Ba Vì, nơi được ví là cái “rốn sữa” của cả nước, đang ngày một thay da đổi thịt nhờ nghề nuôi bò sữa. Vài năm trở lại đây, rất nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo và trở thành những triệu phú nông dân kể từ khi gắn bó với nghề nuôi bò theo mô hình nông trại bò sữa Việt.
Từng trắng tay vì “bão Melamin”
Anh Nguyễn Xuân Khanh được mọi người biết đến là một trong những triệu phú thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm nhờ bò sữa tại Phú Châu, Ba Vì. Đến thăm đàn bò 27 con của anh Khanh, chúng tôi được chứng kiến quy trình nuôi bò sữa nông hộ rất chuyên nghiệp: chuồng bò sạch tinh tươm, máy vắt sữa, dụng cụ vắt sữa được sắp xếp gọn gàng trên giá để đồ, có cả bảng lịch vệ sinh, vắt sữa và cho bò ăn. Kế đó là một dinh cơ rất khang trang khiến mọi người đều trầm trồ.
Ít ai ngờ cách đây 5 – 6 năm, nơi đây chỉ là một căn nhà lụp xụp, tường vách chưa kịp trát vữa, hai vợ chồng phải chạy ăn từng bữa cho bò và cho 5 miệng ăn, con cái nheo nhóc, món nợ vay ngân hàng đè nặng trên vai. Nhớ về chặng đường lập nghiệp không ít gian nan của mình, gương mặt anh Khanh có phần đăm chiêu. Sinh ra và lớn lên với nghề nông, anh bươn trải mọi cách cũng chỉ đủ miếng ăn. Vợ chồng anh từng chắt chiu vay mượn mua được chiếc xe công nông chạy thuê kiêm bán vật liệu xây dựng. Nghề cực nhọc, song chỉ sau một cú lừa quỵt nợ, hai vợ chồng thành tay trắng.
Với tính hay lam hay làm, gia đình anh Khanh sau đó đã cuốn vào làn sóng nuôi bò của Ba Vì. Anh nhớ lại: “Khi đó tôi đặt nhiều hy vọng vào bò sữa lắm. Nhưng vì chẳng có kinh nghiệm, đàn bò ba con của nhà tôi bị viêm tuyến vú triền miên, sản lượng sữa thấp.” Chưa kịp trang trải vốn liếng vay ngân hàng thì bất ngờ cơn “bão Melamin” năm 2008 tràn tới xô ngã hàng loạt đàn bò của các nông hộ nuôi theo kiểu tự phát. Cũng như rất nhiều dân Ba Vì đắm đuối với bò sữa, vợ chồng anh Khanh ứa nước mắt khi hàng thùng sữa vắt ra không bán được phải đem đổ đi, trong khi bò thì vẫn phải cho ăn hàng ngày. Cực chẳng đã, họ phải bán tống bán tháo đàn bò. Giấc mơ bò sữa sụp đổ, nhưng vẫn còn đó nợ ngân hàng chưa trả hết.
Cuộc đổi đời từ mô hình Nông Trại bò sữa Việt
Năm 2009, khi đang trong tình trạng bế tắc thì có thông tin về chính sách hỗ trợ cho nông dân nuôi bò theo mô hình Nông Trại bò sữa Việt của công ty Cổ phần Sữa Quốc Tế (IDP), niềm đam mê bò sữa của anh Khanh lại bùng lên. IDP cho dân vay 20 triệu VNĐ/ con, hỗ trợ mỗi hộ 3 triệu đồng mua thùng xô chậu inox và khăn lau, khăn lọc sữa; 10 triệu đồng mua máy vắt sữa, 3 triệu đồng xây hố phân xa chuồng để bảo đảm vệ sinh. Tất cả không tính lãi, mà trả dần bằng sản phẩm. IDP còn đào tạo kiến thức nuôi bò chuẩn cho nông dân; hàng ngày cử các cán bộ thực địa xuống tận nhà dân thăm nom, giám sát, hướng dẫn cách chăm sóc bò, vệ sinh chuồng trại, tư vấn về thức ăn, thú y, gây giống…
Anh đem bàn ý định quay lại nghề nuôi bò sữa với vợ thì bị gạt đi – dư chấn “bão Melamin” với hàng thùng sữa tươi đổ phí mỗi ngày khiến chị sợ hãi. Nhưng anh Khanh rất tin tưởng vào thành công vì ngoài hỗ trợ vốn và kỹ thuật, IDP sẽ thu mua sữa ổn định với giá cao. Anh lặng lẽ đăng ký vay mượn để mua một đôi bò sữa, rồi đi học không sót một buổi phổ biến kiến thức nào của IDP. Thức đêm dậy sớm với 2 con bò, chỉ sau 1 năm anh đã có lãi, trả được cả món nợ của “bão Melamin”. Anh hào hứng kể, “Khi nuôi theo bộ tiêu chuẩn của Nông Trại bò sữa Việt, bò hiếm khi bị bệnh, béo khỏe và cho sữa rất năng suất. Khi đó vợ tôi vững dạ, chúng tôi mạnh dạn vay vốn của Công ty IDP để mua thêm 4 con bò nữa, nhờ vậy thu nhập bình quân đã tăng 30 triệu đồng/ tháng.”
Anh Nguyễn Xuân Khanh và nông trại đã được cấp giấy chứng nhận nông trại bò sữa Việt - Love'inFarm (Ảnh được cung cấp bởi Love'inFarm)
Thu nhập 30 triệu/ tháng là con số trong mơ của gia đình anh, bởi trước đó thời điểm kiếm tiền khấm khá nhất anh chị cũng chỉ đạt 3 triệu/ tháng. Họ mạnh dạn thuê được 2 hecta trồng cỏ cho bò và đến 2011 đàn bò tăng lên 22 con, trong đó có 14 con khai thác sữa với sản lượng bình quân 250 kg/ ngày, trừ chi phí mỗi tháng anh bỏ ra 40 triệu đồng – mức thu nhập mà không ít người thành thị cũng phải ao ước. Năm 2012, tổng đàn bò là 27 con, dự kiến đến cuối 2013 anh sẽ có 40 con bò sữa và thu nhập sẽ tăng xấp xỉ gấp đôi. Rất nhiều bạn bè, họ hàng anh Khanh tham gia mô hình Nông Trại bò sữa Việt sau khi tận mắt chứng kiến sự đổi đời của gia đình anh.
Ngắm đàn bò béo mượt, giọng anh Khanh xúc động: “Bò sữa đã làm thay đổi cuộc sống của gia đình tôi. Nếu không đến với nghề này, có lẽ tôi khó lòng chăm lo được cho các con như ngày hôm nay”. Anh có ba con, một cháu tốt nghiệp đại học, một cháu đang học đại học và một cháu học cấp 3. Vừa qua, anh lo việc làm nơi ăn chốn ở cho con đầu hết 300 triệu, chính từ tiền bán sữa.
Anh Khanh khẳng định, rất nhiều gia đình đổi đời nhờ mô hình Nông Trại bò sữa Việt. Chương trình này của IDP nhằm phát triển mở rộng số lượng và chất lượng đàn bò sữa theo mô hình nông trại bò sữa Việt do chính người nông dân làm chủ tại Ba Vì và vùng phụ cận giai đoạn 1 từ 2009-2012 đã thực sự làm nghề nuôi bò sữa hồi sinh trên vùng đất Ba Vì: 35 tỷ đồng đã đến tay người nông dân, nhờ vậy đàn bò tăng trưởng 300% so với năm 2008.
Sản phẩm sữa tươi và sữa chua Love'inFarm được làm từ nguồn sữa tươi nguyên liệu của những nông trại bò sữa Việt (Ảnh được cung cấp bởi Love'inFarm)
Nông Trại bò sữa Việt giúp nguồn nguyên liệu sữa tươi nội dồi dào và nâng cao về chất lượng. Và điều quan trọng là qua đó người dân làm chủ được kỹ thuật tiên tiến, tiếp cận được nguồn vốn, biến nghề này thực sự trở thành một mô hình phát triển kinh tế bền vững, làm xuất hiện ngày càng nhiều triệu phú bò sữa.