đan bì 10g, tri mẫu 10g, ngũ vị tử 10g, viễn chí 10g, thạch xương bồ 10 g, cam thảo 10g. Sắc với nước, chia thành 2 phần uống trong ngày (vào buổi sáng và buổi tối). Uống theo từng liệu trình 15 ngày.

Thấp nhiệt trở trệ

Triệu chứng: Tiểu tiện sẻn đỏ, tiểu tiện xong có chất dịch trắng tiết ra từ dương vật, nước tiểu nhỏ giọt mãi không hết, lưng gối đau mỏi, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi nhớt hoặc vàng nhớt, mạch nhu sác (mềm nhanh). Phép chữa: Thanh nhiệt lợi thấp, ích thận, thông quan, khai khiếu.

Bài thuốc tiêu biểu là Thanh nhiệt lợ thấp ích thận thang:  Tỳ giải 10g, phục linh 10g, thạc vi 10g, xa tiền tử 10g, thạch xương bồ 10g, hoàng bá 10g, khổ sâm 10g, thông thảo 5g, đăng tâm thảo 5g, thục địa 15g, sơn dược 15g, thương truật 10g, đan bì 10g, ý di nhân 10g, ngưu tất 15g, hổ trường căn 10g. Sắc với nước, chia thành 2 lần uống trong ngày (vào buổi sáng và buổi tối). Uống theo từng liệu trình 10 ngày.

Theo Thanh Niên

Ðông y chữa bệnh chàm

Trong bệnh chàm, thương tổn lúc đầu xuất hiện trên da màu đỏ hồng. Trên nền da đỏ, xuất hiện những mụn nước nhỏ li ti như rôm, mụn nước giập vỡ chảy nước vàng, sau vài ngày dịch khô thành một lớp vảy, vảy bong để lại lớp da đỏ hồng. Bệnh tái diễn thành từng đợt. Tại vùng tổn thương rất ngứa. Đông y chia bệnh thành hai thể: cấp tính và mạn tính. Tùy thể bệnh mà dùng bài thuốc thích hợp.

Điều trị chàm cấp tính

Thể thấp nhiệt: Da hồng đỏ, ngứa, nóng rát, có mụn nước, loét chảy nước vàng.

Bài 1: Nhân trần 20g; thổ phục linh, kim ngân, mỗi vị 16g; khổ sâm, hoàng bá nam, hạ khô thảo, ké đầu ngựa, mỗi vị 12g; hoạt thạch 8g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 2: Sinh địa, kim ngân hoa, hoạt thạch, mỗi vị 2g; đạm trúc diệp 16g; hoàng cầm, hoàng bá, phục linh bì, khổ sâm, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 3: Nhân trần 20g, trạch tả 16g, hậu phác, phục linh, trư linh, mỗi vị 12g; trần bì 8g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 4: Sinh địa, mã đề, mỗi vị 16g; ngưu bàng tử, hoàng liên, mộc thông, khổ sâm, hoàng bá, mỗi vị 12g; phục linh, thương truật, mỗi vị 8g; bạc hà 4g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 5: Gỉ sắt 4mg, rượu 50ml. Tán gỉ sắt, ngâm rượu 2 ngày. Rửa sạch chỗ chàm bôi thuốc (kết quả tác dụng tốt đối với chàm trẻ em).

Thể phong nhiệt: Da hơi đỏ, có mụn nước, phát triển toàn thân, ngứa gãi chảy nước, ít loét.

Bài 1: Thạch cao 20g; sinh địa 16g; kinh giới, phòng phong, ngưu bàng tử, khổ sâm, mộc thông mỗi vị 12g; tri mẫu 8g; thuyền thoái 6g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 2: Trạch tả, sinh địa, mỗi vị 12g; long đởm thảo, hoàng cầm, chi tử, mộc thông, mã đề, sài hồ mỗi vị 8g; thuyền thoái 6g; cam thảo 4g. Sắc uống ngày một thang.
Xác lột ve sầu cho vị thuốc thuyền thoái.

Điều trị chàm mạn tính

Biểu hiện: Da dày thô, khô, ngứa, nổi cục có mụn nước, hay gặp ở mặt, cổ chân, cổ tay, khuỷu tay, đầu gối.

Bài 1: Thuốc mỡ: hoàng liên, hồng hoa, hồng đơn chu sa, mỗi vị 4g. Tán bột, hòa với mỡ trăn, bôi vào chỗ chàm.

Bài 2: Thuốc rửa: lá vối tươi, lá kinh giới mỗi vị 100g. Đun sôi rửa vết loét, sau dùng thuốc mỡ nêu trên bôi.

Bài 3: Thục địa, sinh địa, kinh giới mỗi vị 16g; đương quy, bạch thược, thương truật, phòng phong mỗi vị 12g; khổ sâm, thuyền thoái, bạch tật lê mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 4: Hoàng bá, hy thiêm, ké đầu ngựa, phù bình mỗi vị 12g; thương truật, phòng phong mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 5: Hoàng liên 8g, bạch thược 4g, hoàng cầm 2g. Các vị trên được tán bột khô, sắc với nước rồi lọc và thêm vào nước sắc một lòng đỏ trứng, trộn kỹ, chia uống làm 3 lần mỗi ngày nước sắc ấm.

Chàm bìu: Có 2 thể, cấp và mạn tính

Bài thuốc: hoàng cầm, sinh địa, xa tiền tử, trạch tả, mộc thông, khổ sâm mỗi vị 12g; long đởm thảo, son chi mỗi vị 8g.

Bệnh cấp tính dùng dạng thuốc sắc, mỗi ngày sắc uống một thang. Bệnh mạn tính dùng dạng thuốc hoàn, các vị được tán bột, làm hoàn, mỗi ngày uống 20g.  

GS. Đoàn Thị Nhu
(suckhoe-doisong)

Hòe mễ và hòe giác

Hòe mễ là nụ hoa và hòe giác là quả chín của cây hòe, tên khoa học là Stypnolobium japonicum (L.) Schott.

Trong dân gian, người ta phân biệt cây hòe nếp và cây hòe tẻ để chọn giống phát triển có lợi nhất. Kinh nghiệm thực tế cho thấy cây hòe nếp phát triển nhanh, cho nhiều cành màu lục nhạt khi còn non, có nhiều hoa to và đều, thường mọc ở ngọn thân cành, cuống ngắn, nở cùng một lúc, có màu nhạt, năng suất nụ hoa thường cao gấp 3-4 lần loại tẻ; quả dài 6cm, hạt dày. Còn cây hòe tẻ thường vồng cao, thân cành ít, màu lục sẫm lúc non, có hoa nhỏ thưa thớt, không đều, mọc cả ở kẽ lá và ngọn thân cành, cuống dài, nở rải rác làm nhiều đợt, có màu sẫm, năng suất nụ hoa thường thấp hơn; quả dài 5cm, hạt mỏng dẹt.

Hòe mễ được  dùng từ lâu đời trong y học cổ truyền. Vào tháng 5 - 10, khi cây hòe ra hoa, hái những nụ có màu vàng lục vào buổi sáng, rồi phơi nắng nhẹ và thật nhanh cho khô để bảo đảm màu sắc và phẩm chất. Kinh nghiệm nhân dân cho biết chọn những chùm hoa có 5-10 bông nở để thu hoạch nụ là tốt nhất. Thu hoạch sớm quá, hàm lượng hoạt chất hình thành thấp, nếu để muộn, năng suất dược liệu không cao và hàm lượng hoạt chất giảm. Có nơi, nhân dân thu hái hòe mễ làm hai vụ:

- Vụ mùa từ tháng 4 đến tháng 9, năng suất thu hoạch cao, hàm lượng hoạt chất không bằng vụ chiêm.

- Vụ chiêm từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau, năng suất thu hoạch thấp, hàm lượng hoạt chất  cao.

Hòe mễ chứa hoạt chất tác dụng là rutin với hàm lượng 20-30%. Hòe nếp chứa nhiều rutin hơn hòe tẻ. Qua chế biến, hàm lượng rutin có thể thay đổi: 34,7% ở dạng sống, 28,9% ở dạng sao vàng và 18,5% ở dạng sao cháy. Ngoài ra, hòe mễ còn chứa betulin, sophoradiol, sophorin A, B, C và sophorose.

Dược liệu hình trứng dài 0,5-0,85cm, rộng 0,2-0,3cm, cánh hoa màu vàng ngà, đài hoa màu vàng xám, chất nhẹ xốp, dễ vụn nát, không mùi vị, hơi đắng. Khi dùng, dược liệu để sống hoặc sao qua.

Hòe mễ là một vị thuốc 'mát' được dùng trong những trường hợp 'nhiệt', chủ trị tăng huyết áp. Dùng riêng với liều 8-16g sắc uống trong ngày hoặc phối hợp với các vị thuốc khác theo công thức sau:

- Hòe mễ 10g, lá sen hoặc ngó sen 10g, cúc hoa vàng 4g. Tất cả nghiền nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày.

- Hòe mễ 10g sao thơm, hạ khô thảo 10g sao vàng,  cúc hoa 5g sấy khô, vò nát vụn. Trộn đều, hãm với 1.000ml nước sôi trong 15 phút, uống làm nhiều lần trong ngày.

- Hòe mễ 100g sao vàng, hạt thảo quyết minh 100g sao đen. Hai thứ trộn đều, tán nhỏ, rây bột mịn. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 5g dưới dạng thuốc hãm.

- Hòe mễ, kỷ tử, cúc hoa vàng, thảo quyết minh, huyền sâm, thục địa, hoài sơn, trạch tả, ngưu tất mỗi vị 12g. Sắc uống trong ngày.

Người cao tuổi bị tăng huyết áp dùng hòe mễ rất tốt, vừa nhẹ nhàng, êm dịu, vừa làm bền chắc thành mao mạch, chống hiện tượng phình vỡ, xuất huyết.

Hòe mễ còn là nguyên liệu để chiết rutin được dùng cầm máu trong các trường hợp xuất huyết để phòng tai biến do mạch máu bị xơ vữa, giòn dễ vỡ. Rutin được dập thành viên 0,02g, dùng riêng hoặc phối hợp với vitamin C 0,05 (viên rutin - C). Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 1-2 viên. Trên thị trường thế giới còn có loại thuốc tiêm rutin tan được gọi là Solurutin để tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch khi cần thiết.

Hòe giác: Được thu hoạch khi quả hòe chín, lấy hạt đem trồng, còn vỏ quả phơi hoặc sấy khô. Dược liệu có mặt ngoài nhăn nheo, màu đen nâu, vị đắng, tính hàn, cũng chứa rutin với hàm lượng 4,3%, flavonoid toàn phần 10,5% và một số dẫn chất như genistein, sophoricosid, sophorabiosid, kaempferol glycosid C.

Hòe giác để sống, uống mỗi ngày 10g dưới dạng nước sắc chữa sốt xuất huyết khi sốt đã lui nhưng còn xuất huyết nhẹ, chảy máu dưới da, trẻ em chảy máu cam, chảy máu chân răng. Nếu đem sao tồn tính, rồi hãm hoặc sắc uống, hòe giác chữa đại tiện ra máu. Hòe giác và hòe tử (hạt hòe) tán bột, trộn với tiết dê tươi làm thành bánh, phơi khô, mỗi lần uống 8g với rượu cúc hoa vàng vào lúc đói, chữa trĩ sưng đau (Nam dược thần hiệu).

Để chữa trĩ nội và viêm ruột, lấy hòe giác 100g phối hợp với kim ngân hoa 100g, cam thảo dây 12g, nghệ vàng 10g. Cách chế: hòe giác sao kỹ đến khi có màu tím sẫm, tán bột; các dược liệu khác phơi khô, tán bột. Trộn đều hai bột lại. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 8g vào lúc đói.

Dùng ngoài, hòe giác và khổ sâm lượng bằng nhau, tán thành bột mịn, hòa với nước cho sền sệt rồi bôi chữa lòi dom.

Chú ý: Phụ nữ có thai không được dùng hòe giác vì dễ bị sảy thai.

Ngoài ra, y học cổ truyền của Trung Quốc còn dùng hoa hòe đã nở được gọi là hòe hoa với công dụng như hòe mễ. Hạt hòe cũng được dùng với tên thuốc là hòe tử lấy từ  quả hòe chín già. Hòe tử sao, tán bột 4g trộn với muối 1g, rồi uống với ít rượu đã hâm nóng vào lúc đói chữa đồi sán tức hòn dái sưng đau (Nam dược thần hiệu).

Để chữa băng lâm hạ huyết (chứng ra máu nhiều ở phụ nữ), lấy hòe tử 250g tẩm rượu sao, đan sâm 125g tẩm giấm sao, hương phụ 60g ngâm đồng tiện (nước tiểu trẻ em) sao. Tất cả nghiền thành bột, làm viên bằng hạt đỗ xanh. Mỗi sáng uống 15g với nước cháo.

Đông y trị chứng viêm bờ mi

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

 

Kinh giới - một vị thuốc trị chứng viêm bờ mi - Ảnh: Minh Ngọc

Lương y Huyên Thảo (Hà Nội) cho biết, bệnh  viêm bờ mi trong Đông y gọi là chứng 'kiểm huyền xích lạn' (bờ mi đỏ loét) hay' phong xích sang di' (tác nhân gây bệnh đỏ, viêm loét). Nguyên nhân chủ yếu do trong cơ thể vốn có thấp nhiệt ứ đọng ở 2 kinh tỳ vị, hoặc do tạng tâm vốn quá nóng lại bị cảm nhiễm phải từ môi trường bên ngoài mà gây bệnh. Người bệnh có thể sử dụng một trong những bài thuốc kinh nghiệm dân gian sau:

+ Dùng 15g mầm ngọn hoặc cành non của cây hoa cúc rửa sạch, thái nhỏ, thêm một ít muối, 60g gạo tẻ, nấu cháo, mỗi ngày ăn một lần vào sáng sớm.

+  15g thảo quyết minh (hạt muồng ngủ) sao cháy đen, hạ khô thảo 10g, sắc nước uống thay trà trong ngày.

+ Thảo quyết minh, hoa cúc trắng - mỗi vị 15g, cho vào nồi đất sắc lấy nước, thêm 60g gạo tẻ nấu cháo, ngày ăn một lần.

+ Lòng đỏ trứng gà nướng cháy tiết ra chất dầu màu nâu thẫm, bôi ngày 2-3 lần.

+ Mỗi ngày hái 9-10 lá dâu tằm, sắc lấy nước rửa mắt ngày 4-5 lần.

Nếu sử dụng những bài thuốc nói trên mà bệnh không thuyên giảm cần căn cứ vào chứng trạng của người bệnh để có bài thuốc phù hợp. Cụ thể:

+ Nếu bờ mi đỏ tấy lở loét, ngứa, mủ có mùi tanh, mắt nhức dùng bài thuốc sau: kim ngân hoa 9g, dây kim ngân 12g, bồ công anh 15g, cành lá bọ mẩy 15g, vỏ núc nác 9g, sắc nước uống mỗi ngày một thang, liên tục 10 ngày, nghỉ 5 ngày lại tiếp tục đợt khác.

+ Nếu bờ mi bị sung huyết, lở loét nặng và bong nhiều vảy trắng,  dùng bài thuốc: kinh giới 12g, thương truật 9g, khổ sâm 12g, hoạt thạch 12g, xa tiền tử 12g. Sắc nước uống như bài thuốc trên.

+ Nếu bờ mi đỏ ửng, nhói đau và ngứa dùng bài thuốc: hoàng đằng 6g, kim ngân hoa 9g, sinh địa 12g, trúc diệp 15g, hạt mã đề 15g, rễ cỏ tranh 12g. Sắc và uống như bài thuốc trên.

+ Bờ mi đỏ ửng, chỉ hơi ngứa nhưng dai dẳng dùng bài thuốc: vỏ núc nác 6g, thương truật 6g, sắc nước uống thay trà trong ngày. Liệu trình như bài thuốc trên.

Theo Thanh Niên

Dừa cạn chống viêm

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, dừa cạn có thể hỗ trợ trị ung thư, chống sự phân chia tế bào, tỏ ra có hiệu quả đối với ung thư bạch huyết, ung thư ruột già. Theo Đông y, dừa cạn có tác dụng làm săn, chống viêm, hạ áp, được sử dụng để điều trị một số bệnh: viêm đại tràng, khí hư bạch đới, tăng huyết áp, viêm nhiễm phần phụ, kinh bế, zona, phong ngứa, đái tháo đường, vàng da.

Dừa cạn còn có tên là bông dừa, hải đằng. Tên khoa học là Catharanthus Roseus (L.) G. - Don Apocynaceae. Là loại cây cỏ cao khoảng 40 - 60 cm. Lá hình trứng mọc đối, mặt trên của lá màu xanh đậm, mặt dưới xanh nhạt, gân lá màu trắng ngà chạy giữa chia phiến lá thành 2 phần bằng nhau. Thân mềm tẽ nhiều cành nên cây thường nghiêng về một phía. Hoa có 5 cánh màu phớt hồng hoặc màu trắng. Quả có 2 đại hơi choãi ra, thường tập trung ở phần ngọn. Cây có nguồn gốc ở Madagasca (châu Phi), được người Pháp đưa vào trồng ở Việt Nam để làm cây cảnh. Cây dễ trồng, phát triển nhanh nên ít lâu sau nó đã lan ra ở nhiều địa phương, nhất là ở các tỉnh đồng bằng và ven biển nước ta. Dáng cây đẹp, mềm mại, lá xanh mướt, hoa rực sáng, đấy là những nét đặc trưng tạo được sự hấp dẫn của loài cây này. Lá và phần ngọn của cây được dùng làm thuốc. Có thể để tươi giã đắp, phơi khô sắc uống hoặc chế biến thành dạng trà.

Trong dân gian người ta dùng lá giã nát đắp lên những vết  bỏng (chú ý chỉ đắp trong trường hợp không trợt da, bỏng nhẹ) làm mát da thịt, giảm đau, chống bội nhiễm.

Một số bài thuốc có dừa cạn:

Điều trị zona: Dừa cạn (sao vàng hạ thổ) 16g, thổ linh 16g, bạch linh 10g, kinh giới 12g, chi tử 10g, nam tục đoạn 16g, cam thảo đất 16g, hạ khô thảo 16g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần, uống 3 lần.

Thuốc đắp: lá dừa cạn, lá cây hòe. Hai thứ lượng bằng nhau, giã nhỏ đắp lên các tổn thương, băng lại. Tác dụng: làm giảm đau nhức.

Điều trị khí hư bạch đới: Dừa cạn 12g, rễ cây bạch đồng nữ 16g, biển đậu 16g, đan sâm 16g, cây chó đẻ 16g, lá bạc sau 16g. Sắc uống ngày 1 thang.

Trà dược cho bệnh nhân tăng huyết áp: Dừa cạn 160g, lá đinh lăng 180g, hoa hòe 150g, cỏ xước 160g, đỗ trọng 120g, chi tử 100g, cam thảo đất 140g. Các vị sao giòn tán vụn trộn đều, bảo quản trong hộp kín tránh ẩm. Ngày dùng 40g. Hãm nước sôi vào ấm chuyên, sau 10 phút có thể dùng được. Uống thay trà trong ngày. Công dụng: an thần hạ áp, làm bền vững thành mạch, êm dịu thần kinh, phòng chống và ngăn ngừa những tai biến có thể xảy ra.

Phụ nữ bị bế kinh: đau bụng, có khi đau lăn lộn, mặt đỏ, bụng dưới căng đầy, tính tình cáu gắt.

Bài thuốc: dừa cạn (phơi khô) 16g, nga truật 12g, hồng hoa 10g, tô mộc 20g, chỉ xác 8g, trạch lan 16g, huyết đằng 16g, hương phụ 12g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.

Lỵ trực trùng: Đi ngoài nhiều lần, bụng đau từng cơn, phân có chất nhầy, có máu mũi, sút cân nhanh.

Bài thuốc: dừa cạn (sao vàng hạ thổ) 20g, cỏ sữa 20g, cỏ mực 20g, chi tử 10g, lá khổ sâm 20g, hoàng liên 10g, rau má 20g, đinh lăng 20g. Đổ 3 bát nước sắc lấy 1,5 bát, chia 3 lần uống trong ngày.

Bệnh trĩ: Búi trĩ sưng đau, tiết dịch, chảy máu tươi.

Bài thuốc: dùng hoa và lá dừa cạn, lá thầu dầu tía. Hai thứ giã nhỏ đắp tại chỗ băng lại. Đồng thời cho uống bài sau: dừa cạn (sao vàng) 20g, cỏ mực 20g, phòng sâm 16g, hoàng kỳ 12g, đương quy 12g, bạch truật 16g, thăng ma 10g, sài hồ 10g, trần bì 10g, cam thảo 12g. Sắc 3 lần uống 3 lần, ngày 1 thang. Dùng thuốc 10 ngày liền. Nghỉ 3 - 4 ngày, sau đó tiếp đợt 2.

Khát nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, Đông y gọi là chứng tiêu khát.

Bài thuốc: dừa cạn 16g, cát căn 20g, thạch hộc 12g, hoài sơn 16g, sơn thù 12g, đan bì 10g, khiếm thực 12g, khởi tử 12g, ngũ vị 10g. Sắc 3 lần uống 3 lần, ngày 1 thang.

U xơ tuyến tiền liệt : Dừa cạn 12g, huyền sâm 12g, xuyên sơn 10g, chè khô 12g, hoàng cung trinh nữ 5g, cát căn 16g, bối mẫu 10g, đinh lăng 16g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần.

Theo Lương y Trịnh Văn Sĩ (suckhoedoisong.vn)

Liệu pháp ẩm thực chữa chứng mộng giao

Phụ nữ khi đang trong "giấc nồng" mơ thấy quan hệ tình dục với nam giới, y học cổ truyền gọi là mộng giao hay bạch dâm. Khi đó từ trong âm đạo chảy ra một chất dịch màu trắng hoặc vàng, hiện tượng này ứng với chứng "mộng tinh" ở nam giới... Mộng giao là một bệnh lý thường gặp ở phụ nữ. Bệnh này cần phải chữa trị để khỏi ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần nhất là đối với phụ nữ có thai, chứng mộng giao dễ dẫn đến đẻ non.

Chứng mộng giao do nhiều nguyên nhân gây ra với các thể bệnh và biểu hiện khác nhau, với mỗi thể bệnh, y học cổ truyền có bài thuốc và cách ăn uống để điều trị cụ thể.

Thể thận âm hư nội nhiệt: Mộng giao, khi tỉnh lại mỏi lưng hoặc ngũ tâm nóng bứt rứt, miệng khô, tai ù, ngủ ít, sắc lưỡi đỏ, rêu lưỡi mỏng, mạch nhỏ.

Bài thuốc: Tri mẫu 10g, hoàng bá 10g, sinh địa 15g, trạch tả 15g, phục thần 10g, cam thảo 8g. Đổ 750ml nước sắc còn 200ml, ngày chia uống 3 lần, uống nóng. Uống 7 ngày liền.

Thể tâm can hỏa vượng: Sau khi ngủ mơ giao hợp từ âm đạo tiết ra chất đặc dính màu vàng nhạt. Người nóng sốt ruột, tính nóng dễ cáu, miệng khát họng khô, lưng đau nhừ, đại tiện phần lớn bị táo bón, tiểu tiện vàng đỏ. Sắc lưỡi đỏ, nhọn có gai hồng, rêu lưỡi mỏng vàng hoặc vàng nhầy, mạch nhỏ hoặc huyền.

Dùng bài thuốc Thanh tâm liên tử gia giảm: liên nhục 12g, mạch đông (mạch môn đông) 10g, địa cốt bì 10g, hoàng tinh 8g, đương quy 8g, xa tiền tử 10g, hoàng liên 6g, sinh địa 12g, táo nhân 15g, nữ trinh tử 12g, kim anh tử 18g, cam thảo 8g, trạch tả 12g. Đổ 750ml nước sắc còn 200ml ngày chia làm 3 lần. Uống 7 ngày liền.

Thể can đởm ẩn nóng: Thỉnh thoảng mộng giao, tỉnh lại sườn phải ngâm ngẩm đau, miệng đắng, uể oải mệt mỏi, sắc lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhầy, mạch hơi huyền.

Bài thuốc: Long đởm tả gia giảm: long đởm thảo 3g, chỉ xác 8g, sài hồ 10g, trạch tả 12g, xa tiền tử 10g, hoắc hương 12g, bội lan 8g, nhân trần 15g, ý dĩ 18g, cam thảo 8g. Đổ 750ml nước sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày. Uống 7 ngày liền.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Liệu pháp ẩm thực:

- Ý dĩ nhân 15g, khiếm thực 30g, hạt sen 20g, gạo tẻ 60g, hầm cháo, ngày chia lần 2, ăn nóng.

- Nữ trinh tử 15g, phục linh 30g, đại táo 6 quả, gạo tẻ 60g, hầm cháo, ngày chia 2 lần, ăn nóng.

- Khổ sâm 40g, trứng gà 2 quả, đường đỏ 60g. Sắc đặc khổ sâm lấy nước cốt, bỏ bã, cho trứng gà (bỏ vỏ đánh tan) và đường đỏ vào nấu chín. Ăn trứng uống nước mỗi ngày 1 lần, ăn liền trong 7 ngày.

- Tri mẫu 40g, hoàng bá 15g, trứng gà 2 quả, đường trắng 60g. Sắc đặc tri mẫu, hoàng bá lấy nước cốt bỏ bã, cho trứng gà (bỏ vỏ đánh tan) và đường trắng vào nấu chín. Ăn trứng uống nước, mỗi ngày 1 lần, dùng liên tục trong 7 ngày.

- Liên nhục 40g, nữ trinh tử 20g, trứng gà 2 quả, đường trắng 60g. Sắc đặc nữ trinh tử lấy nước cốt, bỏ bã, cho trứng (bỏ vỏ đánh tan) và đường trắng vào. Ăn trứng uống nước mỗi ngày một lần, dùng liên tục trong 7 ngày.

Theo Lương y Vũ Quốc Trung (Suckhoedoisong)

Các bài thuốc đông y trị chứng nổi mày đay

Mày đay là một loại dị ứng ngoài da. Theo y học cổ truyền, bệnh thường do phong thấp xâm nhập vào da thịt hoặc trường vị đang có uất nhiệt lại cảm phải phong tà, tà khí tích lại ở da, lông gây ra mày đay. Nguyên nhân chủ yếu là do phong hàn (bên ngoài) hợp với huyết nhiệt (bên trong) và một số thức ăn không thích hợp với cơ thể như tôm, cá… gây ra.

YHCT chia mày đay ra thành nhiều thể khác nhau, dựa trên cơ chế sinh bệnh để điều trị với các bài thuốc hợp:

Do phong nhiệt: Mày đay màu hồng tươi, miệng khát, mặt có lúc bốc nóng, nước tiểu vàng, táo bón, gặp lạnh thì dễ chịu, rêu lưỡi vàng, mạch phù sác.

Điều trị: Sơ phong thanh nhiệt.

Dùng bài Ngân kiều tán gia giảm: Ngân hoa, liên kiều, sinh địa 12g, ngưu bàng tử (sao), đại thanh diệp, đơn bì đều 10g, kinh giới, phong phong, cam thảo, thuyền thoái đều 6g. Sắc uống ngày 1 thang, uống 7 ngày liền.

Hoặc dùng bài: kinh giới, phòng phong, khổ sâm đều 10g, kim ngân hoa, sinh địa, đương qui đều 12g, thuyền thoái 3g, cam thảo 4g, bạc hà 10g, mộc thông 8g. Sắc uống ngày 1 thang, uống 7 ngày.

Do phong hàn: Mày đay nổi lên từng đám trắng nhạt, gặp gió lạnh bệnh phát ngứa ngáy, không đau nhức: Dùng bài Ma hoàng thang gia giảm: Ma hoàng (nướng), quế chi đều 6g, bạch thược (sao), hạnh nhân, khương hoạt, đảng sâm, tô diệp đều 10g, đại táo 7 quả, gừng tươi 3 lát. Sắc uống ngày 1 thang, uống 7 ngày liền.

Dùng kinh giới, phòng phong, bạch chỉ, sài hồ đều 10g, thuyền thoái 3g, kim ngân hoa, đương quy đều 12g, mộc thông, xa tiền tử, khương hoạt đều 8g, cam thảo 4g, đại táo 10 quả.

Do phong thấp: Mày đay màu trắng hoặc hơi hồng, thân thể nặng nề, nước tiểu trong hoặc hơi đục, rêu lưỡi trắng, nhờn và dầy. Dùng bài Phòng phong thang: kinh giới, phòng phong đều 6g, thuyền thoái 10g, khổ sâm, thạch cao (sống) đều 30g, tri mẫu, đơn bì đều 10g, xích thược, thổ phục linh, địa phu tử đều 15g. Sắc uống ngày 1 thang, uống 7 ngày liền.

Lương y Vũ Quốc Trung

(suckhoenct)