Lưu trữ cho từ khóa: hoại tử

Anh: Kinh hoàng cánh tay bị hoại tử do nhện cắn

Một người phụ nữ sống ở ngoại ô nước Anh vẫn chưa hoàn hồn khi vừa bước về từ cõi chết chỉ vì một vết nhện cắn.

Một sáng thức dậy, Natalie Hemme (31 tuổi) bỗng nhiên phát hiện trên cổ tay trái mình có một vết cắn nhỏ màu đỏ. Cô chủ quan nghĩ rằng nó cũng giống như vết muỗi hay côn trùng khác cắn. Nhưng không ngờ 48 giờ sau, cánh tay của cô bắt đầu sưng lên, đau nhức dữ dội.

Natalie cho biết: "Tôi đã đi đến một phòng khám. Các bác sĩ nói rằng đó là vết nhện cắn. Họ cho tôi dùng thuốc kháng sinh và paracetamol".

Nhưng 2 ngày sau đó, Michael (34 tuổi) - chồng của Natalie đã phải gọi xe cấp cứu khi cô bắt đầu nôn "mật xanh mật vàng", không thể đi đứng được.

Các bác sĩ cho biết cơ bắp và dây thần kinh cánh tay của cô đã bị hoại tử do cánh tay sưng to làm máu không lưu thông được. Mặc dù đã được điều trị bằng thuốc kháng sinh nhưng Natalie vẫn có nguy cơ mất đi cánh tay.

Natalie cho biết: "Lúc bấy giờ, cánh tay tôi trông giống như một quả bóng. Tôi nghĩ rằng mình sẽ không qua nổi".

Natalie và vết thương do nhện cắn

Phải mất 3 ngày với 5 lần phẫu thuật các bác sĩ mới loại bỏ đi hết các mô hoại tử, sau đó tái tạo lại chúng bằng thịt lấy từ vùng đùi của cô.

Cô nằm viện suốt 3 tuần và phải điều trị vật lí trị liệu để có thể trở lại làm việc. Tuy nhiên, Natalie tân sự: "Tôi đã bị sẹo và không hề có ý định trở về làm việc lại trong nhà hát với cánh tay thế này".

Chuyên gia Matt Shardlow thuộc tổ chức bảo tồn BugLife, cho biết: "Ở Anh có rất nhiều nhện nhưng hầu hết chúng đều không cắn người vì răng không đủ nhọn để xuyên qua da. Nếu cắn thì chúng sẽ gây cảm giác ngứa hơn là nguy hiểm".

Mặc dù vậy, với kinh nghiệm xương máu, Natalie chia sẻ: "Tôi không thể tin rằng tất cả những điều này xảy ra chỉ với một vết nhện cắn. Mọi người thường không lo lắng nhiều về côn trùng nhưng tôi muốn cảnh báo không gì là không thể. Bây giờ, trước khi đi ngủ tôi đều đóng kín cửa và kiểm tra giường".

(Theo người lao động)

Hôi miệng – Coi chừng bệnh nguy hiểm

Các bác sĩ khẳng định, ngoài nguyên nhân do vệ sinh răng miệng kém, hôi miệng còn là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh nội tạng nguy hiểm.

Chồng lạnh nhạt vì miệng vợ hôi

Suốt mấy tháng nay, thấy chồng hững hờ chuyện chăn gối, thậm chí né tránh vợ, chị Thúy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) nghi ngờ chồng có bồ nhí. Hậm hực nhưng chưa có chứng cứ để "vạch mặt", chị âm thầm chịu đựng.

Một hôm, tình cờ chị nghe chồng tâm sự với ông bạn thân rằng anh không thể gần gũi hay đối diện với vợ bởi vì thời gian gần đây hơi thở của chị có mùi hôi rất khó chịu.

Nghe thấy những tâm sự của chồng, chị Thúy bất ngờ và thấy khó tin vì hàng ngày chị vẫn vệ sinh răng miệng rất chu đáo, còn sử dụng nước súc miệng. Tự kiểm nghiệm và chị phải thừa nhận đúng là hơi thở mình có vấn đề thật.

Cẩn thận chị Thúy đến bệnh viện Răng - Hàm - Mặt tìm hiểu nguyên nhân. Bác sĩ xác nhận răng lợi của chị vẫn bình thường và khẳng định không phải nguyên nhân gây hôi miệng. Bác sĩ còn cảnh báo chứng hôi miệng của chị có thể do mắc các bệnh nội tạng.

Chị đi khám sức khỏe tổng thể, bác sĩ kết luận chị bị viêm xoang rất nặng, cần điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm khác.

Ngoài chị Thúy, còn rất nhiều người bất ngờ bị hôi miệng mà nguyên nhân lại xuất phát từ viêm amidan, viêm xoang, viêm phổi, phế quản hoặc do các bệnh lý toàn thân như bệnh tiểu đường, bệnh suy thận, bệnh gan…

Bác sĩ còn cảnh báo chứng hôi miệng của chị có thể do mắc các bệnh nội tạng.

Coi chừng bệnh nguy hiểm

Hôi miệng là bệnh khá phổ biến của người Việt. Ngoài nguyên nhân do các bệnh về răng miệng như vệ sinh răng miệng kém, lưỡi bẩn, bênh nha chu, khô miệng, chân răng nhiễm trùng… thì hôi miệng còn là biểu hiện của nhiều bệnh nguy hiểm khác.

Nếu như trước đây, ngoài các vấn đề về răng miệng, chứng hôi miệng còn được cho là do hở van tâm vị thực quản thì ngày nay, nguyên nhân hôi miệng phức tạp hơn nhiều. Triệu chứng này còn là biểu hiện khi cơ thể bị viêm nhiễm ở một số bộ phận như viêm dạ dày, viêm thực quản, hẹp môn vị, loét dạ tràng… Ngoài các bệnh dạ dày, các nguyên nhân khác như viêm amiđan, viêm mũi, viêm họng… cũng có thể gây hôi miệng.

Các bác sĩ cho biết, ngoài các triệu chứng để nhận biết cơ thể bị nhiễm trùng như sốt, môi khô, lưỡi bẩn, bạch cầu tăng… thì cũng phải kể đến dấu hiệu hôi miệng. Vì vậy mà những bệnh nhân bị loét hoặc có khối u thì miệng có mùi hôi là điều rất dễ hiểu. Đó là biểu hiện các chất hoại tử trong cơ thể đang chuyển sang giai đoạn lên men nên gây hôi.

Điều đáng nói là đa phần người bị hôi miệng không tự phát hiện ra bệnh của mình. Hầu hết họ chủ quan nghĩ rằng chỉ cần vệ sinh răng miệng sạch là khỏi chứ không nghĩ đến nguy cơ các bệnh nguy hiểm khác.

Điển hình như trường hợp của chị Thúy, dù hơi thở có mùi hôi từ nhiều ngày nhưng chị không hề hay biết. Cũng may chị là người cẩn thận nên khi phát hiện sự thật này chị đã đi khám thật kỹ để tìm hiểu rõ nguyên nhân nên điều trị kịp thời.

Bác sĩ  Bùi Thị Thu Huyền, Khoa Răng - Hàm - Mặt, Bệnh viện Xanh Pôn cho biết: Ngoài nguyên nhân phổ biến là các bệnh về răng miệng, bệnh hôi miệng còn do nhiều nguyên nhân khác gây ra. Nhiều người dù đã giữ gìn vệ sinh răng miệng rất tốt nhưng vẫn bị chứng hôi miệng thì càng cần phải cẩn thận vì có thể đó là dấu hiệu của những bệnh lý nghiêm trọng khác.

Khi đột ngột bị hôi miệng nặng, tốt nhất bạn nên đi khám xác định rõ nguyên nhân, chữa trị tận gốc, tránh những tai biến đáng tiếc. Không nên tìm đến các loại nước thơm để xử lý vì đó chỉ là giải pháp khắc phục tạm thời, sau đó mùi hôi sẽ tăng lên.

Vì vậy, trước mắt, những gì bạn có thể làm để hạn chế mùi hôi từ miệng hiệu quả nhất là thực hiện vệ sinh răng miệng một cách đầy đủ và hiệu quả như đánh răng thường xuyên (ngày 2 lần sau bữa ăn), cạo sạch bẩn ở lưỡi, dùng dung dịch sát trùng miệng, thay đổi thói quen ăn uống (giảm bớt tỏi, hành, các chất gia vị, rượu), không nên hút thuốc lá, đi khám răng miệng tại các cơ sở y tế chuyên khoa, chăm sóc các răng sâu, thay răng giả bị hỏng, điều trị bệnh nha chu...

(Theo Tri thức trẻ)

 

Phòng ngừa tắc tia sữa

Trong giai đoạn cho con bú, nếu đầu vú không sạch sẽ dễ bị viêm nhiễm làm tắc ống dẫn và các tuyến sữa gây tắc tia sữa. Bạn có thể đề phòng bằng cách giữ thật sạch đầu vú, nhất là ở các kẽ của núm vú, khi cho con bú xong lại phải lau sạch, khô.

Sữa được sản xuất ra từ các tuyến sữa. Sữa ở các tuyến qua các ống nhỏ đổ vào các ống lớn đi qua đầu vú mỗi khi trẻ bú. Mỗi đầu vú có khoảng từ 5-8 ống, đây cũng chính là cửa ngõ để vi khuẩn xâm nhập vào ống tuyến sữa.

Cách đề phòng tốt nhất là giữ thật sạch đầu vú, nhất là ở các kẽ của núm vú. Trước khi cho bú phải lau sạch và vắt một vài giọt sữa đầu bỏ đi, khi con bú xong lại phải lau sạch, khô. Nếu khi vắt sữa thấy một tia nào tắc hoặc chảy không thành tia thì phải xoa vú cho mềm, sau đó vắt mạnh để thông ống sữa khi cho bú, như vậy sẽ tránh được tắc tia sữa.

Khi thấy một phần của vú bị sưng đỏ đau, sờ thấy nóng thì nhất thiết phải xử lý càng sớm càng tốt. Bạn có thể đến các bệnh viện phụ sản, trạm y tế hoặc đến Trung tâm tư vấn và chăm sóc Vú để xử lý càng sớm càng tốt.

Bằng công nghệ hiện đại ngày nay, sản phụ không còn phải bóp, day, nghiến răng chịu đựng đau đớn nữa. Thực tế tại Trung tâm tư vấn và chăm sóc Vú, kỹ thuật ở đây rất đơn giản nhưng khá hiệu quả . Khi chạy giãn nở tuyến sữa, các nang sữa phình to và vị trí tắc cũng được phình ra theo, làm tia sữa bật ra một cách tự nhiên, các bà mẹ có thể ngủ một giấc dậy là thấy thông hết toàn bộ tuyến sữa rồi. Điều lưu ý ở đây là khi vị trí tắc đã vón cục, có hiện tượng nóng, sưng, đỏ, sốt thì bạn không nên thực hiện phương pháp này mà thay vào đó, nên đến khám tại bệnh viện phụ sản gần nhất để thực hiện các thủ thuật cần thiết (trích, rạch).

Theo bác sỹ Hà Phương Linh, trong hàng nghìn ca đến thực hiện thông tắc tuyến sữa, nhiều ca đã lâm vào tình trạng nổi cục, nóng sốt đỏ đau do áp dụng quá nhiều mẹo trước khi đến, Trung tâm đã từ chối thực hiện những ca trên và khuyên bệnh nhân nên nhập viện siêu âm, chọc xét nghiệm và trích sớm để tránh trường hợp bị hoại tử phải cắt đi một phần của bầu sữa. Trong tình trạng chớm tắc hoặc sau sinh 1 tuần, việc thông sữa rất đơn giản chỉ một lần là xong, nặng quá mới phải làm thêm; nhưng khi đã để thành cục thì phải làm mất nhiều lần mà tỉ lệ thành công chỉ khoảng 95%, số ca không thành công chủ yếu là do vị trí tắc quá căng, không có lối thoát, buộc lòng phải đến các bệnh viện để rạch mới thoát ra được. Do vậy, các bà mẹ khi bị chớm tắc nên xử lý càng sớm càng tốt để tránh lâm vào các tình trạng không may như trên.

Các bà mẹ cũng hãy cho bé bú bên nào hết luôn bên đấy, nếu không bú hết hãy hút hoặc vắt ra, không nên cho bú dở dang mỗi bên, để sữa ứ đọng trong cùng, vón thành cục, gây nên tình trạng tắc và đau đớn. Ngoài ra cũng nên tăng cường ăn nhiều tinh bột, ngủ đủ giấc, cho bé bú sữa mẹ trong 24 tháng đầu.

Chúc các mẹ khỏe và các bé hay ăn chóng lớn.

Trung tâm tư vấn và chăm sóc Vú

Chủ nhiệm: Bác sĩ Hà Phương Linh

Địa chỉ: Số 11A ngõ 54 Nghĩa Dũng – Ba Đình – Hà Nội

Điện thoại tư vấn miễn phí:  0976581867 – 04.3717360

Hoại tử hậu môn vì đắp lá thuốc

BV Việt Đức đã tiếp nhận cấp cứu cho hai bệnh nhân bị hoại tử hoàn toàn hậu môn vì chữa bệnh trĩ bằng thuốc của các thầy lang.

Bệnh nhân đầu tiên nhập viện cấp cứu tại BV Việt Đức vào lúc 5 giờ sáng 19/7 là ông V.N.Q., 46 tuổi, ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, trong tình trạng đau, sốt, không đi ngoài được, hậu môn bị hoại tử tím đen hoàn toàn, thương tổn còn gây sưng tấy rộng vùng thượng bìu và tầng sinh môn…
Trước đó, bệnh nhân này đã đắp lá thuốc tại một phòng khám tư nhân trong 10 ngày. Sau khi kiểm tra thương tổn vùng hậu môn trực tràng bị hoại tử, các bác sĩ đã tiến hành mổ cấp cứu cắt bỏ phần thương tổn hoại tử, tạo hậu môn cho bệnh nhân. Hiện bệnh nhân này vẫn đang được chăm sóc tại phòng hồi sức.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân L.H.K., 53 tuổi, ở Thanh Chương, Nghệ An, nhập viện vào khoảng 23 giờ đêm 19/7. Được biết, bệnh nhân này cũng đã điều trị bệnh trĩ bằng lá thuốc tại một phòng khám tư nhân ở Nghệ An cách đây 3 tuần. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khá nặng, viêm tấy hoại tử lan tỏa ở tầng sinh môn (fournier), men gan tăng, bilirubin tăng, ảnh hưởng đến chức năng gan, thận. Trường hợp này, các bác sĩ đã phải cho bệnh nhân dùng đến 3 loại thuốc kháng sinh cực mạnh và các thuốc hồi sức. Hiện bệnh nhân này vẫn đang được tiếp tục theo dõi.
 
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm phẫu thuật Đại trực tràng, Tầng sinh môn, Trưởng Khoa Khám bệnh tổng hợp, BV Việt Đức cho biết, những trường hợp bị bệnh fournier nặng có tỉ lệ tử vong lên đến 80%. Cả hai bệnh nhân này sẽ phải điều trị ít nhất từ 4 – 6 tháng và phải theo dõi trong vài năm vì các vết hoại tử của bệnh nhân sẽ để lại những di chứng nặng nề sau này. Vì để các vết hoại tử liền phải mất 3 tháng nếu không sẹo xơ sẽ gây hẹp hậu môn.
 (Theo Giadinh.net)

Mong manh như da trẻ

Đã có 4 trẻ dưới 1 tuổi nhập viện Nhi TƯ (Hà Nội) do bị ngộ độc nặng “thuốc cam” chữa các nốt nhiệt, viêm ở miệng. Còn tại BV Nhi Đồng 2 (TPHCM), một trẻ 2 tháng tuổi phải cắt bỏ đầu ngón tay hoại tử vì thoa kem có glucocorticoid chữa mụn bóng nước.

Bôi da nhưng qua máu


Da trẻ rất mong manh nên mọi loại thuốc bôi ngoài có thể hấp thu vào máu gây nguy hiểm. Ảnh: Hồng Thái

Nhiều người cứ tưởng thuốc bôi ngoài da là loại chẳng hại gì, dùng sao cũng được. Nhưng đối với trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, da của trẻ còn non nớt, dễ hấp thu dược chất vào máu, nên việc dùng thuốc ngoài da không thể xem thường, có nhiều thuốc bôi tuyệt đối không dùng.

Cần biết, có nhiều loại thuốc dùng ngoài da như: thuốc bôi (thuốc mỡ, kem bôi da, bột nhão, gel, dung dịch), thuốc rắc (thuốc bột), thuốc xịt (dạng bơm xịt), thuốc dán (lưu ý có hai loại: loại cho tác dụng tại chỗ như giảm đau ở vùng dán nhưng có loại tác dụng toàn thân, tức có hấp thu vào máu như băng dán sau tai để chống nôn do say tàu xe).

Một số thuốc bôi có thể gây nguy hiểm

Xin nhấn mạnh về việc sử dụng thuốc bôi ngoài da dạng kem thuốc (crème) hoặc thuốc mỡ (pommade) có chứa dược chất glucocorticoid (gọi tắt corticoid). Một số biệt dược có thể kể: Cortibion, Celestoderme, Synalar, Halog, Hydrocortisone, Flucinar, Topsyne, Betneval… và còn cả chục tên khác.

Đây là thuốc bôi ngoài da chứa dược chất chống viêm rất quý, nếu dùng đúng chỉ định có thể chữa khỏi một số bệnh ngoài da khó trị, nhưng ngay cả người lớn, đặc biệt là phụ nữ, có người dùng sai chỉ định, như dùng để chữa các vết lở loét, dùng trị mụn trứng cá, thậm chí dùng như kem dưỡng da (!)

Nên lưu ý các loại corticoid nếu bôi lâu ngày sẽ làm teo da, rạn da, da dễ bị nhiễm trùng do mất đề kháng. Nếu bôi lên da mặt lâu ngày, mịn màng đâu chẳng thấy mà sẽ thấy bị trứng cá đỏ, phát mụn li ti khắp mặt! Không những thế, thuốc có thể thấm qua da vào máu gây tác dụng toàn thân (có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm). Các cô gái trước tuổi dậy thì nếu bôi lên da diện rộng, lâu ngày sẽ gây rối loạn sự phát triển hệ mao.

Cũng do corticoid có thể thấm qua da vào máu mà có chống chỉ định (tức không được dùng) ở trẻ sơ sinh, nhũ nhi. Bôi ngoài da ở trẻ, thuốc chứa corticoid sẽ làm giảm sức đề kháng ở nơi bôi làm bùng phát hiện tượng nhiễm khuẩn (trường hợp bị hoại tử đầu ngón tay nêu đầu bài là do vi khuẩn gây hoại tử nhờ corticoid có điều kiện phát triển).

Một loại thuốc bôi ngoài da khác cũng không được dùng cho trẻ sơ sinh là dung dịch chứa iốt có tên povidon-iod (Betadine) dùng ngoài da sát trùng. Dùng ở trẻ còn quá nhỏ tuổi mà lại dùng thường xuyên, iốt sẽ thấm qua da vào máu gây rối loạn hoạt động tuyến giáp của trẻ.

Cũng cần lưu ý các bậc bố mẹ không nên nghe lời đồn đại mà cho trẻ dùng thuốc, kể cả thuốc bôi ngoài da có nguồn gốc không thật rõ ràng (thuốc cam kể trên thuộc loại này). Chỉ nên mua thuốc tại nhà thuốc, nếu cần đưa trẻ đến khám bác sĩ để được chỉ định thuốc dùng an toàn và hiệu quả. Khi dùng thuốc, phải xem kỹ hướng dẫn để biết phạm vi sử dụng, tác dụng phụ và có chống chỉ định đối với trẻ hay không.

Nên lưu ý, nhiều bệnh ngoài da muốn điều trị hiệu quả, dù người lớn hay trẻ con, tốt nhất là đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để được khám và chỉ định đúng thuốc.

Tuyệt đối không dùng dầu gió cho trẻ sơ sinh

Trước đây khá lâu, đã xảy ra trường hợp trẻ sơ sinh bị ngộ độc thần kinh do dùng xà bông chứa hexaclorophen (có tên Phisohex) gội đầu, hexaclorophen thấm qua da vào hệ thần kinh của trẻ gây độc. Hoặc đầu năm 2009, một nghiên cứu ở Mỹ đã báo cáo nhiều trường hợp trẻ bị ngộ độc do được bôi vùng da ở mũi dầu gió có chứa tinh dầu bạc hà (menthol), tinh dầu long não (camphor) và methyl salicylat gây kích ứng mạnh làm ngưng hô hấp. Hoặc ở TP.HCM, cách nay khá lâu đã xảy ra một số trường hợp trẻ sơ sinh bị ngộ độc do bôi phấn rơm (bột rắc) có chứa warfarin (chất tạo mùi thơm nhưng đồng thời có tác dụng gây xuất huyết). Trước đây cũng xảy ra trường hợp khó tin là có cha mẹ dùng thuốc súng bôi lên da trẻ để trị ghẻ ngứa khiến trẻ bị ngộ độc!

Các trường hợp nêu trên cho thấy, tuyệt đối không được dùng dầu gió cho trẻ sơ sinh, nhất là không bôi lên mũi trẻ (các bà mẹ sau khi sinh tránh dùng dầu gió, loại dầu dùng được là dầu bạch đàn còn gọi là dầu khuynh diệp, dầu tràm). Còn xà bông, phấn rơm cũng phải thật thận trọng trong chọn lựa sử dụng.

Theo PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức
Giảng viên chính bộ môn dược, ĐH Y dược TPHCM

Meo.vn (Theo Dantri)

Chữa loét da người già: chớ qua loa

Người cao tuổi thường mắc nhiều chứng bệnh phải nằm lâu, cùng với tình trạng tiêu tiểu không tự chủ rất dễ gây loét da nhất là vùng xương cụt. Trường hợp nặng có thể loét tới xương và nhiễm trùng máu rất nguy hiểm. Do vậy, sự quan tâm của gia đình giúp người già phòng ngừa loét là rất quan trọng.

Như chúng ta đều biết, cơ thể được một lớp da bao bọc bên ngoài để bảo vệ, giúp chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, nếu không được chăm sóc ngay từ đầu thì từ một vết loét nhỏ sẽ dẫn đến một vết thương có mủ, rất lâu lành gây thêm đau đớn cho bệnh nhân, nhất là đối với người cao tuổi khi sức đề kháng đã giảm khiến việc điều trị càng khó hơn.

Những dấu hiệu khi xuất hiện loét

Loét dễ xuất hiện vào mùa nóng, do tiết mồ hôi nhiều, sự ẩm ướt của việc tiểu tiện đối với những bệnh nhân tiểu tiện không tự chủ, hoặc nằm lâu trên một mặt phẳng cứng, hoặc không thể tự xoay trở được thường xuyên như bệnh nhân bị liệt, nhất là liệt hai chân, bệnh nhân hôn mê do chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não…

Vùng da thường tiếp xúc với mặt giường nhiều lúc đầu sẽ không đau hoặc đau ít, sau đó dần dần đỏ lên, vài ngày sau sẽ giống như một vết phỏng, có những mụn nước bao bọc, nếu không được chăm sóc cẩn thận rất dễ bị vỡ, có màu đỏ bầm và sau đó đen lại do hoại tử tổ chức phần mềm, khi sờ sẽ thấy lạnh. Do đó khi xuất hiện vết loét cần phải được chăm sóc để ngăn chặn sự lan rộng, vết loét càng sâu thì càng dễ nhiễm trùng dẫn đến việc điều trị lâu hơn, gây thêm đau đớn cho bệnh nhân.

Vùng da nào dễ loét nhất?

Bệnh nhân nằm bất cứ tư thế nào cũng rất dễ gây ra loét ở những nơi mà xương nhô lên, có lớp cơ và da bao bọc quá ít.

Tư thế nằm ngửa: dễ loét là vùng sau ót, vùng xương cùng, hai bên xương bả vai, hai cùi chỏ, hai gót chân.

Tư thế nằm nghiêng: nghiêng về phía nào thì bên đó trực tiếp bị ảnh hưởng: vùng thái dương, phía ngoài và trong đầu gối, mắt cá ngoài.

Tư thế ngồi: ảnh hưởng đến phần xương nhô ra khi ngồi mà y học gọi là ụ ngồi xương chẩm.

Cơ thể của người cao tuổi do tiêu hoá kém, hấp thu dinh dưỡng chậm, sức đề kháng kém nên vết loét rất lâu lành. Vì vậy cho dù chỉ là một vết loét thật nhỏ, chúng ta cũng cần phải chăm sóc chu đáo, vì nếu để vết loét càng sâu rộng, sự xâm nhập của vi trùng ngày càng phát triển, sẽ xuất hiện nhiều tế bào hoại tử dẫn đến bội nhiễm phải cắt lọc loại bỏ tế bào chết, bệnh nhân càng đau đớn.

Chăm sóc và xử trí bệnh nhân bị loét

Ngay khi có sự xuất hiện một vùng da nào đó bị đỏ, nên xoa bóp nhẹ nhàng vùng da đó để kích thích sự tuần hoàn máu, giữ vùng da đó luôn khô thoáng sạch sẽ. Phải vệ sinh sạch sẽ sau khi bệnh nhân tiểu tiện, nếu bệnh nhân là nam nên gắn bịch nilông ở bộ phận sinh dục, nếu là nữ nên lót giấy thấm hoặc dùng quần lót bằng giấy. Ngoài ra vấn đề dinh dưỡng cũng rất quan trọng, cần dùng nhiều chất đạm, vitamin để tái tạo tế bào đã hoại tử, nâng thể trạng chống đỡ được bệnh tật đang mắc phải cùng với vết loét.

Điều trị vết loét cũng giống như điều trị một vết thương, cần thay băng và chăm sóc mỗi ngày, thường xuyên quan sát vết loét để tránh được hiện tượng lan rộng. Nếu muốn chăm sóc thay băng tại nhà, nên có một nhân viên y tế đến với dụng cụ đã được vô khuẩn; những vết loét có bề mặt lớn cần phải được bác sĩ thăm khám để có được các y lệnh điều trị đúng, giúp vết thương mau lành hơn trên một cơ thể đã suy nhược.

Ngoài ra, phơi nắng vùng da bị hoại tử vào buổi sáng có thể giúp vết thương mau lành.

Vài lưu ý để tránh bị loét da

Khi chăm sóc cho người bệnh phải nằm lâu trên giường, nên thường xuyên thay đổi tư thế cách hai giờ/lần, tốt nhất nên làm thời khoá biểu để trên bàn hoặc nơi dễ chú ý, tự chia sẵn giờ trong ngày, tránh sự trùng hợp mà người sau không biết. Những vùng da bị đỏ không được để bị đè cấn thêm lên, nếu da vùng xương cùng bị đỏ thì phải thay đổi tư thế để bệnh nhân nằm nghiêng hoặc nằm sấp. Tuy nhiên, tư thế nằm nghiêng dễ làm cho bệnh nhân khó chịu, không nên nằm quá hai giờ. Tư thế nằm sấp nên chú ý dễ tắc nghẽn đường hô hấp của bệnh nhân, tư thế nằm phải được thông khí tốt, có thể cho đầu nằm nghiêng.

Những vùng dễ bị đè cấn phải được chêm lót thêm: nếu nằm ngửa, chêm lót dưới mông, dùng gối kê cao chân không cọ xát vào giường để tránh bị đè cấn vùng gót; nằm nghiêng bên nào thì chêm lót vùng khuỷu tay, mắt cá chân bên đó; nếu nằm sấp thì chêm lót phần trước ngực, mắt cá chân phía trong nơi tiếp xúc trực tiếp drap giường.

Nên thường xuyên giữ cho bệnh nhân được khô ráo, sạch sẽ nhất là sau khi ra nhiều mồ hôi, hay sau khi bệnh nhân tiểu tiện. Thường xuyên xoa bóp ở những nơi dễ bị đè cấn để giúp các mạch máu dễ dàng lưu thông.

ThS.BS Phan Hữu Phước

Meo.vn (Theo SGTT)

Xử lý khi có người bị vùi lấp

Đối với những nạn nhân này, nguy cơ lớn nhất là bị ngạt, tiếp đến là hội chứng đè ép, chảy máu nhiều, gãy xương. Xử trí không đúng cách có thể khiến họ bị tử vong hoặc tàn phế.

Theo BS Mạnh Hưng, công tác cứu hộ khi có người bị vùi lấp cần tuân thủ các hướng dẫn sau:


- Nhanh chóng phán đoán, định hướng nơi nạn nhân có thể bị vùi lấp rồi khẩn trương, nhẹ nhàng đào bới, tránh gây tổn thương thêm. Nếu cảm thấy đã gần tới thì nên dùng tay moi. Khi đã thấy nạn nhân, nhanh chóng làm lộ phần đầu cổ. Nếu bới thấy chân thì phải đổi chiều để tìm phía đầu.

- Khi đã lộ phần đầu, cần moi hết đất cát trong mũi miệng, kiểm tra xem nạn nhân còn tự thở được không, nếu không thì phải thổi ngạt ngay. Trong khi đó, những người khác tiếp tục bới để giải phóng phần ngực, kịp thời bóp tim ngoài lồng ngực nếu nạn nhân ngừng thở, tim không đập.

- Tiếp tục bới cho tới khi cơ thể nạn nhân được giải phóng hoàn toàn. Tuyệt đối không được lôi kéo khi một phần cơ thể còn đang bị vùi lấp. Để đề phòng hội chứng đè ép chi do bị vùi lấp kéo dài, khi đào bới đến phần tay hoặc chân, nếu thấy vật nặng đè chẹn lên thì phải garo phía trên chỗ đó mộtchút (không chặt quá). Mục đích là để ngăn chất độc ở phần chi bị đè ép (được sinh ra do tế bào thiếu dưỡng khí) nhiễm vào các phần khác của cơ thể. Sau đó, tiêm thuốc trợ tim (nếu có) rồi từ từ nhấc bỏ vật đè và tiếp tục đào bới.

- Sau khi đã đào bới xong, đặt nạn nhân nằm ngửa ở nơi đất phẳng, tiếp tục thổi ngạt và bóp tim ngoài lồng ngực cho đến khi nạn nhân tự thở lại được. Việc này có khi kéo dài đến 2-3 giờ.

- Chuyển ngay nạn nhân đến bệnh viện, nhất là nếu có đặt garo. Phần chân tay có garo phải được để lộ, không ủ ấm ngay cả khi trời lạnh. Để tránh hoại tử chi, cần nới garo 30-60 phút một lần.

Meo.vn (Theo VnMedia)

Chấn thương tinh hoàn và cách xử trí

Chấn thương tinh hoàn (CTTH) là một trong những chấn thương bộ phận sinh dục phổ biến ở nam giới, gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản cũng như khả năng tình dục. Có đến hơn 50% trường hợp chấn thương dẫn đến vỡ tinh hoàn, gây đau, sốc, toàn vùng kín, bầm tím.

Một số trường hợp, vỡ mào tinh, xoắn tinh hoàn, đứt ống dẫn tinh, tổn thương dương vật, niệu đạo. Việc chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời nhằm hạn chế tối đa những biến chứng cho chấn thương gây ra đồng thời bảo tồn khả năng sinh sản và khả năng tình dục ở nam giới.

Tinh hoàn về phương diện giải phẫu và cơ chế gây bệnh

Tinh hoàn gồm, tinh hoàn trái và tinh hoàn phải, nằm trong bìu, bên trái thường xuống thấp hơn bên phải. Kích thước: dài 50mm, rộng 35mm, cao 25mm. Bên trong bìu tinh hoàn được bao bọc một bao thớ dày trắng và không đàn hồi gọi là lớp trắng. Tính từ ngoài vào trong đến tinh hoàn gồm 7 lớp. Bao gồm, da bìu, lớp cơ bám da, lớp tế bào dưới da, lớp mạc nông, lớp cơ bìu, lớp mạc sâu, lớp bao tinh hoàn hay còn gọi là tinh mạc. Giữa hai bìu là một vách sợi. Lớp bao trắng của tinh hoàn có thể chịu được lực chấn thương tới 50kg.

Tuy nhiên, với một lực chấn thương trung bình phần chủ mô tinh hoàn có thể bị xuất huyết tạo ra khối máu tụ trong tinh hoàn. Với lực chấn thương mạnh hơn lớp bao trắng bị vỡ tạo ra tụ máu trong lớp tinh mạc. Nếu lớp tinh mạc cũng bị vỡ máu có thể lan sang 2 bẹn và tầng sinh môn. Máu tẩm nhuận ở giữa lớp và da tạo ra hình ảnh bầm máu đặc trưng cho chấn thương mạnh vùng bìu.

Ảnh minh họa

Các nguyên nhân

Có đến 54% các nguyên nhân là do chơi thể thao, võ thuật gây ra, bởi lực va chạm mạnh của dụng cụ chơi và bạn chơi tác động mạnh trực tiếp vào bìu, 12% do tai nạn giao thông, té ngã, 16% do bất cẩn do leo cây, súc vật cắn, 7% do nắn bóp và đả thương. Ít gặp hơn là tự bóp, tự cắt trong lúc trạng thái tâm lý bất ổn, người chuyển đổi giới, tai nạn trong lúc phẫu thuật bộ phận sinh dục, hỏa khí.

Các dấu hiệu xác định chấn thương

Sau chấn thương hay một tai nạn, người bệnh thấy đau dữ dội ở vùng bìu và thường ngất đi, khởi đầu trên da bìu có những đám chấm xuất huyết, sau đó da bìu bầm tím tụ máu rõ, sưng to dần. Người bệnh vẫn đi tiểu được bình thường. Nếu có biến chứng có xoắn tinh hoàn, hay tổn thương đi kèm, cơn đau ngày một tăng, bìu đau co thắt, sờ nắn người bệnh than đau chói.

Tùy theo mức độ tổn thương mà trên thực tế được phân loại như sau. Tổn thương nhẹ: CTTH nhẹ, bìu chỉ bị xây xát, không rách hoặc rách do vết thương đơn thuần không có dị vật. Tổn thương trung bình: chấn thương có thể gây tụ máu trong bao trắng, có thể rách hoặc không rách bao trắng. Bìu có thể rách hoặc không rách, khối tụ máu trong da bìu lớn và có khuynh hướng tiến triển. Tổn thương nặng: tổn thương dập nát tinh hoàn, hoại tử và xuất huyết lan rộng, có thể kèm hoặc không kèm rách da bìu. Đòi hỏi can thiệp khẩn cấp. Vết thương tinh hoàn do hoả khí cũng nằng trong nhóm này do tốc độ đạn cao dẫn đến những tổn thương chưa nhìn thấy mà sẽ gây hoại tử muộn trong nhiều ngày. Tổn thương phối hợp: chấn thương hoặc vết thương vùng bìu, tinh hoàn trong bệnh cảnh đa chấn thương như tai nạn giao thông, thảm họa...

Cách xử trí

Là một tình trạng cấp cứu do đó việc xác định và đánh giá cách xử trí ngoại khoa hay nội khoa rất cần thiết đối với bác sĩ chuyên khoa.

Phẫu thuật bảo tồn: nên mở rộng chỉ định mổ thám sát, nhưng khi xử trí các thương tổn ở tinh hoàn (nếu có) thì cố gắng bảo tồn. Tiến hành: rạch rộng da bìu, cầm máu cẩn thận từng lớp, lấy hết máu cục, thăm dò tinh hoàn, nếu tinh hoàn vỡ gọn thì khâu cầm máu vỏ bao tinh hoàn, nếu tinh hoàn giập vỡ một phần chỉ nên cắt bỏ phần dập nát sau đó khâu kỹ vỏ bao tinh hoan (cắt bỏ phần mô dập nát phải tiết kiệm, tuy nhiên tránh trường hợp cố giữ lại mô tinh hoàn mà nhét quá nhiều chủ mô tinh hoàn trong bao trắng làm tăng áp lực và đè ép chủ mô tinh hoàn). Cần lấy bỏ hết máu cục. Trường hợp tinh hoàn bị dập nát hoàn toàn thì mới cắt bỏ tinh hoàn. Với những vết thương vùng bìu, cần phải mở thăm dò và xử trí tùy theo thương tổn. Với các vết thương muộn cần phải dẫn lưu và dùng kháng sinh. Xoắn tinh hoàn: nếu có xoắn tinh hoàn cố gắng tháo xoắn và bảo tồn tinh hoàn, nhưng nếu đã có dấu hiệu hoại tử thì phải cắt bỏ. Tinh hoàn bị chuyển vị: cần nhanh chóng cố định tinh hoàn về vị trí bình thường ở bìu vì nguy cơ tổn thương chủ mô tinh hoàn do nhiệt độ ở nơi tinh hoàn bị chuyển vị đến không thích hợp cho tinh hoàn.

Điều trị nội khoa: một khi chắc chắn thương tổn nhẹ, tụ máu chỉ khu trú ở nông và không tiến triển lan rộng, đau giảm dần. Liều trị bao gồm nằm nghỉ ngơi tại giường, băng cố định bìu lên cao, thuốc giảm đau chống phù nề như Dicloferacc, Alaxan, Efferalgan kèm Alphachymotrypsin và chườm đá lạnh lên bìu, kết hợp dùng kháng sinh một khi có tổn thương rách da.

Diễn tiến và tiên lượng

Thường diễn tiến tốt nếu được xử trí đúng, một tỷ lệ nhỏ có biến chứng như nhiễm trùng vết thương. Những bệnh nhân có tụ máu trong tinh hoàn mà không được phẫu thuật sẽ bị nhiễm trùng tinh hoàn và hoặc có hoại tử tinh hoàn mà thường sau đó cần phải cắt bỏ tinh hoàn. Chú ý rằng tỷ lệ phải cắt bỏ tinh hoàn tăng từ 7,4% lên đến 55,5% khi phẫu thuật chậm trễ trên 72 giờ sau chấn thương. Một số báo cáo cho thấy, người bệnh vỡ tinh hoàn được phẫu thuật (ngay cả trường hợp vỡ tinh hoàn 2 bên) sau đó có số lượng tinh trùng đầy đủ. Chức năng nội tiết được bảo tồn trong đa số trường hợp bởi số lượng nhiều những tế bào Leydig.

BS.CKII Tuệ Thành

Meo.vn (TheoSK & ĐS)

Các biến chứng của bệnh trĩ

Bệnh trĩ có thể gây ra các biến chứng như tắc mạch, nghẹt, nhiễm khuẩn.

Bệnh trĩ là bệnh có tỉ lệ người mắc bệnh khá cao, nhất là những người lớn tuổi. Ở nước ngoài có khoảng hơn 50% người trên 50 tuổi mắc bệnh này.

Bệnh trĩ có thể gây ra các biến chứng như tắc mạch, nghẹt, nhiễm khuẩn.

Tắc mạch trĩ

Tắc mạch trĩ ngoại có thể là do vỡ các tĩnh mạch, tạo nên một bọc máu, hoặc là do hiện tượng đông máu ở trong lòng mạch máu. Việc rặn khi đi ngoài, khuân vác nặng, hoạt động thể thao, hậu sản… làm tăng áp lực vùng hậu môn gây sung huyết vùng hậu môn là những yếu tố thuận lợi của tắc mạch trĩ. Một vài ngày hay một vài giờ sau khi xuất hiện, bọc máu đông được bao bọc bởi một màng mỏng, dần dần dính chặt vào da phủ, khó bóc tách. Khi thăm khám thấy ở vùng rìa hậu môn có một  khối sưng màu phớt xanh, kích thước to hơn hay nhỏ hơn hạt đậu, sờ vào thấy căng. Bệnh nhân đau rát. Nếu được rạch ngay lấy cục máu đông thì bệnh nhân thấy dễ chịu ngay. Cũng có khi cục máu đông gây hoại tử phía da trên gây rỉ máu.

Tắc mạch trĩ nội ít hơn nhiều so với tắc mạch trĩ ngoại. Bệnh nhân đau ở trong sâu, có cảm giác gợn cộm như có một vật lạ nằm trong lòng ống hậu môn. Ấn tay vào thành trực tràng cảm giác được một cục cứng có ranh giới rõ rệt. Khi soi hậu môn thấy ở búi trĩ có một chỗ phồng lên màu phớt xanh. Rạch nhẹ vào khối đó có một cục máu đông bật ra.

Nghẹt

Nghẹt là khi búi trĩ hay vòng trĩ sa ra ngoài, mạch có thể bị tắc gây phù nề và do đó không thể tự thụt lại vào trong lòng trực tràng được. Nghẹt có thể một phần, một nửa hay toàn bộ chu vi hậu môn. Khi nhìn, thấy mặt ngoài của trĩ sa nghẹt là da màu xám, ở mặt trong là niêm mạc màu nâu đỏ, sưng nề, rải rác có những nốt xám đen là do hiện tượng hoại tử bắt đầu. Khi nắn, thấy có những chỗ mềm do phù nề, ấn lõm, xen kẽ với những hạt cứng là những cục máu đông. Trĩ sa nghẹt đẩy lên rất khó hay hoàn toàn không đẩy lên được, nhất là loại trĩ vòng, do phù nề nhiều hơn và do cơ vòng thắt chặt. Trĩ sa nghẹt làm bệnh nhân rất đau đớn. Trĩ sa nghẹt hoặc là đỡ sưng nề dần, và rồi có thể đẩy lên được, hoặc là bị hoại tử, lở loét và nhiễm khuẩn.

Nhiễm khuẩn

Nhiễm khuẩn của trĩ là viêm khe, viêm nhú. Các khe, các nhú nằm trên đường lược. Biểu hiện lâm sàng của viêm khe, viêm nhú là cảm giác ngứa ngáy hay nóng rát. Thăm trực tràng làm bệnh nhân rất đau, thấy cơ vòng hậu môn thít chặt, giãn nở kém. Soi hậu môn thấy các nhú phù nề sưng to, màu trắng, các khe nằm giữa các búi trĩ bị loét nông, màu đỏ.

Theo GS.TS Nguyễn Đình Hối
Bách Khoa Thư Bệnh Học II

Meo.vn (Theo Khoemoingay)

Dấu hiệu viêm ruột hoại tử sơ sinh

Chị tôi sinh con non tháng (7,5 tháng), nghe các nữ hộ sinh nói phải đề phòng viêm ruột hoại tử sơ sinh. Mong bác sĩ cho biết dấu hiệu viêm ruột hoại tử sơ sinh là gì?

Mai Kim Xuyến (Hà Nam)

Viêm ruột hoại tử sơ sinh là một bệnh nặng, thường gặp ở trẻ non tháng, nguyên nhân chưa rõ, nhưng biết có nhiều yếu tố liên quan gây bệnh: nhiễm khuẩn, tổn thương mạch máu, sinh non tháng, bệnh thường khởi phát từ 3-10 ngày sau khi sinh. Các yếu tố nguy cơ là: bị ngạt khi sinh, suy hô hấp sau sinh, hạ thân nhiệt, trẻ ăn sữa công thức. Triệu chứng toàn thân: li bì, có cơn ngưng thở, thân nhiệt không ổn định.Triệu chứng đường tiêu hóa: trướng bụng, ộc sữa hoặc dịch xanh, đi tiêu ra máu, sờ thấy khối ruột ở bụng, thành bụng nề. Điều trị: dùng kháng sinh, cho ăn đường tĩnh mạch. Phẫu thuật kịp thời khi có các triệu chứng: thủng ruột như có hơi tự do trong ổ bụng; viêm phúc mạc: thành bụng nề đỏ, chọc dò dịch ổ bụng ra máu hoặc mủ; tắc ruột, sờ thấy khối u trong ổ bụng. Phòng bệnh: hạn chế tối đa các nguy cơ liên quan như sinh non, suy hô hấp sau sinh; cho con bú sữa mẹ vì sữa mẹ là sữa duy nhất làm giảm nguy cơ viêm ruột hoại tử nhất là trẻ non tháng.

 

BS. Nguyễn Kiều Linh

Meo.vn (Theo SKĐS)