Lưu trữ cho từ khóa: khạc đờm

Triệu chứng bệnh lao phổi

Lao phổi là bệnh nhiễm khuẩn do trực khuẩn lao gây nên. Người lao phổi có các triệu chứng như sau:

1. Triệu chứng lâm sàng

a. Triệu chứng về hô hấp:

- Các triệu chứng quan trọng nhất là: ho, khạc đờm, ho máu.

- Các triệu chứng khác là: đau ngực, khó thở, có tiếng rên khu trú ở một vùng của phổi v.v...

Ho là triệu chứng phổ biến của mọi bệnh phổi cấp hoặc mạn tính. Ho có thể do nhiều nguyên nhân: viêm phổi, viêm phế quản, giãn phế quản, lao, ung thư phổi v.v...

Mọi bệnh nhân ho trên 3 tuần không phải do viêm phổi, viêm phế quản, giãn phế quản, ung thư phổi dùng thuốc kháng sinh không giảm ho phải nghĩ đến do lao phổi.

Khạc đờm là biểu hiện tăng xuất tiết do phổi phế quản bị kích thích hoặc do có tổn thương tại phổi phế quản. Khạc đờm cũng như ho có thế do rất nhiều nguyên nhân gây ra mà các nguyên nhân thông thường nhất là viêm nhiễm. Do vậy nếu sau khi dùng thuốc kháng sinh triệu chứng khạc đờm không giảm thì mọi bệnh nhân có triệu chứng ho khạc trên ba tuần phải nghĩ đến do lao phổi.

Ho khạc đờm là những đấu hiệu hay gặp nhất trong các dấu hiệu quan trọng gợi tới chẩn đoán lao phổi.

Ho ra máu là triệu chứng có thể gặp ở 60% những người lao phổi thể hiện có tổn thương, chảy máu trong đường hô hấp. Nguyên nhân gây ho ra máu rất nhiều từ các bệnh phổi - phế quản (viêm phổi, viêm phế quản, áp xe phổi, ung thư phổi, phế quản v.v...) đến các bệnh ngoài đường hô hấp như bệnh tim mạch (suy tim, tăng huyết áp...), bệnh toàn thân (rối loạn đông máu, chảy máu, thiếu hụt vitamin C...).Tuy nhiên do có thể gặp với tỷ lệ cao trong lao phổi nên những ng­ời ho ra máu phải kiểm tra có lao phổi không.

b. Triệu chứng toàn thân:

Các triệu chứng toàn thân quan trọng nhất là: gầy, sút cân, sốt, ra mồ hôi.

Các triệu chứng toàn thân khác là: chán ăn, mệt mỏi v.v...

Gầy, sút cân là triệu chứng gặp ở số đông người lao phổi. Những bệnh nhân gầy, sút cân không có nguyên nhân rõ ràng không phải do tiêu chảy, suy dinh dưỡng, nhiễm HIV/AIDS v.v... có các triệu chứng hô hấp như­ trên đã nêu phải nghĩ tới do lao phổi.

Sốt là triệu chứng hay gặp ở người lao phổi. Sốt có thể ở nhiều dạng: sốt cao, sốt thất thường nhưng hay gặp nhất là sốt nhẹ hoặc gai gai lạnh về chiều.

Những người có triệu chứng sốt như trên, có các triệu chứng về hô hấp: ho, khạc đờm, ho ra máu.v.v.... phải nghĩ tới do lao phổi.

Ra mồ hôi là triệu chứng có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Trong lao phổi ra mồ hôi là do rối loạn thần kinh thực vật mà người ta thường gọi là ra mồ hôi trộm ởtrẻ em triệu chứng này dễ nhận thấy nhất.

Nếu bệnh nhân gầy sút cân, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi trộm kèm theo có các dấu hiệu chán ăn, mệt mỏi... phải chú ý có thể đó là do lao phổi.

Mức độ quan trọng khác nhau của các triệu chứng lâm sàng của lao phổi được sắp xếp theo bảng dưới đây (bảng 3).

Các triệu chứng lâm sàng của lao phổi

Triệu chứng hô hấp

Triệu chứng toàn thân

Các triệu chứng quan trọng

Ho+++ Khạc đờm+++ Ho ra máu++

Gầy sút cân++ Sốt về chiều++ Ra mồ hôi trộm++

Các triệu chứng khác

Đau ngực+ Khó thở+ Các tiếng rên khu trú ở một vùng phổi+

Chán ăn+ Mệt mỏi+

Những bệnh nhân có các triệu chứng lâm sàng như trên cần được cho làm xét nghiệm đờm, thử nghiệm tuberculin, chụp X-quang phổi.

2. Triệu chứng thực thể

- Đối với lao phổi: nghe thấy các tiếng bất thường ở phổi.

- Đối với lao ngoài phổi: làm các xét nghiệm như sinh thiết hạch, chụp cắt lớp ...

Meo.vn (Theo Cimsi)

Thiên hoa phấn chữa đái tháo đường

Đây là cây mọc hoang trên đất rừng có nhiều tác dụng chữa bệnh: ho, sốt... đặc biệt tác dụng sinh tân, chỉ khát, chữa đái tháo đường hiệu quả.

Thiên hoa phấn là tên vị thuốc trong y học cổ truyền là của rễ cây qua lâu, còn gọi là qua lâu căn, người dân gọi là dưa trời, dưa núi, hoa bát, vương qua (miền Bắc), dây bạc bát, bát bát châu (miền Nam), thau ca (người Tày).

Rễ qua lâu được thu hoạch vào mùa thu đông, tốt nhất là sau khi thu hái quả được ít ngày. Muốn rễ củ mập thì ngắt bỏ hoa để dinh dưỡng tập trung vào rễ. Rễ đào về, cạo bỏ vỏ ngoài, rửa sạch, cắt thành từng đoạn, rễ nhỏ để nguyên, rễ to bổ dọc, phơi hay sấy khô để bảo quản. Thành phần hóa học của rễ gồm tinh bột, chất nhầy, chất Trichosanthin (loại protein kiềm) với hàm lượng hơn 1%, karasurin, cucurbitacin, kirilowin...


Thiên hoa phấn là tên vị thuốc trong y học cổ truyền là của rễ cây qua lâu.

Dược liệu thiên hoa phấn có màu vàng hoặc nâu nhạt ở mặt ngoài, mặt cắt màu trắng có điểm mạch gân màu vàng, vị nhạt sao hơi đắng, chua, không mùi, tính hàn, có tác dụng sinh tân dịch, chỉ khát, nhuận táo, giảm đau chữa sốt nóng, đái tháo đường, miệng khô, khát nước, đoản hơi, hoàng đản, lở ngứa, sưng tấy, trĩ rò.

Ho do đờm nhiệt biểu hiện ho khạc đờm vàng đặc (cảm giác tức nặng ở ngực và táo bón): Qua lâu với đởm nam tinh và hoàng cầm.

Đờm, thấp và huyết ứ trệ trong ngực (biểu hiện cảm giác khó thở và đau ngực, đau ngực xuyên ra sau lưng): Qua lâu với thông bạch và bán hạ.

Đờm và nhiệt tích tụ trong ngực và vùng thượng vị (biểu hiện cảm giác đầy chướng ngực và thượng vị): Qua lâu với hoàng liên và bán hạ.

Sốt nóng, da vàng, miệng khô khát: Thiên hoa phấn 8g, rễ cây é lớn đầu 8g hoặc hạt đậu đen 8g, sắc với 200ml còn 50ml, uống làm 1 lần trong ngày.

Đái tháo đường: Thiên hoa phấn 8g, thục địa, hoài sơn mỗi vị 20g, đơn bì, kỷ tử, thạch hộc mỗi vị 12g, sơn thù, sa nhân mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Lương y Hoài Vũ

Meo.vn (Theo Bee)

Phòng và điều trị bệnh giãn phế quản

Giãn phế quản là một bệnh bẩm sinh hay mắc phải, tổn thương gây giãn thường xuyên không hồi phục của một hay nhiều phế quản lớn, có hủy hoại thành phế quản. Bệnh có thể ảnh hưởng nặng nề đến tim, phổi, gan, thận nên cần phải phát hiện và điều trị sớm mới có thể tránh các biến chứng nặng hoặc tử vong.

Vì sao bị giãn phế quản?

Bệnh giãn phế quản do bẩm sinh hoặc mắc phải, nam giới mắc bệnh nhiều gấp 4 lần nữ giới. Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh giãn phế quản: với thể bệnh khu trú, nguyên nhân gây bệnh là khối u lành hay ác tính, dị vật, bị bệnh lao sơ nhiễm tiến triển hay trên di chứng canxi hóa, áp-xe phổi…; Thể bệnh lan tỏa, di chứng của các bệnh phế quản phổi cấp nặng lúc nhỏ, trong đó sởi và ho gà là 2 bệnh thường gặp nhất, nhiễm siêu vi nặng do arbovirus là những nguyên nhân gây giãn phế quản. Nguyên nhân bẩm sinh: bệnh đa kén phổi hay phối hợp với đa kén thận, tụy và gan; suy giảm miễn dịch dịch thể và suy giảm miễn dịch tế bào.

Ngón tay hình dùi trống và ho khạc nhiều – Chớ chủ quan!

Bệnh nhân bị giãn phế quản thường có các biểu hiện sau: khạc đờm, 80% trường hợp giãn phế quản bệnh nhân có khạc đờm với đặc điểm: khạc nhiều nhất vào buổi sáng hoặc đều trong ngày, số lượng nhiều (khoảng từ 20 -100 ml/ngày), tăng lên trong đợt cấp, song có khi lại gặp bệnh nhân giãn phế quản ở thể khô, không khạc đờm, đờm có mùi thạch cao, có khi có mùi hôi, nếu để lắng sẽ có 4 lớp từ trên xuống dưới là: đờm bọt, đờm thành dịch nhầy trong, đờm mũi nhầy, đờm mủ đặc. Ho là triệu chứng kèm theo lúc khạc đờm. Ho ra máu gặp khoảng 8% trường hợp, tia máu màu đỏ khi đang có đợt viêm hay ho ra máu với số lượng nhiều, màu đỏ chói nếu bị biến chứng chảy máu. Khó thở là triệu chứng ít gặp. Tuy nhiên, một số bệnh nhân giãn phế quản được chẩn đoán ở giai đoạn suy hô hấp mạn. Viêm phế quản, phổi cấp tái phát nhiều lần với các triệu chứng sốt 38 – 38,5°C, vị trí nhiễm khuẩn cố định ở các đợt viêm, tổng trạng của bệnh nhân thường không thay đổi. Tràn dịch màng phổi. Nghe phổi có thể thấy ran ngáy, ran rít, ran ẩm to hạt. Nếu bội nhiễm có thể nghe được ran nổ khô hay ran nổ ướt nhỏ hạt hay hội chứng tràn dịch màng phổi. Bệnh nhân có ngón tay hình dùi trống. Hai biến chứng nặng là suy hô hấp mạn và tâm phế mạn. Xét nghiệm đờm thấy có nhiều tế bào biểu mô phế quản, nhiều bạch cầu đa nhân trung tính thoái hóa và chất nhầy, không có sợi đàn hồi. Xét nghiệm vi khuẩn hay gặp nhất là Hemophilus influenza và phế cầu, vi khuẩn gram âm: Pseudomonas aeruginosa, một số vi khuẩn kị khí, vi khuẩn lao. Chụp phổi thấy: hình mờ dạng lưới đi từ rốn đến cơ hoành, hình mờ ở thùy giữa và thùy dưới phổi, hình ảnh “hoa hồng nhỏ” giống như những kén khí chồng lên nhau, hình ảnh mức nước khí. Đo chức năng hô hấp thấy có sự kết hợp cả hai hội chứng hạn chế và tắc nghẽn.

Tiêu bản tổn thương giãn phế quản.

Biến chứng thường gặp

Bệnh nhân bị giãn phế quản nhẹ thì các đợt bội nhiễm xảy ra không thường xuyên, bệnh chỉ giới hạn một vùng, không lan ra chủ mô phổi, không bị suy hô hấp. Trái lại ở thể nặng, các đợt nhiễm khuẩn xảy ra thường xuyên, phải sử dụng kháng sinh điều trị, sau nhiều năm tiến triển sẽ xuất hiện suy hô hấp mạn và tâm phế mạn.

Biến chứng thường gặp là viêm phổi thùy, phế quản phế viêm, áp-xe phổi, tràn dịch màng phổi, lao phổi, áp-xe não, bệnh xương khớp phì đại do phổi, hay gặp biến chứng ho ra máu, có thể đờm dính máu hoặc nặng hơn là ho ra toàn máu, số lượng nhiều.

Phương pháp điều trị

Điều trị trong những đợt nhiễm khuẩn phế quản, phổi như phế viêm hay áp-xe phổi. Dẫn lưu tư thế là một thủ thuật rất cần thiết, quan trọng và bắt buộc phải làm để tháo mủ ra ngoài, thực hiện 3 lần/ngày, mỗi lần khoảng 10 phút cho bệnh nhân dễ thở. Hướng dẫn bệnh nhân vận động là rất cần thiết để giúp họ có thể khạc đờm ra càng nhiều càng tốt. Sử dụng thuốc kháng sinh điều trị: khi có điều kiện nên cấy đờm và làm kháng sinh đồ để chọn lựa kháng sinh thích hợp.

- Điều trị ho ra máu: nhẹ có thể điều trị bằng adrenoxyl, nếu vượt khả năng điều trị nội khoa thì phải phẫu thuật cầm máu.
- Điều trị ngoại khoa: thể khu trú một bên nên phẫu thuật là tốt nhất. Thể có tổn thương hai bên: mổ cắt một hoặc cắt hai bên.

Phòng bệnh cần điều trị triệt căn các ổ nhiễm khuẩn tai mũi họng bằng kháng sinh. Tiêm vaccin phòng ngừa cảm cúm. Khi bị cảm cúm, nhất là vào mùa thu đông thì phải dùng ngay kháng sinh. Vệ sinh răng miệng và tai mũi họng.

ThS.Phạm Thanh Tùng

Meo.vn (Theo Omron)

Chuyện hy hữu: Răng rơi vào phổi

Thời gian qua, Viện Lao và Bệnh phổi T.Ư tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân bị dị vật  như răng, đinh… bị rơi vào phổi. Có 15 trường hợp bị rơi răng giả hoặc răng thật vào phế quản trong đêm ngủ.

Một nghiên cứu trên 63 bệnh nhân cho thấy 56 trường hợp người bệnh nghĩ rằng dị vật được nuốt vào dạ dày và theo phân ra ngoài nên không đi khám bệnh.

Hậu quả là nhiều người bị viêm phổi do những dị vật này.

Một bệnh nhân nữ từ lúc 22 tuổi đã nuốt hạt hồng xiêm nằm ở phế quản trái. Năm bệnh nhân này 42 tuổi, dị vật này mới được phát hiện qua nội soi và gắp được hạt hồng xiêm ra.

Trong một lần sửa chữa nhà, bệnh nhân N.T.H, 53 tuổi, ở Hà Nội đóng đinh lên tường. Chiếc búa trượt vào tay, anh H. kêu lên một tiếng rất to. Không hiểu bằng cách nào chiếc đinh 3 cm chui tọt vào phổi.

Không nghĩ đinh rơi vào phổi nên anh không đi bệnh viện kiểm tra. Thời gian sau đó anh H. hay bị ho, phải uống kháng sinh rất nhiều. Sáu năm sau, khi thấy đau đầu gối, đi khám, làm các xét nghiệm anh H. được bác sĩ cho biết nghi ngờ bị ung thư phổi.

Kết quả chụp phim cho thấy 1 chiếc đinh 3cm nằm sâu trong cuống phổi bệnh nhân. Bấy giờ bệnh nhân mới nhớ lại tai nạn khó tin năm xưa.

TS - bác sĩ Nguyễn Chi Lăng – Phó giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi T.Ư - cho biết: Dị vật phế quản bỏ qua là do dị vật nhỏ, nhẵn, ít nhiễm trùng khi đã đi qua thanh môn gây nên hội chứng xâm nhập nhanh chóng và thoáng qua nên người bệnh cho rằng họ tự nuốt chứ không phải dị vật rơi vào đường thở.

Hơn nữa do thời gian nhiễm trùng phổi của bệnh nhân cách xa với thời gian xuất hiện hội chứng xâm nhập. Vì vậy, bệnh nhân quên đi nguyên nhân gây nhiễm trùng phổi phế quản có liên quan đến dị vật.

Biểu hiện lâm sàng của các trường hợp này hầu hết là tình trạng nhiễm trùng phổi phế quản mãn tính kéo dài. Bệnh chỉ đỡ khi người bệnh được điều trị kháng sinh.

Tuy nhiên sau khi ngừng kháng sinh vài ba ngày đến 1 tuần lại xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng hô hấp trở lại. Chụp phim phổi  hầu hết không thấy dị vật, ngay cả những dị vật có cấu tạo là chất có độ cản quang cao (xương, răng, đạn …).

Do vậy người bệnh thường được chẩn đoán áp xe phổi mạn tính điều trị kháng sinh dài ngày, hàng tháng, hàng năm, thậm chí có trường hợp hàng chục năm không khỏi.

Bác sĩ Lăng cho biết: Sau khi bị sặc dị vật, bệnh nhân lập tức có hội chứng xâm nhập để tống dị vật ra với những cơn ho sặc sụa. Mặc dù sau khi xảy ra sự cố, bệnh nhân đều có biểu hiện triệu chứng hô hấp như ho, sốt, khạc đờm nhưng bệnh nhân lại quên đi hoặc không biết nguyên nhân các triệu chứng hô hấp là do dị vật gây nên.

Dị vật nằm càng lâu trong phế quản sẽ càng gây kích thích tổ chức hạt phát triển xung quanh nơi nó nằm. Chính vì vậy, nó càng làm tắc nghẽn phế quản và gây trầm trọng tình trạng nhiễm trùng phế quản phổi sau chỗ tắc nghẽn.

Dị vật nằm càng lâu trong lòng phế quản sẽ gây ra nhiều di chứng sau này như chít hẹp lòng phế quản do sẹo, giãn phế quản, khí phế thũng… cho dù đã lấy được dị vật ra khỏi lòng phế quản.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, một số nguyên nhân gây nên dị vật phế quản bao gồm do chế biến thức ăn để lại những mẩu xương dễ hóc, ăn quả có hạt, do thói quen ngậm dị vật, do chăm sóc răng miệng kém (không nhổ răng sắp rụng), không tháo răng giả khi đi ngủ. Do vậy cần có hiểu biết để tránh dị vật rơi vào đường thở.

Hiện nay, soi phế quản là phương pháp xác định chẩn đoán vị trí nơi dị vật nằm và là phương pháp điều trị lấy dị vật ra khỏi đường hô hấp hiệu quả, an toàn nhất.

Tuy nhiên, có một số dị vật hít phải được xác định trên phim X quang phổi, khi soi phế quản ống mềm lại không nhìn thấy vì nó nằm sâu ở phế quản ngoại vi. Bệnh viện Lao và Bệnh phổi T.Ư đã nghiên cứu được phương pháp mới khắc phục hạn chế này.

100% các ca gắp dị vật ra khỏi phổi bằng phương pháp này đều thành công, không gây mất máu. Trong tương lai, phương pháp này sẽ được áp dụng rộng rãi trong điều trị dị vật.

Thái Hà (Theo TienPhong)

Điều trị bệnh viêm họng hạt

Xin ban quản trị, chỉ cho tôi cách điều trị bệnh “viêm họng hạt”. Tôi bị viêm họng hạt đã mấy tháng rồi ,và tôi cung đã chữa mấy lần nhưng không khỏi ,tôi cũng chữa bằng phương pháp đốt nhưng chỉ thời gian sau lại bị (Nguyễn Hữu Chung)

Trả lời:

Biểu hiện của bệnh viêm họng hạt (viêm họng mãn tính) là cảm giác vướng víu, ngứa rát thường xuyên trong họng; ho và khạc đờm (quánh dính hoặc trắng nhầy) thường xuyên (nhất là sáng sớm, khi ngủ dậy). Nhiều người bệnh do ngứa họng nên hay khậm khạc, đặng hắng. Khám tại chỗ thấy thành bên họng hơi đỏ, thành sau họng có những hạt trắng. Khi sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút (do nhiễm virus, làm việc căng thẳng, thay đổi thời tiết), bệnh có thể nặng lên thành một đợt viêm họng cấp (đau họng, sốt, ho khạc đờm đặc…)

Viêm họng hạt được coi là một bệnh khó điều trị dứt điểm. Các phương pháp điều trị tích cực như đốt lạnh (dùng nitơ lỏng), khí dung kháng sinh tại chỗ… không cho kết quả lâu dài. Để giảm bớt triệu chứng và đề phòng những đợt cấp hoặc biến chứng, nên áp dụng một phương pháp đơn giản mà hiệu quả: súc họng bằng nước muối loãng.

Nước muối để ngậm cần có độ mặn tương đương với nước canh và ấm hơn thân nhiệt vài độ (nhất là về mùa lạnh) để gây giãn mạch, tăng tuần hoàn tại chỗ, khiến bạch cầu đến đây nhiều hơn. Nên pha sẵn nước muối mặn đựng vào chai, khi súc họng thì pha thêm nước nóng để có độ mặn và độ nóng cần thiết.

Trước tiên, cần súc sạch khoang miệng bằng nước muối đã pha trong khoảng 30 giây. Nếu cảm thấy miệng chưa thật sạch thì làm thêm một lần nữa rồi mới súc họng. Xúc họng khoảng 3-4 lần nữa với nước muối mới, cho đến khi họng không còn cảm giác vướng víu nữa.

Cứ 3 giờ súc họng một lần. Nếu họng đang viêm cấp, khoảng cách giữa hai lần súc họng có thể gần hơn. Điều quan trọng nhất là phải nhớ súc họng trước và sau khi ngủ. Với người hay đi tiểu đêm, cần phải súc họng cả trong những lần thức giấc này.

Kết quả của việc súc họng nước muối sẽ được thấy rõ sau khoảng vài ngày, đặc biệt đối với những bệnh nhân đang ở đợt cấp. Việc điều trị kháng sinh phối hợp là điều không cần thiết đối với viêm họng mãn. Nhưng nếu đang có đợt cấp thì kháng sinh sẽ là cần thiết

(Thông tin tư vấn sau đây chỉ mang tính tham khảo – không tự ý chữa bệnh theo thông tin này)

Chúc bạn mạnh khỏe!

Theo vnMedia

Mẹ bị cúm có nên cho con bú?

Bà mẹ cho con bú giống như mọi giai đoạn khác của cơ thể, không có khả năng phòng chống đặc hiệu đủ mạnh để không bị nhiễm cúm. Việc bà mẹ bị nhiễm cúm là hoàn toàn có thể xảy ra trong mùa dịch. Vậy khi bà mẹ bị cúm, có nên tiếp tục cho con bú hay không?

Cúm dễ lây truyền
Vốn là một bệnh do virut gây ra, bệnh cúm là một bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan nhanh và tiến triển thành vụ dịch. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, virut cúm có thể lan qua sự tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, qua những hạt nước nhỏ li ti mà người bệnh bắn ra hay qua sự tiếp xúc với các đồ đạc nhiễm virut. Bằng những phương thức này mà từ một người bị nhiễm, virut cúm nhanh chóng lan ra cả cộng đồng dân cư.

Cơ quan đích của virut cúm là bộ phận đường hô hấp trên mà ở đó tế bào biểu mô đường hô hấp nhạy cảm nhất. Đây là những tế bào đầu tiên virut cúm bám dính, xâm nhập và nhân bản. Đây cũng là những tế bào đầu tiên gây ra bệnh cúm cho cơ thể. Một khi virut xâm nhập và gây bệnh thì cơ thể người bệnh sẽ có những biểu hiện điển hình: ho, hắt hơi, sổ mũi, khạc đờm trong, sốt cao, mệt mỏi. Ở một điều kiện bình thường cúm có thể tự khỏi sau khoảng 2 tuần, nhưng ở một số đối tượng mẫn cảm thì cúm lại gây những biến thể nặng như viêm phổi, viêm màng não, viêm não, viêm và hoại tử cơ, viêm cơ tim và có thể dẫn đến tử vong. Một trong số các đối tượng này là phụ nữ mang thai và trẻ em trong thời kỳ bú mẹ.
Việc bà mẹ đang cho con bú bị nhiễm cúm là hoàn toàn có thể xảy ra trong mùa dịch. Vậy khi bà mẹ bị cúm, liệu virut cúm vào được sữa hay không.

Cúm qua sữa mẹ, có hay không?
Như đã nói ở trên, virut cúm đặc biệt mẫn cảm với đường hô hấp trên vì ở đó virut dễ bám dính và dễ xâm nhập. Tuy nhiên không phải cứ bám dính được là chúng có thể gây bệnh. Chúng sẽ vấp phải một loạt hàng rào phòng ngự bảo vệ như các kháng thể IgA có sẵn trong dịch nhầy của đường hô hấp, các tế bào có thẩm quyền miễn dịch như các tế bào lympho, các đại thực bào luôn tuần tra canh gác cẩn thận. Những thành phần này sẽ làm giảm phần lớn khả năng xâm nhập tế bào của virut cúm. Nhưng vẫn có một tỷ lệ nhỏ virut lách được thành công, chúng chui vào trong tế bào biểu mô mũi, họng, hầu… bắt những tế bào này tổng hợp nên các virut mới và hủy tế bào để giải phóng ra các thế hệ virut con cháu. Những virut này tiếp tục xâm nhập các tế bào liền kề gây ra hủy hoại mang tính đồng loạt ở đường hô hấp trên.

Nếu virut cúm vượt qua được mọi hàng rào bảo vệ ở trên thì virut sẽ đi vào máu và gây ra tình trạng nhiễm virut huyết. Tuy nhiên, cho đến ngày nay, người ta thấy rằng, tình trạng nhiễm virut huyết là rất khó xảy ra. Chúng chỉ xảy ra ở những trường hợp có hệ miễn dịch quá yếu hay ở những đối tượng bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng. Và thậm chí, ngay cả những trường hợp nhiễm virut huyết thì dù có bị tổn thương các cơ quan khác như não, tim, thận thì hiện tượng virut sinh tồn trong tuyến sữa là rất hiếm nếu như không muốn nói là không có. Nồng độ virut trong máu là rất thấp. Người ta đã nghiên cứu nhiều và chưa có một bằng chứng nào chứng minh được là bà mẹ bị cúm thì sẽ nhiễm virut cúm trong sữa của mình. Hay nói một cách dễ hiểu là virut cúm không lây qua đường sữa mẹ.

Tuy không lây qua đường sữa mẹ nhưng virut cúm lại rất dễ lây qua đường hô hấp. Chỉ cần một cái hắt hơi của mẹ, hay một cái vuốt ve môi mũi con cũng đủ làm con bị nhiễm virut nếu trẻ đang trong giai đoạn sơ sinh. Mà những hiện tượng này rất dễ gặp khi bà mẹ cho con bú. Vì vậy khi người mẹ đang ở giai đoạn cho con bú cần giữ gìn để tránh mắc bệnh cúm. Nếu không may bị nhiễm cúm cần thận trọng để tránh lây nhiễm cho con.

Sức khoẻ & Đời sống

Cả nhà mắc lao vì cô giúp việc

Không chỉ có bố mẹ mà con trai nhỏ 4 tuổi nhà anh cũng được phát hiện đã bị lây bệnh do trước khi thuê giúp việc đã không đưa đi kiểm tra sức khỏe!

 

Tỷ lệ bệnh nhân lao kháng thuốc đang chiếm từ 8-11% bệnh nhân lao. Trong đó, khoảng 77% bệnh nhân chữa được khỏi, hơn 20% còn lại, nhiều người là nguồn lây lan ra cộng đồng. Điều này đang làm đau đầu các bác sĩ.

Ông Đoàn Văn Hiển - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Phổi Trung ương cho hay, hiện có những người bị lao kháng thuốc vẫn đứng làm chủ cửa hàng ăn. Khi họ ho không thể kiểm soát được vi khuẩn lao đã "bay" vào thức ăn và người đứng ngay gần như thế nào. Nguồn truyền cho cộng đồng ở bệnh nhân lao đa kháng thuốc rất cao.

Nguồn lây từ giúp việc, chủ hàng mắc bệnh

Bệnh nhân ho, sốt trên 2 tuần, khạc đờm, sốt về chiều và đã điều trị kháng sinh không khỏi cần nghĩ đến khám bệnh lao.

Ông Đoàn Văn Hiển khẳng định, một trong những nguyên nhân khiến bệnh nhân lao che giấu tình trạng hoặc bất cẩn do bị cộng đồng kỳ thị. Điều này dẫn đến họ không chủ động đến cơ sở y tế chữa trị nữa hoặc không được phát hiện sớm. Thông thường, trong gia đình phát hiện một người mắc lao, những người thân còn lại đi kiểm tra cũng phát hiện đã bị mắc bệnh.
Trường hợp gia đình anh Hoàng Trung Kiên ở Bồ Đề, Gia Lâm, Hà Nội là một ví dụ đáng tiếc. Khi bố mẹ anh Kiên sốt nhiều ngày không đỡ, ho dai dẳng… nhập viện phát hiện bị lao thì mới phát hiện nguồn lây là từ cô giúp việc. Không chỉ có bố mẹ mà con trai nhỏ 4 tuổi nhà anh cũng được phát hiện đã bị lây bệnh. Lúc đó, gia đình anh Kiên mới giật mình, trước khi thuê người đã không đưa đi kiểm tra sức khỏe!

Điều trị bệnh nhân lao tại Bệnh viện Phổi Trung ương.

Ngoài ra, còn một đối tượng rất khó kiểm soát, đó là những người bán hàng ăn mắc lao (AFB dương tính). Họ chưa được tiêu chuẩn hóa sức khỏe. Hiện chưa có một nghiên cứu nào tìm hiểu chủ các quán ăn, từ hàng rong trở đi… để sàng lọc phát hiện người bị bệnh lao. Theo đó, để xóa bỏ được nguồn lây trong cộng đồng, ông Hiển cho rằng, cần phải có chương trình yêu cầu đội ngũ chủ cửa hàng ăn, hàng rong đi chụp chiếu để sàng lọc, quản lý nguồn lây.

Cần phát hiện sớm
Nếu trong gia đình có bệnh nhân lao, tốt nhất là không đứng trực diện trong lúc bệnh nhân ho. Khuyên bệnh nhân khạc đờm vào đúng chỗ. Tránh tiếp xúc với đờm của bệnh nhân bởi vi khuẩn lao không tuôn ra môi trường theo đường thở.
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương Nguyễn Chi Lăng, hiện trung bình cứ 100 ca AFB dương tính thì có 2,7% bệnh nhân lao đa kháng thuốc, chưa kể số cũ đang điều trị. Tỷ lệ bệnh nhân lao đa kháng thuốc chữa khỏi bệnh chiếm 77%. Nhưng số 23% còn lại nhiều người bất cẩn, là nguồn lây lớn trong cộng đồng.

Một trong những nguyên nhân bất lợi với bệnh nhân đa kháng thuốc là việc điều trị kéo dài và ngoại trú. Với bệnh nhân lao thông thường việc điều trị kéo dài 8 tháng, cho dù điều trị 1-2 tháng đầu đã khỏi về mặt lâm sàng nhưng bệnh nhân vẫn phải dùng thuốc điều trị hết liều. Với những người bị kháng thuốc sẽ phải điều trị đến 18 tháng. Bệnh nhân nặng chủ yếu là nam giới bỏ bê chữa trị, sa đà rượu chè, bất chấp lời khuyên của gia đình.

Ông Nguyễn Chi Lăng khuyến cáo, để tránh bị lao đa kháng thuốc cần được chẩn đoán, phát hiện lao sớm. Bệnh lao hoàn toàn có thể chữa khỏi, dễ chữa nếu được phát hiện kịp thời và tuân thủ điều trị. Đa số bệnh nhân sẽ được điều trị ở quận, huyện, xã theo Chương trình Phòng chống Lao quốc gia. Riêng điều trị lao đa kháng thuốc, năm 2011 dự kiến có 10 điểm.

Điều trị lao muộn, biến chứng nguy hiểm

Nhiều cha mẹ lầm tưởng những biểu hiện bệnh lý ban đầu của lao với các bệnh về đường hô hấp khác nên đã không đưa trẻ đi khám ngay.

 

Đến khi trẻ có triệu chứng thở khò khè, ho ra máu hoặc xuất hiện nổi hạch tại một vị trí nào đó thì bệnh đã nặng.

Ngộ nhận lao phổi với viêm phế quản

TS. BS Vũ Quang Diễn, Phó Giám đốc Bệnh viện 74 TƯ cho biết, người bệnh bị lao phổi thường ho khạc đờm kéo dài (trên hai tuần), ho nhiều về buổi sáng. 30-40% số bệnh nhân có ho ra máu, một số có tràn dịch, tràn khí màng phổi. Hầu hết các bệnh nhân thường nhập viện trong tình trạng bệnh đã nặng do ngộ nhận lao phổi với các bệnh thông thường như viêm phế quản, viêm phổi...

Bệnh lao phổi lây nhiễm chủ yếu qua đường không khí. Người lành khi tiếp xúc với người bị lao phổi dễ bị lây. Khoảng 5% số người hít phải vi khuẩn lao chuyển thành lao bệnh.

Điều trị lao phổi tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TƯ. Ảnh: PT

TS.BS Hoàng Thị Phượng, Trưởng khoa Lao (BV Lao và Bệnh phổi TƯ) cho biết, lao là bệnh truyền nhiễm do vi trùng lao gây nên. Vi trùng lao thường xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp do hít phải các hạt nước bọt nhỏ li ti có chứa vi trùng lao. Khi vào cơ thể, vi trùng lao theo đường máu và bạch huyết đến cư trú, phát triển, làm tổn thương, đầu tiên là phổi, rồi các cơ quan khác như thận, xương, khớp, thanh quản, não...

Theo các bác sỹ, trẻ mắc bệnh lao nguy hiểm gấp nhiều lần người lớn do hệ thống đề kháng của cơ thể trẻ em còn yếu. Phát hiện một trẻ bị mắc lao thường chậm hơn so với người lớn, nên khi phát hiện được thì thường bệnh đã ở giai đoạn nặng. Việc điều trị cho trẻ cũng khó khăn hơn vì trẻ phải được uống một lượng thuốc khá lớn, liên tục, kéo dài.

"Việc tiêm phòng BCG cho trẻ là hết sức cần thiết", TS.BS Hoàng Thị Phượng cho biết.

Cách ly với nguồn lây

Qua khảo sát của Dự án phòng chống lao Quốc gia, nguy cơ nhiễm lao hằng năm ở trẻ em chiếm 1,67%. Tùy theo thể lao trẻ mắc phải có mức độ biến chứng khác nhau. Ở các thể lao nặng như lao kê, lao màng não, trẻ có thể bị chậm phát triển trí tuệ, thậm chí tử vong. Đối với lao cột sống, lao khớp, dù trẻ được điều trị khỏi bệnh hoàn toàn nhưng vẫn trở thành người tàn phế với những di chứng suốt đời như gù, liệt.

Theo TS.BS Hoàng Thị Phượng, hầu hết người dân nhiễm vi khuẩn lao do lây lan. Tuy nhiên không phải ai nhiễm vi khuẩn lao cũng mắc bệnh. Những người nhiễm vi khuẩn lao nhưng khỏe mạnh, có sức đề kháng cao sẽ không bộc phát bệnh. Lây truyền chỉ xảy ra ở người mắc bệnh lao hoạt động, còn bệnh lao tiềm ẩn thì khó có thể lây truyền.

Sự lây truyền bệnh còn phụ thuộc vào mức độ nhiễm khuẩn của người mắc lao, môi trường phơi nhiễm, thời gian phơi nhiễm và độc lực của vi khuẩn. Những người nguy cơ cao mắc lao là thường xuyên bị căng thẳng thần kinh, phụ nữ sau khi phẫu thuật, người có bệnh tiểu đường, nhiễm HIV, tiêm chích ma túy,... khi nhiễm vi trùng lao dễ tiến triển thành bệnh do trước đó cơ thể đã bị suy giảm miễn dịch. Khoảng 10% số người nhiễm lao trở thành lao bệnh. Ở những người nhiễm HIV/AIDS, tỷ lệ này lên tới 30%.

Theo TS.BS Hoàng Thị Phượng, để phòng tránh lây lan, khi tiếp xúc với người bệnh cần đeo khẩu trang. Ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp sẽ giết chết vi khuẩn lao do đó cần phơi nắng các vật dụng như màn, chiếu gối, quần áo... Nên khạc đàm vào ống nhổ có nắp đậy và đun sôi từ 5 - 10 phút là cách diệt vi trùng lao tốt nhất.

Những nguy hại khi phát hiện muộn

- Với lao phổi, tổn thương phổi rộng dẫn đến suy hô hấp, tâm phế mãn, điều trị ít hiệu quả thường dẫn đến tử vong.

- Bị lao màng não phát hiện điều trị muộn tỷ lệ tử vong khoảng 90%, 100% có di chứng như: Liệt, thiểu năng trí tuệ, bại não, tàn phế…

- Với lao hạch: Hạch sẽ dò ra ngoài da, lâu liền, sẹo rất xấu ảnh hưởng đến thẩm mỹ, lao từ tổ chức hạch có thể di căn đi các bộ phận khác gây bệnh.

- Lao xương khớp: Để lại di chứng dính, cứng khớp, dò xương khớp, gãy xương… Lao thận thì có biểu hiện đái buốt, đái rắt, đái máu.

TS.BS Bùi Quang Diễn

Rượu bổ cho mùa thu

Loại rượu ngâm hạt sen giúp cải thiện chứng di tinh xuất tinh sớm, mất ngủ. Rượu vừng đen chữa đau đầu, hoa mắt... Các loại dược tửu này dùng rất hợp trong tiết thu.

Vào mùa thu, dương khí dần lui bớt, âm khí từ từ tăng trưởng, thời tiết chuyển dần từ nóng sang lạnh, mưa ít gió nhiều, độ ẩm không khí giảm, dễ gây hao tổn chất dịch trong cơ thể. Do đó, nhiều người nghĩ lúc này không nên uống rượu. Thực ra, theo kinh nghiệm dưỡng sinh của người xưa, mùa nào cũng có thể uống rượu, có điều phải chế biến và chọn loại rượu thuốc phù hợp để có lợi cho sức khỏe.

Việc dùng rượu trong mùa thu phải tuân thủ nguyên tắc dưỡng âm, bổ sung đầy đủ chất dịch cho cơ thể. Sau đây là một số loại rượu sinh mùa thu:

Rượu vừng đen

Dùng cho những người bị can thận phế âm hư (hay đau đầu, hoa mắt chóng mặt, lưng đau gối mỏi, râu tóc bạc sớm, ho khan ít đờm, đại tiện táo) nhờ tác dụng bổ gan thận, phổi, lợi tiêu hóa, nâng cao sức khỏe và chống lão hóa. Trường hợp đại tiện lỏng loãng không nên dùng.

Vừng đen 50 g, rượu trắng 500 ml. Vừng đen đãi sạch, để khô rồi đem ngâm với rượu trong bình kín, sau nửa tháng thì dùng được. Uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 10-20 ml.

Rượu hạt sen

Dùng cho những người bị mất ngủ, hay hồi hộp đánh trống ngực, di tinh, đái dầm, xuất tinh sớm, phụ nữ bị khí hư, đi lỏng do tỳ vị hư yếu. Trường hợp đại tiện táo kết không nên dùng.

Hạt sen 50 g, rượu trắng 500 ml. Hạt sen bỏ vỏ và tâm, đập vụn rồi đem ngâm với rượu trong bình kín, sau nửa tháng thì dùng được. Uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 10-20 ml.

Rượu dâu

Dùng cho những người môi khô miệng khát, có cảm giác hâm hấp sốt về chiều, lòng bàn tay bàn chân nóng, ho khan, hay ra mồ hôi trộm, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ.

Quả dâu chín 200 g, rượu trắng 500 ml. Hai thứ ngâm trong bình kín, sau nửa tháng có thể dùng được. Uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 10-20 ml.

Rượu hà thủ ô

Giúp bổ thận, ích tinh, dưỡng huyết, chống lão hóa. Dùng cho người đầu choáng tai ù, mất ngủ hay quên, râu tóc bạc sớm, di tinh, liệt dương.

Hà thủ ô 150 g, rượu trắng 500 ml. Hà thủ ô rửa sạch, thái vụn, ngâm với rượu trong bình kín, sau 15-20 ngày có thể dùng được. Uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 10-20 ml.

Rượu nhân sâm kỷ tử

Giúp đại bổ nguyên khí, dưỡng gan và làm sáng mắt. Dùng thích hợp cho những người khó thở, ngại nói, dễ đổ mồ hôi, chán ăn, chậm tiêu, da nhợt, tay chân teo nhẽo, sa dạ dày, sa trực tràng; hoặc lưng đau gối mỏi, tiểu tiện nhiều lần về đêm, khả năng tình dục sút kém; hoặc hay hồi hộp đánh trống ngực, mất ngủ, môi nhợt.

Nhân sâm 10 g, kỷ tử 20 g, rượu trắng 500 ml. Nhân sâm thái phiến, kỷ tử rửa sạch cho vào bình kín ngâm với rượu, sau nửa tháng có thể dùng được. Uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 10-20 ml.

Rượu cúc hoa

Thích hợp cho những người hay bị cảm mạo phát sốt, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt và có cảm giác bốc nóng lên đầu, thị lực giảm sút.

Cúc hoa 50 g, rượu trắng 500 ml. Cúc hoa rửa sạch, để ráo, cho vào bình ngâm với rượu, sau 10 ngày có thể dùng được. Uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 10-20 ml.

Rượu tây dương sâm

Dùng thích hợp cho những người khí âm lưỡng hư biểu biện bằng các triệu chứng mệt mỏi, khó thở, miệng khô, họng khô, ho khan, hay có cảm giác hơi sốt về chiều, đổ mồ hôi trộm. Với trường hợp đau bụng và đi lỏng do lạnh không nên dùng.

Tây dương sâm 50g, rượu trắng 500ml. Tây dương sâm thái phiến, ngâm với rượu trong bình kín, sau nửa tháng có thể dùng được. Uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 10-20 ml.

Rượu hoàng tinh

Dùng cho những người chán ăn, mệt mỏi, ho khan lâu ngày, lưng đau gối mỏi, đầu choáng mắt hoa do tác dụng lợi tiêu hóa, bổ thận và phổi. Không nên dùng cho trường hợp đại tiện lỏng loãng, ho khạc đờm nhiều.

Hoàng tinh 20 g, rượu trắng 500 ml. Hoàng tinh rửa sạch, thái phiến, cho vào túi vải buộc kín rồi ngâm trong rượu, sau nửa tháng có thể dùng được. Uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 10-20 ml.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)

Lông nhung hươu gây hại sức khỏe

Theo các chuyên gia, nếu được biếu tặng mà không biết dùng sẽ "lợi bất cập hại".

 

Nhung hươu là sừng non (lộc) của hươu đực, được coi là 4 thượng dược (sâm, nhung, quế, phụ). Nhưng theo các chuyên gia, nếu được biếu tặng mà không biết dùng sẽ "lợi bất cập hại".
Nhung hươu tốt cho người bị bệnh tim
Theo y học cổ truyền, nhung hươu có vị ngọt, mặn, tính ấm, không độc, có tác dụng bổ dưỡng, trợ dương, ích khí, cường tinh, chữa suy nhược thần kinh, yếu sinh lý, liệt dương, đau lưng, mồ hôi trộm... Thuốc thường được dùng dưới dạng bột, viên hay ngâm rượu. Có thể dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.
Theo Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Xuân Hướng (Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam), nhung hươu là sừng non của hươu đực, hoặc  con nai (mê). Nhiều nghiên cứu cả Đông và Tây y cho thấy, lộc nhung có tác dụng giúp người bệnh ngủ ngon, giảm mệt mỏi, tăng sức đề kháng cho cơ thể, giúp vết thương chóng lành. Đặc biệt, nhung hươu rất tốt với các chứng bệnh như tim, nhược năng, bệnh thần kinh thực vật... Ngoài ra, nhung hươu còn giúp da dẻ đẹp vì bổ khí huyết, điều hòa cơ thể... do trong nhung hươu chứa 52,5% protid, 2,5% lipid, chất keo (keratin), 34% muối khoáng và một chất nội tiết tố (hormon) gọi là lộc nhung tinh.
Theo ông Nguyễn Xuân Hướng, lộc nhung không phải thuốc tiên chữa bách bệnh, mà phải biết dùng và dùng đúng mới tốt cho sức khỏe. Đông y khuyên những người béo phì, đờm nhiều, hay mệt mỏi, có thấp đàm nhiều không được uống. Người tì hư hàn không được uống. Người gan nóng, áp huyết cao, viêm thận nặng cũng không được uống. Ăn nhung hươu còn có thể bị lở ngứa đối với người có cơ địa dị ứng.
Nếu người gầy, trong mình nóng, thiếu máu hay mất máu, viêm phế quản, khạc đờm vàng, sốt, bệnh truyền nhiễm bụng sôi, đầy bụng, đau bụng đi ngoài, người bị nóng do âm hư sinh nội nhiệt, người hẹp van tim cũng không nên dùng nhung.
Ông Nguyễn Xuân Hướng cho biết, đã có trường hợp do không biết cách chế biến, không cạo lông nhung nên tuy ngâm rượu mà chất bổ không ra, uống phải lông nhung sau 1 tháng bị viêm ruột, viêm đường tiêu hóa. Khi ruột đã bị viêm do lông của nhung hươu thì cực kỳ khó chữa.
Nhung rất bổ nhưng chỉ dùng khi thật cần thiết và ngưng sau 2 - 3 tuần vì dùng lâu và liều cao sẽ làm nứt thịt. Có trường hợp tự ý sử dụng lộc nhung không đúng bệnh, đúng liều đã làm cơ thể khoẻ đâu không thấy, lại thấy người ốm thêm.
Chọn và chế biến lộc nhung

Rượu nhung hươu.

"Rượu nhung ngày dùng 2 - 3 lần, mỗi lần 30 - 50ml trước bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ. Không dùng cho phụ nữ có thai, đang cho con bú và trẻ em. Lộc nhung khi pha chế với một vài vị thuốc khác sẽ bổ thận ích tinh, cường gân bổ tủy, dùng để chống các bệnh như tảo tiết, hoạt tinh, dương nuy, lưng đau gối mỏi, hay quên do thân dương hư nhược...".
Theo sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam
Theo anh Nguyễn Anh Tuấn (Công ty Cổ phần hươu giống Hương Sơn - Hà Tĩnh), trên thị trường có nhiều loại nhung, giá từ 1,2 - 1,5 triệu đ/lạng. Tuy nhiên, chất lượng nhung tùy thuộc vào chủng loại, hình dáng, độ sinh trưởng, cách chế biến, bảo quản nhung. Lộc hươu từ khi mọc đến lúc cắt khoảng 50 - 55 ngày là tốt. Con hươu béo khoẻ 2-4 tuổi, ngực nở, bụng thon, lông mịn màng, mắt sáng sẽ cho chất lượng nhung tốt.
Anh Tuấn cho biết thêm, loại nhung tốt là huyết nhung được cắt khi sừng non chuẩn bị phân yên. Loại nhung này thân ngắn, mềm, mọng, da hồng, đầu tù, lông rất mịn và thưa. Ngoài ra, có thể chọn nhung yên ngựa (sừng non bắt đầu phân nhánh chưa thành sừng, bên ngắn, bên dài 5 - 15 cm như hình yên ngựa); nhung gác sào I (sừng non đã mọc nhánh phụ thứ nhất, lông cứng và dày, đầu bè ra); nhung gác sào II (sừng đã mọc thêm nhánh phụ thứ hai). Nhung hươu quý hơn nhung nai.
Ông Nguyễn Văn Trịnh, chủ trang trại nuôi hươu Trịnh Thiện (Vũ Thư, Thái Bình), cho biết, để lựa chọn được nhung hươu tốt nên mua sừng non khi mới mọc dài 5-10cm, rất mềm, sờ mịn như nhung. Nhung hươu cưa xong cần được chế biến ngay, vì để lâu nhung sẽ bị thối, hỏng. Nên mua tại trang trại để giám sát và chế biến ngay. Nếu chế biến  không đúng thì mất tác dụng. Muốn ngâm rượu, cần làm sạch lông tơ của nhung bằng cách nung đỏ một que sắt rồi lăn đi lăn lại cho cháy hết lông hoặc đốt với cồn 90 độ cho sạch lông, rồi lau sạch bằng rượu gừng (có thể nhúng nước sôi cạo sạch, để khô, thái mỏng bằng dao cầu). Nếu nhung quá cứng có thể đồ cho mềm rồi thái. Hoặc tẩm nhung vào rượu cho mềm, thái mỏng, sấy khô.

Nhung hươu cưa xong cần được chế biến ngay.

Nhung hươu ngâm rượu, mật ong, nấu cháo, nấu cao, kết hợp với các vị thuốc khác thành thuốc bổ. Tốt nhất là dùng vào mùa thu, đông, xuân. Ngâm rượu cần thái (chẻ mỏng, 100g nhung ngâm 2,5 - 3 lít rượu thành phẩm, nhưng chia rượu ra ngâm 3 lần: lần 1 ngâm 1 tháng, lần 2 - 3 ngâm từ 2 đến 3 tuần), rồi gộp lại, pha thêm rượu mới hãy dùng. Nếu ngâm cả cặp nhung cho đẹp cần ngâm 6 tháng. Rượu nhung uống 1-2 chén trước bữa ăn rất tốt để khôi phục sức khỏe phụ nữ sau sinh, điều dưỡng khí huyết, bổ dương, dưỡng âm. Nhung ngâm với 1,5 lít mật ong, 35 ngày sau sẽ ăn được, mỗi ngày 1 lần (30 ml), nhưng ăn 1 tuần, nghỉ 1 tuần mới dùng tiếp.
Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Xuân Hướng cho biết, chế biến nhung thành  thuốc để dùng lâu dài không khó, nhưng rất kỳ công. Dù tán bột mịn rồi dùng với vài vị thuốc Đông y, hay nghiền nát trộn với bột dược liệu thành viên, hoặc thái mỏng ngâm rượu, mật ong, hoặc nấu cháo... thì trước khi dùng cũng phải có chỉ định liều lượng rõ ràng của bác sĩ để an toàn cho sức khỏe người dụng.