Lưu trữ cho từ khóa: ho từng cơn

Vì sao bị ho kéo dài?

Con tôi 12 tuổi, cháu bị ho đã 4 tuần nay mà chưa khỏi. Cháu không ho về đêm mà ho tăng lên khi bị căng thẳng hay lo lắng. Xin hỏi, vì sao con tôi có biểu hiện này, cháu nên đi khám ở đâu?Nguyễn Hoàng Quỳnh Hoa (Nam Định)Ho là một phản xạ tốt của cơ thể nhằm làm sạch hoặc tống dị vật ra khỏi đường hô hấp. Tuy nhiên, nếu bị ho liên tục trên 4 tuần thì được gọi là ho kéo dài và có rất nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này, có thể do nguyên nhân tại phổi hoặc ngoài phổi như viêm mũi xoang, viêm tai, trào ngược dạ dày – thực quản, bệnh tim mạch,… hoặc cũng có thể do nguyên nhân tâm lý, ô nhiễm môi trường. Một số gợi ý có thể xác định nguyên nhân của ho là: nếu ho từng cơn đỏ mặt có thể do ho gà, dị vật đường thở; ho có đờm có thể do dị ứng, hen; ho sau khi vận động là biểu hiện của hen phế quản; ho nhiều về đêm do viêm mũi xoang hoặc hen; không ho khi ngủ có thể chỉ do tâm lý… Trong trường hợp trẻ bị ho kéo dài cần được khám cụ thể tại chuyên khoa tai – mũi – họng hoặc hô hấp, được làm một số xét nghiệm như kiểm tra chức năng hô hấp, nội soi phế quản khi nghi ngờ dị vật, chụp xoang, chụp Xquang phổi, xét nghiệm huyết thanh tìm vi trùng… nhằm xác định nguyên nhân mới có biện pháp điều trị thích hợp. Nếu đã loại trừ các nguyên nhân trên mà trẻ vẫn bị ho nhiều, ho khan, không ho về đêm, ho tăng khi căng thẳng, lo lắng, có hoặc không kèm theo máy giật ở mắt thì có thể chỉ là ho do tâm lý thì cần được khám, điều trị ở chuyên gia tâm lý.

Theo suckhoedoisong

Viêm họng có những biến chứng gì?

* Cháu thường xuyên bị viêm họng. Cháu nghe nói bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Xin quý báo cho biết cháu phải chữa trị thế nào để tránh được các biến chứng đó? (Lê Thanh Tâm - Hải Dương)

- Họng là một cơ quan đặc biệt của cơ thể, hằng ngày, hằng giờ nó luôn phải tiếp xúc với nhiều nguy cơ gây viêm nhiễm, do vậy viêm họng là bệnh hay gặp và phổ biến ở mọi lứa tuổi, mọi nơi, mọi mùa. Nếu cháu thường xuyên bị viêm họng thì rất có thể cháu bị viêm họng mạn tính.

Các biểu hiện lâm sàng thường ít, không ảnh hưởng đến toàn thân, không sốt, người chỉ cảm thấy mệt mỏi. Dấu hiệu quan trọng nhất là rát họng, nuốt vướng, đặc biệt là dấu hiệu ho từng cơn hoặc liên tục, ho nhiều, ho khan hoặc có thể có ít đờm làm người bệnh khó chịu phải khạc nhổ liên tục. Khám thực thể không phát hiện gì đặc biệt, chỉ có thể thấy tình trạng sung huyết đỏ, xuất tiết như nước cháo, nước hồ dính ở thành sau họng hoặc các tổ chức lympho phát triển mạnh ở thành sau họng, mà người ta gọi là viêm họng quá phát hoặc viêm họng hạt.

Những biến chứng có thể xảy ra của các loại viêm họng nói chung là:

- Các biến chứng tại chỗ gây áp-xe hoặc viêm tấy quanh họng, viêm tấy quanh amidan, ở trẻ nhỏ có thể gây áp-xe thành họng.

- Những biến chứng gần có thể gây ra viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa. Ngoài ra viêm họng còn lan xuống thanh quản gây viêm thanh quản hoặc viêm cả thanh, khí, phế quản hoặc viêm phổi.

- Các biến chứng xa gây viêm cầu thận, viêm khớp, viêm màng ngoài tim...

Với viêm họng mạn tính, để điều trị bệnh, người ta có thể can thiệp bằng cách đốt hạt bằng muối bạc, bằng axít chromic, đốt điện, đốt bằng laser CO2 hoặc bằng nitơ bạc. Tuy nhiên các biện pháp phòng bệnh là quan trọng hơn cả.

Cháu cần giữ ấm cổ, ngực, vệ sinh răng miệng, không sử dụng các chất kích thích, tránh khói bụi, bồi dưỡng sức khỏe để tránh bệnh bị tái phát.

(Theo SK&ĐS)

Mùa lạnh, cảnh giác với bệnh viêm thanh quản

Viêm thanh quản là tình trạng viêm phù nề, sung huyết hoặc thoái hóa niêm mạc của thanh quản, nhất là dây thanh. Thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi cho bệnh tiến triển và có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Viêm thanh quản có hai loại: viêm thanh quản cấp và viêm thanh quản mạn.

Viêm thanh quản cấp

Viêm thanh quản cấp gặp không nhiều, chỉ chiếm khoảng 1,2% số bệnh nhân đến khám tai mũi họng. Bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng thay đổi tùy theo từng nguyên nhân gây bệnh. Viêm thanh quản cấp hay gặp ở trẻ em nhiều hơn người lớn, nam giới chiếm số lượng bệnh nhân đông hơn nữ giới.

Thời tiết thay đổi, đặc biệt là chuyển khí hậu nóng sang lạnh là yếu tố thuận lợi của bệnh viêm thanh quản cấp. Viêm nhiễm có thể lan nhanh từ mũi họng xuống thanh quản hoặc ngược lại.

Qua nghiên cứu người ta phát hiện nguyên nhân gây viêm thanh quản cấp chủ yếu là do virut: influenza, virut APC, Myxovirus, virut cúm, á cúm…ngoài ra có thể gặp liên cầu ß tan huyết nhóm A, tụ cầu, phế cầu khuẩn…

Triệu chứng của viêm thanh quản cấp: Sốt khởi đầu cho quá trình bệnh nhưng nhiệt độ thường không cao lắm: 38-39˚C. Bệnh nhân than phiền là gai rét, đau mình mẩy giống như bị cúm; cổ họng người bệnh rát bỏng, cảm giác rát đôi khi lan xuống tận vùng trước ngực; kèm theo người bệnh hắt hơi rồi chảy nước mũi trong, sau 2-3 ngày xuất hiện khàn tiếng hoặc mất tiếng; ho húng hắng hoặc ho từng cơn dài, sau cơn ho khàn tiếng càng nặng. Ho lúc đầu khan sau chuyển thành ho có đờm trắng đục, vàng xanh cùng màu của dịch tiết ở mũi lúc này. Bệnh nhân thường không thấy khó thở; khi khám các bác sĩ sẽ thấy hai dây thanh sung huyết đỏ, phù nề, nhiều dịch tiết trên bề mặt dây thanh, khi phát âm hai dây thanh không khép kín.

Diễn biến bệnh: Viêm thanh quản cấp thông thường tự khỏi sau 1 tuần hoặc chỉ cần điều trị triệu chứng và nâng cao thể trạng do nguyên nhân của bệnh đa phần là virut; một số trường hợp do vi khuẩn cần phải sử dụng kháng sinh, chống viêm, giảm ho…; trường hợp đặc biệt nếu không điều trị kịp thời, bệnh chuyển thành viêm khí - phế quản. Lúc này bệnh nhân ho tăng lên tuy khàn tiếng có thể giảm hoặc hết nhưng lại xuất hiện khó thở, thở có tiếng rít, thể trạng bệnh nhân suy yếu dần.

Một số đặc điểm cần lưu ý: Ở trẻ dưới 1 tuổi rất cẩn trọng bởi niêm mạc thanh quản trẻ em rất dễ phù nề đặc biệt là vùng dưới niêm mạc nên hay gặp khó thở, thanh quản nặng, nhất là viêm thanh quản đi kèm với phù nề ở vùng hạ thanh môn gây khó thở dữ dội. Trường hợp này cần được điều trị tại cơ sở tai mũi họng có khả năng mở được khí quản.

Xử trí: viêm thanh quản cấp có 60 - 80% nguyên nhân là do virut vì thế việc sử dụng corticoid liều cao ngắn ngày được coi là có hiệu quả tốt. Bên cạnh đó có thể kết hợp với nhóm chống viêm, giảm phù nề, chống dị ứng.

Giữ ấm, chườm nóng vùng cổ cũng cần thiết. Có thể kết hợp với khí dung họng - thanh quản bằng hỗn hợp dung dịch thuốc kháng sinh, chống viêm, chống phù nề như hydrocortisol, gentamycine,α chymotrypsine.

Hạn chế nói trong 3-5 ngày.

Khám tai mũi họng cho trẻ.

Viêm thanh quản rít

Viêm thanh quản rít còn được gọi là bệnh bạch hầu giả hiệu. Đây là bệnh chỉ thấy ở trẻ em và cơn khó thở xảy ra vào đêm. Nguyên nhân là do viêm nhiễm mũi họng xảy ra trên cơ địa trẻ dễ bị co thắt.

Bệnh xuất hiện ở trẻ từ 2 - 6 tuổi. Trẻ bị chảy mũi, ngạt mũi, ho nhẹ nhưng vẫn ăn chơi bình thường vài hôm. Rồi đột nhiên một hôm vào nửa đêm trẻ khóc thét, cả nhà thức dậy thấy trẻ giãy giụa, ngạt thở, mắt trợn, mặt tím bầm, ho ông ổng. Trẻ có biểu hiện của một khó thở thanh quản điển hình: khó thở chậm thì thở vào kèm theo tiếng rít khi thở vào. Tiếng nói khàn. Cơn khó thở kịch phát ngắn trong 5 - 10 phút sau đó bớt dần, trẻ nằm yên, thở đều đặn, mặt mũi hồng trở lại. Sáng hôm sau trẻ lại chơi đùa như không có bệnh gì. Cơn khó thở đột ngột tái diễn 1-2 lần nữa trong những đêm sau nhưng đều kết thúc tốt.

Khám họng thấy vòm họng có tổ chức VA quá phát, thanh quản đỏ nhẹ, có thể phù nề vùng hạ thanh môn.

Xử trí: trong cơn khó thở nhỏ mũi bằng adrenalin 0,1%, an thần, chườm nóng vùng cổ.

Viêm thanh quản mạn tính

Viêm thanh quản mạn tính là bệnh thường gặp ở một số nghề phải sử dụng giọng như một công cụ lao động: giáo viên, ca sĩ, người bán hàng hoặc trẻ em sử dụng giọng quá mức... Biểu hiện trên lâm sàng chủ yếu là khàn tiếng và nói chóng mệt. Khám thấy niêm mạc dây thanh đỏ nhẹ, có những mạch máu nhỏ chạy dọc theo bờ tự do của hai dây thanh, có thể thấy hình ảnh hạt xơ dây thanh - hậu quả của viêm thanh quản cấp nhiều đợt mà không được điều trị thích hợp.

Để điều trị dùng các thuốc chống viêm, chống phù nề... Người bệnh tập thở bụng thường xuyên để có khả năng sử dụng luồng hơi tối đa từ phổi khi phát âm, luyện cách phát âm dưới sự hướng dẫn của chuyên gia ngôn ngữ...

Nếu có tổn thương thực thể như hạt xơ dây thanh, polýp… thì cần phải phẫu thuật.

Để phòng bệnh không nên ăn quá cay hoặc quá lạnh. ThS. Phạm Thị Bích Đào

Ung thư phế quản – phổi

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mớiUng thư phế quản - phổi là một trong những loại ung thư khó chữa, thường bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn...

Những biểu hiện

Những biểu hiện ở thời kỳ đầu cần lưu ý đó là, những người trên 35 tuổi, có triệu chứng ho dai dẳng, đặc biệt là ho từng cơn không dứt, trong thời gian ngắn không tìm ra được nguyên nhân; sau khi bị cảm mạo hay viêm khí quản, chữa trị mãi mà không hết chứng ho và triệu chứng càng lúc càng trầm trọng; khạc đàm thường có dính máu, lồng ngực thỉnh thoảng đau nhức dữ dội không có chỗ cố định; từng bị bệnh lao phổi hoặc viêm khí quản mãn tính, những cơn ho có tính cách quy luật thình lình thay đổi; trước không có phát rét hay phát sốt, đột nhiên hơi thở trở nên ngắn, tức ngực, lồng ngực chứa nước; có bệnh viêm phổi không dứt hẳn, triệu chứng trở đi trở lại hoặc càng lúc càng nặng; đau thấp khớp mà không rõ nguyên nhân, cơ bắp đau nhức dữ dội không dứt, đau tuy có phát sốt nhưng triệu chứng toàn thân không rõ; những người đã hút thuốc một thời gian dài, trong gia tộc có người cũng bị bệnh ung thư, công việc hằng ngày thường xuyên tiếp xúc với chất độc hại.

Ở thời kỳ sau của bệnh, triệu chứng thường gặp là ho dữ dội, đàm có máu hoặc ho ra máu tươi, ngực đau nhói, phát sốt, thở khó, các khớp xương, cơ bắp thịt, thần kinh đau nhức...

Chữa trị theo cổ truyền

Theo lương y Hoài Vũ, ung thư phế quản - phổi là một trong những loại ung thư khó chữa, phần lớn bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn. Chỉ có khoảng 10% số bệnh nhân sống trên 5 năm. Ở phương diện y học cổ truyền, việc chữa trị dựa theo từng thể bệnh, mà có những bài thuốc dùng thích hợp. Chẳng hạn, với thể âm hư đờm nhiệt - triệu chứng lâm sàng là ho ít đờm hoặc đờm trắng dính tí máu, miệng khô, sốt buổi chiều, ra mồ hôi trộm, người gầy ốm..., thì phép trị là 'dương âm nhuận phế, thanh hóa đờm nhiệt', bài thuốc dùng gồm các vị thuốc: bắc sa sâm 16g, mạch môn 12g, thiên môn 12g, thạch hộc 12g, tang bạch bì 12g, sinh địa 12g, huyền sâm 12g, qua lâu nhân 6g, tử uyển 12g, ngư tinh thảo 12g, bán chi liên 12g, sơn đậu căn 12g, lô căn 12g, ý dĩ 20g, tỳ bà diệp 12g, đông qua nhân 12g, a giao 8g, xuyên bối mẫu 8g, hái cáp xác 20g, sinh thạch cao 8g.

Với thể khí âm hư - triệu chứng lâm sàng gồm ho nhỏ tiếng ít đờm, đờm lỏng nhớt, khó thở, tiếng nói nhỏ, mệt mỏi, ăn ít, gầy ốm, miệng khô, chất lưỡi đỏ..., thì phép trị là 'ích khí dưỡng âm, thanh nhiệt hóa đàm', bài thuốc dùng gồm: đảng sâm 20g, mạch môn 12g, hoài sơn 12g, thục địa 8g, xuyên bối mẫu 8g, ngũ vị 6g. Với thể huyết ứ trệ - triệu chứng lâm sàng gồm khó thở, sườn ngực đau tức, váng đầu, ho đàm khó khạc, đàm có dính máu, dãn tĩnh mạch thành ngực hoặc tràn dịch màng phổi, môi lưỡi tím đỏ, rêu lưỡi mỏng vàng..., phép trị là 'hành khí hoạt huyết, hóa đàm, nhuyễn kiên', bài thuốc dùng trong trường hợp này gồm: hạ khô thảo 20g, hải tảo 20g, bối mẫu 12g, xích nhược 12g, đương quy 12g, xuyên sơn giáp 12g, hồng hoa 6g, qua lâu 6g.

Cách sắc (nấu) những bài thuốc trên như sau: nước đầu cho các vị thuốc cùng 3 chén nước (độ 750 ml) nấu còn 250 ml; nước hai cũng cho nước vào nấu như trên và để còn 250 ml; hòa hai nước lại, chia làm 3 lần dùng trong ngày.

Theo Thanh Niên

Phòng tránh viêm họng mùa hè

Viêm họng mùa hè do nhiều nguyên nhân, trong đó phần lớn là do virus (80%), 20% do các vi khuẩn.

Khi bị viêm họng cấp, trẻ có biểu hiện sốt, mệt mỏi, thường sốt đột ngột 39-400C, kém ăn, quấy khóc kèm theo có ho. Có thể ho từng cơn, ho có đờm, nhầy, lúc đầu trắng sau đặc vàng có mùi hôi, thay đổi tiếng nói. Ở người lớn hay gặp viêm họng mãn tính. Nguyên nhân chủ yếu là các yếu tố như rượu, thuốc lá, hơi độc, khói, bụi. Bệnh nhân mệt mỏi kèm theo rát họng, nuốt vướng, kèm theo ho từng cơn hoặc liên tục, ho nhiều, ho khan, có thể có ít đờm làm bệnh nhân rất khó chịu, phải khạc nhổ suốt ngày. Biến chứng tại chỗ như gây áp xe hoặc viêm tấy quanh họng, viêm tấy quanh amidan. Ở trẻ nhỏ có thể gây áp xe thành sau họng.

Những biến chứng gần có thể gây ra viêm mũi, viêm xoang, đặc biệt ở trẻ em là viêm tai giữa, viêm thanh, khí, phế quản hoặc viêm phổi. Những biến chứng xa gây viêm cầu thận, viêm khớp, viêm màng ngoài tim... Viêm họng cấp tính do virus không cần dùng kháng sinh, chỉ cần các thuốc hạ nhiệt như efferagan, paracetamol, aspegic... và chỉ dùng khi nhiệt độ lớn hơn 380 C. Ngoài ra, có thể dùng các thuốc giảm ho như: Siro phenergan, ho bổ phế, theralen... Với viêm họng do vi khuẩn, cần phải dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Có thể dùng xông họng, khí dung bằng các loại kháng sinh, kháng viêm. Với viêm họng mãn tính, súc họng bằng các dung dịch kiềm. Một số trường hợp cần đốt hạt ở họng bằng muối bạc (NO3 Ag), axit chromic, đốt điện, lazer C02  hoặc nitơ bạc.

http://www32.24h.com.vn/upload/news/2009-06-17/1245200458-viem-hong-ngay-he-1.jpg

Đề phòng viêm họng trong ngày hè, nên để trẻ nằm ngủ trong các phòng có nhiệt độ điều hoà và giữ chúng ở mức độ mát mẻ dễ chịu (22-250 C). Nếu nằm quạt, các bà mẹ chỉ nên cho trẻ nằm quạt tốc độ lớn trong thời gian ngắn giúp trẻ dễ ngủ, sau đó giảm dần cường độ. Quạt phải luôn được quay thay đổi hướng gió. Việc lau hoặc đắp khăn ướt lên người sẽ tốt hơn vì nước giúp cho việc hạ nhiệt nhiều hơn qua bay hơi và không làm cho da bị khô quá do mất nước. Chỉ nên uống nước mát chứ không quá lạnh nếu bạn không muốn vị viêm họng, viêm xoang và viêm phổi - phế quản. Những trường hợp viêm họng, hầu hết có thể điều trị bằng cách súc miệng với nước muối (hay mật ong với trẻ nhỏ), tránh nhiễm lạnh tiếp tục. Rất ít trường hợp phải dùng đến kháng sinh, trừ khi viêm nhiễm quá nặng. Vì vậy, đừng tự tiện dùng kháng sinh khi viêm họng kẻo nhờn thuốc và gây hậu quả không tốt.

Theo 24h.com.vn