Lưu trữ cho từ khóa: hồng táo

Bí quyết chống háo trong ngày Tết

[i]Dịp Tết, ăn nhiều thực phẩm chiên xào, bánh chưng, thịt mỡ, lại uống nhiều bia rượu, giờ giấc cũng thất thường, dễ gây “nóng trong người”.
[/i]
Vài chiêu đơn giản sẽ giúp bạn và gia đình luôn thoải mái.

Uống nhiều nước quả, ăn nhiều rau xanh cũng giúp "hạ nhiệt"

- Hạn chế uống nước có ga, chỉ nên dùng nước lọc, và hãy trữ trong tủ lạnh nhiều chanh tươi. Buổi sáng sau khi ăn xong, hãy uống một cốc nước chanh tươi, vừa chống nóng trong người, vừa nâng sức đề kháng, ngăn mệt mỏi trong những ngày tết.

- Hãy mua ít viên C sủi, vitamin dạng viên nén… uống sau các bữa ăn.

- Tăng cường ăn rau xanh, hoa quả hơn nữa trong các ngày Tết, cũng như uống thêm nước quả ép.

- Mua thêm trà chanh, sữa chua trữ trong tủ lạnh.
Vài thức uống mát trong dễ dàng chế biến:
[b]
Mía lau, lá dứa, rễ tranh... đều có thể dùng nấu nước uống rất mát trong những ngày xuân[/b]

- Nước la hán: Qủa la hán được bán nhiều tại các tiệm thuốc bắc, bạn có thể mua về đun lấy nước uống trong các ngày Tết, với vị ngọt ấm đặc biệt bạn có thể uống thay nước lọc. Ngoài quả la hán, bạn có thể thay thế bằng hoa cúc khô, cam thảo…

- Nước lá: Lá để đun nước ở ngoài chợ bán rất nhiều, các bà nội trợ có thể ra ngoài mua ít rau má, mía lau, râu bắp, lá dứa, mã đề… đun lấy nước uống trong ngày. Vừa mát vừa giải khát. Lá này chợ Hàng Bè bán rất nhiều.

- Đơn giản nhất, bạn mua nhân trần, nụ vối về đun nước uống trong ba ngày Tết hay trà atisso, hoa atiso khô
- Trà lá sen: Lá sen có vị đắng chát (khổ sáp) tính bình. Ngày Tết mua lá sen tươi 20g (cắt nhỏ), hồng táo (táo tàu) 5 trái, sắc lấy uống, chia ra uống từng ít một như uống trà.

Theo Dân Việt
giadinh.net

Chữa ung nhọt bằng cây tầm xuân

Cây tầm xuân, còn gọi là hồng tầm xuân, hoa hồng dại, dã tường vi... Là loài cây bụi, có chiều cao từ 1 - 5m. Thân nhiều gai sắc, nhọn, có móc giúp chúng leo dễ dàng. Lá kép lông chim, với 5 - 7 lá chét. Hoa thường có màu hồng nhạt, có năm cánh, lúc chín thành quả màu cam đỏ.

http://www.kinhtenongthon.com.vn/Uploaded/thanduong/Nam%202009/Th%C3%A1ng%2011/Ngay23/01.jpg

Theo nghiên cứu hiện đại, cây tầm xuân có một số hoạt chất chống ôxy hóa. Quả tầm xuân có lượng vitamin C, B1 cao. Bộ phận dùng làm thuốc lá, hoa, quả và rễ tươi hoặc khô để làm thuốc. Quan niệm của Đông y, lá tầm xuân rửa sạch, giã nát, đắp chữa mụn nhọt, viêm tấy, đau nhức; Hoa tầm xuân được thu hái khi mới nở, phơi khô, sắc uống, có vị đắng, chát, tính hàn, là thuốc chữa cảm nóng, viêm loét niêm mạc miệng, rong huyết...; Quả tầm xuân có vị chua, tính bình được dùng làm thuốc nhuận tràng, chữa phù thũng...; Rễ tầm xuân có vị đắng, chát, tính mát, có tác dụng chữa kinh nguyệt không đều, khí hư nhiều, vết thương chảy máu...; Tùy theo từng bộ phận của tầm xuân mà tác dụng chữa bệnh cũng có những đặc điểm khác nhau.

Lá tầm xuân: Có tác dụng sinh cơ và làm liền nhanh vết thương.

Chữa ung nhọt: Lá tầm xuân tươi 30g, sấy khô đem tán bột, sau đó trộn bột tầm xuân với mật ong và giấm đắp lên vùng bị nhọt. Hoặc lá và cành non cây tầm xuân, rửa sạch, giã nát với một chút muối ăn rồi đắp lên vùng có mụn nhọt. Ngày làm 3-4 lần.

Chân bị viêm loét: Lá tầm xuân một nắm to, rửa sạch, đổ nước vào nấu, lấy nước rửa vết thương. Ngày rửa 3 lần.

Hoa tầm xuân:

Viêm loét niêm mạc miệng mạn tính: Lấy 30ml nước từ sương đọng trên hoa tầm xuân vào buổi sớm, đem pha với nước ấm để uống. Mỗi liệu trình uống trong 15 ngày.

Chữa cảm nóng: Có các triệu chứng tức ngực, buồn nôn và nôn, môi khô miệng khát, chán ăn, mệt mỏi. Hoa tầm xuân 3-9g đem sắc với 300ml còn 100ml, uống ngày 2-3 lần, uống sau khi ăn.  Hoặc hoa tầm xuân và hoa đậu ván trắng, mỗi vị 10g, hãm với nước sôi, chế thêm một chút đường phèn, uống thay trà.

Rong huyết: Rễ tầm xuân 30g, ngải cứu già đốt tồn tính 10g, cỏ nhọ nồi 30g, tiên hạc thảo 30g, các vị thuốc đem sắc với 300ml nước còn 100ml, uống ngày một thang. Uống trong 5 ngày.

Quả: Thu hái vào lúc chín, sấy hoặc phơi khô làm thuốc.

Phù do viêm thận: Quả tầm xuân 3-6g, hồng táo 3 quả đem sắc 3 bát nước còn một bát, chia uống 3 lần trong ngày, uống vào lúc đói. Uống trong 7-10 ngày.

Trị chứng táo bón: 10g quả tầm xuân, đại hoàng 3g, sắc uống hàng ngày. Uống trong 5 ngày.

Rễ tầm xuân: Dùng để chữa các bệnh sau:

Kinh nguyệt không đều, khí hư nhiều: Rễ tầm xuân 15-30g, sắc 200ml lấy 50ml, uống ngày 1 lần, uống vào buổi tối. Uống trong 5-7 ngày..

Vết thương chảy máu: Dùng rễ tầm xuân 15g, sấy khô tán thành bột rắc vào vùng tổn thương. Ngày làm 2-3 lần.

Bác sĩ  Hoàng Cương (SK và ĐS)

Lá sen chống nóng ẩm, giải cảm và giảm béo

Sen là loài “thực – dược lưỡng dụng” – vừa là thức ăn vừa là thuốc.

Ảnh minh hoạ

Tác dụng dược lý của lá sen

Theo Đông y truyền thống, lá sen có vị đắng chát (khổ sáp) tính bình. Vào 3 kinh tâm, can và tỳ. Có tác dụng thanh thử, lợi thấp, thăng phát thanh dương và chỉ huyết (cầm máu). Chủ trị thử thấp tiết tả (tiêu chảy do nóng ẩm mùa hè), huyễn vận (chóng mặt hoa mắt), phù thũng, thổ huyết, nục huyết (chảy máu mũi), băng lậu, tiện huyết, sản hậu huyết vận (choáng váng sau khi sinh)…

Thời xưa, lá sen tươi là vị thuốc rất thông dụng trong dân gian, dùng để chữa trị các chứng bệnh do thử thấp gây nên trong những tháng hè như: cảm nắng, say nắng, đau bụng tiêu chảy… Còn lá sen khô, hoặc đã thiêu tồn tính, dùng để chữa các chứng xuất huyết.

Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, ngoài những tác dụng mà người xưa đã phát hiện, lá sen còn có tác dụng giảm béo và chống xơ vữa động mạch, do trong lá có nhiều loại alkaloids và flavonoid đặc biệt; ngoài ra còn có tác dụng giải độc nấm. Do đó, trên lâm sàng hiện nay, lá sen còn được sử dụng để phòng ngừa và chữa trị béo phì, phòng trị cao huyết áp, cao mỡ máu, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành tim và viêm túi mật. Theo các chuyên gia, những người cao tuổi cơ thể đã suy yếu, động mạch não đã bị xơ cứng, hoặc từng bị liệt nửa người do tai biến mạch máu não, nên thường xuyên sử dụng lá sen.

Những cách cụ thể dùng lá sen phòng bệnh

Thanh thử trừ thấp, chống xuất huyết: Kinh nghiệm thực tế của Đông y truyền thống cho thấy, nhờ tác dụng thanh nhiệt giải thử (thanh trừ hỏa nhiệt trong mùa hạ) và sinh tân (tăng thể dịch) chỉ khát (chống khát) lá sen được dùng trong những tháng hè, để phòng ngừa và chữa trị các chứng bệnh do nắng nóng gây nên. Cụ thể, có thể dùng lá sen theo những cách sau:

Cháo lá sen (hà diệp chúc): dùng lá sen tươi 1 tàu, gạo tẻ 50g. Gạo vo sạch, nấu cháo theo cách thông thường. Lá sen rửa sạch, khi cháo sắp chín lấy lá sen úp lên trên mặt cháo; tiếp tục nấu nhỏ lửa một lúc, đến khi thấy cháo có màu lục nhạt là được. Chia ra ăn trong ngày, có thể cho thêm chút đường trắng.

Tác dụng: loại cháo này có tác dụng thanh thử lợi thấp, thăng dương kiện tỳ. Chủ trị “thử khí khốn tỳ” (nóng ẩm mùa hạ gây tổn thương chức năng tiêu hóa); “Dương khí bất thăng” dẫn tới tình trạng vùng thượng vị đầy tức kém ăn, người mệt mỏi, chân tay bải hoải.

Thanh lạc ẩm: lá sen tươi 6g (dùng phần rìa lá; kim ngân hoa 6g, tây qua thúy y (vỏ xanh dưa hấu) 6g, ty qua bì (vỏ trái mướp) 6g, búp tre tươi 6g. Cho vào nồi, đổ ngập nước, sắc còn 2 bát; chia 2 lần uống trong ngày.

Tác dụng: giải thử (trừ nóng mùa hè), thanh phế (mát phổi). Dùng trong trường hợp sau khi bị cảm nắng đã chữa khỏi, nhưng vẫn còn đau đầu, ho khan, mắt hoa nhìn không rõ.

Hà diệp hồng táo thang: dùng lá sen tươi 20g (cắt nhỏ), hồng táo (táo tàu) 5 trái, sắc lấy uống, chia ra uống từng ít một như uống trà.

Tác dụng: thanh thử, ích khí, thoái nhiệt. Dùng chữa trẻ nhỏ và người cao tuổi sốt nóng nhẹ dai dẳng trong ngày hè.

Song hà tiên: lá sen 7 tàu (bỏ phần rìa và chóp), ngó sen 7 cái. Hai thứ giã nát, thêm nước và mật ong lượng thích hợp, sắc lấy nước; chia ra 2 – 3 lần uống trong ngày, uống ấm (nếu nguội cần hâm lại).

Tác dụng: thanh nhiệt lương huyết; dùng chữa thổ huyết do xuất huyết ở đường tiêu hóa trên, tiêu phân đen.

Giảm béo, phòng trị bệnh tim mạch: Trà lá sen (độc vị lá sen): dùng lá sen khô 10g (tươi 30g), xé nhỏ, nấu nước uống thay trà trong ngày, liên tục 2 – 3 tháng. Có tác dụng hạ mỡ máu và chống béo phì rõ ràng.

Trà táo mèo lá sen (sơn tra hà diệp trà): sơn tra (hoặc táo mèo) 15g (đã thái lát, phơi khô), hà diệp (lá sen) 10g khô (hay 20g tươi), thái nhỏ. Hãm nước sôi, uống thay trà trong ngày.

Tác dụng: sơn tra có tác dụng xúc tiến tiêu hóa, chống tích trệ, hạ cholesterol máu và tăng lưu lượng máu trong động mạch vành tim; còn có tác dụng bảo vệ gan. Lá sen phối hợp với sơn tra thành loại trà có hương vị đặc biệt, có tác dụng phòng bệnh tim mạch, điều hòa chuyển hóa mỡ và giảm béo rõ ràng. Đồng thời còn có tác dụng xúc tiến tiêu hóa, chống đầy bụng, giúp ăn ngon miệng trong những ngày nắng nóng.

Cháo lá sen: lá sen 2 tàu, rửa sạch, sắc lấy nước, cho 50 – 100g gạo, thêm chút đường phèn, nấu cháo ăn. Tác dụng: lợi thủy tiêu mỡ, giảm thiểu sự ngưng tập tiểu cầu, cải thiện tuần hoàn máu, sử dụng thường xuyên có khả năng phòng ngừa tăng huyết áp và tai biến mạch máu não. Rất thích hợp với người cao tuổi.

7 loại trà dược dùng trong mùa đông

Trong đông y dựa theo nguyên lý “Ngũ hành tương sinh” và “Ngũ hành tương khắc” từ đó mà trong thuật sử dụng thuốc ngoài những bệnh chứng trị liệu ra còn lệ thuộc theo mùa... Vì vậy trong các món ăn bài thuốc cũng có những loại sử dụng theo mùa. Sau đây xin giới thiệu 7 bài trà dược dùng trong mùa đông để bạn đọc tham khảo áp dụng.

Trà bách táo: Tác dụng nhuận phế, giảm ho. Nguyên liệu gồm bách hợp 5g, hồng táo 4 quả. Cho vào bình kín hãm với nước sôi uống thay nước trà trong ngày.

Trà ngưu tất: Tác dụng bổ can thận, mạnh gân cốt, trị đau lưng, mỏi gối. Nguyên liệu gồm ngưu tất 5g, hắc táo 4 quả. Cho tất cả vào bình kín hãm với nước sôi, lấy nước uống thay trà trong ngày.

Trà cam kỷ: Có công hiệu là nhuận phổi, mát gan, bổ thận khí. Nguyên liệu gồm câu kỷ tử 2g, hồng táo 4 quả. Tất cả cho vào bình kín hãm với nước sôi gạn uống nước thay trà trong ngày.

Trà câu kỷ hồng táo.

Trà thiên ma:

Công hiệu bổ âm, ích khí, mạnh gân cốt, trị hoa mắt chóng mặt. Nguyên liệu gồm thiên ma 2g, cho hãm trong bình kín lấy nước uống thay trà trong ngày.

 

Trà khiếm thảo: Tác dụng thông kinh, tiêu ứ, lưu thông huyết mạch, phòng và trị ung thư. Nguyên liệu gồm khiếm thực 3g, hãm trong bình kín lấy nước uống thay trà trong ngày.

Trà kê huyết: Công hiệu làm lưu thông huyết mạch, cầm máu, chữa suy nhược cơ thể, mệt mỏi . Nguyên liệu gồm kê huyết đằng 3g, cho vào hãm trong bình kín lấy nước uống thay nước trà trong ngày.

Trà ngọc diệp: Công hiệu trừ phong, tiêu khát, lợi tiểu, chữa viêm gan vàng da. Nguyên liệu gồm râu ngô 2g, lá dâu 3g, hồng táo 4 quả. Tất cả cho vào hãm với nước sôi trong bình kín lấy nước uống trong ngày.

BS. Hoàng Xuân Đại