Lưu trữ cho từ khóa: hoa hoè

Dùng hoa hòe chữa bệnh trĩ

Hoa hòe vị đắng, tính hơi hàn, có công dụng thanh nhiệt lương huyết và chỉ huyết thường được dùng để chữa các bệnh đại tiện ra máu, đái ra máu…

Theo nghiên cứu hiện đại, hoa hòe có tác dụng: nâng cao sức bền thành mạch, cầm máu, kháng khuẩn và chống viêm, chống co thắt cơ trơn ở đường ruột… rất thích hợp cho bệnh trĩ.

hoahoe

Xuất huyết

: Hoa hoè tươi 50g, thịt lợn nạc 120g, gia vị vừa đủ. Thịt lợn rửa sạch, thái miếng, ướp gia vị rồi đem hầm với hoa hoè, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: Tư âm nhuận táo, lương huyết chỉ huyết, dùng để chữa trĩ xuất huyết do nhiệt thịnh

Sưng đau

: Hoa hoè 60g sắc kỹ lấy nước, chia 2/3 uống và 1/3 dùng để ngâm rửa hậu môn, mỗi ngày 1 thang. Công dụng: Thanh nhiệt tả hỏa, lương huyết chỉ huyết, dùng để chữa trĩ sa ra ngoài, sưng đau.

Viêm loét chảy máu:

Hoa hoè 50g, hoa kinh giới 50g, hai thứ đem sấy khô, tán bột, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 5g với nước cơm hoặc nước cháo. Công dụng: Thanh nhiệt tán phong, lương huyết chỉ huyết, dùng để chữa trĩ viêm loét chảy máu, sa niêm mạc trực tràng xuất huyết.

Lưu ý:

Hoa hòe tính hơi lạnh nên những người có tỳ vị hư hàn biểu hiện bằng các triệu chứng hay đau bụng do lạnh, thích chườm nóng, ăn kém, chậm tiêu, đại tiện thường xuyên lỏng nát… thì không nên dùng, nếu dùng cần phối hợp với các dược liệu có tính ấm nóng.

ThS.BS Khánh Toàn (Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)

Theo Kienthuc.net.vn

Trà thảo dược điều trị trĩ

Để điều trị bệnh trĩ, y học cổ truyền có thuốc ngâm, thuốc đắp, thuốc xông, thuốc thang, trà dược, dược thiện… Trong đó phương pháp dùng trà dược tỏ ra có nhiều ưu điểm.

Bài 1: Hoa hòe, cỏ mực, lá đắng, lá đinh lăng, dau diếp cá, đương quy, bạch thược, bạch truật, cam thảo mỗi vị 200g (dược liệu ở dạng khô).

Cách chế: Các vị sao giòn, tán vụn, trộn đều bảo quản trong hộp kín tránh ẩm. Ngày dùng 35-40g hãm với nước sôi vào ấm chuyên, sau 10 phút là có thể dùng được. Uống dần trong ngày.

Công dụng: bổ trung ích khí, làm co búi trĩ, chống viêm chỉ huyết. Trong bài: đương quy, bạch truật, lá đắng bổ tỳ vị, bổ trung châu; hoa hòe, cỏ mực chỉ huyết và nhận tràng; rau diếp cá, cam thảo, lá đinh lăng tác dụng bổ trợ và điều hòa các vị thuốc. Nếu trĩ chưa chảy máu hoặc chảy máu ít nên dùng bài này từ 2-3 tháng. Đồng thời điều chỉnh chế độ ăn uống cho phù hợp, dùng những loại thức ăn nhiều chất xơ, chống táo bón, chống dị ứng.

Bài 2: Nhân trần, rau má, cỏ mần trầu, vỏ đậu xanh, ngũ gia bì, khương truật, cam thảo, ngân hoa mỗi vị 200g (dược liệu ở dạng khô).
Cách chế: Các vị sao giòn, tán vụn, trộn đều bảo quản trong hộp kín tránh ẩm. Ngày dùng 35-40g hãm với nước sôi vào ấm chuyên, sau 10 phút là có thể dùng được. Uống thay trà trong ngày.

Công dụng: Nhuận gan mật, lợi tiêu hóa, chống viêm chỉ huyết, mát huyết. Bài này phù hợp với bệnh nhân trĩ có tiền sử kiết lỵ, chức năng gan suy giảm, vàng da vàng mắt, đau tức hông sườn, rối loạn tiêu hóa…

Nhân trần, rau má: bổ gan lợi mật; cỏ mần trầu, vỏ đậu xanh: đặc trị bệnh trĩ; ngân hoa: chống viêm tiêu độc; khương truật, ngũ gia bì: bổ tỳ; cam thảo có vị ngọt vừa bổ tỳ vừa điều hòa các vị trong bài.

Với bài này, người bệnh có thể dùng liên tục từ 2 tháng trở lên.

Bài 3: Hạ liên châu, ngân hoa, lá đắng, đương quy, bạch truật, huyết đằng, táo nhân, thủ ô, cam thảo, cỏ mực, thăng ma, sài hô, các vị lượng bằng nhau, mỗi lần chế biến nên lấy mỗi vị từ 150-200g.

Cách chế: riêng táo nhân (sao đen), các vị khác sao giòn tán vụn trộn đều bảo quản trong bình kín tránh ẩm. Ngày dùng 35-40g hãm với nước sôi vào ấm chuyên, sau 10 phút có thể dùng được. Uống dần trong ngày.

Công dụng: Thăng đề dương khí, đại bổ khí huyết, chống viêm tiêu độc, theo quan điểm Đông y: nguyên tắc điều trị bệnh trĩ bao gồm: thăng đề dương khí, chống viêm, giảm đau, chỉ huyết. Trong bài đương quy, bạch truật, thăng ma, sài hồ: thăng đề dương khí; huyết đắng, thủ ô, đương quy: bổ khí huyết.

Ngân hoa, hạ liên châu: chống viêm tiêu độc, táo nhân sao đen cùng với cam thảo, cỏ mực: dưỡng tâm an thần, chỉ huyết lương huyết. Bài này thích hợp với bệnh nhân trĩ đã bị bệnh lâu ngày, khí huyết lưỡng hư, thể trạng suy yếu, cần được nâng đỡ bồi bổ nguyên khí với tinh thần “Nhân cường tật nhược”.

Bài 4: Ngũ gia bì 200g, củ đinh lăng 200g, bạch truật 200g, trần bì 100g, sơn tra 100g, phòng sâm 240g, sơn thù 200g, biển đậu 200g, cam thảo 200g, cỏ mần trầu 200g, ngân hoa 200g, thảo quả 100g.

Cách chế: Các vị sao giòn, tán vụn, trộn đều bảo quản trong hộp lín tránh ẩm. Ngày dùng 35-40g, hãm với nước sôi vào ấm chuyên, sau 10 phút có thể dùng được. Uống dần trong ngày.

Công dụng: bổ tỳ dương, cải thiện tiêu hóa, chống viêm, thăng đề.

Bài này phù hợp với bệnh nhân trĩ, thể trạng hư hàn, hay bị sôi bụng đi đại tiện lỏng, ăn uống chậm tiêu, chân tay lạnh, niêm mạc nhợt nhạt, dày da bụng.

Bạch truật, biển đậu, ngũ gia bì, củ đinh lăng, cam thảo: bổ tỳ, kiện tỳ, thăng dương; cỏ mần trầu, ngân hoa: chống viêm tiêu độc; phòng sâm và bạch truật: bổ khí, nâng đỡ tỳ thổ. Dùng phương pháp này các triệu chứng của trĩ giảm rõ rệt. Bệnh nhân dễ chịu ăn uống sinh hoạt được cải thiện.  

Theo Lương y Trịnh Văn Sỹ / SK&ĐS

Mướp đắng trị ho, ổn định huyết áp

Theo Đông y, mướp đắng vị đắng, tính mát, hơi hàn. Mướp đắng đun làm nước tắm cho trẻ trong mùa hè để trừ rôm sảy, làm thuốc chữa ho, chữa cảm mùa hè, thanh nhiệt ở phế và vị, chữa dị ứng, đau váng đầu, đau thắt ngực, lở ngứa ngoài da, phụ nữ rối loạn kinh nguyệt, bí kết đại tràng. Ngoài ra còn có tác dụng an thần, kết hợp với những vị khác để điều trị tăng huyết áp. Mướp đắng chế biến làm thuốc bằng cách thái lát, phơi khô, sao vàng rồi bảo quản để dùng dần. Lá mướp đắng có thể dùng tươi, giã đắp, nấu nước tắm hoặc sắc uống.

Mướp đắng trị ho, ổn định huyết áp
Mướp đắng là vị thuốc tốt trị ho, ổn định huyết áp.

Mướp đắng được dùng làm thuốc trong các trường hợp sau:

Mùa hè bị cảm thử: ra nhiều mồ hôi, hoa mắt chóng mặt, thở nông hụt hơi, buồn nôn, người chao đảo, mệt lả: mướp đắng 20g, biển đậu 16g, tang diệp 16g, hoàng kỳ 12g, mẫu lệ (chế) 12g, đương quy 12g, sa sâm 12g, quế 8g, cam thảo 12g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.

Ho, đau rát họng, sổ mũi, hắt hơi: mướp đắng 20g, tía tô 16g, trần bì 12g, cát cánh 12g, mạch môn 16g, sâm hành 12g, sinh khương 6g, kinh giới 12g, cam thảo 12g, lá xương sông 16g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.

Ngứa nhiều, gãi nhiều, da bị trầy xước từng mảng: mướp đắng 20g, sài hồ 12g, ngân hoa 10g, liên kiều 12g, nam hoàng bá 16g, cỏ mực 16g, hoa hoè (sao) 12g, huyền sâm 10g, cam thảo đất 16g, đại táo 10g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.

Bệnh zona: mướp đắng 20g, thổ linh 20g, cam thảo đất 16g, nam bạch chỉ 16g, kinh giới 12g, sài hồ 12g, thủ ô (chế) 10g, đương quy 12g, phòng sâm 12g, hoài sơn 12g, mã đề thảo 16g, bồ công anh 12g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.

Trà dược trị tăng huyết áp: mướp đắng, hoa hoè, cam thảo đất, dừa cạn, rau má, lá đắng, mã đề, lá đinh lăng mỗi vị 100g (dược liệu ở dạng khô). Các vị sao giòn, tán vụn trộn đều, bảo quản trong bình kín tránh ẩm. Ngày dùng 35 – 40g, cho thuốc vào ấm, hãm nước sôi khoảng 15 phút là được. Uống dần trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt, lợi tiểu, an thần, chống đau đầu, chao đảo, ổn định huyết áp, phòng ngừa tai biến.

Chữa đái tháo đường: mướp đắng 20 – 25g sắc nước uống hằng ngày.

Trị sỏi đường tiết niệu: mướp đắng dùng cả cây và lá, thái ngắn phơi khô, cất giữ cẩn thận, mỗi ngày lấy 1 nắm nấu nước uống, uống liên tục nhiều ngày. Tác dụng: bào mòn và tống sỏi ra ngoài. Đây là bài thuốc kinh nghiệm của đồng bào ở Ninh Thuận, Bình Thuận thấy có kết quả cao.

Trị gan nhiễm mỡ: mướp đắng 20g, ngũ gia bì 12g, nhân trần 12g, cây chó đẻ 6g, cam thảo đất 12g. Sắc uống ngày 1 thang, uống liên tục nhiều ngày. Công dụng: thanh can hoá ứ, trừ thấp, thông lạc…

Nhiệt kết ở đại trường gây táo bón, bụng đầy khó chịu: mướp đắng 20g, sinh địa 12g, hoàng cầm 10g, trần bì 10g, chỉ xác 10g, cam thảo 12g, đương quy 12g, đại táo 10g, mạch môn 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Lương y Văn Trịnh

Meo.vn (Theo SKĐS)

Hoa sứ làm thuốc

Trong y học cổ truyền, các bộ phận của hoa sứ (còn gọi hoa đại) đều có thể dùng làm thuốc. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể sử dụng các chế phẩm được tinh chế từ loại cây kiểng quen thuộc này.

Quốc hoa nhiều nước


Nhiều dược tính, nhiều màu, nhiều tên: sứ, đại, chămpa, miễn chi, kê đảm tử... Ảnh: Việt Hùng

Cây sứ có tên khoa học là Plumeria rubra L. var. acutifolia (Poir.) Bailey, thuộc họ trúc đào (Apocynaceae), nguồn gốc từ Trung Mỹ và Caribe, là quốc hoa của Nicaragua và Lào. Các tên gọi phổ biến trong tiếng Việt là cây đại, bông sứ, chămpa; ngoài ra còn có tên miễn chi, kê đảm tử. Cây sứ ra hoa có màu từ trắng, vàng tới hồng, đỏ. Đây là loài cây bụi lớn hay cây thân gỗ nhỏ, có thể cao đến 8 – 10m, mủ trắng. Hoa thơm, nở vào mùa hè và mùa thu. Hoa chủ yếu toả hương về đêm nhằm lôi kéo các loài bướm nhân sư (họ Sphingidae) thụ phấn cho chúng. Lá mọc so le, bản to, hình bầu dục hay xoan thuôn, có mũi ngắn, không lông hoặc ít khi có lông ở mặt dưới. Hoa thường có tâm vàng, cánh hoa dày, nhuỵ nhiều dính trên ống tràng. Quả choãi ra thẳng hàng, dài khoảng 10 – 15cm. Hạt có cánh mỏng.

Cây thường mọc ở các đình chùa, các vườn hoa và được trồng bằng cành. Các loài sứ rất dễ nhân giống bằng cách: lấy các đoạn cắt ra từ phía đầu của các cành không có lá về mùa xuân, để khô phần gốc trước khi cắm vào đất. Cũng có thể giâm cành hay cho hạt nảy mầm. Cây được trồng nhiều vì có hoa đẹp, mùi thơm, nhiều bộ phận của cây có thể dùng làm thuốc.

Hương gây mùi thuốc

Theo y học cổ truyền, các bộ phận sau của cây sứ có thể dùng làm thuốc: vỏ thân, vỏ rễ, hoa, nụ hoa, lá tươi và nhựa cây, nhưng sử dụng nhiều nhất là hoa. Toàn cây có chứa một loại kháng sinh thực vật là fulvo plumierin, có tác dụng ức chế sự tăng sinh và phát triển của một số vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis. Từng bộ phận khác nhau của cây có những công dụng khác nhau:

Vỏ thân, vỏ rễ: trong vỏ thân có glucozit là agoniadin và một chất đắng là plumierit. Vỏ thân và rễ hơi có độc, vị đắng, tính mát. Dân gian sử dụng để làm thuốc tẩy xổ, nhuận tràng, chữa táo bón (thay thế cho đại hoàng) và chữa thuỷ thũng.

Nhựa mủ: thành phần chủ yếu là axít plumeric. Cũng có thể dùng nhựa mủ để tẩy xổ, nhưng liều thấp hơn nhiều so với vỏ thân, 0,5 – 0,8g/ngày dưới dạng nhũ dịch. Nhựa còn được bôi ngoài để chữa chai chân và vết loét viêm tấy.

Lá cây: kinh nghiệm dân gian dùng lá cây sứ chữa bong gân, sai khớp, mụn nhọt. Hoa: chứa tinh dầu, mùi thơm đặc trưng, là bộ phận được sử dụng nhiều nhất. Theo y học cổ truyền, hoa sứ có công dụng tiêu đờm, trừ ho, hạ áp. Người dân thường sử dụng hoa sứ phơi khô để làm thuốc chữa ho, kiết lỵ và tiêu chảy. Hoa khô có tác dụng mạnh hơn hoa tươi. Nên thu hái hoa khi vừa nở hết, phơi hay sấy khô dùng dần. Hoa sứ còn có tác dụng hạ huyết áp đã được chứng minh qua thực nghiệm. Tác dụng hạ áp, xuất hiện nhanh và tương đối bền vững, không làm giãn mạch, không tác dụng với tuần hoàn ngoại biên.

Ai kỵ hoa sứ?

Hầu hết các bộ phận của cây đều có thể dùng để làm thuốc. Cho đến nay, chưa có công trình nghiên cứu so sánh tác dụng sinh học của loài sứ cho hoa trắng với những loại có màu hoa khác. Với trường hợp ho đờm, tăng huyết áp, khó ngủ, dân gian thường dùng loại hoa cánh trắng, tâm điểm vàng, được trồng làm cảnh ở đình chùa, nơi công cộng. Lưu ý, nếu bạn đang sử dụng thuốc điều trị bệnh mạn tính, cần tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng hoa sứ. Người suy nhược, già yếu, phụ nữ có thai, tiêu chảy không nên dùng do các thành phần trong cây có tác dụng tẩy xổ khá mạnh.

BS Nguyễn Lê Việt Hùng - Khoa y học cổ truyền, đại học Y dược TP.HCM

Một số bài thuốc hay có dùng hoa sứ

– Cao huyết áp: bài thuốc kinh nghiệm thường dùng là hoa sứ khô 100g, hoa cúc vàng khô 50g, hoa hoè (sao vàng) 50g, hạt thảo quyết minh (sao đen) 50g, tất cả tán thành bột, chia thành gói 10g. Mỗi ngày dùng 1 – 2 gói, hãm uống thay nước chè trong ngày. Thuốc có tác dụng bảo vệ mao mạch, làm giảm nhẹ huyết áp, an thần nhẹ.

– Ho: sử dụng 4 – 12g hoa sứ khô, sắc lấy nước, uống thay trà trong ngày.

– Chân răng sưng đau: vỏ rễ ngâm rượu, dùng ngậm rất hiệu quả (chú ý không được nuốt).

– Bong gân: dùng một lá tươi rửa sạch, giã nhuyễn, trộn với một ít muối ăn đắp lên chỗ sưng. Lại dùng một ít lá tươi khác, hơ lên lửa cho héo và đắp phía ngoài rồi cố định bằng băng hoặc vải sạch. Ngày đắp 1 – 3 lần liên tục như vậy 1 – 2 ngày tuỳ bệnh nặng hay nhẹ.

– Đau nhức hay mụn nhọt: cũng dùng lá tươi giã nhuyễn đắp vào.

Meo.vn (Theo SGTT)

Các bài thuốc bí truyền chữa cao huyết áp

Có thể cải thiện tình trạng cao huyết áp bằng món cháo rau cần: rau cần tươi (cả rễ) 50 g rửa sạch, thái nhỏ, cho vào nấu cháo với 60 g gạo tẻ. Mỗi ngày ăn vào buổi sáng và bữa tối. Ăn liền 7 ngày.

Một số bài thuốc khác:

n định huyết áp: Ngô thù du tán bột mịn, mỗi lần dùng 30 g trộn với giấm ăn thành bột sền sệt; trước khi đi ngủ đắp thuốc vào huyệt dũng tuyền ở hai bàn chân, dùng băng gạc cố định lại. Mỗi ngày thay thuốc một lần. Đắp dán thuốc liên tục 3-5 lần thì huyết áp ổn định.

Trị bệnh tăng huyết áp: Đào nhân 12 g, hạnh nhân 12 g, chi tử 12 g, hồ tiêu 4g, gạo nếp 14 hạt, lòng trắng trứng gà 1/3 trứng. Đem giã nát 5 vị thuốc, trộn 1/3 lòng trắng trứng vào cho đều, đắp dán thuốc vào huyệt dũng tuyền ở 2 lòng bàn chân vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ. Dùng gạc băng cố định lại, sáng hôm sau bỏ thuốc ra. Đắp dán 6 đêm liền. Nếu thấy da ở chỗ đắp dán thuốc có màu tím tái thì cũng đừng lo ngại.

Cách ngâm rửa chữa tăng huyết áp: Hạ khô thảo 30 g, câu đằng 20 g, tăng diệp 20 g, cúc hoa 20 g. Nấu các vị trên với 2 lít nước sôi 15 phút. Để nước thuốc còn nóng 30-50 độ C, đổ vào thau. Ngâm 2 chân vào, đồng thời không ngừng vò kỹ 2 bàn chân vào nhau khoảng 30 phút. Ngày 1 lần.

Cháo thuốc: Mộc nhĩ đen ngâm nở, xé thành miếng nhỏ. Táo tàu ngâm qua nước sôi, rửa sạch thái nhỏ, bỏ hạt, cho ít đường vào trộn ngâm 20 phút. Mộc nhĩ đen và gạo tẻ nấu thành cháo xong cho táo tàu và nước đường vào nấu thêm 10 phút, ăn vào bữa điểm tâm và bữa tối.

Trà thuốc: Rau ngót 90%, chè xanh 10%, tán bột thô. Mỗi ngày dùng 50 g, hãm với 1 lít nước sôi, uống cả ngày. Thuốc có công dụng tiêu mỡ thừa, hạ áp. Hoặc:

- Sơn tra 80%, lá sen 20%, tán bột thô, ngày dùng 30 g, hãm với 1 lít nước sôi, uống cả ngày, dùng cho người béo phì, mỡ máu cao, cao huyết áp.

- Hoa cúc 40%, hoa hoè 30%, chè xanh 30%, tán bột thô. Ngày dùng 30 g, hãm với một lít nước sôi, công dụng mát huyết, hạ áp, dành cho người xơ mỡ động mạch, huyết áp tăng.

- Chi tử 50%, chè xanh 50%, tán bột thô, ngày dùng 60 g, hãm với 1 lít nước sôi, có công dụng mát huyết, hạ áp; chữa cao huyết áp, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt.

- Cúc hoa 6 g, hoa hoè 6 g, chè xanh 6 g, long đởm thảo 10 g, hãm với 1 lít nước sôi, uống cả ngày, có công dụng giãn mạch, hạ áp, giảm cholesterol huyết.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống

Tự chữa đại tiện ra máu

Ít ai kìm nén được nỗi sợ hãi khi thấy mình đại tiện ra máu. Dù do trĩ chảy máu, nứt hậu môn, viêm hậu môn hay tổn thương niêm mạc trực tràng, kết tràng, triệu chứng này có thể thuyên giảm rất nhanh nhờ một số bí quyết dễ học, dễ tự thực hiện của y học cổ truyền Việt Nam.

Khi đại tiện ra máu, người ta có thể đại tiện phân lỏng hoặc rắn, kèm máu trước hoặc sau phân, màu sắc máu phần lớn là đỏ tươi, có khi là màu sẫm. Khi lượng máu ra nhiều sau đại tiện thì hậu môn cũng đau.

Đông y cho rằng đại tiện ra máu là do tích nhiệt trong ruột hoặc tỳ khí hư tổn không thể điều khiển được máu. Có thể chữa theo cách giảm nhiệt đường ruột, cầm máu và bổ khí huyết.

Xử trí

- Cần tập đi đại tiện đúng giờ. Đại tiện khuôn mềm là tốt.

- Giảm tư thế ép bụng như quỳ. Tránh ngồi lâu, đứng lâu và lao động quá độ.

- Kiêng ăn đồ cay nóng, dầu mỡ, chất thô nhiều bã, không nên dùng những chất kích thích như rượu, thuốc, cà phê. Cần ăn nhiều thứ làm mát ruột, làm nhờn niêm mạc ruột và những thực phẩm như nước lê tươi, nước ngó sen, nước mã thầy, nước rễ lau (lô can), nước rau câu, củ cải ăn chín, mướp đắng, dưa chuột, cải bắp, lòng đỏ trứng gà, táo tây, chuối tiêu, vừng đen, mộc nhĩ trắng...

- Giữ tâm trạng luôn thoải mái, tránh cáu giận. Nếu hay lo lắng âu sầu sẽ làm niêm mạc ruột co bóp, máu không lưu thông.

- Giảm động phòng, nếu không niêm mạc ruột sẽ bị xung huyết, và xuất huyết ngày một tăng.

- Luôn giữ vệ sinh sạch sẽ hậu môn để tránh viêm nhiễm vùng niêm mạc hậu môn trực tràng.

Tự chữa

Chữa theo cách ăn:

- Ruột già lợn 250g, hoa hoè tươi 15g, nấu canh ăn.

- Mộc nhĩ trắng 10g, táo đỏ 15g, hầm nhỏ lửa cho nát ra rồi ăn.

Chữa bên ngoài:

- Xông hơi: Cho a giao vào giấm, đợi tan ra, chưng lên thành cao. Mỗi ngày dùng 30g ngâm vào 500g giấm. Sau đó đun nóng lên, sau khi xông xong lấy nước rửa hậu môn, ngày hai lần. Dùng chữa hậu môn bị nứt và trĩ chảy máu.

- Bôi thuốc: Dầu thanh lương trộn với bột chu hoàng 1g, bột ngoài hậu môn. Hoặc lấy dầu lòng đỏ trứng gà bôi vào cửa hậu môn. Cách làm dầu trứng gà: lấy một số lòng đỏ trứng gà cho vào bát sành, đun nhỏ lửa, đợi khi trứng ra dầu là được.

- Buộc thuốc: Ngải dại (lá khao tử) giã nát rồi buộc vào hậu môn.

Các phương pháp khác:

-Xoa bụng hàng ngày vào lúc thức giấc và trước khi ngủ. Xoa theo chiều thuận rồi lại theo chiều ngược chiều kim đồng hồ, mỗi lần 100 vòng.

-Thót đít, mỗi ngày 2-3 lần làm, mỗi lần từ 30-50 cái. Dùng chữa trĩ ra máu.

Điều cần tránh

- Nếu thường xuyên đi ngoài ra máu hoặc thấy phân có dính máu, chữa mãi không khỏi; hoặc thấy trong phân có tổ chức hoại tử, có nhiều chất nhầy, người bệnh không nên bỏ qua mà phải đi bệnh viện khám ngay.

- Do sợ đau hậu môn nên bệnh nhân thường nhịn đại tiện, như vậy càng làm phân thêm táo, sinh nhiệt, càng tăng xuất huyết.

- Phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt cần chú ý vệ sinh âm đạo kỹ, nếu không dễ gây viêm niêm mạc cửa hậu môn.

BS. Minh Nguyệt, Khoa học & Đời sống

Những tin tức liên quan

Đông y với bệnh vảy nến

Bệnh vảy nến là một bệnh ngoài da rất phổ biến trên thế giới và Việt Nam. Bệnh mang tính di truyền, không nguy hại đến tính mạng, không lây nhưng thường kéo dài, tái phát, gây nhiều khó chịu cho bệnh nhân. Theo y học cổ truyền, bệnh vảy nến gọi là tùng bì tiễn, là bệnh ngoài da mạn tính hay tái phát. Thương tổn cơ bản của bệnh vảy nến là đỏ da, có vảy nổi cộm ít hoặc nhiều. Nền đỏ này thường có vảy trắng, xám phủ lên trên, phải cạo hết lớp vảy này mới thấy rõ. Bệnh hay phát vào mùa đông, ở da đầu và mặt ngoài của tay, chân; nặng thì phát ra toàn thân kèm theo sưng đau các khớp tay chân. Y học cổ truyền cho nguyên nhân của bệnh vảy nến là do huyết nhiệt, lại cảm phải phong hàn mà thành bệnh, lâu ngày làm huyết táo, không dinh dưỡng được da sinh vảy nến.

Sau đây là các bài thuốc chữa trị bệnh này tuỳ theo từng thể bệnh:

Thể phong huyết nhiệt:

Triệu chứng: những nốt chấm đỏ xuất hiện nhiều, liên tục, lâu ngày to dần, màu hồng tươi, ngứa nhiều.

Phép chữa: khu phong, thanh nhiệt, lương huyết.

Bài thuốc 1: hoa hoè 20g, sinh địa 20g, thổ phục linh 16g, ké dầu ngựa 16g, hy thiêm 16g, cây cứt lợn 12g, thạch cao 20g, cam thảo đất 16g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Bài thuốc 2 (Hoè hoa thang gia giảm): hoè hoa sống 40g, thăng ma 12g, sinh địa 40g, thổ phục linh 40g, tử thảo 12g, thạch cao 40g, ké đầu ngựa 20g, địa phu tử 12g, chích thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Thể phong huyết táo:

Triệu chứng: ở thể bệnh kéo dài, có triệu chứng: những nốt mới ít xuất hiện, những nốt cũ màu hơi đỏ, ngứa, mặt da khô.

Phép chữa: dưỡng huyết, nhuận táo, khu phong.

Bài thuốc 1: hà thủ ô 20g, đương quy 20g, khương hoạt 16g, thổ phục linh 40g, ké đầu ngựa 16g, sinh địa 16g, huyền sâm 12g, oai linh tiên 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Bài thuốc 2: huyền sâm, sinh địa, kim ngân hoa, ké đầu ngựa, hà thủ ô, vừng đen mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Bài thuốc tắm rửa: hoả tiêu, phác tiêu, khô phàn, dã cúc hoa mỗi thứ 15g. Nấu nước tắm rửa, ngày 1 lần.

Kết hợp day bấm các huyệt: khúc trì, nội quan, thần môn, túc tam lý, tam âm giao, phi dương.

Những bài thuốc theo kinh nghiệm của Hải Thượng Lãn Ông và Tuệ Tĩnh:

Bài thuốc của Hải Thượng Lãn Ông: + ngải cứu khô 2 nắm tay, tẩm ít bột mỳ, nấu nước uống hằng ngày.

Phèn chua, vỏ lựu, tán nhỏ hoà dấm mà bôi.

Cây và củ sinh địa.

Bài thuốc của Tuệ Tĩnh: rễ cây núc nác 1 nắm, sinh địa 10 củ (trồng ở vườn) đều đập nát, thạch tín một ít, tán nhỏ, dấm chua 1 bát (200ml). Tất cả bỏ vào lọ, lấy bùn trát kín, đun cách thuỷ 10 giờ, rồi đem ra xức (ngửi). Không để thuốc vào mắt, mặt (thạch tín là thuốc độc bảng A). Nếu nổi vết đỏ, tròn bằng đồng tiền, ngứa, chảy nước vàng thì dùng: xương chó vàng 2 phần, vỏ trứng gà con so 1 phần, tóc rối 1 phần. Tất cả đốt ra tro, tán nhỏ, hoà dầu vừng, xát vào tổn thương.

Ăn uống hỗ trợ trị bệnh: Người bệnh vảy nến nên thường xuyên ăn cháo tang thầm, hồng táo: tang thầm (quả dâu tằm) 30g, hồng táo 10 quả, bách hợp 30g, gạo lức 100g. 3 vị trên cho nước ninh kỹ, sau khi bỏ bã cho gạo đã vo sạch vào nấu thành cháo. Ngày dùng 1 liều, ăn liền 1 tuần là một liệu trình, nghỉ 1 tuần, ăn tiếp và cứ ăn như thế đến khi bệnh thuyên giảm.

Lưu ý: Bệnh vảy nến không nguy hại nhưng thường kéo dài và hay tái phát. Cần chú ý ăn uống thanh đạm, ít mỡ, nhiều rau quả, vitamin. Tránh bia rượu, thịt trâu, thịt chó, các thức ăn khó tiêu. Tránh thức đêm, căng thẳng thần kinh. Cần giải trí vui chơi lành mạnh, tâm hồn thanh thản.  

Vị trí huyệt

Khúc trì: gấp cánh tay vào ngực, huyệt ở đầu khuỷu cẳng tay cách cùi chỏ khoảng chiều ngang của 3 ngón tay 2 - 3 - 4.

Nội quan: từ lằn chỉ cổ tay, phía lòng bàn tay đo lên 2 tấc, ở giữa 2 đường gân.

Thần môn: chỉ cổ tay phía lòng bàn tay đầu xương quay (từ ngón út kéo xuống đến chỉ cổ tay).

Túc tam lý: nằm ở bắp chân ngoài, dưới đầu gối 3 tấc, ngay tại đầu ngoài nếp nhăn ngang dưới đầu gối.

Tam âm giao: trên mắt cá chân trong 3 tấc, sát phía sau bờ xương chày.

Phi dương: trên mắt cá ngoài chân 7 tấc.

Thay đổi day bấm trong 1 tuần: các huyệt khúc trì, nội quan, thần môn day bấm trong 3 ngày sau đó chuyển sang day bấm huyệt túc tam lý, tam âm giao, phi dương trong 3 ngày là một đợt, nghỉ 1 ngày rồi tiếp đợt 2…

 

Lương y Minh Chánh

(Theo SKDS)

Hoa cúc làm thuốc

Cúc có khoảng 13.000 loài, trong đó hai vị thường dùng nhất là bạch cúc (cúc trắng) và kim cúc (cúc vàng). Theo Tây y, cúc hoa chứa tinh dầu, các vitamin A, B, một số axít amin và nhiều nguyên tố vi lượng, trong đó đáng chú ý có selen - một nguyên tố thần diệu khử gốc tự do điển hình chống ôxy hoá, chống lão hoá và crom là chất phân giải và bài tiết cholesterol, phòng chống các bệnh tim mạch. Theo Đông y, hoa cúc vị ngọt, cay, vào 3 kinh phế, can, thận; có tác dụng dưỡng âm, ích can, tán phong thấp, thanh đầu mục, giáng hoả. Cúc trắng vị ngọt nhiều hơn đắng, tính hơi hàn, thiên về khí phế. Cúc vàng vị cay đắng nhiều hơn ngọt, tính hơi ôn, thiên về can nhiệt.

Sau đây là một số bài thuốc tiêu biểu  có dùng cúc hoa:

Thuốc trường xuân, bất lão

Đan trường thọ: mầm cúc tháng 3 âm lịch, lá tháng 6, hoa tháng 9, gốc rễ tháng 12, lượng bằng nhau. Phơi âm can, tán bột hoàn bằng hạt đậu xanh. Uống bột thì mỗi  lần 5g với nước ấm, uống hoàn 10 – 15g, ngày 2 lần lúc đói.

Cúc hoa tiên tửu: dùng hoa tháng 8, 9, nấu lấy nước cốt để thổi cơm nếp làm rượu. Cất rượu vào bình kín dùng dần. Muốn tốt hơn thì trong nước thổi cơm nên gia thêm nước cốt củ sinh địa, đương quy, câu kỷ tử và một số vị thuốc bổ khác thì công hiệu càng cao. Chữa được chứng đầu phong quay quắt, đau nhức, chóng mặt tối sầm. ngoài ra còn có thể làm cho đầu óc sáng suốt, mắt tinh, tai tỏ, chữa các chứng tê bại và các chứng bệnh của tuổi già: thân thể gầy còm ốm yếu, chảy nước mắt, nhiều dử, mắt kèo màng mộng, làm cho sức lực dồi dào, ăn ngon ngủ dễ, người khỏe mạnh ít bị mắc bệnh, sống lâu.

Thuốc thanh đầu mục

(nhẹ đầu, sáng mắt):

- Chữa chứng đau đầu kèm mắt đỏ do thời tiết nắng gắt gây cảm mạo do hoả bốc.

- Hoa cúc 30g, kim ngân hoa 20g, lá dâu tằm 15g, hãm nước thật sôi, uống nóng, cách nhau 2 - 3 giờ.

- Cúc hoa tươi mới hái về, sắc nước cô lại thành cao với mật ong, mỗi lần 15g, hoà nước ấm để uống.

- Gối hoa cúc: Hoa cúc 2kg phơi khô, cho vào ruột gối thay bông gối đầu để nhẹ đầu, sáng mắt.

Chữa bệnh tim mạch:

- Chữa tăng huyết áp: hoa cúc 10g, hoa hoè 6g, thảo quyết minh 10g. Cho vào 500ml sắc kỹ chia uống 3 lần trong ngày. Hoặc bạch cúc 10g, hoa hoè 8g, lạc nhân (đậu phộng) 3g. Sắc uống ngày một thang, uống trong 7 ngày liền.

- Suy tim: Sắc 300g hoa cúc, lấy nước sắc kỹ thành cao. Mỗi lần uống khoảng 20 - 25ml ngày 2 lần.

- Mỡ máu cao, béo phì: hoa cúc, sơn tra phiến, thảo quyết minh, mỗi vị 15g, sắc kỹ với 500ml chia uống 3 lần trong ngày.

- Hoa mắt chóng mặt: bạch cúc, hoa thiên lý mỗi vị 10g, ngải cứu 12g, rau má, lá đinh lăng mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang chia 3 lần, uống liền 5 ngày.

- Đau đầu: bạch cúc 9g, hoa nhài 3g, rau má 10g, cúc bách nhật 5g. Sắc uống ngày một thang chia 3 lần, uống liền 3 - 5 ngày.

Kiêng kỵ: Người bị tỳ vị hư hàn, đau dạ dày, biếng ăn, đi lỏng, không dùng, nếu buộc phải dùng thì dùng ít.  Nước hoa cúc.

Lương y: Hoài Vũ

Thuốc Nam chữa bệnh trong mùa hè

Mùa hè đến, do thời tiết nắng nóng nhiều nên nhiệt độ môi trường tăng làm ảnh hưởng đến sức khoẻ mọi người, nhất là người cao tuổi và trẻ em dễ bị say nắng, cảm mạo, các bệnh đường ruột, nhiễm khuẩn phát triển. Để đề phòng các bệnh trên cũng như chữa bệnh kịp thời ngay tại nhà, các gia đình nên có sẵn một số vị thuốc Nam sau đây để sử dụng:

- Gừng sống (Đông y gọi là sinh khương): gừng có tác dụng tán hàn giải biểu, ôn trung làm hết nôn, cầm đi lỏng do điều lý được trung tiêu, tán vị hàn, ôn phế chỉ ho, giải độc, chóng mặt hoa mắt do huyết áp thấp…

Cách dùng: nếu bị nôn mửa do đờm ẩm dùng cùng bán hạ, do lạnh dùng với trần bì, có thể dùng riêng gừng sống nhai nuốt, chiêu bằng nước nóng hoặc giã nát vắt lấy nước uống.

Nếu bị ho do phong hàn dùng với tử tô, hạnh nhân, trần bì. Trường hợp mới bị ngứa cổ, ho chỉ cần nhai và ngậm gừng sống là đủ.

Bị ngộ độc cua cá (hải sản), dùng độc vị hoặc dùng với tử tô, nam tinh, bán hạ.

- Kinh giới (Đông y gọi là kinh giới tuệ): bộ phận dùng là cành lá và hoa. Tính bình vào kinh phế, có tác dụng giải biểu khu phong, chỉ huyết. Dùng để chữa cảm mạo phong hàn không có mồ hôi…

Cách dùng:

- Nếu bị cảm mạo do phong hàn không có mồ hôi, dùng kinh giới với phòng phong, khương hoạt.

- Nếu bị cảm mạo do phong nhiệt, dùng với ngân hoa, bạc hà, liên kiều.

- Cấp cứu trúng phong: dùng độc vị kinh giới tuệ tán mịn hoà với rượu uống.

- Nếu bị mẩn ngứa nhiều hoặc sởi đang mọc không tốt, dùng với thuyền thoái, ngưu bàng tử, ngân hoa, bạc hà.

- Chỉ huyết (cầm máu): hoa kinh giới sao thành than để chữa các chứng chảy máu (nôn ra máu, ỉa ra máu, đái ra máu), ho ra máu, chảy máu cam, rong kinh… dùng với trắc bá diệp sao đen, hoa hoè sao đen. Sắc đặc để uống.

Liều dùng: nếu dùng tươi 30g/ngày. Nếu dùng khô (sao vàng) 8 – 16g.

Kinh giới.
Một số bài thuốc có kinh giới:
Bấm vào cửa sổ xem Hình

- Kinh giới 16g, tía tô 10g. Sắc uống chữa cảm mạo không ra mồ hôi.

- Kinh giới, bạc hà mỗi vị 8g, ngân hoa 16g, lá tre 16g, cam thảo đất 12g để giải biểu, chữa cảm mạo do phong nhiệt.

- Cát căn 6g, kinh giới 6g, phòng phong 6g, cát cánh 6g, ngưu bàng tử 6g, tiền hồ 6g, liên kiều 6g, kim ngân hoa 6g để tuyên thấu độc sởi, chữa sởi thời kỳ đầu.

- Bạc hà: Bộ phận dùng: lá, cành non, tính vị cay, tân lương, thơm, vào kinh phế, kinh can.

Công dụng: sơ phong thanh nhiệt, tán phong nhiệt ở thượng tiêu, ở hầu họng, mắt, sơ can giải uất, hành khí. Có tác dụng chữa ngoại cảm phong nhiệt, họng đau do ngoại cảm, đau đầu, mắt đỏ, phong chẩn, ngứa, chứng chẩn phát ra khó khăn ở bệnh sởi… Liều dùng: từ 2 – 6g.

- Phương thuốc có bạc hà: bạc hà 6g, kinh giới 8g, ngân hoa 16g, trúc diệp 16g, cam thảo sống 4g (sắc uống). Tác dụng chữa ngoại cảm phong nhiệt.

- Tang diệp 16g, cúc hoa 12g, bạc hà 8g, kinh giới 10g, mạn kinh tử 12g (sắc uống). Chữa đau đầu, viêm họng, đau mắt do phong nhiệt.

- Tía tô (còn gọi là tử tô, tử tô diệp, tô ngạnh).

- Tử tô: cành non của cây tía tô.

- Tử tô diệp: lá của cây tía tô.

- Tô ngạnh (tử tô ngạnh): cành non hoặc cành già cây tía tô.

Công dụng: phát tán phong hàn, hành khí, an thai, giải độc. Chữa ngoại cảm phong hàn, khí trệ ở tỳ vị, chữa đau bụng, nôn mửa, dị ứng do cua cá.

Có sách viết: 'Tử tô tán hàn khí, thanh phế khí, khoan trung khí, an thai khí, hạ kết khí, hoá đờm khí, nãi trị khí chi thần dược'.

- Liều dùng: 6 – 12g.

Phương thuốc có tử tô:

- Tô diệp 8g, hương phụ 8g, trần bì 8g, cam thảo 2g. Sắc uống ngày 2 lần để chữa cảm phong hàn có nôn mửa.

- Tô diệp tươi 10g, gừng sống 8g, cam thảo 4g. Sắc uống để chữa đau bụng đi ngoài, mẩn ngứa.

- Tử tô, đương quy, xuyên khung, nhân sâm, trần bì, đại phúc bì, cam thảo, gừng sống mỗi vị 6 – 8g để chữa thai khí nghịch lên bụng, đau bụng, đau đầu. Sắc uống ngày 1 thang.

- Nhân sâm 10g, tô diệp 10g, cát căn 10g, tiền hồ 10g, trần bì 8g, bán hạ 10g, chỉ xác 8g, phục linh 10g, cát cánh 8g, cam thảo 8g để ích khí giải biểu trị ho, hóa đờm, người yếu bị ngoại cảm phong hàn.

(Theo suckhoe-doisong)