(Webtretho) Bạn dự định sẽ sinh tiếp bé thứ hai nhưng vẫn chưa biết nên chọn lúc nào để cả bố mẹ và bé lớn đều đã sẵn sàng. Hãy tìm hiểu những lợi điểm và nhược điểm của các mức khoảng cách sinh và chọn cho mình giải pháp phù hợp nhất nhé!
<< Phần 1
Khoảng cách từ 2-4 năm
Yếu tố thuận lợi: Khoảng cách sinh không quá gần mà cũng không quá xa này giúp mọi người trong gia đình bạn đều có đủ thời gian để hồi phục và chuẩn bị. Bạn đã có thể ổn định được nếp sinh hoạt của bé đầu tiên cũng như của chính mình, không còn những đêm trắng và cũng không còn phải đánh vật với bữa ăn dặm của con; nhưng lại không quá lâu để bạn quên mất cách quấn bọc em bé và cho bé bú. Bạn cũng đã có cái nhìn toàn diện về việc làm cha mẹ từ những kinh nghiệm đã có với bé đầu. Thêm nữa, bạn và chồng thậm chí đã có thời gian cho những cuộc hẹn riêng tư mà không cảm thấy có lỗi với con. Rõ ràng đây là thời điểm thuận lợi để hai bạn “sản xuất” em bé thứ hai rồi đó.
Hai bé cách nhau từ 2-4 năm có thể cùng chơi với nhau hoà thuận và bố mẹ có thể dễ dàng chăm sóc từng bé hơn. Ảnh: Inmagine.
Ưu điểm: Khi bé lớn đã đi mẫu giáo và ngày càng có nhiều hoạt động bên ngoài, bạn có thể thoải mái chăm sóc cho “cục cưng” mới nhỏ xíu của mình. Khoảng cách sinh này cho phép bạn có thể dành thời gian chăm sóc riêng cho từng bé một cách chu toàn nhất, sẽ không có bé nào cảm thấy thiệt thòi và bạn cũng không quá mệt mỏi.
Các cặp anh chị em cách nhau từ 2-4 tuổi vẫn có thể chơi chung với nhau một số đồ chơi và trò chơi. Và lúc này, bé lớn còn có thể giúp em mình phát triển cả về thể chất và ngôn ngữ. Nhiều phụ huynh cho biết các bé sau đạt được các mốc phát triển thể chất và ngôn ngữ sớm hơn so với bé đầu khi được thường xuyên chơi cùng anh hoặc chị lớn hơn bé vài tuổi.
Khoảng cách sinh từ 2-4 năm cũng có thuận lợi cho công việc và sự nghiệp của bạn nếu bạn quyết định duy trì công việc sau khi sinh bé đầu. Bạn có thể tập trung chăm sóc con tốt trong những tháng nghỉ thai sản và trở lại làm việc đủ lâu trước khi lại nghỉ thai sản lần nữa. Còn nếu quyết định tạm dừng công việc cho đến khi bé vào mẫu giáo hoặc cấp 1, bạn nên chọn khoảng cách sinh ngắn hơn để có thể đi làm lại sớm nhất có thể.
Nhược điểm: Với một số người, việc lập đi lập lại giai đoạn chăm con nhỏ có thể gây cảm giác cuộc sống như bị mắc kẹt với nghĩa vụ làm mẹ và những việc không tên mệt mỏi nhàm chán. Một trong những vấn đề nan giải của khoảng cách sinh này là những giấc nghỉ ngơi ban ngày – bé lớn của bạn sẽ ngày càng ít ngủ vào ban ngày và hiếu động hơn trong khi bé nhỏ lại cần ngủ rất nhiều và bạn cũng rất cần được nghỉ ngơi.
Ngoài ra, cũng khá khó khăn khi bạn cần nhờ ai đó trông bọn trẻ để giải quyết công việc. Việc này dễ dàng hơn nhiều nếu chỉ là một em bé mà thôi, nhưng bạn đang cần gửi một nhóc tì lên 3-4 siêu quậy và một em bé chưa tròn năm siêu quấy.
Lời khuyên của chuyên gia: Bé đầu của bạn có thể sẽ có một khoảng thời gian khó khăn để thích nghi với sự có mặt của em bé mới – bé vốn đã có hoàn toàn sự quan tâm chăm sóc của mẹ thì giờ đây, khi phải đối mặt với việc mẹ không phải lúc nào cũng chơi với bé được, bé có thể sẽ rất thất vọng. Kết quả là bé có thể hình thành một số phản ứng không tốt với em mình – như ghen tị hoặc tỏ ra thù địch với em, đây chính là khởi đầu của tâm lý cạnh tranh nhau giữa các cặp anh chị em. Thường xuyên la mắng hoặc cấm đoán với bé lớn sẽ khiến bé càng tỏ ra tị nạnh với em và nghĩ rằng bố mẹ đứng về phía em và không còn yêu bé. Bạn cần chấn chỉnh ngay các hành vi sai của bé nhưng hãy nhấn mạnh vào việc hướng dẫn bé cư xử đúng và giúp bé chơi với em.
Dù bé lớn vẫn còn nhỏ, bạn hãy để bé được tham gia vào việc chăm sóc em, chơi với em để giúp bé gắn bó với em hơn. Ảnh: Inmagine.
Mẹo cân bằng cuộc sống: Hãy để bé lớn giúp đỡ bạn chăm sóc em bé để bé cảm thấy mình cũng là một thành viên quan trọng của gia đình. Khi tham gia vào việc chăm sóc em, các bé sẽ tự nhiên hình thành tình cảm với em bé và không còn cảm thấy mình bị “ra rìa”, tuy nhiên mẹ cũng nên để mắt cẩn thận để đảm bảo an toàn cho cả hai bé nhé.
Khoảng cách sinh từ 5 năm trở lên
Yếu tố thuận lợi: Dù bạn có ý định kéo dài khoảng cách sinh giữa hai bé đến mức này hay không thì đây cũng là một thắng lợi về kế hoạch hoá gia đình. Mỗi đứa con của bạn đều có đủ thời gian “độc tôn” đối với sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ nhưng đồng thời cũng có được sự đồng hành của anh chị em, cả khi chúng không được hoà thuận khăng khít lắm. Về phía bố mẹ, bạn có thể tập trung chăm sóc từng bé chu toàn và thoải mái hơn. Bạn cũng sẽ có thời gian để hiểu từng đứa trẻ của mình và nuôi dạy chúng cẩn thận hơn. Khoảng cách sinh dài cũng giúp mẹ có lại những trải nghiệm tuyệt vời khi mang bầu và sinh bé thứ hai sau lần sinh đầu đã rất lâu trước đó.
Lần mang thai đầu tiên của bạn đã qua từ lâu nên bạn có thể trải nghiệm lần mang thai thứ hai thú vị hơn với con lớn của mình. Ảnh: Inmagine.
Ưu điểm: Bạn lớn tuổi hơn, độc lập hơn, khôn ngoan và giàu kinh nghiệm hơn nhiều so với thời điểm sinh con đầu lòng. Sự trưởng thành và bình tĩnh giúp bạn chăm sóc em bé dễ dàng và ít lo lắng hơn; và chồng bạn cũng vậy. Vợ chồng bạn đã có nhiều năm để thực hành việc chăm sóc trẻ nhỏ từ khi có bé đầu tiên, và giờ đây chỉ việc tái hiện lại điều đó một cách dễ dàng và tự tin hơn nhiều.
Bé đầu lòng của bạn cũng đã có thể tham gia chăm sóc em bé vì bé đã đủ lớn để học làm anh / chị lớn và giúp bố mẹ chăm sóc em mình. Không chỉ chăm em, bạn sẽ còn ngạc nhiên với quan hệ anh chị em của hai đứa trẻ ở hai độ cách nhau khá xa. Em bé của bạn sẽ có một người anh / chị đóng vai trò dẫn dắt chín chắn và tốt hơn nhiều so với nếu hai bé cận tuổi nhau. Khi hai đứa trẻ lớn lên cùng nhau, bạn có thể thấy các con mình có những lúc rất thương yêu nhau, cũng có những lúc chành choẹ và giận dỗi như những người bạn tốt nhất của nhau. Bé lớn sẽ giúp bố mẹ dạy em học, chơi với em, dỗ dành em và nhiều việc khác nữa.
Bạn có thể sẽ ngạc nhiên với quan hệ anh chị em của hai đứa trẻ cách nhau nhiều tuổi đấy! Ảnh: Inmagine.
Nhược điểm: Bạn sẽ trải qua từng ngày với thế giới pha trộn của một đứa trẻ tiểu học và một bé con còn bú sữa, bạn có thể phải luôn quay cuồng giữa hàng đống thứ việc đặc thù của hai độ tuổi khác nhau. Bạn sẽ rất dễ kiệt sức khi cứ liên tục phải chăm sóc, dỗ dành, mớm ăn, ru ngủ bé nhỏ rồi lại kèm học, rèn kỷ luật cho bé lớn.
Về tài chính, khoảng cách sinh dài thực sự vấn đề về tiền bạc và tiết kiệm. Hai đứa trẻ ở hai độ tuổi cách xa nhau có những nhu cầu khác hẳn nhau và hầu như rất khó để cả hai có thể dùng chung món gì đó để tiết kiệm. Những món đồ cũ của bé lớn phần nhiều cũng đã quá hạn sử dụng và bạn sẽ phải sắm mới khá nhiều.
Lời khuyên của chuyên gia: Tị nạnh với em ư? Vấn đề còn có thể căng thẳng hơn, một đứa trẻ có thời gian dài làm “con một” có thể sẽ đối mặt với sự xuất hiện của em bé mới khó khăn hơn. Bạn có đến 9 tháng mang thai để chuẩn bị tâm lý cho bé, hãy sử dụng thời gian này để trò chuyện những thay đổi khi bé trở thành anh, chị lớn trong nhà.
Mẹo cân bằng cuộc sống: Em bé sẽ trở thành trung tâm của sự chú ý của mọi người, vì vậy bạn hãy nhớ dành sự quan tâm và ưu ái của mình cho bé lớn. Hãy dành cho bé lớn một số đặc quyền mà chỉ có anh chị mới có khi chơi cùng em